Vương Trùng Dương
Trong hai thập niên ở miền Nam Việt Nam, nhiều dịch giả với các tác phẩm dịch
thuật về văn chương Tây Phương, nhất là Pháp, khi đoạt giải Nobel Văn Chương,
các tạp chí văn học được giới thiệu tác giả, tác phẩm với độc giả được phổ
biến rộng rãi.
Về dịch thuật tác phẩm văn chương điển hình như: Nguyễn Hiến Lê, Trương Bảo
Sơn, Vũ Đình Lưu (Cô Liêu), Bùi Giáng, Trần Thiện Đạo, Phùng Khánh & Phùng
Thăng, Tam Ích, Bửu Ý, Ngọc Thứ Lang, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Hữu Hiệu, Đỗ
Khánh Hoan, Mặc Đỗ, Trần Phong Giao, Hoài Khanh, Hoàng Hải Thủy (phóng
tác)…
Theo nhà văn Võ Phiến, phần sách dịch chiếm đến 60% số đầu sách (tên sách, tựa
đề tác phẩm dịch thuật) được xuất bản tại miền Nam đến năm 1973, nó đã lên đến
80%. Và theo Trần Trọng Đăng Đàn, số dịch phẩm tại miền Nam VN trong 20 năm đó
có thể được chia ra thành: Pháp với 499 cuốn, Đài Loan và Hương Cảng với 358
cuốn, Mỹ với 273 cuốn, Nga với 120 cuốn, Anh với 97 cuốn, Nhật với 71 cuốn, Ý
với 58 cuốn, Đức với 57 cuốn… Vì vậy độc giả có cơ hội am hiểu về văn chương
hải ngoại trong hoàn cảnh chiến tranh.
Nhà văn François Mauriac từ thi phẩm đầu tay Les Mains Jointes (1909) đến tập
truyện cuối cùng Trois Récits trước khi qua đời, khoảng ba mươi tác phẩm của
ông chỉ có vài bản dịch (ít hơn Anatole France, Adré Gide, Albert Camus, Jean
Paul Sartre, François Sagan…) nhưng tác phẩm Thérèse Desqueyroux qua bản dịch
của Mặc Đỗ đã gây tiếng vang vào giữa thập niên 50.
Bài viết Tổng Quan Về Sách Dịch Văn Học… được T.Vấn phổ biến trên website của
anh: T.Vấn & Bạn Hữu. Khi anh em trò chuyện với nhau, Trương Vấn cho biết
tác phẩm Thérèse Desqueyroux là “sách gối đầu giường” của anh. Khi hiền
thê của anh Nguyễn Thị Kim Oanh qua đời (ngày 24 tháng 1 năm 2022), với tâm sự
của anh đã trang trải qua các bài viết rất xúc động, hình ảnh Thérèse
Desqueyroux của François Mauriac, mà ngày xưa cụ Nguyễn Gia Thiều trong bài
thơ Khóc Thị Bằng
“Đập mảnh gương xưa tìm lấy bóng. Xếp manh áo cũ để dành hơi”, hay
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành hơi”
của Vua Tự Đức trong bài thơ Khóc Bằng Phi. Và có lẽ với T.Vấn, tác phẩm nầy
là “mảnh gương xưa, hình bóng cũ”.
Tâm tình của T.Vấn với người bạn đời Chia Tay (Fare Thee Well):
“Cuối cùng, em đã bỏ tôi mà đi.
Một chuyến đi, em và tôi đều đau đớn biết rằng, sẽ không có ngày trở lại.
Mãi mãi không có ngày trở lại...
Mãi đến khi em thở hắt ra một lần cuối cùng, tôi mới giật mình tự hỏi, liệu
mình có sống sót nổi để vượt qua cuộc chia ly buốt lòng này hay không...
Tim tôi nhói đau khi viết những dòng này, cho em, cho tôi, cho những đứa con
tuyệt vời của chúng ta, trong căn nhà hai đứa mình đã làm lụng vất vả, chắt
chiu dành dụm, để an hưởng cuối đời. Căn nhà mà mỗi góc phòng, mỗi lối đi,
mỗi vật dụng, mỗi trang trí đều có bàn tay em chạm vào, đều có con mắt tinh
tường thẩm mỹ của em chiếu rọi vào và biến chúng thành tổ ấm lý tưởng cho
gia đình, cho các con, cho chúng ta.
Giờ thì chỉ còn mình tôi ngồi ngó mông chung quanh trong nỗi quạnh quẽ ngay
trong tổ ấm của chúng ta, mắt cứ mờ dần đi vì mưa bụi. Mưa bụi hay nước mắt?
Tuổi già nước mắt như sương. Là mưa bụi, là sương mù, hay nước mắt thì có hề
gì, phải không em?
Chỉ đến giờ phút này, tôi mới nhận ra mình thương em nhiều hơn là tôi tưởng.
Cần em nhiều hơn tôi tưởng.
Nhưng, như mình đã bảo với nhau, phải vui vẻ chấp nhận.
Oanh ơi, anh đang vui vẻ chấp nhận!
Vậy thì, Oanh nhé!
Fare thee well! and if for ever,
Still for ever, fare thee well.
(Lord Byron)
Thôi chia tay, và nếu là mãi mãi
Xin một lần được mãi mãi chia tay!”
Hình ảnh Thérèse Desqueyroux khác với hình ảnh người bạn đời Kim Oanh sau khi
T.Vấn đi tù về nhưng trước năm 1975, khi còn trong quân ngũ, thời lang bạc có
bóng dáng nào đó (?) để niên đệ chia sẻ tác phẩm nầy của François Mauriac, tôn
trọng sự riêng tư nên tôi không hỏi khi chia sẻ qua email. Nhưng Thérèse
Desqueyroux là “nhân vật bất hạnh” trong xã hội của phái nữ ở Pháp vào
thời điểm đầu thập niên thế kỷ XX. Theo lời T.Vấn
“Trong suốt thời gian thực hiện bản chuyển ngữ, tôi đã sống lại được nỗi
đam mê của thời trai trẻ, đã đắm chìm trong những trang sách với cảm giác
hạnh phúc rất hiếm hoi ở một người (già) như tôi”.
Tác phẩm Thérèse Desqueyroux của François Mauriac, T.Vấn dịch với tựa đề theo
nguyên tác dựa trên bản Anh ngữ của Raymond N. MacKenzie, NXB Sheed & Ward
2005. Có đối chiếu với bản tiếng Pháp. Phổ biến vào đầu tháng 12, 2022 trên
trang web của anh: Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu.
Cũng trong bài Tổng Quan… Mục B.- B.- Dịch Giả Miền Nam VN Với Các Tác Phẩm
Văn Chương Tây Phương, vài nhà giáo, nhà văn chỉ dịch một, hai truyện dịch
(tác phẩm dịch thuật) có giá trị được gọi là dịch giả.
Giữa tôi & T.Vấn, đồng môn, niên trưởng, niên đệ (Khóa Nguyễn Trãi I &
Khóa Nguyễn Trãi III ở quân trường ĐH.CTCT Đà Lạt) và cũng là bạn văn. Với
tình nghĩa nầy, trang web của T.Vấn đã dành cho tôi “mảnh đất”, đôi khi
muốn “đáp lễ” nhưng ngại cho rằng “áo thụng vái nhau”.
Truyện dịch Thérèse Desqueyroux của T.Vấn gồm 13 Chương, dày 342 trang (Bìa
ghi T.Vấn chuyển ngữ). Không in sách, chỉ phổ biến online.
Lời Tựa của T.Vấn: Tại Sao Tôi Dịch Thérèse Desqueyroux?, từ trang 7 đến trang
15.
Lời Tựa của Joseph Cunneen - (bản dịch của T.Vấn), từ trang 16 đến trang 25.
Giới Thiệu Tác Phẩm của Raymond N. Mackenzie (bản dịch của T.Vấn), từ trang 26
đến trang 69. Bài của Dịch giả Raymond N. Mackenzie (từ Pháp ngữ sang Anh ngữ)
có thêm phần chú thích.
(Trong quyển Người Vợ Cô Đơn của Mặc Đỗ, có bài giới thiệu của Trương Sơn).
Phần cuối của truyện dịch (bản của T.Vấn) có lời Bạt của Lê Hữu:
Thérèse, mãi mãi tuổi thanh xuân, từ trang 321... và Nguyễn Thiên Nga: Đọc
& Nghĩ, từ trang 327…
Các trang cuối giới thiệu các tác phẩm sáng tác & dịch thuật của T.Vấn.
