Phạm Văn Tuấn
Ngày nay chúng ta thường thấy các đám đông du khách xếp hàng vào coi triển
lãm bên trong Viện Bảo Tàng Ai Cập. Những du khách này đã bị quyến rũ bởi
một thời kỳ văn minh cổ xưa nhất và rất hấp dẫn trong lịch sử của nhân loại.
Nền văn minh Ai Cập Cổ thì cũng lâu
đời giống như nền văn minh Mesopotamia, hai nền văn minh này đã xuất hiện
vào ngàn năm thứ tư (fourth millennium) trước Công Nguyên (CN) (B.C. E.).
Nền văn minh Mesopotamia thì có tính
cách rối loạn và căng thẳng trong khi nền văn minh Ai Cập Cổ lại ổn định và
êm ả hơn. Do người Ai Cập được hưởng thụ hòa bình trong các thời gian dài
nên các bức tượng Ai Cập còn lưu lại và các hình vẽ mặt người thường thấy vẽ
nét mặt mỉm cười và nếu là các bức tranh vào mùa hè thì thường có các người
đứng phơi nắng.
Các yếu tố môi trường cũng ảnh hưởng
rất nhiều đến sự khác biệt giữa hai miền đất Mesopotamia và Ai Cập Cổ. Khí
hậu của miền Mesopotamia thì khắc nghiệt, hai con sông Tigris và Euphrates
thường gây ra ngập lụt bất thường cho nên các người dân Mesopotamia đã coi
thiên nhiên là không làm tốt đẹp cho đời sống. Ngoài ra Mesopotamia là một
đồng bằng mở ngỏ, không được che chở khi có các cuộc xâm lăng và người dân
miền đất này luôn luôn phải sẵn sàng ứng chiến.
Người dân Ai Cập Cổ trái lại ở vào
một địa phương có dòng sông Nile làm tốt đẹp cho đời sống con người. Không
những dòng sông này đã cho các miền đất phù sa phong phú, nước sông Nile
dâng lên đều đặn và rút xuống đúng hạn kỳ khiến cho người Ai Cập Cổ có cảm
giác rằng thiên nhiên thì ôn hòa và tiên đoán trước được. Ngoài ra vùng đồng
bằng sông Nile lại có Hồng Hải (the Red Sea) và các sa mạc bao quanh, nhờ
vậy nước Ai Cập không e sợ bị các kẻ xâm lăng đe dọa và người Ai Cập Cổ
thường nói về hai chiếu hướng du lịch, hoặc là "khed" hay "đi xuôi dòng",
hoặc là "khent" hay "đi ngược dòng".
Do nước Ai Cập Cổ chịu ảnh hưởng rất
nhiều của dòng sông Nile mà sử gia Herodotus người Hy Lạp đã phải nói rằng
"nước Ai Cập Cổ là món quà của dòng sông Nile".
1/ Lịch sử chính trị dưới các thời Vua Ai Cập Cổ.
Lịch sử cổ xưa của nước Ai Cập được chia làm 6 thời đại:
-
Thời Đại Lâu Đời (the archaic period): vào khoảng (vk) năm 3100
tới năm 2770 trước CN.
-
Vương Quốc Cổ (the Old Kingdom): vk năm 2770 tới năm 2200 trước
CN.
-
Thời Đại Chuyển Tiếp Thứ Nhất (the first intermediate period): vk
năm 2200 tới năm 2050 trước CN.
-
Vương Quốc Trung Gian (the Middle Kingdom): vk năm 2050 tới năm
1786 trước CN.
-
Thời Đại Chuyển Tiếp Thứ Hai (the second intermediate period): vk
năm 1786 tới năm 1560 trước CN.
-
Vương Quốc Mới (the New Kingdom): vk năm 1560 tới năm 1087 trước
CN.
Trước Thời Đại Lâu Đời, người Ai Cập Cổ đã biết cách trồng trọt, biết cách
dùng kim loại đồng làm dụng cụ ngoài các vật dụng bằng đá, và về trước năm
3100 trước CN, họ đã phát triển một hệ thống chữ viết tượng hình
(hieroglyphic). Các sử gia đã không biết chắc chắn rằng người Ai Cập Cổ đã
có được ý tưởng về chữ viết do chính họ hay là do họ bắt chước của người dân
Mesopotamia. Có người biện hộ rằng người Ai Cập Cổ đã tự họ biết tới chữ
viết bởi vì hệ thống tượng hình của người Ai Cập Cổ thì khác với lối chữ
viết hình nêm (cuneiform) của người Mesopotamia. Ngoài ra, các tu sĩ kiêm
các nhà cai trị Ai Cập Cổ đã biết dùng kiến thức của người nước ngoài vào hệ
thống ghi chép hồ sơ (record keeping system).
|
Chữ viết cổ của người Ai Cập
|
Dù cho là do tự người Ai Cập nghĩ ra hay do họ đi mượn của dân tộc khác, hệ
thống chữ viết đã giúp cho công việc quản trị chính quyền trở nên hữu hiệu
hơn và đây là điều kiện tiên quyết để người Ai Cập thống nhất hai miền Bắc
và Nam của đất nước.
Xứ Ai Cập Cổ được thống nhất vào
khoảng năm 3100 trước CN. Trước năm này, đã có các nhà cai trị miền Thượng
Ai Cập (the Upper Egypt) và miền Hạ Ai Cập (the Lower Egypt) nhưng một chính
quyền thống nhất đã cho phép sự tự do lưu thông trên toàn dòng sông Nile và
các công trình dẫn nước vào ruộng có thể điều hành từ trung ương.
Công việc thống nhất xứ Ai Cập Cổ
được thực hiện do một chiến sĩ từ miền nam của Ai Cập có tên là Narner, đây
là Vua Ai Cập (pharaoh) đầu tiên, là người đã đem lại cả miền Thượng Ai Cập
dưới quyền hành của ông ta. Trong khoảng 400 năm sau năm 3100 trước CN, đã
có hai triều đại cai trị xứ Ai Cập thống nhất.
|
Zoser |
Triều đại đầu tiên đã thành công vào khoảng năm 2680 trước CN do nhà cai trị
Zoser, đây là vị vua đầu tiên sáng lập ra Vương Quốc Cổ (the Old Kingdom).
Đã không có chi tiết cho biết hệ thống chính quyền của Vương Quốc Cổ thì
khác với hệ thống của thời đại lâu đời (the archaic period) nhưng có điều
chắc chắn rằng Vua Zoser đã trị vì vào thời kỳ chính quyền rất vững mạnh và
theo vương quyền tuyệt đối (royal absolutism) bởi vì chính Vua Zoser đã
trông coi xây dựng Kim Tự Tháp đầu tiên.
Dưới quyền vua Zoser và các vị vua kế
tiếp trong thời đại Vương Quốc Cổ, quyền lực của nhà vua coi như không có
giới hạn. Vua Ai Cập (pharaoh) được coi như là người con của Thượng Đế Mặt
Trời (sun god) và các nhà vua này thường kết hôn với những người trong cùng
dòng họ để bảo đảm rằng dòng giống không bị pha trộn. Tại Ai Cập, đời sống
tôn giáo và chính trị được tập trung làm một, Vua Ai Cập là nhà lãnh đạo tôn
giáo trên hết, bên dưới là các tu sĩ điều hành chính quyền.
Chính quyền của Vương Quốc Cổ được
đặt trên chính sách hòa bình. Nhà vua không có quân đội thường trực. Mỗi địa
phương có các toán dân quân và do các quan dân sự chỉ huy, mỗi khi có lệnh
gọi thì các toán dân quân này thường dùng sức lao động vào các công tác
chung. Khi có mối đe dọa xâm lăng, vua Ai Cập sẽ tập trung các toán dân quân
và người chỉ huy của họ vẫn là các quan dân sự. Lý do của sự kiện này là bởi
vì xứ Ai Cập được thiên nhiên bảo vệ và đất đai phì nhiêu cần tới nhu cầu
cộng tác của nhiều người dân trong xứ.
Sau nhiều thế kỷ hòa bình và tương
đối thịnh vượng, Vương Quốc Cổ đã bị sụp đổ vào khoảng năm 2200 trước CN,
vào Triều Đại Thứ Sáu (the Sixth Dynasty). Có nhiều lý do của sự thất bại
này. Thứ nhất, nguồn lợi của chính quyền bị cạn kiệt vì các vua Ai Cập đã
dồn tiền bạc vào các dự án quá lớn, như xây dựng các kim tự tháp. Sau đó, sự
suy tàn của Ai Cập là do các thiên tai khí hậu khiến cho mùa màng bị hư hại.
Ngoài ra còn có các tướng lãnh địa phương nổi loạn, làm hại tới chính quyền
trung ương.
Giai đoạn tiếp theo Vương Quốc Cổ
được gọi là "thời đại chuyển tiếp thứ nhất" (the first intermediate
period). Vào thời đại này, nước Ai Cập Cổ bị phân hóa, các kẻ có thế lực đã
tạo ra các địa phương tranh chấp nhau, tình hình chính trị bị rối loạn do
nạn cướp bóc và nạn ngoại xâm do các bộ lạc từ các sa mạc chung quanh. Thời
đại chuyển tiếp thứ nhất chấm dứt khi Triều Đại Thứ 11 (the Eleventh
Dynasty) phục hồi được chính quyền trung ương vào khoảng năm 2050 trước CN
với nhà lãnh tụ từ tỉnh Thebes (Thượng Ai Cập). Giai đoạn kế tiếp này trong
lịch sử Ai Cập được gọi là "Vương Quốc Trung Gian" (the Middle
Kingdom).
Trong suốt thời kỳ của Vương Quốc
Trung Gian, chính quyền Ai Cập đã làm các công tác xã hội nhiều hơn. Đặc
biệt là vào Triều Đại thứ 12 (the Twelfth Dynasty) kéo dài từ năm 1990 tới
năm 1786 trước CN, đã có sự hợp tác giữa các nhà cai trị, các thương gia,
các nhà thủ công nghệ và các nông dân. Sự hợp tác này đã kiểm soát giới quý
tộc và đặt nền móng cho sự thịnh vượng lớn lao nhất.
Trong Triều Đại thứ 12, đã có các
công tác chung có lợi cho toàn dân, chẳng hạn như các dự án dẫn nước vào
ruộng và thoát nước ra từ các miền đất sình lầy, những công tác công cộng
này đã thay thế cho việc xây dựng kim tự tháp không thực tế. Ngoài ra còn có
sự dân chủ hóa về tôn giáo, cho người nghèo có được hy vọng vào kiếp sau,
đây là điều mà trước kia, các người nghèo không được tôn giáo cho phép. Tôn
giáo của xứ Ai Cập Cổ cũng quan tâm tới đạo đức hơn là các nghi thức căn cứ
vào tài sản. Vì các lý do này, Triều Đại thứ 12 được coi là thời kỳ vàng son
nhất của xứ Ai Cập.
