Header Ads

Yoshiko Kawashima - Công Chúa Mãn Thanh Gián Điệp Nhật


Bùi Phạm Thành

Yoshiko Kawashima ( 川島 芳子 , Xuyên Đảo Phương Tử, 24 tháng 5 năm 1907 - 25 tháng 3 năm 1948) là một công chúa triều đại nhà Mãn Thanh của gia tộc Aisin-Gioro (愛新覺羅, Ái Tân Giác La). Cô ta lớn lên ở Nhật Bản và từng là gián điệp cho Quân đội Kwantung Nhật Bản và Mãn Châu Quốc trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai. Yoshiko Kawashima, cũng được nhắc đến với biệt danh "Mata Hari phương Đông". Sau chiến tranh, Kawashima bị chính phủ Quốc gia Trung Hoa Dân Quốc, của tướng Tưởng Giới Thạch, bắt giữ, xét xử và hành quyết với tội phản quốc. 

Tên Gọi

Sinh ra là một công chúa Mãn Thanh, thuộc gia tộc Aisin-Gioro (愛新覺羅, Ái Tân Giác La) với tên Aisin Gioro Xianyu (愛新覺羅·顯玗, Ái Tân Giác La Hiển Dư), và tên tự (courtesy name) là Dongzhen  (東珍, Đông Trân - Hòn Ngọc Phương Đông), tên chữ Hán là Jin Bihui (金璧輝, Kim Bích Huy). Năm 1925 cô lấy tên nam giới là Ryōsuke (亮輔, Lương Phụ).

Thân Thế Và Tuổi Thơ

Hiển Dư là con thứ 14 của thân vương Thiện Kỳ (善耆) thuộc hoàng tộc Mãn Thanh với người vợ thứ 4 là Trương Giai Thị (張佳氏). Thiện Kỳ là hậu duệ của Hào Các (豪格), con trai cả của Hoàng Thái Cực (皇太極 - vị vua thứ hai của triều đại nhà Thanh). Thiện Kỳ đứng hàng thứ mười trong số mười hai hoàng tử thừa kế ngôi vua của triều đại Mãn Thanh.

Sau cuộc Cách mạng Tân Hợi lật đổ triều đại nhà Thanh vào năm 1912, vào năm 1915, khi Hiển Dư mới 8 tuổi được Naniwa Kawashima, bạn của cha vốn là một điệp viên của Nhật, nhận làm con nuôi; do đó được đổi tên là Yoshiko Kawashima (Xuyên Đảo Phương Tử). Cô được đưa về Tokyo để nuôi dưỡng và giáo dục theo văn hoá Nhật, trong đó có Judo (nhu đạo) và Kendo (kiếm thuật).

Vào khoảng thời gian trong năm 1922, khi gia đình cha nuôi di chuyển về Matsumoto, cha ruột của Kawashima qua đời. Bởi vì mẹ của cô thuộc hàng hầu thiếp, nên không có danh phận gì, thế cho nên theo phong tục của Mãn Châu cô sẽ tự tử chết theo cha, nhưng việc không thành.   

Làm Gián Điệp

Vào tháng 11 năm 1927 ở tuổi 20, anh trai và cha nuôi của cô đã sắp xếp cho cuộc hôn nhân của cô với Ganjuurjab ở Port Arthur (còn được gọi là Ryojun), con trai của tướng quân Nội Mông Babojab, người đã từng lãnh đạo Phong trào Độc lập Mông Cổ-Mãn Châu năm 1911. Cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn chỉ sau ba năm và cô ta rời Mông Cổ, lần đầu tiên cô đến các thị trấn ven biển đông đúc của Trung Quốc và sống một lối sống phóng túng trong vài năm ở Tokyo với hàng loạt người tình giàu có, cả nam lẫn nữ. 

Yoshiko Kawashima (trái)
Naniwa Kawashima (cha nuôi - giữa)
 Ryukichi Tanaka (phải)
(hình chụp năm: 1933)
Sau đó, Kawashima chuyển đến tô giới nước ngoài ở Thượng Hải. Khi ở Thượng Hải, cô đã gặp tùy viên quân sự và sĩ quan tình báo Nhật Bản Ryukichi Tanaka, người đã lợi dụng mối quan hệ của cô với giới quý tộc Mãn Châu và Mông Cổ để mở rộng mạng lưới tình báo của ông ta. Cô ta sống với Tanaka ở Thượng Hải vào thời điểm xảy ra Sự kiện Thượng Hải năm 1932 (va chạm giữa nhóm sĩ quan chủ trương quân phiệt Nhật và dân quân Thượng Hải).

