Header Ads

Ngày Tết Xem Tranh Đông Hồ


Bùi Phạm Thành

Trong văn hoá của dân tộc Việt Nam thì ngày Tết là quan trọng nhất. Phong tục ngày Tết đã có từ thời cổ đại, như chuyện bánh dầy bánh chưng, được cổ sử ghi là từ thời vua Hùng Vương thứ Sáu (trị vì 1712 - 1632 TCN). Trong ca dao cũng nhắc đến Tết và cày cấy, rất đặc trưng của quốc gia nông nghiệp:

Tháng giêng ăn tết ở nhà.
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già;
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò;
Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm.
Sớm ngày đem lúa ra ngâm.
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi, ta ném ruộng ta.
Đến khi nên mạ, thì ta nhổ về.
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ-ngơi.
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười, còn độ một hai.
Ruộng thấp đóng một gàu dai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa trổ đòng-đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.

Trong bài "Xuân Nhật Ngẫu Hứng" cụ Tú Xương có tả cảnh Tết:

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột.
Om thòm trên vách bức tranh gà.
Chí cha chí chát khua giầy dép.
Đen thủi đen thui cũng lượt là.

Với bốn câu trên cụ Tú Xương đã cho chúng ta thấy khái quát khung cảnh của ngày Tết:
  1. Đốt pháo
  2. Trong nhà được trang trí đẹp đẽ, treo tranh Đông Hồ vẽ đàn gà tượng trưng cho sự sung túc, con cháu đông vui
  3. Mang giầy dép mới (với ngụ ý là mặc quần áo mới)
  4. Câu cuối xem ra quan trọng hơn cả là dù gia cảnh có như thế nào chăng nữa, thì cũng cố gắng sắm sửa để vui chơi ba ngày Tết.
Tranh Đông Hồ là một dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ. Đây là những bức tranh được in qua bản khắc trên gỗ (tranh mộc bản), với màu sắc tươi sáng. Tranh Đông Hồ có nhiều thể loại, trong đó thể loại "Chúc Tụng" thường được dùng để trang trí trong ngày Tết.

Trước thềm năm mới, Quý Mão, chúng ta thử xem lại một số tranh Đông Hồ thường được ông bà ta dùng để trang trí trong nhà vào dịp Tết, như lời chúc tụng, cầu mong cho gia đình.

Gia Đình Đông Đúc, Thuận Hoà, Ấm No, Sung Túc



Tranh Đàn Gà Mẹ Con: Tượng trưng cho mái ấm gia đình, như câu thành ngữ: “Nhà đông con là nhà có phúc”.


Tranh Đàn Lợn Âm Dương: Tượng trưng cho sự ấm no, sung túc, đông con nhiều cháu; hình ảnh xoáy âm dương trên mình lợn thể hiện sự hoà hợp âm dương, sinh sôi, nảy nở.


Tiền Của, Chức Tước


Tranh Tiến tài - Tiến lộc: Để thay lời chúc Tết thông thường: "Làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức", trên mỗi bức tranh là một vị thần, một tay nâng bức quấn thư tượng trưng cho việc học hành, tay kia cầm cây gậy biểu tượng quyền hành. Tranh Tiến Tài có chữ “Tài hằng nguyên chi” tượng trưng cho của như nước nguồn, tranh Tiến Lộc có chữ “Lộc vị cao thăng” tượng trưng cho lộc ngày càng tăng. 

Học Hành, Đỗ Đạt


Tranh Vinh Quy Bái Tổ: Tuy thành ngữ có câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", thế nhưng thói thường ai mà chẳng có ước vọng rằng con cái sẽ học hành, đỗ đạt, để có ngày “Vinh Quy Bái Tổ”, rạng rỡ tông đường, và các cô thì cũng

"Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ"

Trên thực tế thì các cô ngày xưa tận tuỵ, đêm năm canh ngày sáu khắc, nuôi anh đồ để mong có ngày đỗ đạt:

Canh một dọn cửa, dọn nhà,
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm,
Trình anh dậy học, chớ nằm làm chi.
Nữa mai Chúa mở khoa thi,
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên, sắm bút cho anh học hành.

Chứ có cô nào muốn nuôi một anh "Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm" đâu.



Tranh Đám Cưới Chuột: Đây là bức tranh ngụ ý con gái thì cũng sẽ "nên bề gia thất" rộn ràng trong ngày "Vu Quy" lên kiệu hoa về nhà chồng. Thế nhưng bức tranh này đã gây nhiều bàn luận, bởi vì đã trình bày hai cảnh tượng, bên dưới là cảnh "vu quy", nhưng bên trên lại là cảnh chuột mang quà đi biếu hay "hối lộ kẻ quyền thế". Xem ra thì việc này vẫn tồn tại trong nước cho đến ngày nay, hễ cứ dịp Tết đến là cả đoàn nhân viên tụ tập trước cửa nhà quan để dâng lễ lộc, chúc Tết, với ước nguyện gì thì xem ra cũng dễ hiểu, bởi thành ngữ có câu "Bánh ít đi, bánh quy lại." 

"Mừng quan con cá con chim
Sang năm nhờ cậy quan thêm chức giùm."



Tựu chung, ngoài ước muốn của cha mẹ, thì ước mong của thanh niên, thiếu nữ cũng vẫn là "Ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau." Đó là căn bản của gia đình, xã hội.

Phong Tục Ngày Tết

Trong nhà thì ước mơ, ngoài đường thì có những phong tục ngày Tết cũng đáng được chú ý.



Ngoài chuyện Múa Lân, Múa Rồng còn những thú vui chơi khác


Trò chơi "Bịt Mắt Bắt Dê" mang lại niềm vui cho mọi người từ già đến trẻ. Người tham dự và con dê đều có mang lục lạc (cái chuông nhỏ) để người bị bịt mắt nghe theo đó để tìm. Trai gái tham dự, bắt được con dê hay vồ được nhau đều là cảnh tượng thú vị trong một cuộc vui


Trò chơi "Đánh Đu": Đây là trò chơi ngày Tết đã được bà Hồ Xuân Hương khiến trở nên bất tử:

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông,
Trai co gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá.
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!


Ngoài những trò chơi thanh tao, còn có những trò chơi lỗ mãng, nhưng cũng được xem là thú vị:


Đấu Vật: Đây có lẽ là một trò chơi cổ xưa nhất, cái thuở "nam trọng, nữ khinh" của thời nông nghiệp "chăn trâu, cầy ruộng", sức khoẻ của nam giới định đoạt chuyện an lành, sung túc. 


Chọi Trâu: không hiểu bắt nguồn từ đâu và với ý nghĩa gì, thế nhưng chọi trâu cũng là một trò chơi dân gian, với một buổi lễ riêng biệt, đôi khi cũng vào những ngày trước Tết. Có lẽ đây là cái cớ để giết con trâu làm thịt ăn Tết, bởi vì trong thời buổi nông nghiệp con trâu là con vật quý giá nhất, nếu không vì lễ hoặc Tết, thì chẳng ai dám giết đi một con trâu khoẻ mạnh.


Ngoài việc treo tranh Đông Hồ, ông bà ta còn có tục lệ treo câu đối. Các cụ nhà nho thì tự viết lấy câu đối Tết, còn người dân thường thì tìm mua câu đối của các ông đồ. Bài thơ "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên là một tuyệt tác:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Câu đối thường mang ý nghĩa chúc tụng hay mong ước. Thuở còn hàn vi, cụ Nguyễn Công Trứ đã viết:

“Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa
Sáng mồng một rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc đón vào nhà”

Đôi khi câu đối lại có ý trêu ghẹo người, như câu đối của cụ Nguyễn Khuyến tặng ông Bảng Long, là một quan võ cùng triều nhưng bị chột một mắt:

"Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại
Triều đình cử mục, anh hùng chỉ có một ngươi thôi"

Nhân đây, tôi xin nhại bài "Tết Dán Câu Đối" của cụ Tú Xương để ngỏ đôi lời:

Đã đi học chắc cũng thông vài chữ
Chẳng hay ho cũng viết thử một đôi lời
Bởi ít ra cũng qua bậc tú tài
Đầu năm mới cũng phải có vài câu đối

Đối rằng:

Chiều ba mươi nhuộm tóc cạo râu, nhìn ra dáng tài tử văn nhân
Sáng mùng một áo quần tề chỉnh, trông có vẻ giang hồ khí cốt

In chữ lớn dán ngay lên cột
Hỏi: Em ơi anh dốt hay hay?
Rằng: Hay cũng chẳng bằng may,
Chẳng may sao có được ngày hôm nay
Bấy nhiêu mà vẫn ... "khoe" hoài !
(BPT)

oOo

Thưa quý vị, đó là chuyện của một thời thái bình xưa cũ, những phong tục dân gian đã mờ dần theo thời gian. Bây giờ, trong những ngày đầu Xuân Quý Mão, "Ra giêng ngày rộng tháng dài", xin quý vị cùng chúng tôi bàn rộng ra một chút về chuyện con mèo.

Mèo là con vật đứng hàng thứ tư trong mười hai con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi), đồng thời cũng là con vật gần gũi với dân gian, thế nhưng lại là con vật ít được nhắc đến trong văn chương, nghệ thuật. Không những thế, nó còn bị mang tiếng xấu như việc đàn ông "có mèo" thì xem ra là việc không tốt      

"Nửa đêm nghe tiếng mèo gào, 
Chàng nằm bên vợ cồn cào nhớ ai?"

Đúng ra thì con mèo là con vật có ích, vì đã trừ được chuột. Trong thời nông nghiệp, chuột là loài ăn hại thóc gạo, thế cho nền hầu như nhà nào cũng nuôi mèo, "nuôi mèo giữ thóc, nuôi chó giữ nhà."

Năm nay là năm Quý Mão, năm con mèo. Chữ "Quý" là chữ cuối cùng trong Thập Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Theo Phong Thuỷ thì Quý thuộc về Âm, hành Thuỷ (trong ngũ hành: Kim Mộc Thuỷ, Hoả Thổ), hướng Bắc. Chẳng hiểu quan niệm Đông Phương như thế nào, nhưng hai chữ "Phong Thuỷ" đủ cho thấy Thuỷ (Nước) và Phong (Không khí để thở) là những yếu tố quan trọng, bởi vì cả hai đều có Oxygen, ký hiệu hoá học là O, và nước thì là H₂O, yếu tố căn bản cho đời sống. Vả lại trong khoa học thì "nơi nào có nước là nơi đó có sự sống," vì nước sẽ thả ra Oxygen để thở. Thế cho nên khoa học ngày nay cố tìm trong vũ trụ xem hành tinh nào có sông biển, có nước, như quả đất này hay không? Với hằng hà xa số hành tinh trong vũ trụ thì chắc là có, nhưng bao xa và bao giờ tìm thấy thì vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Chữ "Quý" thì như thế, còn chữ Mão thì sao? Mão là con mèo. Như đã nói ở trên, con mèo không được đánh giá đúng mức trong văn hoá Đông-Tây; thế nhưng với văn hoá Ai Cập thì con mèo, nhất là mèo đen, lại là con vật được xem là linh thiêng. Vị thần Bastet có hình dạng của một phụ nữ với đầu mèo. Trong truyền thuyết, hơn ba ngàn năm trước Công Nguyên, thì một con mèo đen đã giết chết con rắn độc để cứu vị vua (Pharaoh) đầu tiên của Ai Cập.

Trái lại trong văn chương Âu tây, đặc biệt là Mỹ, thì con mèo đen lại được (hay bị) dùng làm hình ảnh tượng trưng trong các truyện, phim ảnh liên lệ tới ma quái, hoặc điềm xấu. 

Như thế thì xấu tốt đều tuỳ thuộc vào văn hoá, quan điểm của con người, và địa dư; bởi vì "chân lý bên này dãy núi, chưa chắc đã có giá trị gì ở bên kia dãy núi." Trong kinh Hoa Nghiêm có lời dạy của Đức Phật dành cho các môn đệ là “Nhất thiết duy tâm tạo“ hoặc "Vạn vật duy tâm đạo". Câu nói này thường được hiểu theo nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng trên đời đều do tâm, ý nghĩ, tạo thành. Bởi vậy, năm Quý Mão, tốt hay xấu là tuỳ ở cá nhân mà thôi. Bàn về chuyện tương lai thì chẳng khác chi là chuyện "người mù sờ voi."

Vả lại, con người ta thường có ý nghĩ rằng trên cõi đời này luôn luôn có những điều trái ngược (nhị nguyên) như âm dương, nóng lạnh, trái phải, trên dưới, trong ngoài, đúng sai, đồng tiền có hai mặt, bàn tay có xấp ngửa ... Tuyệt đối (nhất nguyên), quan điểm khoa học là "big bang", xem ra không dễ đạt được. Chi bằng chúng ta hãy chấp nhận "nhị nguyên", chấp nhận rằng trong đời sống sẽ có điều xấu và điều tốt. Điều quan trọng là nhận thức được điều xấu để tránh và điều tốt để noi theo. Quan niệm xấu tốt, một cách tương đối, thì xem ra không quá khác biệt qua văn hoá, địa dư, hay thời gian.

Để thay lời kết luận, cho dù chuyện "cầu mà được, ước mà thành" xem ra không dễ; nhưng thuận theo phong tục, truyền thống của người Việt Nam, chúng tôi xin chúc quý vị có một cuộc sống an lành, vui vẻ, mạnh khoẻ trong năm mới cũng như trong những tháng năm tiếp theo của đời người.

Bùi Phạm Thành
 Ngày 14 tháng 1 năm 2023
Nhằm ngày 30 tháng 12 năm Nhâm Dần - Ngày ông Táo về trời
Đăng lần đầu tiên ngày 22 tháng 1 năm 2023
Nhằm ngày mùng 1 Tết năm Quý Mão



No comments

Powered by Blogger.