Trần Phố Hội
Miền Nam mất nhưng đã để lại một kho tàng âm nhạc vô cùng phong phú, quý báu
mà chắc từ nay về sau không bao giờ có được. Rất nhiều nhạc phẩm viết về đời
lính trong một cuộc chiến khốc liệt, tàn bạo do Cộng Sản Hà Nội (CSHN) gây
ra theo lệnh của quan thầy Tàu, Nga, nhưng chỉ nói về tình yêu lứa đôi, tình
thương gia đình, chứ không hề nói đến hận thù. Hầu hết nhạc phẩm ở Miền Nam
trước 75 đều có đề cập đến những nét đẹp của Miền Nam, có nội dung nói lên
một xã hội hiền hòa, tràn đầy tình thương. Để phân biệt với nhạc ở Miền Bắc,
nhạc ở Miền Nam được gọi là Nhạc Vàng, và nhạc ở Miền Bắc thì gọi là Nhạc
Đỏ.
Nghe Nhạc Vàng chúng ta thấy một Miền Nam hiền hòa, thân thương, thấy những
đôi lứa yêu nhau chân thành và chung thủy, thấy những người lính luôn nhớ về
người yêu và mẹ già.
Nhạc Vàng được viết cho đủ mọi người như các bác nông phu nghèo nàn, chất
phát ở thôn quê; các thôn nữ làm việc cực khổ nhưng vẫn vui và yêu đời; các
học sinh với những mối tình trong trắng, thơ ngây; các sinh viên với những
mối tình dang dở vì chàng phải xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ quê
hương; và dĩ nhiên rất nhiều về người lính. Có lẽ vì thế mà Nhạc Vàng được
hầu hết dân Miền Nam đón nhận và yêu thích.
Nhạc Vàng được viết với nhiều thể loại, đa số là êm đềm, nhẹ nhàng; tuy có
một ít bài nhạc kích động nhưng không kích động quá mức như nhạc của
Mỹ.
Ngay sau khi chiếm được Miền Nam cuối tháng Tư năm 1975, CSHN đã quyết tâm
xóa bỏ nền Âm Nhạc của Miền Nam. Nay, gần 50 năm sau, kho tàng âm nhạc vô
cùng phong phú của Miền Nam trước tháng 4/75 đã sống lại một cách hào hùng
và đang nuôi sống rất nhiều ngưởi trong nước như ca sĩ, nhạc công, các công
ty sản xuất video nhạc v.v...
Không phải bây giờ, thập niên thứ ba của Thế kỷ 21, Nhạc Vàng mới có ảnh
hưởng đến người dân sống dưới sự cai trị của CSHN; thật ra Nhạc Vàng đã xâm
nhập Miền Bắc ngay trong thời chiến tranh, trong một tình huống rất khó khăn
và ở một mức độ rất hạn chế vì ba lý do.
-
Thứ nhất: trong chiến tranh, CSHN dùng sự cai trị độc đoán, tàn
bạo. chà đạp văn hóa ở Miền Bắc, nên đã “bức tử” các nhạc sĩ
ngoài đó, làm cho họ không có cảm hứng để sáng tác. Một ít nhạc sĩ âm
thầm sáng tác thì cũng dấu kín tác phẩm của mình, không dám phổ
biến.
-
Thứ hai: trong chiến tranh, dân Miền Bắc quá nghèo, ăn độn còn
chưa đủ no thì tìm đâu ra tiền mua máy thu thanh
(không phải “đài”) để nghe nhạc. Dịch “radio” ra tiếng Việt là
“đài” thì đó là dịch theo văn hóa lớp Ba trường làng,
“đài” là cơ sở phát ra tín hiệu, làn sóng như Đài Phát Thanh Sài
Gòn, Đài Truyền Hình Quân Đội v.v... Radio là cái máy thu nhận tín hiệu,
làn sóng rồi đổi ra tiếng nói, tiếng hát, tiếng nhạc.
-
Thứ ba: phải can đảm lắm mới dám nghe lén nhạc Miền Nam, vì
bị công an biết được thì ở tù và tài sản tiêu tan. Chuyện Toán Xồm,
Thành và Lộc Vàng bị bắt và bị nhốt tại Hòa Lò Hà Nội năm 1968 là một
trường hợp điển hình cho thấy hình phạt nặng nề đến mức nào, bạo quyền
Hà Nội thời đó kết án những người nghe lén, hát lén nhạc ở Miền Nam là
phản động, tuyên truyền văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc.
Tuy nhiên, ngoài Bắc cũng có một người may mắn, nghe và hát Nhạc Vàng rất
nhiều trong thời chiến tranh mà không bị bắt, nhưng anh ta cũng phải đem
mạng sống của mình ra đánh cuộc.
Gần cuối năm 1976, xí nghiệp của tôi luân phiên đưa nhân viên ra Long Khánh
để lao động sản xuất, mỗi lần đưa một tổ khoảng 8 hay 9 người do một cán bộ
làm tổ trưởng, ở lại ngoài đó một tuần để trồng khoai mì và đậu phụng.
Tổ của tôi có 8 người, tổ trưởng là anh Bảy. Tuy là cán bộ nhưng anh thuộc
thành phần bị Xí nghiệp bỏ rơi vì anh thân thiện với đám “ngụy”, ca
tụng người Miền Nam có văn hóa, đạo đức, anh không chê Miền Nam như những
cán bộ khác.
Buổi tối ở Long Khánh buồn quá nên đêm thứ nhì chúng tôi xin anh Bảy cho ca
hát để bớt buồn, anh bằng lòng. Khi ấy được hát nhạc Miền Nam là sung sướng
vô cùng, và chúng tôi rất ngạc nhiên khi anh Bảy cùng hát, và bài nào anh
cũng thuộc. Những đêm sau đó lại tiếp túc hát và anh thuộc tất cả các bài
hát trong khi có vài bài ngay cả các bạn trong chúng tôi không thuộc. Hỏi
anh sao có được trí nhớ phi thường như vậy, vào Miền Nam mới hơn một năm mà
thuộc hết các bài hát trong này thì anh tâm sự:
“Tuy tôi có bằng Đại Học nhưng không vào Đoàn, vào Đảng nên nhà nước
không giao những chức vụ tương xứng, và chẳng bao giờ được đề bạt. Một hôm
nọ máy bay địch thả bom ở làng tôi, một trái bom rơi kế bên nhà máy điện
nhưng không nổ. Bí thư huyện liền triệu tập tất cả thanh niên, kêu gọi ai
có can đảm ôm trái bom đó ra bỏ ngoài sông. Cả phòng hội im lặng, bí thư
nhìn mọi người mong đợi, tôi thấy tương lai mình chẳng ra gì nên đứng lên
tình nguyện ôm bom, may ra có đường tiến thân. Vài giờ sau khi tôi bỏ bom
xuống sông thì trái bom nổ. Gần một tuần sau thì nhà nước làm thủ tục cho
tôi đi du học ở Romania. Khi trở về nước tôi mua một cái Radio-Cassette và
ít băng nhựa. Buổi tối lén nghe nhạc ở đài Miền Nam và thu băng để hát
theo”
Nghe nhạc nhiều thì có khi gặp ca sĩ hát sai lời ca, và hay hát karaoke thì
gặp chữ chạy sai. Trong bài Nửa Đêm Ngoài Phố có câu
“Làm rét mướt qua song len vào hồn” thì chữ chạy
“Làm rét mướt qua sông len bờ hồ”, bài Hướng Về Hà Nội có câu
“liễu mềm nhủ gió gây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ” thì chữ
chạy “liễu mềm nhủ gió ngây thơ”, hay bài “Đêm Đông” có
câu “Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng,” thì chữ chạy “ôm sầu nghiêng bóng ...” những bài
karaoke này thu hình rất công phu, rất đẹp nhưng sai sót về lời ca như vậy
làm giảm giá trị nhiều! Những sai sót này do vô tình, tuy làm mất cảm hứng
khi hát nhưng khó thông cảm và tha thứ được vì những người làm video này yêu
thích âm nhạc, muốn phổ biến rộng rãi nhưng không thuộc hay không hiểu ý
nghĩa lời ca.
Vào YouTube nghe nhạc Xuân thấy nhiều chương trình rất hay vì chơi toàn nhạc
Bolero trước năm 1975, tuy nhiên có vài cô ca sĩ ở trong nước cố tình đổi
lời ca trong nhạc phẩm Cánh Thiệp Đầu Xuân của Lê Dinh-Minh Kỳ; câu “để người anh lính chiến quay về gia đình” thì ca sĩ hát “để người anh yêu dấu quay về gia đình”, sai
lầm này không chấp nhận và không tha thứ được.
Tết ở Việt Nam là dịp lễ quan trọng nhất trong năm, là dịp để gia đình đoàn
tụ, ai bôn ba đi làm ăn ở xa thì Tết cũng về nhà, và không ai mong được về
nhà trong dịp Tết bằng các anh lính chiến. Vì thế bài hát về Tết thường chúc
“anh lính chiến quay về gia đình” sau một năm (hay nhiều khi lâu hơn)
chiến đấu ở biên thuỳ để bảo vệ tổ quốc.
Anh lính chiến và anh yêu dấu là hai người hoàn toàn khác nhau. Anh lính
chiến là anh hùng của dân tộc, phải ở lại biên thuỳ, chấp nhận hiểm nguy, có
khi phải hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước, không được về nhà vui hưởng
Tết với gia đình như những ngưởi khác. Anh yêu dấu là người tình của một cô
gái, là người đàn ông bình thường như bao nhiêu đàn ông khác có người yêu,
thì Tết phải có mặt ở nhà, nếu đi làm ăn xa thì cũng phải về nhà, chỉ có
những ông bụi đời đi hoang thì Tết mới xa nhà, và những người này thì mấy ai
để ý đến, nhạc sĩ lại càng không phí thì giờ để đặt lời chúc cho họ.
Thay thế anh lính chiến bằng anh yêu dấu trong ca khúc Cánh Thiệp Đầu Xuân
này làm sai ý nghĩa và làm mất giá trị bài hát; cố tình thay lời ca như vậy
cho thấy trình độ văn hóa thấp kém và sự phản phúc của ca sĩ. Tôi tin rằng
ca sĩ thay đổi lời ca này để làm vừa lòng Sở Thông tin Văn hóa của CSHN chứ
không phải vì không thuộc lời ca hay thiếu hiểu biết.
Nên nhớ rằng các ca sĩ ở trong nước kiếm được nhiều tiền là nhờ hát Nhạc
Vàng trước 1975, nếu họ hát Nhạc Đỏ thì đói meo vỉ chẳng mấy người nghe. Gần
đây phong trào nhạc Bolero rất thịnh hành ở trong nước, tôi vào YouTube tìm
nhạc Bolero thì thấy vô số chương trình của các ca sĩ ở trong nước, nhiều
chương trình có trên 1 triệu người xem, có chương trình đạt được 38 triệu
người xem. YouTube trả $1,200 đến $6,000 US cho video có 1 triệu người xem,
lấy trung bình là $3,600 US thì chương trình có 38 triệu người xem sẽ thu
được $136,800 US (136 ngàn 800 US dollars)! Những con số này cho thấy
ca sĩ trong nước hát Nhạc Vàng kiếm được rất nhiều tiền qua YouTuve và Nhạc
Vàng là nguồn tài chánh bất tận đang nuôi sống những nghệ sĩ trong nước, và
sẽ còn nuôi sống những thế hệ tiếp theo. Ngày nay, cũng với sự cai trị độc
đoán, tàn bạo của CSHN, cộng thêm một xã hội đồi trụy, băng hoại nên các
nhạc sĩ trong nước không có cảm hứng để sáng tác được những nhạc phẩm hay,
có giá trị hầu được đa số dân chúng đón nhận và yêu thích như Nhạc Vàng.
Ở Mỹ và các nước Tây Âu, các công ty chi tiêu rất nhiều cho việc quảng cáo
sản phẩm của mình, tiền quảng cáo cho 30 giây (1/2 phút) trong trận Super
Bowl là 5.6 triệu dollars US năm 2020, 5.5 triệu năm 2021, 6.5 triệu năm
2022 và 7 triệu năm 2023. Lợi tức của YouTube tăng liên tục trong các
năm qua; 2019: 15.1 tỷ dollars US, 2020: 19.7 tỷ, 2021: 28.8 tỷ và 2022:
29.2 tỷ. Lợi tức của YouTube như vậy bảo đảm sẽ nuôi sống nghệ sĩ trong nước
rất lâu.
Sáng tác một nhạc phẩm là cả một công trình, có ca khúc phải mất cả năm
hay lâu hơn mới hoàn tất. Lời ca là phần quan trọng, phải lựa sao cho phù
hợp với bài hát, có ý nghĩa và nghe cho hay. Không ai hiểu lời ca bằng
chính tác giả. Ca sĩ chuyên nghiệp hát cho công chúng để kiếm tiền mà thay
đổi lời ca là xúc phạm đến tác giả, họ phải hiểu điều căn bản này.
Hầu hết các ca sĩ hát nhạc Bolero trong nước đều hát đúng lời ca trong bản
nhạc, tiếc rằng có một số ít ca sĩ vì những lý do riêng tư không chính đáng
đã cố tình sửa lời ca làm mất giá trị của bài hát. Các ca sĩ này phải hiểu
rằng Nhạc Vàng đã nuôi họ trong suốt thời gian đi hát, đã ban cho họ một ân
huệ vô cùng to lớn thì họ phải biết kính trọng và tri ân tác giả của các ca
khúc mà họ đã dùng.
Ca sĩ chọn một ca khúc để hát thì phải tôn trọng tác giả của ca khúc đó, nếu
không thích hay không đồng ý với hai chữ “lính chiến” trong nhạc phẩm
Cánh Thiệp Đầu Xuân thì đừng hát ca khúc này. Đừng dùng một nhạc phẩm hay để
kiếm tiền mà tự ý sửa lời ca, làm mất ý nghĩ và giảm giá trị của bài hát;
làm như thế là bất lương! Không ai yêu thích một người bất lương dù người ấy
hát hay.
Trần Phố Hội
2/2023
Chú thích:
Video has 38 M views
Super Bowl Ad
YouTube annual revenue 2010 to 2022
Post a Comment