Header Ads

Linh Hồn Tượng Đá


Trong khoảng thời gian hơn 20 năm chiến tranh Quốc-cộng, nền văn hoá của miền Nam Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ bởi chính sách tự do và nhân bản của chính phủ. Về âm nhạc còn phát sinh một trường phái "nhạc lính", trong đó luôn có hình ảnh của chiến tranh, tình yêu, và bóng dáng của người lính. Ngoài "nhạc lính", trường phái "nhạc tình" cũng phát triển mạnh mẽ không kém, nhất là với sự xuất hiện của các nhạc sĩ trẻ từ giữa thập niên 1960, như Vũ Thành An, Từ Công Phụng, và Ngô Thuỵ Miên.

Trong số các nhạc sĩ thì có nhóm "Lê Minh Bằng" là tên ghép của ba nhạc sĩ đã thành danh là Lê Dinh, Minh Kỳ, và Anh Bằng. Nhóm Lê Minh Bằng còn dùng nhiều tên khác, không mấy quen thuộc, như Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ, Ngọc Văn, Hoàng Liên, và Thương Linh.

Nhạc phẩm Linh Hồn Tượng Đá, được nhóm Lê Minh Bằng sáng tác vào năm 1970 và ký tên là Mai Bích Dung.

Theo truyện kể về hoàn cảnh sáng tác bài Linh Hồn Tượng Đá là nhân dịp đi chơi ở Vũng Tàu, ba nhạc sĩ đã gặp ba cô sinh viên của trường đại học khoa học đang đi trên đường ra bãi biển để tìm các con sứa đem về trường làm thí nghiệm. Đó là cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, sau khi ba cô sinh viên đi nhờ xe của ba nhạc sĩ. Ngay đêm hôm đó, nhạc sĩ Anh Bằng đề nghị viết bài Linh Hồn Tượng Đá, và dùng tên của ba cô sinh viên làm tên tác giả. Có lẽ vì thế mà, dường như, chỉ có một bản nhạc duy nhất có tên tác giả là Mai Bích Dung, với lời mở đầu mô tả cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, kỷ niệm còn lại chỉ là tên gọi mà thôi:

“Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng
Ngồi bên nhau gọi tên nhau để rồi xa nhau.”

Và câu kết:

"Mong gì gặp lại lần thứ hai."

Có lẽ vì tên tác giả quá xa lạ với thính giả, đồng thời câu chuyện được mô tả trong bài hát không có tình tiết éo le chi cả, nên số phận của bài hát cũng như cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, đã không được phổ biến rộng rãi và yêu chuộng như các bản nhạc thuộc thể loại tình cảm khác. Tuy nhiên, theo chúng tôi, thì đây là một bài hát có âm thanh và tiết tấu rất đặc sắc.

Nơi đây, xin mời quý vị nghe bản Linh Hồn Tượng Đá của Mai Bích Dung, qua tiếng hát của Bùi Phạm Thành, với phần nhạc đệm Karaoke của Kim Quy.



No comments

Powered by Blogger.