Pages

Thời Đại Đồ Đồng


Bùi Quý Chiến

Kế tiếp thời đại đồ đá là thời đại đồ đồng. Theo tiếng Anh, thời đại này là "Bronze Age". Bronze là hợp kim của đồng, đồng nguyên chất là copper.

Tiếng Pháp cũng gọi thời đại này là "l'Age du bronze", đồng nguyên chất là cuivre.

Vì dụng cụ và vũ khí ngày xưa làm bằng hợp kim của đồng nên gọi là bronze age, nhưng khi dịch sang tiếng Việt người mình chỉ dịch là thời đại đồ đồng.

Thật ra đồ đồng ngày xưa có vài loại hợp kim khác nhau.

Các hợp kim của đồng

Đồng nguyên chất không đủ cứng để tạo thành dụng cụ và vũ khí nên người xưa đã biết pha đồng nguyên chất với vài kim loại khác để có mấy hợp kim có đặc tính khác nhau.

Đồng pha với thiếc cho thau. Hợp kim này có màu vàng gần giống vàng thật nên có tục ngữ: "vàng thau lẫn lộn."

Đồng pha với kẽm cho đồng điếu. Ca dao có câu:

Tiếc thay hột gạo tám soan
Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà.

Đồng pha với chì cho đồng đen nên có ca dao:

Vàng mười, bạc bảy, thau ba
Đồng đen trinh tiết lại pha lộn chì.

Đồng pha với vàng cho đồng thòa. Bài ca Lý ngựa ô có nhắc đến cả đồng đen và đồng thoà::

Khớp con ngựa ô
Ngựa ô anh khớp, anh khớp cái kiệu vàng (ư...)
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen
Búp sen lá dặm, giây cương nhuộm thắm
Cáng roi anh bịt đồng thòa
Là đưa ý a đưa nàng
Anh đưa nàng về dinh

Sự phát triển không đồng đều của thời đại đồ đồng

Đồ đồng xưa nhất được tìm thấy ở nam Iran, Thổ nhĩ kỳ và Mesopotamia (Iraq ngày nay). Những đồ đồng này có tuổi từ thế kỷ thứ tư trước tây lịch.

Ở Ai cập đồ đồng xưa nhất có tuổi vào cuối thế kỷ thứ tư TTL 

Đồ đồng ở cuối thế kỷ thứ ba TTL được tìm thấy ở Ấn độ.

Ở bên Tàu, đồ đồng xưa nhất có tuổi từ giữa thế kỷ thứ nhì TTL.

Đồ đồng xưa nhất ở châu Âu có tuổi từ thế kỷ thứ nhì TTL.

Như vậy đồ đồng khởi đầu xuất hiện ở Cận đông, dần dần sang Viễn đông, sau đó mới xuất hiện ở châu Âu  Nguyên nhân có lẽ do loài người thủa sơ khai từ châu Phi di cư sang châu Á trước rồi sau đó mới tới châu Âu.

Ở châu Phi, vì các cuộc sưu tầm không đủ yếu tố để xác định đồ đồng xưa nhất, nhưng sự xuất hiện đồ đồng ở châu này không thể trễ hơn thế kỷ thứ nhất TTL.

Những tiến bộ của thời đại đồ đồng

Cuối thời đại đồ đá người ta đã biết luyện đồng nguyên chất từ quặng đồng, nhưng thực hiện lén lút vì bị coi là bất hợp pháp.

Vì đồng nguyên chất không đủ cứng để tạo thành vũ khí và dụng cụ nên hợp kim đồng với thiếc và hàn the ra đời. Sản phẩm đầu tiên có lẽ là một vũ khí được đúc từ khuôn mẫu bằng đất sét.

Kỹ thuật đúc đồng mỗi ngày thêm tinh xảo. Ngoài vũ khí và dụng cụ cần thiết, người ta còn tạo ra nữ trang, tượng người và vật rất mỹ thuật.



Thời bấy giờ ngoài quặng đồng người ta cũng biết quặng sắt, nhưng không thể tinh luyện được. Sắt nóng chảy ở 1.538°C (2.800°F) ngoài tầm tay của người đương thời.

Cuối thời kỳ đồ đá người ta đã đạt được nhiệt độ lớn hơn 900°C trong lò gốm. Để tinh luyện đồng, người ta chỉ cần đạt tới 1.095°C. Độ nóng chảy của thiếc còn thấp hơn nữa: 232 °C (450 °F).

Quặng đồng và thiếc ở Tây châu Á rất hiếm trong khi ấy ở miền Trung châu Âu rất nhiều, sự kiện này đưa tới 2 hệ quả:

  1. Kích thích sự thương mại giữa cung và cầu.
  2. Phát sinh ra các cuộc chinh phục lãnh thổ mới và thực dân hóa.

Hai hệ quả này lại đưa tới sự phát triển các đô thị cũ và thành hình các đô thị mới.

Văn minh thời đại đồ đồng còn có đặc điểm là sự phát minh ra chữ viết tượng hình (proto writing) gồm : chữ Hán thời Phục Hy bên Tàu, chữ Cuneiform thời Cổ Cận đông và chữ Hieroglyphs thời Cổ Ai cập.

Đồ đồng Đông Sơn

Đồ đồng xưa nhất của nước ta được tìm thấy ở cánh đồng làng Đông sơn cách Thanh hóa 4km.

Trong khi làm ruộng, dân làng thỉnh thoảng lượm được dụng cụ bằng đồng.

Năm 1924 Trường viễn đông bác cổ thực hiện cuộc khai quật cánh đồng Đông sơn. Kết quả thu được gần ngàn vật bằng đồng.

Ngày xưa nơi đây là nghĩa địa, những vật này được chôn theo người chết.

Ngoài những vật bằng đồng còn có một số đồ gốm nặn bằng tay và không tráng men, chỉ có vài đồ gốm được làm từ bàn xoay và có tráng men.

Đặc biệt trong số vật bằng đồng có tiền Vương Mãng của Tàu, đồng tiền này đã giúp định tuổi đồ đồng Đông sơn  Vương Mãng là người cướp ngôi nhà Tây Hán, từ năm 9 tới 23 Tây lịch.

Đồ đồng Đông sơn gồm có:

  • Chừng 40 trống đồng đủ cỡ lớn nhỏ, chiếc lớn nhất có đường kính 33cm và cao 27,5cm. So với trống đồng Ngọc lũ (do chùa làng Ngọc lũ tỉnh Hà nam tặng Trường viễn đông bác cổ) thì trống đồng Đông sơn nhỏ hơn và những nét chạm trổ cũng kém mỹ thuật.
  • Vũ khí gồm 1 kiếm dài 90cm, nhiều mũi giáo và lao dài từ 25cm tới 30cm, mũi tên và dao găm đủ cỡ.
  • Bình và chậu đủ cỡ và kiểu.
  • Đồ trang sức như hoa tai, xuyến (vòng mang ở cổ tay).
  • Tượng người. Đặc biệt có tượng 2 người cõng nhau, cùng mang mặt nạ  người được cõng đang thổi kèn, có lẽ đang biểu diễn một điệu múa hát. Một tượng khác là cán của dao găm, mình trần, đóng khố, tóc dài tới vai, tay mang xuyến, tai đeo hoa tai (đàn ông cũng mang đồ trang sức như đàn bà).

Đồ đồng Đông sơn đã cho chúng ta biết vài nét văn hóa của dân tộc trong những năm đầu của thời kỳ Bắc thuộc, khi ấy Thanh hóa là quận Cửu Chân.

Bùi Quý Chiến



Tham khảo

- Wikipedia
- The Columbia Electronic Encyclopedia 
- Việt nam thời khai sinh của Nguyễn Phương
- Việt nam tự điển của Hội khai trí tiến đức
- Việt nam từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ



No comments:

Post a Comment