Header Ads

Doris May Lessing (1919-2013) Nữ Văn Hào Anh Lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 2007


Phạm Văn Tuấn

Doris May Lessing là người Anh, nhà văn nữ viết tiểu thuyết, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà viết lời ca opera, nhà văn viết tiểu sử và truyện ngắn. Các tiểu thuyết nổi danh của bà Lessing là cuốn “Ngọn Cỏ Hát” (The Grass is singing, 1950), 4 tập tiểu thuyết gọi với tên chung là “Các Đứa Con của Bạo Lực” (Children of Violence, 1952-69), cuốn “Tập Vở Vàng” (The Golden Notebook, 1962), cuốn “Kẻ Khủng Bố Tốt” (The Good Terrorist, 1985), và 5 tập tiểu thuyết gọi chung tên là “Canopus ở Argos” (Canopus in Argos: Archives, 1979-1983).

Vào năm 2001, bà Doris Lessing được trao tặng phần Thưởng David Cohen (the David Cohen Prize) vì thành quả suốt đời trong nền Văn Chương Anh Quốc rồi vào năm 2007, bà Doris Lessing đã đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương. Khi trao Giải Thưởng này, Hàn Lâm Viện Thụy Điển (the Swedish Academy) đã mô tả bà Lessing như sau: “một người viết sử thi về các kinh nghiệm của phụ nữ, một con người với sự bi quan, với sức mạnh của lòng nhiệt tình và của tầm nhìn sâu sắc, đã kiểm soát được một cách tỉ mỉ một nền văn minh đã bị phân hóa” (that epicist of the female experience, who with skepticism, fire and visionary power has subjected a divided civilization to scrutiny). Bà Lessing là phụ nữ thứ 11 và là nhân vật cao tuổi nhất nhận được Giải Thưởng Nobel Văn Chương.
Năm 2008, tờ báo Times đã xếp hạng bà Doris Lessing đứng thứ 5 trong danh sách “50 Nhà Văn Anh tài giỏi nhất kể từ năm 1945” (the 50 greatest British Writers since 1945).

1/ Đời sống riêng tư.

Doris May Lessing chào đời vào ngày 22 tháng 10 năm 1919 tại Kermanshah, nước Iran, là con gái của Đại Úy Alfred Tayler và bà Emily Maude Tayler (tên con gái là McVeagh), cả hai cha mẹ đều là người quốc tịch Anh. Ông Alfred Taylor đã bị mất một chân khi phục vụ trong quân đội vào thời Thế Chiến Thứ Nhất, đã gặp bà Emily là một y tá tại Bệnh Viện Hoàng Gia Miễn Phí (the Royal Free Hospital), tại nơi này ông đã hồi phục vì bị giải phẫu.
Ông bà Tayler đã di chuyển về Kermanshah vì ông Tayler làm thư ký cho Ngân Hàng Đế Quốc Ba Tư (the Imperial Bank of Persia) và tại nơi này cô bé Doris đã chào đời vào năm 1919. Qua năm 1925, gia đình Tayler dọn về một xứ thuộc địa Anh tại miền Nam Rhodesia (bây giờ là nước Zimbabwe) để trồng bắp và các loại cây khác bởi vì ông Alfred đã mua được 400 mẫu đất tại nơi này. Tại một môi trường khô cằn, bà Emily đã cố gắng sinh sống theo cách phong lưu nhưng lối sống này không thể thực hiện được bởi vì nông trại đã không cung cấp được các sản phẩm giá trị.

Tại Salisbury (bây giờ là Harare), cô Doris đã học tại trường trung học Nữ Tu Viện Dominican (the Dominican Convent High School), đây là trường học Cơ Đốc La Mã chỉ dành cho nữ sinh (a Roman Catholic convent all-girls school). Cô Doris rời khỏi nhà trường năm 14 tuổi, từ đó tự học, xa gia đình năm 15 tuổi rồi làm nghề y công (nursemaid). Cô bắt đầu đọc nhiều sách viết về chính trị và xã hội mà chủ nhân cho mượn rồi cô bắt đầu viết văn vào thời gian này.

Năm 1937, cô Doris trở lại thành phố Salisbury, nhận chân điện thoại viên, lập gia đình với người chồng đầu tiên là ông Frank Wisdom, họ có với nhau 2 người con tên là John sinh năm 1939 và Jean sinh năm 1943, sau đó cuộc hôn nhân của gia đình này tan vỡ vào năm 1943.

Sau cuộc ly dị lần thứ nhất, bà Lessing tham gia  vào Hội Sách Cánh Tả (the Left Book Club), một hội của những người cộng sản ham đọc sách và tại nơi này, bà đã quen thân với ông Gottfried Lessing, là người chồng thứ hai trong tương lai. Họ lập gia đình sau đó và có một đứa con chung tên là Peter, sinh năm 1947. Về sau, ông Grottfried Lessing trở nên Đại Sứ của Đông Đức tại Uganda rồi bị chết vì cuộc nổi loạn vào năm 1979 chống lại nhà độc tài Idi Amin Dada.

Năm 1949, bà Lessing dọn về thành phố London với đứa con trai nhỏ Peter, để lại hai người con gái sinh sống với ông bố của chúng tại Nam Phi (South Africa). Tại nước Anh, bà Lessing tham gia vào các phong trào chống đối võ khí hạt nhân (nuclear arms), phong trào chống kỳ thị chủng tộc apartheid, rồi sau đó phong trào apartheid này bị cấm đoán tại Nam Phi và tại nước Rhodesia. Sau khi Liên Xô xâm lăng nước Hungary, bà Lessing đã ra khỏi đảng Cộng Sản Anh (the British Communist Party).

Trong thập niên 1990, bà Lessing bị một trận đột quỵ nhẹ (mini-stroke) khiến cho bà không thể đi du lịch trong các năm về sau nhưng bà vẫn có thể tham dự các buổi nhạc kịch. Bà Doris May Lessing qua đời tại nhà trong thành phố London vào ngày 17 tháng 11 năm 2013, hưởng thọ 94 tuổi.

2/ Theo Văn Nghiệp.

Vào tuổi 15 tại nước Nam Phi, bà Doris Lessing đã bán được các truyện ngắn cho các tạp chí rồi cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà có tên là “Ngọn Cỏ Hát” (The Grass Is Singing) xuất bản năm 1950. Tác phẩm quan trọng viết xong năm 1962, là cuốn “Tập Vở Vàng” (The Golden Notebook), cho tới ngày cuối đời, bà Doris Lessing đã phổ biến được hơn 50 tác phẩm.

Vào năm 1954, bà Doris Lessing được trao tặng Giải Thưởng Somerset Maugham, năm 1976 là Giải Thưởng Médicis (Prix Médicis étranger) rồi tới năm 1981, bà lại nhận được Giải Thưởng Quốc Gia Áo vì Văn Chương Châu Âu (the Austrian State Prize for European Literature).

Năm 1982, bà Doris Lessing đã viết xong hai cuốn tiểu thuyết dưới tên tác giả là Jane Somers: cuốn “Nhật Ký của một người láng giềng tốt” (The Diary of a Good Neighbour), và cuốn “Nếu Người Già Có Thể” (If the Old Could) xuất bản cả bên Anh và bên Hoa Kỳ vào năm 1983 với cuốn thứ nhất và vào năm 1984 với cuốn thứ hai. 

Bà Doris Lessing được bầu vào Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Anh Quốc, bộ môn Văn Chương (the Royal Society of Literature) rồi vào năm 2007, bà lại được trao tặng Giải Thưởng Nobel Văn Chương khi đã 88 tuổi. Bà Doris Lessing là nhà văn cao tuổi nhất lãnh Giải Thưởng này và là người cao tuổi đứng thứ ba về các loại Giải Thưởng Nobel, sau hai ông Leonid Hurwicz và Raymond Davis Jr. Bà cũng là phụ nữ thứ 11 đoạt Giải Văn Chương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, trong 106 năm lịch sử của Viện này.

Doris Lessing là một trong các nhà văn lớn bởi vì các tác phẩm của bà đã ngự trị trên văn đàn thế giới hơn nửa thế kỷ rồi các sáng tác này đã gây ra nhiều chấn động, mở ra nhiều cuộc tranh cãi và tác động sâu xa khiến cho nhiều người đã nói rằng các tác phẩm của bà Lessing đã làm thay đổi tâm hồn và cuộc đời của họ. Bà Lessing đã xem xét mọi đề tài, cứu xét mọi khía cạnh để tạo nên một thế giới phong phú và mô tả thế giới văn học này bằng một giọng văn riêng biệt, thể hiện cá tính mạnh mẽ và cứng cỏi của tác giả.

Doris Lessing là nhà văn của nữ quyền, nhà văn của châu Phi, nhà văn viết về chủ nghĩa Cộng Sản, nhà văn của nội tâm, nhà văn theo thuyết thần bí “Sufism” và bà cũng là nhà văn viết truyện khoa học giả tưởng.

Các truyện hư cấu của bà Doris Lessing được viết ra trong ba giai đoạn phân biệt: chủ đề Cộng Sản (the Communist theme) từ năm 1944 tới năm 1956, khi bà Lessing đề cập tới các vấn đề xã hội rồi về sau, trở lại vào năm 1985 với cuốn tiểu thuyết “Kẻ Khủng Bố Tốt” (The Good Terrorist). Giai đoạn thứ hai từ năm 1956 tới năm 1969 với chủ đề tâm lý (the psychological theme) rồi sau đó là chủ đề Sufi (đạo Hồi), được khai thác trong loạt truyện khoa học giả tưởng “Canopus tại Argos” (The Canopus in Argos). 

Các tiểu thuyết và truyện ngắn của bà Doris May Lessing đã vượt ra ngoài các giới hạn của truyện hư cấu (fiction), đã thí nghiệm với nhiều loại người khác nhau, đã thám hiểm vào các thế giới của châu Phi, nước Anh và Không Gian (Space), và đã cung cấp các lời bình luận về chính trị, xã hội và văn hóa của thế giới hậu hiện đại (the postmodern world). Bà Lessing là người thừa kế của các nhà văn nữ của thế kỷ 19, những nhà văn này đã chọn các đề tài là cảnh nghèo khó, sự xung khắc giai cấp, chế độ nô lệ và sự bình quyền phụ nữ. Các tiểu thuyết của bà Lessing đề cập từ phong trào hiện thực xã hội (social realism) tới khoa học giả tưởng (science fiction), với sự thám hiểm ngắn hạn vào sự huyền bí hay sự kinh dị.

Sau khi trở về thành phố London vào năm 1949, bà Lessing đã làm cho độc giả kinh ngạc bởi vì bà viết các tiểu thuyết liên quan tới thành phố London sau Thế Chiến, với các cảnh dân chúng già nua, cảnh nương tựa vào trợ cấp xã hội, và với cả các kẻ khủng bố (terrorists). Hai cuốn truyện thuộc loại này là “Nhật Ký của một người Láng Giềng tốt” (The Diary of a Good Neighbour) và “Nếu Người Già có thể” (If the Old Could), hai cuốn này được xuất bản dưới bút hiệu là Jane Somers, rồi cuốn thứ ba “Kẻ Khủng Bố tốt” (The Good Terrorist) đã cung cấp chân dung tâm lý và chính trị với đầy đủ chi tiết, của một nhóm khủng bố cấp tiến sinh sống trong khu vực tồi tàn của thành phố London. Cuốn tiểu thuyết ngắn (novella) có tên là “Đứa Con Thứ Năm” (The Fifth Child) đã kể về một đứa trẻ yêu tinh (a goblin-child) với các câu hỏi không biết đứa trẻ này có phải là hiện thân của quỷ dữ hay không.

Các cuộc thám hiểm Nam Cực của người anh hùng Robert Falcon Scott đã ảnh hưởng sâu rộng tới hai tác phẩm “Các Thí Nghiệm Sirian” (The Sirian Experiments) và “Việc tạo ra người Đại Diện” (The Making of the Representative for Plant 8) của bà Lessing bởi vì nhờ các cuộc thám hiểm này mà bà Lessing đã hiểu rõ miền đất bị tê liệt vì nước đá đóng băng và tuyết phủ, nhìn thấy sự tiến bộ xã hội của thời kỳ Scott, đây là thời đại Edward với niềm tự hào quốc gia và lòng mong đợi của tinh thần đế quốc. Các cuốn tiểu thuyết sau đó đã được bà Lessing mô tả về cách hành xử của con người và các tiến trình xã hội. Một đề tài khác của bà Lessing là một nhóm nhỏ các người nghèo khó, cư trú bất hợp pháp, do tinh thần phản kháng xã hội, họ đã trở thành các con người cách mạng.

Viết xong năm 1962, cuốn truyện “Tập Vở Vàng” (The Golden Notebook) là bản tuyên ngôn phụ nữ của bà Lessing, đã đánh giá thấp hai chủ trương đang được đề cao là chủ nghĩa Cộng Sản (Communism) và học thuyết Freud. Về sau, khi càng về già, bà Lessing đã viết các tiểu thuyết về cảnh già và cảnh chết, việc đối phó với các vấn đề xã hội đang thúc bách và mô tả thực tế ảm đạm mà chúng ta thường quên đi hay bị ức chế.

3/ Các Giải Thưởng.

    • Phần Thưởng Somerset Maugham, Anh Quốc (Somerset Maugham Award, 1954)
    • Giải Thưởng Medicis, nước Pháp (Prix Médicis étranger, 1976).
    • Giải Thưởng Quốc Gia Áo vì Văn Chương Châu Âu (Austrian State Prize for European Literature, 1981).
    • Giải Thưởng Shakespeare, nước Đức (Shakepeare Preis der Alfred Toepfer Siftung, Hamburg, 1982).
    • Phần Thưởng Văn Chương WH Smith (WH Smith Literary Award, 1986).
    • Giải Thưởng Palermo, nước Ý (Palermo Prize, 1987).
    • Giải Thưởng Premio Internazionale Mondello, 1987, nước Ý.
    • Giải Thưởng Premio Grinzane Cavour, 1989, nước Ý.
    • Giải Thưởng James Tait vì tiểu sử (James Tait Black Memorial Prize for biography, 1995)
    • Giải Thưởng Sách Los Angeles Times (Los Angeles Times Book Prize, 1995).
    • Giải Thưởng Premi Internacional Catalunya, 1999.
    • Huy Chương Order of the Companions of Honour, 1999.
    • Tiến Sĩ Danh Dự (Honorary Doctorate) của các Đại Học: Princeton, New Jersey, 1989; Durham, 1990; Warwick, 1994; Bard College, New York, 1994; Harvard, 1995.
    • Viện Sĩ Văn Chương của Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Anh Quốc (Companion of Literature of the Royal Society of Literature, 2000).
    • Giải Thưởng David Cohen (David Cohen Prize, 2001).
    • Premio Principe de Asturias, Tây Ban Nha, 2001.
    • Phần Thưởng S.T. Dupont (S.T. Dupont Golden PEN Award, 2002).
    • Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 2007.

4/ Các Tác Phẩm Chính.

A/ Tiểu Thuyết.

    • Ngọn Cỏ Hát (The Grass is Singing, 1950), quay thành phim với tên là Killing Heat, 1981).
    • Lui về Vô Tội (Retreat to Innocence, 1956)
    • Tập Vở Vàng (The Golden Notebook, 1962).
    • Hồi Ức của một Người Sống Sót (Memoirs of a Survivor, 1974).
    • Nhật Ký của một Người Láng Giềng tốt (The Diary of a Good Neighbour, 1983), ký tên Jane Somers.
    • Nếu Người Già Có Thể (If the Old Could…, 1984), ký tên Jane Somers.
    • Kẻ Khủng Bố Tốt (the Good Terrorist, 1985).
    • Đứa Con Thứ Năm (The Fifth Child, 1988).
    • Tình Yêu, Lần Nữa (Love, Again, 1996)
    • Mara và Dann (1999).
    • Ben, trên Thế Giới (Ben, in the World, 2000), tiếp theo của Đứa Con Thứ Năm.
    • Giấc Mơ ngọt ngào nhất (The Sweetest Dream, 2001).
    • Câu chuyện của Tướng Dann và người con gái của Mara, Griot và con Chó Tuyết (The Story of General Dann and Mara’s Daughter, Griot and the Snow Dog, 2005), tiếp theo truyện Mara và Dann.
    • Vết Nứt (The Cleft, 2007).
    • Alfred và Emily (Alfred and Emily, 2008).
    • Loạt truyện: Các Đứa Con của Bạo Lực (The Children of Violence series).
        a) Martha Quest, 1952.                   
        b) A Proper Marriage, 1954.  
        c) A Ripple from the Storm, 1958.  
        d) The Four-Gated City, 1969.
    • Loạt truyện: Canopus ở Argos (The Canopus in Argos: Archives series).
        a) Shikasta, 1979.   
        b) The Marriages between Zones Three, Four and Five (1980).
        c) The Sirian Experiments (1980).
        d) The Making of the Representative for Planet 8 (1982).
        e) The Sentimental Agents in the Volyen Empire (1983).

B/ Tuyển Tập các Truyện Ngắn.

    • Five Short Novels (1953)
    • The Habit of Loving (1957)
    • A Man and Two Women (1963)
    • African Stories ( 1964)
    • Winter in July (1966)
    • The Black Madonna (1966)
    • The Story of a Non-Marying Man (1972)
    • This Was the Old Chief’s Country (1973)
    • The Sun Between Their Feet (1973)
    • To Room Nineteen (1978)
    • The Temptation of Jack Orkney (1978)
    • Through the Tunnel (1990)
    • London Observed (1992)
    • Spies I Have Known (1995)
    • The Grandmothers (2003)
    • Cat Tales (1967, 1993)
    • The Old Age of El Magnifico (2000)
    • và rất nhiều truyện ngắn khác.

Ngoài ra còn có các tập thơ, kịch, lời ca opera, tự thuật và ký ức, truyện khoa học giả tưởng…

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.



No comments

Powered by Blogger.