Sau khi Tanaka được triệu hồi về Nhật Bản, Kawashima tiếp tục làm gián điệp cho tướng quân Kenji Doihara. Cô ta thực hiện các nhiệm vụ bí mật ở Mãn Châu, thường cải trang và được coi là "rất hấp dẫn, có cá tính mạnh mẽ, tánh tình nửa nam nửa nữ, và có niềm đam mê hóa trang thành nam giới. Có lẽ cô ta làm thế để gây ấn tượng với những người đàn ông, hoặc để dễ dàng hòa nhập hơn với các nhóm du kích có liên lệ chặt chẽ, mà không thu hút quá nhiều sự chú ý"

Kawashima rất quen biết với Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh, người coi cô như một thành viên của gia đình hoàng gia và chào đón cô vào gia đình ông trong thời gian ở Thiên Tân. Chính nhờ mối liên hệ chặt chẽ này mà Kawashima đã có thể thuyết phục Phổ Nghi trở thành người cai trị bù nhìn cho Manchukuo (Mãn Châu Quốc), một quốc gia bù nhìn do người Nhật tạo ra ở Mãn Châu. Tuy nhiên, Kawashima đã chỉ trích riêng Phổ Nghi vì quá phục tùng trước ảnh hưởng của Nhật Bản.

Sau khi Phổ Nghi trở thành Hoàng đế Mãn Châu Quốc, Kawashima tiếp tục đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, và trong một thời gian, cô là tình nhân của tướng Hayao Tada, cố vấn quân sự chính của Phổ Nghi. Cô đã tự thành lập một lực lượng quân đội độc lập vào năm 1932 gồm 3,000-5,000 cựu thổ phỉ để săn lùng các nhóm du kích chống Nhật trong cuộc Bình định Mãn Châu Quốc, và được ca ngợi trên báo chí Nhật Bản với tên gọi "Joan of Arc of Manchukuo". Năm 1933, cô đề nghị giao đơn vị này cho Quân đội Kwantung Nhật Bản để tham gia Chiến dịch Nekka, nhưng bị từ chối. Đơn vị tiếp tục tồn tại dưới sự chỉ huy của cô cho đến khoảng cuối thập niên 1930.

Kawashima trở thành một nhân vật nổi tiếng và được yêu thích ở Mãn Châu Quốc, xuất hiện trên các chương trình phát thanh và thậm chí còn phát hành đĩa hát các bài hát của cô ta. Nhiều câu chuyện hư cấu và bán hư cấu về chiến tích của cô đã được đăng trên báo và cả dưới dạng tiểu thuyết giả tưởng. Tuy nhiên, sự nổi tiếng của cô ta đã tạo ra vấn đề khó khăn cho Quân đội Kwantung vì lợi ích của cô ấy với tư cách là một nhân viên tình báo đã không còn nữa và giá trị của cô ấy như một biểu tượng tuyên truyền đã bị tổn hại bởi giọng điệu ngày càng chỉ trích của cô ấy chống lại các chính sách bóc lột của quân đội Nhật Bản ở Mãn Châu Quốc, như một căn cứ hoạt động chống lại Trung Quốc trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, và ảnh hưởng cùng hình ảnh cũng như tên tuổi của cô ta mờ dần trước công chúng.

Bị Bắt, Kết Án Và Tử Hình

Sau khi chiến tranh kết thúc, vào ngày 11 tháng 11 năm 1945, một hãng thông tấn đưa tin rằng "một người đẹp trong trang phục nam giới, bị lùng bắt từ lâu, đã bị các sĩ quan phản gián bắt giữ ở Bắc Kinh." Kawashima, sau đó, bị giam trong một nhà tù ở Hà Bắc.

Tòa án tối cao Hà Bắc ban đầu gọi Kawashima là "Chuandao Fangzi" (cách phát âm tiếng Trung Hoa của tên tiếng Nhật của cô). Khi phiên tòa xét xử cô ấy bắt đầu một tháng sau đó, Kawashima tự nhận mình bằng tên tiếng Trung Hoa "Jin Bihui" (金璧輝 - Kim Bích Huy ), cái tên này cuối cùng trở thành tên mà các viên chức tòa án sử dụng. Tuy nhiên, theo chiến lược của luật sư để làm giảm các cáo buộc về tội phản quốc, cô ta dần dần bắt đầu nhấn mạnh bản sắc Nhật Bản hoặc Mãn Châu. Tòa án đã bác bỏ đề nghị của bên luật sư bào chữa để xét xử cô ta như một tội phạm chiến tranh chứ không phải là một kẻ phản bội thường trong nước, dựa trên sự kết hợp của huyết thống (jus sanguinis) và việc Kawashima không chính thức từ bỏ quyền công dân của cô thông qua Bộ Nội vụ Trung Hoa.

Bị buộc tội phản quốc với tư cách là một "Hán gian" vào ngày 20 tháng 10 năm 1947, Kawashima bị hành quyết bằng một viên đạn bắn vào sau đầu vào ngày 25 tháng 3 năm 1948, và thi thể của cô sau đó được trưng bày trước công chúng.

Sau đó, thi thể của Kawashima đã được một nhà sư Nhật Bản thu thập để hỏa táng. Hài cốt của cô được gửi về cho gia đình cha nuôi và sau đó được chôn cất tại chùa Shōrinji ở Matsumoto, tỉnh Nagano, Nhật Bản.

Bùi Phạm Thành


Tham khảo:

Yoshiko Kawashima

The Story of Princess Yoshiko Kawashima, the Mata Hari of the East




1 comment :

  1. Bà này là người Mãn châu, thời gian đó đã tồn tại MC quốc, theo Nhật . Vậy bà ta không phải là phản quốc, mà trái lại !

    ReplyDelete

Powered by Blogger.