Pages

Jerusalem, Thánh Địa Của 3 Tôn Giáo Cùng Chung Tổ Phụ Abraham


Bùi Quý Chiến

Cùng chung định mệnh thăng trầm với Palestine, Jerusalem đã trải qua:
  • 2 lần bị phá hủy.
  • 23 lần bị bao vây.
  • 44 lần bị chiếm đóng và tái chiếm.
  • 52 lần bị tấn công.

Vào thiên niên kỷ 4 TTL, Jerusalem là căn cứ của dân du mục Caanite.

Cuối TNK 2 TTL, Moses đưa dân Do thái về vùng đất hứa Palestine. Jerusalem nằm giữa vùng đất hứa.

Năm 1000 TTL, David chiếm Jerusalem và xây tường bao quanh làm thủ đô cho vương quốc Do thái. 
Kế vị David, Solomon xây đền thờ trên đồi Moriah. Từ đó Jerusalem trở thành thủ đô chính trị và tinh thần của Do thái.

Năm 586 TTL Jerusalem rơi vào tay người Babylon, đền thờ Do thái bị phá hủy.

Cuối TK6 TTL, đế quốc Ba tư trả lại quyền cai trị cho Do thái, thống đốc Jerusalem là Zerubbabel cho xây lại ngôi đền vào các năm 538-515 TTL.

Ngôi đền thứ nhì này bị đế quốc La mã phá hủy cùng với Jerusalem năm 70 Tây lịch.

Ngôi đền là biểu tượng linh thiêng của Do thái giáo, nay không còn di tích ngoại trừ một bức tường ở phía tây gọi là Western Wall.

Thành phố cổ Jerusalem

Thành phố cổ ở về phía đông Jerusalem, nằm trên 2 ngọn đồi, có tường bao quanh. Thành phố được chia làm 4 khu.
  1. Khu Hồi giáo ở phía đông có 2 thánh đường nổi tiếng là Dome of the Rock và al-Aqsa [sẽ nói rõ ở đoạn sau]. Nơi xây cất 2 thánh đường Hồi giáo này nguyên là nơi tọa lạc ngôi đền bị phá hủy của Do thái. Bức tường bao quanh khu Hồi giáo này nối tiếp Western Wall của Do thái. Sự chồng chéo giữa 2 tôn giáo ở đây đã gây nên những cuộc bạo động trong nhiều thế kỷ giữa người Ả rập và Do thái.
  2. Khu Do thái ở về tây nam khu Hồi giáo, gồm nhiều đền thờ cổ nổi tiếng của Do thái.
  3. Ở về phía tây khu Do thái là khu của người Armenia. Quốc gia này xưa là vương quốc ở phía tây châu Á, nay gồm một phần đông bắc Thổ nhĩ kỳ và tây bắc Iran. Lập quốc từ năm 600 TTL, Armenia là nước đầu tiên trên thế giới nhận Thiên Chúa giáo là quốc giáo [năm 303 Tây lịch]. Những người Armenia bỏ nước tới đây vì muốn sống gần thánh địa Jerusalem.
  4. Ở về phía bắc của thành phố cổ là khu Thiên Chúa giáo với nhà thờ nguy nga Holy Sepulcher. Xuyên qua khu này là Via Dolorosa [con đường Chúa Jesus vác Thánh giá].
    Dưới triều đại Hồi giáo Fatimid [909-1171], nhà thờ Holy Sepulcher bị phá hủy và người hành hương Thiên chúa giáo bị đàn áp, gây nên cuộc Thánh chiến [Crusader]. Chiến thắng của đoàn quân Thánh chiến đưa tới việc thành lập vương quốc La tinh Jerusalem .

Thánh đường Dome of The Rock và al-Aqsa 

Thánh đường Dome of The Rock và al-Aqsa liên quan tới một sự kiện siêu nhiên của Hồi giáo.

Một buổi tối, thiên thần Gabriel [người trao kinh Qur'an cho Muhammad] tới gặp Muhammad rồi dẫn giáo chủ Hồi giáo tới một con ngựa thần. Ngựa đưa Muhammad từ Mecca tới Jerusalem, nơi đây Muhammad gặp Abraham [tổ phụ của Thiên Chúa giáo, Do thái giáo và Hồi giáo], Moses và Chúa Jesus. Trước mặt các vị này, Muhammad dâng lời cầu nguyện lên Thượng đế Allah.

Trong khi ở Jerusalem, Muhammad được mời 1 ly nước, 1 ly rượu nho và 1 ly sữa. Muhammad từ chối ly nước vì nước sẽ làm dân Hồi giáo chết đuối, ly rượu nho cũng bị từ chối vì rượu sẽ làm tín đồ bỏ chính đạo, Muhammad chỉ uống ly sữa vì sữa giúp tín đồ vững tin vào đạo của Allah. Thiên thần Gabriel xác nhận sự lựa chọn của Muhammad.

Sau đó Muhammad được ngựa thần đưa lên thăm thiên đường và nói chuyện với Allah trước khi trở về Mecca [nay thuộc Saudi Arabia].

Năm 638 TL, Caliph Omar chiếm Jerusalem. Nơi trước đây được cho là Muhammad gặp Abraham, Moses và Chúa Jesus nay được Omar xây thánh đường al-Aqsa. Nơi đây cũng là ngôi đền Do thái bị phá hủy. 

Nơi ngựa thần đưa Muhammad lên thiên đường gặp Allah được Omar xây thánh đường Dome of The Rock. Tảng đá giữa thánh đường có dấu chân ngựa thần.

