Header Ads

Lê Trọng Nguyễn, Nắng Chiều và Cái Nôi Âm Nhạc Phố Cổ Hội An


Vương Trùng Dương

Phố cổ Hội An nằm bên dòng sông Hoài (sông Thu Bồn chảy qua) hình thành từ thế kỷ 16 với diện tích khoảng 2.5 km² nhưng lúc đó dân cư còn thưa thớt. Vào thế kỷ 17, nhà Mãn Thanh đàn áp  dân chúng nhà Minh nên họ tìm đường trốn về phương Nam, trong đó có Hội An và cùng lúc thương nhân người Nhật sang buôn bán nên trở thành trung tâm thương mại và hầu hết là người Minh Hương...

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã sáng tác nhiều ca khúc: 
  • Ca khúc đầu tay Ngày Mai Trời Lại Sáng năm 1946, 
  • Bến Giang Đầu (Nắng Chiều 2), 
  • Cánh Nhạn Bay Qua, 
  • Bài Luân Vũ Trong Đêm, 
  • Chiều Giang Hồ, 
  • Chim Chiều Không Tổ, 
  • Chim Hót Về Đêm, 
  •  Cung Điệu Buồn, 
  • Đêm Mưa Bão, 
  • Đừng Quên Nhau, 
  • Gió Bão, 
  • Hương Một Đêm Trăng, 
  • Khi Bóng Đêm Về, 
  • Lời Việt Nữ, 
  • Màu Tím Hoàng Hôn, 
  • Màu Tím Cuộc Đời, 
  • Mùa Hoa Nở, 
  • Một Nét Tô Châu, 
  • Nguyện Cầu, 
  • Nhìn Biển Bơ Vơ, 
  • Nhớ Thu Hà Nội, 
  • Niềm Tin Vui, 
  • Quê Em Miền Biển Cả, 
  • Sau Mùa Chinh Chiến, 
  • Sầu Thế Hệ, 
  • Sóng Đà Giang, 
  • Sóng Hờn, 
  • Sóng Nước Viễn Phương (lời Thẩm Oánh), 
  • Thuyền Lãng Tử, 
  • Tím Cả Cuộc Đời, 
  • Tìm Nơi Em, 
  • Tình Vui Thôn Trang, 
  • Trăng Lại Sáng, 
  • Vác Đàn Đi Đâu, 
  • Vầng Trán Đau Buồn… 
Trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng, quen thuộc trải qua nhiều thập niên như: 
  • Chiều Bên Giáo Đường, 
  • Bến Giang Đầu, 
  • Lá Rơi Bên Thềm (lời Nguyễn Hiền), 
  • Dạ Khúc, 
  • Sao Đêm,  
  • Cát Biển (viết chung với Y Vân)…
Khi nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn qua đời, với sự cảm mến con người và tài hoa, nhiều bài viết về ông nên trong bài nầy chỉ đề cập nơi cố hương tham gia trong âm nhạc và ca khúc Nắng Chiều với hình ảnh người tình đầu đời và cũng là nhạc phẩm Rumba Boléro đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với ca khúc nầy từ trong nước đến hải ngoại.

Cái nôi âm nhạc phố cổ khởi thủy từ người Minh Hương, nhạc sĩ La Hối (1920-1945) tên thật là La Doãn Chánh, con thứ 10 của gia đình La Thiên Thái, hiệu buôn nổi tiếng tại Hội An thời bấy giờ. Vào thời điểm tân nhạc bắt đầu phát triển tại Việt Nam, năm 1936-1938, La Hối vào Sài Gòn học tiếp văn hóa Trung Hoa bậc Cao Trung và đồng thời trau dồi thêm âm nhạc cổ điển Tây phương và sáng tác, là người tài hoa sử dụng thành thạo guitar, accordéon và piano.

Với năng khiếu về âm nhạc, ông học hỏi thêm về lý thuyết nhạc cổ điển Tây phương đang thịnh hành tại đây. Sau khi trở về Hội An, với ý tưởng muốn phát triển tân nhạc, La Hối đã chiêu mộ những thân hữu yêu thích và có khả năng trình tấu âm nhạc thành lập Hội Ái Hữu Âm Nhạc Faifoo (Societe philharmonique de FaiFoo) tại Hội An năm 1942.

Hội thuê ngôi nhà tọa lạc tại đường Rue de Gia Long (sau năm 1954 đổi thành Lý Thường Kiệt) làm trụ sở. Khởi thủy hội  gồm các thành viên: 
  • La Hối sử dụng piano; 
  • Vương Quốc Mỹ, Vương Quang, La Gin, Trần Can sử dụng violon; 
  • Lâm Cự sử dụng banjo alto, accordion; 
  • La Xuân, Thái Chí Hải sử dụng bagnio; 
  • Ghibou sử dụng saxophone alto, trompet; 
  • Lê Văn Miêng, La Thiều sử dụng trống; 
  • Duy Liễu sử dụng saxophone tenor.
Nhạc sĩ La Hối cũng dùng trụ sở này mở lớp dạy ký âm, hướng dẫn lý thuyết và thực hành cho thanh niên yêu âm nhạc ở địa phương theo học. Nhiều thanh niên yêu âm nhạc tại Hội An đã theo học và tham gia vào hội như: Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Lê Trọng Nguyễn, Lê Khuê, Hoàng Tú Mỹ, Trương Đình Quang,… hầu hết họ sau này đều trở thành nhạc sĩ. Có thể gọi trụ sở hội Hội Ái Hữu Âm Nhạc Faifoo là lớp dạy tân nhạc đầu tiên tại Hội An.

