Phạm Văn Tuấn
Vào năm 1849, một người Anh trẻ tuổi và táo bạo tên là William Loftus, đã
thực hiện một cuộc đi xa, mạo hiểm tới các sa mạc và đồng lầy của miền nam
nước Iraq. Ông William Loftus đã dẫn một đoàn thám hiểm nhỏ để đi tìm cội
nguồn của nền văn minh của nhân loại khi họ đi xuống phía nam dọc theo bờ
sông Euphates là nơi rất nóng nực, nhiệt độ lên tới 120 độ F. Ông
Loftus đã nói rằng:
“từ lúc tuổi nhỏ, tôi đã được dạy bảo rằng nơi đây là cái nôi của loài
người”.
Được các người Ả Rập hướng dẫn tới
miền cực nam của nước Iraq, ông Loftus và một số nhà thám hiểm đã phải sửng
sốt về những gì họ đã nhìn thấy và ông Loftus đã viết:
“mới nhìn thấy lần đầu, tôi không biết gì về những đồi đá rất lớn ẩn hiện
cô đơn trong những cánh đồng và đồng lầy bao quanh”. Một trong các đồi đá lớn này được người địa phương gọi là đồi đá Warka
(the mound of Warka), nơi đây chứa đựng các hoang phế của thành phố Uruk,
một trong các thị trấn đầu tiên trên thế giới và cũng là một phần của nền
văn minh đầu tiên của loài người.
Miền nam của nước Iraq được các người
thời cổ xưa gọi tên là miền Mesopotamia, là một trong bốn nơi mà nền văn
minh của nhân loại bắt đầu:
-
Các nhóm dân cư đã trồng trọt tại các thung lũng phì nhiêu là các miền
đồng bằng của các con sông Tigris và Euphrates của nước Iraq.
- Miền đồng bằng sông Nile của nước Ai Cập.
- Miền đồng bằng sông Indus của nước Ấn Độ.
-
iền đồng bằng sông Hoàng Hà (the Yellow River) của nước Trung Hoa.
Chính tại bốn nơi này, các nền văn minh đầu tiên đã ra đời.
1/ Con người thời cổ xưa ra đời.
Sự khởi đầu của nền văn minh phương tây có thể kể từ Miền Cận Đông (the Near
East) nơi mà các cư dân của xứ Mesopotamia và xứ Ai Cập đã phát triển thành
các xã hội có tổ chức và người dân đã tạo dựng nên các định chế
(institutions) và các ý tưởng là những thứ thuộc về nền văn minh. Sau đó,
các người Hy Lạp và La Mã đã bị ảnh hưởng của các xã hội cổ xưa của miền Cận
Đông, để rồi làm phát triển nền Văn Minh Phương Tây.
Như vậy, chúng ta cần phải cứu xét
thời tiền sử (prehistory) của nhân loại và tìm hiểu con người thời cổ xưa đã
chuyển từ giai đoạn săn bắn và thu lượm thực phẩm sang các xã hội nông
nghiệp và cuối cùng là các sinh hoạt nơi thành thị với cách sống văn minh
tiến bộ.
Vào năm 2000, chúng ta ăn mừng vì
loài người bước vào ngàn năm thứ ba kể từ lúc Chúa Jesus sinh ra đời. Nhưng
2,000 năm trải qua này chỉ là một phần rất nhỏ của quãng thời gian dài kể từ
khi con người bắt đầu bước đi trên trái đất.
Một động vật giống như người xuất phát từ châu Phi vào khoảng 4,500,000 năm
về trước, còn “sinh vật tri thức” (homo sapiens) ra đời trên mặt đất này vào
khoảng 150,000 năm về trước rồi giống người này đã di chuyển từ đông bán cầu
sang phía tây bán cầu vào khoảng 40,000 năm trước đây. Như vậy kể từ khi
Chúa Jesus ra đời cho tới ngày nay, khoảng thời gian này chỉ là 1/40 của
quãng thời gian lúc con người biết dùng lửa để giữ hơi ấm và nướng thực
phẩm.
Các học giả đã bị giới hạn khi phác họa các chi tiết về cách biến đổi của
loài người ở vào thời kỳ ban đầu, bởi vì thiên nhiên đã xóa đi các di tích,
các chứng cớ về loại người này. Nhưng nhờ có rất nhiều hang động thiếu không
khí, nằm trong lãnh thổ của các nước Tây Ban Nha và Pháp, các hang động này
có chứa các bức tranh do loại người cổ xưa vẽ trên vách đá, trong khoảng
33,000 năm tới 12,000 năm, mà các nhà khoa học đã có thể suy đoán về loại
người cổ xưa.
Cho tới ngày nay, hơn 200 hang động đã được tìm thấy, với vài hang động được
khám phá vào năm 1991 và 1994. Trong các hang động này, người cổ xưa đã vẽ
các con thú đang nhẩy đứng lên, đó là các con bò rừng, ngựa, hươu nai và
ngay cả tê giác. Cũng có các bức tranh mô tả các loài thú đang chạy, nhẩy,
ăn cỏ hay đang bị các người thợ săn dồn vào chỗ đường cùng.
Cũng có các bức tranh mô tả thú vật bị giết và rất có thể khi làm thịt thú
vật, đã có các tu sĩ đọc các lời cầu nguyện, cũng như khi các người thợ săn
ra đi săn mồi. Trong khoảng các năm từ 30,000 năm tới 12,000 năm, các người
thợ săn có thể đã cần tới các cách huấn luyện đặc biệt nhờ vậy họ có thể bắn
chim bằng ná hay cung tên, bắt cá bằng cái xiên hay dùng móc câu, gài bẫy
các con thú nhờ đoán trước các lối đi thông thường của chúng…
Trong thứ xã hội sơ khai này, rất có thể đàn ông cũng như đàn bà đã làm ra
các đồ dùng thủ công, tạo ra đồ vật bằng đá, bằng xương hay sừng nai, và đàn
bà đã tạo ra quần áo từ da thú vật và các nhà khảo cổ đã tìm thấy các cây
kim đầu tiên, nhờ loại kim này người cổ xưa biết dùng chỉ là sợi của một số
cây rừng để khâu lại các mảnh da rời rạc thành một miếng lớn.
Như vậy đã có sự cộng tác giữa các con người sinh sống trong thứ xã hội sơ
khai, ngoài ra các nhà khảo cổ còn tìm thấy các đống xương đã bị đốt cháy,
điều này chứng tỏ rằng các con vật đã bị thiêu nướng trong các bữa ăn tập
thể và như thế, người cổ xưa đã biết săn bắn, vẽ tranh trên vách đá, may các
miếng da lại để dùng làm quần áo mặc và họ cũng biết chia xẻ với nhau các
thực phẩm.
2/ Công việc sản xuất thực phẩm.
Trong thời kỳ từ 35,000 năm tới 12,000 năm về trước, tại miền Địa Trung Hải
(Mediterranian regions) của châu Âu và tại phần phía tây của châu Á, thời
tiết ban ngày khá lạnh, vào khoảng 16 độ C (60 độ F) vào mùa hè và -1 độ C
(30 độ F) vào mùa đông. Sinh sống lang thang trên các miền đất này là các
con vật quen với thời tiết lạnh như hươu nai, lợn rừng, trâu rừng, dê núi…
Khi băng tuyết lùi dần lên miền bắc thì các giống vật này cũng di chuyển
theo lớp băng tuyết đó. Trong hoàn cảnh này, có giống người di cư lên mạn
bắc theo các loài thú vật kể trên, nhưng cũng có loại người ở lại miền nam,
tạo nên một thứ thế giới khác.
Vào cuối thời đại băng đá (the Ice Age) tại phía tây của châu Á và trong
khoảng từ 3,000 năm tới 4,000 năm, loài người đã tiến bộ từ cách thu lượm
thực phẩm (food gathering) sang cách sản xuất thực phẩm (food producing).
Trước kia, trong thời gian 2,000 năm, con người thời cổ xưa đã kiếm ra được
thực phẩm nhờ săn bắn, nhờ thu lượm các rau trái và nếu là lớp người săn bắn
thì họ phải sinh sống theo các đoàn thú rừng và di chuyển theo loại thú rừng
này. Nhưng khi con người biết thuần hóa thú vật và biết trồng trọt, thì họ
bắt đầu định cư và khi cách định cư được ổn định thì các làng mạc được tạo
nên, việc trao đổi thương mại được thực hiện và dân số tại các miền đất định
cư bắt đầu gia tăng khá nhanh. Sau đó, các làng mạc trở nên các thành phố và
nền văn minh được sinh ra.
Vào khoảng 10,000 năm trước Công
Nguyên (CN = Before Common Era = B.C.E.), các loài thú vật quen sống trên
miền đất lạnh đã dần dần rời khỏi miền tây của châu Á, còn các giống dân
sống trên các miền đất này, ngày nay là các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Do
Thái, đã thấy rằng nước tan từ các băng tuyết đã khiến cho môi trường có
nhiều loại ngũ cốc. Bởi vì thực phẩm loại này thì dư thừa, con người không
cần phải di chuyển theo các đàn thú vật mà định cư trên các miền đất, sau đó
trong khoảng 3,000 năm, người thời cổ xưa đã biết sản xuất ra thực phẩm.
7,000 năm trước CN, phần lớn người dân sinh sống tại miền tây của châu Á đã
biết trồng trọt các loại ngũ cốc và chăn nuôi các xúc vật trong nông trại.
Đối với loại ngũ cốc, mặc dù người
thời cổ xưa có khi kiếm ra được khá nhiều thứ thực phẩm này nhưng các loại
cây sinh ra ngũ cốc đã không mọc được vào mùa đông. Vì vậy vào khoảng 9,000
năm trước CN, người thời cổ xưa đã biết để dành các ngũ cốc bằng cách cất
giữ trong các hố chứa hàng. Công việc này càng làm tăng thêm cách sống định
cư tại một địa phương.
Một khi đã có các hố chứa ngũ cốc,
người thời cổ xưa cũng nhận thấy rằng ngũ cốc đã nẩy mầm và vào mùa xuân, đã
mọc thành cây khi rơi vãi trên mặt đất. Rồi sau đó, một người “có tài” đã
biết khai quang một miếng đất rồi gieo các hạt ngũ cốc trên đó. Công việc
này đã có nhiều người khác bắt chước nhưng phải trải qua hàng trăm năm,
người thời cổ xưa mới biết khai quang một cánh đồng lớn để trồng trọt theo
phương pháp canh nông.
Trong hàng chục ngàn năm trước, người
thời cổ xưa đã giết các con vật tại chỗ để lấy thịt ăn, rồi do sáng kiến của
một người, họ đã biết bắt các con dê và cừu rồi lùa chúng về nhà, cách làm
này tránh cho họ không phải chuyên chở thịt thú vật. Các thú vật như dê và
cừu nuôi tại nhà đã là thứ thịt sẵn sàng khi cần tới. Sau đó, các con dê và
cừu này lại sinh sản thêm ra khiến cho người thời cổ xưa đã có các nguồn
thịt liên tục, rồi dần dần, họ đã biết cách gây giống và chăn nuôi các xúc
vật trong các làng mạc của họ.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy các di
vật để nhận biết rằng đã có cách làm canh nông định cư tại miền đất phía
đông của Anatolia (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ), tại Syria, Iraq và Iran, và cách
canh nông này được thực hiện trong khoảng từ 7,500 năm tới 7,000 năm trước
CN.
Tới năm 6,000 năm trước CN thì toàn thể miền đất phía tây của châu Á đã nhờ
cách canh nông để sống còn, và người thời cổ xưa đã biết chăn nuôi gia súc
đồng thời với cách trồng trọt ngũ cốc. Vào khoảng năm 6,000 trước CN, các
gia súc còn gồm có trâu bò và heo, ngoài hai loại dê và cừu, ngoài ra người
thời cổ xưa vẫn còn săn bắn, thu lượm các thực phẩm trên đường đi, trong các
khu rừng gần nhà. Cách định cư với canh nông đã trở nên cách sống chính tại
miền phía tây của châu Á, cho tới năm 5,000 trước CN, cách định cư này đã
lan tràn xuống miền Balkans rồi sau đó, lan ra khắp lục địa châu Âu.
3/ Thời đại sinh sống trong làng xã.
Tại miền phía tây của châu Á, người thời cổ xưa đã tiến bộ dần dần, từ giai
đoạn thu lượm thực phẩm sang giai đoạn sản xuất thực phẩm, sau đó là giai
đoạn xuất hiện các làng xã rồi từ giai đoạn này con người biết làm các đồ
thủ công (handicrafts), kế tiếp là mậu dịch đường xa và chiến tranh.
Làng xã là tổ chức tiến bộ nhất của
con người tại miền đất phía tây của châu Á, ở vào thời kỳ này, từ 6,500 năm
tới 3,500 năm trước CN, rồi từ 3,000 năm trước CN, làng xã biến dần thành
thị trấn và thành phố.
Các làng xã vào thời kỳ ban đầu gồm
có vào khoảng 1,000 dân, vào thời gian này các người đàn ông cũng như đàn
bà, những ai có khả năng nhất đã tham gia vào công tác đồng áng, rồi giới
phụ nữ làm thêm nghề sản xuất quần áo và dần dần có thêm những người làm
nghề thủ công cũng như chuyên nghiệp về thương mại.
Tại sao giới phụ nữ sớm bước chân vào
nghề sản xuất quần áo? Câu trả lời là vì nghề này liên quan tới công việc
chăm sóc các con cháu. Người phụ nữ thời cổ xưa ngoài nhiệm vụ sinh con, còn
làm thêm các công việc phụ như may vá, se sợi và dệt vải, đây là các nghề có
thể ngừng lại bất cứ lúc nào và có thể thực hiện tại nhà.
May vá và se sợi là hai nghề đã có từ thời băng đá (the Ice Age) rồi nghề
dệt vải bằng thứ khung cửi thô sơ ra đời vào khoảng 7,000 năm trước CN.
Trong khoảng thời gian 3,000 năm, các sợi chỉ dùng để dệt vải đều từ các
loại cây có sợi rồi tới vào khoảng 4,000 năm trước CN, người thời cổ xưa đã
biết dệt len. Sau khi biết thuần hóa các súc vật, ngoài loại dùng để ăn
thịt, người thời cổ xưa đã biết khai thác các thứ phụ thuộc khác như len,
lông, da, sữa và dùng năng lực của gia súc vào công tác đồng áng.
Ngoài công việc dệt vải, các loại thủ
công nghệ quan trọng nhất trong làng xã là làm đồ gốm và làm dụng cụ. Khi
cuộc sống bắt đầu ổn định, người thời cổ xưa đã nghĩ tới cách lưu trữ các
loại thực phẩm. Trước đó khá lâu, người thời cổ xưa đã biết làm các lọ bình
bằng đất sét nhưng các đồ đựng này rất dễ bị bể vỡ khi di chuyển. Nhưng tới
khi con người đã thành lập ra làng xã, họ tìm cách chứa các hạt ngũ cốc và
các thực phẩm khác. Nhờ đồ gốm, người thời cổ xưa đã biết cất giữ nước uống
trong nhà.
Sự tiến bộ về cách làm các dụng cụ là do người thời cổ xưa cần tới các đồ
dùng canh nông vừa sắc nhọn, vừa bên lâu, nhất là các lưỡi hái và các mũi
cầy. Người thời xưa đã quen thuộc với nhiều loại đá, họ nhận ra có một loại
đá rất sắc, đó là đá thủy tinh (obsidian) từ các núi lửa sinh ra. Họ còn tìm
thấy kim loại đồng (copper), thứ này có thể rèn, đập thành các mũi nhọn và
người thời xưa đã biết dùng đồng từ 6,500 năm tới 4,500 năm trước CN để làm
ra các dụng cụ nhỏ, sắc và nhọn. Sau đó đã có những người vô tình bỏ vài
miếng đồng vào lửa và họ nhận thấy thứ kim loại này nóng chẩy rồi sau cả
ngàn năm, kinh nghiệm về đồng nóng chẩy đã khiến cho họ biết cách chế tạo ra
các bình chứa bằng đồng, các dụng cụ và các võ khí.
Viêc xử dụng đá núi lửa và kim loại đồng đã dẫn tới công việc mậu dịch, bởi
vì hai thứ này không thể nào có sẵn ở trong vườn, trước hay sau nhà. Công
việc mậu dịch bắt đầu khi con người có đồ vật dư thừa và người dân trong
làng xã thời cổ xưa đã trao đổi, đầu tiên là thưc phẩm, sau đó là quần áo và
da thuộc.
Mậu dịch đã có tại miền tây của châu Á vào khoảng 6,500 năm trước CN, với
các khoảng cách khá xa, chẳng hạn như các dân làng trong các xứ Iran và Iraq
đã đi tìm mua đá núi lửa ở gần Biển Đen (the Black Sea) cách xa nơi họ cư
ngụ từ 400 tới 500 dậm, và họ cũng đi xa gấp hai lần khoảng cách này để mua
các mảnh đồng tại miền trung của xứ Anatolia. Sau đó, công việc mậu dịch
càng trở nên thịnh hành rồi tới năm 3,500 năm trước CN, hàng hóa đã được
chuyên chở bằng thuyền cũng như bằng xe cộ trên mặt đất.
Mậu dịch không phải là cách duy nhất để sở hữu các sản phẩm bởi vì sự cướp
bóc còn là cách chiếm đoạt dễ dàng hơn. Chúng ta không rõ khi nào con người
bắt đầu công việc chiến tranh nhưng có lẽ bản chất của con người là thường
hay gây chiến. Các bức tranh trong thời đại băng đá (the Ice Age) đã không
vẽ các cảnh chinh chiến rồi người thời cổ xưa bắt đầu đánh cướp lẫn nhau khi
cuộc sống trở thành định cư và vì vậy các làng mạc sớm nhất đã là nơi có các
hàng rào bao chung quanh.
Vào thời xa xưa, các nhóm dân đi lang thang kiếm ăn có thể cộng tác với nhau
trong công việc săn bắn và thu lượm thực phẩm, nhưng khi làng mạc đã thành
hình rồi, các nhóm dân đi lang thang kể trên dễ dàng đến làng mạc để cướp
bóc vì các chiến lợi phẩm và người dân làng vì vậy phải chiến đấu để bảo vệ
các đồ vật sở hữu cũng như các cánh đồng đã canh tác. Tới khi tất cả các
làng mạc đã định cư và ổn định thì đã xẩy ra các cuộc chiến giữa làng này
với làng kia vì tài sản và đất đai.
Chiến tranh đã thúc đẩy con người tìm cách cải tiến các kỹ thuật. Vì lý do
tự vệ hay tấn công, các làng mạc của miền tây châu Á đã tiến bộ rất nhiều về
kỹ thuật võ khí. Họ đã làm ra được gươm, chùy (maces), búa dìu, giáo mác,
giỏ ném đá…rồi sự ganh đua về chế tạo khí giới đã khiến cho con người tiến
bộ về thuật luyện kim, bởi vì đồng (copper) là vật liệu tốt hơn để làm ra
gươm và mũi giáo nhọn, rồi sau đó, trong khoảng 3,500 năm tới 3,000 năm,
người ta đã biết cách chế ra thau (bronze) là một thứ hợp kim của đồng và
thiếc (tin) và nhờ có thau, người ta còn làm ra được các võ khí tốt hơn nữa.
Bởi vì không phải chỗ nào cũng kiếm ra kim loại nên người thời cổ xưa đã
phải đi xa và trao đổi hàng hóa để lấy thứ kim loại cần thiết rồi chế tạo ra
võ khí, như vậy do cần có các võ khí tốt hơn mà đời sống kinh tế của con
người được thúc đẩy tiến tới dù cho các võ khí này đã gây nên cảnh chết chóc
và tàn phá.
4/ Các thành phố ra đời tại miền tây của châu Á.
Trong khoảng thời gian từ 4,000 năm trước CN tới 3,200 năm trước CN, thành
phố đã ra đời với cư dân vào khoảng 3,000 người, so với làng mạc có số dân
1,000 người. Lúc đầu thành phố còn gồm những nông dân canh tác trên các cánh
đồng gần đó nhưng dần dần, trong thành phố đã có thêm 3 loại người, đó là
các nhà cai trị, các tu sĩ và các chiến sĩ.
Các thành phố đầu tiên thành hình tại miền Mesopotamia, ngày nay là nước
Iraq, nằm ở giữa 2 con sông Tigris và Euphrates. Mặc dù đất đai của miền
Mesopotamia này rất phì nhiêu nhưng vào các năm trước năm 4,000 trước CN,
con người thời cổ xưa đã không định cư tại nơi đây bởi vì thiếu mưa, tức là
nguồn nước cần thiết cho công việc canh nông. Nhưng từ năm 4,000 trước CN,
một số dân chúng phải tới miền Mesopotamia này sinh sống và do định cư trên
miền đất thiếu nước, người dân đã phải nghĩ ra hệ thống dẫn nước (irrigation
systems). Muốn duy trì hệ thống vận chuyển nước tưới này, người ta đã phải
trù liệu và phối hợp sức lao động, đây là các điều mà các xã hội cổ xưa chưa
từng thực hiện.
Công việc dẫn nước vào ruộng đòi hỏi mọi người phải đào các con sông đào và
các đường mương chằng chịt dẫn nước vào các miền đất khô, công việc này được
coi là không bao giờ chấm dứt bởi vì đất phù sa thường làm cho đấy các con
sông đào và các đường mương có đáy bị nâng cao và người ta đã phải thường
xuyên nạo vét các sông và mương này.
Công việc dẫn nước vào ruộng đòi hỏi phải tổ chức lao động, cung cấp thực
phẩm cho các công nhân và như vậy cần phải có các người lập chương trình,
các người giám sát để hướng dẫn và cưỡng bách các người lao động, và các nhà
quản trị để điều khiển các người giám sát. Vì thế xã hội được dần dần tổ
chức thành các kẻ cai trị và các người bị trị.
Sau năm 4,000 trước CN, các người tổ chức và giám sát đã sinh sống trong các
làng mạc rồi những nơi này trở thành các thành phố, và cũng tại các thành
phố đã có một lớp người mới, đó là các tu sĩ. Thực ra tôn giáo không phải đã
phát sinh tại miền Mesopotamia mà hàng ngàn năm về trước, con người đã đặt
các thực phẩm bên cạnh người chết bởi vì họ tin tưởng vào một đời sống khác
ở thế giới bên kia, và các bức tranh vẽ trên vách đá trong các hang động mô
tả người thời cổ xưa đã tin tưởng ở một sức mạnh siêu nhiên.
Khi xã hội tại miền Mesopotamia thành hình thì đã có giới tu sĩ chuyên
nghiệp lo công việc cúng tế tại các đền thờ và nhờ các nghi lễ, các bùa ngải
hay các câu thần chú mà giới tu sĩ đã sinh sống trên sức lao động của các
giới khác.
Người ta đã suy đoán rằng trong thời kỳ từ 4,000 năm tới 3,200 năm trước CN,
các căng thẳng trong đời sống của người dân miền Mesopotamia đã khiến cho họ
cần tới các tu sĩ. Khi con người thời cổ xưa còn sống lang thang theo từng
bầy, từng đoàn, thì tài sản của họ không đáng kể, các công ăn việc làm gần
như giống nhau nhưng khi con người bắt đầu biết cách sinh sống trong các
làng mạc rồi, thì đã có các vấn đề như phân phối lao động, tài sản sỡ hữu
không đồng đều, dân số gia tăng…
Người dân trong các làng mạc đã biết rằng họ phải kết hợp với nhau để chống
lại các kẻ đánh cướp từ bên ngoài, họ phải cộng tác với nhau để thực hiện
các công việc chung. Vào lúc này, tôn giáo đã kêu gọi các nhóm đông người
cùng trung thành với một lý tưởng chung và mọi người phải làm việc chăm chỉ
bởi vì công việc của họ đã phục vụ cho các vị thần linh địa phương. Qua tôn
giáo, các tu sĩ đã xác định niềm tin cho mọi người và chủ tọa các buổi lễ
trong các đền đài uy nghi.
Một giới chức thứ ba trong xã hội cổ xưa đã thành hình tại các thành phố, đó
là các chiến sĩ chuyên nghiệp. Tại miền Mesopotamia vào thời kỳ ban đầu, các
nhà tổ chức chương trình làm việc đã là các chiến sĩ lãnh đạo, rồi nhờ sự
tiến hóa về kinh tế và kỹ thuật chiến tranh, những nhà tổ chức kể trên trở
thành các chiến sĩ chuyên nghiệp.
Các người có quyền lực và giàu có đã trở nên các nhà cai trị và dùng các
người biết tổ chức làm các người phụ tá. Khi các võ khí bằng sắt thay thế
các võ khí bằng đá, các nhà cai trị này đã dùng thứ võ khí mới để chinh phục
các người dân khác. Các hình ảnh vẽ trên đất nung vào khoảng 3,400 năm trước
CN đã cho thấy các kẻ bị trói và quỳ gối trước những nhà cai trị quân sự tay
cầm giáo mác.
Vào khoảng 3,200 năm trước CN, miền đất Mesopotamia đã được văn minh hóa với
5 thành phố, với khá đông cư dân, với các thành phần gồm có chiến sĩ cai trị
(warrior-rulers), các nhà quản trị và các tu sĩ, với rất nhiều đền đài, khu
chợ búa, với các căn nhà cư ngụ. Từ nay, các hình thức ghi chép được hình
thành và nền văn minh của con người bắt đầu, rồi lịch sử được viết ra do các
nhà sử học, họ đã dùng tới các tài liệu ghi khắc và các dấu tích khảo cổ.
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.
Post a Comment