Vương Trùng Dương
Lởi Tác Giả: Bài viết về Hoàng Nguyên vào năm 1998 trên tờ Thế Giới
Nghệ Thuật khi tôi làm Tổng Thư Ký nguyệt san này. Sau đó đã đăng trong
quyển Văn Nhân & Tình Sử, ấn hành năm 2015. Bài viết lúc đó chưa sưu tầm
trên internet nên dựa vào bài viết của Lâm Tường Dũ trong quyển Tình Sử Nhạc
Khúc, bài viết của Nguyễn Đức Quang và vài bạn ở Phan Thiết. Sau nầy có vài
bài viết về cuộc tình của Hoàng Nguyên ở Côn Đảo và Phan Thiết trùng hợp
trong bài viết nầy.
Nay vào Hè 2022, Nam California, nở rộ hoa phượng tím, nhớ ca khúc Tà Áo Tím
của Hoàng Nguyên, và cũng vào thời điểm nầy, tháng 7 năm 1971, nhạc sĩ Hoàng
Nguyên và tôi theo học Khóa III Trung Cấp tại Trường ĐH. CTCT Đà Lạt. Trong
3 tháng quân trường, chúng tôi ở chung phòng với nhau, thân nhau và có nhiều
kỷ niệm. Nửa thế kỷ trôi qua, kẻ ra đi, người còn lại nên đăng đăng lại để
lưu niệm - VTrD
Đà Lạt được mệnh danh thành phố ngàn hoa, nơi đó, có nhiều loài hoa chỉ thích
hợp với khí hậu lành lạnh của cao nguyên. Giữa khung trời ngàn hoa, có loài
hoa được viết thành ca khúc - Hoa Anh Đào - trở thành hình ảnh quen thuộc,
tiêu biểu, gợi tình, gợi nhớ cho phố núi mù sương, thơ mộng được vang vọng cho
cả bốn mùa nhờ dòng nhạc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.
Nói đến Hoàng Nguyên, mọi người đều liên tưởng đến hai nhạc phẩm một thời yêu
thương, vang bóng: Ai Lên Xứ Hoa Đào & Bài Thơ Hoa Đào. Và, ngược lại, nói
đến Đà Lạt cùng hoa anh đào, chúng ta gợi nhớ hình ảnh nhạc sĩ Hoàng
Nguyên.
Thả hồn trong ca khúc, lãng đãng, mờ ảo với khói sương, với màu hoa, với mây
trời... giữa chốn trần tục được thăng hoa qua lời ca tiếng nhạc, như lạc bước
vào chốn bồng lai.
Với ca khúc Ai Lên Xứ Hoa Đào, bắt gặp hình ảnh:
“Ai lên xứ Hoa Đào, dừng chân bước lần theo đường hoa.
Hoa bay đến muôn người, ngại ngần rồi hoa theo chân ai,
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa, lặng bước trong lãng quên...”
Với tâm hồn lữ khách mộng mơ, trữ tình... ru hồn vào cõi mộng cùng bóng dáng
giai nhân như tơ vương mây trời giăng mắc trong Bài Thơ Hoa Đào:
“Ngày nào dừng chân phiêu lãng, khách tới đây khi hoa đào vương lối
đi.
Màu hoa in dáng trời, tình hoa lưu luyến người,
Bồi hồi lòng lữ khách thấy cơi vơi...
... Giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần
Tóc mây buông lơi tha thiết bên hồ.
Đợi tình quân đến trong giấc mơ...”.
oOo
Hoàng Nguyên, tên thật là Cao Cự Phúc, sinh năm 1930 tại xã Diễn Bình, Diễn
Châu, Nghệ An. Trên giấy tờ ghi sinh ngày 03 tháng 1 năm 1932 tại Quảng Trị.
Lúc nhỏ, theo học tại một ngôi trường ở quê nhà.
Cũng như nhiều thanh niên trong thời kỳ khánh chiến, năm 1948, Cao Cự Phúc
tham gia trong đoàn Văn Công của Việt Minh, lấy bút hiệu Hoàng Nguyên. Ca khúc
Anh Đi Mai Về được xem là sáng tác đầu tay trong thời gian cuối thập niên 40
đã được phổ biến và trở thành quen thuộc:
“Nếu hiểu rằng anh đi vì lũ giặc tham tàn
Thì em ơi! Em chớ sầu thương chi
Em thấy chăng khói súng của giặc thù
Còn mịt mù và còn che khuất mờ...”
Vào đầu thập niên 1950, đụng chạm thực tế phủ phàng, ngán ngẫm con đường kháng
chiến nên thoát ly và theo cha vào Quảng Trị rồi theo học tại Trường Quốc Học
Huế.
Sau năm 1954 giã từ miền sông Hương núi Ngự, chàng trai trẻ chu du vào thành
phố mù sương. Mang tâm hồn nghệ sĩ, Hoàng Nguyên có năng khiếu về hội họa và
âm nhạc như Văn Cao. Và, nhà giáo mang tâm hồn lãng mạn, say mê hình ảnh theo
truyền thuyết hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu vào dịp tết Đoan Ngọ lạc chốn
thiên thai với thiên nhiên, mây ngàn gió núi, tiếng thông reo, suối gọi như
tiếng nhạc quyện hồn cùng hình ảnh tiên nữ, ca khúc Đường Nào Lên Thiên Thai
xuất hiện cùng với bước chân lãng du chàng phiêu bạt trong nỗi mê hoặc, bị cám
dỗ ở tâm hồn nghệ sĩ bởi phù hợp với khung cảnh trữ tình làm thành ca khúc,
say đắm khán thính giả thành phố mù sương:
“Cầm tay em, anh hỏi: đường nào lên thiên thai, đường nào lên thiên
thai...
Nơi hoa xuân không hề tàn
Nơi bướm xuân không hề nhạt
Nơi tình xuân không úa màu bao giờ...”
Rồi, nơi đó, tâm trạng hoài nghi, niềm khắc khoải, ưu tư được tỏ bày:
“Anh nào biết đường lên thiên thai!
Khi trời đất còn vương thương đau
Khi hồn anh chưa biết sẽ về đâu?
Anh nào biết đường lên thiên thai
Khi lòng còn như băng buốt giá
Và tình còn e ấp nói không nên lời...”
Dáng người dong dỏng cao, mái tóc chải bồng bềnh, nhà giáo, nhạc sĩ bước vào
tuổi đôi mươi, tay ôm cây đàn guitar, giọng hát trầm buồn, điểm chút phong
trần, lãng tử trông tựa bức tranh The Guitarist của Picasco, trở thành thần
tượng cho bao kiều nữ yêu văn nghệ và, vô hình chung gợi lại quá khứ thành
phần đáng “lưu ý” của chính quyền địa phương.
Hoàng Nguyên dạy học tại trường tư thục Tuệ Quang, thuộc chùa Linh Quang, khu
số 4 Đà Lạt, Thượng tọa Thích Thiện Tấn (anh ruột thầy Nhất Hạnh) làm Hiệu
trưởng. Nhà giáo Cao Cự Phúc dạy Việt văn lớp đệ lục, thầy Nhất Hạnh dạy Việt
văn lớp đệ thất. Tên tuổi hai nhà giáo như một hấp lực, lôi cuốn học sinh đến
trường Tuệ Quang.
Chẳng được bao lâu, sóng gió cuộc đời nổi dậy, năm 1956, trong một trận
lùng bắt ở Đà Lạt, trường Tuệ Quang có nhiều nhà giáo bị bắt như Lý Quốc Việt,
giáo sư Toán Lý Hóa, Nguyễn Hữu Chỉnh, giáo sư Pháp văn... vì hoạt động đảng
phái (Đại Việt) và Cao Cự Phúc vì có tham gia trong phong trào “kháng chiến”
chống Pháp, bản nhạc Anh Đi Mai Về mang chứng tích cho bước đường sinh hoạt
văn nghệ của tác giả ở Liên Khu Bốn (Thanh Nghệ Tĩnh). Hoàng Thi Thơ ở Sài Gòn
phối hợp cùng Hoàng Nguyên, tổ chức đại nhạc hội tại Đà Lạt. Đêm đó có truyền
đơn phản động đã rải bên ngoài. Trưởng ty Công an Cảnh Sát Phạm Trọng Lý (cha
ghẻ nữ ca sĩ được thành danh trong mấy thập niên qua) đã có thành kiến với
Hoàng Nguyên, nhân cơ hội nầy, quy kết đầu mối có bàn tay của “đối tượng” nên
đem nhân viên công lực đến nhà khám xét. Chẳng may, bắt gặp được nhiều bản
nhạc tiền chiến, có cả bản “Tiến Quân Ca” của Văn Cao, nhạc phẩm đó Hoàng
Nguyên rất ái mộ. Văn Cao đã nổi danh với ca khúc Thiên Thai. Dưới mắt quan
chức thẩm quyền, đứng đầu là Trung tá Tỉnh trưởng, nhạc phẩm Đường Nào Lên
Thiên Thai có phần ủy mị, yếm thế, ru ngủ tuổi trẻ và ông cho rằng, người sáng
tác nhạc phẩm nầy mơ về một thiên đường không tưởng, vẫn còn đi theo con đường
của văn nghệ sĩ bên kia vỹ tuyến... Hoàng Nguyên bị bắt và đày ra Côn Đảo
trong năm đó.
“... Ở Côn Sơn, thiên tình sử của người nghệ sĩ Hoàng Nguyên mở đầu với cảnh
tình éo le và tan tác. Là một tài hoa đa dạng, người tù Hoàng Nguyên được vị
Chỉ Huy Trưởng đảo Côn Sơn mến chuộng nên đã đưa chàng ta về tư thất dạy Nhạc
và Việt văn cho ái nữ ông, tên H. năm đó khoảng 19 tuổi... Mối tình hai người
nhóm lên vũ bảo. Trăng ngàn sóng biển đã là môi trường cho tình yêu ngang trái
nầy nẩy nở. Chợt khi người con gái của Chúa Đảo mang thai. Mối tình hai nhịp so le bị phát
giác. Để giữ thể thống cho gia đình. Vị Chúa Đảo giữ kín chuyện nầy và chỉ bảo
riêng với người gây ra tai họa là nhạc sĩ Hoàng Nguyên: ông ta đòi hỏi Hoàng
Nguyên phải hợp thức hóa chuyện lứa đôi của hai người với điều kiện vận động
cho người nhạc sĩ được trả tự do...” (Lâm Tường Dũ - Tình Sử Nhạc Khúc).
Đứng trước hoàn cảnh tiến thối lưỡng nan, Hoàng Nguyên phải hứa để đáp ứng
điều kiện nhằm gỡ danh dự cho gia đình vị chúa Đảo.
Hoàng Nguyên được trả tự do, trở về Sài Gòn, lên Đà Lạt thăm lại trường cũ. Dù
rất yêu thích thành phố cao nguyên, song cuộc sống không được thoải mái nên
chàng trai về ở Sài Gòn. Tuy đã hứa và “Đây là mối tình lớn của người nghệ sĩ.
Nhưng cánh chim bằng yêu chuộng tự do và nghệ thuật, Hoàng Nguyên không dám
trở lại hải đảo để làm rể ở một nơi rất thiếu tình người, quanh năm suốt tháng
khô cằn với sinh hoạt hẹp hòi của những người áo xanh... Chàng đành làm cánh
chim bay không bao giờ trở lại” (LTD - TSNK).
Mối tình ngang trái nầy thấp
thoáng trong tác phẩm “La Chartreuse de Parme” của văn hào Pháp Stendhal, nàng
Clélia Conti, con gái trấn thủ ngục thành Parme, đẹp, quyến rũ, ngất ngây bao
con tim, cả chàng văn sĩ, định mệnh trớ trêu, chỉ còn lại ảo ảnh, ngang trái
và bi thương.
Ở Sài Gòn, Hoàng Nguyên vừa tiếp tục con đường văn nghệ vừa dạy học ở trường
tư thục Quốc Anh, vừa tìm cách tiến thân trên con đường học vấn. Hoàng Nguyên
theo học tại đại học Sài Gòn, tốt nghiệp Cử nhân Anh văn. Thời gian theo học
đại học, Hoàng Nguyên được sự bảo bọc của Ông Bà Phạm Ngọc Thìn, Thị trưởng Phan
Thiết, tư thất ở Sài Gòn. Phu nhân Phạm Ngọc Thìn là nữ tài tử Huỳnh Khanh cảm
mến tài nghệ và tính tình của Hoàng Nguyên nên nhận làm em nuôi, nhân tiện dạy
kèm con gái của ông bà là cô Ngọc Thuận. Ngọc Thuận là một thiếu nữ đài các,
tâm hồn lãng mạn, làm thơ, viết văn, viết báo... dười bút hiệu Trưng Liệt
Dung.
Hoàng Nguyên khởi đầu là em nuôi của gia đình Ông Bà Phạm Ngọc Thìn để dạy cho ái
nữ, dần dà hai tâm hồn thầy trò đa cảm gặp nhau, Hoàng Nguyên yêu đắm đuối cô
con gái ông Phạm Ngọc Thìn và cuối cùng trở thành rể của gia đình ân nhân
trên. Nhạc khúc Thuở Ấy Yêu Nhau ra đời trong khoảng thời gian nầy:
“Thuở ấy yêu nhau anh làm thơ
Thuở ấy yêu nhau em đợi chờ,
Dòng nước Hương Giang trôi lặng lờ
Chưa biết chi giận hờn và chưa biết sầu mộng mơ...
... Và người lên xe hoa
Từ giã bến sông dài!
Để đến hôm nay tôi ngồi đây
Lặng ngắm hoa soan rơi rụng đầy. Người ơi, thơ ngây đã lỡ rồi
Khi ta xa nhau rồi, tôi xin chép lại vần thơ”.
Ca khúc bày tỏ nỗi niềm của chàng nhạc sĩ với người con gái đã có đứa con với
chàng ở Côn Sơn, được gia đình đưa về sinh sống bên dòng Hương Giang. Chàng đã
bắt được liên lạc với nàng nhưng nàng đã chịu đắng cay với niềm đau phụ tình
nên không thể hàn gắn mối tình mang đậm vết thương. Nàng tạo lập cuộc đời mới
với người đàn ông khác.
Trở lại Sài Gòn, Hoàng Nguyên chấp nhận Ngọc Thuận làm vợ. Và, chàng dù biết
qua bằng hữu về tính “lãng mạn, đa tình” của người vợ nhưng định mệnh mang đến
hệ lụy và oan nghiệt trớ trêu với cuộc đời, đành chấp nhận. Thiên tình sử xảy
ra giữa chàng nhạc sĩ và nhà báo, tác giả TSNK và cũng là tác giả “tác phẩm
bằng xương bằng thịt” với người tình, rồi nhường tác quyền cho chàng nhạc sĩ
trông nom.
Thế nhưng, Ngọc Thuận lại rất ghen tuông. Khi biết được ẩn tình của ca khúc
Thuở Ấy Yêu Nhau, nàng đã tức giận, đốt nhiều sáng tác viết tay của Hoàng
Nguyên, không muốn người chồng bị cắm sừng còn vướng mắc hình ảnh người tình
xưa cũ nào trong cung đàn nét nhạc.
Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Khóa 19 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra
trường được thuyên chuyển về Cục Quân Cụ, dưới quyền của đại tá nhạc sĩ Anh
Việt Trần Văn Trọng, Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội.
Năm 1945, nhạc sĩ Anh Việt tham gia kháng chiến chống Pháp, năm 1950, ông bỏ
chiến khu về quê nhà Rạch Giá, tháng 10 năm 1951 nhập ngũ vào Khóa I Thủ Đức.
Vì vậy nhạc sĩ Anh Việt cảm thông hoàn cảnh của ông và Hoàng Nguyên giống nhau
nên ban nhạc Hương Thời Gian của Anh Việt giao cho Hoàng Nguyên làm trưởng
ban, phần kỹ thuật và hòa âm do Nguyễn Hậu (em ruột của Nguyễn Hiền) đảm nhận.
Hương Thời Gian xuất hiện trên đài truyền hình & Tiếng Thời Gian trên đài
truyền thanh ở Sài Gòn đã thu hút khá đông thính giả mộ điệu.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, năm 1956, thân phụ của anh đổi ra Côn Đảo làm
Trưởng ty Tiểu Học, lúc đó Côn Đảo còn là vùng đất biệt lập, chỉ có trường
tiểu học từ lớp Năm đến lớp Nhất. Nguyễn Đức Quang vừa đậu xong bằng tiểu học
nên không có lớp học, ở nhà học đàn mandoline, ông cụ cho biết trong nhà tù
mới có một nhạc sĩ nên muốn xin về dạy kèm âm nhạc cho anh. Trong lúc
chờ đợi thủ tục thì có chuyến tàu Hải Quân, Nguyễn Đức Quang dọt lên tàu về
Sài Gòn, chưa gặp mặt thầy Hoàng Nguyên.
