Header Ads

Ải Chi Lăng, Trận Cuối Cùng


Bùi Quý Chiến

Năm 1418 từ Lam sơn, Bình định vương Lê Lợi khởi nghĩa chống nền cai trị hà khắc của nhà Minh để giành lại quyền tự chủ cho dân tộc.

Khi ấy Vương chỉ có một lực lượng gồm 200 dũng sĩ, 200 quân thiết đột (xung kích) và 300 nghĩa quân. Chiến thuật chủ yếu là lừa địch vào trận địa đã mai phục sẵn để gây tổn thất nặng cho địch.

Tuy nhiên Vương phải rút về căn cứ Chí linh 3 lần vì bị tướng nhà Minh là Trần Trí đem quân săn lùng và vây hãm. Một lần nguy cấp, Lê Lai phải giả dạng Vương cho giặc giết chết vì giặc lầm Lê Lai là Vương. Nhờ sự hy sinh của Lê Lai, Vương và nghĩa quân thoát hiểm. Một lần khác, bị bao vây lâu ngày khiến lương thực cạn kiệt, Vương và nghĩa quân phải giết ngựa và ăn rau rừng cho tới khi giặc nản lòng rút đi.

Vương truyền hịch kêu gọi hào kiệt các nơi cùng chung sức hoàn thành cuộc khởi nghĩa. Được các hào kiệt đáp ứng, uy thế của Vương mỗi ngày một mạnh. Dần dần các thành trì từ Thanh hóa vào tới Thuận hóa hoặc bị hạ hoặc đầu hàng, chỉ còn lại thành Nghệ an, Diễn châu và Tây đô (Thanh hoá).

Vương một mặt cho bao vây 3 thành này, một mặt tiến quân ra Đông đô (Bắc Việt).

Mặt trận Đông đô gồm 3 đạo quân:

  1. Một đạo do Lê Triện, Lê Khả và Lê Bí đánh chiếm các lộ (tương đương với tỉnh ngày nay) Thiên quan, Quốc oai, Gia hưng, Lâm thao, Tam đái và Tuyên quang nhằm ngăn chặn quân Minh tiếp viện từ Vân nam.
  2. Một đạo do Lưu Nhân Chú và Bùi Bị đánh chiếm các lộ Khoái châu, Thượng hồng, Hạ hồng, Bắc giang và Lạng sơn nhằm ngăn chặn quân Minh từ Quảng tây sang tăng viện Đông đô (Bắc Việt).
  3. Một đạo do Đinh Lễ và Nguyễn Xí tiến đánh thành Đông quan (Thăng long).

Tăng viện Đông đô, Vương Thông thất bại 

Năm 1426 nhà Minh cho Chinh di tướng quân là Vương Thông và Tham tướng Mã Anh đem quân sang tăng viện Đông đô. Tướng Trần Trí và Phương Chính bị cách chức nhưng được cho tiếp tục phục vụ để lập công chuộc tội.

Vương Thông phối hợp với quân đồn trú lập một phòng tuyến chạy dài hàng chục dặm để bảo vệ thành Đông quan. Phòng tuyến gồm 3 cứ điểm:

  1. Căn cứ Cổ sở do Vương Thông chỉ huy.
  2. Căn cứ Sa thôi do Vương Chính chỉ huy.
  3. Căn cứ Thanh oai do Mã Kỳ chỉ huy.

Từ Ninh kiều, Lý Triện và Đỗ Bí đem quân và voi đến phục ở Cổ lãm rồi cho quân tới Thanh oai khiêu chiến. Mã Kỳ đem hết quân ra đánh đuổi, không ngờ lọt vào ổ phục kích, quân Minh bị giết và bị bắt trọn vẹn, Mã Kỳ chạy thoát về với Vương Thông.

Thừa thắng, Lý Triện tiến đánh Phương Chính. Thấy Mã Kỳ bại trận, Phương Chính khiếp sợ phải rút về với Vương Thông.

Biết Lý Triện sẽ tới đánh mình, Vương Thông cho chuẩn bị bãi chông bằng sắt để chống voi. Lý Triện lọt ổ phục kích, voi bị chông không tiến lên được, quân Minh đổ ra đánh khiến Lý Triện bị tổn thất nặng phải rút về Cao bộ.

Tình thế nguy cấp, Lý Triện cầu cứu Đinh Lễ và Nguyễn Xí ở Thanh đàm. Ngay trong đêm, Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem quân và voi tới Cao bộ tăng cường Lý Triện.

Nhân bắt được tình báo của giặc nên biết được kế hoạch hành quân của Vương Thông. Nương theo kế hoạch của giặc, liên quân Lý Triện, Đinh Lễ và Nguyễn Xí mai phục ở Tốt động và Chúc động. Quả nhiên giặc lọt vào trận địa, bị quân mai phục xông ra chém giết và bắt sống. Trong số bị giết có Thượng thư Trần Hiệp và Nội quan Lý Lượng.

Vương Thông, Phương Chính và Mã Kỳ thoát chết chạy về thành Đông quan cố thủ.

Được tin thắng lớn ở Tốt động, Vương từ Lỗi giang kéo đại quân ra Đông đô.

Vương cho vây 4 mặt thành Đông quan (Thăng long), mặt khác chia Đông đô (Bắc Việt) ra làm 4 đạo hành chính và đặt quan văn võ để cai trị.

Giải pháp Trần Cao

Tự nghĩ cuộc chiến này không thể thắng, Vương Thông muốn bãi binh về nước nhưng bằng cách nào giữ được thể diện?

Nhân duyệt lại hồ sơ của các quan tiền nhiệm, Vương Thông thấy một tờ chiếu của vua Minh nói tìm con cháu họ Trần để tiếp nối triều Trần. Dựa vào tờ chiếu này, Vương Thông cho người nói với Bình Định Vương tìm con cháu họ Trần để lập làm vua nhiên hậu Vương Thông sẽ bãi binh về nước.

Nhận thấy nạn binh đao gần chục năm khiến dân đau khổ, Vương chấp thuận giải pháp của Vương Thông.

Bấy giờ có một người ẩn náu ở châu Ngọc Ma tên là Hồ Ông tự xưng là cháu 3 đời của vua Trần Nghệ Tông. Vương cho đón Hồ Ông về đổi tên là Trần Cao và lập làm vua nhà Trần, đặt niên hiệu là Thiện khánh. Về phần mình, Vương tự xưng là Vệ quốc công.

Trần Cao đóng dinh tại núi Không lộ sau dời về Vũ ninh, Vương cho Lê Gia Hưng tới giúp việc nhưng thật sự là giám sát.

Vương Thông thấy giải pháp của mình tiến hành thuận lợi liền cho người sang cầu hòa với Vương để bãi binh về nước. Vương chấp thuận và định ngày cho Vương Thông tập trung quân các nơi về Đông quan để hồi hương.

Tuy nhiên các ngụy quan hợp tác với giặc là Trần Thông, Lương Nhữ Hốt và Trần An Vinh can ngăn Vương Thông. Chúng sợ giải pháp này gây hậu quả tai hại cho chúng. Để làm nản lòng Vương Thông, chúng thuật lại âm mưu của Trần Nhân Tông tha Ô Mã Nhi về nước bằng đường biển rồi làm đắm thuyền cho Mã Nhi chết đuối.

Bị thuyết phục, Vương Thông bội ước với Vương, cho tăng cường hệ thống phòng thủ và lén cho người mang thư về nước xin viện binh. 

Hạ thành Xương giang

Đối phó với tình thế mới, một mặt Vương cho vây hãm Đông quan nghiêm ngặt, một mặt chia quân đi hạ các thành rải rác các nơi của giặc.

Vương lập doanh trại tại Bồ đề (bờ bắc sông Hồng, đối diện với thành Đông quan) và đặt đài quan sát do đích thân Vương theo dõi tình hình giặc ở trong thành. Nguyễn Trãi luôn ở bên Vương để nhận lệnh thảo văn thư trao đổi với Vương Thông  và thảo hịch kêu gọi các thành của địch đầu hàng.

  • Các thành lần lượt đầu hàng: Nghệ an, Diễn châu, Điêu diêu, Thị cầu và Tam giang.
  • Các thành không chịu đầu hàng nhưng bị hạ: Khưu ôn và Xương giang.
  • Các thành không chịu đầu hàng nhưng bị vây hãm: Đông quan, Tây đô, Cổ lộng và Chí linh (nay thuộc Hải dương, khác với căn cứ Chí linh của Vương ở Thanh hóa).

Số quan quân nhà Minh đầu hàng ngày một nhiều, Vương sai phân tán giam giữ ở Nghệ an, Lam sơn, Thanh hóa và Tân bình.

Trong số 2 thành bị hạ vì không chịu đầu hàng, thành Xương giang rất kiên cố. Trước đó thành đã bị vây 6 tháng nhưng viên trấn thủ là Kim Dận và người mới tới để thay thế là Lý Nhậm cố thủ chờ viện binh.
 
Xương giang ở giữa đường từ Đông quan tới ải Pha lũy (Nam quan) là nơi qua lại của quan quân nhà Minh khi mãn hạn về nước hoặc từ trong nước sang thay phiên. Thành này nay là thị xã Bắc giang.

Vì tầm quan trọng của Xương giang, Vương ra lệnh cho Trần Hãn và Lê Sát phải hạ cho bằng được. 
Để quân có thể trèo lên mặt thành quá cao, Trần Hãn cho đắp ụ đất (có lẽ từng cấp như bậc thang). Thất thủ, Kim Dận và Lý Nhậm tự sát.

(Theo Khâm định Việt sử, Trần Hãn cho đào đường hầm để xâm nhập vào thành).

Nhờ hạ được thành Xương giang ngày 8 tháng 9 Đinh mùi (1427), tàn quân của viện binh nhà Minh từ Chi lăng chạy về đây ngày 15 tháng 10 Đinh mùi (37 ngày sau khi Xương giang thất thủ) bị tiêu diệt vì mất điểm tựa .

Ảỉ Chi lăng, trận cuối cùng 

Cứu viện của Vương Thông thảm bại, triều Minh quyết định gửi viện binh lần thứ nhì, chia làm 2 cánh quân.
  1.  thứ nhất do An viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy cùng các tướng Lương Minh, Thôi Tụ, Binh bộ thượng thư Lý Khánh và Công bộ thượng thư Hoàng Phúc, xuất phát ngày 18 tháng 9 năm Đinh mùi (1427) tại ải Pha lũy (tức Nam quan thuộc Lạng sơn).
  2. Cánh thứ nhì do Kiềm quốc công Mộc Thạnh chỉ huy cùng các tướng Từ Hanh và Đàm Trung, xuất phát từ ải Lê Hoa (thuộc Lào cai).


Khi được tin quân Minh sẽ từ 2 ải tiến sang, Vương cho lệnh di tản dân và của cải ở các lộ Lạng giang, Bắc giang, Tam đái, Tuyên quang và Quy hóa để dân khỏi thiệt hại.

Chống lại mũi tấn công của Liễu Thăng, Vương điều động các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt đem quân và voi lên mai phục ở ải Chi lăng; tướng Lê Lý và Lê Văn An sẵn sàng quân trừ bị.

Chống lại Mộc Thạnh, Vương điều động các tướng Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả với nhiệm vụ cầm chân giặc.

Trần Lựu giữ ải Pha lũy áp dụng trì hoãn chiến, lui quân về ải Lưu rồi từ ải Lưu rút về Chi lăng. Liễu Thăng cho là địch hèn nhát bèn cùng 100 quân kỵ đuổi theo. Khi giặc chỉ còn cách Chi lăng vài dặm, Lê Sát cho Trần Lựu ra khiêu chiến rồi giả thua bỏ chạy. Liễu Thăng đuổi theo tới núi Mã yên  lọt ổ phục kích và bị chém chết. Chỉ 2 ngày sau khi xuất phát (18 tháng 9 tới 20 tháng 9) chủ tướng của giặc đã tử trận.

(Theo sử của Tàu, Binh bộ thượng thư Lý Khánh có khuyên can Liễu Thăng không nên khinh thường và khuyến cáo rằng địch rất sở trường về phục kích, nhưng Liễu Thăng không nghe. Cũng theo sử liệu này, Liễu Thăng bị trúng phóng lao chết. Lao là một vũ khí giống như mác nhưng có dây buộc vào cán để thu hồi sau khi phóng đi).

Thấy chủ tướng chết, tướng Lương Minh và Thôi Tụ đem đại quân tiến lên. Lê Sát, Lưu Nhân Chú và Đinh Liệt tung quân ra đón đánh. Vừa đúng lúc Lê Lý và Lê Văn An đem quân trừ bị tới tăng cường, giặc bị bao vây 4 mặt.

Ngày 25 tháng 9, tướng giặc là Lương Minh bị chém chết. Ngày 28 Binh bộ thượng thư Lý Khánh tự vẫn.

(Theo sử Tàu, Lý Khánh chết ở trong quân vì bị bệnh nhưng các sử của ta kể cả Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đều chép Lý Khánh tự vẫn).

Đô đốc Thôi Tụ và Công bộ thượng thư Hoàng Phúc đem tàn quân chạy về thành Xương giang, không ngờ thành này đã thất thủ.

Để tự phòng vệ, Thôi Tụ cấp thời cho đắp lũy đất ở giữa đồng trống.

Địch bị ngăn chặn từ núi Mã yên tới ải Pha lũy. Vương một mặt cho Phạm Vấn, Lê Khôi và Lê Xí đem 3,000 quân thiết đột và 4 thớt voi tăng cường, một mặt cho Trần Hãn cắt đứt tuyến vận chuyển lương thực của giặc.

Thôi Tụ xin hòa nhưng Vương không thuận vì biết giặc giả hòa để mưu chạy về thành Chí linh (nay thuộc Hải dương). Ban đêm giặc bắn hỏa hiệu để cầu cứu thành Đông quan và Chí linh nhưng 2 thành này đang bị vây hãm rất ngặt không thể cứu viện Thôi Tụ. Quân ta quần thảo với giặc cho tới ngày 15 tháng 10 thì giặc tan rã. Đô đốc Thôi Tụ và Thượng thư Hoàng Phúc bị bắt. Thôi Tụ không chịu khuất phục, Vương ra lệnh chém chết.

Giặc lớp bị giết chết, lớp đầu hàng, lớp lẩn trốn nhưng bị dân bắt đem nộp quan quân.

Tính ra cánh quân của Liễu Thăng kể từ ngày xuất phát tới ngày bị tiêu diệt chỉ có 27 ngày.

Về phía ải Lê Hoa, Kiềm quốc công Mộc Thạnh án binh đợi tin tức Liễu Thăng thắng bại ra sao rồi mới tiến quân.

Theo lệnh Vương, Phạm Văn Xảo và Lê Khả cũng án binh đối đầu ứng chiến.

Sau khi Liễu Thăng tử trận, Vương sai lấy một tên chỉ huy và 3 viên thiên hộ của giặc đem sắc thư và phù ấn của Liễu Thăng tới Lê hoa cho Mộc Thạnh coi. Bằng chứng rõ ràng Liễu Thăng đã chết, giặc hoảng sợ bỏ ngũ chạy trốn. Phạm Văn Xảo và Lê Khả đem quân đuổi đánh, giặc lớp bị chém chết, lớp bị bắt, chỉ còn một số cùng chủ tướng Mộc Thạnh chạy thoát về nước.

Vương sai Đặng Hiến Lộc giải Hoàng Phúc tới chân thành Đông quan và trưng ra cho giặc thấy song hổ phù của Liễu Thăng và ấn bạc của Lý Khánh. Mặt khác Vương cho lệnh chuẩn bị hạ thành.  

Vương Thông xin hòa lần thứ nhì 

Cùng đường, Vương Thông sai một viên thiên hộ mang thư xin nghị hòa. Vương chấp thuận.

Để cuộc nghị hòa được nghiêm chỉnh, Vương Thông cho tướng Sơn Thọ và Mã Kỳ sang dinh Bồ đề làm con tin. Về phía Vương cũng cho con là Tư Tề và cháu là Lưu Nhân Chú vào thành Đông quan làm con tin trong khi thương nghị.

Ngày 22 tháng 11 Vương và Vương Thông hội thề ở cửa nam thành Đông quan về những khoản hai bên đã thỏa thuận.
  • Vương cho lệnh giải vây các thành Đông quan, Tây đô, Cổ lộng và Chí linh. Quan quân nhà Minh từ các nơi tập trung về Đông quan.
  • Trao trả nhà Minh 2 vạn tù binh gồm 280 sĩ quan, 2,137 viên quan lại, 13,578 lính chính quy, 13,180 lính phụ lực do Mã Anh lãnh nhận.
  • Cấp 500 thuyền do Phương Chính và Mã Kỳ nhận lãnh.
  • Cấp lương thực do Sơn Thọ lãnh nhận.
Ngày 12 tháng chạp năm Đinh mùi (1427) quân Minh bắt đầu rút về nước, quân bộ rút trước quân thủy. Tướng Phương Chính và Mã Kỳ tới dinh Bồ đề cáo biệt Vương, ở lại suốt buổi chiều.

Ngày 17 Vương đãi tiệc và tặng bức trướng để tiễn chân Vương Thông.  

Bùi Quý Chiến


Tham khảo:

- Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
- Đại Việt thông sử của Lê Qúy Đôn do Lê Mạnh Liêu dịch.
- Bản đồ tỉnh Lạng sơn.

Chi Lăng



Bài Đọc Thêm

Ở phía Nam xã Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn, địa thế rất hiểm trở, do đó mà có tên gọi là Quỉ Môn Quan. Cổ thi có câu:

Quỉ Môn Quan ! Quỉ Môn Quan !
Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn

Nghĩa là:

Cửa Ải Quỷ ! Cửa Ải Quỷ !
Mười người đi đến đó, chỉ một người (sống sót) trở về.

Người Việt đi sứ Tàu có câu :

Rạng ngày đến Quỉ Môn Quan
Tiếng xưa "thập khứ nhất hoàn' là đây

Năm 1813 cụ Nguyên Du đi xứ Tàu, trong tập thơ Bắc Hành Tạp Lục (Ghi chép tản mạn khi đi xứ) cụ có ghi bài "Quỷ Môn Quan"

鬼門關  

連峰高插入青雲,
南北關頭就此分。
如此有名生死地,
可憐無數去來人。
塞途叢莽藏蛇虎,
布野煙嵐聚鬼神。
終古寒風吹白骨,
奇功何取漢將軍。

Quỷ Môn Quan

Liên phong cao sáp nhập thanh vân
Nam bắc quan đầu tựu thử phân
Như thử hữu danh sinh tử địa
Khả liên vô số khứ lai nhân
Tắc đồ tùng mãng tàng xà hổ
Bố dã yên lam tụ quỉ thần
Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt
Kỳ công hà thủ Hán Tướng quân

Dịch Nghĩa:

Núi liên tiếp, cao vút tận mây xanh.
Nam bắc chia ranh giới ở chỗ này
Là nơi nổi tiếng nguy hiểm đến tính mạng.
Thương thay, bao nhiêu ngườì vẫn phải đi về qua đây.
Bụi gai lấp đường, mãng xà, hổ tha hồ ẩn nấp.
Khí độc đầy đồng, quỷ thần mặc sức tụ họp.
Từ thuở xa xưa, gió lạnh đã thổi bao đống xương trắng.
Chiến công của tướng nhà Hán (1) có gì đáng khen!

Bùi Phạm Thành Dịch Thơ:

Cửa Ải Quỷ

Núi chập chùng cao đỉnh chạm mây,
Ải chia ranh giới Bắc Nam này.
Hiểm nguy tánh mạng đà nổi tiếng,
Thương cho những kẻ phải qua đây.
Bụi gai, rắn, hổ, tha hồ nấp,
Quỷ thần, khí độc vẫn phủ đầy.
Bao năm gió lạnh lùa xương trắng,
Giặc Hán công chi ở chốn này!

(Thể Lục-Bát)

Chập chùng dãy núi chạm mây,
Ải chia ranh giới chốn này Bắc Nam.
Nổi danh nơi chẳng an toàn,
Thương cho kẻ phải đi ngang chốn này.
Bụi gai, rắn, hổ, cả bầy,
Quỷ, thần, khí độc phủ đầy mọi nơi.
Xương khô gió lạnh bao đời,
Chiến công Hán tặc miệng đời ai khen!


Chú thích:

(1) Hán Tướng quân: Chỉ Mã Viện. Mã Viện đem quân đánh hai bà Trưng, tuy thắng nhưng quân lính chết dọc đường không biết bao nhiêu mà kể. Như thế có gì là chiến công đắng khen ngợi. Cũng có ý nói: Kỳ công của tướng quân nhà Hán không có chi hơn là "đống xương trong gió lạnh bên đường."

Bùi Phạm Thành
(ngày 26 tháng 11 năm 2022)


No comments

Powered by Blogger.