Header Ads

Quan Hệ Giữa Nước Mỹ và Greenland


Greenland là một hòn đảo lớn nhất thế giới nằm ở phía đông quần đảo bắc cực của Canada. Tuy diện tích rộng tới 2,166,086 km2, nhưng 3/4 đảo bị phủ băng quanh năm như Bắc cực.

Về địa lý thiên nhiên, đảo thuộc Bắc Mỹ nhưng về địa lý nhân văn, đảo chịu ảnh hưởng châu Âu, đặc biệt là Na uy, Đan mạch và đảo quốc Iceland [ở đông nam Greenland].

Dân số theo kết quả kiểm tra năm 2020 chỉ có 56,081 người. Cư dân đa số là sắc tộc Inuit. Tổ tiên của họ từ Alaska di cư sang Canada rồi từ Canada định cư khắp Greenland vào Thế Kỷ (TK) 13.

Ngày nay dân cư tập trung ở bờ biển tây nam hoặc sống rải rác ở các nơi khác. Thủ phủ, cũng là thành phố lớn nhất, là Nuuk ở tây nam của đảo.Thủ phủ Nuuk đã đăng cai Thế vận hội mùa đông năm 2016.
Greenland gồm 5 quận và 2 khu riêng biệt là Công viên quốc gia ở đông bắc và Căn cứ Không quân Thule. Căn cứ này do Không lực Mỹ điều hành nhưng dưới quyền kiểm soát của chính quyền Đan mạch.

Tại sao gọi là Greenland ?

Theo truyện dài [saga] của đảo quốc Iceland, một cư dân Iceland gốc Na uy tên là Erik the Red bị lưu đày vì tội giết người. Cùng đại gia đình và thuộc hạ, Erik căng buồm thám hiểm hòn đảo được biết là bị đóng băng ở phía tây bắc. Sau 3 năm thám hiểm [983-986] Erik tìm thấy một địa điểm có thể định cư và đặt tên đảo là Greenland với hy vọng tên gọi thích hợp này sẽ hấp dẫn những người khác tới định cư.

Thật ra quảng cáo này không sai. Vào TK10 thời tiết ở Greenland ấm hơn ngày nay. Nhiều đảo ngoài bờ biển phía tây rợp bóng chim bay, biển thuận lợi cho nghề đánh cá và ngay cả bờ biển Greenland có nhiều thủy lộ an toàn cho tàu thuyền neo đậu. Dọc theo các thủy lộ là những cánh đồng cỏ với những cây liễu, birch, juniper và dâu dại xanh tươi.

Người Iceland và Na uy tới Greenland lập thuộc địa. Trong 3 thế kỷ, các thuộc địa này rất thịnh vượng.
Tuy nhiên tới giữa TK14 thời tiết bắc Đại tây dương trở nên lạnh khắc nghiệt; các thuộc địa bắt đầu giải thể, cho tới cuối TK15 thì hoàn toàn tan rã.

Các thung lũng xanh bị băng phủ kín, chỉ còn bộ tộc Inuit tiếp tục sống trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu.

Các chính thể nối tiếp trên đảo Greenland

Năm 1261, khi các thuộc địa của Iceland và Na uy còn đang thịnh vượng, người Na uy ở Greenland phục tùng vương triều Na uy.

Vương quốc Na uy và Đan mạch liên hiệp với nhau năm 1380 do quan hệ hoàng tộc. Từ liên hiệp này, Đan mạch được thừa hưởng chủ quyền trên Greenland.

Khi các thuộc địa ở Greenland tan rã, các vương quyền Đan mạch không bao giờ quên hoặc từ bỏ chủ quyền trên đảo này.

Năm 1721 Đan mạch xác nhận chủ quyền trên Greenland sau khi tái tiếp xúc với đảo.

Liên hiệp Na uy và Đan mạch giải thể năm 1814, hiệp ước Kiel chính thức quy định các thuộc địa cũ của Na uy trên Greenland thuộc chủ quyền Đan mạch.

Vào đầu Thế chiến 2, Đức quốc xã chiếm đóng Đan mạch khiến Greenland và Đan mạch phân cách nhau kể từ ngày 9/4/1940.

Ngày 8/4/1941 Mỹ chiếm đóng Greenland để ngăn chặn Đức xâm lăng đảo. Trong thời gian Mỹ chiếm đóng [1941-1945], Greenland mua hàng hóa của Mỹ và Canada bằng cách bán cryolite từ mỏ ở Ivittuut.

Trước 1940, Greenland là một xã hội rất cô lập vì chính quyền Đan mạch áp dụng độc quyền thương mại với đảo. Tới Thế chiến 2, nhờ quan hệ với Đan mạch bị cắt đứt, đảo phát triển tự trị và giao thương với thế giới.

Cuộc cải tổ được thực hiện kiên nhẫn, tránh cực đoan.

Theo hiến pháp của Đan mạch năm 1953, Greenland không còn là thuộc địa mà trở thành một quận của Đan mạch. Dân cư trên đảo được cấp quốc tịch Đan mạch.

Năm 1979 đảo được trao quyền tự trị thu hẹp [home-rule], có quyền lập pháp nhằm kiểm soát vài chính sách nội bộ; riêng ngoại giao, quốc phòng và quản trị tài nguyên thiên nhiên vẫn thuộc quyền Đan mạch.

Ngày 21/6/2009 đảo được trao quyền tự trị nới rộng [self-rule], được tự trị về tư pháp và quản trị tài nguyên. Đan mạch vẫn duy trì quyền ngoại giao và quốc phòng.


Quan hệ giữa nước Mỹ và Greenland 

Ngày 8/4/1941 Mỹ chiếm đóng Greenland để ngăn chặn quân Đức. 

Mỹ lập 2 căn cứ Không quân đặt tên là Blue West-1 ở Narsarsuaq và Blue West-8 ở Sondre Stromfjord. Cho đến nay Greenland dùng 2 căn cứ này làm sân bay quốc tế.

Trong thế chiến 2, chính quyền trên đảo thay đổi. Thống đốc Eske Brun lên nắm quyền thay Thống đốc Aksel Svane. Cựu thống đốc được cử sang Mỹ chỉ huy cuộc tiếp vận cho đảo.

Năm 1942 quân thám báo Đan mạch tuần tra bờ biển phía đông bắc đảo bằng xe trượt tuyết do chó kéo, phát hiện nhiều đài khí tượng của Đức quốc xã. Quân đội Mỹ được thông báo, các đài này liền bị Mỹ phá hủy.

Tiếp theo Thế chiến 2, nước Mỹ khai triển lợi ích địa chính trị ở Greenland.

Năm 1946 Mỹ ngỏ ý mua Greenland từ Đan mạch với giá $100,000. Đan mạch từ chối.

Thật ra dự án mua  Greenland đã phôi thai từ năm 1867. Khi đó ngoại trưởng Mỹ là William H. Seward cùng cựu nghị sĩ Robert J. Walker nghiên cứu khả năng mua Greenland và Iceland.

Dự án được đưa ra Quốc hội nhưng bị Quốc hội chống đối.

Năm 1950 Đan mạch thỏa thuận cho Mỹ lập căn cứ Không quân Thule trên đảo Greenland. Căn cứ được mở rộng trong các năm 1951-1953. Dân cư 3 làng ở gần căn cứ phải rời xa 100km.

Mỹ bí mật xây cất hệ thống ngầm cho hỏa tiễn nguyên tử ở mũi băng [ice cap], đặt tên là Dự án Iceworm.

Theo tài liệu được giải mật năm 1996, dự án được điều khiển từ Camp Century từ 1960-1966, sau đó bị hủy bỏ vì vô hiệu. Hỏa tiễn không bao giờ được khai triển. Chính quyền Đan mạch cũng không biết chương trình này. Cho tới năm 1997 Đan mạch mới khám phá ra, khi Mỹ giải mật hồ sơ vụ máy bay B52 chuyên chở vũ khí nguyên tử bị rớt ở Thule năm 1968.

Theo WikiLeaks, sang TK21 Mỹ vẫn quan tâm tới cuộc đầu tư vào các cơ sở tài nguyên của Greenland. Hydrocarbon được dẫn tới bờ biển của đảo để cung cấp cho Mỹ. Greenland đóng góp 70%  năng lượng tái tạo [renewable energy] trên thế giới.

Tháng 8/2019 Tổng thống Trump đề nghị mua Greenland khiến Thủ tướng Kim Kielsen trả lời liền: "Đan mạch không rao bán Greenland và Greenland không thể bị bán. Tuy nhiên Greenland mở rộng thương mại và hợp tác với mọi quốc gia kể cả Mỹ".

Mở đầu nhiệm kỳ 2, Tổng thống Trump lập lại ý định mua Greenland và Đan mạch cũng phản ứng như năm 2019.

Bùi Quý Chiến



Tham khảo
- American Heritage Dictionary of The English Language.




No comments

Powered by Blogger.