Lê Tấn Dương
Mầy đã hơn tao vì mầy đã chết
Hưởng chút lễ nghi hưởng chút ân cần
Có được người thân cho lời nuối tiếc
Còn tao bây giờ sống cũng như không.
(Trạch Gầm. Lời trước Nghĩa Trang)
The Evergreen State, Trung Thu
Các rất thân,
Hơn bốn mươi năm - Kể từ ngày đưa Tuyết Mai ra Nha Trang thăm mộ Các lần
cuối cùng, mình có dự định sẽ viết cho Các một thư dài tâm sự chuyện nhân
gian, chuyện bạn bè qua bao tang thương ngẩu lục để Các đọc cho ấm lòng
những ngày mưa trong lòng đất lạnh. Lá thư trong ý tưởng đã hình thành từ
rất lâu nhưng vì nhiều lý do mãi đến hôm nay mày mới được đọc. Cứ xem lá thư
như một lời tạ lỗi của mình vì những thất hẹn với bằng hữu mặc dù vẫn biết
bạn đã vĩnh viễn xa lìa anh em đồng đội từ những ngày chinh chiến điêu linh
xưa cũ.
Các thân,
Hơn hai mươi năm không có dịp trở lại Nha Trang để tắm sóng vàng, ngắm hàng
dừa tỏa bóng dưới trăng và để lặng nghe âm thanh rì rào của hàng dương xanh
ngát đang vờn bay trong gió mùa gợi nhớ. Và cũng lâu lắm rồi không trở lại
chân đèo Rù Rì để thăm mộ Các, để đốt một nén nhang thơm cho bạn và để sưởi
ấm những ngôi mộ hoang lạnh, điêu tàn chung quanh.
Nếu cuộc đời là một sự biến thể vô lường như bức tranh vân cẩu thì nhữnggì
xảy ra trong gần năm mươi năm qua đúng là một hệ lụy và chúng mình đang bước
đi trong lòng đường mệnh số. Không biết ở đâu đó trong lòng đất lạnh, Các có
còn nhớ những kỷ niệm buồn vui thưở trước. Nhưng mà Các ơi. Nếu đã quên thì
đó là điều hạnh phúc cho mày. Đối với những bạn bè còn sống và đang lưu lạc
khắp năm châu bốn bể như tụi mình hiện tại thì những kỷ niệm vui buồn vừa là
niềm hạnh phúc cũng vừa là điều bất hạnh. Nó đang xoa dịu nhưng cũng đang
hành hạ vết thương lòng. Mày đừng cười cho tao đang ca bài ca cải lương.
Thực ra, những nghịch lý đó là điều có thực và là hệ quả của phạm trù sinh
diệt. Các biết không, lũ kỷ niệm đang lén về và đang tìm lối mòn để xâm nhập
vào tiềm thức của mình đó.
Các ơi ! tụi mình gặp nhau lần cuối hình như vào một buổi chiều cuối năm
1971. Mình đang đóng quân tại Suối Cụt, Phước Hiệp sát quốc lộ trên đường về
Tây Ninh và biên giới Việt- Miên. Các thì đang trên đường trở lại Đơn vị
đóng quân gần mặt trận Thiện Ngôn. Nắng chiều cuối năm êm ấm nhưng không dấu
hết vẻ ngậm ngùi. Một chút hương thơm quyện trong gió và phất phơ vờn theo
tà áo dài trắng của một cô giáo trường Tiểu học Suối Cụt gần đồn, đang chạy
Honda ngang qua. Hình như Các có giơ tay chào và cô ấy có giơ tay chào lại.
Mình thì thầm rất nhỏ: Một hình ảnh lãng mạn và dễ thương của thời chinh
chiến. Gặp nhau mừng vui khôn xiết, vì rất lâu kể từ ngày rời quân trường,
hai đứa mới có dịp tâm sự trong bối cảnh chiến tranh đẩm máu và điêu tàn
trên quê hương. Mình ngạc nhiên hỏi. Làm sao mầy biết nơi tao đang đóng quân
mà tìm. Có khó gì đâu, tao hỏi Ban tham mưu và trung tâm hành quân Sư đoàn
25 là ra ngay. Tao nhớ mầy còn cười cười nói tiếp: Tuyết Mai, D.Hoàng, Kim
Loan cũng có nói là mầy đang đóng quân ở ranh giới Củ Chi và Trảng Bàng. Tao
dò hỏi địa danh và bây giờ ghé thăm mầy trên đường trở về đơn vị. Và cũng
chính tại nơi đóng quân nầy, Ngọc “cận” cũng đã có lần ghé thăm mình. Hình
như sau Các vài tuần thì phải. Một năm trấn nhậm an ninh cho vòng đai Sài
Gòn. Ngoài Các và Ngọc, mình còn gặp Phước râu, Định vồ mấy lần trong các
cuộc hành quân hổn hợp với các Chiến đoàn đặc nhiệm Biệt Động Quân và các
Thiết đoàn Kỵ binh tăng phái.
Nắng cuối ngày đã tắt trên những ngọn cau xanh ngát còn sót lại sau bao mùa
chinh chiến hoang tàn. Tụi mình rời quán cà phê trở về nơi đóng quân của
mình ở đồn Phước An. Phía trái Quốc Lộ là Thái Mỹ, xa hơn một chút là Rừng
Tre, An Hiệp mà chiến sự là cuộc đuổi bắt, rình rập giữa ta và địch từng
ngày từng đêm. Bên phải Quốc Lộ là vùng Trung Hòa, Trung Lập, Gò Nổi có
trung tâm huấn luyện Biệt động quân. Cửa sau của Sư Đoàn 25 và cũng là cửa
ngõ của các mật khu Hố Bò, Bời Lời, Tam Giác Sắt. Xa hơn một chút về phía
trên là Trảng Bàng với các địa danh nổi tiếng Lâm Vồ, Bàu Me, Bố Heo, Đồng
Ớt, Trảng Dầu, Sa Nhỏ. Tội nghiệp anh em và bạn bè. Cuộc sống là sự đợi chờ
thấp thỏm từng ngày, từng giờ. Đôi mắt căng thật lớn như để nhìn cho thật rõ
hình ảnh những viên đạn đồng chữ nổi, máu lửa, đạn bom, mìn bẫy và một quê
hương điêu tàn. Các hỏi. Sao mầy chọn về đây, Hậu Nghĩa là vùng chiến sự đẩm
máu và ác liệt nhất của Quân Khu 3 mặc dầu nằm rất sát Sài Gòn. Mình trả lời
lùng nhùng. Thì mầy về Sư Đoàn 25 cũng là về vùng nầy thôi, có gì khác hơn
đâu. Ừ, cũng đúng. Rồi Các tâm sự: Con lộ đò 237 ngoằn nghèo nối từ BTL Sư
Đoàn lên Bố Heo xuyên qua Lào Táo, Trung Hưng là người tình đầu của tao kể
từ ngày xuống núi. Mấy trận đánh để đời ở đó là những kỷ niệm khó quên.
Chiến thắng nhiều nhưng thiệt hại cũng rất lớn. Tao và bạn bè đã gởi máu ở
đó nhiều lần nên con lộ hình như mỗi ngày một đỏ thêm. Nhưng nghĩ cho cùng
thì tất cả cũng chỉ là quy luật của chiến tranh. Mình là quân cờ di động
trong quy luật đó nên đành chịu. Mình đăm chiêu và ậm ừ...Tao đồng ý với
mầy.
Buổi tối. Trong căn phòng nhỏ dã chiến chất quanh những bao cát chống đạn,
dưới ánh sáng vừa đủ của ngọn đèn nhỏ do một thằng em truyền tin mang đến.
Hai đứa đã chén thù chén tạc đến gần sáng và không biết trong men rượu chếnh
choáng, hai gã Lệnh Hồ Xung và Kiều Phong của Kim Dung đã nhập vào tụi mình
lúc nào chẳng biết. Chỉ nhớ trong hơi rượu ngà ngà, mình như một gã lãng tử
cuối trời nghêu ngao hai câu thơ mang nặng âm hưởng tráng sĩ ca của một thi
bá hơn một trăm năm mươi năm trước viết trong một đêm trăng sáng mùa Thu bên
bờ giòng sông loáng bạc để tiễn đưa bằng hữu đi trấn nhậm phương xa:
Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ
Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu
(Trà Giang Thu Nguyệt Ca - Cao Bá Quát)
Chu Thần tài hoa ngày xưa uống ruợu tiễn bạn dưới trăng để thấy trăng như
nỗi biệt ly đang ẩn hiện chập chờn trong sóng rượu ly bôi. Tụi mình hôm đó
chén thù chén tạc giữa màu đen của đêm tối quê hương. Thay cho ánh trăng của
người xưa là những đóm sáng hỏa châu xuyên qua ô cửa nhỏ trong đêm tối mịt
mờ. Hai hình ảnh, khác biệt rất xa về không gian lẫn thời gian nhưng cũng ảm
đạm và thê lương muôn trùng như nhau phải không Các. Mình không quên được âm
hưởng đặc sệt chất Khánh Hòa trong giọng nói của Các. Giờ mình đâu còn kiếm
với đao nữa mà án với ứng. Chỉ còn súng thôi. Vậy để tao sửa lại một chữ cho
hợp thời. Trượng phu án "súng" khứ tiện khứ. Được chưa mầy. Mầy cười cười
kiểu cười ruồi.
Đêm đó nhìn ánh sáng chao đảo trong đáy cốc rượu đế sủi bọt, mình bồi hồi
muốn ngậm hết ánh hỏa châu rạn vỡ trong ly rượu tràn đầy như ngậm hết đau
thương những mắt lệ biệt ly trong cuộc đời dâu bể. Có biết đâu, một lần tiễn
đưa là không hẹn buổi trở về. Và rồi, Các nhớ không, mấy tháng sau mình bị
thương rất nặng trong trận Bàu Me khói lửa ở Trảng Bàng. Còn mày hy sinh
trong mặt trận Thiện Ngôn vùng biên giữa mùa Hè đỏ lửa quê hương. Sau ngày
Các và mấy bạn hữu hy sinh ở mặt trận biên giới. Mình rất ghét mỗi khi phải
nhắc tên chiến trường Thiện Ngôn. Rõ ràng tên gọi địa danh là thiện ngôn
nhưng lời nói không thiện chút nào, nó cướp đi một thằng bạn thân thiết và
nhiều chiến hữu thân thương.
Một buổi chiều, mình đang nằm điều trị ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tuyết Mai vào
thăm và báo tin dữ. Mình lặng người và đau điếng xác thân. Nước mắt của Mai
nhạt nhòa trên khuôn mặt bi thương. Vệt nắng chiều màu vàng ma quái đang
lung linh trên những bức tường vôi Quân Y Viện. Các ơi!
Chỉ một mùa Hè đỏ lửa 1972, mình đã gặp biết bao điều đau đớn. Cơn đau hành
hạ từ những vết thương chưa lành qua nhiều lần giải phẩu của các Bác Sĩ để
lấy cho sạch những mảnh đạn còn sót. Cơn đau lên đến cực điểm mỗi khi phải
nhận và đọc hung tin của bạn bè xuất thân từ đồi 4648 vĩnh viễn ra đi. Các
ơi! dấu binh lửa năm xưa đã soi sáng những trái tim tuổi trẻ chúng mình. Bỏ
chuyện sách đèn và giảng đường. Gác lại những cuộc tình mộng mơ trong phố
thị. Tìm về Lâm Viên để làm môn hạ cho Khai quốc Công Thần Nguyễn Trãi trong
giấc mơ Yên Tử. Cũng chính mùa lửa binh năm ấy là mùa của nghiệt ngã, thương
đau cho quê hương, dân tộc với máu lửa và hờn căm ngút ngàn.
Đêm đã xuống tự trời cao, Tuyết Mai đã rời Quân Y Viện trở về và mình thì
lạnh câm trong nỗi sầu nhớ bạn. Các biết không, hôm sau mình trốn viện hai
ngày đưa Mai lên Đại đội Chung Sự ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa để tìm và
nhìn thân xác Các lần cuối. Cuộc tìm kiếm tưởng như vô vọng vì những ngày
của mùa Hè đỏ lửa năm ấy, số lượng tử sĩ đưa về quàng ở Nghĩa Trang Quân Đội
hàng ngày rất đông. Mình và Mai đã đi tìm suốt buổi. Đã đọc hết tên tuổi,
cấp bậc cuả những tử sĩ đã hy sinh và còn giữ tại nhà quàng chờ thân nhân.
Nhưng tuyệt nhiên không có tên bạn. Mãi đến cuối ngày, Văn phòng Đại Đội
Chung sự sau khi dò tìm, đã cho mình biết là xác cố Trung Úy Đào Các đã được
phi cơ đưa về Nha Trang chôn cất theo lễ nghi quân cách tại quê nhà.
Cuối năm 72, trong thời gian mình còn nghĩ dưỡng thương chờ ngày tái khám .
Theo yêu cầu của Tuyết Mai, và vì thương nhớ bạn, mình đã đưa Mai ra Nha
Trang thăm gia đình Các và viếng mộ phần bạn. Trong tiếng gió lạnh trầm cuối
năm dưới chân đèo Rù Rì hòa trong tiếng reo của những hàng phi lao từ biển
Cảnh Dương thổi sang. Nhìn vóc dáng tội nghiệp của Mai đang thổn thức khóc
thương mầy trước nấm mồ cô đơn. Mình thấy xót thương cho quê hương và tuổi
trẻ bất hạnh. Nầy là khăn sô góa phụ, nầy là tử biệt sinh ly. Ôi ! Cuộc đời
nếu chỉ mang hình ảnh đau thương nầy mãi thì còn gì là lẽ sống. Trong chút
nắng vàng hiu hắt những ngày cuối năm, trong tiếng gió biển se lạnh mang âm
ba sóng vỗ cuối chân trời, mình che tay thắp một nén nhang thơm cắm lên mộ
bạn, tự dưng nhớ mấy câu thơ của một thi sĩ nổi danh viết trong thời kháng
chiến.
Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trong nắng đổ
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ
Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay...
Giờ khách đi, Tha La nhắn câu nầy
Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé.
(Tha La Xóm Đạo. Thơ Vũ Anh Khanh)
Các ơi ! Gió Tha La đất Trảng Bàng không thổi về đây để nghe mùi hoa gạo
giữa mùa nắng vàng hanh. Nhưng mình cũng đang nghẹn ngào trong nắng đổ và
đang nghe gió thổi từng đợt lá vàng dưới chân đèo hiu quạnh đó Các.
Hôm sau, trên chuyến xe trở lại Sài Gòn, Mai có hỏi mình: Rồi em sẽ làm gì
và sẽ ra sao trong ngày tháng tới. Mình trả lời rất khẽ, mọi việc đã qua đi
và rồi cũng sẽ qua đi. Một lần thăm cũng đủ cho bạn anh ấm tình trong lòng
đất lạnh. Mai còn phải tính cho tương lai của chính mình, không thể ngâm
mình mãi trong nỗi đau thương vì một người đã mất được. Anh cho một hình ảnh ví
dụ đi. Mai hỏi. Mình không né tránh câu hỏi dù hoàn cảnh rất khó trả lời.
Mai còn quá trẻ em biết không? Một cuộc sống mới, một tình yêu mới cũng là
điều tự nhiên và bình thường. Anh hiểu Các nhiều lắm và tin chắc Các sẽ
không giận hờn về một quyết định họp lý như vậy đâu. Cuối năm sau mình nhận
được thiệp báo tin hôn lễ của Mai với một đồng sự trong ngành giáo dục ở Vũng Tàu. Mình có viết thư chúc mừng và thay mặt một số bạn bè của đồi
4648 chia vui với Mai. Mình tin là Các sẽ đồng lòng với những việc mình đã
nói và đã làm. Phải không Các ?
