Khi nói về nền âm nhạc của Việt Nam, thì thập niên 1960 được xem là "thời đại vàng son" của "tân nhạc". Chỉ trong một thập niên mà đã khai sinh ra các thể loại "nhạc quê hương", hầu hết được viết ở giai điệu Bolero, với lời ca mộc mạc. Mỗi bài hát là một câu chuyện kể, không dùng từ ngữ bóng bẩy hay triết lý. Vì giai điệu gần với ngũ cung nên sau đó được hoà điệu với "cổ nhạc" để trở thành một hình thức độc đáo là "tân cổ giao duyên (tân nhạc và cải lương)" và "thi nhạc giao duyên (tân nhạc và ngâm thơ)". Rồi đến nhạc "tình cảm", ảnh hưởng nặng nề nhạc tây phương, từ âm điệu cho đến lời ca. Đặc biệt hơn cả là "dòng nhạc lính", bao gồm tất cả các thể loại, với lời ca luôn có hình ảnh của chiến tranh, tình yêu đôi lứa, và người lính. Sau 1975, khi chiến tranh đã chấm dứt, dòng nhạc lính được đổi tên là "nhạc vàng" và tên gọi này vẫn còn được dùng cho đến ngày nay.
Ở thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, thì trong dòng nhạc tình cảm có nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên với những bản tình ca phổ thơ, hay ý thơ, của thi sĩ Nguyên Sa là một hiện tượng nổi bật, lấn át cả dòng nhạc có lời lẽ "phản chiến" hay "yếm thế" vào thời bấy giờ.
Thi sĩ Nguyên Sa, tên thật là Trần Bích Lan, là một giáo sư triết, tốt nghiệp từ Pháp, thế cho nên thơ của ông mang âm điệu và ý tưởng mới lạ. Đồng thời với giai điệu êm đềm của Ngô Thuỵ Miên đã đưa tên tuổi của Nguyên Sa và Ngô Thuỵ Miên lên một vị trí độc đáo của nền thi ca Việt Nam.
Dòng thơ nhạc của Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên bị gián đoạn sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975. Thế nhưng sau đó ít lâu thì lại được khơi dậy, nhờ cả hai thi sĩ và nhạc sĩ đều đã vượt thoát được đến bến bờ tự do ở Hoa Kỳ.
Một trong những bản nhạc của Ngô Thụy Miên dựa theo ý thơ của Nguyên Sa trong khoảng thời gian ở hải ngoại, 1981, là nhạc phẩm "Nắng Paris, Nắng Sài Gòn", với ngôn từ đậm tình quê hương của người viễn xứ nhớ về người yêu và quê hương, mà thời thế đã làm tan vỡ, chia lìa.
Với Sài Gòn, mưa nắng hai mùa, thì nắng nơi đâu mà chẳng gợi nhớ nắng Sài Gòn? Nơi đây, chúng tôi xin mời quý vị nghe nhạc phẩm "Nắng Paris, Nắng Sài Gòn" của Ngô Thụy Miên dựa theo ý thơ của Nguyên Sa, với tiếng hát của Bùi Phạm Thành, qua phần nhạc Karaoke trích từ CD của nhà sản xuất Làng Văn.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment