Có thể nói quốc gia Việt Nam là một trong rất ít quốc gia trên thế giới đã
trải qua một lịch sử chiến tranh lâu dài nhất trong lịch sử của nhân loại. Thế nhưng, với
chí phấn đấu và lòng yêu chuộng tự do, hoà bình, dân tộc Việt Nam vẫn còn giữ
được lãnh thổ, ngôn ngữ, và văn hoá truyền lại từ ngàn xưa cho đến ngày nay.
Một đặc điểm của người Việt Nam là trong cuộc chiến tranh Quốc-cộng kéo dài
hơn 20 năm, nền văn hoá của miền Nam Việt Nam vẫn phát huy mạnh mẽ, thể hiện
lòng yêu thương quê cha đất tổ, tình thương đồng bào, đức tính nhân bản, sự
yêu chuộng hoà bình ... Những điều này đã biểu lộ một cách rõ ràng trong văn
chương và thi ca của miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, nền ca nhạc của miền Nam
Việt Nam đã tạo nên hai dòng nhạc độc đáo, được mệnh danh là "Nhạc Quê Hương"
và "Nhạc Lính". Trong đó, tất cả các bản nhạc đều có hình ảnh của chiến tranh,
và ghi đậm nét về lòng thương, sự cảm tạ người lính đang xông pha ngoài chiến
tuyến để giữ an ninh cho nửa phần lãnh thổ miền Nam Việt Nam được an lành.
Trên thế giới thì dòng nhạc "Quê Hương" luôn luôn có. Thế nhưng dòng "Nhạc
Lính" chỉ có ở miền Nam Việt Nam mà thôi. Cho dù ngày nay được gộp chung vào
dòng "Nhạc Vàng", thế nhưng hình ảnh của chiến tranh và người lính Việt Nam
Cộng Hoà vẫn còn đó, không phai mờ theo thời gian. Có thể dựa theo lời của
tiền nhân mà nói nên câu "Nhạc Lính còn, nước Việt còn, và nước Việt còn
thì hình ảnh của người lính Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn mãi trong lòng
người dân Việt Nam."
Và rồi cuộc chiến nào cũng phải tàn. thế cho nên sự đàm phán để chấm dứt chiến
tranh Việt Nam đã được khởi sự từ năm 1968. Cũng như ngọn đèn sắp tắt, chiến
tranh bùng nổ dữ dội để chiếm lợi thế trên bàn hội nghị. Kết quả là người dân
và lính của miên Nam Việt Nam phải trải qua một tai ương khủng khiếp, cho đến
ngày 27 tháng 1 năm 1973 thì hiệp định hoà bình, Paris Peace Accords, mới được
ký kết.
Âm nhạc của miền Nam Việt Nam và dòng "nhạc lính" cũng chuyển hướng về hoà
bình, giấc mơ dài của người dân và lính chiến của miên Nam Việt Nam.
Trong khoảng thời gian mà người dân miền Nam đang mong đợi sự ký kết văn bản
hoà bình, bản nhạc "Một Mai Giã Từ Vũ Khí" được tác giả Ngân Khánh sáng tác
năm 1972, và đã được trình bày lần đầu tiên, và liên tục sau đó, trên đài phát
thanh Sài Gòn và Quân Đội, bởi nữ danh ca Thái Thanh. Lời của bản nhạc đã thể
hiện tâm trạng của người miền Nam Việt Nam, mong chờ hoà bình từ hơn 20 năm
chinh chiến. Đồng thời nói lên mong ước rất tầm thường của người lính là được
buông bỏ vũ khí để trở về quê nhà, sống trong yên bình, bên ruộng nương, bên
những người thương yêu. Có thể nói đó là ước mơ của hầu hết mọi người trên thế
gian này.
Tuy cuộc chiến Quốc-cộng đã chấm dứt gần nửa thế kỷ, thế nhưng nỗi đau của
"bên thua cuộc" vẫn khó quên, bởi sự trả thù trên thân thể, lòng thù hận, và
sự chia rẽ trong ngôn ngữ của "bên thắng cuộc" vẫn không hề vơi. Thế cho nên
bài hát "Một Mai Giã Từ Vũ Khí" vẫn còn đây như là một giấc mơ của người miền
Nam Việt Nam trong và ngoài nước.
Nơi đây, chúng tôi xin mời quý vị nghe nhạc phẩm "Một Mai Giã Từ Vũ Khí" của
nhạc sĩ Ngân Khánh, với karaoke của Trọng Hiếu, qua sự trình bày của Bùi Phạm
Thành, một người cũng đã từng khoác áo lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà
trong cuộc chiến tranh tương tàn thuở xa xưa đó.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment