Header Ads

Tản Mạn Đêm Giao Thừa


Lê Tấn Dương
(Viết cho Anh Sáu)

Cảm ơn Anh Sáu đã gởi cho em quyển Đại Tượng Vô Hình của Francois Jullien qua bản dịch Việt ngữ của Trương Quang Đệ. Sách khảo luận về sự Phi - Khách thể qua Hội họa. Sách khảo luận tương đối khó đọc nên em đọc rất chậm để suy ngẫm. Ngay từ chương đầu em bắt gặp một điều vô cùng thú vị. Trong một bài viết cuối năm có đăng rải rác trong mấy giai phẩm mùa Xuân ở đây, em có đề cập ít nhiều về nét ẩn dụ tuyệt vời trong tranh Thạch Đào thuở xưa. Bài viết của em chỉ đề cập về tính trữ tình và tính hư thực đầy huyền hoặc trong nét vẽ như có như không cùng thư pháp độc đáo trong những họa phẩm Thạch Đào. Chính vì tính lãng mạn trong tranh Thạch Đào cũng như vẻ trầm mặc đầy huyền hoặc, đầy ẩn dụ trong các họa phẩm của Vương Điện đã có ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật dệt lụa Hàng Châu của Trung Hoa thuở trước. Con đường tơ lụa Đông Phương nổi danh một thời, xuất phát từ Trung Hoa, vượt qua miền Trung Á, đến tận các nước Âu Châu cũng bắt nguồn từ nền lụa mềm mại Hàng Châu.

Trong bài viết, tuyệt nhiên em không đề cập đến những phê bình tầm cỡ của Thạch Đào về nền hội họa Trung Hoa vì em chưa có tài liệu xác thực về vai trò lý luận của ông. Đọc sách anh vừa gởi, mới thấy thêm một nhà lý luận đặc sắc về hội họa và triết học Đông phương. Chỉ đọc mới mấy chương đâù thôi đã thấy mình bé nhỏ vô cùng trong ý tưởng và tầm nhìn. Họ vượt xa mình quá mức mặc dầu đã sinh trước mình gần cả ngàn năm. Đó chỉ mới đơn thuần là “cảnh lớn không có hình dạng” như ý nghĩa và tựa đề của quyển sách.

Những ngày cuối năm, em hay có thói quen nghĩ ngợi về những ngày xưa cũ, về những người thân yêu, cuộc đời và những biến đổi thăng trầm trong đời sống. Em thật ngạc nhiên khi nhớ lại những ngày còn bé. Ngày ấy chúng ta tuy sống bình dị,  nhưng hình như chúng ta đặt bước chân vào cuộc đời với tất cả sự nghiêm túc nhất mà chúng ta có được. Nghiêm túc vì đó là vấn đề của sự sống và nỗi chết. Ngày qua ngày, chúng ta dấn thân vào cuộc sống hiện thực với bao nỗi buồn vui mà quên rằng chính chúng ta đang xa dần sự sống và đi gần hơn về phía cái chết. Ngày lại ngày qua, chúng ta bỏ rơi rớt dọc đường những niềm vui, kỷ niệm và chất lên vai thêm nặng hành trang với nhiều nỗi buồn. Dù muốn dù không, dù hân hoan hay buồn lo, chúng ta cũng đã và đang cất bước lên đường . . .

Trong mớ hành trang vui buồn lẫn lộn đó, em vẫn còn nhớ, ngày Ba Mạ đưa gia đình mình từ thị trấn Bồng Sơn lên Thiết Đính, Hội Yên, Năng An, Đồng Dài nằm trong thung lũng Hoài Ân để tránh bom đạn giao tranh giữa Việt Minh và Pháp. Thời gian ấy là những năm 1952-1953. Lúc đó, em chừng 7 tuổi. Sống ở Thiết Đính, Ba chỉ nuôi gà và đi chữa bệnh, chích thuốc cho những người dân trong làng xóm chung quanh. Em cũng còn nhớ Hội Yên là một làng nông nghiệp nhỏ nằm yên tĩnh bên bờ sông Lại Giang, con sông lớn nhất của tỉnh Bình Định bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ. Gần sông có nhà máy giấy Vỉệt Thắng mà sản phẩm là những tờ giấy in có màu vàng còn hơn cả màu đất vì lúc đó chưa có thuốc tẩy màu. Thời gian đó, hình như Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Liên Khu 5 của Việt Minh cũng đóng tại đây. Sau đó, gia đình mình dọn về Đồng Dài thuộc xã Năng An là một thung lũng khá yên tĩnh, nằm giữa hai nhánh sông Lại Giang và Đồng Dài. Gia đình mình sống ở đó hai năm cho đến ngày đình chiến tháng 7/1954 mình mới trở lại Thị trấn Bồng Sơn. Tết là thời gian kỷ niệm sâu đậm nhất của tuổi thơ, nên khoảng thời gian đó tuy không dài lâu so với một đời người nhưng em lại nhớ nó nhiều nhất, không hiểu sao nó luôn nằm trong tiềm thức của mình mỗi lần đón giao thừa hàng năm.

Lần nầy cũng vậy, khoảnh khắc chờ Giao thừa, đọc lại thư anh thấy buồn thấm thía. Lâu lắm em mới được đọc thư anh với ít nhiều tâm sự và những khắc khoải không thể hình dung và cũng không thể giải đáp. Hình như đã từ lâu lắm rồi, anh chưa bao giờ viết thư cho em để tâm sự một chút về mình, về cuộc đời vốn luôn thăng trầm và bấp bênh. Một phần có thể vì trong mắt anh, em mãi mãi là một đứa em nhỏ bé và đôi lúc vô tích sự. Mặc dù em chỉ nhỏ thua anh 6 tuổi nhưng lúc nào cũng có vẻ như “ăn chưa no, lo chưa tới”. Trong khi đó, anh gánh vác những trách nhiệm rất lớn đối với Ba Mạ và gia đình. Nhiều lúc nhìn lại chính mình, em thấy quả nhiên mình thiệt là vô tích sự. 

Nói cho rõ hơn, em thật có lỗi với anh vì đã không chia sớt được với anh phần nào về trách nhiệm anh đã và đang gánh vác với Ba Mạ và gia đình. Có lẽ nổi khắc khoải và niềm ưu tư đó sẽ theo em đến cuối cuộc đời.                 

Đêm ba mươi Giao Thừa. Hồi tưởng đến bếp lửa ấm áp quê nhà ngày cuối năm. Cái bất biến của không gian. Cái chuyển đổi chu kỳ tất bật của thời gian. Hình ảnh năm cùng tháng tận. Những hồi ức khiến muốn chảy nước mắt. Đêm ở đây, đêm Olympia vùng Tây Bắc lạnh buốt xương. Thèm sao một ngọn lửa quê nhà đêm Giao Thừa ngồi canh nồi bánh chưng, ngọn lửa rộn rã những niềm vui xum họp, gia đình, bạn bè và . . . những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu. Ngọn lửa chiếu sáng cả một thời thanh xuân, tóc xanh mộng mị, ngọn lửa làm sôi sục bao ước mơ cho đời, cho mình. 

Từ sau ngày miền Nam thất trận. Đã nhiều năm rồi, em đã không được hưởng cái tết trọn vẹn, đúng nghĩa quê nhà. Hơn 6 năm sống trong các nhà tù cộng sản giữa rừng sâu, núi thẳm. Ra tù, thêm hơn 10 năm sống vật vờ giữa một xã hội đảo điên, chèn ép và dối trá.ơn Rồi hơn 25 năm trên mảnh đất xứ người. Tính ra thời gian của những cái tết quê nhà cộng lại cũng đâu có nhiều hơn những cái tết không có quê nhà, mà sao mỗi năm cứ đến cái khỏanh khắc cùng tận của năm tháng, em cứ cứ bồn chồn và nghĩ ngợi vu vơ. Cáo chết ba năm cũng quay đầu về núi. Câu nói người xưa có còn đúng không anh?

Sáng Mồng Một Tết. Thức dậy vẫn lại một ngày như mọi ngày. Trên bàn tuy vẫn có bánh chưng, bánh tét, kẹo mứt, rượu chè nhưng lạnh lẽo như một bến bờ hoang dã. Cửa mở toang chỉ để đón ngọn gió tháng hai lạnh thót ruột vào nhà. Quanh nhà chỉ là rừng thông và mưa lạnh. Tết ở xứ người không mang ý nghĩa Nguyên đán như mình vẫn mong chờ mỗi năm lúc còn thơ ấu. Đành chỉ biết tết qua những cú điện thoại gọi về thăm hỏi gia đình, nghe âm thanh tết qua đường dây điện thọai. Mà thăm hỏi qua điện thoại như anh biết đó, nó giản đơn quá, chỉ hỏi thăm tin tức, sinh hoạt, sức khỏe. Quả thực, đúng như những dòng anh viết trong thư, điện thoại không phải là phương tiện để tâm sự, để giải bày những điều muốn nói. Vì vậy em mong anh cứ xem lá thư em viết lần nầy cũng chỉ chất chứa một chút tâm sự của em trong thời khắc chuyễn mùa. Em gởi cho anh bài thơ nhỏ em viết cuối năm. Trong bài thơ có đôi chỗ hư cấu và cường điệu. Nhưng vì là thơ nên mong anh đừng để ý. Bài em viết chưa lấy tựa nên anh chứ xem như là bài thơ vô đề cuối năm.

Theo vệt nắng, bóng hoàng hôn dần tắt
Dấu chim xưa chìm khuất nẻo sương mờ
Nhân danh thơ - bạn - và ta - chất ngất,
Trên cung buồn từng nốt nhạc bơ vơ.

Còn gì đâu - Một kiếp đời xa xứ
Nhớ quê hương theo nửa mảnh trăng gầy
Ta cúi xuống nhìn dòng sông quá khứ
Chảy muộn phiền như đốt tuổi trên tay

Ðêm nguyệt cầm, rượu tràn qua xứ bạn.
Thôi cũng đành lúy túy trận càn khôn
Gió đã lên, từng tinh cầu nứt rạn
Mỗi đóa sầu, dòng máu lệ trào tuông.

Ta với người cùng một loài viễn khách.
Nửa cuộc đời tìm kiếm chuyện hư vô,
Ngày cuối năm – Ta nhìn ta trên vách
Dấu tiếng cười trong men rượu sầu khô.

Khúc giao mùa, rượu tràn qua khóe mắt.
Thấy lung linh ảo ảnh cuộc phù vân,
Ðêm nhạc sầu và giọng đàn hiu hắt.
Quê nhà đâu ? xa tắp ngọn mây tần...
(Lê Tấn Dương- Một Đời Lính Trận)

Cuối của một ngày. Cuối của một năm. Cuối của một đời. Những khái niệm chỉ khác nhau về độ dài thời gian. Nhưng âm vang và ý nghĩa dường như chúng không khác nhau mấy. Đó là cái cảm giác rất quen thuộc về một nơi chốn của riêng mình. Nơi đó, dù đạm bạc, dù đơn sơ, vẫn là nơi mình muốn trở về để yên nghỉ. Và vì thế, trong những ngày cuối năm này, em cứ mãi bâng khuâng với hồi ức về những ngày tết quê nhà. Về hình ảnh bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương và những lư đồng bóng loáng giữa đêm cúng giao thừa. Ngoài bàn thiên, Ba Mạ thắp nhang, khấn vái đất trời cho đất nước bình yên, cho gia đình hạnh phúc và con cháu an lành.

Đọc thư anh, em giật mình và nhớ ra rằng đã hơn mười năm em chưa trở lại thăm nhà, nhất là để vấn an Mạ kể từ ngày Ba mất. Mốc thời gian mười năm không là bao với tuổi thanh xuân nhưng lại quá dài với những người lớn tuổi. Anh có hình dung được đứa em trai của anh ngày nào, giờ đã vào tuổi 78. Ghê thật, thời gian đúng là con dao trành mòn rĩ, khứa mãi vào vết đau và tuổi thọ đời người. Những ngày đầu mới định cư ở Mỹ, em cũng mang chút háo hức trong lòng như kẻ đi tìm vàng trên miền đất mới. Ở càng lâu, sống càng nhiều lại thấy càng lạc loài. Chuyện có vẻ nghịch lý và trái khoáy. Bởi vậy anh chàng làm thơ Cao Tần mới than thở trong bài "Lang Thang Đất Lạ" rằng "Ta làm gì cho hết nửa đời sau"

Em thì thấy rất rõ chính mình qua mấy dòng thơ của Tường Linh, ông bạn vong niên cùng quê hương của em trong "Khúc ca quy ẩn".

Cuối cuộc viễn trình đơn độc quá !
Bơ phờ cánh hạc khép đường bay
Gẫm bao chí lớn trong thiên hạ
Chẳng được còn xanh với cỏ cây
Thì ta một chấm nhân sinh nhỏ
Mong mỏi gì hơn ở kiếp nầy…
(Tương Linh - Khúc ca quy ẩn)

Sáng nay, trời có nắng ấm khoảng 10 độ C, em khoác áo lạnh ra sau nhà sửa lại mấy vòi nước tưới đã meo mốc ngủ vùi mấy tháng trời trong tuyết lạnh và băng giá. Thấy hai cây anh đào đã bắt đầu đâm nụ và sắp nở hoa. Tự dưng nhớ mấy câu trong bản nhạc em làm và có viết gởi tặng anh mấy năm trước. Không biết anh còn nhớ bài nhạc Ngày Tháng Ngậm Ngùi của em không?

Bài nhạc nầy em viết sau ngày về thọ tang Ba năm 2002. Lời trong bản nhạc là nửa bài thơ của chị bạn thơ đang sống tại thành phố Belleview cách nơi em đang ở đúng một giờ xe. Nữ sĩ viết khá nhiều đề tài và đăng bài thường xuyên trên các diễn đàn Văn học Hải ngoại. Bà viết tùy bút rất đạt và nhiều người thích đọc. Có thể anh cũng đã đọc qua bài nầy rồi không chừng.

Tháng Hai ra vườn nghe gió
Vực lên mấy khóm hoa gầy
Hỏi con chim sâu trong tổ,
Ước gì trên những cánh bay...
(Trần Mộng Tú – Ngày Tháng Ngậm Ngùi)

Làm con chim sâu nhỏ thì mộng ước rất nhiều, giống như mộng ước đời người giữa tuổi thanh xuân. Tuổi của em đã vượt qua ranh giới dành cho những ước mơ hiện hữu. Điều an ủi còn lại cho cuộc sống chính là chút kỷ niệm mong manh về người thân, gia đình và quê nhà. Chưa hết, em vẫn còn mong ước lá thư sẽ đến anh trước ngày em làm đám giỗ cho Ba vào tháng 3 tới đây.

Lê Tấn Dương. 2023



No comments

Powered by Blogger.