Bùi Quý Chiến
Lịch sử nước ta có một thời kỳ từ năm 1527 tới 1592 sử gia Trần Trọng Kim gọi là Nam triều Bắc triều.
Bị Mạc Đăng Dung lấn át quyền hành, năm 1522 vua Lê Chiêu Tông cùng vài cận thần thân tín bỏ kinh thành lên Sơn tây kêu gọi các địa phương đem quân về diệt trừ nghịch đảng họ Mạc.
Người em của Chiêu Tông là Xuân được Đăng Dung lập làm vua tức Cung Hoàng để thay thế Chiêu Tông.
Năm 1524 Chiêu Tông thất bại trong cuộc chống Đăng Dung và bị giết chết.
Năm 1527 Đăng Dung họp triều thần bắt ép họ thảo chiếu cho vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho mình. Ngay lúc ấy có hơn chục đại thần công khai chống đối; Đăng Dung bị nhổ vào mặt hoặc bị mắng nhiếc hoặc bị ném nghiên mực vào mặt. Những trung thần ấy đều bị Đăng Dung giết chết.
Những trung thần còn lại, người thì về nhà hướng về Lam sơn bái vọng rồi tuẫn tiết, người thì chiêu mộ nghĩa quân chống họ Mạc.
Mặc dù bị chống đối, Đăng Dung không từ bỏ tham vọng, nhẫn tâm giết vua Lê Cung hoàng và thái hậu rồi tự lập làm vua.
Tuy vậy, e ngại lòng dân còn thương nhớ nhà Lê, Đăng Dung giữ nguyên phép nước của nhà Lê, truy phong những người tuẫn tiết và tuyển dụng con cháu các cựu thần.
Khi ấy có một đại thần là Hữu vệ Điện tiền tướng quân An thạch hầu Nguyễn Kim trốn sang Ai lao được vua Xạ Đẩu cho tị nạn tại Sầm châu.
Nhằm khôi phục nhà Lê, Nguyễn Kim một mặt chiêu tập nghĩa quân một mặt cho người đi tìm con cháu nhà Lê để lập làm minh chủ.
Năm 1532 người con út của vua Chiêu Tông là Duy Minh được Nguyễn Kim tôn làm vua tức Trang Tông.
Trong số những võ tướng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa có Trịnh Kiểm là một dũng tướng được Nguyễn Kim gả con gái để tỏ lòng tin cẩn.
Năm 1542 Nguyễn Kim đem quân về đánh Thanh hóa và Nghệ an, năm sau chiếm Tây đô (do Hồ Quý Ly xây dựng).
Năm 1545 Nguyễn Kim bị đầu độc chết, binh quyền về tay Trịnh Kiểm.
Đồn Vạn lại (Thanh hóa) được xây dựng làm hành cung (cung điện vãng lai của vua) để vua Trang Tông lập triều đình.
Giang sơn khi ấy chia hai: từ Thanh hóa trở vào thuộc nhà Lê tức Nam triều, từ Sơn nam trở ra thuộc nhà Mạc tức Bắc triều.
Tướng nhà Mạc là Mạc Kinh Điển đem quân vào đánh Thanh hóa 10 lần đều bị đánh bại.
Trịnh Kiểm 6 lần ra đánh Sơn nam nhưng không toàn thắng. Năm 1559 Trịnh Kiểm chiếm được một vùng rộng lớn gồm Sơn tây, Hưng hóa, Thái nguyên, Kinh bắc, Lạng sơn và uy hiếp Thăng long. Để cứu kinh thành, Mạc Kinh Điển đem quân vào đánh Thanh hóa khiến Trịnh Kiểm phải đem quân trở về bảo vệ Nam triều.
Ở Nam triều, khi Trang Tông mất, con là Duy Huyên lên nối ngôi tức Trung Tông.
Nhân khi Trung Tông mất nhưng không có con, Trịnh Kiểm toan tiếm ngôi nhà Lê nhưng còn e ngại nên cho người đi hỏi ý kiến Trạng Trình.
Không trực tiếp trả lời, Trạng Trình nói với gia nhân rằng: "Năm nay mất mùa, giống lúa không tốt, tụi bay phải lấy giống lúa cũ ra mà gieo mạ".
Trịnh Kiểm hiểu lời khuyên gián tiếp của Trạng Trình nên cho người đi tìm con cháu nhà Lê.
Duy Bang là cháu 4 đời của Lê Trừ (anh của Lê Lợi) được tôn làm vua tức Anh Tông.
Năm 1570 Trịnh Kiểm mất, con trưởng là Cối được trao binh quyền. Cối đam mê tửu tắc, phần lớn tướng sĩ không phục. Em là Tùng muốn tranh quyền của anh do đó anh em đánh nhau. Nhân anh em Cối/Tùng đánh nhau, quân Mạc vào đánh Thanh hóa. Vì yếu thế, Cối về hàng phục nhà Mạc.
Trịnh Tùng nắm trọn binh quyền, xưng vương và bắt đầu lấn át quyền vua Lê.
Ở Bắc triều, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Đăng Doanh để lên làm Thái thượng hoàng.
Đăng Doanh mất, con là Phúc Hải lên nối ngôi. Phúc Hải truyền ngôi cho con là Phúc Nguyên. Mậu Hợp nối ngôi Phúc Nguyên.
Mạc Mậu Hợp đam mê tửu sắc nên nhà Mạc dần dần suy thoái.
Một kiện tướng của nhà Mạc là Bùi Văn Khuê có vợ là Nguyễn Thị Niên nổi tiếng về nhan sắc. Thị Niên có người chị là vợ của Mậu Hợp nên thường ra vào hoàng thành thăm chị. Thấy Thị Niên đẹp quá, Mậu Hợp muốn chiếm đoạt nên tìm cách giết Văn Khuê.
Biết thâm ý của Mậu Hợp, Văn Khuê đem quân bản bộ về đóng ở Gia viễn (Ninh bình) để lánh xa kinh thành. Mậu Hợp 3 lần triệu Văn Khuê về kinh, nhưng Văn Khuê không chịu về. Mậu Hợp cho tướng đem quân đi trừng phạt.
Tự lượng quân mình không đủ chống lại Mậu Hợp, Văn Khuê cho con vào Thanh hóa xin quy phụ Trịnh Tùng và xin cứu viện.
Vui mừng được Văn Khuê về hàng phục, Trịnh Tùng cho ngay quân tăng cường Văn Khuê và dùng Văn Khuê làm tiên phong cho chiến dịch khôi phục Thăng long.
Các phòng tuyến của nhà Mạc lần lượt tan rã, Mậu Hợp rời bỏ kinh thành để tập hợp tàn quân chống lại Trịnh Tùng. Một số tướng của nhà Mạc đem quân về đầu hàng Trịnh Tùng, trong số này có Phan Ngạn và Ngô Đình Nga là bạn của Bùi Văn Khuê.
Lâm vào thế cùng, Mậu Hợp bị bắt đem về Thăng long xử chém.
Trịnh Tùng rước vua Lê về hoàng cung.
Các hàng tướng nhà Mạc tuy có góp công đánh dẹp nhà Mạc nhưng Trịnh Tùng không hoàn toàn tin cậy nên cho bộ ba Văn Khuê, Phan Ngạn và Đình Nga đóng quân ở cửa Đại an, xa kinh thành.
Cảm thấy bất an, Văn Khuê cùng Phan Ngạn và Đình Nga bỏ Trịnh Tùng theo về Mạc Kính Cung là con cháu nhà Mạc mới nổi lên.
Phan Ngạn ngờ Văn Khuê phản trắc nên ngầm cho người bắn chết. Sau đó Phan Ngạn tự xưng là Tiết chế Sinh quốc công, Ngô Đình Nga tự xưng là Thái bảo Hoa quận công, dùng niên hiệu Càn thống của nhà Mạc trong các bản yết thị hoặc lệnh cấm.
Oán hận Phan Ngạn giết chồng mình, Nguyễn Thị Niên âm thầm tìm cách trả thù cho chồng.
Phan Ngạn là người hiếu sắc, nghe đồn Thị Niên là bậc tuyệt sắc giai nhân liền cho người thăm dò mai mối.
Nắm bắt cơ hội, Thị Niên tuyển chọn hơn chục chàng trai có gương mặt và giọng nói như con gái để giả dạng làm thị tì.
Qua mai mối, Thị Niên hẹn gặp Phan Ngạn vào một đêm không trăng giữa dòng sông Hoàng giang để tránh con mắt tò mò của những người ngoài cuộc. Tuy vui mừng được hẹn gặp, Phan Ngạn vốn là người đa nghi nên đêm đó cho quân đi thám sát hai bờ sông nơi điểm hẹn. Mặc dù không có dấu hiệu nghi ngờ gì, Phan Ngạn vẫn cho dò xét thuyền đậu giữa sông của Thị Niên. Khi được báo cáo trên thuyền chỉ có phụ nữ, Phan Ngạn yên tâm bước lên thuyền của Thị Niên và ra hiệu cho thuyền minh chèo ra xa để cuộc hẹn hò được kín đáo.
Ăn mặc lộng lẫy, Thị Niên trịnh trọng tiếp đón khách. Tiệc rượu được bày ra, hơn chục "thị tì" nối tiếp nhau hầu rượu. Phan Ngạn vừa mê sắc đẹp vừa say rượu ngon. Khi không còn cảnh giác, Phan Ngạn bị một "thị tì" rút dao giấu trong tay áo đâm chết. Thị Niên cho chặt đầu Phan Ngạn.
Đúng lúc thủy triều xuống, nàng đem đầu kẻ thù xuống thuyền nhỏ trở về căn cứ của chồng.
Quân của Phan Ngạn ở quá xa nên không hay biết gì cả.
Về tới căn cứ, Thị Niên đặt đầu Phan Ngạn lên bàn thờ làm lễ tế chồng.
Sau khi dặn dò hai con về đầu hàng vua Lê, Thị Niên nhảy xuống sông tuẫn tiết.
Bùi Quý Chiến
--------------------------------------------
THAM KHẢO
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn .
- Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim .
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment