Header Ads

Robert Frost (1874 - 1963) Thi Hào Danh Tiếng của Hoa Kỳ


Phạm Văn Tuấn

1/ Cuộc đời của Thi Hào Robert Frost.

Robert Lee Frost là nhà thơ danh tiếng nhất của Hoa Kỳ trong năm thập niên từ 1920. Vào năm 1960, Quốc Hội Hoa Kỳ đã trao tặng Thi Hào Robert Frost một huy chương vàng để “công nhận thơ phú của ông đã làm giàu cho nền văn hóa của Hoa Kỳ và nền triết học của Thế Giới”. Sự nghiệp thơ phú của Robert Frost đã lên tới đỉnh cao nhất vào tháng 1 năm 1961 khi ông đọc bài thơ “Quà Tặng Hoàn Toàn” (The Gift Outright) nhân dịp Lễ Nhậm Chức của Tổng Thống John F. Kennedy.

Các thi phẩm của Robert Frost đã diễn tả nhiều đề tài đơn giản như “Du đưa trên cành cây phong” (Swinging on a Birch Tree), "Dừng Chân Chiều Tuyết Bên Rừng" (Stopping by Woods on a Snowy Evening), “Cảnh chết của một người làm công” (The Death of a Hired Man)... Đằng sau các vần thơ mang hình ảnh của miền Tân Anh Cát Lợi (the New England) là các cảm xúc sâu xa của nhà thơ trước các vấn đề căn bản của đời sống: tình yêu, tính thủy chung, sự nhận biết thiên nhiên và Thượng Đế...

Các hình ảnh và lời thơ của Robert Frost thường có vẻ như quen thuộc và cổ xưa, các nhận xét của ông có thể bị coi là bi quan và chua chát nhưng khi đọc các bài thơ của ông nhiều lần, mọi người dễ nhận ra các ý tưởng mang tính truyền thống, mô tả sự tương quan giữa con người và thiên nhiên, nhưng Robert Frost không giống các nhà thơ thuộc trường phái Lãng Mạn (Romanticism) trước kia mà thơ phú của ông là phần nối giữa hai nền thơ phú Hoa Kỳ thuộc thế kỷ 19 và thế kỷ 20.

Robert Lee Frost chào đời vào ngày 26 tháng 3 năm 1874 tại San Francisco, là con của ông William Prescott Frost, Jr. thuộc miền New Hampshire và bà Isabelle Moodie thuộc xứ Tô Cách Lan (Scotland). Robert Lee Frost được đặt tên theo Tướng Robert Edward Lee, vị chỉ huy đạo quân Liên Minh Miền Nam (the Confederate armies) trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ (1861-65). Ông William Frost là biên tập viên (editor) của một tờ báo, đã qua đời vì bệnh lao phổi khi Robert lên 10 tuổi. Năm sau, Robert cùng mẹ là một giáo sư trung học, về sinh sống với ông nội trong tỉnh Lawrence thuộc tiểu bang Massachusetts.

Robert Frost đã theo bậc trung học tại Lawrence và bắt đầu làm thơ. Sau đó, ông theo đại học Dartmouth được một năm rồi nghỉ học, đi kiếm việc làm. Năm 1895, Robert Frost lập gia đình với cô Elinor White, người nữ sinh đã cùng xếp hàng đầu trong lễ tốt nghiệp trung học (co-valedictorian). Gia đình này có 6 con nhưng 2 người đã bị chết sớm.

Từ năm 1897 tới năm 1899, Robert Frost theo học đại học Harvard nhưng đã thôi học trước khi tốt nghiệp bởi vì ông nội của Robert đã cho cháu một nông trại nhỏ gần Derry, N.H., nên từ nay, Robert Frost là một nông gia, kiếm thêm lợi tức bằng nghề dạy học. Chính trong thời kỳ trồng trọt trong miền nông trại, sinh sống giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ của miền đất Tân Anh Cát Lợi mà Robert Frost đã có đầy đủ các đề tài để sau này viết ra các bài thơ danh tiếng.

Robert Frost tiếp tục sáng tác thơ phú nhưng đã không thành công trong việc phổ biến các bài thơ của mình, vì vậy vào năm 1912, ông đã bán nông trại, dọn nhà qua nước Anh. Tại địa phương mới này, Robert Frost đã đạt được sự thành công đầu tiên: tập thơ “Ước Muốn của Cậu Trai” (A Boy’s Will) được một nhà xuất bản Anh in ra, phố biến vào năm 1913 qua đó bộc lộ trí tưởng tượng đơn giản và thực tế của tác giả. Tập thơ thứ hai “Phía Bắc của Boston” (North of Boston) được xuất bản năm 1914 cũng được nhiều người khen ngợi.

Trong thời gian sinh sống tại nước Anh, Robert Frost đã gặp nhiều nhà thơ người Mỹ trong đó có Amy Lowell và nhà văn tiền phong Erza Pound. Ông cũng cộng tác với nhóm nhà thơ người Anh gồm cả Robert Graves, Ruper Brooke, Wilfred Owen và Edward Thomas.

Do vài tập thơ được nhiều người ca ngợi, do danh tiếng đã ổn định, Robert Frost trở về Hoa Kỳ vào năm 1915, định cư trong một nông trại thuộc tiểu bang New Hampshire. Trong 10 năm kế tiếp, ông tiếp tục làm thơ và giảng dạy văn chương tại các đại học Amherst, Michigan, Harvard và Dartmouth. Năm 1916, ông cho phổ biến tập thơ “Khoảng Cách Núi” (Mountain Interval) trong đó có bài thơ “Rừng Cây Phong” (Birches) và “Con Đường Không Theo” (The Road Not Taken).

Các  bài thơ của thi sĩ Robert Frost thường phản ảnh đời sống nông thôn của miền Tân Anh Cát Lợi với ngôn ngữ đơn giản, mộc mạc, nhưng bên trong hàm chứa nhiều tầm cảm xúc, từ ý nghĩa khôi hài tới cảm tưởng bi quan, phần lớn liên quan tới sự việc con người phản ứng trước môi trường ra sao, bởi vì tác giả dù nhận ra các vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng cũng thấy rõ các nguy hiểm tiềm ẩn.

Nhà thơ Robert Frost không ưa thích thể thơ tự do, ông dùng cách gieo vần và âm điệu cổ điển với các câu thơ có tiết điệu của lời nói tự nhiên. Năm 1923, ông cho phổ biến tập thơ “New Hampshire” gồm nhiều bài thơ dài, kể ra nhiều câu chuyện như “Người Vợ của Paul” (Paul’s Wife), “Người Phù Thủy miền Coos” (The Witch of Coos), cũng như các suy ngẫm về các đề tài khác nhau, chẳng hạn như “Màu Xanh Từng Mảng” (Fragmentary Blue), “Lửa và Nước Đá” (Fire and Ice) và bài thơ danh tiếng nhất “Dừng Chân Chiều Tuyết Bên Rừng” (Stopping by Woods on a Snowy Evening). Cũng qua tập thơ “New Hampshire” này, do đứng trước thiên nhiên tác giả đã chấp nhận cả sự đau đớn lẫn niềm vui thích và cho rằng sức chịu đựng là một đức tính bởi vì “niềm đau làm cho tôi tỉnh thức”.

Tập thơ “New Hampshire” đã mang lại cho tác giả Robert Frost Giải Thưởng Pulitzer của năm 1924. Đây là phần thưởng cao quý đầu tiên. Năm 1931, ông được tặng Giải Thưởng Pulitzer lần thứ hai do tập thơ “Các Bài Thơ Sưu Tập” (Collected Poems, 1930) rồi vào năm 1937, tập thơ “Tầm Xa Mới” (A Further Range, 1936) đoạt Giải Thưởng Pulitzer lần thứ ba và lần thứ tư năm 1943 với tập thơ “Ngọn Cây Chứng Giám” (A Witness Tree, 1942).

Nhà Thơ Robert Frost cũng viết hai vở kịch bằng thể thơ 10 âm tiết (blank verse), vở đầu tiên có tên là “Ca Kịch của Lý Trí” (A Masque of Reason, 1945), vở này đã được giới phê bình khen ngợi, vở thứ hai là “Ca Kịch của Lòng Thương” (A Masque of Mercy, 1947), thành công hơn vở trước.

Năm 1958, nhà thơ Robert Frost được mời làm Cố Vấn về Thơ Phú cho Thư Viện Quốc Hội rồi hai năm sau, đã nhận được Huy Chương Vàng của Quốc Hội Hoa Kỳ. Hai thi phẩm sau cùng của Robert Frost là tập thơ “Steeple Bush” (1947) và “Trên Miền Quang Đãng” (In the Clearing, 1962). Các bài thơ về sau của ông rất phong phú về từ ngữ và hình ảnh, đã hướng dẫn người đọc quên hiện tại và đưa trở về nguồn gốc của mình.

Khác với nhiều nhà thơ lãng mạn của thời đại trước, họ tin rằng con người có thể sống hòa hợp với thiên nhiên, nhà thơ Robert Frost lại cho rằng các mục đích của con người và thiên nhiên khác nhau, vì vậy mà con người không thể hiểu được các ý nghĩa của thiên nhiên. Nhà thơ tin tưởng rằng chỉ do việc làm âm thầm và hữu ích trong các hoàn cảnh sức mạnh của thiên nhiên mà con người đạt được sự bình an.

Nhà thơ Robert L. Frost qua đời tại Boston vào ngày 29 tháng 1 năm 1963. Trong thời gian còn sống, Robert Frost được coi là Thi Hào ngang hàng với các Thi Bá William Wordsworth và Raph Waldo Emerson và hiện nay, các thi phẩm của ông vẫn được giới Văn Học ưa chuộng.

2/ Một bài thơ danh tiếng của Thi Hào Robert Frost.


STOPPING BY WOODS
ON A SNOWY EVENING
By Robert Frost

Whose woods these are I think I know,
His house is in the village though;
He will not see me stopping here
To watch his woods fill up with snow.

My little horse must think it queer
To stop without a farmhouse near
Between the wood and frozen lake
The darkest evening of the year.

He gives his harness bell a shake
To ask if there is some mistake
The only other sound’s the sweep
Of easy wind and downy flake.

The woods are lovely, dark and deep,
But I have promise to keep,
And miles to go before I sleep,
And miles to go before I sleep.

DỪNG CHÂN 
CHIỀU TUYẾT BÊN RỪNG
Tâm Minh Ngô Tằng Giao (chuyển ngữ)

Rừng ai đây xem chừng như ta biết
Nhà chủ nhân chắc biền biệt làng xa
Nào thấy đâu lặng lẽ có mình ta
Đừng chân ngắm rừng nhòa trong tuyết trắng.

Chú ngựa non vẻ như là lạ lắm
Nghỉ ngừng chi nơi vắng trại đâu kề
Giữa rừng đông và hồ giá lạnh tê
Chiều u ám nhất năm về giăng thấp.

Ngựa rung khẽ nhạc chuông như muốn nhắc
Như hỏi thầm ta chắc lạc đường chăng
Ngoài ra còn văng vẳng giữa thênh thang
Tiếng gió ngàn vờn tuyết hoa bay trắng.

Rừng đáng yêu, âm u và sâu thẳm
Nhưng nặng lòng ta ước hẹn còn ghi,
Đường còn xa chờ đón bước ta đi
Đi, đi nữa trước khi ta ngơi nghỉ.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.

Đọc thêm: 

Dừng Chân Chiều Tuyết Bên Rừng

Con Đường Không Theo



No comments

Powered by Blogger.