Sau thời kỳ vàng son này, xứ Ai Cập
đi vào Thời Kỳ Chuyển Tiếp Thứ Hai. Đây cũng là một giai đoạn chia rẽ nội bộ
và xứ sở bị ngoại xâm, kéo dài hơn 2 thế kỷ, từ năm 1786 tới năm 1560 trước
CN. Các hồ sơ lịch sử còn lại quá ít nên người ta không biết rõ ràng về các
rối loạn nội bộ nhưng có lẽ các rối loạn này là do cuộc phản cách mạng của
một tướng lãnh địa phương. Các vua Ai Cập trở nên bất lực và các tiến bộ của
triều đại thứ 12 đã bị tiêu tan.
Vào khoảng năm 1750 trước CN, xứ sở
Ai Cập Cổ bị người Hyksos xâm chiếm, đây là giống người từ miền tây của châu
Á. Người Hyksos đã biết dùng ngựa và xe ngựa chiến (war chariots) để đi xâm
lăng nhưng sự thành công của họ cũng do mối bất hòa bên trong của người Ai
Cập. Công cuộc cai trị của người Hyksos đã ảnh hưởng sâu xa tới lịch sử của
xứ Ai Cập bởi vì nhờ vậy, người Ai Cập đã học hỏi được các phương pháp chiến
tranh mới và đã biết đoàn kết trước kẻ thù.
Vào gần cuối thế kỷ 17 trước CN, các
nhà cai trị ở miền Nam, tức là miền Thượng Ai Cập (Upper Egypt) đã nổi lên
chống lại người Hyksos rồi vào khoảng năm 1560 trước CN, các kẻ ngoại xâm đã
bị đánh đuổi ra khỏi xứ Ai Cập. Vị anh hùng trong chiến công này là Ahmose,
người sáng lập ra Triều Đại thứ 18 (the Eighteenth Dynasty) rồi sau đó Vua
Ahmose đã thiết lập nên một chế độ vững vàng hơn trước nhiều.
Thời đại tiếp theo được gọi là
Vương Quốc Mới (the New Kingdom) hay thời đại của Đế Quốc (the
period of Empire). Thời đại này đã kéo dài vào khoảng từ năm 1560 tới năm
1087 trước CN và trong thời gian này có ba triều đại là các triều đại thứ
18, 19 và 20. Từ nay người Ai Cập Cổ không còn theo các đường lối hòa bình
và cô lập nữa, họ theo con đường đế quốc hiếu chiến bởi vì các vua Ai Cập đã
biết dùng tới quân đội.
|
Ramses III
|
Các vua Ai Cập kế tiếp vua Ahmose đã đưa quân lính đánh phá xứ Palestine và
người Ai Câp đã chiếm được một vùng đất rất rộng lớn từ sông Euphrates ở
phía bắc tới các miền phía nam của dòng sông Nile, kể cả vùng đất Nubia giàu
có, nhưng người Ai Cập đã không thành công trong việc khiến cho các dân tộc
bị chinh phục trở nên các kẻ trung thành và các miền đất chiếm đóng đã không
được cai trị thành công. Đã có các cuộc nổi dậy tại xứ Syria. Tài sản từ các
xứ bên ngoài đổ về Ai Cập đã gây nên nạn tham nhũng và các cuộc nổi dậy đã
làm cho Ai Cập mất nhiều phần đất xâm chiếm được vào thế kỷ 12 trước CN.
Vị vua danh tiếng cuối cùng của xứ Ai Cập Cổ là vua Ramses III, cai trị từ
năm 1182 tới năm 1151 trước CN.
Vào cuối thế kỷ 12, xứ Ai Cập lại bị các dân tộc man rợ chung quanh xâm
lăng. Sự suy đồi này một phần là do các tu sĩ cao cấp đã cướp quyền vua, nên
từ giữa thế kỷ thứ 10 tới cuối thế kỷ thứ 8 trước CN, quân lính của xứ Libya
đã xâm lăng Ai Cập rồi tới các người Nubians.
Vào năm 671 trước CN, xứ Ai Cập Cổ bị
người Assyrians cai trị trong 8 năm nhưng sau đó, người Ai Cập đã giành lại
được độc lập, làm sống lại các tập tục cũ. Tới năm 526 trước CN, người Ba Tư
(Persians) đã đánh thắng quân lính Ai Cập sau một trận giao tranh lớn. Từ
nay, xứ Ai Cập bị đặt dưới quyền đô hộ của xứ Ba Tư và sau nữa, lại bị cai
trị bởi người Hy Lạp và người La Mã.
2/ Tôn giáo của người Ai Cập cổ xưa.
Tôn giáo đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của người Ai Cập cổ
xưa bởi vì tôn giáo đã để lại các dấu ấn trên chính trị, văn chương, nghệ
thuật, kiến trúc và các cách hành xử trong đời sống hàng ngày.
Tôn giáo của người Ai Cập Cổ đã qua
các thời kỳ đa thần đơn giản rồi đơn thần (monotheism) sau đó trở lại thể đa
thần. Khởi đầu mỗi làng xã hay kinh thành đã có các vị thần địa phương, đây
là loại thần linh che chở cho người dân. Sự thống nhất đất nước đã mang lại
kết quả là các vị thần linh được tập trung lại thành vị thần mặt trời tên là
Re. Vào thời đại Vương Quốc Trung Gian, do các nhà cai trị từ kinh thành
Thebes, vị thần mặt trời được gọi tên là Amon hay Amon-Re, từ tên của vị
thần chính của kinh thành Thebes. Sau đó các vị thần thánh khác có các quyền
lực thiên nhiên được tập trung vào một vị thần có tên là Osiris, đây là vị
thần của dòng sông Nile. Như vậy chỉ có hai vị thần tối cao, ngự trị trên
thế gian là Amon-Re và Osiris còn các vị thần linh khác chỉ giữ các vai trò
thứ yếu.
|
Osiris |
Người Ai Cập đã thờ phượng thần Osiris theo tôn giáo thiên nhiên và đã có
các huyền thoại phức tạp, họ tin tưởng rằng vị thần này là người có từ tâm,
đã dạy cho dân chúng về canh nông, các thủ công nghiệp và đặt ra luật lệ.
Sau một thời gian, thần Osiris đã bị giết do người em độc ác tên là Seth và
thi thể của vị thần này bị chặt ra thành nhiều mảnh. Vợ của thần Osiris tên
là Isis và cũng là người em gái, đã đi tìm kiếm các mảnh thi thể, xếp chúng
lại và khiến cho thần Osiris sống lại. Sau đó vị thần này trở về vương quốc
cũ của mình, làm các công việc từ thiện nhưng cuối cùng, thần Osiris đã đi
xuống âm phủ và là vị quan tòa chuyên xét xử các người đã chết. Người con
trai của thần Osiris tên là Horus về sau đã phục thù cho cha.
Huyền thoại về thần Osiris đã liên
quan tới giòng sông Nile. Sự chết đi và sống lại của vị thần này tượng trưng
cho lượng nước của giòng sông rút đi vào mùa thu và dâng lên tràn đầy vào
mùa xuân. Tới thời đại Vương Quốc Trung Gian, sự chăm sóc từ tâm của
thần Osiris đối với các đệ tử, lòng tận tụy của người vợ và người con đã làm
cho người dân Ai Cập Cổ cảm động rồi sự chết đi và sống lại của thần Osiris
đã mang lại niềm hy vọng vào sự bất tử. Các thần linh đã chiến thắng cảnh
chết chóc và các cá nhân nào thờ phượng các thần linh này sẽ được hưởng đời
sống vĩnh cửu và sau cùng, chiến thắng của người con Horus cho thấy rằng
điều lành luôn luôn thắng điều ác.
Do tin tưởng vào kiếp sau, người Ai
Cập Cổ vào thời đại Vương Quốc Trung Gian đã chuẩn bị kỹ càng cho người
chết. Không những xác chết được ướp mà các kẻ giàu có còn chôn theo người
chết đồ ăn và các vật dụng cần thiết. Người Ai Cập Cổ tin rằng người chết sẽ
trình diện trước thần Osiris để được xét xử về các việc làm trên thế gian.
Các người vượt qua được cuộc cứu xét sẽ được sinh sống trên thiên đường, đây
là nơi có các đầm hoa sen, họ tha hồ săn bắn ngỗng trời và chim cút, họ làm
nhà trong các vườn cây đầy hoa trái ngon ngọt, với tiếng chim hót du dương,
họ sẽ bơi thuyền trên các hồ nước đầy hoa súng, tắm trong các ao có nước sủi
bọt. Các người không được may mắn như kể trên vì đời sống gian ác sẽ bị tiêu
diệt.
|
Nefertiti
|
Sau khi xứ Ai Cập Cổ bước sang thời đại
Đế Quốc, người dân Ai Cập bắt
đầu ưa thích các pháp thuật. Các tu sĩ đã bán các bùa chú để giúp cho người
chết dễ dàng vượt sang nơi ân phước. Sự phát triển các pháp thuật đã khiến
cho vào năm 1375 trước CN, vua Ai Cập Amenhotop IV đã ra lệnh xóa tên các vị
thần linh trong các đền đài và bắt buộc các tu sĩ phải thờ phượng một vị
thần mới có tên là Aton, đây vẫn là thần mặt trời. Nhà vua này cũng đổi tên
từ Amonhotep sang Akhenaton có nghĩa là "
thần Aton được vừa lòng". Bà
vợ của nhà vua, Nefertiti, trở thành Nefer-nefru-aton, có nghĩa là "
vẻ đẹp của thần Aton". Nhà vua này còn cho xây dựng một thủ đô mới, là El-Amarna, với ý niệm là
nơi thờ phượng thần Aton.
Vua Akhenaton còn đặt ra các giáo
điều mới. Thần Aton cũng là vua Akhenaton, là thần linh duy nhất hiện hữu.
Thần Aton không có hình thể của con người hay của con vật mà là những tia
sáng mặt trời mang lại đời sống và sự ấm áp. Đây là vị thần linh đã sáng tạo
ra tất cả và như vậy, không chỉ là một vị thần của xứ Ai Cập mà còn là của
toàn thế gian. Thần Aton cũng là thần linh duy trì đạo đức, tưởng thưởng cho
những người liêm chính, là người cha ở trên Trời lo làm các công việc từ
thiện cho tất cả sinh vật. Quan niệm về một vị thần linh duy nhất, từ thiện
và ngay thẳng của người Ai Cập đã đi trước các nhà tiên tri Do Thái cổ 600
năm.
|
Tutankhamen
|
Vua Akhenaton cho rằng mình là người
thừa kế của thần Aton, nhà vua và vợ thờ phượng vị thần này còn các người
dân Ai Cập phải tôn thờ nhà vua như một vị thần linh còn đang sinh
sống.
Mặc dù các công sức của vua Akhenaton bắt buộc người dân Ai Cập Cổ tôn thờ
thần Aton, nhưng người dân này vẫn ưa thích loại thần linh của riêng họ bởi
vì tôn giáo mới đã thiếu đi một thứ hấp dẫn:
lời hứa hẹn vào kiếp sau.
Các vị vua Ai Cập kế tiếp vua
Akhenaton đã liên kết với các tu sĩ thờ thần Amon-Re để phục hồi niềm tin
tôn giáo cũ. Người kế vị vua Akhenaton là vua Tut (King Tut) đã đổi tên từ
Tutankhaton sang Tutankhamen, rời bỏ kinh thành El-Amarna để trở lại với
kinh thành cũ Thebes. Lễ an táng của vị vua này đã theo các nghi lễ cũ và
theo niềm tin vào thế giới ở kiếp sau.
3/ Các thành quả trí tuệ của người Ai Cập cổ xưa.
Không kể các tư tưởng tôn giáo khá phức tạp của người Ai Cập cổ xưa, vài
thành quả trí tuệ lớn lao nhất của người Ai Cập là hệ thống chữ viết và một
số phạm vi khoa học.
Người Ai Câp Cổ đã biết dùng chữ
tượng hình (hieroglyphic) có lẽ sau khi họ biết tới loại chữ hình nêm
(cuneiform) của người Mesopotamia, nhưng hệ thống chữ viết của người Ai Cập
đặc biệt ở ba điểm:
tượng hình (pictographic), theo âm tiết (syllabic) và dùng chữ cái
(alphabet).
Trong đồng bằng sông Nile thuộc miền Hạ Ai Cập, có một thứ vật liệu rất phổ
biến và rẻ tiền, dùng để viết chữ, đó là cây sậy (the papyrus reed). Các dẻo
sậy này được làm mỏng và phơi khô, khâu lại với nhau, có thể dùng để viết
chữ lên trên rồi cuốn tròn lại và mang đi, như vậy các trang viết chữ trên
các cuộn sậy này nhẹ nhàng hơn các trang viết trên các tảng đất sét và do
đó, công dụng của các trang sậy đã được phổ biến qua các xứ Hy Lạp cổ và La
Mã cổ.
Đối với khoa học, người Ai Cập Cổ chú
ý đặc biệt tới ba phạm vi thực dụng, đó là thiên văn, y khoa và toán học. Về
thiên văn, người Ai Cập Cổ đã tránh được việc dùng Âm Lịch, đây là thứ lịch
của người Mesopotamia. Vào khoảng năm 2,000 trước CN, người Ai Cập Cổ đã
nhận thấy có một ngôi sao rất sáng trên bầu trời, đó là sao Sirius. Trong
một năm và chỉ có vào một ngày, ngôi sao Sirius này mọc thẳng hàng với mặt
trời và người Ai Cập đã dùng ngày này làm ngày đầu năm, rồi từ đó họ có thể
tính ra các ngày mà nước sông Nile bắt đầu dâng cao. Như vậy vào thời cổ
xưa, người Ai Cập Cổ đã tìm ra được thứ lịch tốt nhất và thứ lịch của Julius
Caesar được căn cứ vào thứ lịch Ai Cập cổ xưa này.
Người Ai Cập Cổ coi các bệnh tật là do thiên nhiên mà không phải do các thần
linh, họ đã biết chẩn bệnh khá chính xác và biết chữa bệnh khá hiệu nghiệm.
Trong các phương pháp chẩn bệnh, có hai khám phá, đó là đếm mạch (pulse) và
nghe tim đập (heartbeat). Về cách điều trị, các tài liệu ghi trên các trang
sậy đã cho biết vài cách thì đúng chẳng hạn như người Ai Cập đã dùng dầu
castor (castor oil) như là một chất gây phấn chấn (a cathartic), họ cũng
dùng trứng đà điểu trộn với bột mu rùa để làm thuốc chữa bệnh loét bao tử
(internal ulcers). Một số bài thuốc chữa bệnh của người Ai Cập đã được người
Hy Lạp mang qua châu Âu và còn được dùng cho tới ngày nay.
Về toán học, người Ai Cập Cổ rất xuất
sắc trong phép đo đạc. Họ là lớp người đầu tiên biết chia vòng tròn ra 360
độ, họ cũng nhận biết rằng tỉ lệ của chu vi một đường tròn với đường kính là
một con số nhất định mà ngày nay chúng ta gọi là "số pi". Người Ai Cập còn
biết tính rất chính xác diện tích của tam giác, thể tích của hình chóp nhọn,
hình trụ và hình bán cầu, tất cả các phép tính toán này đã được họ dùng vào
các dự án xây dựng lớn lao, chẳng hạn như các kim tự tháp.
4/ Vẻ rực rỡ của nghệ thuật Ai Cập Cổ.
Các công trình kiến trúc danh tiêng nhất của xứ sở Ai Cập Cổ là các kim tự
tháp với chiều cao vĩ đại và kiểu mẫu đơn giản được xây dựng vào lúc bình
minh của lịch sử, để dùng làm các ngôi mộ của các vị vua. Vẻ đẹp đơn thuần
và các hoàn cảnh xây dựng các kim tự tháp đã làm cho nhiều du khách phải
ngạc nhiên.
Kim tự tháp đầu tiên xây dựng theo từng bậc là của vua Zoser thiết lập xong
vào khoảng năm 2670 trước CN. Đây là kiến trúc đầu tiên mà độ lớn chưa từng
có người nào dám nghĩ tới. Cũng vào thời gian này, các người Sumerians chỉ
biết dùng vật liệu xây dựng là các viên gạch bằng đất thì tại Ai Cập, dưới
sự hướng dẫn của nhà kiến trúc chính của vua Zoser, tên là Imhotep, một
triệu tấn đá vôi đã được chuyên chở bằng thuyền, kéo lên cao và đặt sát cạnh
nhau thành một khối đá khổng lồ, giống như trái núi cao 200 feet (61 mét).
Không bao lâu sau đó, trong một thế
kỷ từ năm 2600 tới năm 2500 trước CN, 25 triệu tấn đá vôi lại được cắt ra từ
các mỏm đá, mài dũa, kéo lên cao và chất thành khối lớn để trở nên một loạt
các kim tự tháp. Trong số các công trình này, danh tiếng nhất là kim tự tháp
của vua Khufu (người Hy Lạp gọi là Cheops), cao tới 482 feet (147 mét) với
góc độ 52 toàn hảo. Khi người Hy Lạp quyết định về 7 kỳ quan của thế giới,
họ đã không ngần ngại xếp kim tự tháp Cheops vào hàng đầu danh sách.
Khi các du khách thăm viếng các kim
tự tháp, nhiều câu hỏi đã được đặt ra là tại sao và như thế nào các kim tự
tháp đã được xây dựng như vậy? Cần phải có 70,000 công nhân để thiết lập nên
một kim tự tháp và đây là một công trình làm theo mùa. Vào mùa hè khi nước
sông Nile dâng cao tới độ gần như ngập lụt, nông dân không có việc làm
nên có thể họ đã được dùng vào các công trình xây dựng lớn lao mà không làm
hại tới nền canh nông của xứ Ai Cập. Nhưng một mùa hè không thể làm xong một
kim tự tháp, cho nên người ta đoán rằng vào mỗi mùa hè, các công nhân này
xây dựng kim tự tháp cái nọ sau cái kia mà không cần biết là các vua Ai Cập
có qua đời hay không. Trong một thế kỷ, các công nhân Ai Cập đã di chuyển 25
triệu tấn đá trong khí hậu với sức nóng rất cao và họ đã làm việc mà không
biết tới ngày hoàn thành.
Tại sao 70 ngàn công nhân đã kiên
nhẫn làm công việc cực nhọc này? Cách áp chế tàn nhẫn không phải là câu trả
lời bởi vì vào thời gian đó, xứ Ai Cập không biết tới chế độ nô lệ dù cho có
thể có một số nhỏ tù nhân bị bắt vì chiến tranh. Cũng không thể cho rằng một
số nhỏ vua chúa đã cưỡng bách 70 ngàn người ngoài ý muốn của họ, từ năm này
qua năm khác mà không đe dọa họ dù cho bằng loại vũ khí đặc biệt.
Cách giải thích tốt nhất có thể là do
tâm lý tôn giáo và động lực tập thể. Các công nhân này đã tin tưởng rằng các
vua chúa của họ là các thần linh đang sinh sống trên thế gian, vì vậy nếu
các thần linh này được vừa lòng thì đời sống của họ sẽ tốt đẹp, ngoài ra các
công việc tập thể đã làm tăng thêm tình đồng đội để hoàn thành các dự án
chung. Điều này được phỏng đoán từ các tảng đá của kim tự tháp đã ghi khắc
các hàng chữ chẳng hạn như "đội ngũ kiên nhẫn", "đội ngũ hăng hái"...
Các nông dân Ai Cập Cổ thường sinh sống biệt lập, nay họ làm các công tác
tập thể được đề cao khiến cho họ cảm thấy hãnh diện và họ coi đây là một thứ
phần thưởng dù cho họ phải làm việc rất cực nhọc.
Về sau, các nhà cai trị Ai Cập Cổ đã
nhận thấy rằng công việc xây dựng các kim tự tháp là việc làm phí phạm nên
vào thời đại của Vương Quốc Trung Gian, các đền thờ đã thay thế cho
các kim tự tháp như là các công trình kiến trúc vĩ đại.
|
Dền thờ Luxor (nhìn từ bờ phía đông của sông Nile)
|
Trong các đền thờ Ai Cập, đáng kể nhất là Khu Đền Karnak và Luxor xây dựng
trong thời đại Vương Quốc Mới (the New Kingdom). Trong hai khu đền
thờ này, các cột đá hoa vĩ đại được trạm trổ, ghi khắc rất phong phú các chi
tiết như là các nhân chứng yên lặng. Ngôi đền Karnak có chiều dài 1,300 feet
(396 mét) đã che phủ một diện tích thật rộng lớn. Riêng căn phòng lớn chính
giữa (central hall) có thể chứa bất cứ một nhà thờ lớn nhất nào của châu Âu.
Các cột đá trong đền thờ này cũng có các tỉ lệ kỳ lạ. Cột lớn nhất cao 70
feet (21.3 mét) với đường kính hơn 20 feet (6.1 mét).
Nghệ thuật điêu khắc của Ai Cập cổ
xưa là thứ phụ cho kiến trúc. Đặc tính của điêu khắc là kiểu (style) và ý
nghĩa (meaning). Tượng của các vua Ai Cập Cổ thường có độ lớn vĩ đại. Các
bức tượng trong thời đại Vương Quốc Mới có chiều cao từ 75 feet (23 mét) tới
90 feet (27.4 mét). Vài bức tượng được tô màu để làm cho chân dung được đẹp
đẽ hơn và mắt của các bức tượng được gắn loại đá thủy tinh (rock crystal).
Các bức tượng này thường có dáng vẻ cứng cáp, không mềm mại, với cánh tay
gấp lại vào trước ngực hay buông xuôi thẳng xuống và đôi mắt nhìn thẳng. Sắc
diện của các bức tượng thường hay mỉm cười nhưng thiếu nét vẻ cảm xúc. Tỉ lệ
cơ thể của các bức tượng thường được làm sai đi, chẳng hạn cặp đùi được làm
cho dài hơn, đôi vai ngang với các ngón tay dài bằng nhau.
Tại Ai Cập, có cả ngàn pho tượng con Sphinx nhưng nổi danh nhất là Con
Sphinx tại Gizeh với phần đầu là của một vị vua Ai Cập còn phần thân là của
một con sư tử. Có lẽ mục đích của bức tượng này là để mô tả rằng vua Ai Cập
Cổ có các phẩm chất của một con sư tử với sức mạnh và lòng cam đảm.
Ý nghĩa của các bức tượng Ai Cập Cổ
thì dễ hiểu. Chiều cao khổng lồ chắc hẳn để tượng trưng cho quyền năng của
nhà vua cũng như của quốc gia Các nét vẻ cứng cỏi và không biểu lộ tình cảm
của các bức tượng ám chỉ sự ổn định của đời sống quốc gia và không có thời
gian tính. Chân dung của các nhà cai trị được diễn tả bằng đôi mắt nhìn
thẳng với các nét vẻ không lo lắng, không sợ hãi và êm đềm qua các thời đại.
Một ngoại lệ trong nền nghệ thuật của xứ Ai Cập cổ xưa là nghệ thuật vào
thời vua Akhenaton. Bởi vì vị vua này muốn phá bỏ mọi thứ tôn giáo cổ của Ai
Cập, kể cả các quy ước nghệ thuật cũ. Đường lối nghệ thuật mới của vua
Akhenaton có nét vẻ tự nhiên bởi vì đạo giáo của nhà vua này là thờ thiên
nhiên. Vì thế mà các bức tượng của nhà vua và hoàng hậu Nefertiti đã có các
nét điêu khắc tự nhiên. Bức tượng bán thân còn lưu trữ của hoàng hậu
Nefertiti có đặc tính phụ nữ và hơi bông đùa, và đây là một trong các tượng
điêu khắc giá trị nhất của lịch sử nghệ thuật.
Cũng vì lý do kể trên, các bức tranh vẽ dưới thời vua Akhenaton đã mang nét
vẻ rất diễn tả, chẳng hạn tấm tranh vẽ một con bò rừng đang nhẩy lên cao
trong cánh đồng, tấm tranh vẽ cảnh các con dê đực đang đấu sừng với nhau hay
cảnh con vịt đang bơi thảnh thơi trong một cái ao. Bởi vì các cải tổ tôn
giáo của triều đại vua Akhenaton đã không kéo dài được lâu nên nghệ thuật
theo thiên nhiên của xứ Ai Cập cổ xưa này cũng bị chấm dứt sớm.
5/ Đời sống xã hội và kinh tế của xứ Ai Cập cổ xưa.
Trong phần lớn lịch sử của xứ Ai Cập, dân chúng được chia ra làm 5 thành
phần: hoàng gia; các tu sĩ; các nhà quý tộc; giới trung lưu của các vị tư tế
(scribes) cộng với giới thương mại, giới thủ công nghệ và các chủ đất giàu
có; và cuối cùng đông nhất là giới nông dân. Vào thời đại Vương Quốc Mới,
một giai cấp thứ sáu được cộng thêm vô, đó là giới binh lính chuyên nghiệp.
Cũng trong thời gian này, hàng ngàn người nô lệ đã bị bắt giữ và sau đó, họ
là giai cấp thứ 7.
Giai cấp của các kẻ nô lệ bị bắt buộc làm việc tại các hầm đá và tại các đền
thờ của chính quyền, rồi dần dần một số người nô lệ tham gia vào quân đội
hay phục vụ các vua Ai Cập, nhờ vậy họ đã được chuyển sang một giai cấp
khác. Qua thời gian, các giai cấp trong xã hội cũng thay đổi, chẳng hạn giai
cấp thương gia và thợ thủ công đã có một địa vị cao sang hơn trước vào thời
đại Vương Quốc Trung Gian (the Middle Kingdom).
|
Giai cấp trong xã hội
|
Tại xứ sở Ai Cập cổ xưa, khoảng cách biệt giữa giai cấp cao và thấp thì rất
lớn lao. Các người giàu có sinh sống trong các tòa nhà rực rỡ, có vườn hoa
thơm ngát, vườn trái cây bao quanh. Thức ăn của họ gồm có nhiều loại thịt,
cá, gà, bánh ngọt, trái cây, rượu và kẹo bánh. Họ ăn uống bằng các đĩa vàng,
bạc và họ trang phục bằng các nữ trang đắt tiền. Trái lại đời sống của người
nghèo thì khốn khổ. Các người lao động sinh sống trong các căn nhà tồi tàn
bằng đất, trong nhà chỉ có vài cái lu sành, bàn ghế gỗ mộc mạc, ngoài ra các
công nhân nghèo khó còn bị đánh đập nếu không làm việc nhanh nhẹn.
|
Giai cấp giàu có trong ngày lễ hội, có ca nhạc và nhảy múa
|
Trong thứ xã hội cổ xưa này, người đàn bà Ai Cập không hoàn toàn phụ thuộc
vào người đàn ông. Mặc dù có một số người có nhiều vợ nhưng căn bản của xã
hội Ai Cập là các gia đình một vợ một chồng. Người đàn bà Ai Cập không sinh
hoạt ẩn dật, họ có tài sản riêng, có quyền thừa hưởng di sản và họ cũng tham
gia vào các hoạt động thương mại.
|
Nữ Hoàng Hapshepshut
|
Vào thời đại
Vương Quốc Mới (the New Kingdom), các hoàng hậu có quyền
làm phụ chính: Nữ Hoàng Hapshepshut của Triều Đại Thứ 18 đã từng kiểm soát
các công việc của quốc gia. Các bức tượng vào triều đại này cho thấy các
hoàng hậu được tạc cùng độ lớn của các vị vua Ai Cập Cổ.
Nền kinh tế của xứ Ai Cập cổ xưa trông nhờ vào nông nghiệp. Vào thời đó,
canh nông khá phát triển và có nhiều loại, người dân Ai Cập trồng lúa mì,
lúa mạch, kê, rau, trái cây và bông gòn. Theo nguyên tắc, đất đai lúc đầu
thuộc về nhà vua nhưng dần dần vua Ai Cập Cổ ban phát ruộng đất cho các quan
chức dưới quyền nên đất đai thuộc về các cá nhân.
Sau 2,000 năm trước CN, nền thương mại đã phát triển và chiếm địa vị quan
trọng. Xứ Ai Cập Cổ sở hữu các mỏ vàng tại Nubia, là nơi do Ai Cập kiểm
soát. Người Ai Cập buôn bán với đảo Crete và với xứ Lebanon ở trên bờ biển
phía đông của Địa Trung Hải. Các mặt hàng xuất cảng gồm có vàng, lúa mì, vải
sợi, còn nhập cảng gồm có bạc, ngà voi và gỗ.
Ngay từ 3,000 năm trước CN, người Ai Cập Cổ đã biết làm thủ công nghệ. Họ đã
biết tổ chức các cơ xưởng sản xuất với số thợ từ 20 người trở lên, làm việc
dưới cùng một mái nhà với một phần của cách phân công lao động. Kỹ nghệ
chính của họ là đóng tầu, làm đồ gốm, thủy tinh và dệt vải.
Người Ai Cập cổ xưa đã biết rất sớm về căn bản kế toán và cách giữ sổ sách.
Thương gia Ai Cập Cổ biết cách đặt hàng và biên nhận hàng hóa. Họ cũng biết
làm các chứng từ, kế ước và di chúc. Vào thời xa xưa đó, dù không có hệ
thống tiền lẻ nhưng họ đã biết dùng các vòng đồng và vàng với các trọng
lượng khác nhau để trao đổi, tính toán, đây là hệ thống tiền tệ lâu đời nhất
trong lịch sử văn minh của nhân loại. Đối với nông dân và các người nghèo
khó khác, họ chỉ biết cách trao đổi thực phẩm hay hàng hóa.
Hệ thống kinh tế của xứ Ai Cập cổ xưa có tính cách tập thể. Chính quyền là
chủ nhân lớn nhất của sức lao động trong nước, chính quyền quản lý các hầm
đá, các quặng mỏ, trông coi việc xây dựng các kim tự tháp và cày cấy các
ruộng đất thuộc về hoàng gia. Lợi ích quốc gia và cá nhân được coi như một
nhưng các nhà buôn lại có các hoạt động riêng tư, các thợ thủ công có các cơ
sở riêng biệt rồi các nông dân càng về sau càng hoạt động độc lập với nhau.
6/ Các thành quả của xứ Ai Cập cổ xưa.
Khi người Hy Lạp bắt đầu biết tổ chức xã hội và tư tưởng thì người Ai Cập Cổ
đã trải qua Triều Đại Thứ 26. Người Ai Cập cổ xưa đã biết cách sống hòa hợp
với thiên nhiên và cộng tác với nhau để có được một nền văn minh phát triển,
một cuộc sống hòa bình và tự túc kéo dài trong hàng thế kỷ.
Ngoài các thành quả về lịch tính theo mặt trời, về cách tính diện tích và
thể tích, người Ai Cập cổ xưa còn có các đặc điểm về lối sinh sống, cách suy
nghĩ, về điêu khắc, hội họa và xây dựng..., họ đã tiến bộ rất nhiều trong
khi các dân tộc khác còn đang ở vào tình trạng bán khai.
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.
Luxor Temple
Post a Comment