Người Hồi giáo còn tin rằng tảng đá ấy cũng muốn theo ngựa thần lên thiên đường nhưng bị Gabriel đẩy xuống; tảng đá còn dấu tay của Gabriel.

Tuy nhiên đối với người Do thái, tảng đá ấy chính là nơi Abraham trói Isaac để chuẩn bị hy sinh.

Đối với người Hồi giáo, tảng đá là trục của thế giới, là điểm từ đó sự sáng tạo thế giới bắt đầu và cũng từ đó hồi kèn cuối cùng sẽ nổi lên chấm dứt lịch sử thế giới.

Bức tường Western Wall

Ngôi đền thứ nhất và nhì của Do thái nằm trên đồi Moriah. Người Do thái và Thiên chúa giáo gọi nơi này là Temple Mount.

Đồi này có hình dạng không đều nên năm 19 TTL, vua Do thái Herod The Great [74-4 TTL] cho bồi đắp thêm khiến khuôn viên được mở rộng.

Bao quanh khuôn viên, Herod cho xây 4 bức tường thẳng góc bằng những khối đá lớn. 

Năm 70 Tây lịch, đế quốc La mã chiếm đóng Palestine, Jerusalem bị phá hủy, kể cả khuôn viên Temple Mount. Bốn bức tường bao quanh Temple Mount bị phá sập chỉ còn lại một phần ở phía tây gọi là Western Wall. Phần còn lại này được người Do thái coi như thánh địa vì đền thờ Do thái không còn nữa và Temple Mount trở thành thánh đường Dome of The Rock và al-Aqsa của Hồi giáo.

Tới thời Umayyad - triều đại đầu tiên của Arab Caliph [661-750] với thủ đô là Damascus - bức tường cũ của Do thái được xây lại, phần tường Western Wall sát nhập vào bức tường mới và được xây cao thêm bằng những khối đá nhỏ hơn.

Do khối đá lớn nhỏ khác nhau, Western Wall của Do thái rất dễ nhận ra. Người Do thái tới đây cầu nguyện, có người thương khóc vì bức tường gợi lòng tưởng nhớ tới ngôi đền linh thiêng nay không còn nữa. Người ngoài Do thái giáo gọi nơi này là Bức tường than khóc [Wailing Wall] nhằm đánh giá thấp Do thái giáo. 

Vì Western Wall nằm trong khu Ả rập nên những cuộc hành hương của người Do thái thường bị cản trở, có khi bị cấm đoán, có khi xảy ra bạo lực xô xát. Cuộc bạo loạn năm 1929 gây tổn thất nặng cho bên Do thái với 133 người chết và 339 người bị thương.

Nhiều tổ chức tư nhân Do thái ngỏ ý mua Western Wall nhưng không kết quả. Phong trào Zionism của Do thái gây nên mối lo ngại cho người Ả rập. Nếu Western Wall thuộc chủ quyền Do thái, thành phố Jerusalem sẽ có nguy cơ mất về tay Do thái.

Jerusalem sau Thế chiến 1

Sau Thế chiến 1, Hội quốc liên [tiền thân của Liên hiệp quốc] ủy nhiệm nước Anh cai trị Palestine và tìm giải pháp cho sự xung đột giữa Ả rập và Do thái.

Sau nhiều lần dàn xếp không kết quả, nước Anh nhìn nhận thất bại và trả lại Liên hiệp quốc quyền ủy nhiệm.

Năm 1947 Đại hội đồng Liên hiệp quốc quyết nghị chia Palestine làm 2 nước: Ả rập và Do thái, riêng một khu gồm thành phố Jerusalem và Bethlehem sẽ được tách ra đặt dưới quyền cai trị của quốc tế. 
Quyết nghị được Do thái chấp thuận nhưng bị Ả rập phản đối.

Năm 1948 nước Anh rút quân ra khỏi Palestine, và Do thái tuyên bố độc lập với thủ đô là Tel Aviv. Ngay khi ấy, Jordan và Ai cập đem quân xâm chiếm West Bank và Gaza.

Ngày 14-5-1948 Jerusalem xảy ra bạo loạn giữa người Ả rập và Do thái. Người Do thái trong thành phố cổ đầu hàng nhưng giữ được phía tây của thành phố mới.

Người Ả rập trong thành phố cổ và vùng phụ cận tự nguyện sáp nhập vào Jordan và được Jordan cấp quốc tịch.

Trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967, Do thái đánh bại Jordan và Ai cập, lấy lại West Bank và Gaza, thu hồi phía đông Jerusalem kể cả thành phố cổ. Người Ả rập được cấp quốc tịch Do thái nhưng họ từ chối và vẫn giữ quốc tịch Jordan. 

Năm 1980 quốc hội Do thái ra đạo luật xác định Jerusalem là thủ đô của Do thái. Các nước trên thế giới và Liên hiệp quốc - nhất là các nước Hồi giáo - đều phản đối. Các nước có quan hệ ngoại giao với Do thái vẫn đặt sứ quán ở Tel Aviv. Nhưng năm 2017 nước Mỹ thay đổi lập trường: Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Do thái, và chuyển tòa Đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. 

Bùi Quý Chiến



Tham khảo:
  • Wikipedia.
  • The Columbia Electronic Encyclopedia.

1 comment:

  1. Tôi đọc một số bài viết và nghiên cứu rất công phu của tác giả Bùi Quí Chiến đã giúp ích cho Tôi hiểu thêm về những phức tạp của lịch sử vùng đất Á Rập và các nước liên quan. Cám ơn rất nhiều tác giả Bùi Quí Chiến.

    ReplyDelete