Bùi Phạm Thành
Viễn vọng kính không gian James Webb của NASA đã chụp được hình ảnh lộng lẫy, rõ ràng chi tiết của Những Cây Cột Của Sự Sáng Tạo (Pillars of Creation), nơi mà các vì sao mới đang thành hình, bên trong một vùng mây của khí (gas) và bụi (dust). Hình ảnh ba chiều của những cây cột trông giống như những khối đá hùng vĩ, nhưng không dầy đặc như đá, mà có thể nhìn xuyên thấu qua được. Những cột này được tạo thành bởi sự kết hợp của khí và bụi đã nguội ở giữa các vì sao, đôi khi gần như là trong suốt dưới ánh sáng hồng ngoại tuyến.
Những Cây Cột Của Sự Sáng Tạo này lần đầu tiên được biết đến, và nổi danh, khi hình chụp của Viễn Vọng Kính Không Gian Hubble được NASA công bố năm 1995. Hình ảnh mới do Viễn Vọng Kính Không Gian Webb đã giúp các khoa học gia hoàn chỉnh lại mô hình về cách kiến tạo của những ngôi sao, bằng cách xác định chính xác hơn về số các ngôi sao mới hình thành, cùng với số lượng của khí và bụi trong khu vực. Theo thời gian, họ sẽ bắt đầu hiểu rõ hơn về cách các ngôi sao hình thành và tách ra khỏi những đám mây bụi này trong hàng triệu năm.
Những ngôi sao mới hình thành là những hình ảnh nổi bật trong hình chụp từ Máy ảnh gần Hồng ngoại tuyến của Viễn vọng kính Không gian Webb (Near-Infrared Camera - NIRCam). Đây là những thiên thể hình cầu màu đỏ tươi thường có những tia nhiễu xạ và nằm bên ngoài một trong những cột bụi. Khi hội tụ được một khối lượng đủ lớn bên trong các cột khí và bụi, chúng bắt đầu nén chặt vào nhau, trở nên rắn chắc dưới lực hấp dẫn của chính chúng, rồi từ từ nóng lên, và cuối cùng trở thành các ngôi sao mới.
Còn những đường gợn sóng trông giống như dung nham ở ven bìa của một số cây cột thì sao? Đó là những tia nhiễu xạ phát ra từ những ngôi sao đang hình thành trong đám mây khí và bui. Những ngôi sao non trẻ này vẫn hay bắn ra những tia siêu thanh chạm vào những vật thể trong đám mây, tương tự như các cây cột dày đặc trong hình. Điều này đôi khi đưa đến những gợn sóng tương tự như sóng nước ở mũi tàu khi di chuyển trong nước. Ánh sáng màu đỏ thẫm xuất phát từ các phân tử hydrogen đầy năng lực, sinh ra bởi phản lực và chấn động. Điều này thể hiện rõ ràng ở trụ thứ hai và thứ ba từ trên xuống - hình ảnh NIRCam đã bắt nhịp với hoạt động của chúng. Những ngôi sao trẻ này ước tính chỉ vài trăm nghìn năm tuổi.
Mặc dù hình chụp mới này đã cho chúng ta nhìn “xuyên qua” các đám mây để thấy khoảng cách vũ trụ rộng lớn bên ngoài các cây cột, thế nhưng không có một thiên hà (galaxy) nào trong tầm nhìn này. Thay vào đó, hỗn hợp khí trong suốt và bụi được gọi là môi trường giữa các vì sao ở phần dày đặc nhất của đĩa thiên hà Milky Way của chúng ta, đã chặn tầm nhìn sâu hơn của chúng ta về vũ trụ.
Hình ảnh này được Viễn vọng kính không gian Hubble ghi lại lần đầu tiên vào năm 1995 và một lần nữa vào năm 2014, đồng thời nhiều đài quan sát khác cũng đã nhìn sâu vào khu vực này. Mỗi trang bị tiên tiến đều cung cấp cho các nhà nghiên cứu những chi tiết mới về khu vực này, nơi tràn ngập các vì sao.
Hình ảnh này là một phần của Tinh vân Đại bàng (Eagle Nebula) rộng lớn, nằm cách xa chúng ta khoảng 6,500 năm ánh sáng.
Quý vị có thể vào trang web của NASA theo đường dẫn (link) ở phần tham khảo để xem thêm chi tiết cũng như download hình ảnh, xem video tuyệt vời về một phần của không gian bao la vô tận. Nếu đem so sánh thì thiên hà của chúng ta, Milky Way, cũng chưa bằng một hạt cát trên xa mạc.
Bùi Phạm Thành
NASA’s Webb Takes Star-Filled Portrait of Pillars of Creation
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment