Nguyễn Ngọc Duy Hân
Trong cuộc sống, chúng ta từng thường xuyên nói câu "sorry", tiếng Việt là
“xin lỗi”, tiếng Pháp là “pardon”, chứng tỏ việc xin lỗi rất quan trọng.
Nhân vô thập toàn, ai cũng có thể lầm lỗi, nghĩ sai cho sự việc, cho người
khác. Nhưng cũng có người cho rằng nhận lỗi, xin lỗi là xuống nước, là bắt
thang cho nó leo! Bạn nghĩ sao, hôm nay mời bạn cùng tôi điểm qua đề tài này
nhé.
Xin bắt đầu bằng câu chuyện mới đây, khi truyền thông khắp nơi xôn xao về
việc nam tài tử Will Smith phải viết lời xin lỗi tới viện Hàn Lâm, khán giả
và Chris Rock về cú tát tay bất ngờ của Will tại sân khấu lễ trao giải Oscar
2022 diễn ra sáng 28-3-2022.
Tiếp theo chuyện xin lỗi trên, thì truyền thông cũng đã bàn tán về khúc phim
một cậu thâu được. Số là sau trận đá banh giữa Everton và Manchester United,
một cậu bé vô tình thấy Ronaldo bước đi với bắp chân rướm máu, cậu đã lấy
điện thoại ra quay, nhưng Ronaldo đang bực tức vì bị thua đội Everton nên đã
đập mạnh vào tay cậu bé, khiến chiếc điện thoại rớt xuống đất bị hư. Sau đó,
Ronaldo đã viết trên mạng xã hội lời xin lỗi và mời cậu bé đi xem miễn phí
trận đá banh sắp tới của mình. Nhưng cậu bé đã từ chối, người mẹ đã khẳng
định chính con trai bà không chấp nhận lời xin lỗi chứ không phải do bà xúi
dục, can thiệp. Vết bầm trên tay làm cậu bị đau thì ít, nhưng cảm giác bị
xem thường làm cậu bị tổn thương tinh thần nhiều hơn. Được một cầu thủ nổi
tiếng thế giới xin lỗi, đích thân mời đi xem đá banh là một việc tính ra rất
đặc biệt, nhưng nó đã không thể xóa đi chuyện buồn. Từ câu chuyện này, chúng
ta được nhắc nhở rằng cho dù là một đứa trẻ, chúng cũng rất cần được tôn
trọng.
Người ta định nghĩa xin lỗi là hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về
mình, là sự đồng cảm, sẻ chia đối với người bị mình làm tổn thương, thiệt
hại. Biết xin lỗi là mong muốn được đền bù thiệt hại và tha thứ. Sách vở
cũng nói người xin lỗi đầu tiên là người dũng cảm nhất. Người tha thứ đầu
tiên là người kiên cường nhất.
Ngoài ra chữ “xin lỗi” còn được sử dụng chỉ để thể hiện cảm giác làm phiền
người khác, chẳng hạn khi nói
“Xin lỗi, tôi có thể ngồi ở đây không?”.
Xin lỗi không chỉ dừng lại ở lời nói mà nó còn kèm thêm một vài hành động
như quỳ gối, chấp tay xá để mong được tha thứ. Khi dạy trẻ em biết lỗi,
người lớn hay bắt chúng khoanh tay nói lời nhận lỗi. Người trưởng thành cũng
thế, khi phạm sai lầm cần bày tỏ sự hối lỗi không chỉ qua lời nói, mà còn
qua hành động và đặc biệt qua ánh mắt.
Sách vở đã khuyên không nên đặt cái tôi quá cao, xem sĩ diện của bản thân là
điều quan trọng rồi không bao giờ chịu hạ mình xin lỗi người khác dù mình đã
làm sai. Cư xử như thế không ai thích, không ai muốn giao thiệp với mình
nữa. Nhưng dù có biết lỗi, hứa không lặp lại lỗi cũ mà lại cứ tái phạm, thì
cũng chẳng ai tin mình nữa. Quá trình biết lỗi, xin lỗi, sửa lỗi không phải
dễ mà thực hiện được.
Đức Phật đã dạy khi người không có lỗi, mình lại thấy lỗi, rồi khi có lỗi,
mình lại không thấy do chấp nhận tà kiến, vậy hãy nghiêm khắc với chính
mình, và bao dung, tha thứ cho người chung quanh. Đó là niềm hạnh phúc an
lạc chân chánh mà Thế Tôn đã chỉ dạy.
Phép sám hối của đạo Phật cũng là một cách thể hiện đạo đức của con người.
Khi ta biết lỗi và thật lòng ăn năn, cầu mong sự tha thứ của người kia cách
chân thành chứ không phải đầu môi chót lưỡi, thì đầu tiên là tâm của mình sẽ
được bình an, tránh sự dày vò ân hận. Quan trọng hơn cả là việc xin lỗi của
mình sẽ khiến người kia bớt buồn bực, thương tổn, thế nên mình cần xin lỗi
thường xuyên nếu lỡ làm sai. Vết thương tâm hồn rất khó hàn gắn và chỉ có
thể chữa lành được khi có tình thương yêu chân thành.
Khi được xin lỗi rồi thì mình lại cần biết mở lòng tha thứ. Cổ nhân đã dạy:
“Thánh nhân nào cũng có một quá khứ, tội nhân nào cũng có một tương
lai”. Trong các đệ tử của Đức Phật, có người từng là tướng cướp, nhưng họ biết
hối lỗi và nói lời xin lỗi từ trái tim, nên đã tu thành chánh quả. Tha lỗi
cũng là một việc rất cần thực hành. Từ con người bình thường đến các vĩ nhân
đều có những sai lầm nhất định trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Lời xin
lỗi luôn là một hành động cần thiết trong cuộc sống.
Kinh Thánh Công giáo cũng xác nhận rằng một lời xin lỗi thành thật là cách
hữu hiệu để hàn gắn một mối quan hệ sứt mẻ. Trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về
người con trai hoang đàng phá của (Luca 15:17-24), khi người con trở về và
chân thành xin lỗi, cha anh vui lòng tha thứ và đón nhận anh trở lại với gia
đình.
Thánh Luca cũng đã nhắc nhở:
“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người khác, mà cái xà trong mắt
chính mình thì lại không để ý tới?”. Quả thế, con người thường hay chủ quan, hay chê trách, bắt lỗi người khác
và khó nhận ra khuyết điểm của chính mình.
Chúa Giêsu cũng dạy:
“Khi con dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em đã có điều gì bất hòa
với mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em
trước đã, rồi hãy đến dâng của lễ”
(Matheu 5:23, 24). Điều này cho thấy sự xin lỗi, làm hòa rất là quan trọng.
Trong kinh Cáo Mình, người công giáo cũng đã đấm ngực đọc như sau:
“Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Biết nhận lỗi, biết
xin Chúa tha thứ và mong người thân tha lỗi là việc làm mạnh mẽ của người
trưởng thành, rõ ràng không phải cúi xuống nhận lỗi là tỏ ra mình trẻ con,
yếu đuối.
Trong thời gian tại vị, Giáo hoàng Gioan Phaolô II của Giáo hội Công giáo
Rôma đã từng đưa ra nhiều lời xin lỗi tới người Do Thái, Galileo, phụ nữ,
các nạn nhân của tòa án dị giáo, những người Hồi giáo bị giết trong các cuộc
Thập Tự chinh và những nạn nhân chịu những thiệt hại có liên quan đến hành
động sai sót của giáo hội, điều này đã hàn gắn được rất nhiều vết thương
trong quá khứ.
Riêng tôi cũng là một thành viên từng tham dự khóa học của chương trình
Thăng Tiến Hôn Nhân gia đình, tôi nhớ mãi câu chuyện linh mục Phêrô Chu
Quang Minh đã kể, là có một vị sĩ quan đã quen với chiến tuyến, luôn muốn
chứng tỏ mình oai phong, nên không khi nào lên tiếng xin lỗi vợ con. Hôm đó
vị sĩ quan này đi học khóa Thăng Tiến Hôn Nhân về, lần đầu tiên ông chính
thức nói lời xin lỗi, làm vợ ông xúc động đến sắp ngất xỉu! Vâng, thật ngạc
nhiên là 2 chữ tưởng chừng đơn giản ấy lại rất khó cất thành lời. Trong thực
tế có những người rất sợ nói lời xin lỗi, cũng có người khăng khăng chối
lỗi, đổ thừa cho người khác, người ta hay nói đùa là những người mang họ Đỗ,
đã gây ra biết bao tổn thương, bực tức thật là đáng trách.
Nếu cái tôi của mình quá lớn, bản ngã quá nặng không muốn xin lỗi, thì lời
hay ý đẹp đã khuyên:
“Không biết lỗi, không nhận lỗi thì sẽ không bao giờ biết hối lỗi”.
Vì thế chúng ta cần biểu hiện sự hối tiếc để trở sửa mình trở nên người tốt
hơn.
Trong xã hội tây phương, người ta dễ dàng nhận lỗi hơn, có lẽ nhờ được giáo
dục và thực hành từ nhỏ. Trẻ em được khuyến khích nhận lỗi, không bị đánh
đập trừng phạt nặng nề nên bớt sợ, bớt chối tội hơn. Hồi xưa bên Việt Nam
nhà nghèo, nếu lỡ tay làm bể cái ly, nấu khê nồi cơm thì có thể bị đòn "nứt
đít", nhưng ngày nay nhất là tại hải ngoại đời sống vật chất bớt chật vật
hơn, có lỡ tay cũng không sao, nên cũng bớt áp lực cho các "phạm nhân" nhỏ
tuổi.
Xin lỗi là chuyện tốt, nhưng đừng gây ra tổn thương cho người khác lại là
chuyện tốt hơn, bởi vì không phải lời xin lỗi lúc nào cũng được chấp nhận,
nhất là những lỗi lớn làm chết người, thiệt hại nặng nề cho người khác.
Chẳng hạn nóng nảy bóp cò súng làm chết người, ghen tương đến tạt acid người
khác, khi bừng tỉnh thì hối hận đến mấy cũng không sửa lại hậu quả được.
Sống, hành xử là chuyện rất khó, cần luôn cẩn trọng không nóng nảy để rồi
hối hận cũng không kịp.
Bây giờ mời bạn điểm qua và hành động xin lỗi gây tiếng vang lớn trên báo
chí, chẳng hạn việc nguyên thủ tướng Tây Đức Willy Brandt, trong lần đến
thăm thủ đô Ba Lan là Warszawa, đã quỳ gối trước đài tưởng niệm nạn nhân Do
Thái trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hành động đó thay cho
triệu lời xin lỗi, giúp hàn gắn vết thương tưởng như không bao giờ lành.
Hiện nay Ba Lan và Đức đã có giao thiệp thương mại rất lớn ở châu Âu.
Một hành động khác cũng đã được truyền thông ghi lại, là chuyện xảy ra vào
tháng 8, 1995 - nhân dịp kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh, thủ tướng Nhật
khi đó là ông Tomiichi Murayama cũng đã bày tỏ sự ăn năn và nói xin lỗi chân
thành tới các quốc gia láng giềng châu Á.
Tiếp theo là việc công ty Mitsubishi - một tập đoàn lớn của Nhật Bản - cuối
cùng đã chính thức lên tiếng tạ lỗi tới những cựu tù binh Mỹ bị cưỡng bức
lao động trong chiến tranh thế giới thứ hai, đã được nhiều người ca ngợi như
một sự kiện lịch sử. Dù khá trễ sau khoảng 70 năm Mitsubishi mới nói được
lời xin lỗi, nhưng có còn hơn không phải không quý vị?
Năm 2007 khi Britney Spears đối diện với cơn khủng hoảng lớn nhất cuộc đời,
cô cạo đầu, hành xử bất thường, mất quyền nuôi con ... vì trước đó hàng loạt
tạp chí đã đưa ra những bài viết tiêu cực về cuộc đời của ngôi sao ca nhạc
này. Nhiều người cho rằng truyền thông cũng có một phần lỗi vì qua áp lực
của các bài viết, xã hội đã góp phần làm xáo trộn tinh thần, có khi làm nạn
nhân khủng hoảng, chán đời đến tìm tới cái chết. "Bút sa, gà chết", gà chết
còn châm chước được, người chết thì tội nghiệp lắm thay!
Trong cuộc sống xã hội hiện tại, những mâu thuẫn xảy ra là điều không thể
tránh khỏi, thế nên với hai chữ “cảm ơn” và “xin lỗi”, những xích mích có
thể được bớt đi khiến người ta dễ chịu hơn. Nhưng sự xin lỗi phải thật lòng,
theo giáo sư Roy Lewicki, một lời xin lỗi giả dối là một sự xúc phạm thứ
hai.
Thế nhưng cuộc đời cũng khá rắc rối, nếu có xin lỗi thật lòng, mà vẫn chứng
nào tật nấy, chẳng hạn cứ cặp bồ, cứ uống rượu, cứ đánh đập vợ con, xin lỗi
bao nhiêu lần mà vẫn tái phạm hoài, thì bạn sẽ hành xử ra sao? Theo tôi thì
nếu người phối ngẫu lỡ sa ngã ngoại tình, nếu có ông quá "out of control"
nặng tay với vợ con, thì có thể được tha thứ lần đầu, và chỉ có một mà thôi.
Nếu còn xảy ra lần thứ hai thì có lẽ bỏ sớm sẽ bớt khổ sớm. Bạn có thể trách
tôi sao lại khuyên vợ chồng bỏ nhau, nhưng thống kê và thực tế cho thấy nếu
đánh vợ lần 2 sẽ có lần 3 và nhiều lần hơn nữa. Nếu tính tình trăng hoa,
nghiện sex, nghiện bài bạc, xì ke ma túy thì rất khó mà "cải tạo". "Non sông
dễ đổi, bản tính khó dời", thực tế đau lòng lắm.
Chắc quý vị vẫn còn nhớ câu chuyện của cậu bé và cây đinh, đại khái như sau:
Có một cậu bé tính tình rất nóng nảy cộc cằn, cha cậu đưa cho một túi đinh
và dặn rằng mỗi khi cậu nổi nóng hay nặng lời với ai, hãy đóng một cái đinh
vào hàng rào gỗ phía sau vườn và suy nghĩ về việc mình đã làm. Người cha
cũng bảo nếu mỗi lần mà cậu giữ được bình tĩnh, hãy nhổ một chiếc đinh đã
đóng trên hàng rào. Nhiều tháng trôi qua, cuối cùng đứa bé vui mừng vì những
chiếc đinh đều đã được nhổ. Người cha dẫn cậu đến hàng rào và nói:
- Con đã làm rất tốt con trai ạ! Nhưng hãy nhìn vào những cái lỗ trên hàng
rào, chúng sẽ chẳng bao giờ nhìn như xưa nữa. Vì điều con nói trong lúc giận
dữ sẽ để lại trong lòng người khác những vết thương - giống như những vết
đinh này. Cho dù con có nói lời xin lỗi thì vết thương vẫn còn đó. Vậy hãy
rất cẩn thận.
Đúng thế, đây là một câu chuyện rất ý nghĩa làm chúng ta ý thức hơn.
Cũng có người cha đã khẳng định nếu con trai mình muốn lấy vợ, thì phải
chứng tỏ mình thật sự trưởng thành, tức là thực hành được cách nói lời xin
lỗi thì mới có khả năng "ra riêng" được.
Bậc phụ huynh cũng cần nhận lỗi với con cái. Nhưng giáo dục con trẻ cũng là
một nghệ thuật. Bạn có nhận ra sự khác biệt khi nghe một người mẹ nói
“Mẹ xin lỗi vì mẹ đã la mắng con”, trong khi một người mẹ khác cùng
một hoàn cảnh đã nói “Mẹ đã rất mệt mỏi và mất bình tĩnh, nên mẹ mới la mắng
con nặng lời như thế, mẹ xin lỗi.” Người mẹ đầu tiên sẽ khiến đứa con nghĩ
rằng bà mẹ đã sai và chúng đúng. Còn câu của người mẹ thứ hai lý giải được
tại sao bà lại hành động như thế, và câu nhận lỗi này không có ý nói sai lỗi
của đứa con là đúng, mà nhấn mạnh rằng hoàn cảnh và cách la mắng lúc đó nặng
nề mà thôi. Quả vậy, việc giáo dục con cái rất quan trọng, cần đúng chỗ đúng
lúc rất phân minh.
Tôi cũng có một chị bạn, chị kể chuyện chồng chị bài bạc, sai lỗi hoàn toàn,
nhưng khi đó chị quá nóng nên chửi cả bố mẹ chồng, rốt cuộc chính chị phải
xin lỗi vì đã xúc phạm đến bậc cha mẹ!
Một khúc phim ngắn mà tôi xem được cũng nêu lên một tình huống khá khó
xử. Đó là một cậu bé khoảng 15 tuổi quá giận người bồ nhí của cha
mình, vì đã làm mẹ cậu đau khổ, nên cậu rình chọi sình đất và chửi bới cô bồ
này, thậm chí ném đá làm vỡ cửa kiếng nhà cô này. Công an phải can thiệp vì
cậu bé dù gì cũng phạm luật, nhưng thật sự ai là người có lỗi, ai phải xin
lỗi ai? Với riêng tôi thì người đầu tiên phạm lỗi và gây ra xáo trộn chính
là người cha lăng nhăng này. Ông muốn gia đình an ổn thì phải can đảm bỏ cô
bồ trẻ, xin lỗi vợ con, xin lỗi cả cô người yêu nữa. Chuyện sẽ còn rắc rối
khó gỡ vì vướng vào lưới tình. Mà thôi, tôi đang bàn về chủ đề xin lỗi mà,
không dám gỡ rối tơ lòng đâu!
Trở về thực tế, những món hàng lỗi, tức làm sai cái gì đó mà vẫn còn xài
được, phải bán với giá rẻ. Làm sai thì .... sai chắc rồi, nhưng ít nhất khi
biết nói lời xin lỗi thì có thể ngăn chặn các hiểu lầm, có được liều thuốc
chữa lành các vết thương lòng. Nếu gây ra thiệt hại vật chất trong hành động
sai lỗi của mình, hãy đề nghị thanh toán, sửa chữa hư hại đó. Còn nếu làm
người khác buồn, bị thiệt hại tinh thần thì có thể mua tặng bó hoa hoặc hộp
kẹo, để tỏ lòng ăn năn thật sự.
Biết lỗi và xin lỗi là dấu chỉ của người khiêm nhường. Khi ngõ lời xin lỗi,
chính mình sẽ tìm được bình an trong tâm hồn, cảm nhận sự thanh thản và hàn
gắn lại sự thân thiện với anh em. Không nên đưa ra lời xin lỗi nửa vời sẽ
làm hư mối quan hệ của mình với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Nói lời xin
lỗi không hẳn là bạn sai và người kia đúng, đôi khi nó có nghĩa rằng bạn coi
trọng mối quan hệ với người ấy hơn cái tôi của mình mà thôi.
Nhiều người lỡ đụng làm trầy xe người khác đang đậu, không ai biết nhưng đã
tự giác viết giấy xin lỗi, để lại số phôn và sẵn sàng bồi thường. Nếu bạn
lái xe lỡ cọ quẹt xe ai đó, bạn có can đảm làm như thế không? Nhiều người sợ
quá "hit and run", trước sau gì cũng bị khám phá ra, khi đó sẽ bị phạt nhiều
hơn. Hãy can đảm! Rõ ràng khi vô tình mắc lỗi, mà cách hành xử đúng mực sẽ
nhận được sự tha thứ cách dễ dàng ơn.
Một thực tế rất đau lòng là do sự suy thoái đạo đức hiện nay, nhiều người đã
"vô cảm" không áy náy, lương tâm không có ... răng để cắn rứt khi mình sai
trái! Làm lỗi mà cứ nhơn nhơn ra vẻ ta đây thật đáng buồn.
Nãy giờ nói chuyện xin lỗi có vẻ đạo mạo quá, bây giờ mời bạn nghe một vài
câu chuyện vui đã xảy ra làm ồn ào các trang mạng xã hội nhé. Chẳng hạn
chuyện anh chàng Ấn Độ đã thuê người dựng mấy trăm tấm bảng trên lối người
yêu đi qua để xin lỗi. Người ấy tên là Nilesh Khedekar, anh tốn 72.000 rupee
để giăng 300 tấm bảng khắp con đường ở thành phố Pimpri Chinchwad với dòng
chữ "Shivde, anh xin lỗi" cùng một trái tim đỏ ở giữa. Theo trang
Times of India, không rõ những thông điệp này có làm người yêu của anh mủi
lòng tha thứ hay không, nhưng trước tiên cảnh sát đã tìm đến phạt và yêu cầu
Khedekar tháo hết các tấm biển trái phép này. Nếu bạn là cô gái được xin
lỗi, bạn có tha hay không? Dám nhận lỗi trước bao nhiêu người, dám bỏ tiền
ra như thế thì chắc là có sự thành tâm "ăn năn sám hối rồi", đáng cho thêm
cơ hội lắm chứ nhỉ?!
Một chuyện vui khác theo trang Shanghaiist, có người đàn ông họ Wang ở Tứ
Xuyên, đã cãi nhau với vợ khiến cô bỏ đi. Để cầu xin vợ trở lại, anh đã chi
3.000 nhân dân tệ để đăng thông điệp trên hơn 600 xe taxi trong thành phố
với nội dung: "Em yêu, anh đã sai rồi. Hãy tha thứ cho anh nhé". Nỗ
lực này đã được kết quả, Wang đã nhận được điện thoại của vợ.
Cũng có người trả tiền lót đầy hoa hồng trước nhà người yêu để xin lỗi. Đây
là những "good idea", nhưng tôi không dám xúi bạn bắt chước đâu nhé. Nếu
muốn tránh tổn thương, tốn kém, cách dễ nhất là đừng làm lỗi đến nỗi bạn
gái, vợ phải bỏ đi.
Tôi cũng nhớ một chuyện vui nho nhỏ do lẫn lộn giữa tiếng Việt và tiếng Anh
khi xài chữ "sorry". Khi đó con trai tôi còn nhỏ đi học tiếng Việt, được
biết cha cô giáo vừa qua đời bên Việt Nam, tôi bảo con lại chia buồn. Nó
dõng dạc nói "Thưa cô, con xin lỗi cô". Tôi hết hồn, thì ra cháu dịch
chữ "I'm sorry (to hear the bad news)" thành ra "Con xin lỗi cô"!
Có chuyện vui như trên thì cũng có chuyện buồn. Đó là "vụ việc" xảy ra ở
trường Tiểu học Bình Chánh, thuộc Bến Lức tỉnh Long An. Khi đó một cô giáo
đã phạt vài học sinh quỳ gối vì các em vi phạm nội quy. Ngay sau đó, 4 phụ
huynh có con bị phạt đã đến trường trách móc cách hành xử của cô N. Cô N. đã
nhận lỗi và hứa sẽ khắc phục sai sót. Tuy vậy, 1 phụ huynh đã không chấp
nhận và làm khó. Trước áp lực của ông này - có lẽ là người giàu có quyền thế
- cô N. phải quỳ xuống xin lỗi ông trước sự chứng kiến của đồng nghiệp và
các em học sinh. Bạn nghĩ sao về việc này. Với tôi thì đây là hành động vi
phạm nhân quyền, chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Nếu con của
mình sai, phụ huynh nên phối hợp với thầy cô để giáo dục con, không vì xót
con mà sỉ nhục người khác. Chính bố mẹ không tôn trọng cô giáo thì làm sao
mà cô giáo dạy học trò, làm sao mà đứa con biết phải trái để tiến bộ hơn?
Nói vòng vo nãy giờ, để tóm lại xin nhấn mạnh xin lỗi là một nghệ thuật, nếu
bạn “trót dại” gây lỗi lầm, làm tổn thương người khác, thì bước đầu tiên là
phải tự thừa nhận rằng chính mình đã có hành vi không tốt. Tiếp tới là phải
biết bày tỏ sự ân hận. Sẽ chẳng tác dụng nếu bạn nhận lỗi mà khuôn mặt tỉnh
bơ, chẳng cảm xúc gì. Sau đó thì phải sửa chữa lỗi lầm, đền bù vật chất hoặc
gửi tặng một món quà nếu thương tổn về tinh thần. Đừng ngần ngại, hãy xin
lỗi càng sớm càng tốt, chớ để quá lâu. Sự khó chịu tích lũy sẽ dẫn tới những
căng thẳng làm mối quan hệ ngày càng khó cải thiện hơn. Các nhà tâm lý cũng
khuyên hãy nói về lỗi lầm của mình với lời lẽ chân thành, tránh úp mở mơ hồ,
đổ thừa tại bị thế này thế khác. Sau khi xin lỗi, hãy yên lặng lắng nghe
người đó nói về cảm giác của họ. Hãy nhận bồi thường thiệt hại, nhưng đừng
hứa hẹn quá khả năng của mình. Còn nếu mình là nạn nhân, thì cũng không nên
cố chấp, "già néo đứt dây" khi người khác đã xuống nước xin lỗi mình.
Khi yêu nhau mà vì hoàn cảnh lỗi hẹn không lấy được nhau, cũng là chuyện đau
lòng khó quên. Lỗi hẹn, lỗi đạo làm con, lỗi đạo vợ chồng cũng rất cần được
quan tâm, sửa sai cách tốt nhất có thể. Trong chuyện Kiều của Nguyễn Du cũng
đã có những câu nói về sự hối tiếc như:
"Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa".
"Kiều nhi phận mỏng như tờ, Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng"!
Tôi có nghe lời người chồng trước khi qua đời vị ung thư nói với vợ: "Anh
xin lỗi đã không thực hành được lời hứa sẽ bảo bọc em suốt đời", nghe cảm
động hết sức.
Tôi cũng rất buồn vì mình đã lỗi đạo làm con, khi còn trẻ thì không chăm học
như ba mẹ mong muốn, lớn lên thì phải bỏ ba mẹ đi vượt biên, khi đi làm có
tiền thì ba mẹ đã mất, không có cơ hội đền bù công ơn, tỏ lòng hiếu
thảo.
Chúng tôi cũng có sưu tầm câu nói hay để xin lỗi, nếu ngượng khó nói thành
lời bạn có thể viết, đại khái: “Em có trái tim của một thiên thần, vì vậy
hãy tha thứ cho anh. Anh sẽ không bao giờ mắc sai lầm này nữa đâu.”
Cô gái có thể trả lời: “Cảm ơn anh, em hiểu lời xin lỗi của anh, nhưng bây
giờ em vẫn còn rất buồn và cần thêm thời gian để tin rằng chuyện này không
xảy ra lần nữa". Tôi thích câu trả lời này lắm, tức là cho "người ấy" cái án
treo, không tha ngay mà cũng không buộc mãi, cần thêm thời gian để theo dõi
rồi mới quyết định.
Biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi là một văn hóa tốt đẹp mà mọi người cần
thực hành thường xuyên và đúng đắn. Chúc bạn luôn hành xử tốt đẹp và sống
vui, sống tốt, sống khoẻ cả về thể xác cũng như tinh thần.
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Một bài viết tuyệt vời.... Chân thành cám ơn tác giả.
ReplyDelete