Header Ads

Huyền Thoại Và Ngụ Ngôn Về Rắn

Bùi Quý Chiến

Rắn không có tai nhưng bằng cách nào đó nó nghe được. Không những thế, nó còn ưa thích những âm thanh êm ái và những lời thú vị.

Coi phim Ấn độ chúng ta thấy rắn ngóc đầu lên nghe kèn.
 
Rắn tuy có nọc độc nhưng chỉ dùng để tự vệ khi bị tấn công, còn thì chúng thủ thân bằng cách trốn trong hang. Tuy nhiên khi nghe ai nói chuyện có duyên, nó mạo hiểm bò ra nghe cho rõ. Do đó tục ngữ có câu "nói, rắn trong lỗ bò ra".

Câu tục ngữ này chỉ là lộng ngôn dùng để khen người kể chuyện hấp dẫn.

Tuy nhiên một chuyện thật trong tù chứng tỏ rắn nổi giận tấn công kẻ gây ra âm thanh chói tai. 

Tới mùa trồng bắp, anh em tù chúng tôi xếp hàng ngang để cuốc đất. Tới giờ nghỉ giải lao, một bạn tù lấy một cục đá để mài lưỡi cuốc. Tiếng đá và sắt cọ xát nghe rất nhức tai khiến anh em phàn nàn. Bạn tù đem cuốc ra xa để mài. Đang mài anh cảm thấy lưng đau nhói như có ai ném đá vào lưng. Ngó lui anh thấy một con rắn đang uốn mình chạy đi.

Ngờ bị rắn mổ vào lưng, anh cởi áo ra xem. Quả nhiên áo anh ướt loang ra cỡ lòng bàn tay. Bạn bè tụ lại coi đều cho đó là nọc độc của rắn và cho rằng tiếng đá cọ xát với sắt đã khiến rắn nổi giận vì bị ... chói tai.

May mắn cho anh, nhờ mặc áo trận nên rắn mổ không thấu tới da.

Nhân năm Rắn, chúng tôi xin kể vài huyền thoại và ngụ ngôn về rắn, hy vọng không làm "chói tai" quý độc giả.

Khi sơ sinh, Hercules đã bóp chết rắn độc

Người Hy lạp thời cổ theo đa thần giáo.

Thượng đẳng thần [supreme god] là Zeus. Vợ ngài là em gái ngài, tên gọi là nữ thần Hera.

Zeus rất đa tình; dù đã có vợ, ngài vẫn ngoại tình với người đẹp dưới trần thế là Alcmene.

Thừa dịp chồng nàng đang hành quân, Zeus giả dạng chồng nàng để ngủ với nàng. Cũng đêm ấy chồng nàng là Amphytrion từ mặt trận trở về; chồng không biết trước đó Zeus vừa mới ngủ với vợ mình; vợ thì lầm Zeus và chồng là một. Hệ quả, nàng thụ thai một cặp con trai, một đứa là con của Zeus, đứa kia là con của Amphytrion. 

Biết chuyện ngoại tình của chồng, nữ thần Hera ghen tức ra lệnh cho nữ thần hộ sản là Ilithyia ngăn cản không cho Alcmene sinh con. Alcmene bị nữ thần Ilithyia giữ chéo hai chân nên không thể đẻ được. Người hầu gái của Alcmene lập mưu cứu chủ bằng cách hô hoán rằng Alcmene đẻ được rồi, Ilithyia ngạc nhiên buông tay ra, thừa cơ Alcmene sinh được mẹ tròn con vuông. 

Đứa con của Zeus đặt tên là Heracles, cũng gọi là Hercules.

Sợ bị Hera theo dõi hãm hại, Alcmene bỏ Hercules vào rừng với hy vọng có người lượm về nuôi.

May mắn, Hercules được nữ thần bảo vệ các anh hùng là Athena lượm về đưa cho Hera. 

Không biết đó là Hercules, Hera tội nghiệp đứa trẻ bị bỏ rơi nên vạch vú cho bú. Hercules bú mạnh quá khiến Hera đau chịu không nổi phải đẩy đứa nhỏ ra, sữa cũng theo đó văng ra ngoài vũ trụ thành dải ngân hà [milky way].

Sau đó Nữ thần Athena đem Hercules về cho Alcmene nuôi.

