Header Ads

Người Đưa Tiễn Trong Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm


Bùi Quý Chiến

Hành là thể thơ thất ngôn tràng thiên nhưng không bị buộc theo niêm luật của thơ Đường luật, do đó bài thơ dưới đây nghe như thơ mới.

Tống Biệt Hành

Đưa người ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng
Ly khách, ly khách, con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ xót.

Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay.

Người đi, ừ nhỉ, người đi thật
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay.

Mây thu đầu núi, gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm.

Bài thơ này đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1940, khi đó nổi lên phong trào thanh niên trí thức ly khai gia đình vào chiến khu chống Pháp và Nhật.

Ly khách là người giã từ gia đình để lên đường. Người đưa tiễn xưng là TA.

Người ra đi vì chí lớn nên "dửng dưng" và khi chí chưa đạt "không bao  giờ nói trở lại".

Người đưa tiễn "có tiếng sóng ở trong lòng" và "đầy hoàng hôn trong mắt trong".

Đọc suốt bài thơ chúng ta thấy người đưa tiễn không phải người yêu, cũng không phải người vợ hoặc người bạn hoặc người thân trong gia đình.

Vậy người đưa tiễn là ai mà xưng TA?

Qua những câu thơ về người mẹ buồn suốt hôm qua tới sáng nay, người chị khuyên em hết lời (khuyên nốt), đứa em ngây thơ "gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay", chúng ta suy ra TA chính là phản diện của người ra đi.

Quyết tâm của người ra đi không khỏi bị chao đảo vì tình cảm của mẹ, chị và em. Nhưng cuối cùng ly khách cương quyết ra đi.

Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay.

Mùa thu ở chiến khu trong rừng, ly khách muốn khóc vì tiếng rên xiết của dân tộc bị áp bức:

Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm.

Bài thơ kết luận bằng hai câu không đủ tinh thần đấu tranh vì tác giả phải chịu sự kiểm duyệt của chính quyền thuộc địa thời bấy giờ.

Bùi Quý Chiến




No comments

Powered by Blogger.