Câu thơ “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” của thi hào Nguyễn Du, nhiều người từng nghe qua, nhưng có thể không rõ xuất xứ ở đâu. Đó là hai câu kết trong bài thơ thất ngôn bát cú “Độc Tiểu Thanh Ký” (Đọc Chuyện Nàng Tiểu Thanh), trong “Thanh Hiên Thi Tập”, được sáng tác trong khoảng thời gian Nguyễn Du làm quan ở Bắc Hà (1802-1804). Bài thơ tưởng niệm Phùng Tiểu Thanh, một nữ sĩ Trung Hoa sinh trong đời nhà Minh. Để thưởng thức thi phẩm “Độc Tiểu Thanh Ký” trọn vẹn hơn, nên biết sơ về câu chuyện của nàng Tiểu Thanh.
Sơ lược câu chuyện nàng Tiểu Thanh, nguồn: thivien.net, với vài sửa đổi:
Tiểu Thanh (1594-1612), họ Phùng, tên Văn Cơ, người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô. Mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, được một bà sư nuôi và cho ăn học. Năm 16 tuổi, nàng làm thiếp một thư sinh họ Phùng, và để tránh đồng tính, nên gọi là Tiểu Thanh. Vì chính thê ghen ghét ác liệt, nàng ở nhà riêng của Phùng sinh trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ, và trong sự cô quạnh, cùng với những luật lệ khắt khe của chính thê áp đặt cho nàng, nàng uất ức mà chết đi khi nàng chỉ mới 18 tuổi, nay còn mộ nàng ở Cô Sơn.
Truyện kể về Tiểu Thanh gọi là Tiểu Thanh ký. Thi hào Nguyễn Du sáng tác bài thơ khi đọc truyện này. Nguyên tác “Độc Tiểu Thanh Ký” của Nguyễn Du:
讀小青記
西湖花苑盡成墟,
獨吊窗前一紙書。
脂粉有神憐死後,
文章無命累焚餘。
古今恨事天難問,
風韻奇冤我自居。
不知三百餘年後,
天下何人泣素如。
Phiên âm Hán Việt:
Độc Tiểu Thanh Ký
Tây Hồ hoa uyển tận thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Vài lời về bản dịch nghĩa và những bản dịch Hán thi:
Trong Hán thi, đặc biệt là thể thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt, thi sĩ thường lược bỏ từ ngữ để cô đọng ý nghĩa trong 7 chữ và sử dụng điển tích một cách tự nhiên, đôi khi khó nhận ra. Độc giả, dù là người Việt hay người Trung Hoa, người yêu thơ hay học giả, thường tự bổ sung những chữ bị lược bỏ trong tâm trí để hiểu rõ ý thơ. Chính vì sự bổ sung này và tính đa nghĩa của chữ Hán, một câu thơ có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Đây là một điểm đặc thù và hấp dẫn của Hán thi, mà cũng có thể là dụng ý của tác giả để tạo nên nhiều tầng ý nghĩa và sắc thái phong phú cho bài thơ.
Bản dịch của Vương Thanh:
Vườn hoa bên cạnh Tây Hồ
Xưa là cảnh đẹp, nay chừ bãi hoang!
Trước song, giấy mực viếng nàng
Thương ai bạc phận, trần gian sớm rời.
Thơ không số mệnh như người,
Cớ chi bị đốt, sót rơi vài tờ.
Hận kim cổ, hỏi trời ư
Trời cao thinh lặng, lặng lờ mây bay…
Sắc tài, phong vận bậc này
Nỗi oan kỳ lạ đọa đầy hồng nhan!
Dòng tâm lệ khóc Tiểu Thanh
Ba trăm năm nữa, ai chăng
Có rơi giọt lệ vì chàng Tố Như ?
Bản dịch tiếng Anh của Vương Thanh:
On Reading Tiểu Thanh’s Story
The garden by West Lake, once vibrant, now lies in desolation.
Before the window, I honor poetess Tiểu Thanh with ink and paper.
Her grace and talent, after her passing, will be mourned by many.
Her literary legacy, though lacking human life, bears the weight of her sorrows.
Poetry books turned to ash, leaving behind but tattered remnants.
Deep resentments from the ancient past to the present echo unanswered in the heavens.
