Trần Phố Hội
Cuối mùa Hè 1959 Lộc xuống Hội An để bắt đầu năm đệ Thất. Chương trình Trung
học khác hẳn với Tiểu học, nhiều môn học mới nên Lộc phải lo học. Vốn là một
học sinh siêng năng, chăm chỉ nên Lộc luôn luôn học bài, làm bài trước thời
hạn. Vài tháng đầu Lộc buồn vì nhớ nhà nên tìm vui bằng cách học và đọc thêm
sách, báo. Đến gần Tết thì thấy chuyện học không khó như Lộc lo nghĩ nên Lộc
bắt đầu kết bạn và khi chia tay nghỉ Hè thì Lộc đã có một số bạn.
Từ một cậu học trò nhà quê hiền lành, ít nói; nay, sau gần hai năm sống ở
thành phố, Lộc đã hòa nhập và thấy thích cuộc sống mới, tiến bộ, văn minh ở
thành thị. Cuối năm đệ Lục thì những bạn bè của Lộc trở nên thân thiết, gọi
nhau mày tao. Lên đệ Ngũ được một tháng thì Lộc dạy kèm cho một học sinh dưới
Lộc hai lớp nhờ thầy Trọng giới thiệu, từ đó Lộc có tiền đi ăn uống hay coi
ciné với bạn. Đã có đôi lần Lộc cùng bạn bè rủ nhau ra tiệm uống nước và đấu
láo. Đám bạn của Lộc thích quán nước ở cuối đường Nguyễn Thái Học, gần chùa
Cầu, nơi đó thức uống ngon và họ mở radio thường xuyên nên được nghe nhiều bản
nhạc hay. Thay vì uống nước chanh hay nước dừa như đám bạn, thì Lộc thích uống
một ly Ovaltine nóng vì Lộc nghĩ rằng Ovaltine có nhiều chất bổ. Gần cuối
tháng 1 năm 1962 Lộc và bốn thằng bạn rủ nhau ra quán này uống nước trước khi
chia tay về ăn Tết, trong lúc trò chuyện về việc học hành, thi cử thì thằng
Hưng than thở:
- Tao may mắn đậu vào đệ Thất ở đây nhưng hơn hai năm nay tao học rất vất vả,
sợ sau này thi Trung học không đậu.
Thằng Quyết liền trấn an:
- Lo gì mày, học tài thi phận mà; cứ học như thường, đậu hay rớt là do Trời.
Lộc không đồng ý với Quyết nên liền lên tiếng:
- Thằng Hưng học kém thì hắn lo là phải, muốn thi đậu thì phải hiểu bài và
thuộc bài, có chỗ nào không hiểu thì nhờ bạn bè giải thích giùm, bọn mình phải
sẵn sàng giúp hắn. Tao muốn nhắc thằng Hưng rằng
“Có công mài sắt có ngày nêm kim.”
Rồi Lộc nhìn thằng Quyết và chỉ trích:
- Mày không giúp thằng Hưng thì thôi, đừng đầu độc hắn bằng tư tưởng cầu an, ỷ
lại. Câu “học tài thi phận” chỉ nên dành cho những người học kém hay
thiếu cố gắng, rồi khi thi rớt thì đổ cho Trời để tự an ủi mình.
Lân nhảy vào tranh luận:
- Thằng Lộc làm như chuyện gì mình cố gắng hết sức thì sẽ thành công, mày
không nghe người ta nói “mưu sự tại nhân, thành xự tại Thiên” sao?
Lộc hơi bối rối vì ý kiến của Lân, nhưng hắn phản công ngay:
- Mày cho thí dụ về chuyện này đi.
Lân ậm ừ rồi không trả lời.
Cường thấy câu chuyện sắp đi đến hồi tranh cãi nên chuyển đề tài:
- Nói đến những chuyện khoa học không chứng minh được thì bọn mày cãi nhau cả
năm cũng chẳng đi đến đâu, hãy trở lại chuyện ăn Tết đi. Thằng Hưng và thằng
Lộc có tính mua chút gì về làm quà cho gia đình không?
Hưng đồng ý ngay, hắn tâm sự:
- Tao muốn như vậy nhưng thú thật không biết mua thứ gì và mua ở đâu?
Thằng Quyết là dân Hội An nên liền lên tiếng:
- Ngày mai học xong hai đứa mày theo tao ra chợ Hội An, mấy người bán hàng sẽ
giúp ý kiến cho tụi mày.
Ăn Tết Nhâm Dần 1962 xong thì Lộc và đám bạn lo học nhiều hơn trước, khi ấy là
phần hai của năm đệ Ngủ, và đệ Tứ là năm mà bọn Lộc rất quan tâm thì sắp đến;
từ đó ít khi rủ nhau đi uống nước, trò chuyện.
Mùa Hè 1962 Lộc về quê phụ Má của Lộc là bà Mai trông coi quán. Những lúc rảnh
rỗi Lộc nhớ lại khi còn ở trong Châu Phong. Mới lên chín Lộc phải giữ em, phụ
Ba Má làm đủ thứ việc lặt vặt trong nhà, có khi phải nấu cơm cho Ba Má và
những người trong làng tới giúp gặt lúa. Khi Lộc xong năm đệ Thất thì cuộc
sống của gia đình Lộc thay đổi khá nhiều. Ba Má Lộc thấy thu nhập mùa màng
không cách gì đủ cho Lộc ăn học ở Hội An nên ra tỉnh lộ mở quán bán tạp hóa và
mì Quảng. Lợi tức của quán tuy có khá hơn nhưng cũng không đủ nên Ba của Lộc
là ông Phước đã vào Sài Gòn khi Lộc mới lên đệ Ngủ để làm việc cho trường
Trung học tư thục Quốc Bảo do người cậu họ của Lộc làm chủ. Khi Lộc trở lại
Hội An để bắt đầu năm đệ Tứ thì bà Mai và hai em của Lộc chuẩn bị dọn vào Sài
Gòn, sang cái quán lại cho chị Lê, vợ anh thư ký xã.
Khi Lộc đậu vào đệ Thất ở trường Trần Quý Cáp thì dự tính của Ba Má Lộc là cố
gắng nuôi Lộc đến khi đậu Trung học, rồi Lộc sẽ đi học Sư phạm một năm để đi
dạy học. Tương lai của gia đình, đúng ra là của mấy em, tùy thuộc vào việc học
của Lộc. Ba Má Lộc làm ruộng vất vả quanh năm mà thu nhập không bằng một nửa
lương anh thư ký xã, nói chi đến lương của ông thầy giáo tốt nghiệp trường Sư
phạm. Nay, chỉ sau có ba năm, cái tương lai đó hoàn toàn thay đổi; ít tháng
nữa thì Má và hai em của Lộc dọn vào Sài Gòn, rồi khi Lộc học xong đệ Tứ thì
cũng dọn vô Sài Gòn. Nhớ lại buổi trò chuyện với đám bạn trước khi về ăn Tết
thằng Lân nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, nay Lộc thấy những
dự tính của Ba Má về tương lai của Lộc chưa chắc diễn ra như ý muốn, không
biết cuộc đời của Lộc sẽ ra sao sau khi vào sống ở Sài Gòn, rồi Lộc thấy phải
đồng ý với thằng Lân về câu nói
“mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”!
Hưng học kém trong đám bạn nên khi lên đệ Tứ thì hắn giảm bớt chuyện tụ họp ở
quán nước trò chuyện tào lao, Hưng bắt đầu “gạo” bài ngay từ đầu năm
học; Lộc và các bạn ít có dịp tụ tập như vài năm trước và hai đề tài
“học tài thi phận” và “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” đã
bị lãng quên.
Khi bận rộn thì thời gian qua mau, mới hết Hè đó thì nay Tết đến. Lộc và mấy
thằng bạn rủ nhau đi ăn phở tất niên rồi kéo đến quán nước gần chùa Cầu để trò
chuyện. Sau khi nói xong chuyện sắm quà Tết và chuẩn bị thi Trung học thì Lộc
nhìn thằng Lân rồi nhắc lại chuyện năm trước:
- Năm ngoái mày nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, tao bảo mày
cho thí dụ thì mày bí; nay tao có thí dụ đó cho mày đây.
Lộc kể cho bạn nghe những thay đổi trong gia đình hắn trong hơn hai năm qua,
đặc biệt là dự tính về tương lại của hắn. Kể xong Lộc hỏi:
- Bọn mày thấy không? Ba Má dự tính tương lai cho tao một đường thì thực tế đi
một nẻo, vậy thì đúng là
“mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” rồi.
Cả bọn ngồi im chấp nhận kết luận của Lộc, riêng thằng Lân thì vui ra mặt; hắn
hỏi Lộc với vẻ đắc thắng:
- Thế là bây giờ mày tin câu tao nói?
- Có lẽ tao tin hơn mày nữa.
Ngày công bố kết quả kỳ thi Trung học thì Lộc và bốn đứa bạn thân vui mừng vô
cùng vì tất cả đều đậu, cả bọn kéo nhau đi ăn cao lầu, rồi chia tay để về nhà
báo tin vui sau khi hẹn nhau sẽ gặp lại để ăn mừng lớn. Hôm sau thì Lộc về quê
hai tuần để ở với Bà Nội một thời gian và đi thăm Ông Bà Ngoại trước khi đi
Sài Gòn.
Khi Lộc trở lại Hội An thu xếp mọi việc trước khi lên đường thì việc đầu tiên
là liên lạc với mấy thằng bạn thân để ăn mừng và chia tay. Thằng Cường ở Cẩm
Hà và thằng Lân ở Cẩm Phô nên nhờ thằng Quyết đạp xe đi liên lạc còn thằng
Hưng ở tận Phong Thử nên chịu thua.
Một giai đoạn quan trọng về học vấn vừa kết thúc mỹ mãn, nợ đèn sánh tạm ngưng
vì lên đệ Tam thì chẳng có gì phải lo. Lần này ăn mừng thi đậu nên không uống
nước ngọt mà tất cả đều muốn uống bia (beer) để thấy mình là người lớn. Cường
hỏi Quyết:
- Mày uống hết một chai không?
- Tao không biết, tao chưa hề uống bia.
Lộc liền lên tiếng:
- Tao cũng chưa hề uống bia.
Lân đề nghị:
- Kêu hai chai và xin bốn cái ly vì tao cũng chưa uống bia bao giờ.
Hớp thử một miếng Lộc nhăn mặt nói:
- Mùi bia này kỳ kỳ, có gì ngon đâu mà người ta ghiền?
Mấy đứa kia cũng chẳng thấy gì hấp dẫn nhưng lỡ khui rồi nên đành phải uống.
Chuyện trò về việc thi cử chừng nửa giờ thì Lân hỏi Lộc:
- Vào Sài Gòn mày có đi học Sư Phạm như dự tính không? hay sẽ học lên Tú Tài?
Lộc đáp ngay:
- Ba Má tao muốn tao học lên Tú Tài vì vào trong đó thì không tốn tiền ăn ở,
chỉ tốn tiền sách vở thôi.
Quyết liền hỏi:
- Đậu Tú Tài xong thì mày sẽ vô Đại Học Sư Phạm?
Lộc tâm sự:
- Trong hai tuần vừa rồi ở với Ông Bà, có nhiều khi rảnh rỗi và yên tĩnh, tao
nhìn lại đoạn đường đã đi qua và nghĩ về tương lai, tao có cảm tưởng như có
một phép lạ đã dẫn dắt gia đình tao. Những gì Ba Má tao dự tính về tương lai
cho tao thì kết quả khác hẳn. Lúc đầu chỉ tính cho tao đi học ít năm rồi nghỉ
để ở nhà làm ruộng như bao đứa trẻ khác ở trên quê tao. Xong Tiểu học tao xin
học tiếp thì Ba Má tao nói
“nếu thi đậu vào trường công thì may ra có thể nuôi nổi”. Sau khi tao
đậu vào đệ Thất thì Ba Má tao tính cố gắng nuôi bốn năm để lấy bằng Trung Học
rồi tao thi vào Sư Phạm, nhưng chỉ một năm sau thì không đủ sức nên Ba tao
phải vào Sài Gòn làm việc. Giờ đây Ba Má tao đã phải rời quê cha đất tổ vào
Sài Gòn sinh sống để có tiền cho tao ăn học, và muốn tao tiếp tục học cho xong
Tú Tài II. Tao thực sự không biết sau khi đậu Tú Tài II tao sẽ làm gì?
Rồi Lộc kết luận:
- Tuy tin rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” nhưng tao sẽ cố
gắng học chứ không lè phè, và khi gần xong Tú Tài II thì sẽ có những dự tính
mới, nhưng chắc kết quả sẽ khác với tao dự tính; bây giờ tao còn tin vào
“phép lạ” trong cuộc đời nữa.
Hành trang là một chiếc xách tay đựng áo quần và ít giấy tờ, Lộc lội bộ ra bến
xe Hội An đón xe lên Vĩnh Điện, rồi từ đó lấy xe đò Đà Nẳng-Sài Gòn. Khi xe
chạy vào Thủ Đô Sài Gòn thì Lộc thấy đây như một thành phố tân tiến ở một quốc
gia nào khác, phố xá sang trọng, người đi lại đầy đường, xe cộ đủ loại; có một
loại xe rất đặc biệt là xích lô máy nên sau khi xe đò đến bến thì Lộc gọi xích
lô máy để đi về nhà.
Lúc đoàn tụ gia đình thật là vui và xúc động, lần đầu tiên Lộc thấy Ba nó
khóc, rồi Má nó khóc làm cho nước mắt Lộc chảy dài, hai đứa em ngơ ngác không
hiểu vì sao lại khóc khi cả nhà đang vui! Sau hai ngày vui sống với Ba Má và
hai em thì Lộc bắt đầu đạp xe đi loanh quanh Sài Gòn để xem Thủ Đô và biết
đường sá, Lộc cũng để một ngày đi xe buýt nhiều nơi.
Việc quan trọng đầu tiên của Lộc khi vào Sài Gòn là xin chuyển trường. Hồ sơ
chuẩn bị đầy đủ, đường đi nay cũng đã biết nên Lộc đến trường Petrus Ký, nhân
viên Trường nhận hồ sơ và bảo Lộc tuần sau trở lại để biết kết quả. Trước đó
ông Phước có nói chuyện với hai giáo sư trường công (dạy thêm ở trường Quốc
Bảo) về việc chuyển trường của Lộc thì họ bảo chỉ cần có lý do chính đáng như
của Lộc là được nhận, thầy Tụng còn nói thêm
“đậu bình thứ trở lên là chắc chắn sẽ được nhận”. Lộc đậu bình nên cả nhà yên trí là Lộc sẽ vào Petrus Ký.
Đúng một tuần sau Lộc trở lại trường Petrus Ký thì được biết là Trường từ chối
vì không còn chỗ. Cả nhà ngạc nhiên và thất vọng vô cùng. ông Phước nhờ thầy
Tụng tìm hiểu lý do Trường từ chối thì sau đó thầy cho biết vì tình hình chính
trị, miền Trung biểu tình bạo động, chống đối chính phủ nên họ không muốn nhận
học sinh ngoài đó sợ bị Việt Cộng gài vô để sách động biểu tình. Lộc tính đến
Võ Trường Toản xin chuyển trường nhưng ông Phước bàn ra, ông nói họ lo ngại
như thế cũng hợp lý, các trường khác chắc cũng làm như vậy, thôi con đi học
trường tư cũng được.
Việc đầu tiên và quan trọng ở Sài Gòn bị thất bại một cách tức tưởi nên Lộc
buồn và nản chí, thấy vậy Ba Má Lộc an ủi và khuyên Lộc nên lạc quan, ông
Phước giải thích rằng Lộc bị từ chối không phải vì học kém hay phạm lầm lỗi
khi nạp đơn mà vì thời cuộc, một lý do ngoài khả năng kiểm soát của mình, rồi
ông kết luận “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” con ạ. Bà Mai cũng
trấn an bằng cách tiết lộ cho Lộc biết rằng lợi tức lúc này đủ để cho Lộc học
trường tư.
Trường Trung học Quốc Bảo chỉ có đệ nhất cấp nên sau khi tìm hiểu đôi chút về
một ít trường tư thì Lộc chọn trường Quốc Tuấn vì tương đối có uy tín và tiện
đường xe buýt. Trên đường đi ghi danh Lộc thấy áy náy trong lòng, không biết
Ba Má có đủ tiền cho Lộc học đến Tú Tài II hay chỉ một năm sau lại lâm vào
cảnh cũ, khi ấy chắc không có giải pháp nào ngoài việc Lộc nghỉ học đi tìm
việc làm. Suy đi tính lại Lộc quyết định ghi danh học đệ Nhị, Lộc tin mình có
thể học nhảy và sau một năm có thể đậu Tú Tài I, khi ấy nếu Ba Má không đủ
tiền cho Lộc đi học trường tư thì Lộc có thể xin đi dạy. Về nhà báo tin là ghi
tên học đệ Nhị thì ông Phước không hài lòng, ông nói:
- Chỉ có học sinh xuất sắc lắm mới dám học nhảy, còn khá khá mà học nhảy thì
rớt là cái chắc, khi đó vừa nản chí vừa hao tiền vì học phí đệ Nhị cao hơn.
Bà Mai không biết gì nhiều về chuyện học hành nhưng nghe chồng nói vậy thì lo
lắm. Lộc vẫn tin vào khả năng của mình nên bình tĩnh thưa:
- Xin Ba Má cho con học thử ba tháng, nếu thấy theo không kịp thì con đổi
xuống đệ Tam.
Nghe Lộc nói vậy bà Mai thương con vội lên tiếng để thuyết phục ông Phước:
- Nó đã xin như vậy thì mình cũng nên cho đi ông, ba tháng không lâu đâu, nếu
nó học được thì tốt, nếu không xong cũng chẳng tốn bao nhiêu mà con nó được
toại nguyện.
Ông Phước nhìn Lộc có vẻ không tin tưởng, thấy vậy Lộc bày tỏ sự quyết chí của
mình bằng lời cam kết:
- Con sẽ cố gắng học để không làm Ba Má thất vọng.
Thời gian đầu đi học ở trường Quốc Tuấn là cả một cực hình đối với Lộc, không
phải vì chương trình học quá khó mà vì nhiều vấn đề xã hội khác. Lớp học có
khoảng 45 học sinh mà 6 đứa vô kỷ luật, đến lớp trễ đều đều mà chẳng bao giờ
xin lỗi thầy, làm ồn trong lớp, chửi thề liên tục v.v... giáo sư la rầy cũng
như không. Lộc bực mình về tình trạng này nhưng cũng bỏ qua, có một chuyện làm
cho Lộc vô cùng tức giận là nhạo báng tiếng Quảng, giả vờ không hiểu những gì
Lộc nói. Một lần nọ Lộc đứng bên cạnh xe sinh tố nhìn miếng sầu riêng, mũi hít
hít có vẻ khó chịu, thằng Khương cùng lớp đi ngang qua, thấy vậy hắn hỏi Lộc:
- Mày ăn sầu riêng không tao mua cho.
Lộc lắc đầu trả lời:
- Trái cây gì mà mùi thum thủm, ghê quá, tao không ăn đâu.
Thằng Khương liền giả giọng Quảng xổ một tràng:
- Mi không en thì dề nhà tét đèn đóng cửa cài then, con chó lớn kén con chó
nhỏ nhen ren.
Lộc tức điên lên liền nhào tới thằng Khương, hắn sợ quá bỏ chạy
“vắt giò lên cổ”, khi tan trường Khương dắt theo thằng bạn đến nói
chuyện với Lộc để giảng hòa.
Học được hơn vài tháng thì ông Phước hỏi thăm:
- Sao con, có theo nổi không?
Lộc chán nản trả lời:
- Chuyện học thì không có vấn đề nhưng có mấy đứa mất dạy quấy phá con hoài,
chịu không nổi; người ta nói “chửi cha không bằng pha tiếng” mà bọn nó
giả giọng Quảng chọc quê con.
Rồi Lộc kể lại chuyện rượt thằng Khương, bà Mai liền an ủi:
- Mới đầu thấy lạ thì tụi nó chọc chứ ít lâu sau quen rồi thì hết, con cố gắng
bỏ qua đi, đừng quan tâm tới thì tụi nó sẽ bớt chọc; chuyện học mới là quan
trọng.
Lộc than thở:
- Nói thì dễ nhưng làm thì khó lắm Má ơi.
Lộc đậu Tú Tài I ngay kỳ đầu với hạng bình thứ, cả nhà mừng lắm, bà Mai cho đi
ăn mừng ở nhà hàng Đồng Quê.
Lộc trở lại trường Petrus Ký xin học đệ Nhất, mang theo cả hồ sơ năm trước xin
học đệ Tam. Cũng như lần trước, nhân viên xem hồ sơ xong bảo một tuần sau trở
lại để biết kết quả. Lộc hỏi:
- Thưa Bác, Bác thấy có hy vọng không?
- Có, nhưng không nhiều
- Năm trước cháu có xin vào học đệ Tam ở đây vì chuyển từ Hội An vào nhưng bị
từ chối dù cháu đậu bình, rồi cháu ghi tên học đệ Nhị ở trường tư
- Vậy à?
Lộc liền đưa hồ sơ cũ cho ông, xem xong ông nói:
- Thế thì có hy vọng lắm, tôi ghi chi tiết này vào hồ sơ của cậu.
Trên đường về Lộc thấy vui vì có hy vọng, nhưng lại thấy lo. Năm trước bị từ
chối là một thất bại lớn nhưng bù lại Lộc tiết kiệm được một năm học, năm nay
nếu bị từ chối nữa thì dĩ nhiên là thất vọng vô cùng, nhưng nếu được nhận thì
chuyện gì sẽ xảy đến? Điềm lành hay điềm dữ?
Đúng như dự đoán của cụ nhân viên, Lộc được nhận vào đệ Nhất ở Petrus Ký. Bắt
đầu năm học mới Lộc lại phải tìm bạn mới vì tất cả học sinh trong lớp đều xa
lạ, đây là điểm bất lợi của chuyện đổi trường mỗi năm, nhưng cũng là điểm
thuận lợi là có nhiều thì giờ để học vì ít bạn.
Nhớ khi còn ở bậc Tiểu Học, trường xa nhà, đi bộ đến trường mỏi chân đến nỗi
muốn nằm xuống bên đường nghỉ, nay vừa đậu Tú Tài II thì ông bà Phước mua cho
chiếc xe mobylette, Lộc sung sướng tưởng như trong mơ, rồi lái xe đi chơi đều
đều. Lên Đại Học Lộc không thi vào Sư Phạm mà ghi học ban Toán đại cương-Vật
Lý (MGP). Suốt bảy năm ở Trung Học Lộc thích môn Toán nhất nên bây giờ có cơ
hội để học chuyên về môn này. Toán trên Đại Học khác toán ở Trung Học nhiều,
đặc biệt là Tân Đại Số và Hình Học Tuyến Tính. Giáo sư dạy hai môn này là
người lập dị, quanh năm ông chỉ mặc một bộ đồ dù mỗi ngày đều giặt sạch, ông
giảng liên tu bất tận không cần biết sinh viên có theo kịp không, có hiểu
không; thỉnh thoảng có đứa hỏi thì ông giải thích ngắn, gọn rồi bảo về nhà đọc
sách thì biết. Sau vài ba tháng thì Lộc thấy chán học, thằng Khôi, bạn mới
quen trong lớp, cũng chán như Lộc nên hai đứa rủ nhau trốn học đi chơi, sẵn có
mobylette mới Lộc chở Khôi đi uống cà phê. Việc học càng lúc càng tệ, Lộc biết
mình sai lầm nên gần cuối năm học thì Lộc bỏ cuộc, ở nhà ôn bài để chuẩn bị
thi vào Phú Thọ.
Trước đây tiết kiệm được một năm học, nay phí phạm một năm học; Lộc bắt đầu
thấy cuộc đời không còn dễ dàng, may mắn nữa, chông gai chắc sẽ còn nhiều
trong tương lai. Thất bại lần này làm Lộc suy tư rất nhiều vì nguyên nhân
không phải vì may rủi mà vì mình chọn sai con đường, rồi chán nản, không làm
hết khả năng.
Chưa đầy ba năm mà con đường học vấn có nhiều thay đổi, Lộc không ngờ nay mình
chọn con đường kỹ thuật, liệu có sai lầm như đã chọn MGP ở Đạị Học Khoa Học
không? Nhớ khi nhỏ phải phụ Ba tát nước từ con suối lên đám ruộng để nuôi lúa
thật là khổ, khi ấy Lộc mơ ước mình có thần lực để làm nước chảy từ chỗ thấp
lên chỗ cao. Nay thế giới có đủ các loại máy móc, từ cái bơm nước đến chiếc xe
gắn máy, đến xe hơi, đến máy bay v.v... Nghĩ đến những năm sắp tới sẽ học về
cơ khí ở Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ (TTKTPT) Lộc tin rằng sự lựa chọn lần này
chắc không sai.
Ngày nhập học năm thứ Nhất Lộc thấy vui và lạc quan vì biết rõ cái mục đích
sau bốn năm là sẽ có một nghề thực tế, cần thiết cho cuộc sống; khác hẳn với
ba năm vừa qua.
Trong ba năm cuối ở Đại Học thì Lộc có bạn gái, nhưng không đi đến đâu. Sau
khi ra trường cũng vậy dù Lộc có ý định lập gia đình, có vài trường hợp tưởng
là đi đến kết thúc nhưng cũng rã. Trên con đường học vấn có nhiều biến chuyển
bất ngờ tốt hơn Lộc dự tính thì trên con đường tình ái cũng có nhiều biến
chuyển đưa đến kết thúc khá bất ngờ, lúc đầu Lộc thấy buồn nhưng về sau Lộc
mới thấy là may mắn. Cuối cùng Lộc lập gia đình với An và sống rất hạnh phúc.
An cũng dân miền Trung, khi mới sinh ra thì gia đình của An bị Việt Minh (VM)
tịch thu nhà cửa và ruộng đất nên phải tản cư ra Huế. Khi An lên sáu thì gia
đình An dọn vào Sài gòn rồi có một người Pháp quen rủ lên Đà Lạt để cùng làm
việc với ông ta. Hoá ra công ty của ông ta bị phá sản nên không trả lương cho
nhân viên nên gia đình An thật vất vả trong thời gian này; gia đình phải dọn
về xóm nghèo để thuê nhà, nước phải xách từ giếng, An phải đi học trường bà Sơ
chung với các trẻ mồ côi ...; mẹ của An phải làm bánh để bán nuôi gia đình qua
ngày chờ ba của An tìm việc làm.
Năm 1954 ba của An có việc làm ở Đà Lạt và được cấp nhà nên dọn về đó, khi ấy
An mới xong lớp Tư. Nhằm lúc trường Tiểu Học ở Đà Lạt có dư hai chỗ ở lớp Nhì
nên Trường mở cuộc thi tuyển để chọn hai học sinh và An đã thi và trúng tuyển.
Năm 1957 ba của An được chuyển về Sài Gòn nên An lại phải đổi trường lần nữa.
Mỗi lần đổi trường là một lần bơ vơ vì mất hết bạn cũ, bạn mới thì còn xa la.
Sau khi xong Trung Học thì Lộc cũng bị đổi trường liên miên.
Có nhiều lúc tâm tình sau buổi cơm tối Lộc và An kể cho nhau chuyện thời ấu
thơ, nhờ vậy Lộc mới biết được cuộc sống của An khi còn nhỏ và thấy được sự
nhiệm màu trong cuộc đời. Càng biết nhiều về tuổi thơ của An thì Lộc càng thấy
có những điểm tương đồng kỳ diệu.
Chuyện hai đứa gặp nhau khi làm việc rồi đi đến hôn nhân thoạt nhìn thì thấy
bình thường nhưng sau khi biết những biến chuyển trong thời thơ ấu của mỗi đứa
thì Lộc thấy có rất nhiều cơ may, phép màu. An kể rằng khi lên bảy nàng và đứa
em trai bốn tuổi ra giếng đất ở gần nhà lấy nước, vì cố gắng kéo gàu nước quá
nặng nên An rớt xuống giếng. An rớt, cắm đầu xuống nhưng không hiểu sao xoay
ngược trở lại được, rồi thò tay vào thành giếng thì gặp những bậc thang nên
bám tay vào đó rồi trồi đầu lên được. An ướt lạnh, bảo đứa em
“kéo chị lên”. Khi lên được rồi thì An bảo em về nhà nói cho mẹ biết và
lấy áo quần cho chị thay. An kết luận: nếu không có phép lạ cứu em lần đó thì
anh đâu có gặp em được, Lộc cũng thấy như vậy. Chẳng những chỉ có phép lạ lần
đó mà còn bao nhiêu lần khác nữa đến với cuộc đời của Lộc và An. Năm 1974 An
đi tắm biển ở Vũng Tàu, đang lúc nằm trên phao thì bị sóng đánh lật phao. An
không biết bơi nên rớt xuống nước là bị ngộp thở ngay, tưởng là không sống
được nên An niệm Phật và thấy thương cho Lộc, khi ấy Lộc và An mới yêu nhau.
Chị của An đang ở gần đó thấy em mình bị chìm xuống nước thì lội ra cứu dù
không biết bơi, rồi cả hai đều bị xỉu vì ngộp thở. Như một phép lạ, người anh
rể của An đang bơi ở xa thấy kịp nên kêu cứu và những người gần đó đã cứu được
cả hai. Không có phép lạ lần này thì Lộc và An không có duyên nợ và không biết
cuộc đời Lộc bây giờ ra sao.
Lúc còn nhỏ Lộc sống ở vùng bị VM chiếm; tuy mới tám, chín tuổi nhưng chứng
kiến cách đối xử của VM với người dân nên Lộc thấy được sự ngu dốt, gian xảo
và dã man của chính quyền CS. Khi thấy VC sắp chiếm Miền Nam thì Lộc tìm đường
thoát thân. Tuần lễ cuối tháng 4/75 Lộc và An tìm mọi cách ra đi nhưng bất
thành.
Sáng 30/4/75 Lộc thấy bộ đội chân đi dép cao su, đầu đội nón cối, vai
mang ruột tượng gạo; hình ảnh của thời VM ấy báo cho Lộc biết một thực tại phũ
phàng và một tương lai vô cùng đen tối!
Đám cưới của Lộc và An dự trù vào tháng 11/75 thì nay hai đứa quyết định làm
đám cưới ngay để được sống gần nhau, chờ đến tháng 11/75 sợ có nhiều trắc trở,
gia đình hai bên đều đồng ý. Đến nhà in trên đường Võ Tánh ở Phú Nhuận, gần Võ
Di Nguy, để in thiệp cưới Lộc và An chọn ngày gần nhất là một tuần sau, Chủ
Nhật 11/5. Lộc về nhà báo tin thì ông bà Phước không bằng lòng chút nào,
ông Phước nói như trách móc:
- Nói làm đám cưới sớm thì cũng vài tháng chứ sao gấp quá vậy?
Bả Phước thêm vào:
- Một tuần làm sao lo cho kịp, con?
Lộc hiểu ý Ba Má muốn có đám cưới với đầy đủ lễ nghi và bà con tham dự đông đủ
nhưng Lộc và An tin rằng càng để lâu càng rắc rối, có khi không được làm đám
cưới. Để Ba Má vừa lòng Lộc đồng ý hoãn lại 1 tuần. Lúc ấy chính quyền VC cấm
tụ họp và thiệp cưới in ra chỉ để báo tin thôi chứ không mời ai hết. Đến nhà
in để đổi ngày thì họ bảo đã in rồi và đưa thiệp thì thấy in sai chữ lót trong
tên chú rễ nên phải in lại, nhân có sự sai sót này mà đổi ngày cưới sang Chủ
Nhật 18/5 không bị trả tiền gấp đôi mà chỉ chi thêm một chút thôi.
Đầu tháng 6/75 Lộc nhận được lệnh trình diện tại trường Trung Học Trưng Vương,
từ 13/6 đến hết ngày 15/6, để đi “học tập cải tạo” một tháng. Ông Phước
khuyên Lộc nên đi trình diện ngày đầu để khỏi bị rắc rối nhưng Lộc và An muốn
được sống với nhau thêm vài ngày vì hai đứa mới làm đám cưới. Sáng Chủ Nhật
15/6 Lộc mang theo ít tiền, áo quần, thức ăn và mùng mền rồi chở An trên chiếc
Yamaha đi trình diện; An đi theo để tiễn Lộc và lái xe về. Đến trường Trung
Học Trưng Vương thì thấy đông nghẹt. Nghe nói hai ngày trước ít người trình
diện nên bao nhiêu người đến đều bị hốt đi hết; ngày cuối quá đông, họ không
giải quyết nổi. Chờ mãi đến trưa thì có một cán bộ ra tuyên bố:
- Phó Giám Đốc trở lên thì ở lại đi học tập, những người khác thì trở về làm
việc.
Thế là Lộc thoát nạn nhờ nấn ná ở lại với An thêm vài ngày. Hơn một tháng sau
thì ai cũng biết chính quyền VC nói láo với dân, đi tù cải tạo rất lâu chứ
không phải một tháng. Một buổi sáng cuối tháng 8/75, vào khoảng hơn 9 giờ, xí
nghiệp nhận lệnh phải gởi Chánh Sở, Phó Sở của chính quyền cũ đến văn phòng
của Bộ ngay trong ngày để đi “học tập cải tạo”. Lộc và ba người nữa
thuộc thành phần này, và như một phép lạ cả bốn người đang đi công tác ở Thủ
Đức và Biên Hoà. Xí nghiệp tức tốc cho xe đi đón Lộc và ba người kia rồi đưa
về nhà để lấy áo quần, tiền bạc và từ giả gia đình, xong chở về văn phòng xí
nghiệp để làm giấy tờ. Khi xe xí nghiệp chở một cán bộ, Lộc và ba người kia
đến văn phòng Bộ (ở đường Công Lý cũ) thì đã gần hết giờ làm việc trong ngày.
Anh Tư, cán bộ của xí nghiệp, vào trình; chừng năm phút sau anh trở ra cho
biết
“mình đến quá trễ, họ đi hết rồi, thủ trưởng bảo mình trở về làm việc”.
Thoát nạn, Lộc và ba người bạn mừng lắm vì biết ra đi chuyến này là không có
ngày về.
Lộc và An làm việc chung ở một xí nghiệp lớn chuyên về khai thác đá và trộn
nhựa làm đường, trước đây là một công ty quốc doanh thuộc bộ Công Chánh. Kỹ
thuật lấy đá rất tân tiến, trước hết là khoan nhiều lỗ sâu xuống một khu vực
có đá, đặt thuốc nổ vào những lỗ đó, xong nối các ngòi nổ bằng dây điện, rồi
khai hỏa; thuốc nổ sẽ bắn đá bể nát, tạo nên một bãi đá đủ cỡ. Thực hiện một
lần bắn đá cần nhiều chuẩn bị phức tạp vì thuốc nổ rất nguy hiểm và trời mưa
hay sấm chớp sẽ làm nổ khi chạy dây điện. Thuốc nổ phải giao cho Bộ Quốc Phòng
giữ vì lý do an ninh nên mỗi khi bắn đá phải thông báo cho kho đạn Long Bình
và làm thủ tục lãnh thuốc nổ, thời trước 75 cũng vậy. An làm cho Phòng Vật Tư
nên phải đi Long Bình vài lần để làm thủ tục lãnh thuốc nổ. Cuối năm 1975 thì
thủ tục hoàn tất, giấy tờ lãnh thuốc nổ đã có và An sẽ ở trong nhóm đi lãnh
thuốc nổ, nhưng giờ chót xí nghiệp cử người khác thay An. Chuyến đi đó đúng
vào lúc kho đạn Long Bình bị nổ dữ dội và những nhân viên của xí nghiệp đi
lãnh thuốc nổ bị thiệt mạng hết.
Năm 1979 Lộc và An đem con đi vượt biên. Sau năm ngày lênh đênh trên biển,
ngày trốn hải tặc đêm đi. Mục tiêu đi đến là Mã Lai hay Tân Gia Ba nhưng bị
lạc vào vịnh Thái Lan, con thuyền như muốn chìm bất cứ lúc nào, lương thực và
nước uống đã cạn, cái chết chắc chắn sẽ đến. Giữa lúc vô cùng tuyệt vọng đó
thì thấy bóng dáng một chiếc tàu lớn. Trước đó cũng có thấy tàu lớn ba lần,
đánh tín hiệu SOS kêu cứu nhưng cả ba chiếc tàu đều bỏ đi. Lần này cũng đánh
tín hiệu SOS kêu cứu nhưng chẳng hy vọng gì, không ngờ chiếc tàu dừng lại, đó
là tàu buôn Kuakoon của Thái Lan. Khi thuyền của Lộc cặp vào thành tàu Kuakoon
thì Ban Tổ Chức leo lên gặp Thuyền Trưởng để trình bày tình trạng khẩn cấp và
xin cứu giúp. Như một phép lạ, vị Thuyền Trưởng bằng lòng cho mọi người sang
tàu của ông, rồi tàu Kuakoon chạy về Bangkok.
Vào năm 1979 các nước ở vùng Đông Nam Á đã mệt mỏi với người Việt tị nạn Cộng
Sản; Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba (Singapore) v.v... đuổi thuyền tị nạn không
cho cập bến, có những chiếc đã cập bến được rồi thì bị kéo ra biển rồi đuổi
đi. Tháng Tư năm 1979 mà tàu buôn vớt dân tị nạn đã là hy hữu rồi, thế mà
thuyền của Lộc lại được một chiếc tàu buôn Thái Lan vớt, hầu hết những người
trên thuyền với Lộc đều nghĩ rằng đây là một phép lạ.
Gia đình Lộc rời Long Xuyên ngày 10 tháng Tư, đến Bangkok ngày 15 tháng Tư và
đến Montreal-Canada ngày 01 tháng Sáu năm 1979; có lẽ đây là chuyến vượt biên
nhanh thứ nhì, sau chuyến vượt biên của anh Lâm Bình trong tháng Tư năm 1976.
Sau 3 tuần đến Montreal thì Lộc có việc làm, và sau 33 năm liên tục làm việc
thì Lộc về hưu. Có thể nói thời gian hưu là vui sướng nhất trong cuộc đời vì
không phải lo nghĩ đến việc làm, hàng ngày Lộc và An trò chuyện với nhau như
đôi bạn, nhắc lại thời thơ ấu, chuyện học hành, chuyện công việc, chuyện hai
đứa gặp nhau, chuyện đổi đời sau ngày quê hương bị Việt cộng cưỡng chiếm,
chuyện vượt biên, chuyện sinh sống ở Canada. Bây giờ nhìn lại quãng đời từ khi
mới đi học, Lộc và An tin rằng đã có nhiều cơ may, phép lạ giúp hai đứa nên
duyên và sống hạnh phúc, an lành.
Trần Phố Hội
Tháng 11/2022
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment