Nguyễn Ngọc Duy Hân
"Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”
Hai câu ca dao này có lẽ ai cũng biết vì nó rất phổ thông, đã được phổ thành
nhạc, trong đó có nhắc tới cây bưởi. Cây bưởi gần gũi với người Việt chúng ta
rất nhiều, ngày Tết trên mâm cúng trái cây cũng thường có chưng trái bưởi. Mùi
thơm của lá, vỏ và hoa bưởi ai cũng thích, ít ai bị dị ứng. Bưởi là bà
con rất gần với cam, quít, chanh, tắc... Hôm nay mời bạn cùng tôi nhâm nhi
chén chè bưởi, rồi lướt qua các loại trái cây này nhé.
Bưởi là loài cây to, cao trung bình khoảng 3 tới 4 mét. Cây thân gỗ, cành có
gai nhọn. Hồi xưa khi chưa có kỹ thuật tân tiến xỏ lỗ tai để đeo đôi bông,
người dân quê dùng gai bưởi đâm vào 2 trái tai của bé gái, xong dùng sợi chỉ
vòng vào để bé có thể đeo đôi bông tai sau này. Ngày nay phái nam cũng đeo
bông tai, và không những đeo ở tai mà còn đeo ở nhiều chỗ rất hiểm. Mà thôi,
xin trở lại với chuyện cây bưởi kẻo lạc đề.
Bưởi nổi tiếng ở Biên Hòa, nên mới có câu:
"Biên Hòa xứ bưởi thanh thanh
Có cô bán bưởi xinh xinh trữ tình"
Cây bưởi là cây thuộc chi họ cam chanh, có tên khoa học Citrus Maxima, có
nguồn gốc từ các vùng thuộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Lá bưởi nấu với
các lá thơm khác xông chữa cảm cúm, gội đầu hay tắm để giữ được mùi hương
thiên nhiên quyến rũ. Hơn hai năm dịch Covid vừa qua, nếu ai lỡ “dính” thì
chắc cũng đã từng cần lá bưởi để xông cho dễ thở. Vỏ quả bưởi chữa ăn uống
không tiêu, giảm ho hoặc nấu chè bưởi rất ngon. Trà móc câu ướp hương bưởi là
loại trà mắc tiền nổi tiếng.
Tuy nhiên thứ nào cũng thế, không nên ăn quá nhiều. Người ta đã lưu ý không
nên ăn bưởi khi đói vì chất axit citric rất cao, có thể sẽ làm tổn hại cho dạ
dày. Cũng không nên ăn ngay sau khi uống rượu hoặc hút thuốc, vì nước bưởi có
chứa chất pyranocoumarin làm tăng độc tính của thuốc lá, nicotin và ethanol
gây hại cho sức khoẻ. Theo Đông Y bưởi có tính lạnh, nếu ăn vào khi đang bị
tiêu chảy hay đường tiêu hóa kém sẽ khiến bệnh càng trầm trọng hơn.
Vỏ bưởi có chứa một lượng lớn tinh dầu, kích thích sự sản xuất collagen, tái
tạo các tế bào da mới, giúp cho làn da săn chắc và khỏe mạnh, giúp se khít lỗ
chân lông, từ đó ngăn ngừa bụi bẩn và bã nhờn tích tụ trên da. Vỏ bưởi sẽ giảm
làm tỷ lệ xuất hiện nếp nhăn, tàn nhang ...
Bưởi còn là người bạn tốt của mái tóc nữa. Nếu bạn bị hói đầu hãy ép nước bưởi
tươi và xoa lên đầu cùng một chút tinh dầu từ vỏ bưởi trộn với tinh dầu dừa,
tóc sẽ được kích thích mọc ra ... chút đỉnh!
Việt Nam ta có các loại bưởi Thanh (gốc Huế) bưởi Long cổ cò (gốc Tiền Giang),
bưởi Năm Roi (gốc Cần Thơ, Vĩnh Long) , bưởi Tân Triều (Biên Hòa), hoặc
bưởi đường hồng, bưởi da láng, bưởi da xanh, bưởi da cóc, bưởi chùm, bưởi
ổi…
Quả bưởi tại cuộc thi Banpeiyu được tổ chức ở Kumamoto - Nhật Bản đã đạt danh
hiệu nặng nhất thế giới, với gần 5 kg.
Ca dao ta có rất nhiều câu liên hệ tới bưởi:
"Trèo lên cây bưởi hái bòng
Đưa dao ta gọt xem lòng ngọt chua"
Hoặc câu:
"Dầu bông bưởi, dầu bông lài
Xức vô tới Tết còn hoài mùi thơm"
Trai làng ngày xưa ngâm nga câu:
“Hỡi cô trồng sen! Cho anh hái lá
Hỡi cô trồng bưởi! Cho anh hái hoa”
Anh chàng này thanh cảnh ghê, sen đẹp ở hoa rồi cho hạt sen ăn vừa ngon vừa
bổ, nhưng anh thích lá hơn. Bưởi thì anh không cần trái, chỉ muốn hái hoa!
Hai câu:
“Biên Hòa đất rộng người thưa,
Có nhiều quà quý rất vừa lòng ta”
“Có bưởi vui cửa vui nhà,
Không bưởi như thiếu cành hoa mai vàng”
cũng rất phổ thông trong văn chương bình dân.
Riêng bài hát "Ông trăng xuống chơi cây bưởi thì cây bưởi cho hoa" thì
có lẽ rất nhiều người biết.
Còn bài hát "Con Đường Việt Nam" của Trúc Hồ thì rất da diết:
"Nhớ hoa bưởi sau nhà
Bóng tre đưa la đà
Tiếng ve kêu trưa hè
Thành tiếng quê hương đậm đà"
Lục bát của Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc trong bài
"Đưa em tìm động hoa vàng" thì rất nổi tiếng:
"Thôi thì em chẳng còn yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng"
Còn nhạc phẩm "Nguyên Vẹn Hình Hài" tác giả Phạm Duy cũng đã cảm hứng:
"Ai có tạt vào Chợ Tân Định
Hay đi vô Chợ Bến Thành xưa
Cam quýt bưởi chẳng cần xin tặng"
Bài thơ Xuân về trong tập thơ Tâm Hồn Tôi của Nguyễn Bính xuất bản năm 1940 có
câu:
"Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng"
Còn trong thơ Nguyên Sa mùi thơm đã được ca tụng:
"Nhớ ngày cây bưởi đâm bông,
Mùi thơm hoa bưởi ngàn năm vẫn còn ..."
Trái bưởi thường to, nên bộ ngực của các cô minh tinh khi lớn quá khổ thường
được ví to bằng 2 trái bưởi. Ngược lại, cô bé mới lớn thì bị ví như
"chũm cau".
Chuyện bưởi tạm xong thì bây giờ tới dòng họ của nó: Cam, quýt, bưởi, tắc,
chanh…thuộc chi họ Cam Quýt, tiếng Anh là Genus Citrus.
Cây cam cao khoảng 10 mét, cành có gai và lá xanh dài khoảng 4-10 cm. Cam cũng
bắt nguồn từ vùng Đông Nam Á, có thể từ Ấn Độ, Việt Nam hay miền nam Trung
Hoa. Người Tây Ban Nha đem giống này vào Mỹ Châu khoảng giữa thế kỷ 16.
Trong Kiều của thi hào Nguyễn Du thì tìm không thấy bưởi, nhưng có quít qua
câu:
"Đào tiên đã bén tay phàm,
Thì vin cành quít cho cam sự đời"
Cam ở đây là động từ, có nghĩa là cam chịu, cam lòng. Nguyễn Du cũng đã diễn
tả:
"Sao cho muôn dặm một nhà,
Cho người thấy mặt là ta cam lòng".
Tản mạn về cam thì phải nhắc tới địa danh quận Cam, tức là Orange County nơi
rất đông người Việt tị nạn. Người Việt ở đây đã rất thành công, có nhiều bác
sĩ kỹ sư, nhiều người tham gia chính trị dòng chính. Phần con cháu học tiếng
Việt, giữ gìn truyền thống văn hóa rất tốt.
Trở lại ngày xưa, thì chắc không ai quên chuyện cậu bé Trần Quốc Toản đã bóp
nát trái cam trong tay vì không được vào dự họp với các bô lão để bàn chuyện
chống Tàu xâm lược. Ngày nay, dưới chế độ cộng sản, nhiều người dân đã nghiến
răng phẫn uất trước sự cai trị của bọn cầm quyền Việt Cộng, nhưng khó mà làm
chuyện lớn vì họ trù dập, đàn áp người bất đồng chính kiến quá ác độc. Dân oan
dân nghèo cũng chẳng có sẵn cam mà bóp, đành bóp miệng nhịn ăn nhịn nói chờ
ngày cộng sản sụp đổ mà thôi.
Trái cam có nhiều kích thước, thường là tròn có khoảng 10 múi. Khi chín, vỏ
ngoài đổi thành màu cam rực rỡ, có lẽ vì thế nên người ta mới gọi là trái cam!
Thế nhưng ở vùng khí hậu nhiệt đới, một số loại cam dù chín nhưng da vẫn giữ
màu xanh lá cây. Có những loại cam đột biến tự nhiên không hột, nhưng đa số
thì các người trồng phải nghiên cứu, dùng kỹ thuật kinh nghiệm để các loại
trái cây có ít hột, dễ ăn hơn.
Loài cam có thể lai giống giữa bưởi Pomelo (Citrus maxima) và quýt (Citrus
reticulata). Cùng chi họ nhưng trái Citrus Sinensis được phân loại là cam
đường, trong khi loại cam Citrus Aurantium được gọi là loại cam đắng (bitter
orange). Cam đắng dùng trong thuốc Bắc như chất kích thích và chống thèm ăn,
có lẽ vì nó làm đắng miệng quá không muốn ăn cái gì khác!
Cam được ăn tươi hoặc ép lấy nước, làm mứt, nhân bánh, ép tinh dầu thơm trong
vỏ cam.
Sách đoán điềm giải mộng bảo rằng nếu mơ thấy mình đang ăn những quả cam ngon
ngọt, điều này cho thấy mình đang rất hài lòng về những gì mình có. Khi mơ
thấy mình mua cam tặng cho người khác, đó là dấu hiệu tốt trong việc cải thiện
các mối quan hệ tình cảm. Nếu mơ thấy quả cam hoặc quýt có thể đánh số đề là
87 - 90.
Còn cây Quýt, trong khoa học có tên là Citrus Reticulata Blanco, thuộc chi họ
Cam Quýt. Ở Việt Nam, quýt được trồng khắp nơi với nhiều giống và chủng loại
khác nhau.
Quả quít hình cầu hơi dẹt, màu vàng da cam hoặc ửng đỏ, vỏ mỏng, múi không
dính nên dễ lột. Vỏ quít phơi khô cho thơm nhà, đuổi loài gián đi xa hoặc bỏ
thêm vào chè đậu nấu rất thơm. "Vỏ quít dầy, móng tay nhọn" là câu ví
von ông bà ta rất hay dùng. Ông bà cũng hay chép miệng
"Quýt làm cam chịu" ý nói có những chuyện người trong nhà làm nhưng
mình bị liên lụy, con cái gây đau khổ cho cha mẹ.
Quýt bán trên thị trường thường được gọi tên theo vùng trồng, hoặc theo hình
dáng và độ ngọt, chẳng hạn quýt mật Nam phong, quýt Tàu Tứ Xuyên, Quảng Đông,
rồi quýt đường, quýt tuyết, quýt lô v.v...
Nói về hiếu thảo với cha mẹ, thì chắc quí vị còn nhớ chuyện Lục Tích ăn cắp
quít. Chuyện xảy ra vào đời Đông Hán, có cậu bé tên là Lục Tích mới 6 tuổi mà
đã biết thương cha mẹ. Một hôm Tích được theo cha đi ăn tiệc, thấy có quít
ngon, Tích không dám ăn hết, để dành mấy múi đem về cho mẹ. Ai cũng khen Lục
Tích là người con chí hiếu.
Tiếp sau đây xin kể câu chuyện liên quan đến cây quất này. Chuyện là khi Án Tử
sắp sang nước Sở để dâng quà, gọi là đi sứ, thì vua Sở bảo cận thần
rằng: "Án Tử là một tay ăn nói giỏi nước Tề, nay sắp sang đây, ta muốn làm nhục,
có cách gì không?"
Cận thần bèn thi hành kế hoạch. Khi đang tiệc, có hai tên lính điệu một người
bị trói vào.
Vua giả vờ hỏi: "Tên kia tội gì mà phải trói thế?"
Lính thưa: "Đây là người nước Tề phải tội ăn trộm."
Vua nhìn Án Tử mỉa mai: "Người nước Tề hay trộm cắp lắm nhỉ!"
Án Tử đứng dậy trả lời:
"Chúng tôi nghe cây quất mọc ở đất Hoài Nam, thì là quất ngọt, đem sang
trồng ở đất Hoài Bắc, thì hoá quất chua. Cành, lá giống nhau mà quả chua,
ngọt khác nhau là tại thuỷ thổ khác nhau. Nay dân sinh trưởng ở nước Tề
không ăn trộm, sang ở nước Sở thì sinh ra trộm cắp. Có lẽ cũng tại vì cái
thuỷ thổ khác nhau nó xui khiến ra như thế chăng!"
Vua Sở bị "quê một cục"!
Trở lại với chuyện đời nay, một số người làm vườn thấy cam và quýt tuy cùng họ
với nhau, nhưng nếu trồng chung một vườn thì cam sẽ kém ngon, còn quýt quả to
hơn, nhưng vị của nó cũng đã khác đi rồi. Vì thế, muốn có cam hay quýt thuần
chủng, giữ được hương vị riêng thì phải trồng khác vườn. Quả thế, nhà bạn tôi
ít đất, nên anh trồng khổ qua và bầu chung giàn, kết quả trái bầu bị lai chất
đắng.
Bây giờ xin nói tiếp chuyện trái chanh. Chanh nhỏ hơn cam quít và rất chua, dù
ngày nay đã có loại chanh khá ngọt, có bán ở các chợ.
Ca dao thì nhắc tới chanh nhiều lắm:
"Chừng nào đá nổi, vung chìm
Muối chua chanh mặn mới tìm được em"
Hoặc câu: "Con gà cục tác lá chanh", ý nói khi luộc gà phải có lá chanh
mới thơm ngon, hợp khẩu vị. Tôi thì thích luộc ốc có bỏ lá chanh vào, thơm át
đi mùi tanh của ốc.
Ông bà xưa cũng chia sẻ nỗi niềm:
"Khen ai khéo dỗ khéo dành
Chanh chua bậu chuộng, cam sành bậu chê"
Hoặc:
"Chanh chua thì khế cũng chua
Thương nhau ruột thịt ganh đua làm gì"
Riêng câu: "Chanh bán có mùa, khế bán quanh năm" thì khá khó hiểu. Tôi
phải hỏi một người "túc nho", anh giải thích là chanh và khế đều chua
như nhau, nhưng khế thì luôn có sẵn, chanh thì phải đợi tới mùa mới có. Tức là
ông bà ta "warning" ai ưa chuộng cái hào nhoáng bên ngoài thì cũng chỉ được
một đoạn ngắn mà thôi. Tôi thích câu này lắm, mong quý ông đặc biệt lưu
ý!
Phe liền ông cũng "chế" ra câu ca dao này để bào chữa cho tính lãng mạn trăng
hoa của mình:
"Chua lắm thì cũng bằng chanh,
Làm trai ai chẳng sở khanh đôi lần."
Người ta cũng chê "lanh chanh như hành không muối", lanh chanh ở đây là
động từ, không có chất chua trong đó!
Giống chanh Phật Thủ có tên khoa học là Citrus Medica tức là chanh hình ngón
tay, nhìn rất đặc biệt.
Ngoài ra có một loại trái tên là chanh Dây - Passion Fruit. Chanh dây là loài
dây leo giàn tên khoa học là Passiflora Edulis, không thuộc dòng họ chanh
thông thường tuy cũng có vị chua. Giống này có nguồn gốc ở Nam Mỹ, được pha
chế làm nước uống, làm hương vị cho kem, nhân bánh với vị chua đặc biệt và mùi
thơm dễ chịu.
Để kết luận cho phần phiếm luận về dòng họ "Citrus" này, tôi xin dùng một câu
danh ngôn khá hay, uớc gì áp dụng được thì rất tốt:
"Nếu đời cho ta một quả chanh, hãy pha thành ly nước chanh để uống".
Đúng thế, chất chua cần có đường để giải bớt cái gắt. Ngọt ngay như đường thì
cũng dễ ớn, đem tới bệnh tiểu đường, hãy kết hợp, hài hòa để có được kết quả
tốt nhất. Dĩ nhiên là không dễ, nhưng cũng không có nghĩa là không bao giờ làm
được. Tất cả tùy thuộc vào sự kiên trì, cố gắng của chính mình.
Chúc bạn luôn vui tươi như khi được
"Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt."
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment