Header Ads

Hai Bản Bây Giờ Tháng Mấy



Thập niên 1960 có thể được xem là thời kỳ vàng son của nền văn học Việt Nam Cộng Hoà. Đó cũng là thời gian mà chiến tranh không chỉ xảy ra ở những vùng quê hẻo lánh hay ở ngoại ô, mà lan tràn đến thành phố với những cuộc pháo kích của quân lính cộng sản vào thủ đô Sài Gòn. Thế cho nên những phát ngôn viên của đài phát thanh và truyền hình vẫn chấm dứt chương trình bằng câu "Chúc quý vị một đêm an lành."

Thời gian này, phong trào phản chiến bùng nổ mạnh mẽ ở Hoa Kỳ, và nhen nhúm ở Việt Nam, với sự xuất hiện của Trịnh Công Sơn, khởi đầu bằng tập "Ca Khúc Da Vàng" với những bài hát "phản chiến", rất phổ biến trong giới sinh viên và học sinh thời bấy giờ. Thế nhưng ca từ của bài hát thường không phản ảnh trung thực với tình trạng chiến tranh thời bấy giờ. Thí dụ như câu "Đại bác đêm đêm vọng về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe." Trên thực tế thì là "Đạn pháo kích đêm đêm rớt xuống thành phố ..." và như thế, người dân thành phố ngủ trong giấc ngủ kinh hoàng, cho dù đã được chúc lành với câu "Chúc quý vị một đêm an lành." Thế nhưng, đêm nay an lành, đêm mai thì sao?

Song song với loại nhạc "phản chiến", một số nhạc sĩ trẻ như Ngô Thuỵ Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng đã đem đến những bản tình ca mượt mà, êm dịu, phản ảnh tính chất lãng mạn cho tuổi trẻ.

Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ viết tình ca đã gây chú ý với sáng tác đầu tiên năm 18 tuổi là bản "Bây Giờ Tháng Mấy." Theo ông, thì đó là bài hát diễn tả sự rung động, tình yêu thầm kín không dám thổ lộ của một thời thư sinh, mang ảnh hưởng của những chuyện tình trong tiểu thuyết.

Bài hát đã được giới trẻ thời bấy giờ đón nhận với cảm tình nồng hậu. Sau đó, thay vì viết lời thứ nhì cho bài hát, Từ Công Phụng đã sáng tác bài "Bây Giờ Tháng Mấy 2" mang ý nghĩa tan vỡ của tình yêu. Có lẽ ảnh hưởng bởi quan niệm "Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở" hay chăng? Và cũng có lẽ vì thế mà bản thứ 2 không được đón nhận như bản đầu tiên.

Đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, cuộc chiến đã lùi xa, thật xa vào quá khứ, thế như tiếng nhạc năm xưa vẫn còn tồn tại trong lòng người, như những câu chuyện tình của một thời thanh niên, không dễ phai mờ trong ký ức.

Nơi đây, mời quý vị nghe nhạc phẩm "Bây Giờ Tháng Mấy" qua tiếng hát của Bùi Phạm Thành với nhạc karaoke của Kim Quy


Bây Giờ Tháng Mấy 2” với nhạc karaoke của HK_VN




No comments

Powered by Blogger.