Nguyễn Ngọc Duy Hân
Nữ sĩ Quỳnh Dao vừa qua đời ngày 4 tháng 12, 2024, hưởng thọ 86 tuổi. Khi bà
bắt đầu nổi tiếng trên văn đàn, tôi chỉ mới chào đời, nhưng sau đó tôi đã theo
dõi và đọc khá nhiều tác phẩm của nhà văn này. Dĩ nhiên tôi rất ái mộ bà và
từng thương vay khóc mướn với các nhân vật trong chuyện.
Được biết bà lấy bút hiệu Quỳnh Dao là do ý từ sách Thi kinh, qua câu: "Bạn
cho tôi một quả mộc qua, tôi sẽ đền trả lại bạn viên ngọc sáng". Quỳnh Dao
là tên một loại ngọc đẹp.
Năm 1949 Quỳnh Dao theo cha mẹ di cư tới Đài Loan, tức là đi tị nạn Tàu
Cộng. Người bạn thân của tôi là anh Chính viết trên Facebook là nhờ sang
được xứ tự do nên Quỳnh Dao mới có cơ hội phát triển tài năng, và xuất bản
được các tiểu thuyết mà nếu ở dưới chế độ cộng sản, thì sẽ bị kết án là "đồi
trụy, tiểu tư sản", sách sẽ bị đốt và bị bắt đi học tập cải tạo... Thế mà
trong nước các tờ báo Đảng lại mập mờ, viết như thể Quỳnh Dao là tác giả của
Trung Cộng.
Từ lúc còn trẻ Quỳnh Dao đã biết chống đối các tư tưởng bảo thủ, như quan
niệm cho là con gái không có tài mới là con gái đức hạnh, tức là người phụ
nữ không nên nổi tiếng, không được làm việc xã hội mà chỉ ở trong nhà thêu
thùa nấu nướng, phục vụ nhà chồng.
Bà sống với con người thật của mình: yêu bằng hết con tim, sáng tác, làm
việc không ngưng nghỉ. Qua hơn 100 tập truyện ngắn, gần 60 bộ tiểu thuyết,
trong đó gần 20 cuốn được dựng thành phim truyền hình và điện ảnh, nhờ đó bà
đã có một tài sản gần 350 triệu đô Mỹ. Bà nổi tiếng đến nỗi một số người đã
viết chuyện "lá cải" rồi mạo tên Quỳnh Dao để dễ bán. Bà đã góp phần trong
văn hóa, cũng như làm giàu nền kinh tế, nâng đỡ nhiều nghệ sĩ trở thành ngôi
sao nổi tiếng qua việc xuất bản, làm phim.
Về đời tư, Quỳnh Dao chỉ có một người con trai, anh đã có vợ con tức là
Quỳnh Dao đã được làm bà nội. Bà trải qua 2 đời chồng và mối tình đầu với
người thầy giáo lớn hơn mình 25 tuổi. Người thầy thuở ấy là một người thông
thái, độ lượng trong cái nhìn của cô học trò ngây thơ, lãng mạn. Nhưng xã
hội Trung Hoa rất khắt khe, không chấp nhận mối tình này dù 2 người đang
"còn không". Tức là Quỳnh Dao còn trẻ chưa hề gặp gia đình, còn ông thầy thì
góa vợ. Tuổi trẻ ngày nay nhất là người Âu Mỹ sẽ buột miệng nói "So what!".
Ông Trump tổng thống Mỹ lớn hơn bà vợ Melania 24 tuổi, ông Macron tổng thống
Pháp thì lại thua bà vợ là cô giáo của mình 24 tuổi, nhưng họ vẫn vượt qua
được những lời đàm tiếu để đến với nhau. Chắc thầy trò Quỳnh Dao phải than
rằng "Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ" (thơ Vũ Hoàng Chương). Có lẽ vì yêu
nên Quỳnh Dao đã chểnh mảng sách vở, thi rớt đại học 2 lần. Chuyện hẹn hò
cũng bị đổ bể, ông thầy bị chuyển đi thật xa dạy học, cô bị cha mẹ la mắng
nặng lời. Với tánh tình mẫn cảm, yếu đuối, cô tự tử nhưng không thành.
