Bùi Quý Chiến
Năm 1282 tin tức từ biên giới khẩn báo về triều đình rằng nhà Nguyên đang
huy động quân đội để xâm lược nước ta và Chiêm thành.
Tiếp theo, sứ thần nhà Nguyên sang đòi nước ta cho mượn đường sang đánh
Chiêm thành và trưng thu lương thực tiếp tế cho quân Nguyên.
Vua Trần Nhân Tông từ chối viện lẽ nước ta không có đường bộ thuận tiện sang
Chiêm thành.
Biết quân Nguyên sớm muộn gì cũng xâm phạm lãnh thổ, Nhân Tông triệu tập
cuộc họp ở bến Bình than gồm các vương hầu và triều thần để bàn kế sách
chống giặc Nguyên .
Bến Bình than nằm bên bờ sông Lục đầu (đoạn chảy qua Chí linh). Có lẽ nơi
này là một căn cứ thủy quân của ta vì sau đó vùng này là trận Vạn kiếp khiến
Thoát Hoan phải chui vào ống đồng đặt trên xe cho quân kéo chạy về nước. Nơi
này cũng là đền Kiếp bạc thờ Đức Trần Hưng Đạo.
Sông Lục đầu là một khúc hợp lưu của 6 con sông như sau:
-
Đầu nguồn gồm 3 sông thuộc tỉnh Bắc giang : sông Lục nam, sông Thương và
sông Cầu.
-
Sông Đuống thuộc tỉnh Bắc ninh, nối với sông Hồng và chia nước từ sông
Hồng vào Lục đầu.
-
Sông Thái bình và sông Kinh thầy thuộc tỉnh Hải dương, hai sông này chảy
ra biển. Khúc cuối của sông Kinh thầy (từ Thủy nguyên ra biển) là sông
Bạch đằng.
Sông Lục đầu có tính chiến lược. Các cuộc xâm lăng của kẻ thù phương Bắc
thường theo đường bộ và đường thủy. Đường bộ có 2 ngả từ Quảng đông hoặc/và
Vân nam. Đường thủy từ biển Đông theo sông Bạch đằng vào Lục đầu rồi từ Lục
đầu theo sông Đuống vào sông Hồng (nơi sông Hồng chia nước vào sông
Đuống ở về phía bắc Thăng long). Lục đầu là nơi diễn ra các cuộc thủy chiến
giữa ta và giặc.
Khi thuyền ngự ra tới Bình than, Nhân Tông gặp một thuyền bán than, người
lái thuyền mặc áo vải gai và đội nón lá tỏ ra rất nghèo khổ. Tuy hình dáng
người lái thuyền tiều tụy nhưng vua nhận ra là thân tộc Trần Khánh Dư.
Khánh Dư nguyên là Nhân Huệ Vương rất được Thượng hoàng Thánh Tông thương
yêu vì có công dẹp được giống người Man nổi loạn (các giống dân thiểu số ở
thượng du đều gọi là Man). Thượng hoàng muốn phong cho Khánh Dư tước Phiêu
kỵ đại tướng quân nhưng ngặt nỗi tước này chỉ được phong cho các hoàng tử.
Để vượt qua luật lệ này, Thượng hoàng phong cho Khánh Dư làm Thiên tử nghĩa
nam (con nuôi của vua) sau đó phong Phiêu kỵ đại tướng quân.
Khánh Dư còn được phong thêm tước Tử phục thượng vị hầu (tử phục là áo màu
đỏ tía; tước hầu có nhiều bậc, bậc cao nhất được mặc áo màu đỏ tía).
Tuy có tài nhưng kém đức hạnh, Khánh Dư tư thông với công chúa Thiên Thụy là
vợ của Hưng vũ vương Trần Quốc Nghiễn (con dâu của Hưng Đạo Vương). Bị truất
phế xuống thứ dân và bị tịch thu hết tài sản, Khánh Dư phải về Chí linh làm
nghề bán than.
(Theo Đại Việt sử ký toàn thư: vua Nhân Tông ra lệnh đánh trượng Khánh Dư
cho đến chết nhưng Thượng hoàng ban mật lệnh chỉ đánh sao cho Khánh Dư
khỏi chết).
Cảm thương tình cảnh khổ cực của Khánh Dư, Nhân Tông hạ chiếu tha tội, cấp
quần áo và phục hồi chức tước như trước.
Khánh Dư được tham dự cuộc họp. Trần Quốc Toản không được tham dự vì còn nhỏ
tuổi; nổi giận, Quốc Toản bóp nát trái cam đang nắm trong tay.
Trong cuộc họp, người thì bàn nên cho quân Nguyên mượn đường để tránh chiến
tranh, người thì bàn cho sứ thần mang cống phẩm sang xin nhà Nguyên bãi
binh, chỉ có Hưng Đạo Vương và Trần Khánh Dư là quyết kháng chiến chống quân
xâm lược.
Lời bàn của Hưng Đạo Vương và Khánh Dư hợp ý vua. Tuy nhiên vua muốn biết cả
ý dân nên tổ chức Hội Nghị Diên Hồng gồm các bô lão toàn quốc. Đại diện cho
toàn dân, các bô lão cùng một lòng quyết chiến.
Hưng Đạo Vương được phong làm Quốc công, Tiết chế (thống lĩnh toàn quân).
Trần Khánh Dư được phong làm Phó tướng quân.
Hưng Đạo Vương chia quân đi phòng vệ các nơi hiểm yếu, Khánh Dư được chỉ
định giữ Vân đồn.
Là một hải đảo ở phía bắc vịnh Hạ long, Vân đồn coi như tiền đồn chống giặc
phương Bắc từ phía biển.
Vì xa xôi cách trở nên Hưng đạo vương cho Khánh Dư được toàn quyền hành
động.
Thoát Hoan sang đánh nước ta 2 lần.
Lần thứ nhất, năm 1284, Thoát Hoan theo đường bộ chia làm 2 cánh quân: một
cánh do Bằng Phi chỉ huy đánh chiếm Vạn kiếp, một cánh do Ô Mã Nhi chỉ huy,
vượt sông Hồng đánh chiếm Thăng Long.
Đồng thời Toa Đô theo đường biển vào đánh Chiêm thành.
Hưng Đạo Vương rước thượng hoàng và vua bỏ kinh thành lánh nạn. Quân ta lui
về các điểm trọng yếu và chuẩn bị phản công. Trần Quang Khải được điều vào
Thanh hóa để ngăn chặn Toa Đô từ Nghệ an tiến ra
(Toa Đô thất bại trong cuộc đánh chiếm Chiêm thành nên đem quân trở ra
đánh chiếm Nghệ an).
Thoát Hoan cũng cho Ô Mã Nhi theo đường biển vào tăng cường Toa Đô.
Hai tháng sau cuộc xâm lược của giặc Nguyên, Trần Nhật Duật khởi đầu cuộc
phản công, đánh bại quân Nguyên ở bến Hàm tử.
Toa Đô và Ô Mã Nhi không vượt qua được tuyến phòng ngự của Quang Khải bèn
xuống thuyền rút về Thăng long với Thoát Hoan.
Quang Khải bỏ Thanh hóa để tiến về giải tỏa Thăng long. Chiến thắng của
Quang Khải ở bến Chương dương khiến Thoát Hoan bỏ Thăng long chạy về Bắc
giang.
Không liên lạc được với Thoát Hoan, Toa Đô và Ô Mã Nhi bèn đóng quân ở Tây
Kết. Hưng Đạo Vương đem quân tới tấn công Tây kết. Quân Nguyên tan vỡ, Toa
Đô bị chém đầu, Ô Mã Nhi trốn xuống thuyền nhỏ trốn về Tàu.
Thừa thắng, Hưng Đạo Vương đem đại quân tấn công Thoát Hoan ở Bắc giang.
Đoán chắc Thoát Hoan sẽ rút quân về nước theo ngả Vạn kiếp - Quảng yên để về
châu Tư minh (biên giới hai nước), Hưng Đạo Vương cho Phạm Ngũ Lão và Nguyễn
Khoái đem quân mai phục ở Vạn kiếp và sai hai con là Quốc Nghiễn và Quốc Uy
đem quân mai phục gần châu Tư minh.
Quả nhiên Thoát Hoan thua trận chạy về Vạn kiếp bị quân mai phục của Phạm
Ngũ Lão đổ ra đánh; giặc bị tổn thất tới 50%, tướng Nguyên là Lý Hằng
bị trúng tên chết.
|
Điêu khắc hình Thoát Hoan đang chui ống đồng trên phù điêu ở
Đền thờ Đức Thánh Trần
|
Vì tình thế nguy hiểm, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng đặt trên xe cho
quân kéo chạy. Khi về tới gần châu Tư minh, quân Nguyên bị quân mai phục của
Quốc Nghiễn và Quốc Uy đổ ra đánh. Tướng Nguyên là Lý Quán bị trúng tên
chết, Thoát Hoan được tướng A Bát Xích và Phàn Tiếp bảo vệ chạy thoát về Tư
minh.
Cuộc xâm lược của giặc Nguyên khởi đầu từ tháng chạp năm giáp thân (1284)
tới tháng 6 năm ất dậu (1285) tính ra chỉ có 6 tháng là đại bại.
Quân Nguyên tổn thất 3 tướng là Toa Đô, Lý Hằng và Lý Quán.
Nhà Trần chỉ có tướng Trần Bình Trọng bị bắt, sau đó bị giết vì không chịu
hợp tác với giặc.
Nhằm phục thù , nhà Nguyên hủy bỏ kế hoạch xâm lăng nước Nhật để phen này
quyết xâm chiếm nước ta. Thoát Hoan lại được phong làm Đại nguyên súy. Ngoài
chủ lực theo đường bộ, Thoát Hoan còn tổ chức thủy quân theo đường biển. Để
khỏi phụ thuộc vào lương thực cướp bóc của dân ta, Thoát Hoan được cấp 17
vạn thặng lương thực do Trương Văn Hổ vận tải theo ven biể .
Hưng Đạo Vương chia quân ra phòng vệ các nơi hiểm yếu. Trần Nhật Duật và
Nguyễn Khoái giữ Lạng sơn , Trần Quốc Toản và Lê Phụ Trần giữ Nghệ an, Hưng
Đạo Vương và đại quân giữ mặt Quảng yên (trục tiến quân chính của Thoát
Hoan).
Vì giặc quá mạnh, Hưng Đạo Vương rút về giữ Thăng long, Thượng hoàng và Nhân
Tông lánh nạn về Hám nam.
Thoát Hoan chia 2 cánh quân: quân bộ do Trình Bằng Phi và Áo Lỗ Xích đánh
chiếm Vạn kiếp, quân thủy do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp theo sông Bạch đằng vào
Lục đầu giang rồi theo sông Đuống tiến đánh Thăng long.
Không hạ được thành, Ô Mã Nhi quay ra săn đuổi Thượng hoàng và Nhân Tông
nhưng hai vua đã kịp xuống thuyền vào Thanh hóa. Ô Mã Nhi rút về Vạn kiếp;
khi qua Long hưng, Ô Mã Nhi cho quân phá hủy lăng mộ Tổ nhà Trần.
Thoát Hoan lập đồn trại từ Chí linh qua Vạn kiếp tới Phả lại. Hưng Đạo Vương
cũng lập đồn trại ứng phó với giặc. Hai bên cầm chân nhau cho tới khi giặc
cạn lương. Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đi đón thuyền tải lương của Trương văn
Hổ.
Trần Khánh Dư thấy thuyền của Ô Mã Nhi đi qua Vân đồn liền hành quân ngăn
chặn nhưng bị đánh bại.
Thượng hoàng được tin, nổi giận cho sứ đi bắt Khánh Dư về trị tội. Khánh Dư
xin khất vài ngày để lập công chuộc lại cuộc bại trận.
Sau khi gặp được thuyền tải lương của Trương Văn Hổ, Ô Mã Nhi chủ quan cho
rằng Khánh Dư đã bị đánh bại thì không còn hiểm họa nào nữa nên cho chiến
thuyền của mình đi trước thay vì phải đi kèm để bảo vệ thuyền lương.
Khai thác lỗi lầm của Ô Mã Nhi, Khánh Dư tổ chức lại quân ngũ để mai phục
thuyền lương đi sau. Quả nhiên Văn Hổ lọt vào trận địa, thuyền lương phần bị
đánh chìm xuống biển, phần bị tịch thu không sót một thuyền nào. Văn Hổ trốn
xuống thuyền nhỏ chạy về Quỳnh châu.
Ô Mã Nhi đợi không thấy thuyền lương bèn phá trại An hưng rồi về Vạn kiếp.
Được tin thắng trận, Thượng hoàng vui mừng tha tội cho Khánh Dư và bàn với
Hưng đạo vương thả tù binh ở Vân đồn về báo tin cho Thoát Hoan biết thuyền
lương đã mất hết.
Thoát Hoan nao núng muốn cho người về nước xin viện binh và lương thực nhưng
Hưng Đạo Vương ra lệnh kiểm soát chặt chẽ biên giới không cho người Tàu qua
lại. Các tướng tham mưu của Thoát Hoan bàn rằng : thành trì không có, lương
thực cạn kiệt, thời tiết sang mùa hạ oi ả, những nơi hiểm yếu đã mất, nên
rút về, sau sẽ liệu.
Thoát Hoan cho rút quân theo 2 ngả:
-
Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp rút thủy quân về trước theo sông Bạch đằng ra
biển.
-
Đại quân rút sau theo đường bộ, Trình Bằng Phi và Trương Quân đoạn hậu.
Biết được kế hoạch rút quân của giặc, Hưng Đạo Vương sai Nguyễn Khoái đi
đường tắt ra Bạch đằng lấy cọc gỗ bịt sắt cắm suốt một khúc sông ở địa phận
huyện Thủy nguyên. Khi đại quân của Hưng Đạo Vương tới chiến trường đã được
lựa chọn, chiến thuyền của Ô Mã Nhi cũng vừa tới. Nguyễn Khoái xông ra khiêu
chiến rồi giả thua bỏ chạy. Chiến thuyền của giặc đuổi theo. Khi vừa qua bãi
cọc thì Nguyễn Khoái quay lại phàn công cũng là lúc thủy triều xuống
rất mau. Chiến thuyền của giặc mắc cọc lật nhào, phục quân của Hưng Đạo
Vương đổ ra giết và bắt sống không sót một tên. Trong số tù binh có các
tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và Tích Cơ Lệ Ngọc.
Được tin Ô Mã Nhi bại trận và bị bắt, Thoát Hoan liền cho rút quân về ải Nội
bàng nhưng bị phục binh của Phạm Ngũ Lão chặn đánh. Tướng giặc là Trương
Quân bị chém chết. Thoát Hoan tái tổ chức đội hình: tướng A Bát Xích và
Trương Ngọc mở đường, Trình Bằng Phi bảo vệ Thoát Hoan, Áo Lỗ Xích đoạn hậu.
Nhưng từ đó tới núi Kỳ cấp đều có đồn ải của quân nhà Trần, giặc phải theo
đường tắt chạy về châu Tư minh.
Đại thắng, Thượng hoàng và Nhân Tông trở về Thăng long. Khi qua Long hưng,
Nhân Tông đem bọn Ô Mã Nhi làm lễ hiến phù ở lăng mộ Tổ họ Trần. Lẽ ra lễ
hiến phù được làm ở nhà Thái miếu trong hoàng cung nhưng vì Ô Mã Nhi cho
lính phá hủy lăng mộ nên lăng mộ được trùng tu và Ô Mã Nhi được dâng lên
Tiên đế như một lễ vật chuộc tội.
Tính ra từ khi Thoát Hoan vượt biên giới khởi chiến vào tháng 2 năm Đinh hợi
(1287) tới khi thất trận Bạch đằng vào tháng 3 năm Mậu tí (1288) chỉ có 13
tháng. Bên giặc bị chết 1 tướng và bị bắt 3 tướng. Hưng Đạo Vương không mất
một tướng nào.
Xâm lăng lần thứ nhất, Thoát Hoan chủ quan khinh địch nên sớm bị Trần Hưng
Đạo đánh bại. Lần thứ nhì Thoát Hoan tiên liệu một cuộc chiến khốc liệt và
lâu dài vì phải đối đầu với một dũng tướng nhà Trần vừa thao lược vừa kiên
trì. Do đó song song với việc hoạch định chiến thuật, Thoát Hoan còn cho vận
tải 17 vạn thăng lương để yểm trợ cho cuộc chiến kéo dài. Nhưng không ngờ
trận Vân đồn đã cắt đứt nguồn tiếp liệu thiết yếu khiến Thoát Hoan đại bại.
Trận Vân đồn của Trần Khánh Dư tuy không phải là trận ác chiến ở tiền tuyến
nhưng kết quả rất quan trọng, góp phần sớm đánh tan quân Nguyên xâm lược.
Bùi Quý Chiến
---------------------------------------
THAM KHẢO:
- Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên .
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục .
- Bản đồ hành chính Việt nam của Nhà xuất bản bản đồ .
Post a Comment