Vương Trùng Dương
“Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi
đức tính tốt đẹp khác”.
- Triết gia Marcus Tullius Cicero
Mỗi nước theo truyền thuyết và lịch sử có vài tên gọi khác nhau, trong đó Nhật
Bản với các tên gọi: Đất Nước Mặt Trời Mọc, Xứ Sở Hoa Anh Đào, Xứ Sở Phù Tang,
Đất Nước Hoa Cúc… Kể từ thời Kama-kura, hình ảnh hoa cúc 16 cánh được sử dụng
làm con dấu của Thiên Hoàng. Cho đến nay, biểu tượng loài hoa này vẫn được xem
là biểu tượng quan trọng của Hoàng Gia Nhật Bản. Ngày 11/7/2022, chính
phủ Nhật đã truy tặng Huân Chương Hoa Cúc - huân chương cao quý nhất của Nhật
để vinh danh cố Thủ Tướng Shinzo Abe. Cố Thủ Tướng Shinzo Abe là thủ tướng thứ
4 của Nhật Bản được trao tặng huân chương cao quý này sau Đệ Nhị Thế Chiến,
các vị tiền nhiệm có Shigeru Yoshida, Eisaku Sato và Yasuhiro Nakasone.
Nhật Bản ngày nay không những trở thành cường quốc kinh tế mà còn gìn giữ được
nếp sống văn minh, lịch sự, phong tục tập quán cao đẹp, tinh thần tự trọng…
và, đặc biệt nói “không” với trộm cắp.
Người Nhật với tinh thần trách nhiệm cao, mạnh mẽ và luôn luôn hướng thiện.
Với nền giáo dục khắt khe, đức dục là vấn đề quan trọng nhất. Dạy dỗ, rèn
luyện trẻ thơ từ khi bước vào mái trường.
Trong những lần xảy ra thiên tai (động đất, sóng thần) tại Nhật, những hình
ảnh ghi lại cho thấy tinh thần tự trọng, nhân bản… của các nạn nhân khi xếp
hàng nhận cứu trợ, trật tự, bình thản, biết nhìn nhượng nhau… khiến mọi người
trên thế giới nể phục.
Ở nông thôn, chủ nhà vườn bán sản phẩm cho khách hàng, không cần hiện diện mà
chỉ để trên bàn, số lượng với giá tiền… khách hàng ý thức “thuận mua vừa bán”
sòng phẳng…
Đơn cử vài điểm son đó thể hiện tinh thần và xã hội Nhật Bản ngày nay xóa tan
bóng đen bao phủ trước Đệ Nhị Thế Chiến.
Từ cựu thù trở thành Thiên Sứ
Sáng ngày 15/4/1951 khi Thống Tướng MacArthur (1880-1964) ngồi lên xe ra phi
trường quay về Mỹ thì nhận được tin đích thân Thiên Hoàng Hirohito và Thủ
Tướng Yoshida đến văn phòng tiễn chân vị “Shogun” (Sứ Quân) mà họ vô cùng cảm
phục. Trên suốt hai bên con đường dẫn đến phi trường Atsugi, hàng trăm ngàn
người dân Nhật xếp hàng dài dày đặc ở hai bên đường hàng chục cây số để tiễn
đưa ông lần cuối. Họ kêu to “Sayonara, Sayonara,” hay giơ cao biểu ngữ ghi
“Chúng tôi thương mến Tướng Quân MacArthur,” và
“Chúng tôi cảm ơn ông”.
Danh từ Shogun (Thiên Sứ, Tướng Quân) theo tiếng Nhật là Seii Taishōgun để nói
lên sự tôn trọng với nhân vật khả kính có công với đất nước.
Hồi ký của Kiichi Miyazawa (Thủ Tướng Nhật nhiệm kỳ 1991-1993) xuất bản năm
1991, viết về quan hệ Nhật-Mỹ, là một trong các cuốn best-seller hồi ấy, với
những dòng tiếc nuối:
“Ngày 11/4/1951, truyền thông loan tin MacArthur bị miễn chức. Tin này làm
người Nhật vô cùng sửng sốt, họ không thể nghĩ tới chuyện Thống Tướng
MacArthur - người có uy quyền như Thái Thượng Hoàng nước Nhật - lại có thể
bị bãi chức dễ dàng bởi một mệnh lệnh của tổng thống. MacArthur là người nắm
quyền lực tối cao ở Nhật”.
Khi Đệ Nhị Thế Chiên (1939-1945) xảy ra, Tổng Thống Harry S. Truman (Tổng
Thống thứ 33 của Hoa Kỳ,1945-1953) gọi ông trở lại phục vụ trong quân đội.
Trong Đệ Nhất Thế Chiến, ông được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn bộ binh
42 của Mỹ. Đến năm 1935, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt chọn MacArthur làm
cố vấn quân sự tại Philippines. Ông giải ngũ vào tháng 12/1937, nhưng vẫn tiếp
tục làm cố vấn trưởng cho quân đội Philippines.
Vừa nhận lãnh trách nhiệm, ngày 7/12/1941, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng
(Pearl Harbor), thuộc tiểu bang Hawaii gây tổn thất nặng nề cho quân đội Mỹ,
riêng về về nhân mạng khoảng 2.402 người tử trận và 1.282 người khác bị
thương. Lực lượng không quân của ông bị thiệt hại hoàn toàn.
Lúc đó phe Trục (Ý, Đức Nhật) tấn công như vũ bão, tàn phá nhiều nước từ trời
Tây sang Đông, gieo rắc kinh hoàng, thảm khốc trên thế giới. Từ trước đến nay,
nước Mỹ chưa bao giờ bị tấn công nên khi Nhật xâm phạm lãnh thổ của Mỹ nên hậu
quả dẫn đến việc Mỹ phản công thả bom nguyên tử xuống hai thành phố công
nghiệp là Hiroshima và Nagasaki.
Ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử mang tên Little Boy trên pháo đài
bay B-29 Enola Gay của phi đoàn 509, thả xuống Hiroshima, ngày 9 tháng 8 năm
1945, quả bom mang tên Fat Man trên pháo đài bay B-29 Bock's Car, thả xuống
Nagasaki.
Trước khi thả bom nguyên tử, Mỹ đã rải truyền đơn cảnh báo nhưng phát xít Nhật
coi thường và ngoan cố. Truyền đơn viết bằng tiếng Nhật:
“… Trong vài ngày tới, một số hoặc tất cả những thành phố được liệt kê
trong danh sách ở mặt sau truyền đơn này sẽ bị phá hủy bởi những quả bom
của người Mỹ. Những thành phố này có các hãng xưởng, nhà máy lắp ráp chế
tạo trang bị quân sự.
Chúng tôi quyết tâm tiêu diệt tất cả những trang bị mà các phe phái quân
sự đang sử dụng để kết thúc cuộc chiến vô nghĩa này. Nhưng, không may,
những quả bom không có mắt. Vì vậy, theo các chính sách nhân đạo của Mỹ,
Không Quân Mỹ, chúng tôi không muốn làm tổn thương người vô tội, do đó
chúng tôi cảnh báo và yêu cầu bạn hãy di tản khỏi những thành phố được
liệt kê để cứu lấy mạng sống của chính bạn.
Người Mỹ không chiến đấu chống lại nhân dân Nhật Bản, mà chiến đấu chống
lại các thế lực quân sự đang sử dụng nhân dân Nhật Bản. Nền hòa bình mà Mỹ
mang lại sẽ giải thoát cho người dân như các bạn đang phải sống trong sự
áp bức của quân đội Nhật và đồng thời cũng có ý nghĩa mang đến một Nhật
Bản mới tốt đẹp hơn. Các bạn có thể mang hòa bình trở lại bằng cách chọn
ra những người lãnh đạo mới và giỏi, những người thật sự muốn kết thúc
chiến tranh.
Do vậy, hãy chú ý đến cảnh báo này và di tản khỏi các thành phố này ngay
lập tức!”
(Nếu so sánh hành động của chính quyền Truman của Mỹ với Nhật và chính quyền
Putin của Nga với Ukraine hiện nay là hai thái cực giữa chế độ dân chủ và chế
độ độc tài).
Sau khi ném bom nguyên tử ở Hiroshima, TT Truman đã lên làn sóng phát thanh
kêu gọi Nhật đầu hàng, nếu không tai họa như Hiroshima sẽ tiếp tục nhưng Hội
Đồng Tối Cao của Nhật Bản vẫn ngoan cố nên Mỹ tiếp tục thả trái bom thứ
hai.
Ngày 14/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố trên đài phát thanh chấp nhận đầu hàng
không điều kiện với các nước Đồng Minh, nhưng đến ngày 2/9/1945, nghi lễ đầu
hàng của Nhật trước quân đội Đồng Minh mới được thực hiện trên chiến hạm USS
Missouri (BB-63) của Hải quân Hoa Kỳ. Và, từ đó, ở trời Tây, Ý và Đức bị quân
đội Đồng Minh phản công mãnh liệt, Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật, Mamoru Shigemitsu, ký văn kiện đầu hàng trên
chiến hạm USS Missouri trước sự hiện diện của Tướng Richard K.
Sutherland, ngày 2 tháng 9 năm 1945
|
Năm ngày sau khi Nhật ký hiệp ước đầu hàng, ngày 7/9/1945, Thống Tướng
McArthur, chỉ huy các lực lượng Đồng Minh tại Thái Bình Dương, thiết lập văn
phòng làm việc tại Tokyo, mở đầu cho giai đoạn Mỹ chiếm đóng nước Nhật kéo dài
trong sáu năm, tám tháng.
Trước khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, Nhật và Mỹ vẫn còn là hai nước kẻ thù
không đội trời chung. Trong 4 năm chiến tranh ác liệt tại Thái Bình Dương, đã
làm cho quân đội Mỹ hy sinh khoảng 360,000 binh sĩ.
Sau khi ký xong hiệp ước đầu hàng, Thống Tướng MacArthur đại diện của Đồng
Minh đọc bài diễn văn ngắn gọn, chứa đựng tinh thần cao thượng của người Mỹ,
ông kết thúc bài diễn văn:
“Đây là hy vọng thiết tha nhất của tôi, và thật sự cũng là hy vọng của toàn
thể nhân lọai, rằng từ sự kiện trang nghiêm này một thế giới tốt đẹp hơn sẽ
hiện ra từ máu và sự chém giết nhau trong quá khứ - một thế giới sẽ phụng sự
cho nhân phẩm con người và để hoàn thành ước nguyện cao cả nhất cho tự do,
lòng bao dung và sự công bằng”.
Tuy không phải là kinh tế gia nhưng Thống Tướng MacArthur với tấm lòng nhân
ái, đức độ và tận tình với nước thù địch để phục hồi đất nước Nhật từ đống tro
tàn, đổ nát được vực dậy chỉ trong gần 6 năm (15/8/1945 cho đến ngày
11/4/1951). Ngoài ra, "Sứ Quân MacArthur" đã làm thay đổi nhân sinh quan tư
duy của người Nhật từ Thiên Hoàng cho đến người dân.
Ngay sau khi đặt chân đến thủ đô Tokyo, Thống Tướng MacArthur ra lệnh cho các
binh sĩ dưới quyền ông không được trả thù người Nhật vì bất cứ lý do gì và ưu
tiên hàng đầu của ông là phải lo cho người dân Nhật qua khỏi cơn đói rách do
các hậu quả của chiến tranh.
Ngay từ đầu Tướng MacArthur viết thư trình bày với Quốc Hội, với chính phủ Hoa
Kỳ để xin cứu trợ và chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận trợ cấp khẩn cấp cho chính
phủ Nhật Bản gồm: Ba triệu rưỡi tấn lương thực, thuốc men cùng với hai tỷ đô
la.
Việc làm đầu tiên của Thống Tướng MacArthur là ra lệnh chở lương thực và các
vật dụng cần thiết cho đời sống đến Nhật để cứu đói và tránh các bất ổn xã hội
do nạn đói và thiếu thốn gây ra. Thực hiện chương trình cho học sinh ăn trưa
tại các trường học Nhật. Toàn bộ quân đội Nhật bị giải tán. Các binh sĩ được
cho về quê sống. Lính Mỹ được lệnh phải tôn trọng phong tục tập quán của nước
Nhật và giúp đỡ người dân.
Từ chế độ phát xít xâm chiếm các nước láng giềng, nước Nhật trở thành một quốc
gia độc lập, tự do, dân chủ và đặt nền tảng cho một cường quốc kinh tế sau
này.
Để phục hồi nước Nhật, chương trình viện trợ Marshall, Mỹ đã đổ vào nước Nhật
hàng tỷ đô la, cùng với những ý kiến sáng suốt và những chương trình cải cách
thiết thực xây đựng nước Nhật thuần túy về kinh tế và đời sống, nhờ vậy chỉ 25
năm sau chiến tranh nước Nhật trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế
giới. Dĩ nhiên kết quả này phần lớn cũng do sự nỗ lực làm việc, sự hy sinh và
tinh thần của dân tộc Nhật Bản.
Thống Tướng MacArthur trừng phạt những tôi phạm chiến tranh nhưng chống lại
việc đưa Nhật Hoàng Hirohito ra Tòa Án Quốc Tế như một tội phạm chiến tranh.
Nhật Hoàng Hirohito, đứng ra nhận tất cả trách nhiệm về cuộc chiến và chấp
nhận từ chức nếu Mỹ yêu cầu nhưng ông không đòi hỏi Nhật Hoàng từ chức. Tống
Tướng thấy Nhật Hoàng là người được toàn dân Nhật tôn trọng nên ông muốn Nhật
Hoàng được tại vị để làm biểu tượng đoàn kết dân Nhật và đem lại ổn định về
chính trị. Cảm kích tấm lòng đó nên danh xưng Shogun (Thiên Sứ, Tướng Quân) từ
Nhật Hoàng khi nhật Hoàng đã tiếp xúc với ông qua 11 lần gặp mặt.
Trong hồi ký “Reminiscences” của Douglas MacArthur, nhà xuất bản McGraw-Hill,
1964, ghi:
“Sau lần ấy Nhật Hoàng đến thăm tôi thường xuyên, chúng tôi bàn về hầu hết
các vấn đề quốc tế. Tôi luôn luôn giải thích kỹ càng những lý do quan trọng
nhất về chính sách chiếm đóng, và tôi nhận thấy ông hiểu biết uyên thâm về
khái niệm dân chủ hơn hầu hết những người Nhật tôi có dịp trò chuyện. Ông
đóng vai trò rất lớn trong sự hồi sinh tinh thần của Nhật Bản, và sự hợp tác
trung thành và ảnh hưởng của ông đã tác động rất nhiều đến sự thành công của
công cuộc chiếm đóng”.
Trong cuốn “12 Người Khai Lập Nước Nhật Hiện Đại” của Sakaiya Taichi,
Tướng MacArtthur là người nước ngoài duy nhất, với tựa
“MacArthur: Thí nghiệm biến Nhật Bản thành một nước Mỹ lý tưởng”, ngay
cả Thiên Hoàng Minh Trị (người khởi xướng phong trào Duy Tân) cũng không có
tên trong danh sách này. Sách 12 chương với những nhân vật: Thái tử
Shotoku, Hikaru Genji, Minamoto Yoritomo, Oda Nobunaga, Ishida
Mitsunari, Tokugawa Ieyasu, Ishida Baigan, Okubo Toshimichi, Shibusawa
Eiichi, MacArthur - Thí nghiệm biến Nhật Bản thành “nước Mỹ lý tưởng”,
Ikeda Hayato và Matsushita Konosuke.
Tác giả Sakaiya Taichi (1919-2007) được coi là chuyên gia hàng đầu về kinh tế,
Thủ Tướng Obuchi mời vào làm Bộ Trưởng Kế Hoạch Kinh Tế… Trong 12 nhân vật,
không ai là vị vua khai thiên lập địa, không ai là vị tướng tài đánh dẹp ngoại
xâm, mà là những người đã đưa ra quan niệm tôn giáo, tiêu chuẩn luân lý, phong
cách xử thế, đề cao giá trị tinh thần của người Nhật, trên lãnh vực chính trị,
kinh tế, văn hóa, xã hội còn ảnh hưởng lớn tới ngày nay.
Với nhưng công lao, đóng góp của "Sứ Quân MacArthur" từ tinh thần đến vật chất
cho nước Nhật không thể nào kể xiết đã được ghi vào trang sử, lưu lại hậu thế.
Nhà văn Sodei Rinjiro đã đọc hơn 10 nghìn thư của người Nhật, và chọn 120 bức
thư thú vị, quan trọng để ấn hành cuốn sách mang tên
“Tướng MacArthur thân mến: Những bức thư gởi từ người Nhật trong thời gian
Mỹ chiếm đóng”, xuất bản năm 2001.
Thủ Tướng Yoshida của Nhật (từ năm 1946 đến năm 1947 và từ năm 1948 đến năm
1954), nói:
“Tướng Quân MacArthur đã cứu chúng tôi ra khỏi nỗi sợ hãi, lo lắng và hỗn
loạn của thất bại để đưa chúng tôi vào con đường mới do ông xây dựng, chính
Ngài đã gieo trồng hạt giống dân chủ trên đất nước chúng tôi để chúng tôi
bước đi trên con đường hòa bình. Tình cảm ly biệt mà nhân dân chúng tôi dành
cho Ngài không lời nào có thể diễn tả được.”
Giữa vinh quang và nỗi đau
Sau khi Đệ Nhị Thế Chiên chấm dứt, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt làm hai khu
vực chiếm đóng quân sự do các hoạt động của Hoa Kỳ ở phía Nam và Liên Xô ở
phía Bắc. Năm 1948, chính quyền miền Nam thành lập nhà nước Đại Hàn Dân Quốc
theo chế độ dân chủ dưới sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Bắc Triều Tiên theo chủ nghĩa
cộng sản được thành lập dưới sự hỗ trợ của Liên Xô. Sau khi Trung Cộng cưỡng
chiếm Trung Hoa năm 1949, Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc dẫn đến chiến tranh
Triều Tiên.
Quân đội Liên Hiệp Quốc dưới sự chỉ huy của Thống Tướng MacArthur (rời Nhật
Bản để sang Nam Hàn), nhanh chóng đẩy lui quân miền Bắc và truy đuổi đến tận
sông Áp Lục, nằm trên biên giới Triều Tiên - Trung Quốc.
Đầu tháng 10/1950, các lực lượng Liên Hiệp Quốc vượt qua biên giới tiến vào
Triều Tiên. Quân Đoàn 10 của Mỹ đổ bộ lên Wonsan và Iwon, hai nơi quân Đại Hàn
đã tấn công chiếm được trước đó. Các lực lượng còn lại của Mỹ sát cánh với
quân Đại Hàn tiến quân theo phía bờ tây của Triều Tiên, chiếm được Bình Nhưỡng
ngày 19/10 và đến cuối tháng, 135,000 binh lính Triều Tiên đã bị quân Liên
Hiệp Quốc bắt làm tù binh.
Tuy nhiên, Trung cộng đã xua quân vượt sông Áp Lục và phản công quân LHQ.
Trước đó, TT Truman đã cảnh báo MacArthur không nên khiêu khích Trung cộng
nhưng ông tự tin Bắc Kinh sẽ không can thiệp, dẫn đến thất bại sau đó. Tức
giận trước việc Trung cộng tham chiến, Tướng MacArthur vẫn tiếp tục đem quân
sang bên kia sông Áp Lục, mở chiến dịch không kích các mục tiêu quân sự tại
Trung cộng. Tướng MacArthur muốn không kích vào khu vực Mãn Châu và từ biển
Nhật Bản đến Hoàng Hải,… TT Truman lo ngại chiến dịch của Tướng MacArthur có
thể châm ngòi cho Đệ Tam Thế Chiến vì vậy TT Truman quyết định tước chức tư
lệnh của ông vào tháng 4/1951, dân Mỹ bị bất bình và phản đối dữ dội lên Quốc
Hội Hoa Kỳ. Nhưng với tinh thần người lính
“thi hành trước, khiếu nại sau” nên Tướng MacArthur phải tuân hành mệnh
lệnh.
Trên đường từ Triều Tiên ghé lại Nhật và trở về cố hương sau khi bị TT Truman
triệu hồi, cuộc chia tay cuối cùng giữa Nhật Hoàng và người dân như đã đề cập
ở trên là điều không thể nào ngờ với vị Tướng xuất chúng, tài ba nhưng bị thất
sủng.
MacArthur trở về thủ đô Washington, ông xuất hiện trước công chúng lần cuối
cùng trong bài diễn văn chia tay bị gián đoạn với 30 lần hoan hô nhiệt liệt
trước Quốc Hội Hoa Kỳ. Trong lời cuối kết thúc diễn văn, ông nhắc lại lời bài
hát đã có từ trước:
“Những người lính già không bao giờ chết; họ chỉ mờ nhạt dần. Và giống như
người lính già của bài hát đó, bây giờ tôi đóng lại đời binh nghiệp của tôi
và mờ nhạt dần — một người lính già đã cố sức mình làm tròn bổn phận của
mình khi Thượng đế ban cho tôi ánh sáng để tôi thấy được bổn phận đó. Xin
tạm biệt.”
Câu nói
“Những người lính già không bao giờ chết; họ chỉ mờ nhạt dần” trở thành
danh ngôn của vị Tướng xuất chúng còn mãi lưu truyền.
MacArthur là danh tướng lẫy lừng nhưng bị cách chức trong chiến trận như mũi
dao đâm thẳng vào trái tim!
Dư luận cho rằng cuộc điều tra vào năm 1952 trong việc cách chức danh tướng
của Ủy Ban Thượng Viện Hoa Kỳ do Richard Brevard Russell, Jr. làm chủ tịch
cũng có mục đích chính trị vì nếu “ứng cử viên tổng thống” MacArthur
cho một cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc sẽ dễ thành công. Trong hồi ký
Reminiscences, MacArthur luôn nói rằng ông không có những tham vọng về chính
trị.
Trên chính trường Hoa Kỳ có những điều thường hay xảy ra và không bao giờ ngờ
tới!
Tướng MacCathur mất ngày 5/4/1964 tại Quân Y Viện Walter Reed ở tuổi 84. Ngày
7/4, linh cữu vị danh tướng được chuyển đến đồi Capitol ở Washington trong
nghi thức quốc tang với sự tham dự của hơn 150,000 người và được an táng tại
khu tưởng niệm Douglas MacArthur ở Norfolk, tiểu bang Virginia.
Để tỏ lòng biết ơn, năm 1965, chính phủ Nhật tặng cho thủ đô Washington 3,800
cây anh đào trồng phủ kín xung quanh bờ hồ Tidal Basin, để hàng năm vào cuối
tháng 3, hai thủ đô Tokyo và thủ đô Washington cùng bước vào mùa hoa anh đào,
hàng triệu người đổ về, rạng rỡ đi dưới những tán hoa tươi thắm xóa đi nỗi đau
chiến tranh tàn khốc giữa hai dân tộc Nhật-Mỹ.
Ngày 27/12/2016, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu tại Trân Châu
Cảng. Bài phát biểu rất chân tình và cảm động. Nhìn nhận lỗi lầm của Nhật
trong chiến tranh và biết ơn Mỹ không mang thù hận mà xây dựng lại nước Nhật.
Trích:
“Giờ đây, tôi đang đứng ở Trân Châu Cảng, Pearl Harbor, với tư cách là Thủ
Tướng Nhật Bản. Khi lắng tai nghe, tôi có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ bờ và
trở lại ngoài khơi. Mặt vịnh xanh và yên bình được chiếu sáng bởi ánh nắng
mềm mại tỏa xuống từ mặt trời. Phía sau tôi, trên biển kia là khu tưởng niệm
Arizona (Arizona Memorial) màu trắng…
Giờ đây, đã 75 năm trôi qua, dưới con tàu Arizona nằm nghiêng dưới đáy biển
sâu vẫn còn rất nhiều binh sĩ đang yên nghỉ. Khi lắng tai nghe với tất cả
lòng mình, tôi nghe thấy tiếng của những người lính cùng với âm thanh của
gió và của sóng.
(Ghi chú: Con tàu Arizona là thiết giáp hạm USS Arizona (BB-39) của Hải Quân
Hoa Kỳ hạ thủy vào ngày 19/6/1915. Arizona trang bị trang bị vũ khí hùng hậu
với các dàn pháo và hai ống phóng ngư lôi. Ngày 7/12/1941 phi cơ Nhật tấn
công vào Hạm Đội Thái Bình Dương, phá hủy con tàu làm thiệt mạng 1.177 người
trong tổng số 1.400 thành viên thủy thủ đoàn).
… Khi nghĩ đến sự thật nghiêm trọng ấy và cảm nhận sâu sắc nó, tôi đã không
thể thốt nên lời. Hỡi những linh hồn, xin hãy ngủ yên! Tôi, với tư cách là
đại diện cho quốc dân Nhật Bản đã thả hoa xuống biển nơi những người lính
đang an nghỉ với cả tấm lòng thành.
… Tôi, với tư cách là Thủ Tướng Nhật Bản, xin được gửi lời chia buồn chân
thành mãi mãi tới linh hồn của những người đã bỏ mạng ở mảnh đất này, tới
tất cả những người dũng cảm đã bỏ mạng bởi cuộc chiến tranh bắt đầu từ đây
và cả linh hồn của vô số người dân vô tội đã trở thành nạn nhân của cuộc
chiến tranh.
… Khi chiến tranh kết thúc, lúc Nhật Bản trở thành cánh đồng cháy trụi mênh
mông và khổ sở trong tận cùng của nghèo đói, người đã không hề ngần ngại gửi
đến thức ăn, quần áo là nước Mỹ và quốc dân Mỹ.
Nhờ những tấm áo ấm và sữa mà quý vị gửi đến mà người Nhật đã giữ được sinh
mệnh tới tương lai. Và rồi nước Mỹ cũng đã mở cho Nhật Bản con đường trở lại
cộng đồng quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của nước Mỹ, chúng tôi, với tư cách là
một thành viên của thế giới tự do đã được hưởng thụ hòa bình và sự phồn
vinh.
Tấm lòng khoan dung rộng lớn, sự giúp đỡ và thành ý như thế của quý vị đối
với người Nhật chúng tôi, những người đã từng đối đầu quyết liệt như kẻ địch
đã khắc sâu trong lòng ông bà, bố mẹ chúng tôi.
… Nhật-Mỹ, hai nước đã bỏ đi sự thù hận và nuôi dưỡng tình bạn, sự tin cậy
dưới những giá trị chung lúc này có nghĩa vụ phải tiếp tục nói với thế giới
về tầm quan trọng của khoan dung và sức mạnh của hòa giải...”
(Nghĩ đến con người xứ người mà tủi nhục cho con người của đất nước chúng ta
sau cuộc chiến!)
Shinzo Abe, người con ưu tú xứ sở Phù Tang
Ông Shinzo Abe là Thủ Tướng lâu nhất của nước Nhật, trong thời gian cầm quyền
Thủ Tướng, Shinzo Abe đã hai lần từ chức vì lý do sức khỏe (2006 & 2007,
2012-2020). Với đức tính của vị lãnh đạo đất nước, ông cương quyết theo đuổi
chính sách, đường lối đã hoạch định nhưng uyển chuyển, tế nhị để gây hòa khí
với nhau nên gây được cảm tình trên chính trường.
Ngày 8/7/2022, người dân Nhật bàng hoàng, xúc động khi nghe tin cựu Thủ Tướng
Shinzo Abe Abe bị ám sát khi đang có bài phát biểu trong một chiến dịch tranh
cử ở Nara, miền nam Nhật Bản.
Thủ Tướng Abe sinh ngày 21/9/1954 trong một gia đình có truyền thống chính trị
nổi tiếng tại Nhật Bản. Ông nội Kishi Nobusuke từng là Thủ Tướng Nhật Bản giai
đoạn 1957-1960. Chú của ông là Sato Eisaku cũng từng giữ chức vụ này từ 1964
tới 1972.
Năm 1977, sau khi tốt nghiệp đại học Seike ở Tokyo, ông theo học cao học ngành
khoa học chính trị tại UCLA (University of California, Los Angeles). Năm 1979,
ông trở về Nhật Bản, tham gia đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) và được bầu vào Hạ Viện
Nhật Bản năm 1993, từ đó sự nghiệp chính trị của ông tiếp tục trên chính
trường đất nước nầy.
Khi trở lại với cương vị Thủ Tướng, ông Shinzo Abe thực hiện chính sách đối
nội và đối ngoại quyết liệt hơn, nhằm “hồi sinh” Nhật Bản sau thời gian dài
trì trệ về kinh tế.
Về đối ngoại, Thủ Tướng Abe áp dụng đường lối cứng rắn với Triều Tiên, ủng hộ
các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên sau khi nước này thử
nguyên tử và áp dụng biện pháp trừng phạt, trong đó có lệnh cấm tất cả tàu
Triều Tiên cập cảng Nhật Bản.
Với Trung Cộng và Đài Loan, Nhật ủng hộ Đài Loan và đã nhiều lần đối đầu Trung
Cộng trong âm mưu “Một vành đai, một con đường” của Tập Cận Bình trên Thái Bình Dương.
Với Hàn Quốc, bóng ma trong quá khứ vẫn còn ám ảnh nạn nhân khi Nhật chiếm
đóng. Tháng 12/2015, Tokyo và Seoul đạt thỏa thuận song phương về vấn đề “phụ
nữ mua vui” làm nền tảng cho quan hệ Hàn-Nhật nhưng sau đó mối quan hệ song
phương xuống mức thấp. Thủ Tướng Abe với các sáng kiến trao đổi văn hóa, giáo
dục và kinh tế để hàn gắn vết thương trong quá khứ.
Với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, với đường lối ngoại giao mềm mỏng và chân
tình của ông về thương mại để xuất nhập cảng sau thời gian Nhật Bản suy thoái
kinh tế…
Chính sách đối ngoại của Thủ Tướng Abe đã được đánh giá theo Viện Nghiên Cứu Lowy
của Úc, cho rằng Nhật Bản “là lãnh đạo về trật tự tự do của châu Á”. Viện
Nghiên Cứu Đông Nam Á (Institute of Southeast Asian Studies) năm 2020 đánh giá
Nhật Bản là quốc gia đáng tin cậy nhất trong khu vực.
Về đối nội, Thủ Tướng Abe cũng tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự cho Nhật
Bản bằng cách thúc đẩy sửa đổi hiến pháp, hợp tác với các quốc gia khác ở châu
Á để đối phó với Trung Cộng tranh chấp trên biển và với Bắc Triều Tiên đe dọa
vũ khí nguyên tử.
Chương trình Abenomics của Thủ Tướng Abe với chính sách tiền tệ, chính sách
tài khóa và tăng trưởng kinh tế để khuyến khích đầu tư tư nhân. Chính sách
kích thích tài chánh nhằm giảm lạm phát, điều chỉnh lại sự nâng giá quá mức
của yên Nhật, xây dựng trái phiếu chính phủ bởi ngân hàng Nhật Bản, sửa đổi
lại đạo luật ngân hàng Nhật Bản… Quá trình thực hiện rất khó khăn, gây phản
ứng cùa thành phần đối lập nhưng dần dà đã thực hiện được kế hoạch.
Hỗ trợ kích thích kinh tế được chính phủ Nhật Bản sử dụng từ năm 2013, trị giá
20.2 nghìn tỷ yên (tỷ giá một đô la khoảng 125 yên - JPY - vào thập niên
2010), trong đó có 10.3 nghìn tỷ yên xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng (cầu,
đường hầm và đường chống động đất). Nhật Bản công bố thêm ngân khoản kích
thích 5.5 nghìn tỷ yên vào tháng 4/2014 và ngân khoản kích thích trị giá 3.5
nghìn tỷ yên sau cuộc bầu cử tháng 12/2014. Giai đoạn 2015 - 2017, do kinh tế
phục hồi chưa được như kỳ vọng nên Nhật Bản tiếp tục duy trì thâm hụt ngân
sách và tiếp tục thực hiện các ngân khoản kích thích.
Tháng 8/2016, chính phủ Nhật Bản thông qua ngân khoản kích thích trị giá
28,100 tỷ yên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội; Tháng
10/2016, chính phủ Nhật Bản phê chuẩn ngân khoản kích thích thứ hai trong năm
2016 trị giá hơn 4,000 tỷ yên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu đầu
tư và tiêu dùng; Tháng 3/2017, Quốc Hội Nhật Bản thông qua ngân sách cho năm
tài khóa 2017 trị giá 97,400 nghìn tỷ yên với mục tiêu tiếp tục tăng chi tiêu
cho an sinh xã hội, quốc phòng và những lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau 5 năm (2013-1018) kể từ khi Thủ Tướng Abe lên nắm quyền và thực thi chính
sách Abenomics, nền kinh tế Nhật Bản đã trở nên mạnh hơn nhưng vẫn chưa hoàn
thành như ý muốn và vẫn còn những thách thức phía trước… Trong thời gian năm
2019, 2020 nạn dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới, các nước trong cơn khủng
hoảng vì lo đối phó với nạn dịch, phải ngăn ngừa bệnh dịch lây lan… phải “bế
quan tỏa cảng” nên Nhật cũng rơi vào quỹ đạo nầy, kế hoạch Abenomics bị trì
trệ.
Đối với nền kinh tế Nhật Bản, dù tỷ lệ nợ công ở mức trên 200% GDP, nhưng vẫn
được đánh giá là nền kinh tế ổn định. Phần lớn nợ công của Nhật Bản thuộc về
tay chủ nợ nội địa (các công ty trong nước và người dân Nhật Bản nổi tiếng về
tiết kiệm trên thế giới). Chẳng hạn Mỹ có nợ công khoảng 30,000 tỷ đô la nhưng
vẫn là cường quốc kinh tế số một trên thế giới.
Điều quan trọng, với ngân khoản của chính phủ bỏ ra hỗ trợ lớn lao như vậy của
chính quyền được tin tưởng vì không xảy ra tình trạng tham những, bè phái, đặc
quyền đặc lợi cho tham quan. Đó là vết son cho đất nước này. Với Việt Nam, “đi
với ma mặc áo giấy” nên chương trình ODA (Official Development Assistance) lãi
suất thấp, một phần viện trợ, thời hạn cho vay lâu dài để xây dựng hạ tầng cơ
sở… đã xảy ra những trò hối lộ, tham những… khi giới truyền thông phanh phiu,
những tay dính chàm của Nhật bị trị thẳng tay nhưng ở Việt Nam vẫn “bình chân
như vại”.
Cố Thủ Tướng Shinzo Abe trở về với cát bụi, thi hài của vị lãnh đạo Nhật Bản
được hỏa táng tại nhà tang lễ Kirigaya ở Tokyo.
Sáu thập niên về trước, người Nhật tiễn đưa Sứ Quân MacArthur trở về cố hương,
sáu thập niên sau người Nhật vĩnh biệt cố Thủ Tướng Shinzo Abe trong niềm
thương tiếc.
Little Saigon 7/2022
Vương Trùng Dương
Post a Comment