Header Ads

Chiến Tranh Miệng, Chiến Tranh Mạng


Bùi Phạm Thành

Thành ngữ Latin có câu "Sī vīs pācem, parā bellum", tiếng Anh dịch là "If you want peace, prepare for war", và tiếng Việt là "Nếu muốn hoà bình thì chuẩn bị cho chiến tranh."

Khi nói về "chuẩn bị cho chiến tranh" thì hầu hết chúng ta đều nghĩ đến chuẩn bị quốc phòng, hay nói trắng ra là chuẩn bị vũ khí bảo vệ cũng như tấn công. Tuy nhiên, việc chuẩn bị tâm lý quần chúng cũng là việc quan trọng không kém. Đó là việc tuyên truyền, thúc đẩy tinh thần chiến đấu của binh sĩ và sự tin tưởng cũng như ủng hộ của dân chúng. Sự chuẩn bị này thường được gọi là "chiến tranh tâm lý", hoặc cũng có thể gọi là "chiến tranh miệng" hay "võ mồm".

Gọi là "chiến tranh tâm lý" khi lời nói đi đôi với việc làm, như tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố là sẽ sát cánh với quân đội trong việc chống lại quân xâm lăng Nga, và đã làm đúng như vậy. Thế cho nên ông không những được dân chúng và quân đội Ukraine ủng hộ, mà cả thế giới ủng hộ cũng như khâm phục. 

Trông người lại nghĩ đến ta, trong những ngày cuối của cuộc chiến Quốc-cộng ở Việt Nam thì có cấp lãnh đạo như Nguyễn Cao Kỳ, miệng vừa chấm dứt lời tuyên bố sẽ sát cánh với quân đội, thì chân đã bước vội lên trực thăng để chạy trốn. Khốn nạn thật! 

Chuyện xưa nhắc lại để lấy đó làm bài học, làm kinh nghiệm để xét chuyện đời nay.

Ngày nay, thì hầu hết chúng ta đều biết là bộ máy tuyên truyền của cộng sản rất mạnh với những ngôn từ "đao to búa lớn" và khoác lác trơ trẽn với mục đích duy nhất là "vừa hù doạ, vừa lấy lòng (hay lừa gạt)" quần chúng. 

Mới đây, ngày 25 tháng 5, các trang báo điện tử của "loa phường Trung cộng" và vài trang của châu Âu có loan một tin "giật gân" là các "khoa học gia TC" đã dùng computer để làm một war-game, và cho biết là sẽ đánh chìm Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) tối tân nhất của Hoa Kỳ là USS Gerald Ford bằng 20 hoả tiễn siêu tốc (hypersonic missile), cho thấy rằng Hoa Kỳ không thể bảo vệ Đài Loan trước sự tấn công của TC.

Tuy thế giới không ai nhìn thấy cái war-game đó như thế nào, nhưng nghe qua thì có lý quá chừng, bởi vì HKMH USS Gerald Ford có chiều dài 1,106 ft (337 m) và chiều ngang 256 ft (78 m), thì làm sao chịu nổi sức nổ của 20 hoả tiễn rơi xuống cùng một lúc. Chìm là cái chắc. Cùng với hơn 75 phản lực cơ chiến đấu và hơn 4,500 thuỷ thủ và nhân viên cũng chìm theo chiếc tàu trị giá khoảng 17 tỉ dô-la. 

Thế nhưng chúng ta không biết các "khoa học gia TC" có biết rằng các HKMH của Hoa Kỳ khi di chuyển trên biển đều có các hộ tống hạm, khu trục hạm bảo vệ, cùng với tàu ngầm bảo vệ dưới đáy biển cũng như vệ tinh theo dõi trên không. Đó là chưa kể đến vũ khí phòng thủ như chống ngư lôi, chống hoả tiễn ... Thế cho nên, một chiếc hoả tiễn của TC vừa khai hoả thì vệ tinh đã báo cho chiến hạm biết rồi, vậy thì xem ra khả năng của chiếc hoả tiễn đó không bay được bao xa, trước khi bị các hệ thống phòng thủ bắn hạ.

Chiến tranh ở Ukraine cho thấy hoả tiễn siêu tốc của Nga không có hiệu quả như họ vẫn khoe khoang, tuyên truyền. Không hiểu hoả tiễn siêu tốc của TC so sánh thế nào với loại của Nga?

Vả lại các "khoa học gia TC" không để ý đến chủ trương của Hoa Kỳ là "không tấn công trước nhưng nếu bị tấn công thì phải trả đũa". Bài học lịch sử "Trận Trân Châu Cảng - Pearl Harbor" và "Tháp đôi 9/11" cho thấy khi Hoa Kỳ bị tấn công với số thiệt hại nhân mạng cao thì quốc gia gây chiến sẽ phải trả giá rất đắt.


Song song với "võ mồm""diễn võ dương oai", TC đã đưa HKMH của chúng đi qua eo biển Đài Loan, và đưa tàu đến gần khu vực khai thác dầu hoả của Việt Nam do Nga điều hành, bất chấp lời yên cầu hãy rời xa khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khiến tình hình trong khu vực càng trở nên căng thẳng.


Trong khi đó, nguồn tin từ chính phủ Philippines cho biết, lần đầu tiên, Lực lượng Bảo vệ Duyên hải (Coast Guard) của ba quốc gia Phi-Nhật-Mỹ sẽ cùng thực tập tuần tiễu gần khu vực bãi cạn Scarborough, nơi TC đang chiếm giữ, bắt đầu từ ngà 1 tháng 6. Trong mấy tuần qua, Phi đã đặt một số phao nổi để ấn định ranh giới chủ quyền trên khu vực Biển Đông. Tiếp theo đó, TC cũng đặt một số đèn báo hiệu trong khu vực với ý nghĩa tương tự. Việc này khiến chúng ta nhớ lại thời "cắm cờ giành đất" ở miền Nam Việt Nam, ngay sau khi Hiệp Định Paris được ký kết. Ngày nay, cho dù toà án quốc tế đã phủ quyết việc tuyên bố chủ quyền của TC ở Biển Đông, thế nhưng vì không có phương pháp, nói rõ ra là không có quân đội, để bảo đảm cho luật pháp, thì phán quyết của toà cũng chỉ là những hàng chữ vô nghĩa trên trang giấy để xếp vào hồ sơ trong ngăn tủ mà thôi. Thế cho nên
 
Vũ lực không những là cần thiết, mà còn là "điều kiện ắt có và đủ" để bảo đảm Hoà Bình - "Sī vīs pācem, parā bellum".

Vũ lực được thể hiện qua vũ trang, vũ khí trang bị cho quân đội, cùng với ý chí, khả năng chiến đấu của binh sĩ và cấp chỉ huy. Thế cho nên mới có "kỹ nghệ chế tạo vũ khí chiến tranh". Có thể nói đây là kỹ nghệ bền vững nhất, bởi vì ngòi lửa chiến tranh lúc nào cũng âm ỉ cháy khắp nơi, trên mặt đất, biển cả, không trung, và ngay cả mạng lưới vô hình Internet.

Ngày 24 tháng 5, Microsoft cho biết "đội quân tin tặc được nhà nước TC bảo trợ có tên là Volt Typhoon đang liên tục tấn công vào các công ty kỹ nghệ cũng như cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ." Đây không phải là lần đầu tiên về tin tặc TC, thế nhưng là lần đâu tiên Microsoft trực tiếp lên tiếng, cho biết "tin tặc TC đã xâm nhập vào hạ tầng cơ sở mạng quan trọng của Hoa Kỳ trong nhiều kỹ nghệ với trọng tâm là thu thập thông tin tình báo."


Trong khi đó, chính phủ Biden vẫn đang cố gắng tìm kiếm đồng minh trong khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là các quốc gia đảo, để ngăn ngừa sự bành trướng của TC. Mới nhất là ba quốc gia đảo: Papua New Guinea, Palau và Micronesia.

Những năm vừa qua TC tiến mạnh về việc tung tiền cho vay, yểm trợ các quốc gia đảo ở Thái Bình Dương để đặt căn cứ hải quân và bành trướng ảnh hưởng chính trị trong khu vực, nhằm bảo đảm cho việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.


Trở lại vấn đề vũ trang, một vấn đề người dân không mấy quan tâm vì không ảnh hưởng gì đế giá xăng hay tiền chợ. Thế nhưng trên phương diện an ninh lãnh thổ thì lại là điều quan trọng bậc nhất, bởi vì mất quốc gia là mất tất cả. Người Việt Nam tị nạn cộng sản biết rõ điều này.

Như đã nói ở trên, kỹ nghệ chế tạo vũ khí là kỹ nghệ bền vững nhất, đồng thời cũng đem lại lợi tức cao cho quốc gia, và tăng trưởng kinh tế cũng như ảnh hưởng chính trị.

Hôm 29 tháng 5, tin tức của Reuters từ Nam Hàn cho biết Nam Hàn sẽ dùng 13.7 tỉ Mỹ kim trong việc bán vũ khí cho Poland (Ba Lan) để làm nguồn tài trợ cho việc xây dựng "kỹ nghệ chế tạo vũ khí cho quân đội". Hai quốc gia Nam Hàn và Ba Lan sẽ hợp tác để chế tạo vũ khí tương lai cho khối NATO. Lợi tức trong việc bán vũ khí của Nam Hàn đã tăng từ 7.25 tỉ lên đến 17 tỉ Mỹ kim, khi châu Âu ồ ạt tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Việc phối hợp với Ba Lan rất quan trọng, vì Ba Lan là một trong những thành viên quan trọng của khối NATO. Trong năm vừa qua, Nam Hàn đã cung cấp cho châu Âu hàng trăm dàn phóng hoả tiễn Chunmoo, xe tăng K2, đại bác tự động, và hàng loạt phản lực cơ chiến đấu FA-50. Số lượng vũ khí này đã khiến Nam Hàn trở thành quốc gia nổi bật về khả năng cung cấp vũ khí chiến tranh trên thế giới.

Từ lâu, các quốc gia như Czech Republic, Romania, Slovakia, Finland, Estonia, Latvia, Lithuania và một số quốc gia châu Âu khác vẫn thường mua vũ khí của châu Âu, nay thì có vẻ chuyển hướng qua Nam Hàn vì gía rẻ và giao hàng nhanh chóng, nhờ vào việc áp dụng robot trong hầu hết công việc chế tạo vũ khí. Để so sánh, chỉ trong vòng vài tháng, trong đợt giao hàng lần đầu tiên vào tháng 12, Nam Hàn đã giao cho Ba Lan 10 chiến xa K2 và 24 chiến xa K9, và ít nhất là 5 chiến xa nữa cùng với 12 khẩu đại bác tự động sắp sửa hoàn tất. Trong khi đó, Đức, một trong những quốc gia sản xuất vũ khí quan trọng của châu Âu, chưa thể giao một chiếc chiến xa Leopard trong số 44 chiếc mà Hungary đã đặt mua từ năm 2018. Một điều quan trọng và đáng để ý là Nam Hàn chế tạo vũ khí theo tiêu chuẩn, quy định của Hoa Kỳ và NATO. Một thí dụ dễ hiểu là có thể mua súng của Nam Hàn và mua đạn của Mỹ mà không có gì trở ngại. Một thí dụ nữa là mua hệ thống phóng hoả tiễn di động Chunmoo của Nam Hàn (tương tự với HIMARS của Mỹ), nhưng vẫn dùng hệ thống vệ tinh hướng dẫn của Mỹ. Đó là yếu tố khiến nhiều quốc gia muốn mua vũ khí được phối hợp sản xuất bởi Ba Lan và Nam Hàn.

Á châu là khách hàng chính của Nam Hàn, số lượng vũ khí bán cho các quốc gia châu Á chiếm 63% tổng sản xuất từ năm 2018-2022, vì sự hung hăng của TC ở Biển Đông và căng thẳng an ninh giữa TC và Hoa Kỳ.

Nam Hàn hiện đang chế tạo phản lực cơ chiến đấu KFX cho Indonesia, và Ba Lan đã cho biết là họ cũng muốn tham gia vào dự án đó. Malaysia (Mã Lai) cũng đã mua một số phản lực cơ chiến đấu FA-50 trị giá khoảng 1 tỉ Mỹ kim. Hiện nay Nam Hàn đang chạy đua với các hãng chế tạo vũ khí trên thế giới về dự án 12 tỉ Mỹ kim trong việc cung cấp xe chiến đấu cho bộ binh Úc, tương tự như xe chiến đấu Humvee của Mỹ.

Một nhà ngoại giao ở Nam Hàn cho biết: “Các quốc gia châu Á coi chúng tôi là một đối tác rất hấp dẫn trong các giao dịch quốc phòng vì tất cả chúng ta đều tìm cách phòng bị trước những căng thẳng gia tăng trong khu vực." Và nhấn mạnh rằng "Chúng tôi là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng không phải là Hoa Kỳ.” Với câu nhấn mạnh như thế thì ai muốn hiểu sao thì hiểu. 

Tin mới nhất


Hôm 30 tháng 5, trong một bản báo cáo, Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết rằng phi công của máy bay phản lực J-16 của TC đã “bay ngay trước mũi chiếc RC-135, buộc máy bay Mỹ phải tìm cách tránh né trong thế rất nguy hiểm”. 

Bản báo cáo cũng cho biết đây là một hành động khiêu khích không cần thiết và nguy hiểm của TC đối với một máy bay tuần tiễu của Hoa Kỳ trên không phận quốc tế của Biển Đông. 

Dĩ nhiên là "loa phường của TC" cũng đưa ra lời tuyên bố rằng đây là lỗi của Mỹ, vì nếu máy bay của Mỹ không bay trên không phận của Biển Đông thì sẽ chẳng có gì xảy ra cả.

Đó là chuyện trên trời, và đây là chuyện dưới biển.

Hôm thứ Bảy, ngày 3 tháng 6, trong khi cuộc hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á, Shangri-La Dialogue, đang diễn ra ở  Singapore thì tại eo biển Đài Loan một chiếc tàu chiến cũng cắt ngang khu trục hạm USS Chung-Hoon, chỉ cách 150 yards (khoảng 140 mét). Dĩ nhiên là TC đổ lỗi cho Hoa Kỳ bằng cách "nhai lại" lý do "nếu không có tàu Mỹ trong khu vực thì không có gì xảy ra cả."

Sau hai vụ "thử lửa" trên trời và dưới biển, Bộ trưởng Quốc phòng TC Li Shangfu tuyên bố rằng TC muốn "nói chuyện" với Mỹ, bởi vì nếu xảy ra xung đột với Mỹ thì "hậu quả sẽ rất là bi đát."

Đồng ý hay không về những lời tuyên bố trên của TC là quyền của người đọc, tuy nhiên, trong lúc này, "Mặt Trận Miền Đông Vẫn Yên Tĩnh."

Bùi Phạm Thành



Tài liệu tham khảo:

Ukraine war: Kyiv says it shot down Russian hypersonic missiles

Microsoft warns that China hackers attacked U.S. infrastructure

China destroyed USS Gerald Ford in wargame simulation using 20 hypersonic missiles - to prove that America can not defend Taiwan

Biden seals 3 deals in Pacific islands as U.S. competes with China

China cautions Kishida against attending NATO summit

Chinese aircraft carrier Shandong transits through Taiwan Strait: MND

Chinese vessels ignore Vietnam call to leave

Philippine Coast Guard Will Hold First-Ever Trilateral Exercise with U.S., Japan

Inside South Korea's race to become one of the world's biggest arms dealers

Chinese and US jets tangle over South China Sea



No comments

Powered by Blogger.