Năm 1944, La Hối sáng tác bản nhạc Le Printemps et la Jeunesse. Thoạt đầu đây chỉ là bản nhạc hòa tấu, một thời gian sau một người bạn của ông là Diệp Truyền Hoa mới viết lời Hoa với tựa đề Thanh Niên Dữ Xuân Thiên. Năm 1946, khi đoàn kịch nói Anh Vũ vào Nam biểu diễn, Thế Lữ rất thích bản nhạc này nên đặt lời Việt cho bản nhạc với tựa đề Xuân và Tuổi Trẻ. Lời Việt đã chắp cánh cho bản nhạc này được lan truyền rộng rãi hơn và nổi tiếng cho đến tận ngày nay. Nhạc sĩ La Hối gia nhập hàng ngũ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch để chống Nhật. Ông bị Nhật bắt giam và tử hình cùng 12 liệt sĩ vào tháng 5, 1945!, chôn tập thể dưới chân núi Phước Tường. Năm 1947, hội quán (chùa) Ngũ Bang (có trường Lễ Nghĩa) đem về cải táng, xây  tượng đài và khu lăng mộ ngoại ô phố cổ, gần chùa Chúc Thánh và chùa Phước Lâm. Hình thờ 13 liệt sĩ QDĐ ở đây. Vào thập niên 1960s, 1970s phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc khi đến Quảng Nam thường ghé thăm khu lăng mộ và hội quán Ngũ Bang. (Trong Kiwipedia ghi là “10 đồng chí”, các tài liệu sau nầy dựa vào đó để viết sai lầm).

Người em bà con của nhạc sĩ La Hối là nhạc sĩ La Xuân đã sáng tác ca khúc Mộng Doãn Chính, rất tiếc nay đã bị mai một!

Tiếp nối Hội Ái Hữu Âm Nhạc Faifoo, giới trẻ thành lập những nhóm nhạc gia đình, vừa biểu diễn vừa sáng tác nhạc Việt trên nền nhạc lý phương Tây. Gia đình nhà nhiếp ảnh Huỳnh Sau, gồm các thành viên trong gia đình: 
  • Huỳnh Bá sử dụng banjo, mandolin; 
  • Huỳnh Phụng sử dụng piano; 
  • Huỳnh Đồng sử dụng kèn saxophone; 
  • Huỳnh Cầm, Huỳnh Sỏ, 
  • Huỳnh Liên sử dụng violon.
Các gia tộc La, Vương, Thái, Trương, Dương cũng có những nhóm riêng. Tuy nhiên, phố cổ nhỏ hẹp mọi người đều quen biết nhau nên nhiều khi những nhóm khác nhau thỉnh thoảng chơi chung với nhau trong chương trình âm nhạc.

Từ năm 1949 đến 1952, giới trẻ thành lập nhóm nhạc Học Sinh Hội An biểu diễn tại các chương trình văn nghệ học đường, những thành viên của nhóm nhạc này về sau đều là những trụ cột của những nhóm nhạc được thành lập trong giai đoạn kế tiếp.

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ cùng các nhạc sĩ Lan Đài, Dương Minh Ninh, Trương Đình Quang, Lê Trọng Nguyễn… là những thành viên đầu tiên tham gia Hội Ái Hữu Âm Nhạc Hội An (Societe philharmonique de FaiFoo) do nhạc sĩ La Hối khởi xướng năm 1942. Chính hội âm nhạc này và các thành viên của họ đã đặt nền móng vững chắc cho văn nghệ phố cổ Hội An ngay từ thời kỳ đầu tân nhạc và lan tỏa rất rộng rãi… tóm tắt bài viết của Lê Trọng Nguyễn về Tân Nhạc Việt Nam (1920-1950) từ Hà Nội đến Hội An, Quảng Ngãi, Nha Trang, Đà Lạt…

Theo hồi tưởng của nhạc sĩ Trương Đình Quang (chú nhạc sĩ Trương Duy Cường): “Ở đây hầu như ít có gia đình nào không có nhạc cụ dân tộc”, thiết nghĩ riêng điều này cũng đã thể hiện được phần nào tinh thần yêu âm nhạc của người dân Hội An. Cũng vào thời điểm này, giới thanh niên theo Tây học tại đây cũng đã bắt đầu mày mò sử dụng các nhạc cụ từ phương Tây du nhập vào Hội An. Họ cũng đã hình thành những nhóm hòa tấu các tác phẩm âm nhạc Tây phương.

Trong ký ức của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, nhạc sĩ Phạm Duy đã từng đến và tá túc tại Hội An trong trụ sở của Hội Ái Hữu Âm Nhạc Faifoo, ghi lại trong hồi ký “Khi gánh hát vào Faifoo tôi còn thấy thanh niên ở đây yêu âm nhạc hơn tất cả thanh niên ở những nơi tôi đã đi qua”.

Hội An không chỉ có mỗi một mình nhạc sĩ La Hối sáng tác các nhạc phẩm Xuân và Tuổi Trẻ, còn có nhiều các tác giả khác vừa chơi nhạc vừa sáng tác ca khúc như: 
  • La Xuân với Hội An Ngày Về (lời Hoa của Diệp Truyền Hoa). 
  • Doãn Chánh với Mộng (lời Hoa của Diệp Truyền Hoa, lời Việt của Đằng Vân). 
  • Dương Minh Ninh với Bài Ca Tự Túc (lời Lưu Trùng Dương), 
  • Vọng Sơn Hà (lời Duy Liễu). 
  • Thái Trữ với Đường Chiều, Trai Đất Việt, Tiếng Đàn Xe Nước… 
Những ca khúc nầy không hay nên bị mai một theo thời gian!

Lợi dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Huỳnh Bá kéo theo Hoàng Tú Mỹ tham gia cùng với nhiều nhạc sĩ đồng hương như Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài, Dương Minh Ninh, Phan Huỳnh Điểu… họ cùng nhau thành lập Ban Văn Nghệ mang tên Xung Phong tham gia chương trình nghệ thuật thường niên tổ chức ở Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Tam Quan (Bình Định), nòng cốt của ban nhạc đều là những nghệ sĩ phố Hội.

Sau năm 1954, một số văn nghệ sĩ ở Liên Khu 5 ra Bắc; những nhạc sĩ còn lại: Hoàng Tú Mỹ cùng các nhạc sĩ thành lập ban nhạc vào năm 1958: 
  • La Gia Quảng sử dụng piano, 
  • Võ Văn Thọ (cậu họ tôi) sử dụng mandolin, 
  • Huỳnh Nhâm sử dụng accordeon, 
  • Lê Khuê, Hoàng Tú Mỹ sử dụng violon, 
  • Trần Thanh sử dụng trống, 
  •  Thái Xuân Đình sử dụng contrabass… 
Nhạc sĩ Dương Minh Ninh về Huế, dạy nhạc ở trường Bồ Đề, Sư Phạm Quy Nhơn. Nhạc sĩ Lan Đài (Nguyễn Kim Đài) vào dạy nhạc ở Phan Thiết, Sài Gòn nổi tiếng Chương Trình Lan Đài về âm nhạc. Các nhạc sĩ Lan Đài, Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Hiền, Hoàng Nguyên, Anh Việt (Đại Tá Trần Văn Trọng) in chung tuyển tập Nhạc Ru Tuổi Hồng. Các quyển nhạc lý của Lan Đài là của ông coi như thầy dạy nhạc của tôi. Tôi có viết bài Nhạc Sĩ Lan Đài & Nỗi Nhớ Xa Xôi còn lưu trữ trên các trang websites…

Sau đó có thêm La Vĩnh Châu, sử dụng violon (anh rể tôi, cháu nhạc sĩ La Hối, cháu nhạc sĩ La Gia Quảng, danh cầm thủ, nhạc sĩ La Gia Quảng có 4 người con trai và các cháu nội của ông đều là nhạc sĩ trình diễn ở Hội An qua 3 thế hệ), anh Liệu (Trầm Thế Khải, huynh trưởng Hướng Đạo cùng lúc với Lê Khuê), Radio Tường Quang, bán nhiều dụng cụ âm nhạc duy nhất ở Hội An cũng tham gia… Vào thời điểm đó Bảo An Đoàn thành lập, nhạc sĩ Võ Văn Thọ cùng vài thành viên thành lập ban nhạc phục vụ trong đơn vị nầy, người chị thứ sáu của tôi hát ở trong ban văn nghệ một thời gian. Người bám trụ Hội An lâu nhất là nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ (1927-2023).

Nhạc sĩ La Gia Đinh (em La Gia Quảng), dạy nhạc ở trường trung học Trần Quý Cáp. Dòng họ La có chi nhánh đặt tên với chữ lót Gia, Vĩnh, Thế… để phân biệt thế hệ trước sau.

Nhạc sĩ Huỳnh Nhâm, dạy nhạc từ năm 1952 khi trường trung học Trần Quý Cáp thành lập (ca khúc Trần Quý Cáp Hành Khúc, nhạc Huỳnh Nhâm, lời thầy Phan Khôi) khi sáng tác nhiều ca khúc, trong đó có Mãi Mãi Bên Nhau, Mộng Tình Đầu, Nhớ Cố Hương, Xuân Mơ Về Quê Mẹ,  Đoản Khúc Cho Sài Gòn (thơ Nguyên Hạ)…  với tiếng hát ca sĩ Kim Tước. Chờ Đợi, Yêu Em Vô Lượng (thơ Thái Tú Hạp), Buồn Cả Một Chiều Mưa  (thơ Phan Nhật Nam)… với tiếng hát Mai Hương… Tương Tư với tiếng hát Quỳnh Giao…

Nhạc sĩ Huỳnh Nhâm bị động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, cập bậc Thiếu Tá, phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, định cư tại Little Saigon, tiếp tục theo học, Cử Nhân Âm Nhạc, ấn hành nhiều tác phẩm hòa âm và sáng tác.

Năm 1958, trường trung học bán công Nguyễn Duy Hiệu thành lập ở Vĩnh Điện, Điện Bàn, quê hương của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn nên ông dạy nhạc ở đó cùng với Trương Duy Cường thân nhau tử Huế. Anh Trương Duy Cường (người Minh Hương), động viên vào Khóa 16 Tường Bộ Binh Thủ Đức, chức vụ cuối cùng là Thiếu Tá, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Bình Định Phát Triển tỉnh Quảng Tín. Nhạc sĩ Huỳnh Nhâm và Trương Duy Cường sau nhiều năm lao tù, được định cư ở Mỹ theo diện H.O.

Với thế hệ chúng tôi vào giữa thập niên 1950s và 1960s, vẫn còn nhớ ban nhạc gia đình Phi Anh, cụ Trương Đình Hoanh, đời thứ 6, có rạp hát và tiệm buôn Phi Anh nên thường gọi là ông Phi Anh với các người con như nhạc sĩ đầu đàn là Trương Duy Cường, sáng tác từ khi đi học ở Huế, bút hiệu Phương Duy (cùng tuổi với người chị thứ sáu của tôi) với mấy người em Trương Duy Mãnh, Trương Duy Trực (lúc đó còn nhỏ, sau nầy chơi đàn guitare, thuận tay trái, cũng là ca sĩ), ba anh em đều sáng tác nhiều ca khúc. Trương Duy Hào (không sáng tác)  Khóa I Chính Trị Kinh Doanh, phục vụ cùng quân trường với tôi ở Đà Lạt… Mỗi tối cuối tuần thường chơi nhạc trước nhà trên đường Nguyễn Thái Học, gần chợ Hội An, tạo bầu không khí vui nhộn nơi phố cổ. Buổi tối nơi phố cổ nầy chẳng có gì giải trí nên chỉ có chơi nhạc góp vui.

Theo nhạc sĩ Trương Duy Cường: “Thập niên 40 khi tôi còn nhỏ, sinh hoạt trong đoàn thể Hướng Đạo Việt Nam, tôi thích âm nhạc nên thường đi nghe các buổi hòa nhạc của hội Âm Nhạc Hội An và bản Le Printemps et la Jeunesse vẫn là nhạc phẩm được hòa tấu để mở màn cho các buổi hòa nhạc hoặc nhạc ca kịch tại địa phương.

Năm 1946, đoàn ca vũ nhạc Anh Vũ từ thủ đô Hà Nội đi lưu diễn các tỉnh Trung, Nam Việt Nam. Sau khi trình diễn tại Huế, đoàn trực chỉ Hội An. Mặc dù lúc đó Hội An đang bị mưa to gió lớn ngập lụt dâng cao quốc lộ số 1 từ Đà Nẵng vào Hội An. Đoàn Anh Vũ được sự giúp đỡ tận tình của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và một số thanh niên tại Hội An nên đoàn văn nghệ vẫn đến được Hội An để trình diễn… Ông Võ Đức Diên là trường đoàn và trong đoàn có thi sĩ Thế Lữ, nhạc sĩ Văn Chung, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và một số ca kịch sĩ nữa tháp tùng.

Khi đến thành phố Hội An, các nhạc sĩ đồng hành với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát muốn liên lạc với nhạc sĩ La Hối. Đến nơi mới biết La Hối không còn nữa, mất trước đó vài tháng…”. (TGD)

Trong bài viết Một Vài Kỷ Niệm Với Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn của Trương Duy Cường, trích đăng:

“Trước năm 1945, gia đình tôi sống ở một thị xã nhỏ bé miền Trung nước Việt gọi là Ville de Faifoo, thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhà tôi ở phía bên trái của tiệm thuốc tây Đức Phú trên đường Rue de Hội An (sau này đổi thành đường Lê Lợi). Nhà song thân của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở trong một con hẻm nhỏ đối diện với ngôi nhà cha mẹ tôi nên anh Lê Trọng Nguyễn đã quen biết tôi, người hàng xóm.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tên theo khai sinh là Lê Trọng nên bà cụ của anh có tiệm buôn bán nhỏ, được người dân phố Hội gọi là tiệm bà Trọng (gọi theo tên con). Sau anh lấy bút hiệu và trở thành tên hiện nay là Lê Trọng Nguyễn: Lê (họ cha) Trọng (tên) và Nguyễn (họ mẹ). Những người quen biết anh trước 1945 đều thân mật gọi tên anh là Trọng hơn là Nguyễn như anh đã đổi lại.

Năm 1946-1952, khi đi tản cư ở Liên Khu 5, Tam Quan và Bồng Sơn tỉnh Bình Định, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đặc trách âm nhạc toàn Liên Khu (các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú) thường hay đến nhà của chú tôi là nhạc sĩ Trương Đình Quang để đàn hát vui chơi. Trong thời gian này (đầu thập niên 50), Lê Trọng Nguyễn gặp thiếu nữ trẻ đẹp và anh đã ghi lại mối tình này qua lời ca của nhạc phẩm Nắng Chiều...

Năm 1952 anh đã “dinh tê” (về thành) sống ở vùng quốc gia ở tỉnh Quảng Nam (khi thì Đà Nẵng, lúc ở Hội An). Năm 1953 anh ra làm việc ở thành phố Huế và cho in bản nhạc Nắng Chiều (ca sĩ Minh Trang hát lần đầu tiên trên đài phát thanh Huế). Bản nhạc Nắng Chiều không phải là nhạc phẩm sáng tác đầu tay của anh vì anh có nhiều nhạc phẩm được hát trong những năm trước đó ở chiến khu…

Anh Lê TrọngNguyễn thường hay tâm sự với tôi: “Các ông chủ xuất bản nhạc bảo mỗi lần in là 3.000 bản thật ra các ông ấy đã in nhiều hơn, nhưng tác giả chỉ hưởng bản quyền một số tiền giới hạn trong mỗi đợt in ấn hoặc tái bản theo con số các ông ấy cho biết!”

Tôi gặp lại anh Lê Trọng Nguyễn tại Huế năm 1954 khi tôi theo học trung học đệ nhị cấp tại trường Quốc Học. Thời kỳ này, học sinh trung học chúng tôi phải theo học lớp huấn luyện Cao Đẳng Quân Sự (Préparation Militaire Supérieure) song song với giờ học văn hóa…

Từ khi tôi gặp anh Lê Trọng Nguyễn tại Huế, thường đi uống cà phê với anh tại tiệm Lạc Sơn, đi ăn chè Ga Huế, đi ăn bánh bèo Vỹ Dạ, đi ăn cơm Âm Phủ, đi lên núi Ngự ăn bánh bèo, đi đến đài phát thanh Huế nghe nhạc nhưng tôi chưa biết nhà anh Lê Trọng Nguyễn ở “mô” trong thành phố cổ kính này. Thì ra anh Lê Trọng Nguyễn ở trong An Định Cung. Vì lúc đó anh đang cộng tác với đài phát thanh Huế và rất thân quen anh Vũ Đức Duy (cháu Đức Từ Cung) đang trú ngụ trong cung điện ở An Cựu này. Tại nơi này, gặp người đẹp, anh Lê Trọng Nguyễn sáng tác nhạc phẩm Cung Điện Buồn, khá “romantique”, nhưng anh Lê Trọng Nguyễn chỉ chép tay để tặng các bạn nhạc sĩ thân quen chứ không đưa hát ở đài phát thanh, hay cho in ấn. Mặc dù lúc đó anh đang cộng tác với đài phát thanh Huế và đã có nhạc phẩm do nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) do ông Tăng Duyệt xuất bản rồi.

Cũng trong thời gian sống ở Huế này, tôi ghi danh học hàm thụ âm nhạc với École Univers. Đến giữa năm 1959, sau một thời gian dài phục vụ trong quân đội (ngành Quân Cụ), nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn được giải ngũ, về thăm phố cổ Hội An, nên tôi đã đề nghị ông Hiệu Trưởng mời nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn làm giáo sư âm nhạc thay tôi, vì tôi không thể phụ trách quá nhiều giờ phụ. Thế là tôi và anh Lê Trọng Nguyễn lại có dịp tiếp tục thảo luận với nhau về âm nhạc, nghệ thuật.

Mỗi cuối tuần, từ chiều Thứ Sáu tôi tháp tùng với anh Lê Trọng Nguyễn ra Đà Nẵng vui chơi vì ở Hội An, thành phố nhỏ chẳng có gì giải trí, họa may chỉ mang đàn xuống biển Cửa Đại gào với sóng biển! Ra Đà Nẵng, chúng tôi thường hay đến các quán cà phê có nhạc (nhạc dĩa 76 tours hay tapes) như quán Thạch Thảo, café Thanh Bình… để ngồi uống trà tàu Đài Loan, uống cà phê Tây nghe nhạc Việt như đa số thanh niên, học sinh, giáo sư, quân nhân lúc bấy giờ. Lúc đó, ở quán Café Thanh Bình, có cô Hiếu, tiếp viên nói giọng Bắc rất ngọt ngào và rất xinh. Tôi là một trong những người “trồng cây si” ở quán café này…

Cũng năm 1960, một đoàn ca múa nhạc của Trung Hoa Dân Quốc từ Đài Loan sang trình diễn tại Việt Nam. Có nữ ca sĩ Kỷ Lộ Hà hát bài Nắng Chiều bằng lời ca tiếng Hoa. Tác giả Lê Trọng Nguyễn được mời ra Đà Nẵng để tham dự buổi trình diễn đó và cho phép phổ biến lời ca mới này. Nhạc phẩm Nắng Chiều lời tiếng Hoa được phát hành bằng dĩa nhựa 33 tours và là một trong những nhạc phẩm ngoại quốc được yêu thích ở Đài Loan và Hong Kong trong nhiều thập niên. Ca sĩ Kỷ Lộ Hà trình bày bản nhạc này rất xuất sắc, kèm theo phần hòa âm rất phong phú của ban nhạc Trung Hoa, khi cô gặp tác giả Lê Trọng Nguyễn (lúc đó Lê Trọng Nguyễn khá đẹp trai) cô đã dành nhiều “tình cảm đặc biệt” và khi đoàn hát Trung Hoa này về lại Sài Gòn, anh Lê Trọng Nguyễn đã xin phép nghỉ dạy một thời gian để tháp tùng đoàn văn nghệ về Sài Gòn vui chơi với đoàn.

Sau đó, một đoàn văn nghệ Nhật Bản từ Tokyo sang trình diễn ở Việt Nam. Nữ ca sĩ Mitdori Satsuki hát bản Nắng Chiều bằng lời Việt (sau nầy dịch sang tiếng Nhật)…

Có một lần, tôi được anh Lê Trọng Nguyễn đưa xem lá thư gửi từ Nhật sang. Ngoài bì để người gửi là Mitdori Satsuki, nhưng bên trong là một tờ giấy lụa bạch rất trang nhã, không có ghi một chữ gì hay một dấu hiệu nào.

Anh Lê Trọng Nguyễn hỏi tôi: “Cậu có biết Mitdori muốn nói gì không?”

Tôi suy nghĩ, trả lời ngay: “Yêu anh vô cùng và lòng em như tờ giấy lụa mầu trắng mềm mại và chờ mong…”

Nghe xong, anh Lê Trọng Nguyễn cười và không giải thích gì thêm. Một thời gian ngắn sau đó, tôi được anh Lê Trọng Nguyễn báo tin Mitdori Satsuki vừa bị tai nạn nghề nghiệp. Trong một buổi quay phim ca nhạc, cô thụt lùi và bị ngã, chấn thương sọ não và không còn liên lạc với anh nữa. Anh Lê Tọng Nguyễn mến tiếc một tài năng còn trẻ đẹp và giọng hát đang lên.

Năm 1962, anh Lê Trọng Nguyễn trở về sống ở Sài Gòn. Năm 1963, tôi nhập ngũ, thụ huấn khóa 16 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Mỗi cuối tuần, khi tôi chưa được gắn Alpha (nên chưa được đi phép Sài Gòn), anh Lê Trọng Nguyễn tuần nào cũng lên trường SQTB Thủ Đức thăm tôi. Đến khi được đi phép, tuần nào tôi cũng đến nhà anh Lê Trọng Nguyễn ở Phú Nhuận, gần quán ăn Bò Bảy Món nổi tiếng. Từ lâu, anh Lê Trọng Nguyễn rất mê khiêu vũ nên buổi tối tôi cũng tháp tùng anh đi nhảy ở các vũ trường Sài Gòn, Chợ Lớn…

Anh Lê Trọng Nguyễn cho tôi biết, trong thời kỳ còn ở Liên Khu 5, anh dạy học ở trường trung học Gia Hựu (phía bắc tỉnh Bình Định) do các linh mục Công Giáo mở dạy nên anh có dịp vào thư viện của nhà trường đọc các sách nhạc lý bằng tiếng Pháp. Anh không là tín hữu đạo Công Giáo nhưng thời gian sống với các linh mục khá lâu, anh có nhiều cảm tình với đạo này. Anh đã viết bản Chiều Bên Giáo Đường khá hay. (Ghi chú: Nhà thờ Chính Tòa do thân phụ anh Hoàng Phong Linh trúng thầu xây cất, Và được biết thêm nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn khi ở Đà Nẵng tình cờ quen thân với người đẹp
"tà áo trinh nguyên" ở nhà thờ Chính Tòa vào dịp Xuân, cuộc tình ngăn cách khi chia tay nơi nầy, nên ông viết: “Nguyện cầu gục đầu bên hoa mắt ướt nhòa. Hồn anh buồn tɾống duyên anh còn sống đời bềnh bồng. Nguyện cầu gục đầu bên nhau mắt ɾáo sầu. Xa dần đen tối tìm màu Xuân mới tɾên làn môi).

Vì theo học các cours nhạc châu Âu, nên các sáng tác của anh chịu ảnh hưởng của loại nhạc cổ điển Tây phương. Anh viết nhạc theo loại bán cổ điển (Semi-classique) tương đối khó hát với các ca sĩ trung bình…” (TDC).

Cũng như nhiều nhạc sĩ đã tham gia trong thời kỳ kháng chiến ở miền Bắc, nhiều người đã “dinh tê” về Hà Nội. một số đã di cư vào Nam trong năm 1954. Cuộc hành trình của họ không nguy hiểm như trường hợp Lê Trọng Nguyễn. Ông viết các bài (hồi ký) về âm nhạc thời đó và thời kỳ tham gia trong kháng chiến, có nhiều vài viết (ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ) dựa vào đó ghi lại, không ghi xuất xứ rồi “tự biên tự diễn, vẻ rắn thêm chân”!. Ngay cả bản thân tôi, vào thập niên 1990s, tôi viết các bài văn nghệ, âm nhạc cho báo rồi phổ biến lúc đó trên website Xứ Quảng của La Lương (dân Hội An) và Quán Gió của cựu học sinh Chu Văn An ở Úc, hai thập niên sau, có những bài viết bị chôm gần nguyên cả bài làm của riêng!

Trong bài viết Một Chuyến “Dinh Tê” của Lê Trọng Nguyễn. Trích đoạn:

“Năm 1952, tôi rời Bồng Sơn (Bình Định) ra Tam Kỳ (Quảng Nam) cùng với một người bạn dựng một trại mộc làm đàn mandoline và guitare. Vào khoảng tháng 6, tôi gặp một số học sinh có ý định về thành để tiếp tục con đường học vấn. Có bốn cậu: Tạ Ký, Nguyễn Sum, Nguyễn Viết Tường và một cậu nữa mà tôi quên mất tên, cùng với tôi hẹn sẽ thực hiện ý đồ về thành.

Rồi đến một đêm tối trời, chúng tôi lặng lẽ gặp nhau tại sân vận động Tam Kỳ, thì thầm bàn tính đường đi nước bước. Tạ Ký và Nguyễn Sum đề nghị sẽ đi về nhà Tạ Ký ở Trung Phước thuộc huyện Quế Sơn, nghỉ đêm tại đó đến mờ sáng ngày hôm sau sẽ đi xuống ngã Phường Rạch và tiếp tục đi đến Xuân Đài. Tôi không biết đường xá gì cả nên cùng với tất cả đồng ý. (Tạ Ký dạy Việt Văn các trường trung học nổi tiếng ở Sài Gòn)

Sáng hôm đó chúng tôi đi xuống đến Gò Nổi, qua khúc sông cạn, vào đồn Xuân Đài, Quảng Nam. Trước tôi cứ tưởng sẽ gặp lính Pháp nhưng lại toàn là lính Việt. Một vị sĩ quan tên là Triệu, đồn trưởng bảo chúng tôi lên xe và đưa chúng tôi đến căn cứ Phòng 2 đóng ở Vĩnh Điện. Khi còn ở trong vùng kháng chiến, tôi đã nghe nói về căn cứ này. “Khó thoát khỏi bị tra khảo”. Tôi nhận xét các cậu học sinh rất thản nhiên, còn có vẻ vui.

Riêng tôi, thật tình mà nói, sợ quá. Qua vị sĩ quan Triệu, tôi được biết đồn Xuân Đài chỉ chờ đón mấy cậu học sinh, không ngờ có một người cầm đàn, cán bộ văn nghệ, là tôi. Như vậy, tôi nghi có thể có một sự liên lạc nào trước đấy. Vừa xuống xe, tôi gặp ngay họa sĩ Duy Liêm…

Gặp Duy Liêm tôi mừng thầm, tưởng rằng anh ta là nhân viên Phòng 2, hy vọng được giúp đỡ. Nhưng thật ra anh ta chỉ bị giữ lại đó từ mấy tháng nay. Sau một vài giờ khai thác, mấy cậu học sinh được thả, tự do ra bến xe Vĩnh Điện đi Đà Nẵng. Nguyễn Viết Tường có cho Phòng 2 biết họ sẽ về tại địa chỉ của người chị ở Đà Nẵng. Còn tôi phải ở lại…”.

Ông viết những đắng cay, nguy hiểm trong lúc “dinh tê” từ vùng Việt Minh ở thôn quê về Điện Bàn, Đà Nẵng, Hội An, vùng Quốc Gia do Phòng 2 của Pháp kiểm soát, suýt bỏ mạng.

“Ông đưa tôi bản Pháp văn, trong đó có bút phê của sĩ quan Phòng 2 Vĩnh Điện: gạch đít chữ nagé và ngoài lề có viết avec sa guitare có dấu hỏi, cuối bản khai có phê faux rallté (hồi chính giả). Tôi bình tĩnh nói: Thưa Trung úy, bản khai của tôi bằng Việt Văn. Có lẽ bản dịch ra Pháp văn làm cho Phòng 2 Vĩnh Điện nghi ngờ. Tôi khai là lội qua sông chứ không phải là bơi qua sông. Người dịch có thể nghĩ bơi lội qua sông nên dùng chữ nager. Đáng lẽ tôi phải thêm chữ cạn vào sau mấy chữ lội qua sông thì người dịch sẽ dùng chữ traverser à gué…

Đến ngày 12 tháng 7 tôi nhận được giấy gọi của Phòng 2 Vĩnh Điện. Không biết chuyến này sẽ ra sao đây. Chuẩn bị ăn đòn, chắc chết quá. Tôi đến Vĩnh Điện, có một Trung sĩ Pháp đón tôi tại bến xe. Tôi hỏi ông ta:

- Có việc gì mà ông phải ra tận bến xe đón tôi?

- Tao không biết, tao chỉ được lệnh tìm mày ở bến xe.

Ông Trung sĩ đưa thẳng tôi lên văn phòng. Ông Đại úy bước ra đưa tay bắt tay tôi và hỏi:

- Có mất tinh thần không? Đà Nẵng có gì lạ? Đã gặp được người bà con chưa?

Tôi chưa trả lời thì ông ta nói tiếp.

- Đừng lo, lão Hans có y muốn giúp anh về sách âm nhạc. Tôi gọi anh về đây chỉ có một chuyện vui là nhờ anh đệm đàn trong ban nhạc có mấy cây kèn và một vài giọng hát để giúp vui trong ngày lễ 14/7 của chúng tôi…

Tôi về lại Đà Nẵng, không gặp lại mấy cậu học sinh. Họ đã đi, chẳng biết họ đi đâu. Tôi đến nhà Bác Lý, người bà con ở đường Thành Thái. Ở đó gần một tuần thì một buổi sáng ông bạn Hà Thúc Cần đến thăm. Chúng tôi đang chuyện trò, công an đến bắt tôi đi. Họ đưa tôi về Ty Công An Đà Nẵng, không có ai cho biết về lý do bắt tôi, liền tống tôi vào lao Con Gà. Ở đó mấy hôm cũng không có ai đến khai thác. Hằng ngày, cứ buổi sáng bị cắt đi quét đường phố. Đến một buổi sáng tôi nhìn thấy mẹ tôi đứng khóc bên kia lề đường, cùng với bà Lý cũng khóc. Mẹ tôi nói vọng qua: Mẹ và em con về bình an và đang ở Hội An...

Sau này tôi quen Trung úy Độ (làm việc ở Phòng 2 Đà Nẵng), ông ta đã giải ngũ, và được biết ông là nhà thơ Anh Độ. Ông ta nói không biết vì sao hồ sơ về tôi của Phòng 2 Vĩnh Điện mà Công An Quốc Gia lại có. Có lẽ vì mấy chữ faux rallté mà phải vào lao Con Gà”.

Sau khi về vùng Quốc Gia, ở Hội An thời gian nơi phố cổ, cuộc tình của ông với cô gái Trần Thị Chanh rồi chia tay. Khi ra Huế, ông sáng tác ca khúc Nắng Chiều, ca sĩ Minh Trang trình bày đầu tiên trên đài phát thanh Huế, được phổ biến và tên tuổi ông được quan tâm từ đó.

Sau thời gian ở Huế, Hội An, Đà Nẵng, ông vào Sài Gòn lập nghiệp, gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền tại Bộ Công Dân Vụ (sau nầy là Bộ Thông Tin). Theo nhạc sĩ Nguyễn Hiền: “Lần đầu tôi gặp Lê Trọng Nguyễn vào khoảng giữa năm 1961. Khi được giới thiệu tác giả của bài Nắng Chiều, tôi đã nhận thấy ở anh một nghệ sĩ có nhiều nét rất đặc biệt về kiến thức tổng quát cũng như âm nhạc. Từ đấy anh hay đến nhà tôi chơi cùng với Lan Đài, Anh Việt, Y Vân và Hoàng Nguyên… Anh em trò chuyện rất tương đắc như anh em một nhà” (Về nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tôi viết bài Hoàng Nguyên, Dòng Nhạc Dòng Đời, ấn hành trong quyển Văn Nhân & Tình Sử năm 2015. Năm 1971 khi học chung với nhau Khóa III Trung Cấp CTCT trong 3 tháng, anh là người hướng dẫn tôi hiểu biết thêm về nhạc cổ điển Tây phương). Về công danh, âm nhạc với Lê Trọng Nguyễn chỉ là thú đam mê, tay trái, ông được may mắn, năm 1965, đại diện điều hành cho công ty xuất nhập cảng Centraco của Pháp. Năm 1968, ông làm việc cho công ty Hoa Kỳ Sealand ngoài Đà Nẵng nên thường gặp cô nhân viên bán vé ở Hàng Không Việt Nam (Nguyễn Thị Nga, nhỏ hơn 17 tuổi, cựu nữ sinh trung học Trưng Vương). Năm 1970, đám cưới Lê Trọng Nguyễn - Nguyễn Thị Nga do nhạc sĩ Nguyễn Hiền chủ hôn. Theo lời hiền thê của ông: “Tôi cũng không ngờ tình duyên đến như sự sắp sẵn của tạo hóa. Trước đó tôi không biết về anh nên khi anh có ý định xây dựng với tôi, tôi lại lo sợ vì nghe đồn về giới nghệ sĩ rất tài hoa và bay bướm. Tuy nhiên khi ý anh đã quyết đi đến hôn nhân thì tôi không chạy đi đâu được nữa và cuối cùng đã chấp thuận”.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hiền: “Rồi ngày ấy đã đến, khi anh đến báo tin sẽ thành hôn và nhờ tôi thay lời, cùng thân mẫu đi rước dâu trong đám cưới anh được tổ chức tại nhà hàng Continental, chỉ mời nhóm bạn bè thân rất hạn chế…”.

Năm 1973, ông giữ chức Giám Đốc của Nhà Máy Dầu Hỏa Cửu Long. Trước tháng Tư năm 1975 ông có cơ hội ra đi nhưng vì lý do gia đình của người con hiếu thảo nên bỏ lỡ cơ hội!

Tháng Ba năm 1983, gia đình bên vợ bảo lãnh sang Mỹ. Ông kẹt mẹ già (cô em gái qua đời, con cái sống với bà ngoại) nhưng vì tương lai của các con nên định cư tại miền Nam California. Vợ chồng ông có nhiều dịp sang Pháp và các nơi khác, hạnh phúc bên nhau, ông bị bệnh ung thư phổi, cho đến ngày 9 tháng 1 năm 2004, ông về cõi vĩnh hằng. Ông bà có 4 người con: Lê Minh Đức, Lê Minh Ngọc, Lê Minh Thư, Lệ Trong Phúc.


Lễ Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn được tổ chức nhiều nơi, ngay cả Pháp vì nhiều nhạc sĩ cùng thời với ông định cư ở đó.

Đêm Tưởng Niệm và Vinh Danh Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn được tổ chức trang trọng tại phòng sinh hoạt nhật báo Viễn Đông, thành phố Westminster, tối Chủ Nhật, ngày 17 tháng 4, 2005… Sở dĩ Đêm Tưởng Niệm sau ngày giỗ một năm vì gia đình thực hiện tuyển tập nhạc Lê Trọng Nguyễn vừa xong. Đêm Tưởng Niệm trở thành đêm nhạc tuyệt vời với sự đóng góp các ca sĩ thành danh như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao… cùng với ban nhạc The Star Band… Trong Đêm Tưởng Niệm nầy tôi chụp nhiều hình lưu niệm và viết bài tường thuật còn phổ biến trên website.

oOo

Đầu năm 2018, nhà văn Việt Hải email cho tôi đang thực hiện tuyển tập về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (1926-2004) nhân ngày sinh vào tháng 5, 2018. Tôi có “món nợ ân tình” với người bạn nầy… nên cùng Việt Hải góp bàn tay trong tuyển tập.



Đúng Ngày Sinh Nhật, Tuyển Tập Lê Trọng Nguyễn, Âm Nhạc và Bạn Hữu được ra mắt tại Little Saigon. Lại một lần nữa những ca khúc tuyệt vời của Lê Trọng Nguyễn qua các ca sĩ đã nổi danh đóng góp.

Với những nhạc sĩ nơi phố cổ Hội An ngày xa xưa ấy, ở Mỹ chỉ còn nhạc sĩ Huỳnh Nhâm, nhạc sĩ Trương Duy Cường.

Đôi lần tôi gọi điện thoại về thăm người chị thứ tư (vợ anh La Vĩnh Châu), sinh năm 1930, tuổi già nhưng còn minh mẫn, phụ giúp đứa con trông nom tiệm thuốc Bắc, cạnh chợ Hội An. Tôi nghĩ người tình trong Nắng Chiều nên dọ hỏi. Chị trả lời “Chuyện văn nghệ văn gừng của các ông làm sao biết được!”. (Có nguồn tin cho rằng nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và cô Trần Thị Chanh, cùng tuổi với nhau, có một người con gái tên là Lê Thị Thanh Uyển, với tôi chỉ là nghi vấn vì ở phố cổ nhỏ xíu nầy, chỉ có mối tình thầm kín còn che giấu được nhưng mang bầu đẻ con thì cả phố đều biết).

Thuở học trò, tôi có nhiều cơ hội thụ giáo các nhạc sĩ và thầy dạy nhạc nhưng vì ham chơi nên “lỡ cung đàn”…! “Nơi ấy giờ đây âm thầm. Chiều chiều mơ nơi đầm ấm. Vương khói trầm luân cay nồng. Se tơ tầm cho nát lòng” (Hoàng Giác). Được vài lần, anh rể dạy violon, tình cờ chị tôi nghe được, lại phán “Gớm, đàn như chọc tiết heo”, quê quá, bỏ ngang. Thích âm nhạc nên học piano, guitare và vài nhạc cụ khác, nhưng “dở dở, ương ương” chưa bá tri, trở thành bá láp! Cuối thập niên 1950s, lúc đó, chưa tới tuổi “cặp kê” với cô nữ sinh nào nên vỡ mộng “Anh đàn em hát níu xuân xanh” (Tình Cầm - Phạm Duy). Đạp xe ra Cửa Đại, nằm trên bãi cát, dưới bóng thùy dương, nghe sóng biển rì rào thú vị hơn. Khi biết yêu để “anh đàn em hát” thì sống lang bạt!

Thời gian hai năm ở quân trường trên Đà Lạt, thư viện có nhiều sách về âm nhạc cổ điển Tây phương, vì hiếu kỳ, tôi đọc, tìm hiểu và rất thích nhưng sau đó bị nhà văn Kim Dung mê hoặc với những mối tình xuất chiêu, tung chưởng nơi chốn võ lâm ở núi rừng làm lu mờ những nhạc sĩ lừng danh như J.S Bach, W.A Mozart, L.V Beethoven, Richard Wagner, Franz Schubert, Robert Schumann, Franz Liszt, Frédéric Chopin, Franz Schubert… Thay vào đó hình ảnh các đại mỹ nhân Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ, Vương Ngọc Yến, Triệu Minh, Nhậm Doanh Doanh, A Châu, Chu Chỉ Nhược, Trần Viên Viên… làm hồn tiêu phách tán! Thời đó, muốn thưởng thức nhạc giao hưởng (symphonie, suymphony) rất nhiêu khê, sưu tầm, có thời gian, không gian ở nhà… trong khi đó thuê mấy quyển sách chưởng lận lưng đọc bất cứ lúc nào, nơi nào.

Nơi phố cổ Hội An, với cái nôi âm nhạc, mang lại niềm hãnh diện trong tôi qua những dòng đề cập ở trên, tiêu biểu như nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Qua nhiều thập niên, tôi thích nhất ca khúc Cát Biển với ban tam ca Mộc Lan, Châu Hà, Kim Tước trước năm 1975 và ở hải ngoại với Mai Hương, Quỳnh Giao, Kim Tước quá tuyệt! Tôi cũng có vài kỷ niệm vui buồn với ca khúc nầy thời quân ngũ, nhưng rồi: “Dã tràng ngoài biển cát. Hồn mộng vẫn se hoài…” dù có xin trời một lối, nhưng không có em và tôi!

Nhìn lại tuổi đời, thời gian tôi sống nơi phố cổ ít hơn ở Đà Lạt, Mỹ nhưng “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ đã ai quên!” (Thế Lữ). Cũng may, đọc nhiều sách, báo đến tuổi già vẫn còn nhớ, thời học trò tuy ham chơi nhưng vẫn còn nhớ ở lớp nào, thầy cô dạy môn gì… hầu hết nay đã ra người thiên cổ!

Tôi thích âm nhạc từ nhỏ, coi như người bạn đồng hành trong suốt quãng đời. Tôi có “duyên” được tiếp xúc, thân quen với nhiều nhạc sĩ thành danh nhưng không có “duyên” với “sự nghiệp sáng tác”, đôi lúc nguồn cảm hứng chợt đến, thử “xem con tạo” với cung đàn ra sao, nhưng câu nói ngày xưa của người chị còn ám ảnh, sợ rằng “Nhạc gì mà nghe như chọc tiết heo”. Hơn nữa, nhiều ca khúc của các nhạc sĩ quen biết hay quá, ngại rằng khi xem qua, xướng âm xong lại phán cho vào “lò sát sanh” đủ âm thanh cuồng nộ thì bỏ mạng.

Nếu quan niệm như nhà soạn nhạc Pháp Hecto Berlioz “Âm nhạc có thể cho ta ý niệm về tình yêu” thì vài nhạc phẩm của Lê Trọng Nguyễn của thời trai trẻ cho thấy tình yêu nơi đó trên quê hương thật dễ thương và trong sáng.

Nay như chiếc lá: “Lá rơi cho lòng hoài cố nhân. Tìm trong lá thu vàng bao phút xưa đầm ấm” (Lá Rơi Bên Thềm – Lê Trọng Nguyễn và Nguyễn Hiền). Hai chiếc lá đã rơi! Và ngày nào đó chiếc lá vàng cũng rơi theo.

Vương Trùng Dương

(Trích trong tác phẩm Âm Nhạc và Người Muôn Năm Cũ)



No comments

Powered by Blogger.