Khi Hercules và đứa em song sinh được 8 tháng, Hera cho 2 con rắn độc bò vào nôi nhằm cắn chết cả 2 đứa. Đứa em song sinh khiếp sợ khóc thét lên nhưng Hercules đưa tay ra bóp chết cả 2 con.

Lớn lên Hercules có sức mạnh phi thường, trở thành bậc thánh anh hùng [divine hero] của Hy lạp và được thờ trong đền thờ chung với các thần Hy lạp.

Rắn trả thù

Các chính sử đều chép người thiếp của Nguyễn Trãi là Thị Lộ bị triều đình quy tội giết vua Lê Thái Tông [1434-1442].

Liên lụy với Thị Lộ, Nguyễn Trãi bị xử tru di tam đại [đời cha, đời phạm nhân và đời con].

Tuy nhiên sử không nói gì về nguyên nhân xa là Nguyễn Trãi bị rắn trả thù.

Truyện rắn trả thù được chép trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án [cuối TK 18]. Đại ý như sau.

Khi chưa theo giúp Lê Lợi chống giặc Minh, Nguyễn Trãi dạy học ở làng Nhị khê. Một hôm ông bảo học trò dọn cỏ một cái gò ngoài đồng để dựng lớp học. Đêm đó ông nằm mơ thấy một thiếu phụ khẩn khoản xin ông khoan cho vài bữa hãy dọn cỏ, viện lẽ 3 mẹ con còn yếu chưa rời đi được. Sáng hôm sau ông ra đồng thấy học trò đã dọn cỏ xong và trình với thầy rằng vừa đánh cụt đuôi một con rắn và bắt được 2 trứng rắn.

Nguyễn Trãi linh cảm vụ này liên quan tới giấc mơ đêm qua. Ông đem 2 trứng rắn về giữ gìn cho tới khi trứng nở. 

Đêm đó ông đang ngồi đọc sách, một con rắn trắng leo lên xà nhà nhỏ một giọt máu xuống sách trúng chữ "đại". Giọt máu thấm xuống 3 trang giấy. Ông hiểu là rắn sẽ trả thù ông 3 đời [đại=đời].

Đợi rắn nở ra khỏe mạnh, ông thả chúng xuống sông Tô lịch; từ đó chúng trở thành Thần sóng.

Sau khi kháng chiến chống Minh thành công, Nguyễn Trãi được Lê Thái Tổ [1428-1434]  trọng dụng trong triều. Mỗi ngày đi qua phố Hàng chiếu, ông gặp một thiếu nữ trẻ đẹp và giỏi văn thơ. Hai bên dùng thơ đùa cợt nhau. Sau đó cô gái được ông cưới làm thiếp. 

Năm Thiệu bình đời vua Lê Thái Tông, người thiếp ấy đi lại trong cung cấm được vua chú ý cho làm Thái học sĩ.

Khi vua Thái Tông bất ngờ băng hà, nàng bị triều đình khép tội giết vua. Nguyễn Trãi bị nàng khai là người chủ mưu do đó ông bị xử tru di tam đại.

Người thiếp khi bị hành hình biến thành con rắn bò xuống nước biến mất.

Khi gia đình Nguyễn Trãi bị hại, một người thiếp khác trốn xuống vùng Sơn nam, ẩn náu trong nhà một điền chủ. Nàng đã mang thai với Nguyễn Trãi, sau đó sinh ra con trai đặt tên là Anh Võ. Chủ nhà biết lai lịch hai mẹ con nàng nhưng không tố giác.

Tới triều đại Lê Thánh Tông [1460-1497], Nguyễn Trãi được vua xuống chiếu giải oan và truy phong là Thái sư Tuệ quốc công. Vua còn cho đi tìm con cháu ông và cấp ruộng cho con cháu để thờ phụng. Anh Võ được ăn học, lớn lên được làm quan trong triều.

Nhưng bất hạnh vẫn chưa  buông tha gia đình Nguyễn Trãi.

Anh Võ được cử đi sứ bên Tàu. Khi ông đi thuyền qua hồ Động đình, một con rắn hiện ra trên mặt nước rồi sóng gió nổi lên dữ dội. Anh Võ liền khấn xin cho ông an toàn để làm tròn sứ mệnh quốc gia. 

Thể theo lời khấn, sóng gió lặng êm.

Khi Anh Võ hoàn thành sứ mệnh trở về qua hồ Động đình, thuyền ông bị lật úp khiến ông chết đuối.

Anh Võ được truy phong Thái sư Sùng quốc công.

Rắn lập mưu thoát hiểm

Rắn ưa sống ở nơi ẩm thấp.

Có 2 con rắn sống nơi đang bị hạn hán phải rời đi nơi khác. Con đường chúng đi phải băng qua một con đường lớn có nhiều người qua lại. Trong tình thế ấy chúng không khỏi bị người ta đuổi đánh cho tới chết.

Chúng bàn mưu với nhau rằng con nhỏ sẽ ngoạm lưng con lớn để con lớn cõng con nhỏ bò đi thong thả, người ta thấy lạ sẽ cho chúng là rắn thần, không dám xâm phạm tới chúng.

Kế hoạch được chúng thực hiện rất đường hoàng khiến người ta từ ngạc nhiên tới kính trọng nhường đường cho chúng cõng nhau bò qua đường. Mọi người đều tin chúng là rắn thần.

Truyện ngụ ngôn này nhằm cảnh giác những người nhẹ dạ dễ bị bọn buôn thần bán thánh lừa gạt.

Sang thế kỷ 21 rồi mà ở trong nước vẫn còn thịnh hành nạn buôn thần bán thánh lừa gạt dân lành. Mới đây vụ sư chùa Ba vàng giả mạo sợi tóc của Phật để khai thác tiền cúng bái của thập phương khiến dư luận cho rằng chính quyền dung túng nạn mê tín, trong khi ấy đàn áp những người chân chính tu hành và truyền giáo.

Thà chết vì rắn độc

Truyện bên Tầu thời xưa.

Ở Vĩnh châu có loài rắn lạ, toàn thân đen tuyền nhưng nổi bật những vằn trắng.

Rắn có nọc rất độc, người bị rắn cắn không tránh khỏi chết.

Tuy nhiên dùng rắn ấy làm thuốc, thuốc ấy có thể trị được nhiều bệnh nhất là bệnh trúng gió [đột quỵ] khiến chân tay co quắp.

Biết giá trị của loài rắn độc ở Vĩnh châu, vua đặt lệ miễn thuế ruộng cho những ai mỗi năm nộp cho vua 2 con.

Dân vùng Vĩnh châu đua nhau đi bắt rắn, trong số này có họ Tương.

Khi có  người hỏi thăm nghề bắt rắn độc, anh chàng họ Tương đáp rằng:

 - Ông tôi và cha tôi đều chết vì rắn cắn, phần tôi qua 12 năm bắt rắn cũng suýt chết vài lần.

Cảm thương hoàn cảnh  nguy hiểm của chàng họ Tương, người kia hứa sẽ xin quan trên cho phép anh trở lại nghề làm ruộng.

Chàng họ Tương khóc thưa rằng:

 - Cảm ơn ông nhưng tôi không thể trở về nghề nông. Nếu không theo nghề bắt rắn này, đời tôi đã khốn khổ từ lâu rồi.

Người làm ruộng ở vùng này rất quẫn bách vì thuế nặng đến nỗi phải nộp hết hoa màu cũng không đủ, phải vét hết của cải mới thoát nạn. Có nhiều trường hợp dân phải bỏ làng trôi dạt phương xa, đói khát, chết đường chết chợ.

Những người cùng thời với ông tôi bây giờ sống sót chỉ 1/10, cùng thời với cha tôi chỉ sống sót 2 hoặc 3/10, những người cùng thời với tôi chỉ còn độ 4 hoặc 5 người.

Bọn quan lại về làng thu thuế, chúng xục xạo từ đầu xóm tới cuối xóm, vơ vét từ con gà tới con chó khiến dân làng nếu không chết vì quá cực khổ thì cũng phiêu bạt các nơi xa xôi nhưng đỡ khắc nghiệt. Trong khi ấy mỗi năm tôi chỉ 2 lần gặp nguy hiểm tới mạng sống vì bắt rắn, nhưng những tháng ngày còn lại tôi sống thong thả không phải lo sưu thuế.

Nếu tôi có chết ngay lúc này, tính ra tôi vẫn sung sướng hơn những người làm ruộng .

Truyện này chứng tỏ cuộc vượt biển tìm tự do sau năm 1975 của người Việt là quyết tâm chấp nhận TỰ DO HOẶC CHẾT.

Bùi Quý Chiến



Tham khảo

 - Wikipedia.
 - Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án do Đạm Nguyên dịch.
 - Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân.


No comments

Powered by Blogger.