Trong cổ tích Việt Nam, có hai câu chuyện thật dí dỏm đặc sắc, lại mang biểu
tượng về bản tính đặc thù của người Việt mình.
Đó là Chuyện Thằng Bờm và Chuyện Thằng Cuội.
I. Biểu Tượng Thằng Bờm
Thằng Bờm: điển hình cho óc thực tế, cho sự hiền lành chất phác của người
dân quê. Mọi sinh hoạt lấy nông thôn làm gốc, mọi ước vọng lấy no bụng làm
đầu. Hạnh phúc thật của đời người là sự an bình nhàn hạ, cơm no áo ấm
"Nằm khểnh ăn no, Quạt mo phì phạch". Chẳng cầu mong hão huyền, không
ham muốn viển vông. Bản chất thuần phác, thiết thực chín chắn, tính tình mộc
mạc đơn sơ, thích an hòa và "hưởng nhàn", nhưng lại có ý chí kiên trì
sắt đá, nhẫn nại và bền lòng
Chuyện Thằng Bờm chứa đựng một triết lý nhân bản thực tiễn. Biểu lộ một nhân
sinh quan an nhiên tự tại của người Việt. Chính đó là chủ đạo dân tộc trong
việc dựng nuớc và giữ nước. Chuyện chỉ vỏn vẹn 10 câu thơ lục bát mà gói
trọn một quan niệm sống cổ nhân:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi - Bờm cười !
(Tục ngữ Phong dao- Nguyễn Văn Ngọc)
Bờm có cái quạt mo, để lúc mưa che đầu, lúc nắng nôi kiếm gốc cây ngồi thoải
mái quạt mát. Đổi gì nó cũng không chịu; từ chối ba bò chín trâu, ao sâu cá
mè; bè gỗ lim, chim đồi mồi.
Nhưng khi phú ông gạ đổi nắm xôi thì nó toét miệng ra cười!
Cười là khoái, hết chỗ chê rồi! Chưa rõ Bờm thuận hay không, nhưng đổi chác
vậy là hợp lý, chắc ăn như bắp. Chứ cái quạt mo mà đem trâu bò, ao cá,. . .
ra nhử thì sự vô lý, chênh lệch hiện ra qúa rõ.
Bờm hiền lành chất phác, nhưng không ngu đến nỗi không hiểu sự việc đó. Biết
chừng đâu chỉ là lừa dối. Mà nói cho cùng, cuộc đổi chác giả như thực, thì
Bờm vẫn khước từ, vì dại gì bỏ cái hạnh phúc an nhàn (quạt mo), chuốc lấy
cái bả lợi danh, cho hao tâm mệt trí.
Phú Ông đem trâu, bò, ao cá, chim mồi ra nhử Bờm, khác gì:
Mùi phú qúy nhử làng xa mã
Bả vinh hoa lừa gã công khanh.
(Cung Oán ngâm khúc)
Bờm không cầu xa mã, chẳng màng công danh, nên từ chối cuộc sống phù hoa, ấy
là lẽ tự nhiên. Suy tư và ứng xử chất phác của Bờm nào khác gì tư tưởng của
các nhà triết học Tây phương:
Vanitas vanitatum, et omnia vanitas (Vanité des vanités, tout n'est que
vanité.)
"Phù hoa nối tiếp phù hoa.
Rồi ra tất cả chỉ là phù vân"
Còn như nắm xôi đáp ứng đúng nhu cầu thiết thực, gãi đúng chỗ ngứa của Bờm
nên nó chịu. Hạnh phúc thật của đời sống con người, đơn giản là an nhàn và
no ấm. Cho nên “quạt mo” và “nắm xôi” có giá trị tương đương
với nhau.
Suy rộng ra, “quạt mo” của Bờm, chính là “chữ nhàn” ,
một triết lý sống cao đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Trong văn chương bình dân
có rất nhiều câu Ca dao nói đến chữ “Nhàn” như:
Nhất cao là núi Tản Viên
Thanh nhàn vô sự là tiên trên đời
Chẳng tham ruộng cả nhà cao
Chỉ mong cuộc sống làm sao an nhàn
Cầu chi tiền vạn, bạc ngàn
Chỉ cầu mong được chữ nhàn mà thôi.
“Hưởng nhàn” là ước mơ tuyệt đỉnh, là lạc thú trên đời không gì sánh
bằng, được nhắc đến trong nhiều tác phẩm lớn của Văn học Việt Nam, như:
Một ngày trong thú thanh nhàn
Mấy trăm, muôn cảnh nhân hoàn đọ sao.
(Bích Câu kỳ ngộ)
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.
(Cung oán ngâm khúc)
Công danh phú qúy màng chi
Cho bằng thong thả mặc khi vui lòng!
(Lục Vân TIên)
Chữ Nhàn đáng giá muôn chung
(Nguyễn Công Trứ)
Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Đoạn tống nhất sinh, duy hữu tửu.
Trần tư bách kế, bất như nhàn.
(Cao Bá Quát)
Vậy thì “cái Nhàn” đã là “Đạo Sống” của cổ nhân ta. Và bởi vì:
“có thực mới vực được Đạo” cho nên ta không ngạc nhiên nếu Bờm nhận
“nắm xôi”. Đổi quạt mo lấy nắm xôi, là nghĩa đen, tượng hình hóa sư
việc mà thôi. còn về đường tư tưởng thì "cái nhàn" vẫn ở nguyên vẹn
trong tâm trí Bờm, như Nguyễn công Trứ đã luận:
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn
Cái tài tình của câu chuyện là kết luận: “Bờm cười.” không gật đầu,
chẳng trả lời, chỉ cười, vậy thôi! Ai cũng hiêủ nó nghĩ gì, muốn gì. Ôi! Bờm
cười, là chính hiệu Việt Nam rồi, còn chệch đằng nào nữa.
Ngày xưa ông Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) viết trong Đông Dương Tạp Chí (số
22) bảo rằng người Việt mình có một thói lạ là hay cười, thế nào cũng cười,
gì cũng cười! Thật đúng qúa vậy. Dù cười mãn nguyện, cười triết lý hay cười
ngô nghê, thì thằng Bờm vẫn tượng trưng cho những đức tính tốt của con người
Việt Nam. Phần còn lại là những tính xấu nó nhường cho Cuội, một thằng hoàn
toàn đối nghịch với Bờm.
II. Biểu Tượng Thằng Cuội
Thằng Cuôị là biểu tượng của sự khoác lác, nói dối, đánh lừa, tinh nghịch
láu lỉnh, ranh mãnh, khôn vặt. Ngần ấy thói xấu mà đem gán sống cho con
người Việt nam, tôi e có vị sẽ nổi sùng.
Nhưng xin hãy bình tâm mà nhìn vào sự thật. Nếu vũ trụ, vạn vật được tạo
dựng bởi hai nguyên lý đồng đối, âm và dương; con người là giao điểm của hai
thái cực tốt và xấu, thì dân tộc mình có Thằng Bờm, ắt phải có Thằng Cuội.
Chẳng gì qúa đáng! Chẳng có gì xúc phạm tới lòng ái quốc hoặc tự ái dân tộc
của Con Tiên Cháu Rồng cả.
Trong bộ “Việt Nam Sử Lược”, sử gia Trần Trọng Kim có nhận xét như
sau:
“về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt Nam có cả tính tốt và các
tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo tay chân,
nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học. Trọng sự học thức, qúy
sự lễ phép, mến điều đạo đức; lấy sự nhân, lễ nghĩa, trí, tín làm 5 đạo
thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ
quyệt và hay bài bác chế nhạo. Thường thì hay nhút nhát hay khiếp sợ và
muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ
luật. Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều không kiên nhẫn, hay khoe khoang,
và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc.
hay tin ma, tin qủy sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tính tôn giáo
nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người
và hay nhớ ơn”
(nguyên văn, Quyển 1 trang 6 và 7)
Lại trong bộ sách phê bình văn học: “Nhà Văn hiện đại”, ông Vũ Ngọc
Phan cũng viết một câu thẳng thừng như sau:
“Tôi thấy cái câu này của người Tàu bình phẩm người Việt Nam ta thật đúng
qúa chừng: người bé nhỏ mà lại hay đại ngôn!”
(nguyên văn, tập 3 trang 533)
Dẫu hai vị học giả khả kính trên đã cả quyết là người mình có tật hay nói
phét. Tôi cũng không vơ đũa cả nắm mà rằng mỗi nguời Việt có một Thằng Cuội,
nhưng tôi đoan chắc sự dối trá đã ăn rễ sâu vào mọi sinh hoạt của xã hội ta,
xin dẫn chứng như sau:
a) Cuội trong ngôn ngữ: Ví dụ, gọi cha mẹ là thầy, cậu mợ. Con cái có
tên tuổi đàng hoàng lại kêu là Cu lớn, Cu nhỏ, thằng Chó, Tí Tèo, con Hĩm,
đĩ Lớn, đĩ Nhỏ… Ở trong thôn xã: ông Ba, bà Bảy, toàn là tên Cuội hết cả -
Chết thì nói mất (cha mẹ mất sớm) chê mà như khen
(rõ khéo chửa! Đẹp mặt chửa?)Khen lại như chê
(thằng Cu trông dễ ghét chưa!).v.v.. đành rằng có những lý do tạo ra
từ ngữ, nhưng phàm đen nói trắng, có nói không. Vậy là Cuội rồi! Có khi ta
nói quen miệng, nghe quen tai, đời này qua đời khác mà không để ý tới cái
cội rễ “ngôn từ Cuội bẩm sinh” đấy thôi!
b)Cuội trong phong tục:Ví dụ những câu chúc tụng rặt một điều quá
đáng. (Ví dụ: Vạn tuế, muôn năm, vạn sự như ý …) Câu chửi rủa cũng
vậy, cho ăn cái này, của nọ. Có thật vậy không? Đến sự mời mọc:
“Mời các cụ xơi cơm!” Mời dơi mời chuột theo thói quen, chứ các cụ mà
xơi thật thì nhà cháu nhịn đói sao?.v.v… Việc giao tế trong xã hội ta, cuội
nhiều lắm. Người ứng cũng như ngườì đáp đều hiểu là cuội, nhưng đôi bên lấy
cái tâm thành mà đối đãi với nhau. Hóa nên cuội mà tạo được nếp sống đaọ lý,
có lễ giáo, cương thường, tôn ti trật tự và có tình yêu thương đằm thắm.
c) Cuội trong lịch sử:
Tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước những biểu tượng thiêng liêng của lịch
sử: Con Rồng Cháu Tiên, Bà Mẹ Âu Cơ trăm trứng, mà không gọi đó là cuội.
Nhưng tôi ghi nhận rằng trong toàn bộ Sử Việt, cứ mỗi lần ta đánh thắng quân
Tàu, thì liền đó, triều đình lại sai sứ qua triều cống thần phục, là ý làm
sao? Cống thật hay cống cuội? Chủ ý là: Ông thắng mày, nhưng mày là nước
lớn, nên chi “xí cô hồn” cho mấy cái ngà voi để thua, mà hả dạ, đừng
sang quấy nhiễu nữa! Chẳng qua là kiểu ngoại giao cuội để mưu hòa bình mà
thôi.
Đến những chuyện cuội vĩ đại, được coi là quốc kế mưu lược, nào việc gả
Huyền Trân cho Chế Mân đổi lấy Châu Ô, Châu Rí sau Trần Khắc Chung lại qua
Chiêm Thành đưa Huyền Trân trở về. Nào ông Lê Lai giả làm vua Lê Lợi để cứu
Chúa. Cậu bé 10 tuổi giả làm Hoàng Đế Cảnh Thịnh. Ông Phạm Công Tỵ hóa trang
thành vua Quang Trung sang Tàu triều bái vua Càn Long (“Tự hào là người Việt Nam”, của Cao Thế Dung, trang 198)
Tới đây, tưởng đã đủ để xác định sự hiện diện và tầm quan trọng của thằng
Cuội trong con người Việt Nam. Qủa thực Cuội có một giá trị độc đáo, và có
khả năng đắc dụng vô cùng cần thiết về giao tế. Trong
“Tôn Tử Bình Pháp” của Trung Hoa có nguyên một
“Thiên Hư Thực” dạy về đặc tính Cuội. Trong
“Binh thư Yếu lược” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng có tới ba
chương: Chiến lược – Hư Thực – Mưư Trí.
Cuội thật xứng đáng ngang hàng với Bờm, nếu không nói là nó nổi tiếng hơn.
Giải oan cho Cuội:
Bắc thang lên đến cung mây
Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời?
Cuội nghe thấy hỏi Cuội cười
Bởi hay nói dối phải ngồi gốc cây!
(Ca dao)
Gốc gác của Cuộị là nói dối vì vậy mà trăm dâu đổ đầu tằm, bao nhiêu tội lỗi
xấu xa người ta trút hết lên đầu nó. Mới đây, ông Hoàng Quốc Thanh có viết
một bài báo nói về Cuội, gán ghép tội nó như Vẹm tức Việt minh cộng sản.
Thật oan cho Cuội quá!
(mới rồi, ông bà Hoàng Quốc Thanh - tức Nhà Thơ Hoàng Cao Các – có tới
thăm chúng tôi, sau khi thảo luận đã đồng ý tôi viết vài dòng, giải oan
cho Cuội)
Phải công bằng định công luận tội cho Cuội. Phải ấn định lằn ranh nói dối
của nó. Vượt qúa mức là không phải Cuội, không còn tính chất Cuội nữa. Cuội
chỉ ranh mãnh tinh nghịch nói dối chơi chơi thôi, tuyệt nhiên không làm hại
ai. Chuyện Cuội nói dối Hà Bá lên bờ cho cọp ăn thịt là nó có công diệt trừ
một tên ác ôn để cứu sống bầy trâu. Chuyện giết trâu của chú đãi bạn mục
đồng chẳng qua cũng như trừ vào việc chăn trâu suốt đời không công của nó,
đến chuyện nói dối thím là chú bị lòi ruột (ruột tượng). Nói dối chú
là thím nấu cơm ở nhà cháy (cơm cháy chứ không phải là nhà cháy) đó
là láu cá vặt đánh lừa cho chú thím bị một phen lên ruột, cười chơi – chân
tướng thằng Cuội là như vậy.
Cuội khoác lác láu lỉnh chứ không lưu manh, xảo trá, đểu cáng.
Cuội tinh nghịch nói dối chứ không gian xảo, bịp bợm, vô luân.
Cuội đánh lừa ranh mãnh chứ không dã man, ác ôn, côn đồ như cộng
sản.
Người Việt mình có tới 50% bản chất thằng Cuội, đó là những trường hợp chẳng
đặng đừng, chấp kinh thì phải tòng quyền, phải nói dối, phải ranh vặt khi
cần, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Ờ với Bụt mặc áo cà sa, ở với ma mặc áo
giấy… là vậy.
Thử hỏi (thiệt tình) người Việt tỵ nạn đến Mỹ, đến Pháp gia nhập quốc tịch
xứ sở địa phương, giơ tay thề từ bỏ quốc tịch Việt Nam, là thề thật hay lời
thề cá trê chui ống? Sông có khúc, người có lúc, biết uyển chuyển, gặp thời
thế thế thời phải thế, để tự tồn tự tiến, tự lập. Vậy Cuội là gì? Phải chăng
là con đường tắt an toàn đưa dân tộc đến an sinh cường thịnh. Phải chăng là
hầm hố ẩn núp bom đạn của cuộc đời.
Thử nghĩ thời xa xưa bị Tàu đô hộ, ta bèn dùng chữ Tàu biến cải thành chữ
Nôm mà ứng dụng vào thi văn. Tới khi Tây bảo bộ ta lại lấy luôn La Tinh làm
quốc ngữ để văn học phát triển. Gỉa sử một ngày mai, xong việc diệt cộng
hưng quốc, người Việt khắp nơi tấp nập trở về với đầy ắp hành lý là những
tinh hoa của 5 châu mà mình “cuội” được thì tương lai nước Việt Nam
mình sẽ thay đổi rực rỡ biết chừng nào!
Ta không khuyên con cháu làm điều dối trá, ranh mãnh.
Chúng ta không vinh danh sự khoác lác sự nói phét.
Nhưng ta dậy con cái điều chí nhân, rèn luyện cái tâm chí thành để một mai
trên đường đời chúng gặp lúc phải tránh né, phải nói dối thì vẫn giữ được
lòng nhân và tâm thành – đó chính là cái tinh thần của thằng Cuội trong xã
hội ta vậy.
Thằng Cuội Trong Văn Chương
Chuyện Thằng Bờm chỉ vỏn vẹn có 10 câu Ca dao ghi trên, tôi không tìm thấy
một tài liệu nào khác nữa. Còn Thằng Cuội thì trái lại có địa vị khả ái
trong văn đàn. Trước hết, ở tuổi thơ, nhi đồng rất mến Chú Cuội (gọi là
Chú). Ai trong chúng ta đã chẳng một lần cầm đèn cá chép đi dung giăng dung
giẻ mà ca hát hồn nhiên ngây thơ:
Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to
Có Thằng Cuội già, ôm một mối mơ.
(Nhạc sĩ Lê Thương)
Rước đèn, ăn bánh Trung Thu, rồi xúm quanh nghe ông bà kể chuyện Hằng Nga,
chú Cuội.
Ta thấy người ta vẫn nói rằng
Nói rằng Thằng Cuội ở trong trăng
Chứa ai không chứa, chứa Thằng Cuội
Tôi gớm gan cho chị ả Hằng.
(Tú Xương)
Hằng Nga là vị nữ lưu tuyệt mỹ, sắc đẹp nghiêng trời lệch đất. Cuội là đứa
chăn trâu ở dưới trần gian, vợ Cuội một hôm vô ý " è" vào gốc cây thần, cây
đa bật rễ bay lên trời. Cuội hốt hoảng bổ vội một lát cuốc vào gốc cây cố
sức trì kéo xuống chẳng ngờ cây Đa lôi tuốt nó lên Cung Quảng. Cuội ở trên
đó với Hằng Nga. Suốt đời, không bao giờ hổn hào bờm xơm với người đẹp. Nó
kính trọng và gọi cô bằng chị.
Cuội luôn ôm giấc mơ là trở về quê hương dương trần với vợ. Chỉ một điều đó,
thấy Cuội dễ thương quá chừng rồi. Duy tật nói dối thì lên trời cũng không
chừa được.
Chú Cuội ở trên cung trăng
Vì hay nói dối chị Hằng đuổi đi
Cuội ngồi Cuội khóc tỉ ti
Muời lăm tháng tám Cuội đi về trần
(Ca dao)
Đấy! Lại nói dối nữa rồi! Ở tít trên cung trăng, làm sao mà đi về trần –
trong giai thoại văn chương có câu chuyện vui về Cuội, một bữa Hồ Xuân Hương
mượn tiền Chiêu Hổ, Hổ hứa cho mượn 5 quan sau đưa chỉ có 3. Hồ Xuân Hương
bực mình, mượn tích Cuội mà trách khéo rằng:
Sao nói rằng năm chỉ có ba?
Trách người quân tử hẹn sai ra!
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhờ hái cho xin mắm lá đa.
(Hồ Xuân Hương)
Chiêu Hổ ỡm ờ hoạ lại:
Rằng gián thì năm, quí có ba
Bởi người thục nữ tính không ra
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa.
(Chiêu Hổ)
Chú thích của Trần Trọng Kim:
“Ngày xưa tiêu tiền có quan gián và quan qúi. Quan gián có 6 tiền mà quan
qúi thì mười tiền.”
Bảo rằng Cuội nổi danh hơn Bờm, thiệt quả không ngoa. Bởi vì Cuội có một đền
thờ hẳn hoi - gọi là “Đền Ông Cuội” - điều đó nói lên sự nhân cách
hóa tài tình và óc hài hước cao độ của người Việt Nam
Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà đến đấy vén quần lên
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười:
"Cái gì trăng trắng như con cúi?"
Đàn bà khép nép đứng liền thưa:
"Con trót hớ hênh, ông xá tội;"
"Thôi thôi con có tội chi mà
Lại đây ông cho giống ông Cuội."
Từ đấy làng Ngang đẻ ra người
Đẻ ra rặt những thằng nói dối.
(Nguyễn Khuyến)
Bài thơ Cuội mà tôi thích thú nhất là:
“Muốn Làm Thằng Cuội” của Tản Đà, xưng với Cô Hằng chị chị em em ngọt
xớt, rõ hệt giọng điệu của Thằng Cuội:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng Tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
(Tản Đà . Nguyễn Khắc Hiếu)
Hằng Nga là đệ nhất Thiên tiên (Tiên Nga). Nhan sắc lu mờ tinh tú, mà thi sĩ
xin lên cung Nguyệt chỉ để ngồi tựa vai người đẹp, tôi chắc ông không nói
Cuội, và như vậy tôi phục ông qúa!
Nhưng tôi càng phục ông hơn nữa là:
“Trông xuống thế gian cười!”
Ôi! Bờm cười, Cuội cũng cười! gì cũng cười !!! chỉ cười thôi, chẳng nói gì
cả!
Tản Đà qủa là Đệ nhất thi hào Việt Nam, đáng yêu biết là chừng nào!
Trần Quốc Bảo
Post a Comment