Bùi Quý Chiến
Nhà Lý là một triều đại thịnh trị. Tuy vậy khuynh hướng "giang sơn nào anh hùng ấy" của thời đại 12 sứ quân vẫn còn ảnh hưởng tới vùng biên giới phía bắc.
Nhằm tạo sự tin yêu và đoàn kết giữa triều đình với các sắc tộc ở thượng du,
vua Lý Thái Tông (1028-1054) gả con gái cho các thủ lĩnh có uy quyền.
Năm 1029, một năm sau khi lên ngôi, vua gả công chúa Bình Dương cho châu mục
châu Lạng (nay thuộc Lạng sơn) là Thân Thiệu Thái.
Năm 1036 Thái Tông gả công chúa Kim Thành cho châu mục châu Phong là Lê Tông
Thuận. Cùng năm này, vua gả công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng
oai là Hà Thiên Lãm.
Mặc dù Thái Tông rất quan tâm tới mối giao hảo với các sắc tộc thiểu số,
nhưng miền thượng du vẫn thường xảy ra những vụ nổi loạn.
Năm 1036 đạo Lâm tây (nay thuộc Sơn la) cùng các châu Đô kim, Thường tân và
Bình nguyên (thuộc Hà giang và Tuyên quang) làm phản, cướp phá qua cả biên
giới. Thái Tông sai Khai hoàng vương đánh dẹp các châu Đô kim, Thường tân và
Bình nguyên còn vua thân chinh đi đánh đạo Lâm tây.
Dẹp yên giặc này thì năm 1039 xảy ra vụ cha con Nùng Tồn Phúc phản loạn tại
châu Quảng nguyên.
Nùng Tồn Phúc nguyên là thủ lĩnh châu Thảng do, em ruột là Nùng Tồn Lộc thủ
lĩnh châu Vạn nhai và em vợ là Đương Đạo thủ lĩnh châu Vũ lặc, cả 3 châu này
đều thuộc châu Quảng nguyên nay thuộc tỉnh Cao bằng.
Quảng nguyên xưa là nơi khí hậu khắc nghiệt nhưng có mỏ vàng và bạc. Năm
1036 động Vũ kiến dâng lên vua một khối vàng nguyên chất nặng 112 lạng (bằng
4,22 kg); huyện Liên, châu Cộng thạch và Định biên tâu trình về triều đình
rằng những nơi này có mỏ bạc (nguyên văn viết ngân huyệt). Hàng năm châu
Quảng nguyên nộp về triều đình sản vật địa phương như một hình thức thần
phục.
Năm 1039 Nùng Tồn Phúc giết Tồn Lộc (em ruột) và Đương Đạo (em vợ) để thống
lĩnh toàn bộ châu Quảng nguyên. Sau đó Tồn Phúc tự xưng là Chiêu thánh hoàng
đế và đổi châu Quảng nguyên thành nước Trường kỳ. Tồn Phúc phong cho vợ là A
Nùng làm Minh đức hoàng hậu và phong cho con trưởng Trí Thông làm Nam nhai
vương.
Chống lại triều đình, Tồn Phúc cắt đứt quan hệ vua tôi với nhà Lý, tổ chức
quân đội và xây dựng hệ thống phòng thủ.
Trấn áp phản loạn, Thái Tông thân chinh đi diệt trừ Tồn Phúc. Hệ thống phòng
thủ tan rã, Tồn Phúc đốt doanh trại bỏ trốn vào núi. Vua cho quân truy đuổi,
Tồn Phúc và con là Trí Thông cùng bộ hạ cả thảy 5 người bị bắt và bị đóng
cũi giải về kinh.
Vợ Tồn Phúc là A Nùng và con thứ là Trí Cao chạy thoát.
Thái Tông cho phá hủy các công sự phòng thủ và chiêu dụ dân phiêu tán trở về
làm ăn như trước.
Trở về kinh, vua ra lệnh xử chém cả 5 tên phản loạn.
Trốn thoát cuộc tảo thanh của quan quân, Nùng Trí Cao và mẹ là A Nùng ẩn náu
ở động Lôi hỏa.
Nối chí chống triều đình của cha, Trí Cao gây dựng lực lượng võ trang.
Năm 1041 Trí Cao đem quân về tái chiếm châu Thảng do (căn cứ cũ của Tồn
Phúc) và đổi châu ấy là nước Đại lịch.
Thánh Tông cho tướng đem quân đi tiễu trừ, Tri Cao bị đánh bại và bị bắt đem
về kinh.
Vì cha và anh là Nùng Tồn Phúc và Trí Thông đã bị chém, Trí Cao được Thái
Tông thương tình tha tội.
Họ Nùng vốn được sắc tộc địa phương kính trọng nên vua cho Trí Cao cai quản
châu Quảng nguyên để thu phục lòng dân. Ngoài ra Trí Cao còn được vua cho
cai quản thêm châu Tư lang và 4 động: Lôi hỏa, Bình, An và Bà.
Năm 1043 Thái Tông sai Ngụy Trưng đến châu Quảng nguyên trao cho Trí Cao ấn
quận vương và phong chức Thái bảo.
Năm sau Thái bảo Nùng Trí Cao về kinh chầu vua Lý Thái Tông để tỏ lòng thần
phục.
Tuy nhiên chỉ 4 năm sau (1048) Trí Cao lại phản, đánh chiếm động Vật ác
(phía tây Cao bằng ngày nay). Thái Tông sai Thái úy Quách Thịnh Dật đi đánh.
Vừa lúc giao chiến, trời kéo cơn giông và sét đánh trúng động khiến tù
trưởng chết tan xác, Trí Cao phải đầu hàng.
Một lần nữa Trí Cao được Thái Tông ân xá.
Năm 1051 Trí Cao xin phụ thuộc nhà Tống nhưng bị vua Tống từ chối, Trí Cao
bèn vượt biên giới cướp phá đất Tống. Dinh trại Hoàng sơn (thuộc Quảng tây
ngày nay) bị đốt phá; các châu Ung, Hoành, Qúy, Đằng, Ngô, Củn , Tầm (thuộc
Quảng tây) và châu Khang, Đoan (thuộc Quảng đông) bị vây hãm. Trí Cao đi tới
đâu là nhà cửa của dân Tống bị đốt trụi. Vây hãm thành Quảng châu (thuộc
Quảng tây) nhưng không hạ được, Trí Cao bèn quay về hạ thành Ung, giết quân
Tống hơn 3,000 người. Trí Cao tự xưng là Nhân huệ hoàng đế và đổi châu Ung
là nước Đại nam.
Năm 1053 Tống Nhân Tông sai Lương Châu sang xin Lý Thánh Tông giúp binh lực
đánh Trí Cao. Thánh Tông sai Vũ Nhi làm Chiêu thảo sứ đem quân đi tiếp viện
quân Tống. Khi ấy tướng nhà Tống là Địch Thanh can vua Tống rằng:
"Mượn binh ngoài để trừ giặc không có lợi cho ta. Có một Trí Cao mà sức 2
tỉnh Quảng không thể chống nổi phải nhờ tới quân cõi ngoài, nếu họ nhân
đấy mà dấy loạn thì lấy gì chống lại?"
Địch Thanh xin đi đánh, vua Tống ngừng xin viện binh của nhà Lý.
Quân Tống tới Quy nhân thuộc châu Ung thì gặp sự chống cự của Trí Cao. Địch
Thanh đánh bại Trí Cao . Tướng tâm phúc của Trí Cao là Hoàng Sư Mật và 57
thủ hạ cùng 2,200 quân sĩ tử trận, Trí Cao rút vào thành Ung. Nửa đêm Trí
Cao đốt thành chạy trốn về Đại lý (Vân nam ngày nay), bị người Đại lý bắt
chém đầu đem dâng vua Tống.
Tướng Tống là Tiêu Chú tiến theo đường Đặc ma bắt được mẹ Trí Cao là A Nùng.
Giặc họ Nùng từ đây tuyệt diệt .
Bùi Quý Chiến
Tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên.
- Việt sử lược của khuyết danh.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Cho dù là làm phản nhưng người này có chí lớn.
ReplyDelete