Bùi Phạm Thành
Nếu bạn là người tìm thuê phòng (1), và "trời xui, đất khiến" đến ngay địa chỉ này, thì diễn tiến luôn luôn là như sau. Trước tiên, bà Parker, chủ ngôi nhà có nhiều phòng cho thuê, sẽ giới thiệu với bạn căn phòng đôi. Bạn sẽ không đủ can đảm để ngắt lời giới thiệu của bà Parker về căn phòng này, cũng như những đặc điểm của người đàn ông hào hoa phong nhã đã từng thuê nó trong tám năm. Rồi bạn sẽ phải cố gắng lấy hết can đảm, với lời nói nhẹ như hơi thở, là bạn không phải là Bác sĩ hay Nha sĩ, để có đủ điều kiện tài chánh mà thuê căn phòng này. Bà Parker im lặng đáp nhận lời "tự thú" của bạn, mà không phê phán gì về việc cha mẹ bạn đã không làm đủ bổn phận nuôi nấng bạn để trở nên một người có nghề nghiệp cao sang, xứng đáng với căn phòng đôi này của bà.
Tiếp theo đó, lên từng thứ nhì để xem những căn phòng, trước kia cho thuê với giá 12 đô-la, bây giờ đã được bà hạ giá chỉ còn 8 đô-la mà thôi. Trước kia ông Toosenberry đã phải trả 12 đô-la cho căn phòng này cho đến khi ông ta về thay người anh trông nom khu vườn cam ở Florida, gần Palm Beach. Đó cũng là nơi mà bà McIntyre luôn luôn về đó để tránh cơn lạnh mùa đông trong một căn phòng đôi, có phòng tắm riêng. Và bạn thì vẫn cố gắng lắp bắp thật nhỏ là bạn muốn thuê một phòng có giá rẻ hơn.
Nếu bạn có thể nhịn và bỏ qua cái vẻ khinh miệt của bà Parker, bạn sẽ được đưa đến xem căn phòng khá rộng của ông Skidder ở từng ba. Đây không phải là phòng trống, vì ông Skidder vẫn còn đang ở trong đó. Ông này là nhà viết kịch (chưa bao giờ được trình diễn) và hút thuốc liên tục trong căn phòng này. Nhưng tất cả những người tìm phòng để thuê, khi được đưa đến xem căn phòng này, thì đều khen tấm thảm nhỏ nhiều màu sặc sỡ dùng để trang trí của ông là tuyệt đẹp. Cứ mỗi lần có người tới xem phòng thì ông Skidder lại "lên ruột" bởi ông sợ bị đuổi, vì ông thường xuyên thiếu hụt tiền thuê hàng tháng.
Và rồi, vâng, sau hết, đến lúc này mà bạn vẫn còn đứng vững trên đôi chân, với bàn tay nóng hổi, toát mồ hôi, mân mê ba đồng đô-la trong túi, và mạnh dạn tuyên bố rằng bạn "nghèo rớt mồng tơi" thì bà Parker sẽ kết thúc việc hướng dẫn bằng tiếng gọi to như rống "Clara", và quay ngắt bước xuống thang lầu. Rồi thì Clara, người đàn bà da màu giúp việc sẽ tiếp tục đưa bạn leo lên mấy bậc thang kẽo kẹt lên tầng thứ tư, trên cùng, để xem một căn phòng có chiếc cửa kính ở trên trần để lấy ánh sáng. Căn phòng có diện tích 7 feet chiều rộng và 8 feet chiều dài, nằm giữa sàn của từng thứ tư, hai bên là các kệ và ngăn tủ làm bằng gỗ đậm màu để chứa đủ mọi thứ linh tinh.
Bên trong phòng là một chiếc giường nhà binh cũ kỹ bằng sắt, một cái chậu đựng nước để rửa tay, rửa mặt và một cái ghế ọp ẹp, một kệ gỗ được dùng làm "tủ" đựng quần áo. Bốn bức tường tối tăm, trơ trọi, bao bọc chung quanh, như vách của chiếc quan tài. Tay của bạn sẽ ôm lấy cổ, thở hắt ra như bị nghẹn, ngước mặt lên, thì ô kìa, bạn sẽ thở phào khi thấy trên trần có chiếc cửa kính, qua đó bạn được nhìn thấy một mảnh vuông nhỏ bé của trời xanh vô tận.
"Hai đô-la, thưa ông." Clara sẽ nói giá thuê cho bạn biết bằng một giọng nửa thành thị, nửa thôn quê.
oOo
Ngày nọ, cô Leeson đến tìm thuê phòng. Cô mang theo bên mình một chiếc máy đánh chữ, loại được chế tạo để những người đàn bà to lớn có thể tự khiêng theo được. Cô Leeson là một cô gái bé nhỏ, với đôi mắt và mái tóc vẫn tiếp tục phát triển, sau khi thân hình của cô đã ngưng; chúng dường như muốn nói "Trời đất, sao lại ngưng mà không tiếp tục phát triển như chúng tôi đây?"
Bà Parker dẫn cô xem căn phòng đôi, với lời quảng cáo "Trong đó có căn tủ nhỏ (closet), cô có thể để các bộ xương hay thuốc mê ..."
"Nhưng tôi không phải là Bác sĩ hay Nha sĩ," cô Leeson trả lời với giọng có vẻ ngượng ngùng, run rẩy.
Bà Parker ném cho cô Leeson một cái nhìn vừa thương hại vừa khinh khi, cái nhìn lạnh lùng mà bà vẫn dùng với những người không phải là Bác sĩ hay Nha sĩ; và rồi tiếp tục lên từng thứ nhì.
"Tám đô-la?" Cô Leeson thốt lên "Tôi đâu có phải là bà triệu phú Hetty Green (2) cho dù da tôi có xanh như tàu lá. Tôi chỉ là một công nhân nghèo. Cho tôi xem các căn phòng từng trên và rẻ hơn."
Ông Skidder giật bắn mình làm các tàn thuốc lá vãi tung ra sàn nhà khi ông ta nghe tiếng bà Parker và cô Leeson ở ngoài cửa.
"Xin ông Skidder cảm phiền," bà Parker nói qua nụ cười quỷ quái, trước gương mặt tái mét của ông Skidder. "Tôi không biết là ông đang có trong phòng. Tôi muốn cô này được chiêm ngưỡng tấm thảm màu mè của ông."
"Đẹp thật," cô Leeson nói với nụ cười như thiên thần.
Sau khi bà Parker và cô Leeson đi khỏi, ông Skidder quay lại bàn viết, cắm cúi sửa chữa vở kịch đang viết giở, xoá bỏ nhân vật nữ anh hùng có mái tóc dài, đen tuyền, thay vào đó một nhân vật đàn bà tóc hoa râm, mập, lùn, đầy vẻ gian xảo từ cử chỉ đến lời nói.
"Anna Held sẽ nhảy xổ vào đấy," ông Skidder lẩm bẩm một mình, gác chân lên bàn hướng về phía tấm thảm, và rồi chìm ngập trong khói thuốc như con cá đang bị hun khói.
Rồi thì tiếng rống "Clara" của bà Parker báo hiệu tình trạng tìm phòng để thuê của cô Leeson. Một bóng đen to lớn hiện ra, đưa cô lên chiếc cầu thang ọp ẹp, vào một chỗ lù mù của từng trên cùng với giọng nói vô cảm "Hai đô-la!"
"Tôi thuê phòng này!" cô Leeson nói qua tiếng thở dài, gieo mình ngồi bệt xuống chiếc giường sắt kẽo kẹt như rên rỉ.
oOo
Hàng ngày cô Leeson đi làm. Đến chiều, cô mang về những xấp giấy với chữ viết tay để đánh máy lại cho rõ. Thỉnh thoảng khi không có việc gì làm buổi tối, cô cùng những người "hàng xóm" ngồi trên những bậc thang trước cửa nhà để tán gẫu. Cô Leeson đâu có chủ ý nhưng số phận đã khiến cô thuê căn phòng có cửa kính trên trần, bởi cô là người vui vẻ, có trí tưởng tượng rất là phong phú. Có lần cô đã khiến ông Skidder viết ra vở kịch hài hước, ba màn, tuy chưa có ai chấp nhận trình diễn, mang tên "Không Có Trẻ Con; hay Kẻ Thừa Hưởng Đường Xe Điện Ngầm".
Những người đàn ông ở các phòng khác rất thích thú khi cô Leeson có thì giờ ra ngồi ở các bực thang cả một hoặc hai giờ. Về vị trí thì cô Longnecker, người thiếu nữ cao, tóc vàng, dạy ở một trường tiểu học công lập gần đó, ngồi ở bậc thang trên cùng, thường chêm vào câu "Thật vậy sao!" với bất cứ điều gì cô Leeson nói. Cô Dorn, người thích đi bắn vịt ở khu giải trí Coney Sunday và cũng là nhân viên của một tiệm bách hoá, thường ngồi ở bậc thang dưới cùng. Còn cô Leeson thì ngồi ở bậc thang giữa và các ông thì nhanh chóng tranh nhau ngồi quanh cô.
Đặc biệt là ông Skidder, trong đầu, ông đã chọn cô Leeson là diễn viên chính trong một vở kịch lãng mạn (không lời) trong một cuộc sống rất riêng tư với ông ta. Và cũng đặc biệt chú ý đến cô Leeson là ông Hoover, đã 45 tuổi, béo phệ, mặt lúc nào cũng ửng đỏ và có vẻ ngờ nghệch. Còn anh chàng trẻ tuổi Evans thì cũng không kém, anh ta lúc nào cũng giả vờ húng hắng ho khan để mong rằng cô Leeson sẽ để ý và khuyên anh ta bỏ hút thuốc lá. Các người đàn ông "hàng xóm" đồng lòng tặng cô biệt hiệu "người khôi hài nhất và vui vẻ nhất." Thế nhưng cái cô giáo tóc vàng ngồi ở bực thang cao nhất và cô thích bắn vịt ngồi ở bực dưới cùng xem ra có vẻ không đồng ý.
oOo
Vào một buổi chiều Hè, khi mọi người đang ngồi quanh để trò chuyện, cô Leeson ngước mặt nhìn trời và bỗng cười vang:
"Ô kìa, đó là Billy Jackson! Tôi không biết rằng cũng có thể nhìn thấy nó ở dưới này."
Tất cả mọi người đều ngẩng đầu nhìn lên trời, kẻ thì nhìn vào những khung cửa kính của các toà nhà chọc trời, kẻ thì cố tìm hình ảnh của một chiếc máy bay để tìm bóng dáng của Billy Jackson.
"Đó là một ngôi sao," cô Leeson giải thích và dùng ngón tay nhỏ bé của cô để chỉ nó.
"Không phải là ngôi sao lớn đang lấp lánh, mà là một ngôi sao nhỏ, không lấp lánh, màu xanh nhạt gần bên. Tôi vẫn nhìn thấy nó hằng đêm qua khung cửa kính trên trần của phòng tôi. Tôi đặt tên nó là Billy Jackson. Và gọi khung cửa kính trên trần là Belleview - một khung cảnh đẹp tuyệt vời."
"Thật vậy sao!" cô Longnecker nói. "Tôi quả tình không biết cô Leeson là một nhà thiên văn đấy nhé."
"Đúng vậy," cô gái bé nhỏ ngắm sao đêm trả lời, "Tôi biết rõ như họ về cả loại quần áo mà họ sẽ mặc vào mùa Thu năm tới ở trên sao Hoả."
"Thật vậy sao!" cô Longnecker tóc vàng nói "Ngôi sao mà cô nói đến tên là Gamma, thuộc chòm sao Cassiopeia. Nó có độ sáng trung bình và đường kinh tuyến của nó là ..."
"Ồ," anh chàng trẻ tuổi Evans lên tiếng, "Tôi nghĩ cái tên Billy Jackson nghe hay hơn."
"Tôi cũng nghĩ như thế," ông Hoover lớn tiếng phản đối cô Longnecker. "Tôi nghĩ cô Leeson có quyền đặt tên cho các ngôi sao tương tự như bất cứ một nhà thiên văn học cổ xưa nào."
"Thật vậy sao!" cô Longnecker đáp trả.
"Tôi tự hỏi đó có phải là ngôi sao rơi hay không," cô Dorn đưa ra câu hỏi. "Giống như tôi đã bắn rơi chín con vịt và một con thỏ trong số mười con ở khu giải trí Coney Sunday."
"Chúng ta không nhìn thấy nó một cách rõ ràng ở dưới đây," cô Leeson giải thích. "Các bạn nên nhìn nó từ phòng của tôi. Các bạn có biết rằng các bạn có thể nhìn thấy sao trong ban ngày từ dưới đáy giếng hay không. Phòng của tôi, ban đêm, tối như trong hầm mỏ than, và như thế nó làm cho Billy Jackson trông giống như một viên kim cương gắn trên chiếc áo kimono trong đêm tối."
oOo
Có một thời gian cô Leeson không đem về phòng một mảnh giấy ghi chép nào để đánh máy. Và mỗi sáng, cô đi từ văn phòng này đến văn phòng khác để trái tim của cô phải đau nhói với những lời từ chối lạnh lùng, đôi khi xấc xược, của nhân viên văn phòng.
Rồi một chiều nọ, cô Leeson mệt mỏi leo lên các bậc thang để trở về căn phòng của cô như mọi lần sau khi ăn tối ở nhà hàng. Thế nhưng hôm nay, cô không có tiền để ăn bữa tối.
Khi cô mới bước vào hành lang của căn nhà thì ông Hoover béo phì đã đón cô ở đó và nhân cơ hội xin cô kết hôn với ông ta. Cô có cảm tưởng như lời nói thoát ra từ thân hình ục ịch, đầy mỡ của ông Hoover như cơn tuyết lở đang đổ ập vào cô. Cô tránh qua một bên, vịn vào lan can. Ông Hoover định nắm lấy tay cô, nhưng cô lách khỏi và cố gắng giơ tay lên để cho ông ta một cái tát; thế nhưng bàn tay yếu ớt của cô chỉ như phủi bụi trên gò má phúng phính của ông ta, trông tựa như miếng thịt mỡ đã ngả màu treo ở cửa hàng bán thịt trong một buổi ế hàng. Cô mệt mỏi, níu vào lan can để leo từng bậc thang lên phòng. Khi cô đi qua cửa phòng của ông Skidder thì thấy ông ta dùng mực đỏ vẽ đường chỉ dẫn đến sân khấu cho Myrtle Delorme (cô Leeson) trong vở hài kịch (chẳng được chấp nhận bởi một đoàn hát nào cả) và rồi sẽ cùng Bá Tước (ông Skidder) quay cuồng trong một vũ điệu liên hoan... Sau cùng thì cô Leeson cũng vượt qua được những "cửa ải" của đám đàn ông "hàng xóm" trong các căn phòng cho thuê của bà Parker, để "lết" vào căn phòng có cửa kính trên trần của cô.
Cô quá mệt để bật đèn hay thay quần áo. Cô gieo mình xuống chiếc giường sắt. Thân hình mảnh mai của cô xem ra không thể làm lay động nổi những chiếc lò xo rỉ sét của chiếc giường sắt nhà binh cũ kỹ này. Và cô như thiên thần của bóng tối Erebus, trong truyện thần thoại của Hy Lạp, từ từ mở đôi mắt mệt mỏi nhìn lên chiếc cửa kính trên trần và mỉm cười.
Billy Jackson đang chiếu rọi xuống cô Leeson, yên lặng và tươi sáng qua chiếc cửa kính trên trần. Cô có cảm giác như vượt qua thế giới hiện tại, và chìm sâu vào một vùng tối đen, chỉ có một mảnh vuông nhỏ đóng khung ngôi sao mà cô đã tự ý đặt tên. Chắc là cô Longnecker đã nói đúng, đó là sao Gamma, thuộc chòm sao Cassiopeia, chứ không phải là Billy Jackson. Thế nhưng, đối với cô Leeson, thì nó nhất định không phải là Gamma.
Vẫn nằm ngửa người trên chiếc giường sắt, cô cố giơ tay lên đã hai lần. Đến lần thứ ba thì cô có thể đặt hai ngón tay gầy guộc lên môi để gửi một chiếc hôn gió, từ căn phòng tối đen đến Billy Jackson. Và tay cô lại mềm nhũn rơi xuống giường.
"Vĩnh biệt Billy," cô thầm thì yếu ớt. "Anh đang ở hàng triệu dặm xa và anh chưa từng lấp lánh một lần. Thế nhưng anh vẫn ở nguyên một chỗ để em có thể nhìn thấy anh khi không có gì ngoài bóng tối bao phủ chung quanh, có phải thế không anh? ... Hàng triệu dặm xa xôi ... Vĩnh biệt Billy Jackson."
oOo
Clara, cô người làm da màu, nhận ra phòng của cô Leeson vẫn còn khoá cửa lúc 10 giờ sáng ngày hôm sau, và cô tông cửa vào. Nước giấm và những cái đập vào cổ tay cũng như mùi cháy khét của lông chim cũng không đem đến kết quả nào, rồi một người nào đó đã chạy đến điện thoại để gọi xe cứu thương.
Trong chốc lát chiếc xe cứu thương đã đến nơi, một vị bác sĩ trẻ tuổi mặc áo khoác trắng, dáng vẻ nhanh nhẹn, tự tin hiện ra trên khuôn mặt nửa tươi trẻ, nửa nghiêm trọng.
"Nhà số 49 gọi xe cứu thương phải không," ông ta hỏi một câu ngắn gọn. "Có chuyện gì vậy?"
"Đúng thế, Bác sĩ," bà Parker trả lời. "Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho cô ta. Chúng tôi đã làm đủ cách nhưng cô ta không tỉnh lại. Cô ta còn trẻ, tên là Elsie ... à đúng rồi, Elsie Leeson. Chưa bao giờ trong nhà này ..."
"Phòng nào?" người bác sĩ ngắt lời bà Parker.
"Phòng có cửa kính trên trần. Đó là ..."
Xem ra vị bác sĩ của xe cấp cứu có vẻ quen thuộc với vị trí của căn nhà có phòng cho thuê và biết phòng có cửa kính trên trần là phòng nào. Ông ta vội vã bước lên các bực thang, bốn bực cho mỗi bước. Bà Parker thì chậm rãi theo sau như muốn chứng tỏ là người chủ nhà.
Khi bà Parker mới lên đến từng thứ hai thì đã thấy ông bác sĩ đi xuống, trên tay bế "nhà thiên văn", cô Leeson. Ông ta dừng lại, nhăn mặt nói vài câu vắn tắt, không có vẻ gì là thân thiện, nhưng cũng không phải là to tiếng. Bà Parker thì lúc này có vẻ như co dúm người lại. Ngay cả đến lúc sau này khi các người ở thuê hỏi bà rằng bác sĩ đã nói gì với bà.
"Cứ để như thế, cứ cho nó qua đi," bà Parker trả lời. "Nếu tôi có thể được tha thứ cho những gì tôi được nghe từ ông bác sĩ thì cũng dủ hài lòng."
Người bác sĩ lách mình qua khỏi đám người hiếu kỳ, trên mặt biểu lộ sự căng thẳng như chính ông ta là người đang bị nguy hiểm. Leo lên xe cứu thương, vẫn bế cô gái trên tay, ông nói với người tài xế xe cứu thương "Lái nhanh như gió đi, Wilson".
Chỉ vậy thôi. Như thế thì có gì để làm nên chuyện? Ngày hôm sau, tôi nhìn thấy một mẩu tin nhỏ trên báo, dòng cuối của bản tin giúp quý đọc giả (và cả tôi nữa) ráp nối sự kiện vào với nhau.
Bản tin viết rằng xe cứu thương đã chở đến nhà thương Bellevue Hospital một thiếu nữ ở căn nhà số 49 đường East street, bị suy nhược vì đói. Bản tin kết luận với câu:
"Bác sĩ William Jackson, người bác sĩ của xe cứu thương chạy đến tiếp cứu, cho biết rằng bệnh nhân sẽ hồi phục."
Vâng, có điều thú vị hơn nữa là khi tôi tìm hiểu thêm về câu chuyện này thì được biết cô Elsie Leeson được cấp cứu bởi bác sĩ William Jackson, người mà nhân viên trong bệnh viện đặt cho mỹ danh là "Bác sĩ Billy Jackson, ngôi sao sáng về y khoa cấp cứu của nhà thương Belleview." (3)
Nguyên tác:
The Skylight Room
by O. Henry
Chú thích:
(1) Chuyện viết về bối cảnh của dân lao động sống chui rúc trong các khu "ổ
chuột" ở New York vào cuối thế kỷ thứ 19 cho đến những những năm đầu của thế
kỷ thứ 20. Thời bấy giờ, người có việc làm chắc chắn ở xí nghiệp thì có thể có
lương bổng lên tới 300 đô-la mỗi tháng. Những người dân lao động không có việc
làm chắc chắn thì số lương bổng khoảng 20-80 đô-la mỗi tháng.
Thời bấy giờ, người dân không đến phòng mạch gặp bác sĩ, mà bác sĩ ghé nhà
bệnh nhân. Ở vùng quê, người ta trả tiền công cho bác sĩ với một phần tiền và
một phần thực phẩm, như ngũ cốc và gà vịt ...
Năm 1895, ông O. Henry khởi nghiệp viết bài cho báo Houston Post với lương
tháng là 25 đô-la.
(2) Hetty Green (21 tháng 11 năm 1834 - 3 tháng 7 năm 1916), có
biệt danh là Phù thủy Phố Wall (Wall Street), là một nữ doanh nhân và nhà tài
chính người Mỹ được mệnh danh là "người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ" trong Thời
đại Vàng son. Bà cũng được sách kỷ lục thế giới (Guinness Book of World
Records) mệnh danh là "người keo kiệt nhất". Mặc dù giàu có, bà vẫn là một
người ham rẻ nổi tiếng, không chịu mua quần áo đắt tiền hay trả tiền nước
nóng, và chỉ mặc một chiếc váy duy nhất khi đã sờn cũ. Bà ta đã tích lũy được
một tài sản như một nhà tài chính vào thời điểm mà gần như tất cả các nhà tài
chính lớn đều là nam giới. Sau khi bà qua đời, tờ New York Times viết, "Chính
việc bà Green là một người phụ nữ đã khiến sự nghiệp của bà trở thành chủ đề
của vô số sự tò mò, bình luận và kinh ngạc".
(3) Đoạn văn cuối cùng này không có trong nguyên tác, mà do chúng tôi thêm vào
cho rõ nghĩa, bởi vì ông O. Henry viết văn với rất nhiều ẩn dụ, chơi chữ, khi
đặt tên nhân vật và địa danh.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment