Bùi Phạm Thành
Nhớ ngày còn "xung pheng, béng phèng phèng" tụi lính nó sợ ông Thượng Sĩ già, tên Wá (Quá), coi hậu cứ hơn sợ tôi. Và ngay chính cả tôi cũng nể cách cư xử của ông ta.
Ngày tôi mới ra trường, với cái lon thiếu uý trên cổ áo, và khuôn mặt vẫn còn phảng phất chút "má đỏ môi hồng" của một sinh viên sĩ quan của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ở Đà Lạt. Khi đó Hiệp Định Ba Lê đã được ký kết, thế cho nên cuộc chiến trở thành cuộc "Chiếm Đất Giành Dân". Cấp trên cho biết rằng nếu Uỷ Ban Kiểm Soát Quốc Tế đến nơi nào thì họ chỉ nhìn vào lá cờ, của bên nào thì sẽ được ghi là đất của bên đó. Ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng nhấn mạnh rằng "Nếu anh để tụi nó cắm cờ hết đất, thì chỉ còn chỗ cho anh trải poncho nằm là Quân Lao." Nghĩ đến câu "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" thì, lúc đó, tôi thà chết chứ không vô tù.
Tôi được giao cho chỉ huy một đại đội, gần 40 người lính, trong số đó có hai ông thiếu uý dày dạn chiến trường, vì là hạ sĩ quan được cho đi học để làm sĩ quan, và lên thiếu uý nhờ sống sót trận An Lộc, và một chuẩn uý mới ra trường, mặt còn non hơn tôi một bực. Lính thì đủ loại, có đứa thì mũi súng M16 cao ngang lỗ mũi, có người thì tuổi tác chắc cũng chỉ thua bậc cha chú của tôi chừng vài tuổi.
Cầm đơn vị chưa tới hai tuần, thì sau trận đụng độ khá dữ dội mới đẩy lui được đám Việt cộng đang chiếm cứ một ngôi làng, thuộc Ấp Chiến Lược cũ, và đại đội bị chết mất hai ba người lính, bị thương không kể (lâu quá nên tôi quên rồi). Khi được trực thăng chở về hậu cứ, tôi vừa vào, chưa đến cái hầm trú ẩn (chỗ gọi là "văn phòng" của tôi ở hậu cứ chỉ là cái hầm trú ẩn ngay trong kho vũ khí. Mẹ bà nó nếu trúng một trái đạn pháo kích là chỉ có đem xẻng đi hốt chứ còn gì mà lượm), thì đã có mấy bà vợ lính ùa ra khóc than, níu áo. Tôi không nhớ họ có chửi bới hay không, nhưng đại khái là "Chồng tui đi lính năm bảy năm không sao, bây giờ ông làm chồng tui chết ..."
Lúc đó, "ông quan sữa" mới qua cái tuổi 24 được hai ba tháng, quýnh quáng chưa biết đối xử ra sao thì ông Thượng Sĩ thường vụ bước đến quát "Mấy mụ này im mồm, ổng mới đi uýnh giặc dzề chưa kịp tắm rửa, thay quần áo ... đi chỗ khác, lải nhải là tui kêu lính kéo đi bây giờ." Thế là "mấy mụ" im re, lui ra hết. Đó là lần đầu tiên tôi được thấy uy quyền của một thượng sĩ thường vụ, trông nom hậu cứ.
Lần thứ hai, cũng liên quan đến người lính bị chết, và vợ nó mang 2 đứa con đến khóc lóc vì bị đuổi nhà. Nhà, chỉ là những cái chòi chắc chỉ vừa đủ cho một cái giường cho vợ chồng người lính và một hai đứa con ngủ chung. Khu đất giành cho đại đội chỉ đủ cho chừng hơn chục cái chòi, mà lính thì gần bốn chục, và bao nhiêu đã có vợ con đùm đề thì tôi cũng không rõ, thế cho nên làm sao có đủ chỗ. Bởi vậy cái dã man là người lính chết thì vợ con nó được lãnh 12 tháng tiền tử, và phải dọn ra khỏi nhà cho vợ con người lính khác vào ở. Vì số gia đình xếp hàng chờ rất đông. Tôi lờ quờ đâu biết chuyện đó.
Lúc bà kia dắt con tới than khóc thì anh chàng lính cận vệ cho tôi chạy đi gọi ông Thượng Sĩ tới, ông ta hét tỉnh bơ "Chồng chết thì dọn ra cho vợ thằng còn sống ở. Đổi chỗ chứ có gì mà rùm beng. Không kiếm được thằng khác thì ôm gói về quê ... la khóc cái gì ..." Đã hơn năm mươi năm rồi, nên tôi không nhớ rõ, đại khái là như vậy, nhưng cũng không sai trật bao nhiêu. Mấy "mụ" kia nghe xong thì dắt con ra ngay lập tức. Lúc đó nếu tôi không phải là cấp chỉ huy thì tôi đã vái ông Thượng Sĩ thường vụ ba vái. Thiệt tình mà nói thì cả ba thằng Trung Sĩ và thằng lính mang ba lô cho tôi đều thuộc loại bán trời không văn tự, vậy mà cũng "né" mấy mụ vợ lính, chứ nói chi là tôi. Bởi vậy tôi nể ông Thượng Sĩ thường vụ đại đội lắm. Ông ta không những cai quản cả kho súng đạn, phân phát lương, phân phát thực phẩm quân tiếp vụ, lo mua thức ăn cho đơn vị trước khi hành quân, ... từ A đến Z như một người Mẹ lo cho lũ con. Đồng thời còn chỉ huy được tất cả các "mụ" vợ lính. Có lần tôi vô tình nghe mấy người lính tâm sự với nhau "Ông Trưởng này trẻ và hiền, nếu có chuyện thì lên gặp ổng thì chỉ bị la, lên gặp thượng sĩ Wá thì phù mỏ, trọc đầu ..." (Những người lính họ gọi tôi là "Ông Trưởng" , "Thẩm Quyền", hay "Ông Râu" vì tôi là đại đội trưởng, và chỉ cần lội rừng một hai tuần là râu tóc bùm xùm như người rừng ngay lập tức.)
Sau đó ông thượng sĩ giải thích cho tôi biết là nhà (hay cái chòi) cấp cho vợ lính theo thâm niên quân vụ của chồng trong đại đội, không kể chức vụ. Vợ lính thâm niên có chòi để ở, vợ hạ sĩ quan mới về đại đội cũng phải kiếm mái tôn, gỗ thùng đạn mà dựng lều để ở quanh đó, vì cũng còn chỗ này chỗ kia có khoảnh đất trống. Ông ta cho tôi biết "thằng Hố Lai", người hạ sĩ nhất y tá vẫn xách bịch thuốc đi theo bên tôi, vợ nó chỉ có 2 tấm poncho, cái trải dưới đất, cái che trên đầu, nằm dưới bụi cây, ôm đứa con gái mới hơn 1 tuổi ngủ gần năm nay rồi mà nó có kèo nài gì đâu. Ông ta nổi nóng nói "Mấy con mụ này lần tới gặp tui là tui cho một đạp chứ hổng thèm nói năng gì nữa cả ..."
Đời lính chiến thê thảm như vậy, thế cho nên tôi đã phạm lỗi lầm lớn trong quân đội là nhất định đòi cho được khẩu phần Quân Tiếp Vụ hàng tháng cho lính. Tôi được lính thương, nhưng quan ghét. Anh chàng Trung Sĩ đi bên tôi có lần tâm sự "Đi theo ông thì khổ, nhưng vợ con sướng, nên mấy thằng có vợ, có con chịu ông lắm. Vì thời trước tụi nó chưa hề thấy đồ quân tiếp vụ là gì." Tôi nghe nói thì chỉ biết lắc đầu thương hại. Bởi vì trên thực tế, lúc đó, tôi cũng chỉ là một thanh niên mới lớn, 24 cộng mấy tháng tuổi, cho dù tôi là sĩ quan chỉ huy, có khả năng chiến đấu, không ngại chuyện chiến trường, thế nhưng vấn đề "tình người" thì quả là con số không. Bởi vì ngay cả người yêu cũng chưa có !!!!
Mười bốn tháng cầm quân, với ba lần ra vào nhà thương, những tháng ngày còn lại là lội rừng, ngủ võng, sáng ăn gói mì, chiều ăn gói cơm gạo xấy với mấy miếng thịt kho đi kho lại đựng trong lon "guy-gô", đôi khi cũng có bát canh lá chua, hay lá hà thủ ô, một loại rễ cây bò dưới đất có mùi như thuốc bắc ... Đuổi được Việt cộng chỗ này thì dọn bãi chờ trực thăng đến bốc đi chỗ khác ... Chẳng biết tháng mấy chứ nói chi đến thứ mấy ... Chỉ biết rằng, trong rừng, mặt trời qua khỏi đỉnh đầu là sẽ tối xầm trong phút chốc ...
Khi tôi được gọi về học Cao Đẳng Công Binh thì chẳng chối từ. Hôm tôi về trình diện ban 1 sư đoàn để nhận sự vụ lệnh, khi đó đã trễ vài tháng vì hành quân. Vừa về đến nơi thì bộ tư lệnh sư đoàn bị pháo kích. Chắc có đề-lô nên rất chính xác. Ông thiếu tá và đám ban 1 dắt tôi chạy vào hầm chỉ huy ở gần bên để tránh đạn. Một lúc sau thì đạn pháo kích rơi trúng hầm chứa mìn chống chiến xa, gây nên một tiếng nổ long trời lở đất, tưởng chừng xập luôn cả hầm chỉ huy. Lúc đó ông thiếu tá ban 1 lầm bầm "Ông trung uý này xui thấy mẹ, đi đâu Việt cộng rượt theo tới đó ..." (Lúc đó tôi đã lên Trung Uý), rồi vắn tắt giải thích với mọi người trong hầm chỉ huy rằng tôi là ai. Khi hầm đạn gần bên bị nổ, hầm chỉ huy gần như xụp đổ, bụi cát rơi ào ào, cả quan và lính đều co dúm người, tôi cũng hơi teo, thế nhưng ông Lê Nguyên Vỹ (thực tình mà nói, lúc đó tôi không biết ông là ai và chẳng nhớ ông mang lon gì, có lẽ ông mang lon ở ngực áo nên tôi không thấy rõ) vẫn ngồi yên trên ghế gần ban truyền tin, mặt vẫn không có vẻ gì thay đổi mà còn hỏi kháy tôi một câu "Ông trung uý Đà Lạt muốn về ngồi cạo giấy cho mục xương hay sao vậy?" Tôi thẳng thắn trả lời "Dạ thưa trường Võ Bị chọn tôi thì tôi về đi học tiếp, đối với tôi đó là vinh dự, ra trường thì sẽ tính sau ..." Ông cười và nói "Đùa anh chút vậy thôi, đừng buồn nhé ..." Sau này nhìn hình và nghĩ lại thì mới biết chắc đó là ông tướng Lê Nguyên Vỹ. Tuy nhiên tôi vẫn nhớ mãi lần gặp gỡ ngắn ngủi đó, vì bên ngoài, ông là người bảnh bát, tác phong oai vệ, đầy khí phách, thế nhưng không hiểu tử vi ra sao mà vắn số?
Khoảng chưa đầy hai tháng sau khi trở lại đời sống "quan hai cắp sách đi học làm kỹ sư" thì một hôm anh chàng trung sĩ vẫn đi theo tôi ngày trước, tìm đến trường, với tay vẫn còn dây đeo trên cổ. nước mắt lưng tròng "... chết hết rồi thẩm quyền ơi ..." Anh ta vẫn giữ cách xưng hô ngày cũ. "Ông C. (đại đội trưởng mới) dắt đại đội đi ngay vào ổ phục kích của tụi nó ... chỉ có sáu bảy đứa sống sót ... tui bị thương cùng mình, ông thiếu uý B. được làm ông Phó, bị miểng đui một mắt ... còn bao nhiêu chết hết ... phải chi ..." Tôi đứng sững người, không nói được một câu, chỉ nhớ rằng đôi dòng nước mắt nóng hổi đã chẩy dài xuống má ... Hơn ba mươi người lính đã nằm xuống, rồi vợ con họ sẽ ra sao? Bao nhiêu tiếng khóc than ở khu "trại gia binh" với hơn chục cái chòi nhỏ bé của đại đội? "Thằng Hố Lai", người hạ sĩ nhất y tá vẫn mang túi thuốc đi bên cạnh tôi cũng đã chết. Người vợ trẻ ốm như cây củi khô, với đứa con chắc chưa biết gọi tiếng "ba", vẫn nằm ngủ dưới hai mảnh poncho giờ sẽ ra sao? Ông thượng sĩ Wá phải đối xử với cả mấy chục "con mụ" và đám con thơ nheo nhóc như thế nào?
