Header Ads

Những Ổ Bánh Mì Tai Hại


Bùi Phạm Thành

Bà Martha Meacham mở tiệm bánh nhỏ ở góc phố, nơi có bậc tam cấp, cánh cửa có treo vài cái chuông nhỏ để khi mở cửa thì có tiếng kêu leng keng báo hiệu là có khách vào tiệm.

Bà Martha đã bốn mươi tuổi, có trương mục trong ngân hàng khoảng hai nghìn đô-la (*), cùng với hai chiếc răng vàng và một trái tim nhiều tình cảm. Ở tuổi này, nhiều người đã có gia đình, thế nhưng bà Martha vẫn chưa có cái may mắn ấy. Có thể nói rằng là chưa có duyên với ai nên vẫn "mình ên".

Hai hay ba ngày mỗi tuần, có một người khách đến mua bánh mì gây sự chú ý cho bà Martha. Ông ta là một người trung niên, với một bộ râu được cắt tỉa gọn gàng.

Ông ta nói tiếng Anh với âm điệu khá nặng nề của người Đức. Quần áo thì xem ra có vẻ luộm thuộm, rộng thùng thình và nhầu nát. Tuy vậy, phong cách của ông ta rất là lịch sự, khả ái.

Giá của bánh mì mới ra lò thì 5 xu một ổ, còn bánh mì cũ thì 5 xu được hai ổ. Ông ta luôn luôn mua hai ổ bánh mì cũ, đã khô cứng. 

Có lần bà Martha nhìn thấy chút mực đỏ và nâu vẫn còn dính trên những ngón tay của ông ta, thế cho nên bà cho rằng ông ta là một hoạ sĩ nghèo, sống trong một gác xép tồi tàn để vẽ tranh, và chỉ đủ tiền để mua những ổ bánh mì cũ của bà để sống qua ngày.

Như chúng ta đã biết, bà Martha có tấm lòng đầy nhân ái. Thế cho nên, nhiều khi bà ta ngồi xuống để ăn bữa tối, trước những miếng thịt ngon lành bên những ổ bánh mì mới ra lò, cùng với mứt và tách trà bốc khói thơm phức, bà thường thở dài và mong ước được chia sẻ bữa ăn ngon lành với ông hoạ sĩ khả ái kia. Thay vì ông ta phải gặm những ổ bánh mì cũ đã khô cứng trong một căn phòng nhỏ như ổ chuột. 

Để xem ước đoán về nghề nghiệp của vị khách khả ái kia có đúng hay không, một hôm, bà Martha mang một bức tranh đã mua ở "garage sale", nơi bán đồ cũ ven lề đường, vẫn treo trong phòng ngủ của bà, đem treo phía sau quầy bánh mì.

Đó là bức tranh vẽ cảnh ở Ý. Với một toà lâu đài bằng đá cẩm thạch đứng trước một hồ nước lớn hay mặt biển mênh mông. Trên mặt nước có một con thuyền, trên đó có một người thiếu nữ đưa tay đùa trên mặt nước, trên có trời xanh mây trắng, cùng với ánh nắng chan hoà. Đó là những cảnh tượng mà ít người hoạ sĩ nào có thể bỏ qua. 

Hai ngày sau thì người hoạ sĩ khả ái kia lại ghé đến.

"Làm ơn cho tôi hai ổ bánh mì cũ."

"Bà có một bức tranh rất đẹp," ông ta nói trong khi bà Martha gói hai ổ bánh mì cũ cho ông ta.

"Cảm ơn ông." Bà Martha đáp lại một cách khéo léo. "Tôi là người yêu thích nghệ thuật và tranh vẽ." Rất may là bà không lỡ miệng nói là yêu thích nghệ sĩ hay hoạ sĩ. "Ông cũng thấy bức tranh này đẹp đấy chứ?"  

"Cũng tương đối thôi," người khách nói, "Không hẳn là tuyệt đẹp vì khung cảnh không có vẻ thực. Xin chào bà."

Ông ta nhận hai ổ bánh mì, trả tiền, gật đầu chào, và nhanh chóng quay lưng đi ra khỏi cửa.

Quả nhiên ông ta là một hoạ sĩ. Và rồi bà Martha đem bức tranh trở lại phòng.

Bà Martha nhận xét rằng ông khách ấy đúng là một người nghệ sĩ lịch thiệp, hiện rõ qua đôi mắt đằng sau cặp kính trắng trang nhã, cùng với đôi chân mày nâu và rậm. Đôi mắt tinh anh có thể nhìn ra cái đẹp qua một cái liếc mắt, tuy phải sống bằng những ổ bánh mì cũ! Thế nhưng thiên tài thường phải trải qua nhiều khó khăn trước khi được phát hiện.

Thử tưởng tượng xem một hoạ sĩ tài ba được trợ giúp bởi hai nghìn đô-la trong trương mục nhà băng, một tiệm làm bánh, và một con tim đầy tình cảm ... Nhưng đó chỉ là giấc mơ ban ngày của bà Martha.

Bây giờ thì mỗi lần ông khách hoạ sĩ kia ghé qua mua bánh thì đều ở lại vài phút để nói chuyện. Dường như ông ta cũng có cảm tình với những mẩu chuyện và lời nói đầy thiện cảm của bà Martha.

Ông ta cũng vẫn chỉ mua bánh mì cũ mà thôi. Chưa một lần nào mua loại bánh ngọt khác trong tiệm của bà.

Trong mắt bà Martha thì dường như ông khách nghệ sĩ có vẻ gầy và buồn bã nhiều hơn. Bà ta muốn giúp đỡ ông khách nghệ sĩ, nhưng không biết làm cách nào và ngỏ lời ra sao. Bởi vì bà ta biết rằng người nghệ sĩ thường hãnh diện về tài nghệ của họ và rất tự ái trong cuộc sống vật chất hàng ngày. Nhất là không muốn ngửa tay nhận sự giúp đỡ của người khác.

Bà Martha bắt đầu thay tấm tạp dề màu nâu cũ kỳ bằng một miếng tạp dề bằng lụa có thêu hoa đẹp hơn, và cũng bắt đầu dùng các loại phấn son để trang điểm hàng ngày.

Hôm ấy, người khách nghệ sĩ đó lại ghé qua như thường lệ, đặt đồng 5 xu xuống để mua hai ổ bánh mì cũ. Khi người khách bước vội ra khỏi cửa thì một ý tưởng tuyệt vời vừa loé lên trong trí của bà Martha như tiếng còi kêu vang và tiếng leng keng của chiếc xe cứu hoả vừa chạy ngang qua. 

Ở phía sau quầy hàng, ngăn cuối cùng, có một pound (gần nửa kí-lô) bơ tươi, mà người đưa sữa mới đem lại cho bà mười phút trước. Với con dao cắt bánh mì, bà Martha cắt một đường vào các ổ bánh mì cũ, nhét vào trong một lượng khá nhiều bơ, rồi khép chặt lại như cũ.  
 
Khi ông khách trở lại để mua thì bà Martha gói hai ổ bánh đặc biệt ấy cho ông ta.

Khi ông khách nghệ sĩ rời tiệm, sau vài câu chuyện xã giao vui vẻ, bà Martha tự mỉm cười và không khỏi cảm thấy chút rung động trong tim.

Có phải bà đã quá táo bạo hay không? Không hiểu ông khách nghệ sĩ có cảm tưởng bị xúc phạm hay chăng? Nhưng chắc là không. Thực phẩm tự nó không có ngôn ngữ. Bơ không phải là thứ tượng trưng cho sự cầu thân, hay kết bạn một cách thiếu nữ tính.

Cả ngày hôm đó bà Martha vẫn quay cuồng với ý nghĩ về hai ổ bánh mì đặc biệt đó. Bà cố tưởng tượng ra cảnh ông khách nghệ sĩ khám phá ra ngụ ý của việc làm của bà với hai ổ bánh mì đặc biệt đó.

Này nhé, ông ta sẽ bỏ cây cọ và bảng màu xuống. Trước mặt ông ta là một bức tranh đang vẽ với cảnh tượng không chê vào đâu được.

Ông ta chuẩn bị cho bữa ăn trưa với ổ bánh mì cũ và ly nước lọc. Ông ta cắt ổ bánh mì ... ô kìa!!!
 
Bà Martha cảm thấy nóng bừng trên đôi má. Liệu ông ta có nghĩ đến bàn tay đã nhét cả đống bơ vào trong ổ bánh đó không? Liệu ông ta ...

Chiếc chuông ở cửa kêu leng keng báo hiệu có khách vào. Tiếng chuông có vẻ rộn rã hơn vì, có lẽ, đã bị đẩy mạnh hơn bình thường.

Bà Martha vội vã bước ra trước quầy hàng. Có hai người khách đàn ông, một người trẻ tuổi miệng ngậm ống vố, mà bà chưa từng gặp, người kia là ông khách nghệ sĩ của bà.

Ông khách nghệ sĩ mặt đỏ bừng, chiếc nón trên đầu lệch về phía sau, lộ ra mớ tóc rối bù. Ông ta vung hai nắm tay một cách giận dữ về phía bà Martha. Vâng, hai nắm tay ấy chĩa thẳng vào mặt bà Martha.

"Dummkopf!" ông ta nói như hét; và rồi  "Tausendonfer!" hay chữ gì đó đại khái nghe như vậy kèm theo cả tràng tiếng Đức.

Người đàn ông trẻ tuổi cố kéo ông ta về phía cửa để đi ra ngoài.

"Tôi không đi," ông ta nói một cách giận dữ, "tôi phải nói cho bà ta biết."

Ông ta đập mạnh tay xuống mặt quầy hàng.

"Bà đã làm hại tôi," ông ta nói, cặp mắt xanh đằng sau đôi kính trắng loé lên ngọn lửa tức giận. Với giọng tiếng Anh ngọng nghịu của người gốc Đức "Tôi nói cho bà hay, bà là một con mèo già chết tiệt!!!"

Bà Martha tựa mình một cách yếu ớt vào quầy hàng, một tay chống vào bên hông của chiếc tạp dề lụa thêu hoa. Người đàn ông trẻ nắm cổ áo của ông nghệ sĩ lôi ra ngoài.

"Được rồi," anh ta nói, "ông nói như thế là đủ rồi." Anh ta kéo ông khách nghệ sĩ ra khỏi tiệm, rồi quay trở lại. Anh ta nói:

"Tôi nghĩ rằng bà cần được nghe vài lời giải thích, đó là Blumberger. Ông ta là chuyên viên vẽ hoạ đồ kiến trúc (architectural draftsman). Ông ta và tôi làm chung một văn phòng.

Ông ta đã làm việc tận tâm trong ba tháng qua với một bản vẽ trong đồ án xây dựng một toà thị chính mới. Đây là một cuộc thi có thưởng. Ông ta vừa hoàn tất bản vẽ bằng mực ngày hôm qua. Các chuyên viên vẽ thường vẽ bằng bút chì trước. Đến khi vẽ xong bằng mực thì xoá đường vẽ bút chì bằng những nắm vụn bánh mì cũ. Tốt hơn là dùng các cục tẩy rởm.

Ông Blumberger vẫn thường mua bánh mì cũ ở đây. Thế nhưng, hôm nay ... thưa bà, những cục bơ ... đã làm cho bản vẽ của Blumberger ... chắc chỉ có thể đem làm giấy gói bánh mì ở ga xe lửa mà thôi."

Bà Martha lặng lẽ đi vào bên trong. Bà cởi bỏ chiếc tạp dề lụa thêu hoa và khoác vào chiếc tạp dề màu nâu cũ vẫn dùng từ trước. Rồi tiện tay ném tất cả các hộp phấn son vào trong lò nướng bánh mì đang hừng hực lửa.

Bùi Phạm Thành
Ngày 8 tháng 12 năm 2022

Witches' Loaves
by O. Henry

(*) Đây là một số tiền khá lớn. Năm 1887, ông O. Henry là chuyên viên vẽ hoạ đồ kiến trúc (draftsman) với lương $100 một tháng.


1 comment :

  1. Câu chuyện "Những Ổ Bánh Mì Tai Hại" dẫn dắt người đọc hiện lên những hình ảnh "hy vọng" theo suy đoán qua từng đoạn viết của tác giả, nhưng cái kết bất ngờ làm cho người đọc cũng chưng hửng và cảm thông cho tấm lòng tốt của cả hai bên. Tóm lại là một mẩu chuyện ngắn hay và cảm động trước chân tình của hai nhân vật trong chuyện.. Ước gì xã hội hôm nay còn có được những tấm lòng như vậy...

    ReplyDelete

Powered by Blogger.