Những năm đầu thập niên 60, Nguyễn
Đức Quang học tại trường trung học Trần Hưng Đạo và đảm nhận Trưởng ban Văn
Nghệ. Hoàng Nguyên về dạy ở trường Việt Anh và giữ luôn chức vụ Trưởng ban văn
nghệ của trường, đôi lần có sinh hoạt văn nghệ chung với nhau nhưng chưa thân
quen. Và, trong một ngày đẹp trời ở Sài Gòn, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu mời Hoàng
Nguyên tới thăm anh em trong phong trào Du Ca, gặp nhau, nhắc lại tháng ngày ở
Đà Lạt, nơi chốn có nhiều kỷ niệm... Từ đó, Hoàng Nguyên và Nguyễn Đức Quang
thân nhau.
Đầu thập niên 70, Đại Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội lần thứ I, Hoàng Nguyên đảm
nhận Ủy viên ngành Nhạc. Đại hội lần thứ II, Nguyễn Đức Quang (Sĩ quan phục vụ
ở Cục Chính Huấn) tuy không có mặt nhưng Hoàng Nguyên đã đề cử anh đảm nhận
cương vị nầy. Mối giao tình giữa anh em với nhau với nhiều hứa hẹn trong tương
lai thì bị cắt đứt.
Tai nạn xảy ra vào ngày 21 tháng 8 năm 1973 tại cầu Rạch Hào bắc ngang sông Cỏ
May nên còn gọi là cầu Cỏ May, giữa Bà Rịa và Vũng Tàu, đưa Hoàng Nguyên vào
cõi thiên thu. Cũng nơi nầy, trước đó, có ba cô gái (trong đó có con gái ông
Nguyễn Đình Quát) lái xe hơi đâm vào thành cầu, tử nạn. Định mệnh lại an bày,
tai nạn thảm khốc đó lại xảy đến cho Hoàng Nguyên. Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra
đi vào cõi miên viễn lúc vừa 40, được chôn cất ở nghĩa trang đô thành, để lại
vợ và 3 con. Theo lời dân gian, cây cầu nầy rất linh và xảy ra nhiều tai nạn
và tự tử ở đây.
Năm 1973, nhóm thân hữu Hoàng Nguyên gồm nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Anh Việt, Lê
Trọng Nguyễn, Lan Đài cho xuất bản tuyển tập nhạc của nhóm thân hữu nói trên
để phổ biến, lấy tiền xây mộ bia cho Hoàng Nguyên.
Hoàng Nguyên sáng tác rất nhiều nhạc phẩm, đã một thời vang vọng, nét nhạc lời
ca nhẹ nhàng, duyên dáng, trữ tình, đam mê... vương vấn đau thương.
Nhạc khúc Tà Áo Tím đã làm sống dậy hình ảnh yêu kiều, thướt tha của chốn thần
kinh bên dòng sông Hương, núi Ngự:
“Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi gặp một tà áo tím
Nhẹ thấp thoáng trong nắng hương
Màu áo tím sao luyến thương
Màu áo tím sao vấn vương...
... Mặc thời gian dìu đôi cánh biết
Mặc dòng sông dịu nghiêng luyến tiếc
Mặc chiều thu buồn như hối tiếc...
Tôi mơ màu áo, ước mong sao áo màu khép kín tin nhau...
... Người áo tím qua cầu, và áo tím phai mầu
Để dòng Hương Giang hờ hững cuốn nơi nào!”. (*)
Trong ca khúc Cho Người Tình Lỡ, tỏ bày tâm trạng của người nghệ sĩ cho cuộc
tình ngang trái, lỡ làng:
“Anh giờ đây như là chim
Rã rời cánh, biết bay phương trời nao!
Em giờ đây như cành hoa
Cho tả tơi đong đưa ngọn gió nào...
Thế là hết nước trôi qua cầu
Đã chìm sâu những tháng ngày đam mê,
Thôi đành quên những thương yêu đầu
Như là yêu, với nay đã quá xa!.”
Niềm cay đắng, bi thương đó, cùng với sự nuối tiếc để trang trải, tha thứ cho
nhau, thấp thoáng trong tình khúc Đừng Trách Gì Nhau:
“Ôi! trời làm giông tố,
Để người thầm trách người sao hững hờ khôn nguôi.
Ôi! nửa đời gió sương
Mà còn đắng cay, mà còn chua xót vì nhau...
... Oán trách nhau chi, bơ vơ nhiều rồi, xót xa nhiều rồi”.
Khi khoác áo chiến y, Hoàng Nguyên sáng tác nhiều nhạc phẩm về hình ảnh người
chiến sĩ, tình ca Lá Rụng Ven Sông là một trong những bản tango hay nhất vào
thập niên 60 & 70:
“Thương ai ngoài sương gió
Đời lính chiến gian lao
Đêm đêm nhìn tay súng
Lòng nghĩ tới mai sau
Thương ai vì sông núi
Mà khoác áo chinh y
Thương ai vẫn thương ai.
Thương ai, đã thương ai rồi
Dù tháng năm dần trôi
Dù lá hoa tàn phai
Lòng nầy vẫn nhớ thương ai...”
Trong chinh chiến, người chiến binh vẫn mang nặng tình cảm chan chứa, lãng mạn
giữa cảnh ngăn cách tiền tuyến, hậu phương được gởi gấm trong nhạc phẩm Sao Em
Không Đến:
“Đời tôi từ ngày khoác áo chiến binh
Lên đường, biết rằng lòng nầy đã bớt vấn vương
Chiều nay, lòng chợt thấy nhớ thương em
Thương về mái tóc êm đềm
Buông dài phủ kín hồn anh...”
Tác phẩm đầu tay Anh Đi Mai Về của Hoàng Nguyên trong thời kháng chiến chưa
tạo được tiếng vang nhưng qua những ca khúc viết về Đà Lạt đưa tên tuổi Hoàng
Nguyên đứng cạnh các nhạc sĩ thành danh. Thời gian sinh hoạt văn nghệ ở Sài
Gòn, Hoàng Nguyên phụ trách ban nhạc hòa tấu Hương Thời Gian trên đài Truyền
Hình Việt Nam và chương trình Tiếng Thời Gian trên đài phát thanh Sài Gòn được
khán thính giả rất ái mộ. Qua chương trình này, nhiều ca sĩ được chắp cánh bay
cao.
Trong ca khúc phổ từ thơ của Hoàng Nguyên, thời gặp nhau ở Đà Lạt, hai bài thơ
của Ngô Xuân Hậu được Hoàng Nguyên phổ nhạc như Tượng Đá Trong Sương:
“Tôi còn hóng mưa như em thủa nào
Tôi còn lang thanh những đêm đầy sao
Bây giờ gió sương ôm quanh hồn buồn
Bây giờ gió sương tuôn trong lòng người...”
Bài thơ Đà Lạt Mưa Bay qua dòng nhạc của Hoàng Nguyên rất dễ thương và cũng
quen thuộc nhưng tiếc rằng sau nầy vài trung tâm băng nhạc đã thực hiện mà
không để tên hai tác giả nên bị phôi phai theo thời gian:
“Người đi rồi hai dứa mình ở lại
Đà Lạt buồn trong nắng quái chiều hôm
Sương mù nhiều vãi trên làn tóc rối
Chiếc gối chung đầu, mình kể chuyện đêm đêm...”
oOo
Mùa hè 1971, ba tháng quân trường bên cạnh nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Cả hai, theo
học Khóa III Trung cấp CTCT tại Trường ĐH. CTCT ở Đà Lạt. Anh đảm nhận Ủy viên
Văn Nghệ, tôi phụ trách Ủy viên Báo Chí. Trở lại thành phố mù sương; với anh,
được trở về chốn cũ ở thập niên 50, 60 với tôi sau vài năm xa cách. Cùng chung
căn phòng, anh em chúng tôi thường viện cớ công tác sinh hoạt văn nghệ, báo
chí nên được cơ may ưu đãi, trốn học để la cà, bát phố. Chúng tôi có nhiều dịp
thường ngồi ở Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương cho lãng quên đời. Hình ảnh và tên
tuổi Hoàng Nguyên rất thân quen với Đà Lạt vì vậy khi anh liên lạc để tổ chức
văn nghệ cho khóa, được nhiều bóng hồng đáp ứng. Tính tình, điềm đạm, ít nói,
không thích phê phán, chỉ trích người vắng mặt, anh sống nhiều với nội tâm,
chỉ lắng nghe, ít đả phá. Khi đề cập đến những khuôn mặt nhạc sĩ bạn như Hoàng
Thi Thơ, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Hiền... anh chỉ nhắc
đến những bản nhạc hay của họ được nhiều người ưa thích.
Đối diện quân trường có trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, thời gian liên lạc
cho chương trình văn nghệ anh có “mối giao cảm” với hai cô giáo, trong đó có
Ấu Lăng (em ruột của Bùi Tín). Hoàng Nguyên đã trải qua nhiều nơi nhưng Đà Lạt
như nơi chốn quyện lấy tâm hồn anh. Có lẽ, Thủy Tạ là điểm hẹn hò với “người
trong cuộc” tâm tình với nhau trong nhà kiếng, bằng hữu ngoài cuộc ngồi ngoài
nhìn sương đêm, hồ nước, đọc thơ Vũ Hoàng Chương “lũ chúng tôi lạc loài năm
bảy đứa” để đợi thời gian.
Thuở đó, tôi mê luyện chưởng, nghe nhạc cổ điển và thường kể những mối tình
hoa mộng đầy oái ăm, ngang trái qua ngòi bút của Kim Dung, đôi lúc thấy anh
đăm chiêu với nét buồn nhưng tôi lại nghĩ đó là thái độ lịch sự của nhà giáo.
Một buổi tối, ngồi nhậu ở Câu Lạc Bộ, nghe Dương Hùng Cường đang theo học khóa
Căn Bản CTCT cũng đã say men, nói về cuộc tình đầy bi thương mà Hoàng Nguyên
chấp nhận, tôi mới vỡ lẽ. Thảo nào, những lúc nhìn anh, thoáng hiện nỗi u buồn
xa vắng mênh mông. Tôi hiểu và tôn trọng niềm đau thương, khắc khoải trong anh
như chấp nhận định mệnh oan khiên đành cam chịu như lời Virgile: "La femme est
toujours un être inconstant et changeant" (Đàn bà luôn luôn là người nhẹ dạ và
thay đổi).
Thời gian thấm thoát trôi qua với bao biến thiên tình đời và nhân thế. Giờ
dây, bên bờ đại dương, nhớ lại dĩ vãng xa xưa nơi thành phố mù sương, trong
tình anh em, đêm đêm café tán ngẫu, thân quen với tác giả có bao cuộc tình
ngang trái... thầm lặng và chịu đựng. Tôi nghĩ, trong mỗi ca khúc của nhạc sĩ
Hoàng Nguyên có sự lệ lụy trong tình cảm riêng tư của tác giả, nhưng con người
nghệ sĩ rất kín đáo, sống với nội tâm “sống để trong lòng, chết mang theo”,
khó ai biết được! Với hình ảnh của người thiên cổ, nghe nhạc, nhắc lại
kỷ niệm xa xưa trong nỗi ngậm ngùi như lời ca anh viết “cuộc tình nào không
thương đau anh ơi, đừng trách nhau chi”!
Anh đã ra đi biền biệt nhưng lời ca nét nhạc vẫn còn hiện hữu để lại cho nhân
thế thưởng thức. Tiếc rằng, thời gian qua, nhiều trung tâm sản xuất Cassette,
CD, Video... không tôn trọng nhạc sĩ sáng tác, chỉ để tên ca sĩ, trong đó có
nhiều nhạc phẩm của anh. Trong các tiếng hát đã để lại trong tâm hồn giới
thưởng ngoạn, điển hình như tiếng hát Xuân Thu với Ai Lên Xứ Hoa Đào, Anh Khoa
qua Bài Thơ Hoa Đào, Hà Thanh trong Thuở Ấy Yêu Em, Tà Ao Tím, Jo Marcel với
Lá Rụng Ven Sông... gắn bó với tình ca của Hoàng Nguyên qua năm tháng.
Mong một ngày nào đó, có muôn ngàn cánh Hoa Anh Đào phủ lên mộ anh, tưởng nhớ
người nhạc sĩ tài hoa trong nghệ thuật nhưng gặp bao ngang trái trong cuộc
đời.
Vương Trùng Dương
(*) Sau nầy, tôi được biết ca khúc Tà Áo Tím viết về hình ảnh cô nữ sinh Đồng
Khánh, em gái của vị Tướng trong QLVNCH (lúc đó còn cấp bậc Trung Tá)
Nghe tình khúc Tà Áo Tím với ca sĩ Hà Thanh & Quỳnh Giao
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment