Bùi Quý Chiến
Tính tới năm 2015 tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới là 1,8 tỷ người, chiếm
24% dân số thế giới.
Các quốc gia thuộc Thế giới Ả rập và các quốc gia Hồi giáo không bị Ả rập hóa,
tạo thành Thế giới Hồi giáo [ Muslim World hoặc Islam World ].
Được kể là quốc gia Hồi giáo khi 25% dân số theo Hồi giáo. Theo chuẩn mực này,
Thế giới Hồi giáo có 49 nước kể cả 22 nước trong Thế giới Ả rập.
Mật độ tín đồ Hồi giáo tính từng vùng như sau:
- Trung đông và Bắc châu Phi 91%
- Trung Á 89%
- Đông nam Á 40%
- Nam Á 31%
- Nam châu Phi 30%
- Các đảo Thái bình dương 25%
Hồi giáo trên đường phát triển
Muhammad - cũng viết là Mohammed - sinh trưởng ở Mecca, nay thuộc Saudi
Arabia.
Năm 610 Muhammad được Thượng đế Allah mặc khải kinh Quran - cũng viết là Koran
- thông qua thiên thần Gabriel. Muhammad bắt đầu giảng đạo từ quê hương mình.
Tới năm 622 vi bị chống đối ở Mecca, Muhammad và các đệ tử di chuyển tới
Medina, cũng thuộc Saudi Arabia.
Dần dần Muhammad trở thành lãnh tụ tinh thần và chính trị của cả một vùng Bán
đảo Arabia.
Năm 632 Muhammad chết, những người kế vị - gọi là Caliph - tiếp tục sự nghiệp
của Giáo chủ.
Từ các cuộc chinh phục của các Rashidun caliphate, Hồi giáo truyền bá ra khỏi
Bán đảo Arabia, mở rộng từ Tây bắc Ấn độ qua Trung Á, Cận đông, Bắc Phi, Nam Ý
cho tới dãy núi Pyrenees.
Tuy nhiên Hồi giáo Ả rập không chiếm được trọn vẹn Đế quốc Byzantine và cũng
thất bại trong 2 cuộc bao vây Constantinople từ 674-676 và 717-718.
Từ đây Hồi giáo Ả rập chia thành 2 giáo phái là Sunni và Shia.
Khởi đầu Thế giới Hồi giáo dưới quyền lãnh đạo của Caliph. Cho tới TK8, vì Hồi
giáo phát triển rộng lớn nên Caliph phân quyền cho các địa phương và bổ nhiệm
người lãnh đạo địa phương gọi là Amir.
Nhưng tới TK9, một vài Amir tự lập thành đế quốc độc lập với Caliph.
Tới cuối TK10, một vài Amir tự xưng là Sultan.
Người đầu tiên tự xưng Sultan là Mahmud [998-1036], thủ lãnh đế quốc Ghaznavid
[bao trùm Afghanistan ngày nay và vùng phụ cận].
Tiếp theo, Great Seljuks cũng xưng là Sultan sau khi đánh bại đế quốc
Ghaznavid và kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn hơn, bao gồm cả Baghdad.
Năm 1206 Qutb-ud-din Aybak chinh phục Delhi và lập nên Delhi Sultanate. Những
triều đại kế tiếp đã tạo được những thành quả rực rỡ:
- Mạng lưới thương mại và văn hóa lan rộng khắp Eurasia và Châu Phi.
- Ngăn chặn được 2 cuộc xâm lăng của Mông cổ vào đồng bằng Gangetic.
- Gia tăng người cải đạo theo Hồi giáo.
- Lần đầu tiên trong lịch sử Hồi giáo, một phụ nữ tên Razia được lên ngôi Sultana.
Razia Sultana
Lần đầu tiên và là lần cuối cùng, Razia [1205-1240] - một phụ nữ Hồi giáo -
được nối ngôi Sultan của cha là Shams - ud - din Iltutmish. Vì là phụ nữ nên
nàng được tôn xưng là Sultana. Tuy nhiên nàng thích được tôn xưng là Sultan vì
Sultana có nghĩa là vợ hoặc người yêu của Sultan.
Khi Iltutmish chỉ định con gái kế vị mình, các Chức sắc [Nobles] Hồi giáo bất
mãn nên khi Iltutmish chết [1236], em trai của Razia là Rukn được các Chức sắc
đưa lên ngôi thay vì Razia.
Rukn thích sống phóng đãng và hoang phí nên việc triều chính do mẹ là Shah
Turkana đứng sau điều khiển. Tình trạng này gây nên sự phẫn nộ trong quần
chúng.
Sau 6 tháng cầm quyền, ngày 9-11-1236 cả hai mẹ con bị ám sát chết khiến các
Chức sắc miễn cưỡng đưa Razia lên nối ngôi Sultan của Delhi Sultanate.
Như mọi công chúa hồi đó, Razia được huấn luyện để chỉ huy quân đội và chấp
chính khi cần tới. Nàng có đủ phẩm chất vương giả và tài năng chấp chính.
Vì ít tiếp xúc với nữ giới cung đình nên nàng không quen với phong tục tập
quán của phụ nữ Hồi giáo.
Nàng mặc y phục và khăn đội đầu của nam giới khi ngự triều. Nàng cũng để lộ
mặt khi cưỡi voi chỉ huy quân đội.
Là một nhà chính trị khôn ngoan, nàng kiểm soát được các chức sắc Hồi giáo và
chiếm được sự ngưỡng mộ của quân đội và quần chúng.
Thành quả lớn nhất về mặt chính trị của nàng là gây cho các phe nổi loạn quay
sang chống đối lẫn nhau thay vì nhắm vào nàng. Về điểm này, nàng tỏ ra là một
trong số người quyền thế nhất trong Delhi Sultanate.
Tuy nhiên nàng phạm một lỗi lầm là đã biệt đãi một trong các cố vấn của mình
tên là Jamal-uddin Yaqut. Cố vấn Yaqut là người Abyssinian trong khi các Chức
sắc trong triều đều là người Thổ nhĩ kỳ. Khi nàng bổ nhiệm Yaqut làm giám đốc
một viện gồm những học giả, các Chức sắc trong triều đều ghen tức.
Kết cuộc, người bạn thời trẻ thơ của nàng là Malik Altunia - thống đốc vùng
Bhatinda - gia nhập cuộc nổi loạn của các thống đốc khác, đồng phủ nhận quyền
chính của nàng.
Tiếp theo là cuộc chiến giữa Razia và Altunia.
Bị Altunia đánh bại, Razia bị bắt cầm tù, Yaqut bị giết chết.
Để khỏi bị xử tử, Razia chịu kết hôn với Altunia.
Trong khi ấy em trai của nàng là Bahram Shah chiếm đoạt ngôi của chị.
Quyết lấy lại ngôi Sultana, Razia và Altunia khai chiến với Bahram nhưng bị
đánh bại phải chạy khỏi Delhi về Kaithal, tại đây 2 vợ chồng bị bộ tộc Jat
giết chết ngày 13-10-1240.
Equestrian miniature painting of Razia Sultana (alt. known as 'Sultan
Razia' or 'Sultana Razia Begum'), circa 18th century. Her full name was
'Raziyat-Ud-Dunya Wa Ud-Din'.
Thời đại vàng son của Hồi giáo
Thời đại vàng son của Hồi giáo [Islamic Golden Age] là giai đoạn lịch sử trong
đó Khoa học, kinh tế phát triển và các tác phẩm văn hóa trong Thế giới Hồi
giáo nở rộ.
Thời đại này khởi đầu từ Abbasid Caliph tên là Harun al Rashid [786-809] với
sự khánh thành Hội quán Kiến thức [House of Wisdom] ở Baghdad. Từ nơi đây các
học giả sưu tầm kiến thức từ khắp thế giới và phiên dịch ra tiếng Ả rập.
Giai đoạn này chấm dứt khi Abbasid caliphate sụp đổ vì những cuộc xâm lăng của
Mông cổ năm 1258.
Triều đại Abbasids chịu ảnh hưởng những giáo điều từ kinh Quran, như câu
"Mực của một học giả linh thiêng hơn máu của một người tử đạo" [The ink of
a scholar is more holy than the blood of a martyr].
Câu kinh này nhấn mạnh tới giá trị của kiến thức.
Những thủ đô Hồi giáo Baghdad, Cairo và Cordoba trở thành những Trung tâm kiến
thức về khoa học, triết học, y khoa và giáo dục. Trong giai đoạn này Thế giới
Hồi giáo là một kho sưu tập về văn hóa, nơi hội tụ và tân tiến [advance] những
kiến thức thu lượm được từ các nền văn minh cổ của Hy lạp, La mã, Ba tư, Trung
quốc, Ấn độ và Phoenicia.
Thời đại thuốc súng của Hồi giáo
Các học giả thường dùng từ "Thời đại thuốc súng của Hồi giáo" [Age of The Islamic Gunpounders]
để chỉ giai đoạn lịch sử từ TK14 tới TK17 của 3 đế quốc Safavid ở Ba tư ,
Ottoman ở Thổ nhĩ kỳ và Mughal ở Ấn độ.
Các triều đại này đã khai thác hiệu quả những vũ khí mới được phát triển như
đại bác và các vũ khí nhẹ để tạo nên đế quốc của mình.
Giai đoạn từ TK17 - TK18 , Tiểu lục địa Ấn độ [Indian Subcontinent] bị
Muhammad Aurangzeb cai trị bằng luật sharia và kinh tế Hồi giáo, đưa nền kinh
tế Ấn độ lên tầm lớn nhất thế giới, đóng góp
25% GDP của toàn thế giới. Điều kiện sống của dân trong đế quốc tốt hơn dân
Tây Âu ở TK18.
Đây là thời kỳ mở đầu cho cuộc cách mạng kỹ nghệ [industrial revolution]
khiến nổi lên thời kỳ tiền kỹ nghệ hóa [proto-industrialization].
Tôn giáo và quốc gia
Khi tiếp xúc với những xã hội và tư tưởng thế tục [secular], Thế giới Hồi giáo
phản ứng khác nhau. Một vài nước trở thành thế tục.
Azerbaijan là nước đầu tiên trở thành thế tục vào khoảng 1918-1920 trước khi
sáp nhập vào Liên bang Xô viết.
Thổ nhĩ kỳ cũng trở thành thế tục sau khi Kermal Ataturk giải thể đế quốc
Ottoman.
Trái lại, cuộc cách mạng năm 1979 ở Iran đã thay thế chế độ quân chủ bán thế
tục [monarchial semi-secular] thành cộng hòa Hồi giáo dưới sự lãnh đạo của một
giáo sĩ thuộc giáo phái Shia gọi là Ayatollah.
Một vài nước tuyên cáo Hồi giáo là quốc giáo, tuy nhiên luật pháp phần lớn
theo thế tục, chỉ những việc như thừa kế, hôn nhân là phải theo luật sharia.
Bùi Quý Chiến
Tham khảo:
- Wikipedia.
- American Heritage Dictionary of The English Language.
No comments:
Post a Comment