Tôi đứng như trời trồng, với hai dòng nước mắt của kẻ bất lực ... Tôi hiểu hai chữ "phải chi" của người trung sĩ trung thành ngày cũ. Phải chi tôi từ chối việc trở về đi học, phải chi những người sĩ quan chỉ huy xẻ rừng mà đi theo bản đồ chứ không theo đường mòn, phải chi người cộng sản theo đúng với hiệp định Ba Lê, phải chi tôi cũng nằm xuống bên cạnh những người lính của tôi, phải chi tôi còn có dịp bấm máy PRC25, báo cáo "Trình 11, đã lùa hết vịt con vào chuồng, con cái tôi có ba đứa đang nhậu Johnnie Walker ..." (Vịt con = VC = Việt cộng. Johnnie Walker là rượu whisky của Mỹ được lính gọi là chai rượu "Ông già chống gậy", ở đây có nghĩa là bị thương.) Phải chi ... Phải chi ... Ôi phải chi hơn ba mươi "đứa con" của tôi ...
Những kẻ "văn hay chữ tốt" đặt ra hai chữ "phải chi" hay ngắn gọn hơn là chữ "nếu" để tự an ủi hay tự chối bỏ trách nhiệm của họ. Phải chi (nếu) ông trời có mắt ...
Sau này, khi nghĩ lại chuyện cũ, tôi tự an ủi mình rằng cho dù tôi ở lại, thì cũng sẽ phải giao đơn vị cho người khác, vì vấn đề lon lá cấp bậc, chứ không thể ở mãi với đơn vị được. Thế nhưng đó là đơn vị đầu của tôi, những "đứa con" đầu đời của ông "quan một" mới xuống núi từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Ai bảo tôi yếu đuối thì tôi đành chịu, vì không ngăn cản được dòng nước mắt mỗi khi nhớ lại chuyện này. Thượng sĩ Wá, với tuổi tác, thì chắc cũng đã theo đại đội mà về cõi Vĩnh Hằng rồi.
Khốn nạn thật, người ta chỉ viết chuyện chiến tranh để "nổ", để phô trương cái "anh hùng cá nhân" và cái tài "xuống đông, đông tĩnh ..." Thế nhưng tôi đây chỉ thấy đau thương và uất hận. "Nhất tướng công thành vạn cốt khô", ai nói câu này xem ra cũng không có gì là quá đáng. Thế nhưng phải viết bằng máu đỏ hoà với nước mắt thì mới diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa.
Bùi Phạm Thành
Ngày 19 tháng 10 năm 2023
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Cuối cùng thằng lính là khổ nhất !
ReplyDeleteĐúng vậy. Ngoài chiến trường "Thằng Lính" cũng như "Thằng Quan" giống hệt nhau, mạng sống được quyết định bằng một viên đạn. Và với văn hoá Việt Nam "Trọng Văn Khinh Võ" thì lính chết hay quan chết cũng chẳng khác gì nhau, chỉ là người "lính chết", trong khi đó người dân vẫn ăn chơi, hàng quán vẫn đông nghẹt, hộp đêm vẫn đầy người ngồi nghe các cô ca sĩ hát bài ca về lính, và người vợ lính vẫn vái van cho chồng đừng chết để không bị đuổi ra khỏi túp lều che thân ... Thế cho nên tôi mới quyết định viết lại đời lính qua tầm nhìn rất khác với các "quan" viết văn để tự "bơm" mình cho bay bổng. Và tôi cũng chẳng ngần ngại để nói lên rằng tôi chẳng có chút "anh hùng" nào cả, vì đã nhiều lần rơi nước mắt cảm thương cho những người lính đã theo tôi, và ngã xuống, trong những ngày chinh chiến xưa cũ.
DeleteKể về đời lính thì có cả ngàn đề tài để kể và cũng có cả chục ngàn câu chuyện để nói.
ReplyDeleteNhưng khó tìm được chuyện nào được xem là hay mà không kèm theo bồi hồi xúc động .