Elegant, gifted, and enchanting,
Yet she endures a profound injustice all alone.
I feel her anguish and weep quietly for her tragic fate.
Three hundred years hence,
Who will shed tears for Tố Như in this world?
Bản dịch nghĩa:
Tựa: Độc Tiểu Thanh Ký (Đọc Bút Ký Tiểu Thanh)
Câu 1: Tây hồ hoa uyển tận thành khư
Vườn hoa cạnh Tây Hồ (ở Hàng Châu) đã thành bãi hoang.
Câu 2: Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Nghĩa 1: Một mình viếng nàng bên song với một mảnh giấy (tác giả làm thơ tưởng niệm trên giấy)
Nghĩa 2: Một mình viếng nàng bên song cửa qua quyển sách. (bút ký Tiểu Thanh)
Câu 3: Chi phấn hữu thần liên tử hậu
son phấn (chi phấn) sinh động, có hồn (hữu thần), thương tiếc/nuối tiếc (liên) sau khi chết (tử hậu). Son phấn chi thần là biểu tượng cho vẻ đẹp của giai nhân như có hồn phách.
Nghĩa 1: vẻ đẹp sinh động ấy, dù sau khi chết vẫn được người đời thương tiếc.
Nghĩa 2: với dung nhan ấy, sau khi chết, hồn nàng vẫn ôm sự tiếc nuối.
Câu 4: Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Văn chương không có số mệnh, sự sống như con người, nhưng vẫn bị liên lụy (để rồi bị đốt đi) chỉ còn sót lại vài tờ.
Câu 5: Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Nỗi hận từ xưa đến nay, khó mà hỏi trời cho rõ
Câu 6: Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Nghĩa 1: Với phong thái và tài hoa của nàng lại phải sống cô quạnh một mình trên núi Côn Sơn và chịu đựng nỗi oan ức kỳ lạ. Câu này cũng biểu lộ đồng cảm của Nguyễn Du với nàng qua chữ ngã (ta/mình). Nhưng “ngã” ở đây nên hiểu là Tiểu Thanh, vì chỉ có Tiểu Thanh mới chịu nỗi kỳ oan, không phải là oan ức thông thường, mà nỗi oan khuất kỳ lạ, để nàng mang nỗi hận u uất trong lòng, trước sự bất công của vận mệnh và cuộc đời.
Còn “phong vận” là phong thái, phẩm chất biểu lộ ra ngoài thường để tả vẻ đẹp của phụ nữ như trong câu thơ tả nàng Kiều của Nguyễn Du: “có chiều phong vận, có chiều thanh tân.” Nhưng từ “phong vận” cũng có nghĩa khác, để nói về sự phong nhã của khách tài hoa, như trong nghĩa thứ 2.
Nghĩa 2: nỗi oan phong nhã của khách tài hoa (nói chung, không riêng Tiểu Thanh) phải chịu đựng một mình.
Câu 7, 8: Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Không biết ngoài ba trăm năm sau / Thiên hạ có ai khóc Tố Như chăng?
Hai bản dịch thơ tôi sưu tầm và tham khảo, xin chia sẻ với bạn đọc:
Bản dịch của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1915 – 1976):
Trước song giấy mực viếng nàng,
Hồ Tây vườn cũ - gò hoang bây giờ.
Xưa nay trời vẫn làm ngơ,
Mối oan thêm một người thơ buộc mình.
Hoa tàn lệ rỏ hương thanh;
Văn chương phận mỏng chưa đành tro bay!
Rồi ba trăm năm sau đây
Còn ai khóc Tố Như này nữa chăng?
Bản dịch của Thi sĩ Quách Tấn (1910 – 1992):
Hồ Tây hoa kiểng: dải gò hoang,
Cửa hé trang thư chạnh điếu nàng.
Hận luống vương thêm hồn phấn đại,
Tro chưa tàn hết luỵ văn chương.
Thanh thương khó hỏi oan chồng chất,
Phong nhã đành chung nợ vấn vương.
Rồi Tố Như, sau ba kỷ nữa,
Trần gian ai kẻ sụt sùi thương?
Vương Thanh
Hồng Thành, mùa Thu 2024
No comments:
Post a Comment