Trang 336, tác phẩm Viết Về Bạn Hữu. Tập hợp những bài viết về những người
hoạt động trong các lãnh vực nghệ thuật - thơ, văn, nhạc, họa, hình mà tác giả
đã có cơ duyên gặp gỡ, quen biết, hoặc chỉ giao lưu qua trung gian các loại
hình nghệ thuật vừa kể. Hầu hết những tác giả được “viết” đến trong quyển sách
đều tụ họp ở một sân chơi chung, đó là trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu,
trang 338, 339.
Tác phẩm “Tiếng Vọng Từ Chernobyl” của nhà văn đoạt giải Nobel Văn
Chương năm 2015 Svetlana Alexievich là tác phẩm văn chương đầu tiên lấy chủ đề
chính từ vụ nổ nhà máy nguyên tử Chernobyl. Tác phẩm là tổng hợp những câu
chuyện kể của từng con người, trực tiếp hoặc gián tiếp là nạn nhân của vụ nổ,
xa hơn nữa, là nạn nhân của chính cách đối phó với thảm hoạ của nhà cầm quyền,
trang 340.
Tác phẩm Lời Tình Buồn Gởi New Orleans và tác phẩm (tùy bút) Quê Nhà Quê Người
của nhà văn T.Vấn được giới thiệu tổng quát thể hiện niềm đam mê của anh với
văn chương ở hải ngoại.
oOo
Nội Dung của Thérèse Desqueyroux:
Những dòng đầu ở Chương I:
“Gã luật sư mở rộng cánh cửa. Đứng giữa dãy hành lang tối tăm của tòa án,
Thérèse Desqueyroux cảm thấy sương mù như bám đầy mặt. Nàng hít vào thật
sâu. Nàng ngần ngại chưa vội bước ra, vì không biết ai là người đang chờ đợi
mình bên ngoài. Vừa lúc, dưới bóng cây tiêu huyền xuất hiện một người đàn
ông với cổ áo bẻ cao. Nàng nhận ra đó là cha mình. Gã luật sư nói to: “Không
đủ chứng cớ”, rồi quay qua bảo Thérèse: “Bà ra được rồi đấy. Chẳng có ai ngoài đây cả.”
Dòng cuối ở Chương XIII: "Thérèse mỉm cười với chính mình, giống hệt như một người đàn bà hạnh phúc
vẫn làm. Nàng chăm chú tô lại đôi môi, dặm lại đôi má phấn; Nàng xuống
đường, bước những bước đi vô định giữa hè phố Paris”.
(Bản dịch của T.Vấn).
Về nội dung tác với câu chuyện lấy bối cảnh ở Landes, một vùng dân cư thưa
thớt ở tây nam nước Pháp, được bao phủ rộng khắp bởi những cánh rừng thông.
Khởi đầu với vụ kiện đang bị bác bỏ. Người tường thuật, bị cáo Thérèse có địa
vị, bị xét xử tội đầu độc chồng mình Bernard bằng cách cho ông uống Fowler’s
Solution quá liều, thứ thuốc chứa thạch tín. Tuy có những bằng chứng vững vàng
chống lại mình, bao gồm cả những toa thuốc cô giả mạo, vụ kiện bị ngừng lại;
gia đình kết thúc các địa vị xã hội để tránh tai tiếng và bản thân Bernard
cũng làm chứng cho lời biện hộ của cô. Trên đường từ tòa án về nhà, Thérèse
nhìn lại cuộc sống của mình, cố gắng hiểu được điều gì đã khiến cô tiếp tục
đầu độc chồng mình sau khi cô quan sát người chồng tình cờ uống thuốc quá
liều…
Trong phần Bạt của Lê Hữu, tóm lược:
“Tác phẩm nầy không phải là câu chuyện tình lâm ly, nhiều tình tiết gay cấn
và hấp dẫn theo cách hiểu thông thường. Những trang tiểu thuyết có bối cảnh
và khí hậu của những cánh rừng thông trầm mặc, phản ánh thế giới nội tâm của
Thérèse và cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối”, thực chất là cuộc hôn phối của
tài sản, gượng ép và buồn tẻ đến ngột ngạt.
Cuộc sống vô vị, không tình yêu, không lạc thú ái ân bên cạnh người chồng
địa chủ tầm thường nhạt nhẽo, khác biệt tâm tánh và chẳng bao giờ hiểu được
vợ mình. Trên cả nỗi “cô đơn”, ở Thérèse là nỗi trầm uất không tìm ra lối
thoát, không cách nào giải tỏa. Khi cánh cửa hôn nhân đóng lại sau lưng, như
kẻ mộng du, nàng tự bước vào chiếc lồng đã mở sẵn. Thérèse tự nguyện là “tù
nhân của chính mình”, không đợi cho đến lúc người chồng tạo sự cô lập và
giam hãm nàng vào “nhà tù” của ông như một cách trừng phạt tội lỗi nàng…
Cũng giống như nhân vật Thérèse trong chương cuối của tác phẩm, nhân vật
Jean của ngày xưa ấy, cũng tìm được chút hạnh phúc ở cuối đường”.
Raymond N. Mackenzie Giới Thiệu Tác Phẩm:
“… Câu chuyện về nhân vật Thérèse có gốc rễ sâu xa trong chính cuộc đời của
Mauriac. Vào những năm 1905-1906, ở Bordeaux, báo chí hàng ngày ra rả về vụ
tai tiếng liên quan đến Madame Henriette-Blanche Canaby. Bà này bị kết tội
là đã mưu toan đầu độc chồng và giả mạo các toa thuốc kê khai những chất độc
hại - Aconite (phụ tử), digitalis (mao địa hoàng), và Chloroform (chất gây
mê). Chồng bà vốn đang được điều trị bằng một loại thuốc được bác sĩ kê toa
hợp lệ, gọi là phương pháp điều trị Fowler – một loại thuốc nước tổng hợp,
trong đó có một lượng nhỏ chất thạch tín (arsenic). Đột nhiên, ông chồng trở
bệnh nặng hơn. Dần dà, các bác sĩ chẩn quyết là ông ta bị đầu độc bằng chất
thạch tín. Nhưng bệnh nhân từ chối khẩu cung buộc tội vợ mình. Mặt khác,
người ta không tìm thấy những loại chất độc khác trong cơ thể bệnh
nhân.
Tất nhiên, toàn bộ những tình tiết này được Mauriac sử dụng trong câu chuyện
nói về vụ đầu độc Bernard của tiểu thuyết Thérèse Desqueyroux. Madame Canaby
được tha bổng tội danh âm mưu đầu độc chồng, nhưng bị án tù 15 tháng vì tội
giả mạo công chứng thư. 20 năm sau, khi Mauriac sáng tác quyển tiểu thuyết
của mình, rất nhiều những chi tiết - ngoại trừ việc bà Canaby bị phạt tù -
đã tìm được cách có mặt trong quyển sách của Mauriac. Nhà văn đã chính thức
xác Trong số những căn rễ của tiểu thuyết Thérèse Desqueyroux, chắc chắn có
một hình ảnh - lúc tôi 18 tuổi, nhìn thấy trong một buổi xét xử ở tòa án -
của một phụ nữ gầy ốm bị kết tội đầu độc chồng, đứng giữa hai viên cảnh sát.
Tôi còn nhớ được những lời khai của các nhân chứng và đã sử dụng chi tiết về
toa thuốc bị ngụy tạo mà bị cáo đã dùng để có được những độc chất cần thiết.
Nhưng chỉ đến chỗ đó thôi. Tôi đã ngừng việc vay mượn từ đời thực ngay
sau chi tiết này. Từ đó, dựa vào những gì mà thực tại chắp cánh cho trí
tưởng tượng, tôi đã tạo nên một nhân vật hoàn toàn khác hẳn, phức tạp hơn
nhiều. Động cơ phạm tội của bị cáo, theo những khuôn mẫu thông thường – nàng
đã yêu một người đàn ông khác hơn chồng mình. Với nhân vật của tôi, hoàn
toàn không phải như vậy. Bi kịch của Thérèse nằm ở chỗ chính nàng không biết
điều gì đã khiến cho nàng thực hiện hành vi phạm tội.
Hiển nhiên, quyển tiểu thuyết của Mariac không đơn giản chỉ bê nguyên si
hình mẫu Canaby rồi biến hóa cho phức tạp hơn: một số những tính cách cơ bản
của Thérèse có thể xem như là hình thức tự họa (self-portrait) của tác giả.
Lời Tựa của tác phẩm cho thấy tác giả biết rất rõ nhân vật của mình và đoạn
trích từ Baudelaire mà tác giả dùng làm “đề từ” (epigraph) cũng hàm ý kêu
gọi một sự thông cảm cho “sinh vật” (creature) mà chúng ta sắp sửa gặp.
Mauriac thường nhắc đến mối quan hệ riêng của mình với Thérèse, đáng
kể nhất là trong một bài báo ông viết năm 1935…”
(Dịch giả Raymond N. Mackenzie, giáo sư tại University of St. Thomas ở thành
phố St. Paul, tiểu bang Minnesota. MacKenzie đã chuyển ngữ 3 tác phẩm của F.
Mauriac: Thérèse Desqueyroux, God and Mammmon và What Was Lost).
Trong phần Lời Tựa của T. Vấn:
Không có những câu trả lời chính xác. Thérèse đã phạm một tội ác và cô phải
trải qua một tiến trình đau khổ để tự hiểu chính mình. Cô phải tự mình xác
định sự hiện hữu của mình trong một thế giới, nơi đó, người phụ nữ chỉ có
thể là mẹ, là vợ, là vú em hay gái điếm. Kết hôn với người chồng xem ra là
một việc hết sức tự nhiên vì cô em gái của chồng là người bạn thân của cô
thuở còn đi học. Là một cô gái trẻ tuổi, Anne có sức quyến rũ của sự hồn
nhiên vô tội, nhưng cô bé cũng hết sức ngây thơ, do đó dễ dàng bị cái mã
ngoài của Jean Azevedo chinh phục. Anh chàng này, tuy thùng rỗng kêu to,
nhưng lại có một sức quyến rũ đặc biệt với Thérèse, vì anh ta giúp cho
Thérèse nhận ra sự độc lập của mình và gợi ra cho nàng khả năng về một cuộc
sống hoàn toàn khác ở Paris.
Thérèse là một kẻ chỉ biết yêu mình, làm ngạc nhiên cả gia đình vì sự thờ ơ
ngay cả với đứa con mình rứt ruột đẻ ra, bé Marie. Và nếu nàng đồng thời
cũng là một tên tội phạm, thì cũng đáng để được gợi nhớ rằng Mauriac đã gọi
chính ngay việc sáng tạo ra tác phẩm này là một hành vi bạo lực. Cũng quan
trọng không kém là chi tiết bất kể bản chất đam mê của Thérèse, thái độ phản
kháng lại chồng của nàng không phải vì một người đàn ông khác; hành động của
nàng là một ý đồ có tính cách bản năng và tuyệt vọng nhằm phá vỡ những giới
hạn bao vây chung quanh sự hiện hữu của chính nàng. Tác phẩm được bắt đầu
vào lúc gần cuối của câu chuyện, kể lại những đau khổ nàng đang gánh chịu,
qua đó có lẽ nàng sẽ vươn tới được một mức độ mới trong nỗ lực tự hiểu biết
mình.
Rất khôn ngoan, Mauriac đã không cố tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà tác
phẩm đặt ra. Ông đã để cho độc giả tự mình tìm ra một kết luận giữa sự bí
hiểm của tác giả, qua hình ảnh nhân vật chính Thérèse bước vô định giữa hè
phố Paris, chuẩn bị cho một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ của mình”.
Tác Phẩm Thérèse Desqueyroux qua bản dịch Người Vợ Cô Đơn của Mặc Đỗ năm 1956,
bản dịch Cuộc Tình Buồn của Nguyễn Bích Như & Thu Uyên ở trong nước năm
1990, bản dịch Thérèse Desqueyroux của T.Vấn ở Mỹ năm 2022.
(Trước đây, tôi “dị ứng” với cách dịch trong nước phiên âm tên nhân vật,
Nguyễn Bích Như & Thu Uyên không làm điều đó).
Về văn phong qua 3 bản dịch tùy theo cảm nhận của độc giả nhưng (riêng cá nhân
tôi) đắc ý với bản dịch của T.Vấn.
Đầu năm 2023, T.Vấn còn cho ra mắt tác phẩm dịch
“Chỉ Là Nỗi Đam Mê” [Passion Simple (1991)] của Annie Ernaux, dựa trên
bản Anh ngữ của Tanya Leslie. Nhà văn nữ người Pháp Annie Ernaux, đoạt giải
Nobel Văn Chương 2022.
Ở đây, tôi chỉ đề cập thuần túy về lãnh vực văn học trong tình đồng môn &
bạn văn.
Bài nầy được viết nhân dịp ngày giỗ đầu tiên của chị Kim Oanh và với niên đệ
nhân kỷ niệm 50 năm ngày Khóa Nguyễn Trãi III ra trường (1973-2023).
Little Saigon, tháng 1 năm 2023
Vương Trùng Dương
Chú thích:
François Mauriac: THÉRÈSE DESQUEYROUX (Tiểu Thuyết)
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment