Header Ads

Thời Đại Đồ Sắt


Bùi Quý Chiến

Thời đại đồ đồng đang cường thịnh thì sụp đổ. Nguyên nhân chính là quặng thiếc - thành phần quan trọng trong hợp kim của đồng - bị khai thác tới mức khan hiếm.

Trước khi văn minh thời đại đồ đồng tan rã, người xưa đã tìm ra được cách luyện sắt từ quặng.

Sắt tuy không bền bằng hợp kim của đồng nhưng quặng sắt có sẵn ở nhiều nơi.

Tuy nhiên bước đầu của thời đại đồ sắt  không được hanh thông.

Sắt thiên tạo

Đồ sắt xưa nhất được tìm thấy ở khu nghĩa địa vùng Gerzeh thuộc Hạ Ai cập [Lower Egypt] là 9 viên sắt tròn nhỏ [bead] . Có lẽ những viên sắt này là thành phần của một chuỗi hạt đeo cổ; chúng có tuổi 3200 TTL. 

Những viên này được tạo thành từ sắt thiên thạch [meteoric iron]. Thành phần của sắt thiên thạch gồm sắt và niken.

Vì là vật liệu từ không gian rơi xuống trái đất nguyên chất [native metallic state] nên không đòi hỏi phải luyện như quặng.

Tuổi của 9 viên sắt này cùng thời với thời đại đồ đá. Như vậy những viên này đã được tạo thành do những dụng cụ bằng đá, đòi hỏi tài năng khéo léo và tỉ mỉ.

Khám phá phương pháp luyện sắt

Đồ sắt xưa nhất được tìm thấy ở Ai cập là một dao găm có tuổi 1350 TTL. Con dao này được tạo thành bằng cách nung chảy sắt [melting] và đập búa [hammering].

Tuy được tìm thấy ở Ai cập nhưng dao găm do người Hittite tạo ra.

Hittite là giống người Ấn-Âu [Indo-European] sống ở Anatolia [phần lãnh thổ nằm ở Á châu của Thổ nhĩ kỳ ngày nay] và Bắc Syria vào khoảng 2000 TTL-1200 TTL. Hittite còn là một đế quốc từng trấn áp một vùng phía tây sông Euphrates và thường gây chiến với Ai cập.

Tuy nhiên phát minh ra phương pháp luyện sắt không phải người Hittite mà là một bộ tộc sống trong dãy núi Armenia và là chư hầu của đế quốc Hittite.

Để đồ sắt được lâu bền, người Chalybea phát minh ra cách tôi sắt [tempering].

Người Chalybea sống ở bờ biển Hắc hải, rất giỏi về nghề rèn và buôn bán đồ sắt.

Từ năm 1900 TTL tới 1400 TTL, đồ sắt chỉ thông dụng những đồ trang trí và vũ khí bằng sắt dùng trong nghi lễ.

Có thể rằng các triều vua Hittite giữ bí mật phương pháp luyện sắt và hạn chế sự xuất cảng vũ khí bằng sắt.
 
Cho tới năm 1200 TTL, khi đế quốc Hittite sụp đổ, phương pháp luyện sắt mới được lan truyền rộng rãi và mau lẹ.

Cuộc lan truyền phương pháp luyện sắt

Theo sau sự sụp đổ của đế quốc Hittite, một cuộc di cư ồ ạt sang Trung đông và Nam Âu châu. Công nghệ sắt [iron technology] đã theo chân những người di cư lan truyền rộng rãi và mau lẹ sang quê hương mới.

Cuộc lan truyền công nghệ sắt sang châu Âu gồm 2 thời kỳ:

  • Thời kỳ đầu gọi là Hallstatt, từ năm 800 TTL tới 500 TTL, lan truyền sang Trung Âu, Bắc Ý, Hy lạp và Balkan. 
  • Thời kỳ sau gọi là La Tène, từ TK5 TTL, theo chân cuộc di cư của người Celtic, lan truyền tới Tây Âu và các đảo Anh quốc.

Bắc Âu và Nam Á chỉ nhận được công nghệ sắt sau châu Âu.

Nền văn minh thời đại đồ sắt

Trong thời đại đồ sắt , người châu Âu canh tân và phát triển nền kinh tế căn bản của thời đại đồ đồng.

Về nông nghiệp, người châu Âu phỏng theo mùa màng và vật gia súc của người Trung đông.

Cày do bò kéo và xe có bánh được cải tiến.

Quan trọng hơn cả là người ta đặt nền tảng pháp lý cho chế độ nông nô.

Lần đầu tiên người ta khai thác hiệu quả rừng ôn đới [temperate forest].

Làng mạc được tăng cường hệ thống tự vệ [fortified].

Người lính chiến đấu trên lưng ngựa và trên chiến xa [chariot] do ngựa kéo.

Chữ viết theo mẫu tự [alphabet] của người Phoenician được phổ thông khắp châu Âu.

Phoenicia là một quốc gia được thành lập từ 1250 TTL, gồm những thành phố dọc theo bờ biển phía đông của Địa trung hải, nay là Syria và Lebanon.

Ngựa và roi sắt của Phù Đổng Thiên Vương

Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim có chép truyện cổ tích Phù Đổng thiên vương như sau.

Đời vua Hùng vương thứ sáu có giặc Ân nổi lên rất tàn ác. Vua cho sứ đi rao tìm tướng giỏi để dẹp giặc.

Một đứa nhỏ mới 3 tuổi ở làng Phù đổng tục gọi là làng Gióng [nay thuộc Bắc ninh] xin vua đúc cho một con ngựa và một cái roi bằng sắt, nó sẽ đánh tan giặc Ân. Khi được trao ngựa và roi sắt, đứa trẻ vươn vai thành người cao lớn, phóng ngựa giết giặc bằng roi sắt. Khi giặc tan, chiến sĩ phóng ngựa lên núi Sóc sơn rồi biến mất.

Sử gia họ Trần cho là chuyện khó tin. Có thể rằng thời ấy xuất hiện một dũng tướng có công dẹp giặc cứu dân nên dân nhớ ơn lập đền thờ. Nhân đó có kẻ bịa đặt ra những điều quái dị cho thêm phần linh thiêng.

Theo chúng tôi, một trong những điều khó tin là đời Hùng vương thứ sáu chỉ tương ứng với thời đại đồ đồng.

Họ Hồng bàng trị vì 2,622 năm, từ năm 2879 TTL tới 258 TTL, trải qua 20 triều vua [Kinh dương vương+Lạc long quân+18 Hùng vương]. Tính ra trung bình mỗi vua trị vì 130 năm.

Như vậy chúng ta có thể phỏng định vua Hùng vương thứ sáu lên ngôi khoảng 2,000 TTL. Thời đó chỉ mới là giữa thời đại đồ đồng, không thể có ngựa và roi sắt.

Một sự kiện lịch sử khác chứng minh đời Hùng vương thứ sáu chưa có đồ sắt.

Năm 207 TTL Triệu Đà đánh bại An dương vương rồi sát nhập Âu lạc vào quận Nam hải thành nước Nam Việt.

Cùng thời ấy ở bên Tàu, Lưu Bang dẹp được nước Tần và Sở rồi xưng là Hán Cao tổ. Khi Cao tổ chết, vợ là Lữ Hậu lộng hành.

Vì Triệu Đà không chịu thần phục nhà Hán nên Lữ Hậu cấm người Hán buôn bán đồ vàng, đồ sắt và điền khí với người Nam Việt. Để trả đũa, Triệu Đà đem quân sang đánh phá Tràng sa [Hồ nam ngày nay].

Như vậy 1,800 năm sau vua Hùng vương thứ sáu, nước ta vẫn chưa có đồ sắt, phải mua của nước Tàu.

Bùi Quý Chiến



Tham khảo

 - The Columbia Electronic Encyclopedia
 - Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim 


No comments

Powered by Blogger.