Từ năm ấy đến giờ, mình chưa bao giờ gặp lại Tuyết Mai. Cũng không nghe tin
tức về nàng. Mặc dù sau nầy có thời gian làm việc ở Chợ Lớn. Thỉnh thoảng có
dịp đi trên đường Mai Xuân Thưởng, lúc ngang qua nhà Mai, mình có chủ ý muốn
biết sinh hoạt của người bạn gái ngày xưa giờ ra sao. Một vài lần dừng lại
hỏi thăm tin tức. Nhưng lần nào cũng thấy cửa nẽo im lìm. Mình đoán có lẽ
nhà đã đổi chủ mới. Lại bâng khuâng nhớ bạn khôn nguôi. Viết đến đây, tao
lại giật mình vì thấy cuộc đời đôi khi có những trùng hợp kỳ lạ. Nhà mày ở
Nha Trang, con đường trước nhà là đường Mai Xuân Thưởng sát biển Cảnh Dương.
Tuyết Mai ở tuốt trong Chợ lớn, nhà cũng trên đường Mai Xuân Thưởng. Sự
trùng hợp rất kỳ lạ. Hay mày có “chat” hẹn hò với Tuyết Mai trước khi gặp.
Nhưng trước 1975, làm gì có Internet để chat với chic như bây giờ.
Các ơi ! hơn sáu năm bị vùi dập trong các trại tù rừng sâu. Nhiều lúc nhớ
bạn, nghĩ suy về cuộc đời, tao đâm ra ghen tỵ với mầy. Đừng có cười, mình
nói thực đó. Trong cơn đói và bị đày đọa triền miên về thân xác và tinh
thần, đôi lúc tự an ủi mình nếu được như Các có lẽ sẽ hạnh phúc hơn. Hơn ba
mươi năm sau, sống lây lất trên đất Mỹ, mình cảm nhận về mình rất rõ. Từ mấy
giòng thơ của một đàn em, mình viết một ca khúc như là tâm sự của chính
mình.
Hay ta đành phong kiếm.
Hay ta về diện bích.
Ngẫm soi thuở tang bồng.
Gởi đàn em non sông.
(Thơ Nguyễn Kiến Tạo)
Còn ai nữa không để gởi gấm non sông. Hay cuộc đời chỉ là hư không vi cuộc
đợi chờ đã suy tàn từ dấu mùa binh lửa năm xưa.
Mùa Xuân xưa nát tan đời lính trận.
Em yêu ai câm nín giữa trời quê.
Em thương ai mang kiếp đời lận đận
Sông ơi sông ! biết có đợi ai về !
(Nhớ một dòng sông. Lê Tấn Dương)
Mùa Xuân năm 2002 mình có về VN để thọ tang Cha. Ông Cụ mất tại Sài Gòn ở
tuổi 95. Chắc Các vẫn còn nhớ ông Cụ mà Các có lần ghé thăm vào giữa năm
1971 lúc nhà mình còn ở trên khu Gò Vấp. Thời gian trôi nhanh quá trên những
buồn phiền và lo toan. Mình rất tiếc đã không có được ngày giờ dư dả để về
lại Nha Trang tắm sóng vàng trong vịnh như mong ước từ lâu. Để bước từng
bước nhẹ lên Tháp Bà Thiên Y nghe gió thổi vi vu như lời than thở vận nước
điêu linh. Và nhất là đến thăm và đốt nhang trên mộ phần bạn. Ngôi nhà nhỏ
của gia đình Các gần khu vực Quân trường Đồng Đế. Mình còn nhớ như in mấy
cội mai vàng trồng quanh nhà. Không biết có còn bức tượng đá trên hòn núi
Một với câu thơ "anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ" để mỗi ngày mỗi
đêm làm bạn với Các giữa tiếng sóng vỗ vào gành đá Hòn Chồng rêu bám cô đơn và gió thổi xào xạt vào rặng dừa xanh tỏa bóng
quanh nhà.
Các ơi ! Hơn sáu năm sau ngày gãy súng, mình rời trại tù cuối ở Gia Trung,
không có em Pleiku môi đỏ má hồng đưa tiễn vì anh khách lạ ngày xưa đã gần
như rã mục với môi thâm da chì vì nước độc rừng sâu. Hai năm ở trại tù Gia
Trung, mình đã gặp lại nhiều thầy cũ, bạn xưa. Các thầy Nguyễn Sĩ Tế, Doãn
Quốc Sĩ … nỗi tiếng với tấm lòng sĩ phu “uy vũ bất năng khuất” trước
kẽ địch. Mấy nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Sài gòn thuở nào cũng bị giam cầm ở
đây khá nhiều. Mình nói Gia Trung là trại giam cuối chứ chưa phải là cùng.
Cuối năm 1986 mình bị bắt giam gần một năm trời tại trại giam Tân Quy Đông,
huyện Nhà Bè. Một trại tù ẩm ướt quanh năm, được xây từ thời Pháp thuộc đề
nhốt tù Chính trị. Tường được xây kiên cố và dày gần một thước với hàng rào
kẽm gai nhiều lớp bao quanh. Xà lim với bóng tối triền miên. Ba thằng tù cho
một thước rộng. Ghẽ lỡ khắp mình vì thiếu nước và dơ bẩn. Mình đã quen vì đã
qua nhiều trại tù khắp nước. Nhưng đối với phụ nữ, phải chịu sống trong điều
kiện tù như vậy là một điều đau đớn và phi nhân bản. Trong trại giam nầy,
mình đã gặp lại một nhà văn nữ nổi tiếng thuở xưa ở Đà Lạt và một nữ ca sĩ nổi danh ngày tháng cũ. Cả hai cùng can
tội vượt biên. Họ chỉ ở vài tuần là được thả sau khi liên lạc được với gia
đình. Đó mới là trại tù cuối cùng của mình. Kể về nó thì dài và nhiều chuyện
vô cùng. Thôi để lần khác có dịp, mình sẽ kể chuyện cho Các nghe.
Trước khi sang Hoa Kỳ định cư cùng gia đình, mình có hai lần về thăm đồi cũ
trường xưa. Ngày ấy ngồi uống rượu với Các giữa hoàn cảnh hiểm nguy và tàn
khốc của chiến tranh, cái chết rình rập cận kề vẫn vui đùa ngâm nga mấy vần
thơ chính khí của người xưa. Nhưng lạ lùng lắm, hai lần về lại chốn xưa của
xứ Đà Lạt hoa đào. Đứng bên trường nữ Trung Học Bùi Thị Xuân, nhìn sang khu
đồi 4648. Cố nín trong lòng nhưng hai mắt vẫn cay xè. Nầy là Vũ Đình Trường
rộn ràng tiếng kèn khai quân hiệu. Nầy là khúc quân ca vang vang mỗi sáng
mỗi chiều. Đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm phải không Các.
Những lũng sương mù quanh trường cũ đang nhạt nhòa bóng hình kỷ niệm đó Các.
Mình cố nghiêng người để nhìn cho rõ cổng Anh Đào xưa với vọng gác đêm
sương. Các biết không, kỷ niệm ở đó là một thứ cổ tích ướp hương thơm của
mùi tóc mây mắt biếc môi đào. Cổ tích ướp hương thơm những đêm huyền diệu,
những chiều nắng nhạt trên cổng trường xưa. Các còn nhớ hai lối rẽ trước
cổng Quân trường? Lối rẽ nào cũng đầy hương tình yêu vì lối rẽ nào cũng đầy
dấu vết của hẹn hò. Dấu vết hẹn hò còn phảng phất trên mắt môi cô nữ sinh
ngôi trường yêu dấu đối diện, trên lối mòn dẫn về giảng đường của Viện Đại
học nằm chênh vênh trên sườn đồi cánh trái. Rõ ràng mình có cảm giác đang
dẫm lên vết bước chân xưa của mình, của Các, của bạn bè, của những thiếu nữ
yêu kiều ngày xưa đã hơn một lần bước qua cổng Quân trường trong những chiều
cuối tuần nhạt nắng.
Hỡi em Ðà Lạt chiều sương xuống,
Con phố buồn vui theo uớc mơ.
Áo ai thấp thoáng lưng chừng dốc.
Vướng vào thơ ai chút hững hờ.
Mùa Xuân năm ấy, tàn chinh chiến,
Người về phố núi chạnh niềm đau.
Ngàn cánh Alpha trong bão tố
Thương đàn chim xưa lạc phương nào.
Tao lại nhớ mày lần ghé thăm tao ở đồn Phước An. Lúc đưa tay vẫy chào cô
thiếu nữ chạy Honda ngang đồn, Các hỏi chuyện tình của tao với Ngọc Thu tóc
ngắn ngang mùa tới đâu rồi. Mình ỡm ờ...thì gần tới bến rồi. Tao nhớ mầy nhả
khói thuốc, cười lớn. Đã nhen. Chuyện tình mùa chinh chiến thì biết ra sao
ngày sau, đời cũng như bức tranh đủ màu. Màu hồng thì hạnh phúc reo vui,
nhưng nếu nhiều màu đen thì xui xẻo và u buồn. Thôi, bỏ đi. Que Sera Sera.
Bức tranh của mình không nhiều màu hồng, màu xanh, nhưng cũng tạm được vì ít
mầu đen. Còn mầy đã cân nhắc, chọn lựa từng màu đẹp để vẽ nên chuyện tình cổ
tích trong mơ thì bức họa mầu đen phủ kín cuộc đời. Nguyễn Du gọi đó là mệnh
số. Nhưng đã là mệnh số thì còn gì để tranh luận phải không Các ?
Ngày mai đụng trận ta còn sống,
Về lại Sông Mao phá phách chơi.
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
(Trích thơ Nguyễn Bắc Sơn)
Lâu lắm rồi, mình vẫn còn nhớ người viết mấy câu thơ nầy. Gã thi sĩ lừng
khừng triết lý nầy cùng trang lứa với tụi mình, cũng giày saut áo trận từng
ngày trong vòng quay của cuộc chiến. Tao còn nhớ vì biết mầy thích mấy câu
thơ nầy lắm và thường hay nghêu ngao trong những dịp uống rượu với bạn bè.
Vì thích thú nên mầy mới ôm nguyên phố chợ Sông Mao của tác giả mang về đặt
ở Nha Trang của mầy để dễ dàng phá phách chơi. Có phải vì vậy mà Nha Trang
giận mầy không Các ?
Các thân,
Mùa Thu ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, nếu không mưa sẽ có những ngày sương mù dày
đặc, nó gợi nhớ hình ảnh Đà Lạt của tụi mình một thời đã qua. Mà lạ thật đó
Các, cái thành phố Seattle dễ thương ở miền Tây Bắc được thiên hạ gọi là
thành phố Ngọc Bích với nhiều đồi cao, lũng thấp, sương mù phủ kín, sao
giống Đà Lạt của tụi mình quá đổi. Những ngày mưa gió ở đây lại gợi nhớ
những chiều hành quân, những đêm dạ hành ở Lào Táo, Mây Đắng, Trung Lập,
Trung Hòa của Củ Chi, Trảng Bàng trên miền đất Hậu Nghĩa xa xưa. Kỷ niệm
đúng là một thứ vi khuẩn gặm nhấm trí não, làm đau buốt con tim. Nhưng cuộc sống sẽ ra sao nếu không có bóng dáng kỷ niệm dù là êm ái
hay khổ đau phải không Các. Nhịp đời luân chuyễn rồi sẽ gọi ai, chờ ai. Thôi
cũng đành tháng tháng năm năm đốt lò hương cũ để tìm bóng xưa.
Thương nhớ mầy Các ơi !
Lê Tấn Dương
No comments:
Post a Comment