Trần Phố Hội
Tết là dịp để mọi người quay về với gia đình, tưởng nhớ tổ tiên và thể hiện sự biết ơn với những người đã khuất. Tết cũng là dịp để mọi người hoài niệm về quá khứ, chia sẻ những câu chuyện và kỷ niệm.
Tôi không quay về với gia đình vì tôi đang ở tại gia đình của tôi, gia đình của Ba Má tôi thì không còn nên gần Tết tôi nghe nhạc nhiều hơn. Khởi đầu là những bài hát của nhạc sĩ (NS) Phạm Duy, bài hát đầu tiên tôi nghe trong đời là ca khúc Quê Nghèo, khi ấy tôi chỉ mới chín tuổi. Tất cả những hình ảnh trong ca khúc đó đều có ở làng tôi mặc dù làng tôi ở bên chân núi Trường Sơn, cách xa kinh kỳ Huế gần 200 cây số chứ không gần kinh kỳ sáng chói. Hơn thế nữa hình ảnh “tát nước với giọt mồ hôi” có tôi trong đó, tôi phụ Ba tôi tát nước vì việc ấy cần hai người mới làm được. Tát nước vào những ngày nóng cháy da thì đổ mồ hôi là chuyện thường. Dụng cụ để tát nước ở làng tôi là một cái gàu đan bằng tre, được trét dầu rái hai phía (trong và ngoài) cho giữ nước khi múc nước từ dưới suối lên, dung tích của gàu vào khoảng 15 lít. Gàu có bốn dây thừng nên hai người cùng trang lứa và cao bằng nhau thì tát rất dễ vì sức kéo đồng đều. Tôi nhỏ hơn Ba tôi nhiều nên cần được Ba tôi kiên nhẫn huấn luyện nhiều lần mới tát được. Tát nước nghe thì tưởng dễ nhưng rất khó, nhất là hai người cao thấp khác nhau nhiều. Bốn sợi dây điều khiển cái gàu sao cho khi thả xuống nước thì nó ở vị trí “múc”, nghĩa là phải nghiêng ở một góc độ nào đó, khi kéo lên thì cái gàu phải ở vị trí thẳng đứng để nước trong gàu còn nguyên vẹn, khi lên đến bờ ruộng thì cái gàu phải ở vị trí “đổ”, vị trí này rất quan trọng vì gàu lên chưa đủ cao mà đổ thì nước chảy trở lại xuống suối, nếu kéo gàu lên cao quá thì phí sức, tát mau mệt.
Những ca khúc của NS Phạm Duy đã đưa tôi về thời thơ ấu, giúp tôi thấy lại quê nhà, thấy lại Ba Má tôi những ngày tôi còn bé, thấy lại để biết ơn, để thương tiếc và ... để khóc. Nghe một ít bài hát của NS Phạm Duy sáng tác trong hai thập niên 40 và 50 tôi hình dung rất rõ căn nhà tranh của mình, ngôi nhà ngói của Bà Nội, thấy lại hình ảnh Bà làm đủ thứ việc quanh nhà vì các Cô Chú hoặc đã có gia đình ra riêng hoặc đi xa.
Ngoài những bài hát của NS Phạm Duy tôi còn nghe những nhạc phẩm sáng tác trong giai đoạn chiến tranh của các nhạc sĩ trẻ hơn như Lam Phương, Anh Bằng, Lê Dinh, Minh Kỳ, Nhật Ngân, Trúc Phương, Thanh Sơn, Y Vân v.v... Những bài hát này đưa tôi về những năm mới lên Trung Học, nhớ nhất là những ngày đi thi vào đệ Thất. Chú tôi đang học và dạy kèm ở Hội An nên xin ông chủ cho tôi ăn ở cùng với Chú trong dịp này. Ngày thi Chú chở tôi đến trường rồi ở ngoài chờ, thằng ngồi bên cạnh thấy tôi làm bài được hắn đòi chép (copy), tôi không cho thì hắn dọa “ra khỏi đây tau đánh mi bể đầu”, vì dân trên quê mới xuống phố nên tôi sợ quá, tôi làm bài thật mau rồi đi ra, Chú tôi thấy vậy thì buồn lo vì tưởng tôi bỏ cuộc. Chừng 20 phút sau khi bắt đầu thi thì bên ngoài biết được đề thi nên Chú bảo tôi giải bài thi cho Chú nghe, khi biết tôi làm bài đúng thì Chú mừng lắm.
Tôi cũng nhớ lại Cậu tôi, học trên tôi năm lớp. Cậu rất thích văn nghệ, đàn gui-ta rất hay, có tham gia ban nhạc ở Trường. Khi bài hát “Ngày Tạm Biệt” của NS Lam Phương vừa mới phát hành thì các đài phát thanh cho nghe hàng ngày, Cậu thích bài này lắm nên khi nghỉ Hè về trên quê Cậu phải làm một hệ thống antenna đặc biệt mới nhận được tín hiệu của những đài phát thanh ở xa. Cậu đào hai cái lỗ, chôn hai khúc tre cao cở 6 mét và cách nhau cở 10 mét ở trước sân nhà Ông Bà Ngoại, căng một dây kẽm từ đỉnh khúc tre này qua đỉnh khúc tre kia, xong dùng một sợi dây thép nhỏ nối antenna của radio với dây kẽm, nhờ vậy mới nghe được. Mỗi lần nghe bài hát “Ngày Tạm Biệt” tôi lại nhớ thương Cậu, tiếc rằng Cậu đã ra đi quá sớm, để lại cho tôi một nỗi buồn quá lớn. Hơn một năm sau khi Cậu mất tôi mơ thấy được gặp lại Cậu, mừng vô cùng; nhưng khi tỉnh giấc mới biết là giấc mơ và nằm khóc sướt mướt.
Những nhạc phẩm ra đời vào cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 đã giúp tôi hình dung lại ngôi trường Trần Quý Cáp thân yêu và những thằng bạn thân thiết một thời, thấy lại những ngày buồn bả và nhớ nhà khi mới xuống Hội An đi học. Hầu hết nhạc thời đó nói về tình yêu lứa đôi, tình thương gia đình, tình yêu tổ quốc chứ không hề nói đến hận thù mặc dù đất nước đang chìm trong một cuộc chiến khốc liệt, tàn bạo do Cộng Sản Hà Nội gây ra. Những bài hát tôi nghe lần đầu ở Hội An là Ghé Bến Sài Gòn của Văn Phụng (1958), Sài Gòn Đẹp Lắm của Y Vân, Nửa Đêm Ngoài Phố của Trúc Phương (1960), Hoa Nở Về Đêm của Mạnh Phát (1962), Tàu Đêm năm Cũ của Trúc Phương (1962) v.v... đã in sâu vào tâm khảm của tôi và mỗi khi nghe tôi có cảm tưởng như được sống lại những ngày hoa niên ấy.
Hoài niệm về quá khứ là niềm vui của những người lớn tuổi và nghe nhạc đã giúp tôi có được niềm vui đó. Càng nghe nhạc tôi càng thấy mình may mắn vì lớn lên trong một xã hội nhân bản, hiền hòa, tràn đầy tình thương, tôi thấy vui và yêu đời.
Xin chân thành tri ân những nhạc sĩ đã để lại một kho tàng âm nhạc quý giá, giúp cho tôi có được những giờ phút giải trí tuyệt vời.
Trần Phố Hội
24 tháng Chạp năm Quý Mão (03/02/2024)
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Nhớ lại thời thơ ấu , thật là vui buồn lẫn lộn …
ReplyDelete