Phạm Văn Tuấn
Hơn 5,000 năm về trước, con người chưa có văn tự nhưng từ năm 3,200 trước CN
(Công Nguyên), tại một khu vực của miền đất Mesopotamia, gọi là Sumer, một
loại chữ viết đầu tiên đã được phát minh và “Lịch Sử” bắt đầu từ đây, với ý
nghĩa là các sự việc đã được ghi chép khiến cho các nhà sử học có thể hiểu rõ
người thời cổ xưa đã làm các công việc gì.
Công việc phát minh ra chữ viết đã cho
các người dân của miền đất Mesopotamia được coi là lớp người có ảnh hưởng quan
trọng nhất trong công cuộc tiến hóa của nhân loại.
Trong khoảng các năm từ 3,200 tới 500
trước CN, người dân miền đất Mesopotamia còn phát minh ra vài thứ rất quan
trọng như bánh xe, có lẽ vào khoảng năm 3,000 trước CN, như lịch, như các phép
nhân và chia số học. Ngoài ra, những nhà trí thức của miền đất kể trên còn là
những nhà tư tưởng, họ đã đi tiên phong vào các phạm vi học thuật như thần
học, luật học, thiên văn và văn chương kể chuyện…, tất cả những kiến thức này
đã là căn bản cho các phát triển về sau của các phạm vi tư duy và diễn tả tư
tưởng, đồng thời những các nhà cai trị của miền đất Mesopotamia cũng là các
nhà quân sự tàn bạo. Tóm lại, các công việc và các tài liệu còn được ghi khắc
của người dân miền đất Mesopotamia đã là các trang sử đầu tiên của nhân loại.
1/ Thời đại Sumer.
Từ năm 4,000 tới năm 3,200 trước CN, miền đất giữa hai con sông Tigris và
Euphrates được coi là khu vực văn minh đầu tiên trên trái đất bởi vì xã hội và
văn hóa của người dân sinh sống trên miền đất này đã theo đúng lối sống của
các làng mạc. Sau đó, khoảng thời gian từ 3,200 năm tới 2,000 năm trước CN
được các nhà sử học gọi là “thời đại Sumer” (the Sumerian era) do Sumer là phần đất quan trọng nhất của miền
Mesopotamia, đây là khu vực bằng phẳng, bùn lầy, diện tích rộng bằng tiểu bang
Massachusetts.
Trong 9 thế kỷ đầu của thời đại Sumer,
đã không có một chính quyền nào và miền đất Mesopotamia đã gồm có các kinh
thành độc lập, quan trọng nhất là Ur, Uruk và Lagash. Vào khoảng năm 2,335
trước CN, một chiến sĩ mà tên tuổi không còn được ghi khắc lại và từ địa
phương Akkad, ở phía bắc của miền Mesopotamia, đã chinh phục được cả miền
Sumer rồi lấy danh hiệu là “Sargon”, tức là “nhà vua thực sự”
(true king). Biên niên sử của miền Mesopotamia đã ghi lại rằng Vua Sargon đã
đánh thắng 34 trận rồi kiểm soát được cả vùng Sumer. Các chiến công cuối cùng
đã đưa nhà vua này tới “vùng biển phía dưới” (the lower sea), tức là
Vịnh Ba Tư (the Persian Gulf), tại nơi này nhà vua đã rửa kiếm tức là chấm dứt
các cuộc chinh phục.
Sargon là nhà vua đã xây dựng được một
đế quốc đầu tiên của Lịch Sử và trong 2 thế kỷ, đế quốc này đã gồm có 2 miền
đất là Akkad và Sumer. Nhưng vào năm 2,130 trước CN, người dân của miền đất
Sumer đã nổi lên, giành lại nền độc lập và duy trì được sự tự trị này cho tới
gần năm 2,000 trước CN. Trong khoảng thời gian này, các nhà vua của miền Sumer
đã đóng đô tại kinh thành Ur.
Các thành quả của người Sumer đạt được
phần lớn là do khí hậu và địa dư. Mặc dù đất đai của các miền đất phía nam của
hai con sông Tigris và Euphrates rất phì nhiêu nhưng vì không có nước mưa
trong 8 tháng liền mỗi năm trong khi đó vào mùa xuân, mưa lại rơi xối xả, quá
trễ để tưới nước cho các vụ mùa cần được gặt hái vào tháng 4. Qua các tháng
hè, đất đai tại nơi đây bị nứt nẻ vì nhiệt độ lên tới 125 độ F (khoảng 51 độ
C). Vì vậy phải có các công trình lao động tập thể để dẫn nước vào ruộng và
công việc này cần tới cách trù liệu cẩn thận và sự lãnh đạo quả quyết, rồi hai
điều kiện sau này lại khiến cho có các tầng lớp xã hội, sự chuyên môn nghề
nghiệp và sự xuất hiện của các kinh thành.
Một vấn đề quan trọng khác là phía nam
của miền đất Mesopotamia hoàn toàn thiếu thốn các tài nguyên thiên nhiên như
đá, khoáng sản và ngay cả các cây cối. Sự việc này đã khiến cho người dân
Sumer phải biết cách mậu dịch (trade) làm sao cho có lợi cho họ cũng như các
cách khắc phục thiên nhiên.
Một trong các phát minh đáng kể nhất
của người dân Sumer vào khoảng năm 3,200 trước CN là cách chuyên chở dùng bánh
xe. Cũng nên biết rằng người dân Ai Cập (Egypt) chỉ biết tới bánh xe vào năm
1,700 trước CN. Có lẽ người dân Sumer khi dùng bàn tròn để nặn đồ gốm (đã được
dùng vào khoảng năm 3,500 trước CN) đã nghĩ ra cách lắp thứ bàn tròn này vào
loại xe kéo và thứ xe cộ này được coi như một trong các phát minh quan trọng
nhất của mọi thời đại.
Các loại xe cộ đầu tiên của người Sumer
là loại xe trận 2 bánh (chariots) và loại xe chuyên chở 4 bánh. Cả hai loại
này đều do lừa kéo bởi vì người dân của miền tây châu Á thời đó chưa biết tới
con ngựa, loại động vật này được các kẻ xâm lăng từ phía đông mang tới miền
đất Sumer vào khoảng thời gian từ 2,000 năm tới 1,700 năm trước CN. Các bánh
xe thời đó được làm bằng gỗ đặc, ghép vào nhau bằng một loại đinh.
Loại xe trận (chariots) được dùng cùng với các đội hình binh sĩ phalanx, điều
này được biết do các hình ảnh vẽ từ 2,600 năm trước CN, còn được ghi lại cảnh
trí vẽ quân đội giẫm lên quân thù. Loại xe chuyên chở không cần tới tốc độ
được dùng để vận chuyển đồ dùng, đã giúp ích các người Sumer rất nhiều trong
các công tác dẫn nước vào ruộng và xây dựng nhà cửa, lâu đài.
|
Âm lịch |
Cùng với loại bánh xe, người Sumer còn nghĩ ra một thứ phát minh rất quan
trọng cho nhân loại, đó là "
âm lịch" (the lunar calendar). Tại một xứ sở mà thời tiết rất bất thường và khắc
nghiệt, người dân địa phương cần phải gieo hạt và gặt hái đúng kỳ hạn, vì thế
họ cần tới một thứ phương pháp nào đó để ghi chép ngày tháng khiến cho việc
canh nông trở lại đúng vào vụ mùa năm tới. Cách đơn giản nhất là dùng chu kỳ
của mặt trăng.
Bởi vì mặt trăng có biến tướng từ lưỡi
liềm mỏng nhất tới cùng hình dạng này sau 29 ngày rưỡi cho nên người thời cổ
xưa đã dùng khoảng thời gian này làm đơn vị, mà ngày nay chúng ta gọi là một
tháng, sau đó, người thời cổ xưa đã đếm các đơn vị tháng này để tính ra một
vòng quay đầy đủ. Người Sumer cho rằng sau 12 đơn vị tháng là một năm trôi
qua.
Thực ra, người Sumer đã không biết rằng một năm là quãng thời gian trái đất
quay chung quanh mặt trời và 12 "tháng mặt trăng" ngắn hơn một năm mặt trời 11
ngày. Sau nhiều thế kỷ, người thời cổ xưa đã biết thêm 1 tháng vào vài năm âm
lịch để sửa chữa các sai lệch. Ngày nay, lịch của người Do Thái mới (the
modern Jewish) và lịch Hồi Giáo cũng dùng Âm Lịch do bởi 2 sắc dân này đã thừa
hưởng di sản của người Sumer.
Ngoài hai thứ phát minh rất giá trị của người dân Sumer là bánh xe và lịch,
còn có một thứ khám phá thứ ba, đó là "chữ viết". Thực ra, đây không hẳn là
một phát minh bởi vì sự xuất hiện và cải tiến của chữ viết đã kéo dài trong
một thế kỷ (vk năm 3,500 tới năm 2,500 trước CN), khởi đầu từ cách trình bày
các ý tưởng bằng các hình vẽ quy ước, tiến dần cho tới cách viết và đọc chữ.
Vào khoảng năm 3,500 năm trước CN, người dân miền Sumer bắt đầu biết khắc các
hình ảnh vào các miếng đá hay đóng các dấu ghi vào các miếng đất sét, để coi
đây là các dấu hiệu sở hữu một vài thứ nào đó, và hình vẽ kể trên có thể là
tên của một người hay của một nơi cư trú. 500 năm về sau, cách ghi khắc này đã
tiến hóa thành cách viết chữ để rồi vào thời đó, các người Sumer cai quản các
ngôi đền đã dùng các hình ảnh có tính cách phác họa để ghi lại các tài sản hay
các chuyển nhượng của các ngôi đền thờ.
Các hình ảnh ghi khắc lúc đầu tượng trưng cho các con người hay các vật dụng
cụ thể rồi dần dần mô tả những điều trừu tượng, chẳng hạn một các bát (chén ăn
cơm) diễn tả đồ ăn và hình một đầu người với một cái bát diễn tả quan niệm
thực phẩm. Sau 500 năm nữa, cách viết chữ đã phát triển đầy đủ, trở thành các
ký hiệu (signs) mà người dân phải học hỏi để biết cách đọc và viết.
Hệ thống chữ viết của người Sumer đã tiến tới hình thức phát triển đầy đủ vào
khoảng năm 2,500 năm trước CN và được gọi là "chữ viết hình nêm"
(cuneiform), bởi vì người dân thời đó đã dùng một đoạn cây sậy có đầu hình tam
giác để đóng vào các miếng đất sét còn ướt.
Người dân Sumer thời đó đã biết cách dùng khoảng 500 chữ với các ý nghĩa trùng
hợp và người ta phải đọc cả bản văn mới hiểu nổi ý nghĩa của từng chữ, từng
câu. Dù còn khuyết điểm như vậy, hệ thống chữ viết hình nêm đã là hệ thống chữ
viết duy nhất của miền Mesopotamia trong 2 thế kỷ và đã trở nên phương tiện
tiêu chuẩn của các chuyển nhượng thương mại tại các miền đất phía tây của châu
Á cho đến năm 500 trước CN.
Vào khoảng 90 % các bản viết dùng chữ
hình nêm từ thời đại Sumer còn tồn tại cho tới ngày nay, là các ghi chép
thương mại hay quản trị, số 10 % thuộc loại văn chương như các mẩu chuyện thần
thoại hay các bài hát. Một thí dụ về câu tục ngữ Sumer là "ở đâu có thợ sửa sắc đẹp thì tại nơi đó có sự nói xấu".
Các bài hát và các câu chuyện thần thoại đã cho thấy rằng người Sumer khi
trước đã thừa nhận có các vị thần (gods) hành động như những người bảo vệ các
lãnh vực khác nhau: bầu trời, mặt đất, dưới cõi âm..., và còn có các vị thần
che chở cho các kinh thành khác nhau.
Mặc dù quan niệm như thế nào về các vị
thần, các ngôi đền Sumer đã xuất hiện trong lòng các xã hội trong khoảng thời
gian từ năm 3,200 tới năm 2,000 trước CN. Các ngôi đền Sumer thường được xây
dựng bên trên một thứ tháp rất cao bằng gạch, gọi tên là Ziggurat.
Ziggurat là một công trình xây dựng vĩ
đại, đòi hỏi việc làm gian khổ của 1,500 công nhân, làm việc mỗi ngày 10 giờ
trong 5 năm trường. Các công nhân xây dựng này có thể là các người tình nguyện
vì tôn giáo, đã làm việc theo các ca luân phiên nhau.
Các tu sĩ hay các nhà quản trị địa
phương của miền Sumer không sinh sống trong các đền thờ mà ở trong các tòa nhà
xây cất chung quanh đền thờ. Cũng ở trong các vùng ven này là các người thợ
thủ công và các nô lệ. Do bởi các tu sĩ phải học chữ viết hình nêm nên cũng
trong vùng bao quanh đền thờ, đã có các trường học để dạy viết chữ và các kiến
thức cần thiết cho giới tu sĩ. Đây là các trường học đầu tiên trong lịch sử
của nền văn minh thế giới.
Cũng ở chung quanh đền thờ là các mảnh
ruộng mà các nông dân cày cấy để cung cấp thực phẩm cho giới tu sĩ và cũng tại
nơi đây, người dân đã bán ra các sản phẩm do họ sản xuất hay tồn trữ, cho các
người dân khác ở gần, và họ cũng chuyên chở hàng hóa đi xa. Như vậy trước khi
Sargon chinh phục các miền đất Mesopotamia, các tu sĩ là các nhà cai trị địa
phương hay cai quản các đền thờ rồi sau khi triều đại của vua Sargon sụp đổ
thì đã có các nhà vua khác lên cầm quyền, thay thế cho các tu sĩ.
Ngoài các nhà vua, các tu sĩ và các
chiến sĩ cao cấp (họ cũng là bà con của vua chúa và tu sĩ), xã hội của miền
Mesopotamia có 3 giai cấp: các người chuyên môn trong đền thờ, các nông dân tự
do và các nô lệ. Các nhà chuyên môn gồm có các nhà quản trị, các thương gia và
các thợ thủ công, những người này khá sung túc nhưng phải sinh sống lệ thuộc
vào các tu sĩ. Các nông dân tự do có lẽ chỉ được phép cày cấy trên các mảnh
đất xấu, họ thường mắc nợ nhà thờ để sống còn. Còn về các người nô lệ, ngày
nay chúng ta không có các ghi chép nào nói về lớp người này nhưng chắc chắn là
đời sống của họ rất cực khổ.
2/ Nền cai trị của xứ Babylon Cổ.
Người Sumerians đã thành công trong nhiều phạm vi khoa học, văn hóa, nhưng họ
không thể khắc phục được vấn đề môi trường, bởi vì đất đai của họ bị xấu đi vì
số lượng muối (salt) tăng lên. Công việc dẫn nước vào miền đất khô cằn Sumer
từ các con sông gần đó đã mang lại độ ẩm cho đất đai, nhưng khi nước đã bốc
hơi đi thì một lượng muối còn ở lại. Đối với thời gian vài ba năm, số lượng
muối này không đáng kể nhưng sau hàng thế kỷ, lượng muối trở nên rất lớn, đã
làm hại tới sự phì nhiêu của đất đai. Việc khảo cứu các tấm bảng viết bằng chữ
hình nêm (cuneiform tablets) đã cho biết rằng các miền đất cày cấy tại các
phần đất của xứ Sumer đã trở nên kém đi vào năm 2350 năm trước CN.
Vào khoảng năm 2000 trước CN, đất đai
của xứ Sumer đã không thể sản xuất đầy đủ các sản phẩm nông nghiệp, giới tu
sĩ, các nhà quản trị và các binh lính không thể sinh sống được trong các thành
phố.
Thời đại Sumer của miền đất Mesopotamia đã bị thay thế bởi thời đại Babylon Cổ
(the Old Babylonian era), kéo dài từ năm 2,000 tới năm 1,600 trước CN, và thời
đại sau này phát triển cao nhất vào khoảng năm 1770 trước CN.
|
Sennacherib của Assyria trong cuộc chiến tranh Babylon của ông, hình
trong cung điện của ông ở Nineveh
|
Hai thời đại Sumer và Babylon Cổ không
khác nhau về văn hóa nhưng lại khác biệt về địa dư và ngôn ngữ. Phần lớn các
thành phố thịnh vượng và có nền văn hóa tiến bộ của thời đại Sumer đều ở xa về
phía nam của miền Mesopotamia, nhưng 400 năm sau, nền văn minh của thời đại
Babylon Cổ lại chuyển lên mạn bắc, tới thành phố Akkad, tại nơi này, một thành
phố mới được thành lập, đó là kinh thành Babylon.
Về ngôn ngữ, người Sumerians dùng tiếng
nói không liên hệ tới một ngôn ngữ nào trong khi người của kinh thành Babylon
Cổ có tiếng nói thuộc nhóm Semitic. Ngày nay các dân tộc dùng ngôn ngữ Semitic
gồm có các người Ả Rập, Do Thái và người Ethiopians với nguồn gốc từ bán đảo Ả
Rập. Người ta không biết rõ tại sao và khi nào các bộ lạc Semitic đã đi lên
miền đất Mesopotamia, nhưng người ta lại biết rằng nhà chinh phục Sargon và
quân lính của ông ta là các người Semites và xứ Sumer đã bị các người Semites
này chinh phục cho tới cuối năm 3,000 trước CN và xứ Sumer này đã phục hồi
trong các năm từ năm 2130 tới năm 2,000 trước CN nhưng vẫn có các vùng đất nhỏ
tại Akkad và Sumer do các bộ lạc Semites chiếm giữ.
Cuối cùng, các người Amorites, cũng là
người của xứ Babylon Cổ, đã tiến vào miền dất Mesopotamia vào khoảng năm 2,000
trước CN và cũng vào miền đất Akkad. Tới lúc này, ngôn ngữ Semitic của người
Amorites đã là tiếng nói của miền Mesopotamia trong khi người Amorites lại
theo văn hóa của người Sumerians.
Người Amorites đã dùng kinh thành
Babylon trong miền đất Akkad làm thủ đô của đế quốc của họ, vì vậy họ còn được
gọi là người Babylonians Cổ.
|
Hammurabi |
Người sáng lập ra Đế Quốc Babylon Cổ là nhà cai trị vĩ đại xứ Amorite tên là
Hammurabi (trị vì từ năm 1792 tới năm 1750 trước CN). Khi Hammurabi lên ngôi
vua, dân tộc Amorite chỉ là một trong các lực lượng chiến đấu của miền Nam
Mesopotamia nhưng vào năm 1763 trước CN, Hammurabi đã chinh phục được tất cả
miền Sumer rồi tới năm 1775 trước CN, ông ta đã chiếm được các phần còn lại
của miền Mesopotamia cho tới tận miền bắc. Do các chiến thắng này, Hammurabi
đã tự gọi mình là “
Vua của Akkad và Sumer” rồi là “
Vua của Bốn Phương Trời” (King of the Four Quarters of the World).
Mặc dù sự khoa trương này, đế quốc của
Vua Hammurabi đã không tồn tại được lâu, nhưng Vua Hammurabi còn được gọi là
“Vua của Công Lý” (King of Justice) bởi vì vị vua này đã cổ vũ cho một
bộ luật tập thể và tổng quát đầu tiên (the earliest extensive collection of
laws) của nhân loại.
Các học giả đã đồng ý rằng Bộ Luật
Hammurabi (the Code of Hammurabi), một tài liệu ghi khắc trên đá chứa 282 điều
luật căn cứ vào các nguyên tắc luật pháp của xứ Sumer, nhưng bộ luật này không
có quan niệm mới về “bình đẳng trước Pháp Luật” (equality before the
law).
Trong Bộ Luật Hammurabi, các kẻ nô lệ không có quyền gì cả, họ có thể bị cắt,
xẻo thân thể chỉ vì các tội phạm tầm thường. Trước Pháp Luật thời đó có 2 hạng
người là “con người” (men), tức là các nhà quý tộc (aristocrats) và các
người khác không phải là “con người” hay nô lệ, những người này có một chút
quyền lợi. Các tội phạm của các “con người” đối với các kẻ thuộc giai cấp
thấp, thì ít bị trừng phạt tàn nhẫn.
Hai nguyên tắc nổi tiếng nhất của Bộ
Luật Hammurabi là “mắt trả bằng mắt” (an eye for an eye) và “người mua hàng phải biết rõ” (let the buyer beware). Với nguyên tắc thứ nhất, kẻ nào làm hại con mắt của
người khác thì con mắt của kẻ đó phải bị tổn hại. Nguyên tắc thứ hai đã cho
phép các kẻ bán hàng dễ dàng gian xảo bởi vì người mua hàng không có quyền
khiếu nại.
Các đạo luật cùa người Mesopotamians có chủ đích ngăn ngừa các vụ tranh chấp,
đánh nhau... bởi vì họ tin rằng các cách trừng phạt sẽ làm nản lòng các kẻ gây
hấn.
Bộ Luật Hammurabi thì không hoàn toàn đúng theo các quan niệm về công lý và
sự trả thù xứng đáng thì lại kèm theo sự tàn ác, nhưng dù sao, Bộ Luật này
đã là khởi đầu cho sự phát triển về sau của Bộ Môn Luật Pháp.
Nổi tiếng giống như Bộ Luật Hammurabi
là Tập Thơ Anh Hùng Ca Gilgamesh (the Epic of Gilgamesh). Đây là công
trình của cả hai miền Sumer và Babylon Cổ. Gilgamesh là vua của xứ Sumer, đã
cai trị xứ sở này vào khoảng năm 2,600 trước CN. Tới vào khoảng năm 1,900
trước CN, một người Semitic đã gom 4 hay 5 truyện Gilgamesh thành một tập anh
hùng ca (epic) và đây là tập thơ tuyệt vời mà ngày nay chúng ta được biết. (1)
Phẩm chất đặc biệt của tập thơ anh
hùng ca này là kể lại các cuộc mạo hiểm và các ước vọng của một người anh
hùng trong một thế giới của cõi chết, đây là một sự kiện mà mọi người không
tránh khỏi. Sau khi đã tranh đấu nhiều, Gilgamesh đã kinh hoàng vì cõi chết,
đã đi tìm sự trường sinh bất tử từ một ông già và bà vợ của ông ta, hai
người này đã được cứu vớt do trú ẩn vào một con thuyền nhỏ khi các thần linh
quyết định tàn phá thế gian bằng một trận hồng thủy.
Hai người già cả này đã xác nhận với
Gilgamesh rằng sự trường sinh bất tử thì không thể có được nhưng họ lại tiết
lộ rằng có một thứ cây làm phục hồi tuổi trẻ mà Gilgamesh đã bị mất đi.
Nhưng không may, sau khi tìm thấy được thứ cây này ở dưới đáy biển,
Gilgamesh đã không canh chừng cây trường sinh trong khi ngủ và một con rắn
đã ăn hết cây này. Như vậy ước vọng bất tử đã khiến cho Gilgamesh cuối cùng
phải chấp nhận rằng anh ta nên tận hưởng mỗi ngày (he should enjoy each day)
mà không nên bận tâm về ngày hôm sau.
Vào thời đại Babylon Cổ, người dân tin
tưởng rằng ngoài các thần linh chính trị (political gods) còn có các vị thần
trông coi các công việc thường ngày của các cá nhân và người dân thường đã cầu
nguyện các vị thần để có thể thành công hay được tha thứ vì các hành động sai
trái.
|
Bản khắc ghi chép về toán học
|
Ngoài ra, một đặc điểm văn hóa rất đáng quan tâm của Xứ Babylon Cổ là môn Toán
Học (mathematics). Vào khoảng 1,800 năm trước CN, các người thư ký tại các
ngôi đền Babylon Cổ đã biết dùng các bảng nhân và chia, họ cũng biết tính căn
số bậc hai (square roots), căn số bậc ba (cubic roots), số đảo (reciprocals)
và các hàm số lũy thừa (exponential functions). Như vậy có thể kết luận rằng
các người Babylon Cổ là những nhà toán học tiến bộ nhất trong thời đại cổ xưa.
Một áp dụng khác dùng trong đời sống hàng ngày của các nhà toán học Babylon Cổ
là cách chia ngày ra làm 2 tập hợp (2 sets), mỗi tập hợp 12 giờ, rồi 1 giờ có
60 phút và 1 phút có 60 giây. Các người Babylon Cổ đã biết dùng các bội số của
12 (multiples of twelve) do họ quen với chu kỳ 12 tuần trăng trong 1 năm.
3/ Các dân tộc Kassite và Hittite.
Đế quốc Babylon Cổ chỉ tồn tại được 1 thế kỷ rưỡi sau khi Vua Hammurabi qua
đời vào năm 1750 trước CN. Do không có đủ chứng cớ, các sử gia chỉ biết rằng
các người Babylon này dần dần không thể kiểm soát được các thành phố lớn.
Ngoài ra họ phải đối đầu với một dân tộc lạ là Kassites từ miền Trung Á, đây
là lớp người có một kỹ thuật tác chiến mới với các chiến xa nhẹ do ngựa kéo.
Trong khoảng thời gian từ 1,650 trước
CN tới năm 1,600 trước CN, các người Kassites đã dùng sức mạnh xâm chiếm phần
lớn miền Mesopotamia nhưng đế quốc Babylon Cổ đã bị tiêu diệt không phải do
người Kassites mà do dân tộc Hittite.
Vào năm 1,595 trước CN, đạo quân
Hittites từ miền bắc đã san bằng thành phố Babylon và đã phá hủy các di tích
của đế quốc Babylon Cổ.
Sau khi đã quét sạch sự thống trị của
các người Kassites, các người Hittites đã rút lên mạn bắc. Các người Kassites
đã không lợi dụng cơ hội này để phục hồi được sự thống trị của họ bởi vì họ
thiếu đi các căn bản về chính trị và văn hóa. Vì vậy trong một thế kỷ tiếp
theo, miền Mesopotamia đã ở trong “thời kỳ đen tối” (the dark age), trong thời
gian này, miền nam gồm Akkad và Sumer vẫn do các người Kassites cai trị trong
khi tại miền bắc thuộc về các dân tộc đang tranh chấp.
Về dân tộc Hittỉte, sắc dân này có
nguồn gốc từ các thảo nguyên của miền Trung Á và dùng ngôn ngữ Ấn – Âu
(Indo-European tongue). Từ năm 1,600 trước CN, trong 2 thế kỷ, đế quốc Hittite
đã tràn qua phía đông của vùng Địa Trung Hải bao gồm 2 nước Syria và Lebanon.
Sau khi đã tàn phá kinh thành Babylon vào năm 1,595 trước CN, các người
Hittites đã cai trị trực tiếp miền Mesopotamia.
Đế quốc Hittite đạt tới đinh cao về
địa lý và kinh tế trong khoảng các năm từ 1,450 tới năm 1,300 trước CN, rồi
vào thế kỷ 13 trước CN, các người Hittites phải đương đầu với các cuộc xâm
lăng từ xứ Ai Cập và từ miền Bắc Mesopotamia.
Vào khoảng 1,185 trước CN, lực lượng
Hittite bị tiêu diệt do các cuộc tấn công của các dân tộc thuộc mạn biển ở
phía tây. Các nhà sử học không biết gì thêm về dân tộc Hittite này cho tới năm
1,907, các khai quật của thủ đô Hattusas (có nghĩa là thành phố Hittite =
Hittite City) đã đưa ra ánh sáng 20,000 bảng ghi bằng đất sét (clay tablets),
nhờ đó người ta biết rằng các người Hittites này đã thành công trong một thời
gian dài nhờ thứ võ khí độc quyền được chế tạo bằng sắt (iron). Nhưng cũng có
sử gia tin tưởng rằng võ khí bằng sắt không hẳn đã là có lợi hơn trong các
cuộc chiến tranh của các người Hittites.
Lợi thế của các người Hittites là miền
đất Anatolia của họ giầu tài nguyên về đồng, sắt và bạc, họ lại có nhiều kinh
nghiệm về thuật luyện kim, về cách chế tạo các dụng cụ bằng đồng và sắt. Ngoài
ra, các người Hittites còn có một hệ thống chính quyền hữu hiệu, biết phân
quyền tới các địa phương và họ cũng biết dùng lối chữ viết hình nêm
(cuneiform) của các dân tộc bên cạnh.
4/ Sức mạnh của các người Assyrians.
Sau thời kỳ đen tối Kassite là Đế Quốc
Assyrian, kéo dài từ năm 1,300 tới năm 612 trước CN. Dân tộc Assyrian thuộc
nhóm dân dùng ngôn ngữ Semitic, họ định cư tại con sông Tigris thuộc phía bắc
của miền Mesopotamia.
Trong thời kỳ đen tối, các người
Assyrians đã thành lập được một quốc gia nhỏ tại thành phố Assur, họ đã bành
trướng sức mạnh vào đầu thế kỷ thứ 13 trước CN sau khi họ đã thấu triệt các
chiến thuật dùng chiến xa 2 bánh (chariots).
Vào khoảng năm 1,250 trước CN, các
người Assyrians là chủ nhân của toàn vùng phía bắc Mesopotamia sau khi họ đã
đánh thắng các người Kassites tại Akkad và Sumer. Vào năm 1,225 trước CN, Vua
Assyrian đã chiếm được kinh thành Babylon.
Các người Assyrians đã trực tiếp cai
trị 2 xứ Akkad và Sumer trong 8 năm nhưng họ đã gián tiếp ảnh hưởng tới miền
Nam của Mesopotamia trong 6 thế kỷ. Vào năm 900 trước CN, các người Assyrians
đã kiểm soát được các tài nguyên và các con đường thương mại, họ chinh phục xứ
Syria và tới miền Địa Trung Hải, rồi vào khoảng năm 840 trước CN, họ sát nhập
miền nam Anatolia.
100 năm sau nữa, các người Assyrians
đã chinh phục được đất đai của Vua Sennacherib (cai trị từ năm 705 tới năm 681
trước CN) và như vậy, các người Assyrians đã là chủ nhân của tất cả các miền
đất của phía tây châu Á.
Vua Sennacherib đã thành lập được một
kinh thành có tên là Nineveh (2), rực rỡ nhất trong miền Mesopotamia kể từ trước
tới nay. Bên trong thành lũy bao bọc kinh thành dài 7 dặm rưỡi là các ngôi đền
thờ tráng lệ và một lâu đài hoàng gia với tối thiểu 71 phòng. Bên ngoài thành
lũy là các khu vườn cây và vườn Bách Thú với các loại cây hiếm thấy và các con
thú rừng mà nhà vua đã ra lệnh mang về từ những nơi xa xôi.
|
Tranh vẽ về kinh thành Nineveh của Sir Austen Henry Layard, 1853 |
Do không vừa lòng với phẩm chất của
loại nước thường được cung cấp tại chỗ, nhà vua đã giám sát một công trình
khác thường, đó là loại nước sạch từ nước suối ở trên núi cách 50 dặm xa phải
được dẫn về kinh thành Nineveh bằng các cống dẫn nước và các cầu dẫn nước
(aquaducts). Để ghi nhớ sự hoàn thành dự án dẫn nước này, các bảng ghi khắc
trên đá tại nguồn nước đã mô tả công trình và ghi chép rằng các thiên thần đã
hỗ trợ các chiến công quân sự của nhà vua.
Trong số các căn phòng trong lâu đài
của nhà vua Sennacherib tại Nineveh, có một thư viện gồm các bảng ghi khắc
bằng đất sét (clay tablets), bên trong đề cập tới các kiến thức thực tế và các
sự kiện tôn giáo. Sự học hỏi này là từ miền nam Mesopotamia bởi vì các người
Assyrians đều học hỏi từ miền Sumer Cổ và Babylon Cổ. Họ cũng thờ phượng tất
cả các thần linh (gods) của xứ Babylon Cổ cùng với vị thần linh Assur của họ.
Sau khi cướp phá kinh thành Babylon vào năm 1,225 trước CN, các người
Assyrians đã mang về các bảng ghi khắc bằng đất sét (clay tablets).
Nhà vua kế nghiệp Vua Sennacherib tên
là Assurbanipal (trị vì 668 – 627 trước CN) cũng đã bổ xung vào thư viện tại
Nineveh các kiến thức và văn chương của 2 miền Sumer và Babylon Cổ.
Các người Assyrians cũng chấp nhận sự
cai trị của Nữ Hoàng Sammuramat (các người Hy Lạp rồi sau này người châu Âu đã
gọi Nữ Hoàng này là Semiramis). Vị nữ hoàng này đã cai trị xứ sở từ năm 810
tới năm 805 trước CN và sự kiện này được coi như một huyền thoại.
Khi triều đại của Vua Sennacherib bắt
đầu, các người Assyrians đã tỏ ra là cực kỳ tàn ác trong cả ngành nghệ thuật
lẫn các chính sách. Tại các bức họa khắc nổi trang hoàng tại Nineveh, người
Assyrians đã ca ngợi chiến tranh và các cảnh chém giết. Đã có các bức vẽ cuộc
đi săn sư tử với cảnh hấp hối của con thú vật đồng thời các người Assyrians đã
giết người một cách không thương tiếc.
Vào năm 689 trước CN, một cuộc nổi
loạn chống lại quyền lực của các người Assyrians tại Babylon, nhà vua
Assurbanipal đã cho quân lính cướp bóc và tàn phá “kinh thành Babylon hoàn
toàn hơn là một trận lụt lớn và phá hủy mọi nơi thành bình địa”.
Chính sách tàn ác trong các cuộc chiến
của các người Assyrians đã khiến cho các dân tộc bị họ chinh phục luôn luôn
thù ghét họ, các cuộc nổi loạn thỉnh thoảng vẫn bùng lên trong suốt thế kỷ thứ
7 trước CN, với trung tâm vẫn là kinh thành Babylon.
Vào năm 651 trước CN, một cuộc nổi dậy
đã diễn ra tại miền nam Mesopotamia. Người cháu nội của Vua Sennacherib
tên là Assurbanipal đã bao vây kinh thành Babylon và thực hiện cuộc tàn sát
rất vô nhân đạo.
Các dân tộc của miền nam Mesopotamia
đã không bao giờ quên việc phá gỡ gông cùm của các người Assyrians. Vào năm
614 trước CN, họ đã liên kết với bộ lạc Medes ở xứ Iran rồi trong vòng 2 năm,
đế quốc Assyrian đã bị tàn phá vào năm 612 trước CN. Kinh thành Nineveh bị san
thành bình địa giống như kinh thành Babylon, Nineveh không bao giờ có thể phục
hồi được nữa. Sự vui mừng của các kẻ chiến thắng kể trên được ghi lại trong
Sách Nahum, trong Kinh Cựu Ước (the Old Testament).
5/ Sự phục hồi của Babylon.
Người dân miền nam Mesopotamia đã
chống cự sự thống trị của các Assyrians trong một thế kỷ, họ đã cộng tác với
các người dân dùng tiếng Semitic được gọi là các người Chaldeans và cùng với
các người Medes, để tàn phá kinh thành Nineveh.
Từ nay, các người Chaldeans là chủ
nhân của miền Mesopotamia và do họ đặt thủ đô tại Babylon cũ cho nên các sử
gia đã gọi họ là những người Babylon Mới (the New Babylonians).
Nhà cai trị nổi danh nhất người
Babylon Mới là Vua Nebuchadnezzar (trị vì 604 – 562 trước CN). Nhà vua này đã
chinh phục được thành phố Jerusalem và khiến cho đế quốc của ông ta hùng mạnh
nhất tại vùng Tây châu Á vào thời đó.
Sau khi Vua Nebuchadnezzar qua đời, xứ
Babylon Mới lại bị các người Ba Tư (the Persians) tấn công. Vào năm 539 trước
CN, dưới thời Vua Belshazzar, kinh thành Babylon đã đầu hàng người Ba Tư.
Kinh thành Babylon của thời đại
Babylon Mới là thứ Babylon mà ngày nay người ta hiểu biết rõ nhất do bởi các
khai quật vào thế kỷ 20 và do các du khách cổ xưa Hy Lạp kể lại. Kinh thành
này rộng 2,100 acres so với diện tích của kinh thành Nineveh là 1,850 acres và
135 acres của thành phố Sumer.
Các người Hy Lạp cổ xưa đã gọi bức
tường thành (the city wall) xây dựng nên do Vua Nebuchadnezzar là một trong
bẩy kỳ quan của Thế Giới (one of seven wonders of the world), đặc biệt là Cổng
Ishtar (the Ishtar Gate), dùng để thờ Nữ Thần Ishtar, với các bức tranh rực rỡ
mầu xanh vẽ các con bò rừng, sư tử, rồng...
Vua Nebuchadnezzar còn được gọi là một
trong các nhà xây dựng rực rỡ nhất của Lịch Sử (one of the history’s most
magnificent builders) do đã tạo nên “Khu Vườn Treo Babylon (Babylon’s Hanging
Gardens) và khu vườn này đã đi vào truyền thuyết (legend).
Ngoài các công trình kiến trúc đồ sộ
và tráng lệ, xứ Babylon Mới còn xuất sắc về phạm vi Thiên Văn Học (astronomy).
Các dân tộc thuộc miền Mesopotamia trước kia đã từng quan sát các biến tướng
(phases) của Mặt Trăng để tiên đoán về thời tiết, thì 2 ngàn năm sau, họ vẫn
khảo sát bầu trời về ban đêm và tới sau này, họ đã nghiên cứu các chuyển động
của các ngôi sao và các hành tinh (planets), bởi vì họ tin tưởng rằng có các
thần linh cư ngụ trên trời, rồi nhờ cách tiên đoán các hành tinh và các ngôi
sao mà họ có thể đoán trước được các sức mạnh của các thiên thần và các ảnh
hưởng tới các công việc của con người.
Các người Babylon Mới đã khảo cứu bầu
trời rồi gán cho 5 ngôi sao lang thang (5 wandering stars) tên của 5 vị thần,
đó là các hành tinh Mercury (Sao Thủy), Venus (Sao Kim), Mars (Sao Hỏa),
Jupiter (Sao Mộc) và Saturn (Sao Thổ).
Các người Babylon Mới tin tưởng rằng
khi một ngôi sao ở vào một vị trí đặc biệt nào đó trên bầu trời hay ở gần một
ngôi sao khác, thì đó là điềm báo trước sẽ có chiến tranh hay nạn đói, hay sự
chiến thắng của một nước với một nước khác.
Ngoài ra, kể từ năm 747 trước CN, các
nhà thiên văn của triều đình Chaldean đã duy trì các quyển nhật ký, ghi chép
các chuyển động của các thiên thể và các vụ nhật thực, nguyệt thực, cùng với
các sự việc tầm thường như giá cả thay đổi, các mực nước sông, các trận bão tố
và các nhiệt độ. Đây là khởi điểm của khoa Thiên Văn Học sau này của Thế Giới
Hy Lạp – La Mã.
6/ Di sản của Xứ Mesopotamia.
Nền văn minh của xứ Mesopotamia chấm
dứt vào năm 539 trước CN khi các người Ba Tư (the Persians) xâm chiếm kinh
thành Babylon. Dần dần người Hy Lạp đã thay thế người Ba Tư, người La Mã
(Romans) thay thế người Hy Lạp, người Ả Rập thay thế người La Mã. Lối chữ viết
hình nêm (cuneiform) đã không còn được dùng tới nữa. Các thành phố cũ suy tàn,
thay bằng các thành phố mới. Kinh đô Babylon đã bị thành phố Baghdad chiếm chỗ
và người ta đã không biết gì về Babylon cho tới sau khi có các vụ khai quật
khảo cổ sau năm 1900.
Di sản của xứ Mesopotamia còn được lưu
lại theo nhiều cách. Một cách là từ cuốn Kinh Thánh Do Thái (the Hebrew
Bible). Do bởi các người Do Thái thời xưa đã sinh sống trong miền Mesopotamia
trước khi họ di cư sang miền đất Palestine và cũng do họ có ngôn ngữ gần giống
như của các người Babylon Cổ, cho nên các chương đầu tiên của Kinh Thánh Do
Thái thường ám chỉ tới xứ Mesopotamia.
Trong Sách Sáng Thế (the book of
Genesis), Vua Nimrod đã cai trị các xứ Babel (Babylon), Erech (Uruk) và Akkad,
và ông Abraham đã tới xứ Ur của người Chaldees. Tháp Babel (the Tower of
Babel) được xây dựng từ gạch, đá và nhựa cây và đây là một ziggurat của
xứ Babylon Cổ.
Các người dân của xứ Mesopotamia và Do
Thái Cổ đã kể lại trong Tập Thơ Anh Hùng Ca Gilgamesh về một trận hồng thủy và
các quan niệm tôn giáo căn bản của đạo Do Thái Cổ đã liên hệ tới miền
Mesopotamia Cổ. Như vậy, các người Do Thái Cổ là những nhà tư tưởng tôn giáo
của thế giới cổ xưa và họ xử dụng các kiến thức của các người Mesopotamia.
Xứ Mesopotamia đã để lại các di sản về
kỹ thuật và trí thức. Bánh xe đã được dùng vào việc chuyên chở, các cách tính
căn số bậc hai, bậc ba đã là những công cụ toán học.
Ngày nay, chúng ta cũng thừa hưởng các
luật pháp và khoa học tự nhiên của xứ Mesopotamia, ngoài ra còn phải kể tới
nghệ thuật và kiến trúc... tất cả các di sản này đều từ thứ dân tộc tài giỏi
đã sinh sống 5 ngàn năm về trước, tại miền đất bẳng phẳng và bùn lầy.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia. org.; Britannica Encyclopedia
(1) Epic of Gilgamesh
(2) Nineveh
Post a Comment