Chuyện tình trắc trở này sau đó được Quỳnh Dao xào nấu, diễn tả lại trong
cuốn tiểu thuyết Song Ngoại - tức là ngoài cửa sổ lớp học. Hồi đọc
chuyện này, tôi đã ngơ ngẩn cảm thương cho 2 nhân vật chính, xót xa trong
đoạn cuối khi cô học trò lặn lội tìm gặp người yêu cũ sau bao năm xa cách;
khi ấy cô đã có chồng có con, còn người thầy thì trở nên ốm yếu, ho hen, mất
hẳn đôi mắt đam mê, phong độ khi xưa. Giá mà cô đừng đi thăm thầy thì hình
ảnh cũ sẽ mãi đẹp như thơ, ôi thực tế phũ phàng. Tiện đây tôi cũng xin mở
ngoặc, có vài anh bạn lặn lội về Việt Nam thăm lại bạn gái cũ, thấy hình ảnh
rất khác mà anh diễn tả nguyên văn "Ối giời ơi, cô ấy nằm võng cho con bú,
vú dài chấm đất", anh đành ôm thất vọng mà chạy có cờ!
Trở lại chuyện thật ở ngoài đời sau khi cuốn Song Ngoại xuất bản, ông Khánh
Quân - chồng của Quỳnh Dao - cảm thấy xấu hổ vì chuyện tình cũ của vợ bị
phơi bày công khai, nên ông viết bài bêu rếu Quỳnh Dao trên báo. Cũng có tin
nói là ông ganh tài, mang mặc cảm mình kém nổi tiếng, tài ba thua vợ, nên
lục đục xảy ra, họ ly dị để chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài chỉ 5 năm.
Trong hồi ký, Quỳnh Dao từng tự nhận mình chỉ là ''người kể chuyện''. Bà
quan niệm viết văn không cần câu cú trau chuốt, chỉ cần thật lòng, tình tiết
cảm động. Vì thế dù ông Khánh Quân có lần chê văn của bà thiếu chiều sâu, bà
vẫn tiếp tục lối viết xuất phát từ trái tim. Điều này tôi rất đồng ý, dù
viết hay sống, sự chân thành không màu mè mới bền vững, gây xúc động. Tác
giả thơ, văn, nhạc đi vào lòng người thường nhờ chủ đề và cách diễn tả phổ
thông, nói dùm tâm trạng người đọc, giúp tìm thấy chính mình ở trong câu
chuyện, không cần bóng gió cao siêu ở cõi trên.
Năm 1979, bà kết hôn lần thứ hai với ông Bình Hâm Đào, là người nổi tiếng
trong giới báo chí truyền thông Trung Hoa, nhưng sau này ông bị đột quỵ sống
đời thực vật không còn nhận ra bà là ai. Mối tình và cuộc hôn nhân với Bình
Hâm Đào lại cũng bị chống đối khá nhiều, vì ông Đào đã có vợ con, Quỳnh Dao
cam lòng chấp nhận làm vợ bé. Sau này ông Đào chính thức ly dị vợ cũ và họ
đã hợp thức hóa với nhau, nhưng các con riêng của ông Đào luôn lên án Quỳnh
Dao với tội phá hoại gia cang. Có lẽ vì thân phận kẻ đến sau, các câu chuyện
của bà thường có hình ảnh tình yêu tay ba, rắc rối và khó giải quyết đến nỗi
độc giả là người ngoài cuộc mà còn bối rối không biết tính sao. Giữa lý trí
và tình cảm luôn có khó khăn, đường nào cũng không toàn vẹn.
Có thể nói, Quỳnh Dao không chỉ là một người tài sắc vẹn toàn mà còn rất
giàu, rất nổi tiếng, rất biết cách sống. Tòa lâu đài 7 tầng tại Đài Bắc -
Đài Loan, nơi bà ở rất đẹp, đầy đủ tiện nghi trong ngoài, là nơi du khách có
thể thăm viếng. Bà đã tâm sự: "Tôi đã thực sự sống, chưa bao giờ lãng phí
đời mình. Đừng bỏ lỡ những khoảnh khắc tuyệt vời của riêng mình dù cuộc sống
này không hoàn hảo".
Quỳnh Dao rất yêu thích hoa lan, nhìn bà tôi bỗng nhớ tới câu hát của Vũ Đức
Nghiêm: "Em mong manh như một cành lan".
Nói tới Quỳnh Dao thì cũng phải nhắc tới dịch giả Liêu Quốc Nhĩ, người có
cách dịch thuật tài tình, đã chuyển tải câu chuyện từ tiếng Tàu sang tiếng
Việt một cách uyển chuyển nhất.
Cuối đời, Quỳnh Dao tự tử lần thứ 2 thành công do dùng hơi gas, chết vì ngạt
thở ngộ độc khí carbon monoxide. Bà đã toại nguyện với ước mơ "tươi đẹp và
nhẹ nhàng bay đi". Bà nhắn với con trai: "Mẹ chẳng có gì lúc chào đời thì
lúc đi cũng mong được đơn giản gọn ghẽ. Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn môi
trường sống sạch sẽ cho những sinh mệnh mới đang nối tiếp nhau chào đời".
Điểm qua cuộc đời nữ sĩ Quỳnh Dao, tôi bỗng nhớ tới vài chi tiết nho nhỏ khi
mới sang Canada. Hồi ấy tôi mới sanh 2 con trai, ở nhà chăm sóc con chỉ đi
làm part-time cuối tuần nên có nhiều thời gian rảnh rỗi, tha hồ xem phim bộ.
Một trong những cuốn phim từ tiểu thuyết Quỳnh Dao tôi hay xem là bộ "Xóm
Vắng" do Tần Hán và Lưu Tuyết Hoa đóng vai chánh. Cô Tuyết Hoa này khóc rất
dễ dàng, làm khán giả trong đó có tôi hay khóc lây. Ông xã tôi hồi đó đi phố
Tàu Toronto mướn phim về cho tôi xem, hay cười chọc ghẹo kèm theo đống phim
là hộp khăn giấy (hồi ấy chưa có internet, chưa xem phim online được). Cũng
cần mở ngoặc cuộc đời của Lưu Tuyết Hoa rất khổ, từ đó tôi thấy người đẹp,
tài năng, đầy cơ hội mà còn phải khổ thì huống chi mình, thôi thì hãy chấp
nhận. Một người bạn Canada hồi ấy hay ghé nhà chơi, ông ta bảo tôi nhìn
giống Lưu Tuyết Hoa trong phim Xóm Vắng. Tôi nhận câu nói này như một lời
khen, dù tôi chỉ giống ở chi tiết gầy nhom và đeo cặp mắt kiếng cận thật to
(Hồi ấy tôi chỉ nặng hơn 40 ký).
Một nhân vật trong tiểu thuyết Quỳnh Dao mà tôi luôn bị ám ảnh là hình ảnh
về già của Hắc báo Lục Chấn Hoa, trong cuốn Dòng Sông Ly Biệt. Ông là người
quyền lực hét ra lửa, giàu tiền và nhiều vợ, bao nhiêu dòng con nhưng về già
chỉ tìm được niềm vui khi tắm cho con chó.
Rồi còn biết bao nhân vật trong Mùa Thu Lá Bay, Kỷ độ tịch dương hồng, Bên
dòng nước, Tuyết Kha, Hải Âu Phi Xứ, Hoàn Châu các các, Người vợ câm, Một
thoáng mộng mơ, Tương tư Thảo, Bên Bờ Quạnh Hiu, Ba đóa hoa, Trôi theo dòng
đời... Tủ sách nhà tôi hiện còn rất nhiều chuyện của Quỳnh Dao, sau này tôi
chết đi các con sẽ đem bỏ thùng rác. Thật ra thì từ hôm ông xã mất cách đây
7 tuần, tôi cũng đã dọn dẹp và vất bớt một số sách, phim video, CD nhạc...
Tiếc lắm nhưng không còn hợp thời và không còn nhiều chỗ chứa nữa, coi như
đây là bắt đầu của sự "buông bỏ". Tôi bỏ bớt sách mà lòng đau lắm,
cuốn nào cũng hay, cũng tràn đầy kỷ niệm. Dọn dẹp bên ngoài xong thì thiết
nghĩ tôi cũng cần thu dọn bên trong tâm hồn, cần vứt bớt những sân si, trách
móc. Vì tâm hồn mộng mơ đa cảm nên tôi nhủ lòng cũng cần tuyển chọn, sắp xếp
lại để chỉ buồn những chuyện gì đáng buồn nhất, còn lại thì ráng coi nhẹ,
biến chuyện nhỏ hóa không. Lý thuyết thì thế còn thực hành thì chưa biết ra
sao!
Cũng xin thành thật khai báo, từ lúc còn trẻ tôi đã khá bi quan yếm thế, các
bạn cùng lớp cho tôi là bà già luôn suy nghĩ lung tung, nhưng tôi cũng cố
kềm lòng và cầu nguyện thật nhiều để sống tốt. Tôi thích câu "Khi đã buông
thả ở một chiều hướng, chẳng mấy chốc mình sẽ buông thả trong mọi chiều
hướng”, nên cố gắng chu toàn bổn phận, không dám vượt qua các định kiến xã
hội, nhất là các qui luật của đạo Công Giáo. Thấy bà Quỳnh Dao tự tử, mới
đầu tôi thầm đồng ý nhưng sau đó dùng lý trí xét lại, tôi biết đạo Chúa
không cho tự kết liễu đời mình - dù có khi tôi đã nghĩ tới chuyện này. Mà
thôi, như 2 câu thơ trong chuyện Kiều "Bắt phong trần, phải phong trần, Cho
thanh cao mới được phần thanh cao", nhiều khi muốn sống mà không sống được,
còn muốn chết mà chưa tới số thì năm lần bảy lượt tìm cách cũng không thành
công, có những chuyện phải chấp nhận mà không thể làm gì hơn. Rồi cũng sẽ
qua, chuyện gì rồi cũng sẽ qua.....
Qua cái chết của Quỳnh Dao, một vài tài tử đã bị chỉ trích, chê trách vì
không lên tiếng chia buồn, thương tiếc. Tôi thấy khán giả cũng lạ, không lên
tiếng đâu có nghĩa là không biết ơn, không quan tâm, không biết sao họ có
thì giờ mà điểm mặt từng người. Bên Việt Nam các mạng xã hội cũng hay soi
mói nghệ sĩ này cho từ thiện nhiều, ca sĩ nào cho ít, ai không cho... Người
ta không lên tiếng, không cho cơ quan từ thiện này, cũng có thể người ta đã
đóng góp vào việc khác, không nên luận tội, sắp hạng qua vài sự việc trước
mắt. Tôi vẫn nhớ câu chuyện người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa chết lặng khi
chôn xác chồng, có người cho rằng chị không thương chồng nên không khóc, cần
trả tiền để có người khóc mướn, có ngờ đâu chị lo xong ma chay thì ngã bệnh
nặng, và chung thủy với chồng không hề đi bước nữa dù có nhiều cơ hội khác,
vâng, đừng "trông mặt mà bắt hình dong".
Tính ra càng già, càng cô đơn tôi càng thấm thía các nỗi buồn, các đau khổ
trong cuộc đời. Tình hình thế giới ngày càng nhiễu nhương, chiến tranh, tội
ác, giả dối, thiên tai khắp nơi. Các loại bệnh tật, sự khác biệt trong ý
thức hệ, suy tư đã làm con người khốn đốn. Quá nhiều cảnh khổ, quá nhiều thử
thách nghiệt ngã. Đôi khi càng giàu, càng nổi tiếng càng phải vất vả, khổ sở
hơn người "phó thường dân" như tôi. Uớc rằng Quỳnh Dao được mãi bình
an trong chọn lựa của mình, và các oán thù tranh chấp được cởi bớt, đời vẫn
đẹp dù người đời chơi không đẹp.
Để tạm kết đôi dòng suy tư hôm nay, tôi xin ghi lại câu thơ của Bạch Cư Dị,
khi đọc cuốn "Cánh Hoa Chùm Gởi" của nhà văn Quỳnh Dao:
"Hoa phi hoa
Vụ phi vụ
Dạ bán lai
Thiên minh khứ
Lai như xuân mộng bất đa thời
Khứ tự triều vân vô thỏa xứ"
Liêu Quốc Nhĩ dịch là:
"Chẳng phải là sương
chẳng phải hoa
nửa đêm em đến
sáng em về
đến như giấc mộng xuân không đợi
đi tựa mây trời không định nơi...."
Vâng, Quỳnh Dao đã ra đi như mây trời, nhẹ nhàng phiêu lãng sau cả một cuộc
đời với nhiều thành quả. Tôi còn nặng nợ trần gian, chưa biết bao giờ mới
trả xong, dù chỉ là một phụ nữ nhỏ nhoi yếu đuối. Người bạn xem chỉ tay bảo
tôi sẽ sống dai, đối với tôi đây là một tiên đoán buồn, vì từ lâu tôi đã
không thấy cuộc đời tươi hồng đáng sống, nhất là từ khi ông xã ra đi, còn
lại một mình nên thấy ngày và đêm rất dài. Tôi gần đây hay cầu nguyện cho
mình được ơn chết liền, thay vì ơn chết lành như trong đạo Chúa hay cầu.
Sống mà đau bệnh, lú lẫn, gây phiền cho người khác, không ích lợi gì cho xã
hội, thì chết liền là điều tốt nhất phải không? Mà thôi, có nhiều chuyện rất
muốn mà không được, lại không nên suy nghĩ tiêu cực làm người khác ảnh
hưởng, nên tôi xin phó dâng, xin được "trôi theo dòng đời".... Ai người tri
kỷ xin "cùng ta cạn một hồ trường"....
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment