Header Ads

Câu Chuyện Về Cây Chuối

Nguyễn Ngọc Duy Hân
 
Người Việt ta chắc không ai xa lạ gì với cây chuối. 

"Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ" 

là câu ca dao não lòng rất nhiều người biết. Thế giới đã có ngày dành riêng gọi là Ngày chuối Quốc gia NATIONAL BANANA DAY vào thứ Tư tuần lễ thứ ba trong tháng 4 hàng năm. Về dinh dưỡng, các em bé mới 4 tháng thôi là có thể dùng được miếng chuối chín rồi. Người già thì vẫn có thể ăn chuối cách dễ dàng dù răng không còn. Có hơn 1.000 giống chuối được trồng ở hơn 150 quốc gia, sản phẩm được chế biến ra đủ loại, đủ kiểu. Vì thế hôm nay mời bạn cùng tôi bàn về cây chuối đa dụng này nhé.
 
  
Chuối là loại cây sống ở vùng nhiệt đới, nên ở Canada xứ lạnh tình nồng này chuối sẽ chết vào mùa đông mà không sống lại được vào mùa Xuân, nếu thích quá thì phải trồng chuối kiểng trong nhà mà thôi. Theo các nhà khảo cổ thì chuối đã hiện diện từ 5000 đến 8000 năm trước công nguyên. Chuối được trồng nhiều nhất ở các nước Nam Á, những đảo quốc Nam Thái Bình Dương, Caribbean, Châu Phi, Nam Mỹ....

Thế giới hàng năm tiêu thụ khoảng gần 2 triệu tấn chuối. Ấn Độ, Trung Hoa, Phi Luật Tân là 3 nước sản xuất chuối hàng đầu, Việt Nam ta đứng thứ hạng 14. Các nước Trung Mỹ xuất cảng chuối sang Hoa Kỳ và Canada. Việt Nam xuất cảng chuối sang Trung Quốc, Nhật.
 
Hình ảnh đẹp của mảnh vườn miền quê là “Chuối sau, cau trước". Bụi chuối thường um tùm, lại dễ trồng không quý lắm nên thường chỉ được nằm ở sau vườn, nhưng chuối là loại trái cây được ưa chuộng và không thể thiếu trong vườn. Về hình dáng, chuối có thân cây hình trụ, tán lá dài, xanh, rễ chùm ăn sâu dưới đất. Tùy theo giống mà buồng chuối to nhỏ khác nhau, có loại cho cả nghìn quả dài đến tận gốc.
 
Có rất nhiều giống chuối, nào là chuối sứ, chuối ngự, chuối cau, chuối tiêu, chuối lùn, chuối hột, chuối già hương, chuối bom, chuối tiêu hồng, cau lửa, chà bột, chuối cơm, chuối xiêm, chuối lá, chuối kiểng là cây để trồng cho đẹp, không có trái... Nhiều lắm, tôi tin bạn có thể kể thêm cả chục loại nữa, nhất là các giống chuối mới ở ngoại quốc sau này.
 
Tất cả bộ phận của cây chuối đều có thể sử dụng được. Đó là đặc điểm mà không phải loại cây nào cũng có: lá để gói nhiều loại bánh, thân, quả, gốc đều có thể làm thức ăn cho người và thú vật. Trái chuối ngoài ăn tươi còn được chế biết thành đủ món ngon và là vị thuốc có thể chữa nhiều loại bệnh, làm mặt nạ dưỡng da....Thân chuối rỗng nổi trên mặt nước nên người xưa hay dùng thay cho phao, trẻ con hay dùng chơi trò cưỡi ngựa. Bạn có thích ăn bánh gai không? Bánh gai được gói bằng lá chuối khô. Bắp chuối hay hoa chuối thì làm nộm gỏi, hoặc cắt nhỏ ăn kèm với bún như rau sống. Trái chuối xanh hoặc củ chuối được nấu với ốc hoặc lươn vừa khử tanh lại vừa làm cho món ăn thêm đa dạng.

Lá chuối khô còn có thể dùng như củi làm chất đốt, ở nông thôn người ta lấy lá chuối khô quấn làm nút chai rượu.
 
Sáu dưỡng chất quan trọng có trong quả chuối gồm lượng calo lớn, có chất đạm, chất đường, chất xơ, chất béo và carb. Về mặt dinh dưỡng, chuối có giá trị hơn cả khoai tây và tương đương với thịt, giúp ích cho xương cốt, là trái cây lý tưởng cho những vận động viên. Trái chuối có chứa Kali giúp tăng cường khả năng hoạt động của não bộ. Hàm lượng chất xơ cao giúp ngăn chặn táo bón. Nhờ hàm lượng đường cao, chỉ cần ăn 2 quả chuối sẽ có đủ năng lượng cho 90 phút luyện tập thể dục nặng, nhưng người bị tiểu đường thì phải cẩn thận. Đối với những người có vấn đề về tâm lý thất thường, nếu ăn chuối thường xuyên có thể được cải thiện tâm trạng nhờ những hóa chất đặc biệt trong trái chuối.
 
Trái chuối được chế biến ra kem chuối, chè chuối, chuối khô, kẹo chuối, chuối chiên hay luộc, xay thành nước sinh tố, kể cả làm ra bia rượu, chuối chế thành rượu rhum cũng thơm ngon nổi tiếng.
 
Buồng chuối có hoa cái ở phía dưới và hoa đực ở ngọn. Thời gian trồng chuối từ ngày đầu đến lúc thu hoạch vào khoảng 13 tới 14 tháng. Buồng chuối thường mất khoảng 4 tháng từ lúc còn bé đến lúc lớn ăn được. Mỗi cây chuối chỉ trổ buồng một lần.
 

Ngoài chuối ăn, còn có loại chuối rừng Musa Coccinea có hoa đỏ và chuối Musa Textilis trồng để lấy sợi ở Philippine.
 
Chuối Ngự là thứ chuối quý ngày xưa được kén chọn để dâng lên cho vua. Hồi ấy áo vua mặc gọi là ngự bào, thầy thuốc chữa bệnh cho vua gọi là ngự y. Chuối Ngự chỉ to hơn ngón tay cái, vỏ vàng óng và mỏng như như lụa, ruột mềm với hương thơm đặc biệt.
 
Chuối hột còn được gọi là chuối chát là loại chuối có rất nhiều hột nằm trong trái, đúng với tên của nó, chuối hột có ... nhiều hột, vị chát, chẳng ai muốn ăn tươi mà thường dùng làm món rượu chuối hột.
 
Xuất hiện trên thị trường Việt Nam những năm gần đây là loại chuối đỏ Dacca, được rất nhiều người tìm mua để bày trên mâm ngũ quả ngày Tết. Chuối Dacca có xuất xứ từ nước Úc, tuy giá cao nhưng loại chuối này vẫn rất hút khách. Cũng lạ, một số người miền Nam lại phát âm chữ chuối ra thành "chúi", tức là chúi nhũi nên kiêng không chưng trên mâm hoa quả ngày Tết. Thế mới thấy quan niệm, suy nghĩ của người ta rất khác nhau, đừng bắt ai cũng nghĩ như mình, ngược lại cần thông hiểu để hành xử cho xứng hợp.
 
Ngoài các giá trị dinh dưỡng và kinh tế, chuối đã rất gần gũi và đi vào thơ ca một cách rất nhẹ nhàng thân thương. Trong thi ca, các bức họa đồng quê luôn có hình ảnh bụi chuối. Trong văn hóa, cây chuối được so sánh với “mẹ già như chuối chín cây” vì người mẹ phải hi sinh rất nhiều để chăm lo cho con cái, cũng như khi buồng chuối chín dần thì thân cây khô héo, người mẹ nuôi con được trưởng thành thì cũng là lúc mẹ đã già đi.
 
Bụi chuối là nét đẹp thanh bình của nông thôn Việt Nam. Trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi đã có bài thơ về BA TIÊU (Cây chuối)

“Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín.
Gió nơi đâu gượng mở xem.”
 
Ca dao thì có nhiều câu:
“Chuối khoe rằng chuối đồng trinh
Chuối ở một mình sao chuối có con”
---
Mẹ già như chuối chín cây
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi.
---
Nhà em không hiếm chi hoa
Chanh chua, chuối chát, cải cà nhiều hung
---
Ai đem con két vô vườn
Cho nên con két ăn buồng chuối tiêu
---
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau
---
Chị em như chuối nhiều tàu
Tấm lành che tấm rách, đừng nói nhau nặng lời
---
Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng, nách cặp con dao.

Mang theo con dao để làm gì thì ca dao không nói thêm, bạn nghĩ nách cặp thêm con dao là nghĩa gì, tôi thì chắc chắn sẽ mang theo con dao phay thật lớn trong trường hợp này.
 
Ông bà ta cũng chia sẻ kinh nghiệm:
Trẻ trồng na, già trồng chuối.

Cuộc đời khi cùng cực lao đao thì được ví là “te tua như tàu lá chuối”.
 
Mối tình giữa Chí Phèo và Thị Nở cũng được Nam Cao miêu tả là "Trong một lần uống rượu say, gặp Thị Nở ngủ quên tại vườn chuối, Chí Phèo và Thị Nở đã có một đêm sống như vợ chồng", mối tình quê nảy nở giữa một vườn chuối bạt ngàn trong trăng đêm tình tứ đâu dễ là trải nghiệm của dân nhà giàu.
 
Tôi ráng tìm trong mấy ngàn câu Kiều của cố thi hào Nguyễn Du, nhưng không thấy nhắc đến chuối.
 
Bây giờ mời bạn trả lời câu hỏi: Chuối còn xanh, vừa chín hay chín rục, loại nào tốt nhất?

Sách vở đã nghiên cứu cẩn thận, chuối hườm xanh vừa chín tới chứa đầy tinh bột giúp giảm viêm và tăng cường tiêu hóa, thúc đẩy trao đổi chất, giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường.

Nếu bạn muốn kiểm soát tốt mức đường huyết vì tiểu đường, hãy chọn chuối còn hườm xanh. Tuy nhiên, chuối xanh ít ngọt và dễ gây trướng bụng, đầy hơi.

Chuối chín vừa thường chứa ít tinh bột nhưng có nhiều đường. Dù có chỉ số đường huyết cao hơn chuối xanh, chuối vàng dễ tiêu hóa hơn và cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng nhanh hơn. Chuối chín thì một vài chất dinh dưỡng bị giảm bớt, nhưng bù lại, chuối càng chín càng có nhiều chất chống oxy hóa mà hệ miễn dịch rất cần, hãy cất chuối chín trong tủ lạnh để tránh mất các vi chất dinh dưỡng.

Chuối chín rục thâm kim nhiều thì lượng tinh bột chuyển đổi thành đường càng nhiều, giàu chất chống ôxy hóa phòng chống ung thư.

Nghiên cứu của 2 nhà khoa học Nhật bản Haruyo Iwasawa và Masatoshi Yamazaki, chính các đốm thâm kim xấu xí này lại sinh sản ra các chất có chức năng tiêu diệt tế bào bất thường như khối u, tăng số lượng bạch cầu trong máu, ngăn ngừa và phòng chống ung thư.

Tuy nhiên, kết quả này cần nhiều dữ liệu để chứng minh thêm.

Vậy thì ta nên ăn chuối nào? Câu trả lời phụ thuộc vào mục đích của bạn. Nếu bạn muốn cơ thể tiêu thụ ít đường và nhanh no, hãy chọn chuối xanh. Nếu muốn dễ tiêu và tăng cường chống ung thư, đừng chê chuối chín và chuối thâm kim.

Tuy ích lợi cho sức khoẻ, người ta khuyên chỉ nên ăn một quả chuối mỗi ngày vì có thể làm mình vượt quá nhu cầu calo hoặc carbohydrate, hay bỏ lỡ chất dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm khác. Người ta cũng khuyên nên kết hợp chuối với sữa chua, các loại hạt hoặc phô mai tươi để nhận được vừa đủ lượng chất béo và protein lành mạnh. Nói túm lại là cái gì cũng phải vừa vừa phải phải, đừng quá lạm dụng, kể cả tiền cũng không nên có nhiều quá mà!
 
Hồi nãy kể tên các loại chuối, nhưng còn thiếu ít nhất một loại đặc biệt tên là chuối cô đơn. Đây là loại chuối mới đầu được phát hiện bởi người thiểu số trên cao nguyên Việt Nam xa xôi. Ngày nay, chuối cô đơn khá phổ biến ở Quảng Nam, Lâm Đồng, Gia Lai, Kom Tum, ... Loại chuối này có thể giúp điều trị sỏi thận, chữa tiểu đường, trị sưng tấy, chữa táo bón rất tốt. Chuối cô đơn hay còn gọi là chuối bạc hà có tên khoa học là Ensete glaucum, có thân xanh mọc đơn độc không nhảy cây con trong quá trình sinh trưởng, khi chết thì cây héo cô đơn một mình, trái chỉ cho vài hạt nhưng lại to hơn đầu đũa, muốn sinh sản thì phải dùng hột để ương ra cây con. Nước cốt của bẹ chuối cô đơn giúp giải một số loại chất độc nhẹ hiệu quả, nó còn giúp giải rượu hiệu quả.

Chuối Ensete glaucum. a, b, Cây và hoa; c, Hoa; d, Bẹ; e, Quả; f, Hoa còn non;
g, Bên trong bẹ chuối; h, Hoa đực; i, Hoa cái; j, Hột.

Trên thế giới, có loại chuối lông Musa Velutina là một loài chuối rừng có nguồn gốc từ Assam và đông Himalayas. Quả dài khoảng 8 cm, màu hồng và có lông tơ, buồng chuối mọc ngược chỉa thẳng lên trời. chuối Musa velutina ra hoa khi còn nhỏ rất đặc biệt.

Musa Coccinea là loại chuối kiểng buồng cũng mọc thẳng lên trời, nhìn rất đẹp mắt.

Củ chuối nấu ăn cũng ngon, nhưng đừng để bị chê mắng là đồ "cái thằng củ chuối" nhé! Bẹ chuối tươi gấp đôi lại bó con gà vào trong mà nướng thì ngon ơi là ngon. Bẹ chuối khô cũng được sử dụng trong đồ thủ công mỹ nghệ, làm dây buộc. Lá chuối trong bánh chưng, bánh đúc, gói giò, bánh gai, bánh ú, để gói xôi, gói bún là cách rất hay dùng trong ẩm thực hằng ngày. Lá chuối khô cũng được dùng gói thuốc rê, thuốc xỉa. Có người đã chia sẻ kỷ niệm thời thơ ấu đứng chờ mẹ đi chợ về, nếu trong thúng có mẩu lá chuối xanh thì rất mừng vì biết trong đó thường là mấy cái bánh đúc, bánh hỏi, hoặc là bún. Bây giờ thì thức ăn gói bằng túi ni lông cho tiện, mất hết cái thi vị ngày xưa. Chuối cũng có thể cắt mỏng đem chiên hay nướng để ăn giống chip. Chuối cũng được nghiền thành bột chuối. Thân cây chuối cũng dùng để tấn những bó rạ trồng nấm rơm, để rẻ em ôm tập bơi lội. Bắp chuối xiêm thường được dùng để nấu canh chua, trộn gỏi hoặc làm rau ghém ăn với món bún bò Huế, bún riêu. Giá của hoa chuối ở hải ngoại thì mắc thập bội so với trái chuối, sang lắm mới dám mua.

  
Ngoài ra công dụng mới phát hiện là chuối có thể thay vải hay tơ lụa làm áo quần nữa cơ đấy. Có lẽ tư tưởng này xuất phát qua chuyện cổ tích Trần Minh khố chuối. Chuyện là Trần Minh nhà nghèo đến độ không có vải may cái khố che thân, mà phải dùng lá chuối. Tôi đoán phải là lá chuối phơi khô cho dai, vì lấy lá tươi làm khố thì hơi nguy hiểm! Câu chuyện này được soạn giả Thế Châu viết thành tuồng cải lương "Bên cầu dệt lụa" rất nổi tiếng. Chuyện kể rằng nàng tiểu thơ Quỳnh Nga, con của quan huyện đã đem lòng yêu thương Trần Minh, một chàng trai nghèo nhưng tài giỏi, hiếu thảo. Dù hai gia đình trước đây đã từng hứa hôn cho Trần Minh – Quỳnh Nga, nhưng vì gia đình Trần Minh suy sụp, quan huyện hủy bỏ lời giao hôn ngày nào. Quỳnh Nga nhất định theo Trần Minh ra ngoài chăn tằm dệt lụa giúp Trần Minh ăn học. Sau này Trần Minh đã đỗ trạng nguyên, là bài học ca tụng sự chung thủy, không tham phú phụ bần. Ngày nay cũng có các cô trình diễn thời trang làm bằng lá chuối, bạn có thích thì nhớ mua vé để xem rồi chụp hình bỏ lên "phây" cho chúng tôi xem ké nhé.
 
Sách gia chánh đã có tới gần 500 món làm từ chuối, nào là bánh chuối nướng, bánh chuối hấp, chuối bọc nếp nướng, chè chuối, chuối xào dừa, làm nhân nấu bánh tét, bánh dừa, nấu kiểm, kẹo chuối, chuối ép phơi khô, chuối xiêm sống luộc ăn với mắm sặc, làm rượu chuối... Chuối Mỹ Tho, chuối phơi khô chùa Bà Đanh rất nổi tiếng,
 
Việt sử có ghi lại vào năm 1418 khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn - Thanh Hoá chống giặc Minh, có lần bị vây hãm ở núi Chí Linh phải ăn củ mài, củ chuối để sống qua ngày.  Người nông dân đã có kinh nghiệm không nên trồng chuối xiêm gần cây chuối hột, vì trái chuối xiêm sẽ bị lây có hột, đúng là "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", chúng ta đừng tiếp cận với người ác, cái ác, kẻo bị lây hay trở nên trơ lì vô cảm.
 
Theo kinh nghiệm đau thương của một tù "cải tạo" kể lại, ngày ấy phải đi lao động đói khát, có người bạn khi lên rừng chặt chuối nuôi heo cho cán bộ đã lén ăn sống lỏi cây chuối mỗi ngày, ít lâu sau bụng anh bị sưng to, cộng thêm các điều kiện khắc nghiệt khác nên đã chết thật tội nghiệp.
 
Bạn có biết một loại chuối tên là Nàng Tiên, nửa giống chuối sứ nửa giống chuối già; không quá ngọt, đặc biệt là lúc nào cũng dòn không bị mềm nhũn. Ngày xưa khi ở Tây Ninh, ba má tôi trồng rất nhiều chuối Nàng Tiên, bây giờ nghe nói chuối Nàng Tiên rất hiếm, không chừng bị tuyệt giống. Má tôi ngày ấy quý các linh mục, có buồng chuối Nàng Tiên nào to nhất, ngon nhất thì đem biếu các cha, tôi... tiếc hùi hụi!
 
Ở quê cũng nổi tiếng có loại chuối chà bột, chất chuối không chắc mà mềm như có bột ít ngán. Chữ CHÀ trong tên của chuối nầy có nghĩa là Ấn Độ, giống như "anh Bảy Chà" vì nghe nói giống chuối này phát xuất từ Ấn.
 
Những năm Việt Nam bị nạn đói thì củ chuối đã được dùng nhiều, thân chuối non thì cắt mỏng ra ngâm nước muối làm dưa, heo và người đều nhờ vào chuối để sống. Rồi những khi nạn lụt lan tràn thôn xóm, cây chuối sẽ được dùng làm bè để có thể nổi trên nước.
 
Người ta thống kê cây chuối to khổng lồ có thể cao tới 20 mét và một quả nặng tới vài ký. Buồng chuối lớn nhất đạt kỷ lục thế giới có 473 quả chuối, được trồng trên quần đảo Canary ở Tây Ban Nha nặng 130 kg.

Cây chuối rẻ quạt thuộc nhóm cây cảnh lá, thường được trồng ở các khu vui chơi giải trí, khu resort, công ty, trường học để trang trí. Những cây chuối rẻ quạt còn nhỏ được trồng trong chậu trang trí trong nhà. Hình như chuối này không bao giờ trổ hoa, sinh trái.
 
  
Khi người ta đứng ngược đầu xuống đất gọi là "trồng cây chuối", tại sao lại dùng hình ảnh chuối ở đây mà không là cây khác thì tôi không hiểu, bạn nào biết xin mách dùm. Trong một show diễn, cô Lady Gaga đã mặc áo đầm làm bằng thịt tươi, trồng cây chuối trên sân khấu đã trở thành "vang bóng một thời".

Trong mùa dịch, loại sợi lấy từ cây chuối Abaca ở Philippines đã thay thế thành phần nhựa mà chế tạo ra hàng triệu chiếc khẩu trang để chống lại SARS-CoV-2.
 
Có hơn 1.000 giống chuối được trồng ở hơn 150 quốc gia. Cavendish là giống được thương mại hóa nhiều nhất, chiếm khoảng 47% sản lượng toàn cầu. Có khoảng 50 tỷ tấn chuối Cavendish được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm. Người ta... đếm, có hơn 100 tỷ quả chuối được ăn mỗi năm trên thế giới, khiến chúng trở thành sản phẩm nông nghiệp phổ biến thứ tư. Người Mỹ ăn trung bình 27 pound chuối mỗi người mỗi năm. Hơn 96% gia đình tại Mỹ mua chuối ít nhất một lần một tháng, 51% chuối được ăn vào bữa sáng. Mức tiêu thụ chuối bình quân cao nhất trên thế giới là ở Ecuador, nơi người dân ăn trung bình 218 pound chuối mỗi người mỗi năm.
 
Một người đàn ông ở Ấn Độ đã từng ăn 81 quả chuối trong vòng nửa giờ để được ghi vào chuyện lạ thế giới. Sức bạn tới đâu? Dù sao muốn thử kỷ lục này cũng dễ hơn thử ăn giun, ăn những côn trùng sống ghê tởm!
 
Tôi ráng moi óc, nhưng không biết bài hát nào nhắc đến chuối, nghe nói có bài Lý Cây Chuối, bạn biết thì cho chúng tôi hay nhé.

Chuối trong chính trị: "Banana Republic"

Riêng tôi thì luôn nhớ kỷ niệm thời còn nhỏ, ra vườn sau hái lá chuối xé thành sợi nhỏ làm tóc cho búp-bê. Mỗi khi sang Cali thăm gia đình anh chị, các cháu bên đó, tôi đều được ăn chuối trồng tại nhà hoặc mang về Toronto nhâm nhi.
 
Nói về chuối thì rất nhiều điều, điều khó có thể nhạt phai trong tâm tưởng là hình ảnh bụi chuối tại quê nhà, nơi góc vườn mà mình đã cùng cha mẹ, gia đình sinh sống thật đơn sơ, thanh bình, không xô bồ rắc rối như đời sống hiện đại hại điện ngày nay. Chúc bạn luôn đầy sức khoẻ, niềm vui và ngọt ngào như trái chuối chín vàng với thân cây cao thẳng vững vàng trước cạm bẫy, cám dỗ trong cuộc sống.

Nguyễn Ngọc Duy Hân

No comments

Powered by Blogger.