Lê Tấn Dương
Thưa quý bằng hữu,
Về nội dung của bài viết lần nầy. Tôi xin mạn phép được thay mấy chữ trong câu thứ 2 của người xưa (Ba cái lăng nhăng nó quấy ta, thành câu “Ba cái quen quen đáng yêu nha”) để cảm ơn quý phu nhân mà tôi rất kính trọng gọi như những vị “Tú Xương Phu nhân” của thời đại vì quý chị đã một đời son sắc thủy chung, chia ngọt sẻ bùi với cánh đàn ông nhiều thói hư tật xấu chúng tôi. Cũng riêng tặng quý bạn hữu từng có duyên tao ngộ thường xuyên với rượu trà, dẫu có chút lăng nhăng, nhưng đã làm cho cuộc sống của chúng ta thăng hoa và quanh ta thêm nhiều hương sắc mùa xuân, bớt đi những quạnh hiu cuối đời.
Ba cái chuyện “quen quen” nầy thực ra không mới mẻ gì nhưng đáng yêu vì đã có tự ngàn xưa và nhân gian chưa ghét bỏ bao giờ. Đáng yêu tự ngàn xưa cho tới bây giờ và cả ngàn năm sau nếu như loài người chưa có dấu hiệu bị tuyệt chủng vì một lý do nào đó. Nhân đây cũng xin cảm ơn đến quý bằng hữu đã có lòng vui khi đọc chuyện phiếm lần nầy. Nhưng trước hết, xin mời quý bằng hữu đọc vui bài “Uống Rượu Ngắm Hoa” của Lưu Tích Vũ và bài tạm dịch của tệ nhân. Nếu bản dịch không được hay, cái đó là do khả năng của người dịch còn nhiều hạn chế. Mong được hai chữ thông cảm và đại xá từ quý bằng hữu.
Ẩm Tửu Khán Mẫu Đơn
Kim nhật hoa tiền ẩm
Cam tâm tuý số bôi
Đãn sầu hoa hữu ngữ
Bất vi lão nhân khai
(Lưu Tích Vũ)
Tôi xin mạo muội tạm dịch
Uống Rượu Ngắm Hoa
Hôm nay uống rượu ngắm hoa
Lỡ say vài chén cũng là vui thôi
Ai hay nàng mĩm miệng cười
Em không phải nở cho người già đâu
(Bản dịch Lê Tấn Dương)
Khi viết bài nầy, người viết cảm thấy mình đang lao đao ở ngưỡng cửa “thất thập cổ lai hy”, lại tính chuyện viễn mơ ra cửa gặp người đẹp “Bắc phương hữu giai nhân, tuyệt thế nhi độc lập, nhất cố khuynh nhơn thành, tái cố khuynh nhơn quốc” như nội dung bài ca của Lý Diên Niên thuở trước. Ngờ đâu gặp phải chuyện phủ phàng vì người đẹp vừa mĩm nụ cười tươi như hoa vừa “phán” một câu xanh dờn, hoa kia không phải nở cho người thất thập như ông đâu, ông ngoại ạ.
Ôi thôi, chết một cửa rồi còn gì. Nhưng nghĩ cho cùng thì đâu nhằm nhò gì. Bắc phương hữu giai nhân thì Mackeno (mặc kệ nó), nhất cố với tái cố làm chi cho đau thêm cổ, quẹo qua quẹo lại có khi bị đau xương sống, chống xương sườn không chừng. Mình là dân phương Nam nên chi “Nam phương hữu giai nhân” là nhất thôi. Vua Bảo Đại, vị vua cuối của Triều Nguyễn và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của nền Đệ II Việt Nam Cộng Hòa, cả hai vị thiệt có con mắt tinh đời khi quý đệ nhất phu nhân đều là những giai nhân nổi tiếng của phương Nam nước Việt.
Thực ra tôi viết chút phiếm cho vui để quên lãng tuổi già đang xồng xộc chạy đến không bóp còi báo trước. Trong đó, cái sợ lớn nhất là sự lãng quên về tình bằng hữu của chúng ta “đã sống một đời hai thế kỷ” mà một người bạn thân thiết đã viết trong một bài thơ ngắn tặng tôi.
Nói cho ngay thì chỉ có ông bạn họ Phạm ở Atlanta là còn khen tôi biết uống rượu ngắm hoa, càng già càng dẽo mà không biết có còn… dai. Còn Bùi bằng hữu, chủ nhân tiệm hoa ở Houston lại khen tôi giống gã trồng hoa trong nội cung ở Tử Cấm Thành, ý nói may mắn gặp thiên hạ đệ nhất mỹ nhân như Trần Viên Viên lúc xưa mà “trên bảo dưới không nghe” thì chán mớ đời. Nếu phải như vậy thì thà không có mặt ở nhân gian còn sướng hơn. Theo tôi thì hình như tuổi chúng ta càng lớn thì sự ham muốn nầy nọ cũng lớn theo, không mạnh về thực hành như thời trai trẻ nhưng lại mạnh về tưởng tượng và ảo giác. Cái nầy mới thiệt là quý nhưng cũng thiệt là nguy hiểm. Tuy Luận ngữ có nói “thất thập nhi tòng tâm” nên mê đắm cỏi trần làm sao bỏ được. Tình yêu vốn là đề tài của muôn thuở, đâu thể phân biệt tuổi tác này nọ phải không.
Có một lần đọc mail, thấy ông bạn họ Cù ở Georgia có mỹ danh “Cù đại tửu tiên sinh” đặt câu hỏi về bài hát Cô Láng Giềng và đóa tường vi “trên nẻo về của ý” khiến tôi mừng quá đổi. Mừng nhất là Cù tiên sinh đã hầu như ổn định được “bộ nhớ”, tránh không phài gặp lão điên điên Alzheimer. Còn những cái thuộc về physical thì cứ để từ từ tập luyện theo thời gian bạn nhé. Bạn biết không, lúc nào tôi cũng yêu Cô Láng Giềng của Hoàng Quý nên rất ghiền hương sắc hoa Tường Vi. Trước sau gì Người Hát Rong cũng sẽ gởi đến bác Cù và bằng hữu bài hát có nhiều kỷ niệm về một Cô Láng Giềng nào đó có nhau trong đời. Mong Cù tiên sinh và quý chư vị bằng hữu kiên nhẫn chờ nghe.
Tuy tôi đang kể chuyện gần gần nhưng lại muốn đi xa thêm chút nữa cho vui. Cuối năm rồi có bằng hữu mũ đen Thiết giáp ở Nam Cali, nhất định không chịu cùng tôi về thăm khu Đồng Ông Cộ ở Gia Định, nơi tôi đã sống trọn vẹn một thời trai trẻ trong lứa tuổi thanh xuân. Khi tôi viết bài thơ “Nhớ Quê Nhà” dựa theo ý bài “Hồi Hương Ngẫu Thư” của cụ Hạ Tri Chương, một nhà thơ lớn thời thịnh Đường thuở xưa, cũng là lúc tôi đang thương nhớ Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, Chợ Bà Chiểu, Ngã Năm Bình Hòa, Đồng Ông Cộ và Ngã Tư Xóm Gà của tôi vô cùng tận.
Một hôm mơ về Đồng Ông Cộ
Buổi chiều ra hẻm đứng chờ xe
Nhớ cánh đồng xưa, thời cổ mộ
Thôi mất rồi, dấu tích hoang mê
Đứng ở ngã Năm nghe gió thổi
Tưởng như còn thấy cánh đồng xưa
Ngày ấy – Bây giờ. Bao dâu bể
Nhớ thương quê, biết mấy cho vừa.
Từ độ vầng trăng thôi giỡn nước,
Bóng chiều sương khói phủ đầy vơi.
Lời hẹn năm xưa cùng sông núi
Không lẽ buông xuôi với dòng đời.
Ngày đi xanh tóc, lòng hoang vắng
Lúc về đầu bạc, nặng đau thương
Xóm Gà, Bà Chiểu, âm thanh cũ
Sao thấy lạ tên những con đường
Hồi hương ngẫu thư - Hạ Tri Chương
Cuồng sĩ vang danh thuở thịnh Đường
Ông khóc xa quê, sầu xé ruột
Tôi cũng đau lòng nhớ cố hương
Hết nửa đời người, thân biệt xứ
Đọc lại thơ Ông, thấy vấn vương
Ông làm thơ, thương về chốn cũ
Tôi nhớ quê xưa cũng đoạn trường.
Ông đã hơn tôi một chữ “về”
Nên ông vẫn nhớ được tiếng quê
Tôi còn lưu lạc phương trời thẳm
Đành gởi lòng theo vạn sơn khê.
(Lê Tấn Dương)
Ở đó – Khu ngã năm Bình Hòa gần con dốc nhỏ thoai thoải xuống Đồng Ông Cộ - có căn nhà xưa của nữ ca sĩ Từ Dung, con gái rượu của nhà văn Hoàng Đạo. Thời gian ấy, chị đang nuôi người Mẹ hiền bị bệnh rất nặng. Nhiều năm sau trận chiến Tết Mậu Thân 1968, trên tường nhà chị vẫn còn đầy những vết đạn trong trận tổng công kích mùa Xuân của Việt cộng. Nhớ lại, lúc đó tôi còn đang theo học Luật ở đường Duy Tân cây dài bóng mát với rất nhiều bạn hữu, trong đó có cả lão bằng hữu “vạn lý độc hành” Vũ huynh đệ. Tháng 3 năm ấy, rời khu cầu Hang, Đông Nhì ở Gò Vấp vì việt cộng đang rình rập bắn phá khắp nơi, tôi chạy thục mạng xuống khu Đồng Ông Cộ để tránh đạn. Ai ngờ, tránh vỏ dưa gặp phải vỏ dừa. Sau đó, phải dọt luôn xuống Đa Kao, Tân Định vì trực thăng của của Quân đội VNCH bắt đầu nã đạn xuống đám VC đang ẩn nấp trong các nghĩa địa khu Phan Văn Trị và Xóm thùng, Sở rác trên khu Gia Định.
Nhớ lại thấy có điều gì đó lạ lạ, sao lúc ấy tôi chỉ gặp chị Từ Dung và thân mẫu của chị cũng là phu nhân của nhà văn Hoàng Đạo mà không gặp anh nhạc sĩ chồng chị. Tôi dùng chữ “lạ lạ” vì những lần gặp trước, thường hai người đi một đôi như bóng với hình. Nghe nói sau tháng Tư gãy súng, cuộc sống gia đình nhạc sĩ nhiều lao đao, lận đận. Mãi đến năm 1980, nhạc sĩ vượt biên qua Mỹ với cô con gái còn nhỏ và định cư ở Thành phố hoa Hồng, Tiểu Bang Oregon. Từ Dung ở lại Việt Nam một mình. Thời gian sau, nghe thêm tin buồn, mỗi người đi mỗi hướng, Từ Dung hầu như sống kín tiếng trong khi ông chồng nhạc sĩ có vợ khác và khá nổi tiếng trong giới văn nghệ quần chúng. Nói cho ngay, chàng nhạc sĩ vừa có tài, vừa có danh nên chuyện nổi tiếng trong quần chúng cũng là điều dễ hiểu.
Tôi có một ông bạn đồng môn bên Thiết giáp đang sống ở Nam Cali vẫn nằng nặc đòi về thăm chốn cũ Đà Lạt, rồi đòi la cà về thăm xóm bình khang Minh Mạng, Phan Đình Phùng một thời tóc xanh mộng mị. Chắc ông có nhiều kỷ niệm dữ dằn ở đó phải không thiết giáp bằng hữu?. Nhắc vui chuyện nầy lại nhớ thương cố bằng hữu Biệt Động quân Hoàng già. Lúc còn học trên trường, Hoàng là thân chủ tư niên khu Minh Mạng, (nói theo danh từ thời thượng xã nghĩa là “chuyên trị” khu Minh Mạng) nhưng cũng từng bể ống khói đến mấy lần, không biết trong khu Minh Mạng hay ở khu phố Phan Đình Phùng hoặc xóm bình khang nào khác. Tôi nhớ năm thứ 2 trên trường, có lần nửa đêm, Hoàng già thức giấc, gãi rột rột hoài làm anh em không ngủ đươc. Tôi hỏi có chuyện gì đó ông nội. Gia Hoàng bảo chắc tao bị lây ngứa từ khu Minh Mạng, gãi đỏ rực bộ chỉ huy cục R, chiến khu tam giác sắt mà không cách nào bớt ngứa. Tôi truy tiếp. Ông kinh nghiệm giang hồ đầy mình mà sao cứ lựa mấy em mặt đẹp tóc dài làm chi để phải học đàn (gãi) mỗi đêm cho khổ, tìm mấy em bình thường hoặc quê quê một chút là an toàn trên xa lộ. Nhớ nhé ông.
Mấy hôm sau, không biết Hoàng nghe lời khuyên của ai, dùng dao cạo râu cạo sạch tóc tai cục R và Tam giác sắt khiến mấy chú du kích “rận” không còn nơi để bám trụ. Từ đó về sau mới hết gãi. Tội nghiệp cho Hoàng già. Sau ngày gãy súng Tháng Tư 1975, bạn ấy đi cải tạo lao động trên các khu núi rừng Bắc Việt, bị đau khổ trở về thăm lại xứ Bắc của tuổi thơ ngày xưa trong vai người tù khổ sai nhiều năm, qua nhiều trại tù nổi tiếng như Hà Giang, Cây Khế, Sơn La. Đến trại cuối Nam Hà, bạn tôi đã nằm lại vĩnh viễn ở đó vì bệnh kiết lỵ trong thương tiếc của đồng môn. Bốn bạn tù ốm đói đưa xác bạn mình đi chôn trên chiếc xe cải tiến trong một chiều gió lạnh mưa phùn. Một hình ảnh chỉ có dưới chế độ cộng sản, ảm đạm và thê lương vô cùng. Không biết xương cốt của Hoàng đã được gia đình đưa về Nam chôn cất hay vẫn còn hoang mồ trên xứ Bắc quạnh hiu.
Lan man đến chuyện rận, tôi lại nhớ một câu chuyện vui khác về cuộc du hành của một chú rận trong cuốn “Chuyện Cấm Đàn Bà” của Đặng Trần Huân xuất bản năm 1966 ở Sài Gòn. Kaki Đặng Trần Huân kể: Có một chú rận khoái đi du lịch kiểu đi “Phượt” như bên nhà thời bây giờ. Sau nhiều ngày vượt đồi qua suối. Một hôm, rận ta khám phá ra một khu rừng, cây cỏ rậm rạp. Cuối triền dốc là một khe suối cạn nhưng còn ẩm ướt. Đang mon men quan sát thì chú rận bỗng giật mình vì thấy trời đất tự nhiên tối sầm. Một lão khổng lồ, đầu trọc láng coóng xuất hiện từ trên cao. Không nói không rằng, lão chúi đầu nhảy thẳng xuống suối cạn. Chú rận bị cuốn phăng theo xuống đầm lầy ẩm ướt phía dưới. Lão trọc lại phóng lên cao, rận cũng cố sức leo lên để thoát nạn. Chưa tới bờ suối thì rận lại thấy lão phóng xuống lần nữa thật nhanh như tìm kiếm một cái gì đó dưới đầm. Sau nhiều lần lão trọc thám hiểm khu đầm lầy, rận thấy cánh rừng chung quanh bị rung chuyển giống như đang trong trận động đất, khu đầm lầy như bị nước tràn sau cơn mưa giông. Chuyện của ông Kaki Đặng Trần Huân còn nhiều chi tiết dã man lắm nhưng tôi không dám kể tiếp vì sợ bị đòn. Cứ xem như một tai nạn cho nhà rận thế thôi.
Trở lại chuyện cũ. Tôi cũng muốn theo ông Thiết giáp về thăm xóm xưa Minh Mạng một chuyến và cũng muốn đố ông tại sao xóm bình khang nổi tiếng Đà Lạt lại nằm ở khu Minh Mạng, Phan Đình Phùng, tên những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Đang tính chờ book vé đi Đà Lạt với ông bạn Thiết giáp thì ông bạn họ Huỳnh ở Nam Cali bất ngờ lên vùng, hứa hẹn mang Cordon Blue về Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đãi anh em trong dịp họp mặt xem lễ hội Hoa Anh Đào. Cái mũi tôi đã đánh hơi mùi thơm của rượu Cordon Blue rồi đó. Rượu tây chắc là thơm hơn rượu ta rồi. Nhưng không biết nó có đằm thắm hơn em Cây Lý, Gò Đen năm xưa không nhỉ? Chờ xem.
Mình đang phiếm về chuyện uống rượu, xem hoa. Chắc thấy còn thiếu sót chút gì đó trong bức tranh vừa tao nhã, vừa thực dụng của đời sống nhân gian nên ông bạn họ Lê ở San Jose gởi lên ngay bức tranh hình một mỹ nhân tuyệt đẹp mang một bình trà xinh xắn để tăng thêm cảm xúc cho anh em khi xem. Buổi sáng Cali còn ấm áp nên mỹ nhân tha thướt trong bộ cánh mong manh, vừa sang trọng, vừa khêu gợi trông rất tuyệt. Mỹ nhân trong hình nếu lên thăm xứ Tây Bắc của tôi mùa nầy, chắc phải mượn thêm bộ Jasper dạo phố mùa Đông để khoác ngoài cho ấm chứ chịu sao thấu cái giá lạnh rừng núi Rainier. Tôi nghe Bùi bằng hữu từ Houston chép miệng than: Thiện tai, thiện tai đến mấy lần. Chắc hẳn giai nhân trong tranh phải là “tuyệt thế nhi độc lập” như câu thơ của Lý Diên Niên mô tả.
Người xưa hay nói: Một trà, một rượu một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta. Nhưng nếu không có những cái lăng nhăng đó thì buồn lắm phải không các bạn. Nhất là vào tuổi “cổ lai hi” như anh em chúng ta. Dám có ông chưởi thầm trong bụng, cha nầy viết bạo quá, không nể nang ai cả. Bảy mươi chưa phải là già. Già râu già tóc đâu già “chi mô…” Nhưng thôi, các bác cứ yên chí và bình chân như vại vì người xưa cũng đã có cách chỉ dẫn cho niềm vui tuổi già chúng ta thăng hoa, ngon lành hơn và cũng xoay quanh chuyện một trà một rượu một đàn bà như chúng ta đang bàn vui. Các Bác cứ làm thử xem ra sao nhé. Biết đâu sẽ có chỗ đắc dụng. Bài thuốc như sau:
Dạ bán tam chung tửu
Bình minh nhất ẩm trà
Thất nhật dâm nhất độ
Lương y bất đáo gia.
Tôi xin tạm dịch cho vui thay cho lời kết bài Phiềm lần nầy.
Nửa đêm uống rượu ba chung nhỏ
Sáng sớm tinh sương một ấm trà
Chuyện ấy, bảy ngày “lài một cám”
Lâu rồi thầy thuốc chẳng thèm qua.
Lê Tấn Dương
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment