Header Ads

Người Ở Lại Charlie


Đến nay, 2025, cuộc chiến bi thương kéo dài hơn hai mươi năm giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam đã kết thúc được 50 năm. Cuộc chiến tương tàn đó đã được gọi bằng nhiều tên. Thế nhưng, xét cho cùng thì đó chỉ là cuộc chiến tranh giữa hai ý thức hệ: Cộng Sản và Dân Chủ. 

Cuộc chiến nào thì cũng sẽ kết thúc và cũng có kẻ thắng, người thua. Bên thắng cuộc luôn khoe khoang và viết sách, bên thua cuộc chỉ ngậm ngùi, ôm niềm tủi hận, tiếc nuối một quá khứ huy hoàng, an lành, đã lùi dần vào dĩ vãng. Ai thực sự là người thắng trận? Ý thức hệ nào, chính thể nào, thực sự là ích lợi cho người dân? Thời gian đã trả lời. Trên thế giới có 193 quốc gia, trong đó chỉ có 5 quốc gia theo chế độ Cộng sản mà thôi. Đó là Trung cộng, Cuba, Lào, Bắc Hàn và Việt Nam.

Cuộc chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam đã gây nên biết bao nhiêu là tang thương, tang tóc. Trong thời chiến, hình ảnh của chiến tranh đã hiện diện hàng ngày trong cuộc sống của người dân, từ nông thôn đến thành thị. Không những thế, chiến tranh cũng có mặt trong văn chương, thi ca, và nghệ thuật. Ở miền Nam Việt Nam, thời bấy giờ, đã có cả một thể loại nhạc trữ tình mang ảnh hưởng của chiến tranh, được gọi là "nhạc lính".  Trong đó, có một số nhạc phẩm được sáng tác để đặc biệt vinh danh những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến. 

Trong những năm tháng cuối cùng của chiến tranh, trong khi cuộc hoà đàm đang diễn ra ở Paris, thì chiến trường ở miền Nam Việt Nam lại càng trở nên sôi động và thảm khốc. Phe Cộng sản, với sự hỗ trợ mãnh liệt của khối Cộng sản, cố gắng gây áp lực quân sự để đạt thắng lợi trong việc đàm phán. Trong khi đó, phe Quốc gia cố gắng chống trả trong sự giúp đỡ giới hạn của đồng minh. Trong các trận chiến  không cân xứng đó, cả hai bên đã phải hy sinh rất nhiều binh lính. Một trong những trận chiến được ghi đậm nét trong quân sử, khoảng thời gian được tác giả Phan Nhật Nam gọi là "Mùa Hè Đỏ Lửa", là trận chiến bi thương của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù ở căn cứ hoả lực Charlie.

Ngày Niên Trưởng Trung Tá Nguyễn Đình Bảo "ở lại Charlie" là những ngày tháng cuối cùng của chúng tôi ở Trường Mẹ, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Khoá 25 (1968-1972) của chúng tôi tốt nghiệp vào tháng 12 năm 1972. Niên Trưởng Nguyễn Đình Bảo tốt nghiệp khóa 14 (1957-1960). Niên Trưởng Lê Văn Mễ tốt nghiệp khóa 18 (1961-1963).

Sự hy sinh của Niên Trưởng Nguyễn Đình Bảo đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vinh danh qua nhạc phẩm "Người Ở Lại Charlie". Nhạc phẩm này đã trở thành một bi hùng ca bất tử cho đến ngày nay.

Căn cứ hoả lực "Charlie", tiếng Mỹ là Firebase "Charlie", trong đó từ ngữ "Charlie" được dùng để đánh vần chữ "C" khi nói trên máy truyền tin. Đây là tên một ngọn đồi chiến lược nhìn xuống con đường đi vào Kontum, có độ cao 1020 mét. Nơi mà 470 binh sĩ nhảy dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và một sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ, thiếu tá John Duffy, dưới sự chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, sau đó là Thiếu Tá Lê Văn Mễ, chống lại hơn 10,400 quân cộng sản Bắc Việt cùng với một số không nhỏ các đơn vị bổ xung và pháo binh cũng như phòng không yểm trợ. Trận chiến này được xem là trường hợp "lịch sử tái diễn" của trận chiến Thermopylae (The Battle of Thermopylae) năm 480 trước công nguyên (480 BC), khi 300 chiến sĩ Spartan dưới quyền chỉ huy của vua Leonidas I, chống lại mấy chục ngàn quân xâm lăng Persian (Ba Tư) của vua Xerxes I, ở con đường nhỏ hẹp, ven biển, dẫn vào thủ đô của Hy Lạp.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nơi đây, chúng tôi xin mở lại trang sử bi hùng xưa cũ qua nhạc phẩm "Người Ở Lại Charlie" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, qua tiếng hát của Bùi Phạm Thành, với nhạc karaoke của Nhật Nguyễn.

Riêng cá nhân chúng tôi, thì đây là lời chào vĩnh biệt, muộn màng, gửi đến một vị Niên Trưởng đã hy sinh trong cuộc chiến, mà chúng tôi, sau đó cũng "giày saut áo trận" tham dự.


Nhân đây xin giới thiệu đến quý vị và các bạn tập thơ "Trận Chiến Trên Căn Cứ Hoả Lực Charlie" nguyên tác tiếng Anh của thiếu tác John Duffy, được Bùi Phạm Thành chuyển qua thơ Việt Ngữ:



No comments

Powered by Blogger.