Header Ads

Thánh Thomas Aquinas (1225 - 1274) và Nền Triết Học Kinh Viện


Phạm Văn Tuấn

I/ Các Trung Tâm Trí Thức của thời Trung Cổ.

Vào thời Trung Cổ, các trung tâm trí thức tại châu Âu là các Nhà Thờ (the church) với các bộ môn như Y Khoa, Triết Học, Giáo Dục, công việc viết và in ra các sách học, công việc đào tạo các nhà ngoại giao… Nhà Thờ đã giữ các nhiệm vụ quan trọng và nhiều công việc phụ khác. Các trường đại học đầu tiên cũng là các cơ sở của nhà thờ do các tu sĩ điều hành và tham dự là các học viên của các dòng tu. Các kiến thức, các tư tưởng, các điều giảng dạy đều từ các dòng tu này, dĩ nhiên là phải dạy theo quan điểm của Thiên Chúa Giáo.

Các học giả tu sĩ của thời Trung Cổ không phải là đã sinh sống trong các tháp ngà, bị cô lập với các ảnh hưởng bên ngoài mà trái lại, họ đã đi làm việc tại nhiều địa phương, tham dự vào các cộng đồng rộng lớn. Các tu sĩ này là những người đã viết ra sách, chịu cực nhọc để chép tay các bản thảo, để lưu trữ và truyền bá các kiến thức cũng như các tư tưởng của họ.

Dĩ nhiên là các tu sĩ hay học giả của thời Trung Cổ đã tiếp xúc với các quan niệm ở bên ngoài thế giới Thiên Chúa Giáo. Các kiến thức quan trọng còn được lưu truyền cho tới thời gian đó là các sách vở cổ điển của các học giả La Mã (Rome) và đặc biệt Hy Lạp (Greece). Đây là những gì còn lưu lại của các nền văn minh lớn lao. Phẩm chất và giá trị của các tư tưởng Hy Lạp và La Mã thì được coi là hiển nhiên mà các học giả thời Trung Cổ cần phải chấp nhận. Các nhà triết học như Aristotle chẳng hạn, đã cắt nghĩa về thế giới và vũ trụ, nhưng các nhà triết học Hy Lạp và La Mã đã không dẫn chứng gì tới Thượng Đế hay Thiên Chúa (the Christian God). Các học giả Hồi Giáo như Averroes và Avicenna khi diễn giảng về các lời dạy của Aristotle cũng không đề cập tới Thiên Chúa. Như vậy các tu sĩ (churchmen) của thời Trung Cổ đã trình bày thế nào về các ý tưởng này.

Nền triết học của Aristotle đã diễn tả bằng các hình thức liên quan tới biến động (flux) và tính phù du (transience), bằng hình thức (forms) và sự vật (matter), bằng hành động (act) và tiềm năng (potentiality), bằng chuyển động (movement) và thay đổi (change), tất cả đã đưa tới quan niệm về thực thể (being) và không hiện hữu (going out of existence). Nếu nền triết học này áp dụng vào thế giới hiện có thì theo tinh thần của thời Trung Cổ, thứ triết học đó không thể áp dụng với một Thượng Đế vĩnh cửu và không thay đổi (an unchanging, eternal God).

Đã có các câu hỏi liên quan tới cách tiếp cận của Aristotle. Aristotle và các học giả Hồi Giáo đã nói về thế giới đúng như họ đã quan sát thấy. Như vậy sự nhận biết của các giác quan (senses) thì được đánh giá cao. Cách tiếp cận này đã không thích hợp với các ý tưởng mới của thời Trung Cổ theo đó, các giác quan không được coi trọng vì đã làm sai lệch các yếu tố tinh thần.

Bởi vì các học giả cổ điển và Hồi Giáo đã mô tả thế giới đúng như họ nhìn thấy, điều này không đúng theo các quan điểm của Thiên Chúa Giáo. Làm sao một nhà triết học có thể hòa hợp hay tổng hợp các kiến thức nhận biết về thế giới với các kiến thức đã được mô tả trong Thánh Kinh (the Bible). Đây là các vấn đề mà các tu sĩ thời Trung Cổ phải tìm ra một giải pháp.

II/ Nền Triết Học Kinh Viện (Scholasticism).

Đây là một hệ thống triết học nhấn mạnh vào cách dùng lý trí (reason) để khảo sát các vấn đề triết học và thần học (theology), đặc biệt là các nhà triết học kinh viện (scholastics) đã cố gắng chứng minh sự thực (the truth) của các giáo điều Thiên Chúa Giáo (Christian doctrine), đồng thời tìm cách hòa giải các quan niệm trái ngược trong bộ môn Thần Học Thiên Chúa Giáo (Christian theology).

Nền triết học kinh viện tạo ra được các ảnh hưởng lớn mạnh nhất từ năm 1,000 tới năm 1,400, đặc biệt trong các năm 1,200. Phần lớn các nhà triết học kinh viện (scholastics) đã giảng dạy tại các trường học và đại học của miền Tây của châu Âu. Các nhà triết học này đã làm phát triển một phương pháp khảo cứu các câu hỏi triết học và thần học. Phương pháp của họ có tên gọi là “câu hỏi được tranh luận” (the disputed question).

Đầu tiên, người thầy giáo đặt ra một vấn đề (a problem) rồi các học viên liệt kê các lý luận bênh vực hay chống đối để tìm ra một giải pháp nào đó cho vấn đề. Sau đó các học viên đứng tại một vị trí của vấn đề rồi cuối cùng họ đã cứu xét mọi mặt của vấn đề. Dùng phương pháp này, người thầy và các học viên đã cố gắng đạt tới được một cách giải quyết cân bằng (a balanced solution).

Trong quyển sách có tên là “Sách của các Vấn Đề” (Books of Sentences), các nhà triết học kinh viện đã phân tích các câu hỏi thần học và triết học. Cuốn sách này đã chứa đựng các lời dẫn chứng hay tóm tắt của các giáo điều (dogma) được ghi lại trong Thánh Kinh (the Bible), hay từ các tác phẩm của các nhà văn Thiên Chúa Giáo từ thời đại ban đầu tới các công trình của các nhà văn Trung Cổ. Khi các lời dẫn chứng hay tóm tắt tương phản với Thánh Kinh, người biên tập cuốn sách đã cố gắng dàn xếp sự tương phản bằng các lời bình luận riêng của ông ta căn cứ vào lý trí (reason). Vào giữa thế kỷ 12, bốn cuốn sách “Các Vấn Đề” (the Four Books of Sentences) của Peter Lombard đã trở nên sách giáo khoa căn bản về thần học.

Các nhà triết học kinh viện đã huấn luyện các học viên cứu xét mọi mặt của các vấn đề theo luận lý và thuần lý (logically and rationally), và dùng các lời biện hộ vừa ngắn gọn, vừa rõ ràng, nhưng các nhà phê bình cho rằng trường phái kinh viện đã đặt nặng về hình thức cho nên mang tính giả tạo (artificial) và không uyển chuyển (inflexible). Các nhà phê bình cũng cho rằng phương pháp kinh viện dẫn tới sự chấp nhận rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng lý luận (reasoning).

Bộ môn triết học kinh viện bắt nguồn từ các năm 1,000 trong các trường học của các nhà thờ và các tu viện. Các cuốn sách viết về Luận Lý (logic) của nhà triết học Cổ Hy Lạp Aristotle đã gây nên ảnh hưởng rất quan trọng vào nền triết học kinh viện. Aristotle đã dùng luận lý để chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế (the existence of God), cách tiếp cận này đã hấp dẫn được rất nhiều nhà triết học kinh viện, đặc biết là ông Peter Abelard.

Nền triết học kinh viện đã đạt tới điểm cao nhất vào các năm 1,200 tại các đại học của miền tây của châu Âu. Nhiều tác phẩm của Aristotle trước kia không được các nhà triết học Trung Cổ biết tới, nay được phiên dịch sang tiếng La Tinh. Các học giả nhờ vậy đã có thể khảo sát triết học căn cứ vào kinh nghiệm (experience) và lý trí (reason) trong khi trước kia, họ chỉ suy luận căn cứ vào Thánh Kinh và các bản văn của các nhà thần học Thiên Chúa Giáo.

Các nhà triết học kinh viện đã cố gắng làm hòa hợp nền triết học của Aristotle với đạo Thiên Chúa và họ cũng áp dụng triết lý này vào các vấn đề thần học. Các nhà triết học kinh viện chính thuộc thời đại của các năm 1,200 gồm có Thánh Albertus Magnus, Alexander of Hales, Thánh Thomas Aquinas, Roger Bacon, Thánh Bona Venture và Robert Grosseteste.

Thánh Thomas Aquinas là nhà triết học kinh viện quan trọng nhất, đã làm phát triển một nền triết học mà ông ta cho rằng chỉ bằng lý trí (reason), nền triết học này có thể đưa tới các sự thật căn bản (basic truths) về Thượng Đế và linh hồn (God and the soul). Nhưng Thánh Aquinas lại tin rằng con người còn cần tới thứ mặc khải siêu nhiên (divine revelation) để đạt được và khai triển kiến thức đó.

Vào các năm 1300, các nhà triết học kinh viện là John Duns Scotus và William of Ockham đã bác bỏ tư tưởng của Thánh Aquinas nói về lý trí. Hai nhà triết học này tin tưởng rằng các hành động và mục đích của Thượng Đế thì không thể đoán trước được (unpredictable) và phải học hỏi qua mặc khải.

Các trường đại học Tin Lành cũng chấp nhận nhiều phương pháp của nền triết học kinh viện nhưng từ năm 1600, trường phái Kinh Viện đã mất dần ảnh hưởng tại nhiều trường đại học. Vài quan điểm của trường phái này đã được Giáo Hoàng Leo 13 cứu xét lại vào năm 1879 và cho tới ngày nay, nhiều nhà tư tưởng Cơ Đốc Giáo (Roman Catholic thinkers) vẫn còn dùng tới nền triết học Kinh Viện. 

III/ Tiểu sử của Thánh Thomas Aquinas.

Thánh Thomas Aquinas (1225-1274) đôi khi được gọi là Tiến Sĩ Thiên Thần (The Angelic Doctor) hay Hoàng Tử của các nhà triết học Kinh Viện (the Prince of Scholastics). Thánh Thomas Aquinas là một nhà triết học và thần học người Ý mà các công trình của ông được coi là quan trọng nhất trong nền triết học Kinh Viện (Scholastic philosophy) và ông ta cũng là một trong các nhà thần học hàng đầu của Giáo Hội Cơ Đốc La Mã.

Ông Aquinas sinh ra từ một gia đình quý phái tại Roccasecca, gần Aquino và được giáo dục trong tu viện Benedictine (Biển Đức) tại Monte Cassino. Tại nơi này, ông chú của ông là cha bề trên (abbot) nên gia đình của ông hy vọng rằng sau này ông sẽ kế tục con đường tu hành nhưng trước khi ông học hành xong, tu viện đã là chiến trường giữa các đạo quân của Giáo Hoàng và của Hoàng Đế. Vì vậy, ông Aquinas đã chuyển sang theo học tại trường đại học Naples. 

Vào năm 1243 khi người cha qua đời, ông Aquinas là một sinh viên bậc cử nhân. Bà mẹ của ông không muốn ông đi tu nên đã lưu giữ ông trong lâu đài của gia đình trong hơn một năm nhưng rồi bà mẹ đã không thể ngăn cản ước muốn của ông là muốn trở thành một tu sĩ. Tại trường đại học Naples, ông Aquinas đã bị ảnh hưởng của một dòng tu mới rồi vào năm 1244, ông trở thành một sư huynh (friar) của dòng Dominican (Đa Minh), một dòng tu nổi tiếng về dạy học và giảng đạo.       

Vào năm 1248, ông Aquinas theo học nhà triết học Kinh Viện người Đức tên là Albertus Magnus tại thành phố Cologne. Vì ông Aquinas là một người béo mập và ít nói nên các bạn bè đã gọi đùa ông là “con bò đực câm” (Dumb Ox), nhưng ông thầy Albertus Magnus đã tiên đoán rằng “con bò đực này vào một ngày mai, sẽ kêu rống lên trên thế giới”.

Ông Aquinas được thụ phong linh mục vào năm 1250 rồi bắt đầu dạy học tại thành phố Paris vào năm 1252. Các bài viết của ông được phổ biến 2 năm về sau, là các phần tóm tắt và khai triển các bài giảng dạy cho sinh viên. Tác phẩm chính của ông Aquinas là cuốn sách Scripta Super Libros Sententiarum (Writings on the Books of the Sentences = Viết về các Sách của Vấn Đề, 1256?) trong đó gồm các lời bình giảng liên quan tới tài liệu về các bí tích (sacrements) của Nhà Thờ và tài liệu này thuộc về tác phẩm Sententiarum Libri Quatuor (Four Books of Sentences) của ông Peter Lombard, một nhà thần học người Ý.

Vào năm 1256, ông Aquinas được cấp văn bằng Tiến Sĩ về Thần Học (Doctorate in Theology) và được bổ nhiệm làm Giáo Sư Triết Học tại Đại Học Paris. Năm 1259, Giáo Hoàng Alexander IV (trị vì 1254-1261) đã gọi ông Aquinas về Rome, tại nơi này ông Aquinas đã là cố vấn và giảng sư cho triều đình của Giáo Hoàng. Tới năm 1268, ông Aquinas trở về thành phố Paris rồi ngay sau đó, bị liên quan vào cuộc bút chiến với nhà triết học người Pháp tên là Siger de Brabant và các đệ tử của nhà triết học Hồi Giáo Averroes.

Vào thời đại của ông Aquinas, nền triết học của Thánh Augustine đã chế ngự tư tưởng  phương Tây trong 2 thế kỷ thứ 4 và thứ 5. Thánh Augustine dạy rằng muốn tìm kiếm sự thực (the truth), mọi người phải lệ thuộc vào các kinh nghiệm giác quan (sense experience).

Vào khoảng đầu thế kỷ 13, các tác phẩm chính của Aristotle đã được chuyển dịch sang tiếng La Tinh, kèm theo là các lời bình luận của Averroes và của các học giả Hồi Giáo. Sức mạnh, sự trong sáng và thẩm quyền của các lời giảng dạy của Aristotle đã làm cho các kiến thức thực nghiệm (empirical knowledge) được phục hồi và làm thăng tiến một trường phái của các nhà triết học được gọi là các nhà tư tưởng theo Averroes (the Averroists). Dưới sự chủ trương của Siger de Brabant, các nhà tư tưởng theo Averroes đã xác nhận rằng triết học thì đối lập với mặc khải (revelation).

Trường phái của Averroes đã đe dọa nền đạo đức và sự tối thượng của các giáo điều Cơ Đốc La Mã và đã báo động các nhà tư tưởng chính thống (orthodox thinkers). Các nhà tư tưởng theo Averroes đã tin rằng không thể dùng các lời giảng dạy của Aristotle. Nhà triết học Albertus Magnus và các học giả khác đã cố gắng phản bác các lý luận của trường phái Averroes nhưng họ đều thất bại. Cuối cùng, Thomas Aquinas đã thành công.

Thomas Aquinas đã tìm cách hòa hợp nguyên tắc tinh thần (the human spiritual principal) của Thánh Augustine với kiến thức do giác quan mang lại của trường phái Averroes, ông đã nhấn mạnh rằng các sự thật của niềm tin (faith) và của các kinh nghiệm do giác quan (sense experience) như Aristotle đã từng trình bày, thì thích hợp với nhau và bổ túc cho nhau. Ông Aquinas quan niệm rằng sự bí ẩn về nhập thế (incarnation) chỉ có thể hiểu biết qua mặc khải (revelation) trong khi kiến thức về các sự vật (material things) có thể đạt được qua kinh nghiệm, còn về sự hiện hữu của Thượng Đế (God) thì phải do cả hai. Ông Aquinas cho rằng mọi kiến thức bắt nguồn từ cảm nhận nhưng các yếu tố cảm nhận có thể là không nói ra được (intelligible) mà phải do hành động của tri thức, sự việc này dẫn tới các thực thể không vật chất (immaterial realities) như linh hồn của con người (human soul), các thiên thần (angels) và Thượng Đế (God). Để thấu hiểu được các sự thực cao siêu mà tôn giáo quan tâm tới, cần phải có sự mặc khải (revelation).

Thomas Aquinas đã xác định vị trí của ông qua tác phẩm De Unitate Intellectus Contra Averroistas (1270), được dịch là The Trinity and the Unicity of the Intellect (Chúa Ba Ngôi và tính đồng nhất của tri năng). Công trình này đã phản bác lại các kẻ chống đối về tư tưởng và đây là những người bị Nhà Thờ Cơ Đốc La Mã lên án.

Vào năm 1272, Thomas Aquinas rời thành phố Paris để tới thành phố Naples, tại nơi đây ông đã tổ chức một trường học mới thuộc dòng tu Dominican. Vào tháng 3 năm 1274, trong khi đi tham dự Công Đồng Lyon (the Council of Lyon) là nơi tổ chức do lệnh của Giáo Hoàng Gregory 10, Thomas Aquinas bị đau ốm. Ông qua đời vào ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại tu viện Cistercian của thành phố Fossanova.

Thomas Aquinas được “phong thánh” bởi Giáo Hoàng John 12 vào năm 1323 và được công nhận là vị “Tiến Sĩ của Nhà Thờ Cơ Đốc” (Doctor of the Church) bởi Giáo Hoàng Pius V vào năm 1567. 

IV/ Các thành quả và ảnh hưởng của Thánh Thomas Aquinas.

Thánh Thomas Aquinas đã tổng hợp các tư tưởng triết học để cho thích hợp với Thánh Kinh và các giáo điều của đạo Cơ Đốc La Mã (Roman Catholic).
Thánh Thomas Aquinas là nhà thần học và triết học đã thành công hơn rất nhiều nhà tư tưởng khác, ông đã xếp đặt kiến thức của thời đại của ông để phục vụ cho đức tin của ông. Ông đã cố gắng làm hòa hợp đức tin với trí thức, đã tạo nên sự tổng hợp triết học bằng cách dùng các tác phẩm và các lời giảng dạy của Aristotle và các nhà hiền triết khác, gồm có Thánh Augustine và các học giả của Nhà Thờ Cơ Đốc (the Catholic Church), của nhiều học giả Hồi Giáo kể cả Averroes, Avicenna, của các nhà tư tưởng Do Thái như Maimonides và Solomon ben Yehuda ibn Gabirol cũng như của các nhà triết học đi trước thuộc trường phái kinh viện. Thánh Thomas Aquinas đã tổng hợp các tư tưởng triết học để cho thích hợp với Thánh Kinh và các giáo điều của đạo Cơ Đốc La Mã (Roman Catholic).

Thánh Thomas Aquinas đã làm việc liên tục trong 30 năm trường với tư cách là tu sĩ Dominican (Đa Minh), ông đã viết ra các loại sách: khảo sát về thần học, các tác phẩm triết học tổng quát, bình luận về nhiều sách trong Thánh Kinh, bình luận về các tác phẩm của Aristotle.

Vào thời đại của Thánh Thomas Aquinas, nền triết học Thiên Chúa Giáo đã dạy mọi người rằng con người gồm có hai phần, đó là một linh hồn duy lý (a rational soul) và một thể xác vật chất không có sức mạnh (a powerless, material body). Quan niệm này bắt nguồn từ nhà triết học Plato người Hy Lạp, và còn được lưu truyền cho tới thời Trung Cổ nhờ các bài viết của Thánh Augustine.

Thánh Thomas Aquinas đi theo một đường lối khác, đó là dùng các tư tưởng của nhà triết học Aristotle theo đó, con người là một kết hợp của linh hồn và thể xác (body and soul). Ngoài ra, các người dân theo Thiên Chúa Giáo vào thời Trung Cổ còn tin tưởng rằng sau khi con người chết đi, linh hồn không chết và thân thể sau này có thể được sống lại. Nếu một thân thể là vật chất và không hoàn hảo, thứ thân thể này không thể sống lại nhưng nếu thứ thân thể đó có một linh hồn thì sự phục sinh (resurrection) sẽ được dễ dàng hơn.

Thánh Thomas Aquinas đã coi trọng thân thể hơn là các triết gia của thời đại trước, như vậy các nhận biết của giác quan đã được chấp nhận để cứu xét các vấn đề, nhận định này thích hợp với thời đại mới bởi vì vào thời kỳ đó, kiến thức của con người được căn cứ vào các nhận biết của giác quan. Như vậy Thánh Thomas Aquinas đã kết hợp linh hồn và thể xác, kiến thức của con người với sự mặc khải Thiên Chúa và từ nay, niềm tin và lý trí không còn bị coi là hai sức đối lập mà đã được phân biệt rõ ràng: niềm tin từ sự mặc khải và niềm tin liên quan tới các sự thật thần linh (divine truths), còn lý trí (reason) liên hệ tới các kinh nghiệm của con người (human experience) và sự chứng minh (demonstration).

Theo Thánh Thomas Aquinas, niềm tin và lý trí không phải là tách rời nhau: lý trí yểm trợ cho niềm tin và sự mặc khải và Thánh Aquinas đã nói rằng: “không có thứ nào tồn tại trong tri thức trừ khi đầu tiên đã được tồn tại trong các giác quan” (nothing exists in the intellect unless first in the senses). Sau đó, sự liên hệ giữa niềm tin (faith) và lý trí (reason) đã được Thánh Aquinas trình bày trong thái độ đối với sự hiện hữu của Thượng Đế (the existence of God).

Trong cuốn sách “Tóm Tắt Khảo Sát về Thần Học” (Summa Theologica), Thánh Thomas Aquinas đã chứng minh 5 lần rằng Thượng Đế thì có thật (God’s existence). Cả 5 chứng minh này đều bắt đầu bằng tác dụng của Thượng Đế đối với thế giới cảm nhận (the sensible world) mà chúng ta có thể nhận biết. Chứng minh đầu tiên bắt đầu bằng quan niệm rằng mọi thứ trên thế gian đều bị tác dụng bởi một thứ khác, đây là một chuỗi luật nhân quả (cause and effect) và Thượng Đế phải là nguyên do (the cause) của tất cả các biến chuyển.

Thánh Thomas Aquinas đã đưa mọi người từ thế giới của các giác quan tới thế giới của Thượng Đế (the world of God). Ông cũng đặt nặng lý trí bởi vì chúng ta dùng lý trí để xét đoán (judgement) rồi đưa tới các hành động tốt hơn hay là xấu hơn. Lý trí đã cho chúng ta khả năng xét đoán và như vậy, chúng ta được chọn lựa để hành động, được tự do để tránh làm các việc ác, nhưng Thánh Aquinas còn nói rằng chúng ta còn cần tới các hồng ân (grace) của Thượng Đế. Vài đức tính có thể thực hiện do cách chọn lựa đơn giản căn cứ vào đạo đức, chẳng hạn như sự thận trọng (prudence), còn niềm tin (faith), hy vọng (hope) và lòng từ thiện là do từ hồng ân của Thượng Đế. Như vậy theo Thánh Aquinas, con người khi sinh sống, cần phải phối hợp cả các đức tính do bản năng (human qualities) với các đức tính thần linh (divine qualities).

Thánh Thomas Aquinas cũng khuyến khích các học giả khác làm các công việc bổ túc cho ông, chẳng hạn như ông nhờ người bạn cùng tu là ông William of Moerbeke chuyển dịch các tác phẩm của Aristotle từ nguyên bản bằng tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh, là ngôn ngữ của nhà thờ Cơ Đốc, nhờ vậy các cuốn sách dịch này đã được nhiều học giả thời Trung Cổ xử dụng dễ dàng.

Thánh Thomas Aquinas là một tác giả rất phong phú bởi vì ông đã viết ra vào khoảng 80 tác phẩm. Hai tác phẩm quan trọng nhất của ông là cuốn Summa Contra Gentiles (1261-64) (On the Truth of the Catholic Faith, 1956 = Về sự Thực của Niềm Tin Cơ Đốc), đây là cuốn sách để khuyến dụ các nhà trí thức Hồi Giáo về sự Thật của Thiên Chúa Giáo.

Tác phẩm thứ hai có tên là Summa Theologica (Summary Treatise of the Theology, 1265-73 = Tóm Tắt Khảo Sát về Thần Học), bộ sách này gồm 3 cuốn: Về Thượng Đế (on God), Đời Sống Đạo Đức của Con Người (the moral life of man) và Chúa Kitô (Christ), cuốn thứ ba này chưa được viết xong. Bộ sách Summa Theologica đã được xuất bản nhiều lần bằng tiếng La Tinh và bằng các ngôn ngữ địa phương.

Các thành quả của Thánh Thomas Aquinas rất to lớn, các công trình của ông là một trong vài đỉnh cao của Lịch Sử Triết Học. Sau Thánh Thomas Aquinas, các nhà triết học phương Tây thường đã đi theo nền triết học Thomism của ông, nhất là vào cuối thế kỷ 19. Trong Thông Điệp Aeterni Patris (Of the Eternal Father, 1879 = Về Chúa Cha Vĩnh Cửu), Đức Giáo Hoàng Leo 13 đã khuyên mọi người rằng nền triết học của Thánh Thomas Aquinas phải là căn bản giáo huấn trong tất cả các trường học Cơ Đốc La Mã (in all Roman Catholic schools).

Các tác phẩm của Thánh Thomas Aquinas rất phong phú trong khi đó sự mới lạ của các tư tưởng của ông cũng rất đáng kể. Thánh Aquinas đã mang lại sự thay đổi trong tư tưởng Thiên Chúa Giáo, làm biến đổi quan điểm của nhân loại, làm thay đổi sự liên hệ giữa tinh thần với thế giới, thể xác và linh hồn, niềm tin và lý trí.

Bằng cách dùng các tư tưởng của Aristotle, Thánh Thomas Aquinas đã hợp thức hóa thứ tư tưởng cổ điển khiến cho các học giả đương thời phải chấp nhận, đồng thời ông nuôi dưỡng nền học vấn và văn chương cổ điển mà nếu không, hai thứ này có thể bị thất lạc.

Thánh Thomas Aquinas đã đánh giá cao lý trí (reason) khiến cho ảnh hưởng của ông đã tồn tại được lâu dài. Vài học giả cho rằng ông là người đi trước của Thời Đại Khai Sáng của nước Pháp (the French Enlightenment), của Thời Đại Lý Trí (the Age of Reason) của thế kỷ 18, và cũng của Thời Đại Phục Hưng (the Renaissance). Thời đại sau này căn cứ vào chủ nghĩa nhân bản (humanism) với sự chú trọng vào các kinh nghiệm của con người, vào sự hiển nhiên về khoa học đối với các giác quan (the senses) và vào sự nhận thức về mỹ thuật của cơ thể con người. Sự phối hợp các nhận thức của con người với tư tưởng thần học, với nền học vấn cổ điển, đã được diễn tả rõ ràng trong các sách của Thánh Thomas Aquinas, nhờ vậy Thời Kỳ Phục Hưng và thế giới hiện đại sau này đã phát triển bằng các bước tiến quan trọng.

Vào năm 1950, trong Thông Điệp Humani Generis (Of the Human Race = Về Loài Người), Đức Giáo Hoàng Pius 12 xác nhận rằng nền triết lý Thomism là đường lối hướng dẫn chắc chắn nhất để đi tới các giáo điều của đạo Thiên Chúa La Mã.

Ngày nay, nền triết học của Thánh Thomas Aquinas vẫn còn là một trong các trường phái dẫn đầu trong tư tưởng hiện đại. Trong số các nhà tư tưởng theo đường lối của Thánh Thomas Aquinas có các nhà triết học người Pháp là các ông Jacques Maritain và Etienne Gilson.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Thomas_Aquinas

No comments

Powered by Blogger.