Vương Trùng Dương
Cuộc triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn
(TLVĐ) được tạp chí Diễn Ðàn Thế Kỷ online do nhà văn Phạm Xuân Đài tổ chức
tại hội trường nhật báo Người Việt vào hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2013. Vào
dịp kỷ niệm 80 năm ngày khai sinh Tự Lực Văn Đoàn (7/7/1933), và tưởng niệm
50 năm ngày mất của nhà văn Nhất Linh (7/7/1963). Các diễn giả đã trình bày
trong hai ngày này có nhà văn Doãn Quốc Sỹ (con rể nhà thơ Tú Mỡ), nhà giáo
Trần Khánh Triệu (con trai nhà văn Nhất Linh và con nuôi của nhà văn Khái
Hưng), nhà văn Phạm Thảo Nguyên (con dâu nhà thơ Thế Lữ), nhà giáo Nguyễn
Hưng Quốc, nhà văn Trần Doãn Nho, nhà thơ Đỗ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng)…, Và
các thành viên hậu duệ của TLVĐ: Nguyễn Tường Thiết (con trai nhà văn Nhất
Linh), Minh Thu (con gái nhà văn Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Giang (con trai
nhà văn Thạch Lam), Nguyễn Trọng Hiền (con trai họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát
Tường), Đặng Thơ Thơ (cháu ngoại nhà văn Hoàng Đạo)…
Cuốn Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo… ấn hành ngày 22 tháng 9, 2014. Dày 320
trang đóng góp thêm nhiều bài viết không trình bày trong hai buổi hội thảo.
Với kỹ thuật điện toán hiện nay, việc thực hiện (scan & microfilm) với
các tác phẩm, báo chí… chuyển qua PDF để phổ biến trên internet rất tiện
dụng. Với hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay trải qua gần 9 thập niên để độc giả
tìm đọc là điều thú vị và nhìn lại Lịch Sử Báo Chí Việt Nam bắt đầu từ tờ
Gia Định Báo (ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn) mới thấy công lao và tấm
lòng của các bậc tiền nhân dấn thân vào lãnh vực báo chí.
Trước năm 1975 ở miền Nam VN và trải qua những thập niên ở hải ngoại, nhiều
bài viết đề cập đến báo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn để làm sống
lại “Di sản báo chí và văn chương” vào thập niên 30 của thế kỷ XX.
Nay tóm lược khái quát về đề tài này với tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay. Về
Tự Lực Văn Đoàn đã có nhiều tác phẩm đề cập với công trình nghiên cứu về tác
giả, tác phẩm (loạt bài viết của nhà văn Thụy Khuê ở Pháp về TLVĐ là tài
liệu hữu ích) nên không tóm lược trong bài viết này. Bài viết này cho tuyển
tập Tưởng Niệm 60 năm ngày mất của nhà văn Nhất Linh (1963-2023).
Hai tờ tuần báo và những tác phẩm của văn đoàn này đã đưa ra những cải cách
xã hội, đả phá hủ tục, đề cao tự do cá nhân, giải phóng phụ nữ, bỏ thói hư
tật xấu và phổ biến lối văn trong sáng giản dị, đã ảnh hưởng rộng rãi trong
lãnh vực sáng tác tiểu thuyết, thi ca…
Phong Hóa (1932-1936) là một tuần báo xuất bản tại Hà Nội (Việt Nam), trải
qua hai thời kỳ: từ số 1 (ra ngày 16/6/1932) đến số 13 (ra ngày 8/9/1932) do
Phạm Hữu Ninh làm Quản Lý (Administrateur) và Nguyễn Hữu Mai làm Giám Đốc
Chính Trị (Directeur Politique), tòa soạn số 1 đường Carnot, Hà Nội. Từ số
14 (ra ngày 22/9/1932) đến số cuối (số 190 ra ngày 5 tháng 6 năm 1936) do
nhà văn Nguyễn Tường Tam làm Giám Đốc và Phạm Hữu Ninh vẫn làm Quản Lý.
Năm 1927, Nguyễn Tường Tam du học Pháp. Ðậu cử nhân khoa học. Thời gian ở
Pháp nghiên cứu về nghề báo và nghề xuất bản. Năm 1930 trở về nước. Nhất
Linh Nguyễn Tường Tam cùng hai em là Hoàng Ðạo Nguyễn Tường Long và Thạch
Lam Nguyễn Tường Lân xin ra tờ báo trào phúng Tiếng Cười (như tờ Le
Rire - Tiếng Cười của Pháp), nhưng thiếu tiền, chưa ra được báo thì
giấy phép quá hạn, bị rút. Nguyễn Tường Tam dạy ở trường Thăng Long (École
Thang Long) cùng với Khái Hưng Trần Khánh Giư và Phạm Hữu Ninh nên khi tờ
Phong Hoá của nhà giáo Phạm Hữu Ninh vừa đình bản, Nhất Linh mua lại và tục
bản tờ Phong Hóa. Khi ở Pháp, Nguyễn Tường Tam nhận thấy loại báo trào phúng
khá thích hợp với sở thích của nhiều người vì vậy tờ Phong Hóa trở thành
tuần báo trào phúng.
Nhất Linh thành lập Ban Biên Tập với Khái Hưng (giữ nhiều mục quan trọng
trên báo Phong Hóa suốt từ số 1 cho đến số 13), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Hoàng
Đạo, Thạch Lam, Nguyễn Gia Trí… Tuần báo Phong Hóa số 14 ra ngày 22
tháng 9 năm 1932, có 8 trang khổ lớn (nhật trình) với chủ trương duy tân và
cấp tiến “trào phúng làm phương pháp, tiếng cười làm vũ khí”.
Tháng 6 năm 1935, báo Phong Hóa bị Thống Sứ Bắc Kỳ ra lệnh đóng cửa 3 tháng,
rồi lại được tiếp tục xuất bản cho đến số 190 (ra ngày 5 tháng 6 năm 1936),
bị đóng cửa hẳn.
Nhà thơ Nguyễn Vỹ, người cùng thời, đã kể về tờ báo ấy như sau:
“Ban đầu tòa soạn và ban trị sự của báo Phong Hóa đặt tại trường Thăng
Long ở góc phố hàng Cót (thời Pháp là rue de Takou) và phố cửa Bắc (thời
Pháp là Carnot), ít lâu sau mới dời về ở 80, phố Quán Thánh (thời Pháp là
Avenue du grand Bouddha), Hà Nội…
Tôn chỉ đầu tiên của tuần báo Phong Hóa là đả kích những gì cũ kỹ của xã
hội Việt Nam, và chủ trương một đời sống trưởng giả mới, thích hợp với
phong trào lãng mạn của thời đại.
Cái khôn khéo tùy thời của Nguyễn Tường Tam, chủ nhiệm báo Phong Hóa, là
biết lợi dụng đúng lúc sự chán nản của tinh thần thanh niên và dân chúng
sau các vụ “Hội Kín” liên tiếp thất bại, gây ra máu lửa hãi hùng và tang
tóc,... để phát hành tờ báo Phong Hóa, chuyên về hài hước, cốt làm cho độc
giả cười, thành một trò vui nhộn.
Ông lại còn dùng giọng cười trào phúng đó để đả kích cái phong hóa cũ kỹ
của xã hội Việt Nam. Do đó ông đặt ra hai nhân vật lố bịch mà ông gọi tên
là “Lý Toét” và “Xã Xệ” để tượng trưng cho tất cả những gì hủ lậu, quê
mùa, ngơ ngẩn, của người An Nam trước cái văn minh tân tiến của Pháp.
Ngay từ những số đầu, tờ báo Phong Hóa đã bán chạy như tôm tươi, chính là
nhờ những tranh vẽ Lý Toét đầy cả mấy trang báo, và những mục khôi hài chê
cười nhân vật điển hình ấy...”.
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam thích hội họa nên có thêm bút hiệu Đông Sơn, Lãng
Du…
Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long với bút hiệu Tứ Ly vẽ tranh biếm họa, minh họa
trong các bài viết trên hai tuần báo. Vì vậy có nhiều họa sĩ Nguyễn Gia Trí,
Nguyễn Cát Tường, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Trần Bình Lộc, Trần Quang Trân,
Lê Phổ, Nguyễn Tường Lân... Họ vẽ tranh bìa, trình bày báo, vẽ minh họa và
tranh khôi hài v.v...
Lý Toét là một ông già nhà quê, có chức phận trong làng, chức Lý trưởng, nên
được goi là Lý, mắt bị bệnh đau mắt hột từ bé, thành ra nó cứ kèm nhèm, như
viền vải tây đỏ, ta gọi là mắt toét. Nhập hai chữ Lý và Toét vào nhau thành
tên luôn, chứ Lý Toét không phải là tên cúng cơm, bố mẹ đặt cho.
Lần đầu tiên Xã Xệ xuất hiện trong tranh Bút Sơn là ngày 16 tháng 3 năm
1934, trên báo Phong Hóa số 89. Xã Xệ đã được đón tiếp thật nồng hậu. Xã
cùng Lý lên ngay trang bìa của báo.
Xã Xệ béo ịt, thấp lè tè, đầu trọc lông lốc, còn độc một sơi tóc quăn xoắn
ốc trên đỉnh. Hình ảnh Xã Xệ hoàn toàn đối chọi với Lý Toét gầy đét và cao
lênh khênh. Xã ra đời để đấu láo với Lý, cãi chầy cãi cối với Lý, chung buồn
chung vui với Lý...
Cha đẻ của Xã Xệ là họa sĩ Bút Sơn, từ Sài Gòn gửi tranh vẽ ra Hà Nội. Ông
lấy hiệu Bút Sơn để nhái Đông Sơn. Nhưng lúc đó tên thật của họa sĩ nầy vẫn
bí ẩn.
Theo nhà thơ trào phúng Tú Kềnh viết trên báo Bình Minh Xuân Mậu Thân 1968
xuất bản ở Sài Gòn:
“Vào năm 1936 báo Phong Hóa, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, ở Hà Nội, có tổ chức
cuộc thi vẽ tranh hài hước, họa sĩ chuyên vẽ tranh hài hước Bút Sơn Lê
Minh Ðức ở Sài Gòn vẽ một bức tranh gửi ra Bắc dự thi”.
Chuyện thời Tam Quốc trong sử Tàu biến thành chuyện Lý Toét la ó chống chọi
với ba con chó dữ. Nó làm người xem tranh cảm được ngay vì thấy đứa con trai
reo hò vui thích trước sự nguy khốn của bố mình.
Mượn nhân vật Lã Bố (Lữ Bố) vào cuối thời Đông Hán ở Trung Hoa. Đổng Trác
yêu mến tin dùng Lã Bố, ước thệ làm cha con nhưng vì tranh giành mỹ nhân
Điêu Thuyền nên Lã Bố phản thùng đâm chết Đổng Trác. Với bản chất bội phản
nên cuối cùng bị “gậy ông đập lưng ông” nên cuối cùng Tào Tháo nghe
lời đồng minh cũ của Lã Bố là Lưu Bị, không thu nạp mà đem giết. Nhưng bức
tranh còn ẩn ý khác với 3 con chó cắn lão già (quan chức Tây hay An Nam) cầm
dù chạy bỏ dép, cậu bé khoái chí reo hò… có ý miệt thị nên hậu quả bị đóng
cửa, không nêu lý do! (Sau đó báo Ngày Nay cũng vậy, sau số 224 ra ngày
7/9/1940, báo Ngày Nay bị rút giấy phép, đóng cửa hẳn. Không ai biết đựợc
nguyên nhân. Ngay cả hồ sơ mật vụ để ở Aix en Provence cũng không thấy nói
tới).
Tháng 6 năm 1935, báo Phong Hóa bị đóng cửa ba tháng vì loạt bài
“Đi xem mũ cánh chuồn” châm biếm Tổng Đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu vì
vậy khi còn tờ Phong Hóa, tuần báo Ngày Nay ra đời, số 1, ngày 30/1/1935 do
Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam, Trần Khánh Giư, Nguyễn Tường Lân thay
phiên nhau làm Giám Đốc. NN số 2 (l0/2/1935) xuất hiện Chủ Bút Nguyễn
Tường Lân.
Tuy không còn mục trào phúng, nhưng Ngày Nay thêm
“phóng sự điều tra” với các ngòi bút sắc bén, sinh động rất hấp dẫn…
Khi Phong Hóa bị đóng cửa, ban biên tập chuyển sang báo Ngày Nay số 16
(12/7/1936 và Ngày Nay số 224 (7/9/1940) là số cuối cùng. Sau vài lần thay
đổi địa chỉ, tòa soạn cuối cùng ở 80 Quan Thánh, Hà Nội, nơi đặt nhà in Ngày
Nay và nhà xuất bản Đời Nay.
Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, số 1 ra đời ngày 5/5/1945, với 20 trang, Giám Đốc là
Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách (em út trong gia đình Nguyễn Tường). Tuy là bác
sĩ nhưng theo các người anh trên lãnh vực chính trị và văn chương. Năm 1942.
Thạch Lam qua đời, ông trông coi nhà xuất bản Đời Nay. Ngày Nay Kỷ Nguyên
Mới với Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Tú Mỡ, Thế Lữ…
với lập trường ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim và tố cáo tội ác của chế độ
thực dân Pháp.
Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, Nhật tuyên bố đầu hàng… Tình hình trong nước rối
ren, Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới đóng cửa sau số 16, ra ngày 18/8/1945.
Từ tiền bán thế kỷ XX đến nay, hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay xuất hiện trên
internet để nhìn lại giai đoạn báo chí Việt Nam với các thế hệ hậu sinh để
tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân.
Little Saigon, Jan 2023
Vương Trùng Dương
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment