Bùi Quý Chiến
Rượu là một trong những nguồn cảm hứng của nhà thơ. Đối với những vị này, có
rượu thơ mới hay. Khi đã hoàn thành bài thơ, nhà thơ tự thưởng mình ly rượu sẽ
thấy vì thơ mà rượu ngon hơn.
Nổi tiếng nhất về thơ và rượu là Tản Đà.
Trong một bài thơ, Tản Đà kết luận:
Trăm năm thơ túi rượu vò
Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là
ai?
Trăm năm là một đời người. Cả đời Tản Đà chỉ có thơ và rượu. Vậy nghìn năm
trước, ai là người thích rượu yêu thơ?
Làm quan dưới triều Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm được phong tước Trình tuyền hầu, kế
tới tước Trình quốc công nhưng xin từ quan về quê hưởng nhàn:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tới chốn lao
xao
Thú vui 4 mùa của Trạng Trình rất đạm bạc và an nhàn:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Đời sống tuy thanh đạm nhưng tâm hồn tao nhã với thơ và rượu:
Hứng ý, miệng ngâm câu quốc
ngữ
Giải phiền, tay chuốc chén
quỳnh xuân
(chữ nôm là quốc ngữ cũ, tiếng Việt được La tinh hóa là quốc ngữ mới) .
Cuộc đại thắng giặc Thanh của Nguyễn Huệ khiến triều Lê sụp đổ. Một số cựu
thần mưu toan khôi phục nhà Lê nhưng thất bại. Trong số cựu thần có Trạch
trung hầu và con là Phạm Thái. Trạch trung hầu chết, Phạm Thái bị truy nã.
Nhằm xóa bỏ tung tích, Phạm Thái vào chùa Tiêu sơn để tu dưới tên Phổ chiêu
thiền sư.
Giúp an toàn hơn, Phạm Thái được bạn là Trương Đăng Thụ làm quan ở Lạng sơn
đón lên cho ẩn náu . Không lâu sau đó Đăng Thụ bị bệnh chết, Phạm Thái về quê
bạn để viếng. Tại đây chàng gặp em gái bạn là Quỳnh Như, hai người yêu nhau.
Cha nàng cũng là cựu thần nhà Lê: Kiến xuân hầu Trương Đăng Qũy. Cùng là con
nhà thế gia vọng tộc, mối tình của chàng và nàng được coi là lý tưởng. Nhưng
không ngờ mẹ nàng cương quyết chống đối.
Chàng tuyệt vọng ra đi. Nàng thống khổ sinh bệnh rồi chết.
Để tiêu sầu, chàng uống rượu và làm thơ. Tập thơ "Sơ kính tân trang" là
lời tự thuật mối tình của chàng và Quỳnh Như.
Tìm quên trong men rượu, chàng trở nên nghiện nặng:
Một tập thơ sầu
ngâm đã chán
Vài be rượu nhạt
uống ra gì?
Từ nghiện rượu tới buông thả cuộc đời:
Sống ở dương
gian đánh chén nhè
Thác về âm phủ
cắp kè kè
Diêm vương phán
hỏi mang gì đấy ?
"Be !" .
Rượu đã hủy hoại cuộc đời Phạm Thái ở tuổi 36.
Hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ dưới 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức trải
qua nhiều thăng trầm. Chức tước cao nhất là Binh bộ thượng thư nhưng vì tính
bộc trực nên cụ Thượng Trứ bị truất hết chức tước xuống hàng lính trơn.
Không bất mãn, cũng không nản lòng, cụ phấn đấu:
Chí làm trai
nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy
vùng trong bốn bể .
Tới 71 tuổi cụ mới xin về vui thú điền viên:
Nợ tang
bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh
thơi thơ túi rượu bầu .
Cụ hưởng nhàn bằng các cuộc ngao du đó đây:
Năm ba
chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao
nơi hàn cốc thanh sơn
Nào thơ
, nào rượu , nào đàn
Đồ thích
chí chất đầy trong một túi .
Nguyễn Công Trứ là tiêu biểu của kẻ sĩ nước ta.
Cao Bá Quát thi đậu cử nhân được quan trường chấm hạng nhì nhưng sau khi duyệt
lại quyển văn, bộ Lễ truất xuống cuối bảng.
Theo Dương Quảng Hàm (tác giả Việt nam văn học sử yếu), Bá Quát có nhiều ý tứ
mới lạ và lời lẽ cao kỳ. Người đương thời khen rằng
"văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán" (văn như Siêu và Quát thì không còn
nhà Tiền Hán).
Nguyễn Siêu là Án sát Hà nội. Bá Quát là giáo thụ phủ Quốc oai.
Có lẽ vì bất mãn, Bá Quát từ quan về quê hưởng nhàn. Ngày nay còn truyền lại
tập thơ Chu thần thi tập.
Trong một bài hát nói, Bá Quát có câu:
Cao sơn lưu thủy, thi thiên trục
Minh nguyệt thanh phong, tửu nhất thuyền
Dang tay người tài tử, khách thuyền quyên
Chén rượu thánh, câu thơ thần, thích chí !
(nghĩa 2 câu thơ chữ Hán: núi cao , nước chảy, thơ ngàn trang- trăng sáng,
gió mát, rượu một thuyền. Theo Đào Duy Anh, trục là tờ giấy sau khi viết
được cuộn lại và cho vào ống tre để gìn giữ).
Rượu và thơ được Cao Bá Quát tôn lên thành rượu thánh và thơ thần. Ý tưởng rất
mới lạ.
Năm 1854 vì nổi loạn, Cao Bá Quát bị bắt và bị xử tử cả 3 họ.
Người đương thời gọi Nguyễn Khuyến là Tam nguyên Yên Đổ. Tam nguyên là đỗ đầu
3 kỳ thi. Yên Đổ là tên làng quê của cụ.
Khoa thi đời Tự Đức gồm 3 kỳ, sĩ tử phải đậu kỳ 1 mới được vào thi kỳ 2 và
phải đậu kỳ 2 mới được vào kỳ 3.
Yên Đổ làm quan tới chức Tổng đốc thì từ quan về quê dạy học và hưởng nhàn.
Thơ của cụ phần nhiều là tự vịnh và tự trào.
Bài thơ Thu ẩm có những câu như:
Da
trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Độ
dăm ba chén đã say nhè.
Tuy tửu lượng không nhiều và dễ bỏ nhưng cụ không muốn chừa:
Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa
Hay ưa nên nỗi không chừa được
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.
Tuy nhiên khi được tin bạn già là cụ nghè Dương Khuê mất, cụ làm thơ khóc bạn,
bày tỏ lòng thương tiếc đến nỗi thơ không muốn làm, rượu không muốn uống:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết
Viết đưa ai biết mà đưa?
Bài thơ chứng tỏ một tình bạn hiếm có.
Trần Tế Xương được người đương thời gọi là Tú Xương vì ông chỉ đậu tú tài, sau
đó thi rớt 2 khoa nên bỏ luôn.
Thời của ông là thời Ông Đồ ông Cống cũng nằm co nên ông chẳng có nghề nghiệp
gì.
Ông làm thơ tự trào, tự nhận mình không biết chữ Tây và quốc ngữ thì chỉ còn
cách về quê làm ruộng cũng có ăn và có tiền:
Được tiền thì mua rượu
Rượu say rồi cưỡi trâu
Cưỡi trâu thế mà vững
Có ngã cũng không đau
Thật sự ông sống nhờ vợ. Mặc dù than nghèo, ông vẫn ăn chơi phóng túng.
Tuy vậy có lúc ông mệt mỏi về cuộc ăn chơi của mình:
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái đêm ngày nó quấy ta
Chừa được cái nào hay cái ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà
Đối với Tú Xương, rượu đứng hàng thứ yế .
Quê của Nguyễn Khắc Hiếu ở Sơn tây, nơi có núi Tản viên và sông Đà giang nên
ông lấy bút hiệu là Tản Đà.
Thuở nhỏ Tản Đà học chữ Hán, đi thi bị rớt nên chuyển sang học quốc ngữ. Tản
Đà vừa làm thơ vừa viết văn và dịch Hán văn. Bài của ông gửi đăng trên các báo
Bắc và Nam. Ông cũng xuất bản tác phẩm của mình và làm chủ bút Hữu thanh tạp
chí và An nam tạp chí.
Thơ của Tản Đà được Dương Quảng Hàm khen: có giọng điệu nhẹ nhàng du dương,
cách dùng chữ (thường là chữ nôm) và đặt câu uyển chuyển êm đềm khiến người
đọc dễ cảm động say mê.
Tản Đà ưa uống rượu, rượu đi đôi với thơ như lời tuyên ngôn sau đây:
Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không rượu không thơ sống như thừa
Con người Tản Đà có hai thực thể. Một do cha mẹ sinh ra, biết mưu sinh cơm áo
như mọi người. Một thực thể khác do Trời đất sinh ra, chỉ yêu thơ và thích
rượu. Có lẽ ý tưởng này xuất xứ từ câu tục ngữ : cha mẹ sinh con, Trời sinh
tính
(thật ra câu này là lời tự an ủi của những cha mẹ thất bại trong sự uốn nắn
con cái).
Trong bài thơ khác, ông tái xác nhận:
Kiếp say sưa đã chấm sổ Thiên đình
Càng đắm sắc mê thanh càng mải miết
Say lắm vẻ: say mệt, say mê, say nhừ, say
tít
Trong làng say ai biết nhất ai say?
Đối với Tản Đà, rượu và thơ tương tác với nhau: rượu khơi nguồn cho thơ, thơ
khiến rượu thêm ngon.
Rượu và thơ còn đưa tâm hồn nhà thơ thoát khỏi thân phàm tục:
Rượu say ta lại khơi nguồn
Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng
tình
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du
.
Đôi khi Tản Đà cho mình say là hư hỏng nhưng tự bênh vực mình bằng cách nhân
cách hóa trái đất và mặt trời:
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy, say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say Trời cũng đỏ gay, ai cười?
Không ai cười trái đất quay vì say và mặt trời đỏ vì rượu. Vậy khi Tản Đà say
có gì mà cười?
Mặc dù nhà thơ bị vợ phàn nàn rằng say sưa vô ích và khuyên ông nên chừa rượu,
nhung ông cứ lần khân:
Trời đất nhỉ, cái say là sướng thế
Vợ khuyên chồng, ai dễ đã chừa ngay.
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu hưởng dương 51 tuổi.
Bùi Quý Chiến
Tham khảo:
- Việt nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm.
- Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính.
- Khối tình con của Tản Đà.
- Nam thi hợp tuyển của Nguyễn Văn Ngọc.
- Cảo thơm toàn tập của Đoàn Như Khuê.
- Thi văn tiền chiến của Phạm Thanh.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment