Nguyễn Ngọc Duy Hân
Tôi cũng hay đi dự và góp phần tổ chức Tết Trung Thu cho các em thiếu nhi tại
hải ngoại, thật mừng vì các em vui, mọi người vui, dù tết Nhi Đồng ở đây kém
xa hương vị của tết trẻ em ngày xưa. Trung Thu trong tôi có nhiều kỷ niệm, nhớ
tới thì lòng “man mác buồn”, ôi thời thơ ấu đã qua!
Năm tôi 8, 9 tuổi gì đó, dù không mang tên Ngô Như Ý, nhưng tôi quả thật là "y
như ngố", thế mà chẳng hiểu sao cô giáo lại chọn lên đại diện cho các học sinh
tỉnh lỵ đọc diễn văn trong ngày Trung Thu. Để chuẩn bị, chị tôi bắt tôi đọc đi
đọc lại nhiều lần cho thật nhuyễn. Rõ khổ, ông Tỉnh Trưởng tỉnh Tây Ninh lúc
bấy giờ lại mang cấp bậc Trung Tá, để mở đầu tôi phải xướng lên câu “Kính thưa
Trung Tá Tỉnh Trưởng”. Tôi ngọng nghịu tập: “Kính thưa Tung Tá Tỉnh Tưởng”,
mất chữ “r”, bà chị cầm thước đập lên bàn quát to “Đọc lại, Trung tá!” Tôi to
giọng “Kính thưa Trung Trá Trỉnh Trưởng”, tất cả đều có chữ “r”. Chèn ơi, nếu
ông mang cấp bậc thiếu tá hay đại tá chắc tôi đã đỡ khổ hơn. Nhưng hình như
lúc đọc thật trước đám đông tôi đã phát âm đúng, vì không nhớ cảnh bị các ông
anh bà chị la rầy!
Rồi có năm chúng tôi làm lồng đèn đi dự thi Trung Thu. Anh tôi bỏ công chẻ
tre, uốn vuốt làm thành cái đầu lân thật to. Chúng tôi chăm chút dán giấy bóng
kiếng, dùng màu nước vẽ từng cái vảy rồng, tô màu thật đẹp, lòng háo hức mong
được giải. Tiếc thay chưa đi tới điểm tổ chức thì trời mưa, chiếc lồng đèn ướt
nhẹp màu sắc lem luốc, tôi đã khóc thút thít trong mưa. Nhà tôi nghèo, Trung
Thu may lắm mỗi đứa được chừng một phần tư hay nửa cái bánh nướng, thèm lắm
hít ngửi mãi rồi mới dám ăn. Má tôi thì thích bánh dẻo, nhưng ít khi nào bà
dám bỏ tiền ra mua.
Đó là chuyện Trung Thu thuở bé, rằm tháng 8 mà không nói chuyện về trăng thì
thiếu sót, nên tôi sẽ tản mạn một chút về Trăng, về đề tài rất đẹp đã được
nhiều người bàn tới.
Mặt trăng tiếng Latin là Luna, là vệ tinh duy nhất của trái đất và lớn thứ năm
trong hệ mặt trời. Khoảng cách trung bình tính từ tâm trái đất đến mặt trăng
là 384.403 km, lớn khoảng 30 lần đường kính trái đất. Đường kính mặt trăng là
3.474 km, tức hơn một phần tư đường kính trái đất.
Trong Kinh Thánh, sách Sáng Thế Ký ghi lại Đức Chúa Trời đã tạo ra mặt trăng
vào ngày thứ tư khi ngài phán bảo hãy có hai vì sáng lớn; vì lớn hơn tức là
mặt trời để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn (mặt trăng) để cai trị ban đêm. Kinh
Thánh cũng có ghi về ngày tận thế: Trong những ngày ấy, mặt trời sẽ tối sầm,
mặt trăng mất sáng và tinh tú tự trời sẽ sa xuống.
Theo Phật giáo, những sự kiện quan trọng trong đời đức Phật đều diễn ra vào
đêm trăng tròn. Ngài đản sanh vào đêm rằm tháng Tư, xuất gia vào đêm trăng
tròn tháng Hai và thành đạo vào đêm trăng tròn tháng Chạp. Người theo Phật
giáo ăn chay dựa theo ngày rằm và ngày không trăng.
Các giai thoại lý thú như Hằng Nga cùng các tiên nữ múa hát điệu nghê thường
vào đêm rằm tháng Tám, chú Cuội và thỏ ngọc ngồi dưới gốc cây đa nhớ nhà,
chuyện Hậu Nghệ cầm cung bắn rớt 9 mặt trời là những câu chuyện thần thoại hồi
bé tôi đã say mê.
Trong tiếng Việt, mặt trăng còn được gọi bằng những tên khác như ông Trăng,
ông Giăng, chị Hằng, vầng Nguyệt, chị Nguyệt, Hằng Nga, Thái Âm…
Theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về mừng trăng đã được in trên mặt trống đồng
Ngọc Lũ. Phan Kế Bính trong sách Phong Tục Việt Nam cũng đã ghi dân ta từ thế
kỷ 19 đã có tập tục ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng
trăng.
Tại Đại Hàn, ngày trăng tròn này là Lễ Tạ Ơn Chuseok, để nông dân cám ơn tổ
tiên đã cho mùa màng thu hoạch tốt đẹp, và là ngày tết lớn thứ hai trong năm.
Tại Đài Loan, ngày Tết Trung Thu là ngày nghỉ lễ chính thức cho cả nước.
Nguyệt thực xảy ra lúc trăng tròn, khi trái đất nằm giữa mặt trời, mặt trăng
và cùng nằm trên một đường thẳng. Bước tiến đầu tiên trong việc quan sát mặt
trăng được thực hiện nhờ sự phát minh viễn vọng kính. Galileo Galilei đã sử
dụng tốt công cụ này để quan sát vẻ mặt chị Hằng.
Ngày 20 tháng 7 năm 1969, nhân loại bước một bước dài khi phi hành gia Neil
Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng thành công với chi phí hàng
nhiều tỷ đô la. Cho tới nay, Eugene Cernan - thành viên của phi vụ Apollo 17 -
là người cuối cùng rời mặt Trăng vào ngày 14 tháng 12 năm 1972 và từ đó chưa
ai đặt chân lên đây nữa, có lẽ vì hao tốn quá. Thật ra, Hoa Kỳ cũng quay lại
thăm nàng Nguyệt năm 1994 nhưng chỉ bằng robot trên con tàu vũ trụ Clementine.
Theo các nhà khoa học NASA, con người có thể định cư trên mặt trăng trong
tương lai. Nói tới NASA tôi xin mở ngoặc là có khá nhiều người Việt Nam rất
giỏi làm việc ở đây, như tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh, nhà vật lý thiên văn Eugene
Trịnh Hữu Châu, Bruce Vũ Thanh ....
Nhà văn Toan Ánh đã viết về món trà sen đêm trăng rất cầu kỳ. Buổi chiều khi
sen khép cánh, người ta bỏ vào nhụy hoa một ít trà, để trong đêm trà thấm
hương thơm của hoa, thẩm thấu tinh túy của đất trời. Sáng ra trước khi sen
bung cánh, người ta ra ao lấy trà ra khỏi búp hoa để pha uống. Chu choa, không
biết trà này thơm ngon cỡ nào, tôi thì thuộc loại “đàn gảy tai trâu”, chắc là
không biết phân biệt. Ngay cả cafe tôi cũng không kén, uống như uống thuốc cho
tỉnh ngủ, không cần phải nóng phải tươi, phải rắc rối gì. Viết tới đây tôi
bỗng nhớ bài “Trăng sáng vườn chè”, để cho vị trà ngon hơn, chè chắc cũng phải
hái vào đêm trăng đem ướp búp sen tươi mới thật là tuyệt!
Bạn có ghé thăm Sóc Trăng bao giờ chưa? Sóc Trăng là tên một tỉnh ven biển
thuộc đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cửa Nam sông Hậu. Tên gọi Sóc Trăng do chữ
Srok Kh’leang của tiếng Khmer mà ra - nghĩa là kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng
Việt phiên âm ra Sóc Trăng, chứ không phải địa danh này là nơi trăng sáng
nhất.
Vầng trăng Việt Nam trong ca dao thể hiện qua câu lục bát quen thuộc:
Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Bài đồng dao:
"Ông giẳng ông giăng,
Xuống chơi với tôi.
Có bầu có bạn,
Có ván cơm xôi.
Có nồi cơm nếp,
Có nệp bánh chưng.
Có lưng hũ rượu. . .” có lẽ ai cũng thuộc.
Trong thơ văn xưa, phải nói tới nhà thơ Lý Bạch vì yêu trăng quá, nên trong
một cơn say, đã nhào xuống giòng sông để ... ôm lấy trăng rồi chết đuối. Ông
đã nhiều lần ngồi trên thuyền ngắm trăng:
Đầu giường trăng tỏ rạng
Đất trắng ngỡ như sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.
Trong Chinh Phụ Ngâm, ta thấy có câu:
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau.
Rồi đến vua Trần Thánh Tông, một vị vua nhà Trần nổi tiếng đã đánh tan quân Nguyên Mông. khi ghé thăm phủ An Bang có viết bài thơ "Hạnh An Bang Phủ (Dạo chơi phủ An Bang)":
Triêu du phù vân kiệu,
Mộ túc minh nguyệt loan.
Hốt nhiên đắc giai thú,
Vạn tương sinh hào đoan.
Dịch nghĩa:
Sáng chơi trên ngọn núi có đám mây nổi,
Tối về nghỉ ở eo biển trăng sáng.
Bỗng nhiên được hứng thú,
Muôn hình tượng nảy sinh ra đầu ngọn bút.
Đây được coi là bài thơ đầu tiên trong thơ Việt Nam viết về vịnh Hạ Long. Trần Thánh Tông quả là vị vua văn võ song toàn.
Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của Thi hào Nguyễn Du cũng không thiếu những
câu nói về trăng:
Tuần trăng khuyết, dĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
Hoặc:
Khi chén rượu, khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
Khi tả người đẹp Nguyễn Du đã ví: Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Nhóm chúng tôi gần đây ai cũng than mình khá “nở nang”, vậy là đẹp ra phải
không các bạn?!
Bà Chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương cũng diễn tả đầy màu sắc:
Một trái trăng thu chín mõm mòm
Một vừng quế đỏ đỏ lòm lom
Trăng của bà trong đêm khuya thanh vắng uống rượu mong giải sầu nhưng tỉnh ra
lại càng buồn hơn:
“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.
Nữ sĩ họ Hồ này được
nổi tiếng về thơ văn, không khét tiếng như bác kia họ Hồ nhưng ai cũng phỉ
nhổ!
Trong bài Thu ẩm của Nguyễn Khuyến, ông đã tả:
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Nhóm Hippy Việt Nam thời đó có mốt mặc quần
ống loe, chắc là lấy ý từ câu thơ này.
Nguyễn Khuyến cũng đã từng ngắm trăng mà lo nghĩ việc quốc gia:
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
Trong bài ca chúc Tết thanh niên của Phan Bội Châu, cụ đã than thở:
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót.
Thật thế, thời ấy đất nước bị Pháp đô hộ, người dân thiếu ý thức, nên cụ lúc
nào cũng canh cánh bên lòng những nỗi niềm. Ngày nay mình bị Cộng sản cai trị,
bán nước cho Tàu, ta có bận lòng vì đất nước và chua xót như cụ không?
Thi sĩ Quách Tấn viết:
Đêm nay chờ trăng mọc
Ngồi thẩn thơ trong vườn
Quanh hoa lá róc rách
Như đua bắt làn hương
Thi sĩ Tản Đà đã than thở:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần giới em nay chán nữa rồi.
Tôi đôi khi cũng rất chán đời, chán thế thái nhân tình, nhưng không sống ở thế
trần thì chỉ còn nước lên cung trăng hay thiên đường, cũng đâu có dễ!
Nguyễn Nhược Pháp trong “Ngày xưa” đã mơ màng:
Ta còn đang luyến mộng
Yêu bóng người vẩn vơ
Tay ngà ai phủ trán?
Hiu hắt ánh trăng mờ...
Nói tới thơ trăng mà không nhắc tới Hàn Mặc Tử với “Một miệng trăng”, “Ngủ với
trăng”, “Rượt trăng”, “Say trăng” thì không được, nên ta hãy cùng Hàn thi sĩ
thắc mắc:
Khuya rồi, trăng trốn ở nơi đâu?
Ta chờ ta đợi suốt canh thâu
Ta xé gió trời, mây nghiêng rẽ
Trăng tàn đẫm ướt một dòng châu
Hoặc:
Hương trăng phảng phất nơi đâu đó
Có thấy người về giữa cõi im?
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho?
… Trời hỡi làm sao khi đói khát,
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Trong bài thơ nổi tiếng “Đây Thôn Vĩ Dạ”, ông cũng nói đến trăng theo kiểu
cách khác lạ và đầy thơ mộng:
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Toàn là những câu hỏi về trăng khó trả lời, thương thay cho một đời nghệ sĩ
tài hoa nhưng số phận nghiệt ngã. Có lẽ cảm hứng từ việc Hàn Mặc Tử bán trăng,
hiện nay có một đồng bào trong nước lấy tên là “Người Buôn Gió”, là một
blogger dám lên tiếng đấu tranh cho nhân quyền và tự do tại Việt Nam rất can
đảm đáng nể phục.
Riêng nhà thơ Lưu Trọng Lư đã rất thính tai với câu thơ:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Có lẽ ông cảm được ánh trăng thu bằng tâm hồn, không
cần nhìn mà chỉ nhắm mắt lắng nghe. Điều này có lẽ đúng vì những người khiếm
thị luôn nghe, dùng các giác quan khác để cảm nhận được sự việc có khi còn sâu
sắc hơn người sáng mắt.
Nhà học giả hơi “điên chữ “ Bùi Giáng cũng từng đặt nghi vấn:
Em về mấy thế kỷ sau,
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ông hỏi câu này có lẽ vì biết khi xảy ra nguyệt thực, trăng sẽ đổi thành màu
đỏ cam nên người ta còn gọi là mặt trăng máu. Còn trăng xanh là hiện tượng
trăng tròn và sáng lần thứ hai trong một tháng. Trăng xanh không xuất hiện
thường xuyên, nó xảy ra khoảng vài năm một lần. Không biết “màu ấy” Bùi Giáng
có ý nói là màu gì, xanh hay đỏ?!
Với bài thơ Trăng Đất Khách, tác giả Trần Mộng Tú đã chia sẻ:
Những đêm trăng sáng tôi không ngủ
Âm thầm mắt lệ nhớ quê hương
Ngày về sao bỗng xa xăm quá
Tôi thức cùng trăng suốt đêm trường.
Vâng, quả thật trăng trên đất khách hải ngoại thật buồn, ít khi nào mình có
giờ và khung cảnh thích hợp để thấy trăng. Những tòa nhà cao chọc trời đã che
đi ánh sáng chị Hằng, cuộc sống bận rộn tất bật đầy căng thẳng, lòng dạ nào mà
thưởng thức ánh trăng? Còn ở quê nhà thì đói khát, bị bưng bít trù dập, nếu
còn lãng mạn yêu trăng thì không chừng bị coi là đang ở “cõi trên”!
Nếu nói về những bài nhạc có liên hệ tới trăng thì rất nhiều, nào là nhạc phẩm
Trương Chi của Văn Cao kể chuyện người nghệ sĩ xấu trai nhưng đã trót đem lòng
yêu người đẹp Mỵ Nương. Chuyện bắt đầu vào “Một chiều xưa trăng nước chưa
thành thơ” rồi tới “Đêm nay dòng sông Thương dâng cao, mà ai hát dưới trăng
ngà ...”
Trung Thu về ai cũng muốn nghe lại bài hát Thằng Cuội của Lê Thương: Bóng
trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ …. Mối mơ bạn
đang ôm là những mơ ước gì, có phần nào cho quê hương đất nước không?
Chắc bạn cũng biết bài Trăng Mờ Bên Suối, sáng tác của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên,
rồi tới Huế Đêm Trăng của Quốc Dũng, Tình Lúa Duyên Trăng của tác giả Hoài An,
hoặc bài Nửa Vầng Trăng của Nhật Trung là những sáng tác khá phổ thông.
Lời bài Ảo Ảnh của Y Vân cũng miêu tả tâm sự: Khi vui thấy trăng không mờ,
lòng buồn nên trăng úa: Đây quả là ảnh ảo của ảo ảnh - virtual reality - vì sự
thật thì trăng vẫn là trăng, đâu có vì ai đó vui buồn mà thành tròn hay méo.
Phạm Mạnh Cương trong nhạc phẩm Thương Hoài Ngàn Năm cũng rất chung tình:
Trăng khuyết rồi có khi đầy, Ngăn cách rồi cũng xum vầy....
Cũng nên nhắc tới bài Gạo trắng Trăng thanh của Hoàng Thi Thơ diễn tả hình ảnh
dân quê thật vui nhộn: Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm
trường mênh mang.
Ngược lại với bài Nghìn Trùng Xa Cách, Phạm Duy đã diễn tả với những nốt nhạc
thê thiết: Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi, trả hết cho người, cho
người đi ...
Ngoài ra phải nhắc đến bài Nguyệt Cầm của Cung Tiến: Trăng Tầm Dương lung linh
bóng sáng, đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta ... Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn
anh... Nói đến nguyệt cầm thì tôi cũng xin tả sơ về cây đàn nguyệt này. Vì
nhạc cụ có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là “đàn Nguyệt”. Đàn
Nguyệt được sử dụng trong hát Chèo, Chầu Văn, Ca Huế, Đờn Ca Tài Tử và Cải
Lương…Trong miền Nam người ta gọi nó là đờn Kìm. Mới đầu tôi lẫn lộn, tưởng
nguyệt cầm và tỳ bà cầm là một, nhưng đàn tì bà hình bầu dục. Để cho dễ nhớ
bạn có thể hiểu đàn nguyệt thì tròn, đàn tì bà thì méo!
Nói đến nhạc Trịnh Công Sơn thì nhiều bài, nhiều câu về trăng lắm, đặc biệt
bài Nguyệt Ca:
Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời.
Nhưng thôi không viết nhiều
về TCS, ông này bị người Việt quốc gia lên án là làm tay sai cho Việt cộng,
viết nhạc phản chiến để đánh phá chính thể quốc gia, làm việc cho Việt Cộng,
dù nhạc của ông cũng có những bài tình ca rất hay.
Riêng nhà thơ đấu tranh Nguyễn chí Thiện, tác giả tập thơ “Hoa Địa Ngục” cũng
đã viết về trăng, dù ông ở trong tù Cộng Sản - dưới đáy địa ngục:
Cũng phải ngước trông đất trời, vấn hỏi?
Trăng lặn…
Sao tàn…
Nói tới đây mới nhớ khi còn ở trung học, các thầy cô “quốc doanh” dạy chúng
tôi phải có tinh thần tập thể, cái gì cũng phải mang ơn Bác và Đảng, như ngắm
trăng cũng phải cùng ngắm chung, ngồi một mình tư lự với trăng là tư duy sai
lầm, là cá nhân chủ nghĩa, nghe thấy kinh sợ thay vì kính sợ. Tội nghiệp các
thầy cô này, có lẽ họ đâu muốn dạy “láo lếu” như thế mà chỉ vì bị ép buộc. Đến
bây giờ nhiều sách báo vẫn còn XHCN “Xạo Hết Chỗ Nói” hoặc “Xin Hầu Chi-Na”,
biết đến bao giờ dân mình mới được sống trong ấm no và sự thật?
Nếu bạn hay con cháu học dương cầm, chắc là bạn biết bản nhạc dưới cái tên
“Sonata - Ánh trăng”. Bài nhạc này do Beethoven soạn, ông xấu trai vì bị chứng
bệnh lạ làm biến dạng, nhưng mang trái tim nghệ sĩ đa tình. Beethoven yêu cô
học trò là Giulietta Guicciardi, nhưng không được đáp lại. Một lần buồn tình
đứng trên cây cầu của dòng sông xanh Danube trong một đêm trăng rất sáng,
Beetthoven nghe tiếng dương cầm vang lên bên khu lao động. Beethoven đi tới và
gặp người cha đang ngồi nghe cô con gái mù chơi dương cầm. Người cha cho biết
con gái đã từng ước mơ được ngắm nhìn ánh trăng trên dòng Danube, nhưng có lẽ
sẽ không bao giờ được. Xúc động trước tình cha con, Beethoven ngồi vào cây đàn
và với cảm xúc mãnh liệt, nhà soạn nhạc thiên tài đã dạo nên khúc Sonata lúc
nhẹ nhàng hiền dịu như ánh trăng, lúc lại mạnh mẽ rồi mênh mang như sóng sông
Danube. Tiếng nhạc thấm đẫm trong ánh trăng, dạt dào trong tình người, diễn tả
khát vọng bước ra khỏi sự khắc nghiệt của số phận, của thất tình và trở thành
bất hủ. Beethoven bị điếc năm 30 tuổi nhưng vẫn sáng tác nhạc được. Mới đầu
tôi không tin người điếc có thể chơi nhạc, nhưng tôi có thầy và vài người bạn
khá giỏi nhạc, họ chỉ cần nhìn nốt nhạc mà biết âm điệu trầm bổng ra sao. Đưa
cho một sáng tác mới, không cần đàn họ cũng có thể nhìn cách viết nhạc mà hát
lên được. Môn “võ công” này tôi cũng có học qua, gọi là “xướng âm”, nhưng tôi
chẳng thấy “sướng”, chỉ thấy khổ vì khó quá!
Gần đây có bộ phim hoạt họa với hình ảnh 3D ba chiều thu hút nhiều khán giả,
bạn đã xem chưa? Đó là cuốn phim Despicable Me. Dựa theo nội dung phim chuyện
người ta dịch tựa đề là “Kẻ Cắp Mặt Trăng”. Chuyện phim nói về nhân vật xấu
tên Gru. Gru quyết định làm phi vụ có một không hai cho thế giới phải kinh
khiếp: ăn cắp mặt trăng. Cũng may Gru đã tìm thấy được ở ba cô bé mồ côi -
nhân vật trong phim - một tình thương yêu kỳ lạ, và điều này đã thay đổi con
người Gru. Chuyện có “happy ending” khi Gru cùng ba cô bé sống hạnh phúc với
nhau khi mặt trăng vẫn tỏa sáng.
Nói chuyện văn chương thơ nhạc thì hoài hoài không hết, riêng trong đời sống
hằng ngày thì các chuyên gia trường đại học California - Mỹ phát hiện rằng có
một tác động giữa ánh sáng mặt trăng tới sức khỏe con người. Những ngày trăng
tròn, ánh trăng đã ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người, gây khó ngủ rồi ít
nhiều tác động đến hệ thần kinh, dẫn đến những thái độ, hành động bất thường.
Vậy nếu người phối ngẫu hay con cháu của bạn hôm đó ương ương dở dở, nói bậy
bạn hãy thông cảm bỏ qua cho. Bạn cũng có thể đổ lỗi cho chị Hằng khi chính
bạn đang bị “khó ở” dễ nổi cáu. Việc phụ nữ hàng tháng rụng trứng được gọi là
chu kỳ kinh nguyệt, hồi đi học ở trường “Xã Hội Chủ Nghĩa” chúng tôi nghịch
ngợm gọi những ngày “bị” là ngày “mắc võng trên rừng Trường Sơn”. Khi đi chợ
mua cua, bạn nhớ để ý có phải đang gần ngày có trăng hay không, vì cua sẽ bị
óp không chắc thịt.
Gần đây với đời sống hiện đại nên cũng hại điện, ít khi chúng ta còn giờ, còn
khung cảnh thích hợp để ngắm trăng. Ăn bánh Trung Thu thì sợ bị bỏ hóa chất
độc, các lồng đèn, sản phẩm cho trẻ em bị Tàu hóa, sản xuất hàng loạt với phẩm
chất tệ, không như những lồng đèn ông sao, đèn cá chép đặc thù khi xưa nên mất
phần thú vị. Trong khi dân nghèo đói, cá chết, mọi thứ nhiễm độc, những đại
gia, công an cai trị dân vẫn phè phỡn ăn chơi xa xỉ, đốt tiền không hết. Đã có
những chiếc bánh trung thu với nhân là 9 dược liệu quý như đông trùng hạ thảo,
vảy tê giác, vây cá mập, trứng cá, yến sào... Riêng cái vỏ hộp đựng bánh có
khi giá đến triệu triệu. Một khách sạn 5 sao tại Hà Nội đã tung ra hộp bánh
trên có hình con ngựa và cá chép mạ vàng 24K, đồng thời quảng cáo chỉ sản xuất
999 hộp - ít sợ bị đụng hàng. Cái hộp này ăn xong nhất định phải giữ vì có
vàng trên đó. Hồi sau 1975, cái gì cũng quý cũng khó, nên chúng tôi cũng chắt
chiu để dành những cái hộp bánh bích-quy, lon ghi-gô để đựng kim chỉ, đồ lặt
vặt trong nhà. Sang đây những năm đầu tôi cũng còn thói quen giữ lại các lon
hộp này, bỏ đi thì tiếc, làm chật nhà quá sức. Bánh Trung thu ngày nay không
còn là thứ đồ ăn cho tết nhi đồng, mà đã trở thành công cụ để người ta hối lộ,
nghe thật buồn và giận. Mà thôi, tôi định viết “vài dòng” mà bây giờ ra “dài
dòng” rồi, tôi xin trở lại chuyện tổ chức Trung Thu Cộng đồng Toronto một chút
rồi ngưng.
Năm nay lần đầu tiên ban tổ chức gồm nhiều hội đoàn hợp sức - để thể hiện tình
đoàn kết. Nhìn các em mặc áo dài, tay cầm lồng đèn hình Lá Cờ Vàng di sản,
lòng tôi bồi hồi biết bao. Ngoài phần văn nghệ và MC giới thiệu chương trình,
phần nhiều do các em thiếu nhi chia nhau đảm trách, các em cũng được nghe đọc
về các anh hùng dân tộc như Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản… Trách nhiệm hướng
dẫn cho giới trẻ biết về quê hương và cội nguồn không phải một sớm một chiều,
một ngày lễ hội là xong, mà là con đường dài và không kém khó khăn. Việc tổ
chức các sinh hoạt cộng đồng cũng không dễ, nhìn những anh chị “xâm mình” đứng
ra làm việc chung tôi thật cảm kích. Họ không phải là thần thánh, họ cũng chỉ
có 24 tiếng mỗi ngày, cũng phải đi làm, lo cho gia đình như mọi người, nhưng
họ đã cố gắng. Thế nào cũng có sai sót, nhưng tôi xin được trân trọng, thật
lòng thông cảm và mong có thêm nhiều anh chị em, nhất là quý vị phụ huynh cùng
xăn tay bước vào góp sức, để cùng nhau xây dựng cộng đồng, cùng nhau dẫn dắt
các con em, nối kết thế hệ cha ông với con cháu, để mai đây khi chúng ta “rời
bỏ cuộc chơi”, thì đã có các cháu sẵn sàng tiếp nối, tiếp tục sứ mạng phục vụ
và làm vẻ vang dòng giống Rồng Tiên cho đến ngày cùng nhau trở về.
Tôi cũng thiết tha mong một ngày quê hương thanh bình, dân chủ, để chúng ta
cùng nắm tay ca hát dưới ánh trăng vàng, cùng xây dựng đất nước giàu mạnh
không gian dối, không chất độc và nhất là không Cộng sản.
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Mùa Trăng
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Một bài viết thật hay và giá trị. Cám ơn tác giả 🙏
ReplyDelete