Lâm Viên
Trong tuần qua, có thể hầu hết chúng ta đều đã nghe nói đến trận cháy
kinh hoàng ở đảo Maui, Hawaii, đã khiến 80 người thiệt mạng. Những hình ảnh
thảm khốc cho thấy rõ nghĩa của một "Thiên Đường Đã Mất"
Hội trường của Nhà thờ lịch sử Waiola và Lahaina Hongwanji Mission gần đó đang
chìm trong biển lửa ở Lahaina, Hawaii, vào Thứ Ba, ngày 8 tháng 8. (Matthew
Thayer/The Maui News/AP)
Đống tro tàn còn lại của một Thiên Đường đã biến thành Địa Ngục.
-
Chính quyền đã xác nhận 80 người chết trong các vụ cháy, nhưng Thị
trưởng quận Maui Richard Bissen cho biết số người chết "có thể sẽ tăng
lên".
-
Giới chức của Quận Maui cảnh báo rằng việc hít phải tro bụi trong không
khí "có độc tính cao", có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
-
Có sáu đám cháy ở Maui và Đảo Lớn (Big Island), hiện nay đám cháy
Lahaina đã được kiềm chế 85%. Nhiều địa danh lịch sử của thị trấn đã bị
thiêu huỷ.
-
Thống đốc Hawaii, Josh Green, cho biết đám cháy là thảm họa thiên nhiên
lớn nhất trong lịch sử của tiểu bang.
-
FEMA ước tính trị giá tái thiết sau vụ cháy Lahaina Fire là vào khoảng
$5.52 tỉ Đô-la.
Trong thiên tai thì mới thấy con người dù văn minh đến đâu, cũng quá nhỏ bé và yếu đuối trước sức mạnh của thiên nhiên.
Hình trên, một người đàn ông kéo một túi chứa đựng toàn bộ "gia sản" còn lại sau khi ngôi nhà của ông ta bị ngập lụt ở Zhuozhou (Trác Châu), Trung hoa lục địa, vào Thứ Bảy, ngày 5 tháng 8. Lượng mưa cực lớn từ cơn bão Doksuri là trận mưa lớn nhất tấn công Bắc Kinh trong 140 năm qua, làm ngập lụt thủ đô và các thành phố khác ở miền bắc Trung hoa . (Kevin Frayer/Getty)
Những cơn mưa lũ khiến sông Dokka, Na Uy, tràn bờ. Một khu cắm trại ở bên bờ sông bị ngập lụt vào thứ Tư, ngày 9 tháng 8. (Stian Lysberg Solum/NTB/AFP/Getty)
Tai hoạ không phải lúc nào cũng do thiên nhiên, mà nhiều khi phần tàn phá của con người còn dai dẳng, khủng khiếp hơn nhiều.
Cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine bắt đầu từ ngày 23 tháng 2 năm 2022, đến nay đã là 1 năm, 5 tháng và 3 tuần rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Bản tin hàng ngày của Reuters cho biết tổng kết thiệt hại, cho đến ngày nay như sau:
Người chết: ít nhất là 62,295 người
Bị thương: ít nhất là 61,000 người
Mất tích: ít nhất là 15,000 người
Di tản: 17 triệu người (38% tổng số dân Ukraine)
Nhà cửa, dinh thự bị huỷ hoại: ít nhất là 140,000
Tài sản thiệt hại: khoảng 411 tỉ đô-la
Hình trên, nhân viên cấp cứu làm việc tại địa điểm nơi một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga ở Pokrovsk, Ukraine, vào thứ Hai, ngày 7 tháng 8. (Press Service of the State Emergency Service of Ukraine/Handout/Reuters)
Đại tá Amadou Abdramane, thứ hai từ phải sang, được chào đón bởi những người ủng hộ sau khi đến sân vận động ở Niamey, Niger, vào Chủ nhật, ngày 6 tháng 8. Abradamane là phát ngôn viên của chính quyền quân sự đã lật đổ Mohamed Bazoum, tổng thống được bầu cử dân chủ của quốc gia châu Phi. (AFP / Getty)
Con người ta luôn có sức chịu đựng, chống chỏi với thiên nhiên để bám vào mảnh đất quê hương. Thế nhưng trước bạo lực thì nhiều người phải dứt áo ra đi tìm nơi khác để dung thân. Trong lịch sử cận đại, người Việt Nam đã hai lần phải di cư. Lần đầu từ Bắc vào Nam, và lần sau là từ miền Nam đi khắp nơi trên thế giới. Từ ngữ "Thuyền Nhân - Boat People" được khai sinh từ cuộc di cư lần thứ nhì của người Việt Nam bằng đường biển.
Hình trên, các "thuyền nhân" đang nhận áo phao cứu trợ trên biển Địa Trung Hải (Mediterranean Sea) sau khi họ vượt thoát Libya trên một chiếc thuyền nhỏ, ngày thứ Năm, 3 tháng 8. (Matias Chiofalo/AFP/Getty Images)
Khi chính sách "mở cửa biên giới" của Hoa Kỳ đã trở thành tai hoạ cho các tiểu bang có biên giới, thì các tiểu bang khác lớn tiếng chỉ trích việc ngăn cản làn sóng di dân bất hợp pháp. Đó chẳng qua là "cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại." Thế nhưng khi làn sóng người di dân bất hợp pháp này được chuyển đến họ thì họ lại "la làng" lớn hơn ai cả. Hình trên, người di dân bất hợp pháp tràn ngập vỉa hè của New York, khiến ông thị trưởng thành phố kêu gào "đây là đại hoạ của quốc gia!"
Tuy nhiên, trong thế giới bao la này, có nơi chịu tai hoạ, cũng có nơi vui chơi hoan lạc, gây ra cảnh "kẻ khóc, người cười".
Hình trên, đám người đang nhảy múa vui chơi trên biển ở Cannes, Pháp, trong khi tham dự lễ hội âm nhạc "Les Plages Électroniques" vào Chủ nhật, ngày 6 tháng 8. (Valery Hache/AFP/Getty)
Hình trên, Pope Francis đến đền Our Lady of Fatima, ở Fatima, Portugal (Ba Lan), ngày thứ Bảy, 5 tháng 8, và đã được cả nửa triệu người đón mừng, nhân ngày World Youth Day. (Francisco Seco/AP).
Khi con người không còn hy vọng ở khả năng của chính họ, thì chỉ còn phương pháp cuối cùng là cầu xin thánh thần, hay các bậc siêu nhiên cứu giúp. Tuy rằng việc "cầu mà có, xin mà được" chưa từng xảy ra từ thuở khai thiên lập địa, qua hai cuộc thế chiến cũng như nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc tiếp theo, và hiện nay là cuộc chiến của Nga xâm lăng Ukraine. Đói khổ, thiên tai, chiến tranh vẫn đè nặng lên đời sống của con người. Thế nhưng con người vẫn còn một chỗ bám cuối cùng là lòng tin và niềm hy vọng. Ann Frank đã viết những dòng cuối trong quyển nhật ký, như lời nhắn nhủ của người tuyệt mệnh
"Where there's hope, there's life. It fills us with fresh courage and makes us strong again. In spite of everything, I still believe that people are really good at heart."
Tạm dịch là
"Ở đâu có hy vọng, ở đó có sự sống. Nó lấp đầy chúng ta với lòng dũng cảm mới và khiến cho chúng ta mạnh mẽ trở lại. Bất chấp tất cả, tôi vẫn tin rằng mọi người thực sự có lòng tốt."
Thế cho nên, dù không tin tưởng vào sự huyền bí, chúng ta cũng nên có hy vọng, hay mơ ước. Cho dù hy vọng đã không đến với Ann Frank, nhưng với ước mơ về một ngày mai tươi sáng, có lẽ Ann Frank cũng có chút bình an trong tâm hồn trước khi từ giã cõi đời. Có lẽ rất nhiều người cũng chỉ mơ được như thế mà thôi.
Trong niềm hy vọng và mơ ước về một ngày mai tươi sáng, một bác nông dân ở gần Dortmund, Đức, đã thực hiện bằng cách cát tỉa cánh đồng trồng bắp của ông ta thành một khuôn mặt tươi cười, vào hôm thứ Năm, ngày 10 tháng 8. (Martin Meissner/AP)
Chúc quý vị một ngày an lành, vui vẻ, và một giấc mơ tuyệt vời trong từng giấc ngủ.
Lâm Viên
Post a Comment