Một hôm con cọp lang thang
Vô tình cọp mới đi ngang cánh đồng
Thấy con trâu nọ đang nằm
Nhai rơm nghỉ mệt vừa xong buổi cày.
Cọp rằng: "Này anh trâu này
Sừng nhọn, thân lớn kéo cày làm chi
Thằng người nhỏ bé tí ti
Cầm roi sai khiến nói gì cũng nghe
Anh khoẻ, nó yếu thế kia
Tại sao anh lại chịu bề làm công."
Trâu rằng: "Tuy người nhỏ hơn
Nhưng nó có cái túi khôn vô cùng
Chim muông, gia súc, thú rừng
Con nào cũng phải phục tùng, nghe theo."
Cọp rằng: "Có chuyện ấy sao
Túi khôn hình dạng thế nào, ở đâu?"
Trâu rằng: "Chẳng thể tả đâu
Tìm người mà hỏi trước sau, ngọn ngành."
Cọp bèn tìm chỗ ẩn mình
Chờ người đến mới thình lình nhảy ra:
"Này người không cần sợ ta
Túi khôn đâu lấy cho ta xem cùng."
Thấy cọp người sợ thất thần
Nhưng nghe cọp hỏi, người dần hiểu ra:
"Túi khôn tôi để ở nhà
Nên không có sẵn để mà trình ra."
Cọp rằng: "Hãy trở về nhà
Lấy túi khôn ấy cho ta xem nào."
Người rằng: "Việc ấy chẳng sao
Nhưng tôi đi khỏi việc nào xảy ra?
Trâu tôi chắc cọp chẳng tha
Làm sao tôi dám đi xa nơi này
Hay là tôi lấy sợi dây
Buộc cọp vào gốc cây này được chăng?
Như vậy tôi mới an tâm
Nhà tôi thì cũng ở gần đây thôi."
Thích chí, cọp nghe theo lời
Để người trói chặt vào nơi cây này
Trói xong người nói: "Xem đây
Túi khôn ta ở ngay đây, hãy nhìn."
Nói xong dùng lửa đốt liền
Bị đốt cọp chợt hiểu liền: "Người khôn."
Vùng đứt dây, cọp chạy luôn
Lông vàng bị đốt theo đường buộc dây
Cọp có vằn đen từ đây
Trâu thì cười té lăn quay đập mồm
Hàm trên bị gãy mất luôn
Đến nay không có trong mồm hàm trên
Loài người khôn ngoan cho nên
Luôn luôn đứng ở bên trên muôn loài.
Bùi Phạm Thành
(ngày 16 tháng 2 năm 2022)
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Câu chuyện nói lên sự độc ác và mưu kế lừa đảo của con người để diễn tả "Thế nào là khôn". Tôi không nghĩ câu chuyện dân gian này có giá trị giáo dục tốt cho trẻ thơ và không thấy hãnh diện vì có nó trong kho tàng văn chương của nước Việt.
ReplyDeleteTrước hết chúng tôi xin gửi lời cảm ơn và tôn trọng ý kiến của quý vị đọc giả (Đinh Hoàng).
DeleteTheo thiển ý của chúng tôi thì ý kiến của quý vị, hiển nhiên, là ý kiến cá nhân theo cách nhìn và suy luận riêng của quý vị. Bởi vậy, chúng tôi không bàn đến chuyện "đúng/sai", mà chỉ muốn nói lên cảm nghĩ và nhận xét riêng của cá nhân chúng tôi trên cương vị tác giả và là người kể chuyện mà thôi.
Như chúng ta đã biết, khi phải đương đầu với kẻ ác thì con người phải tận dụng trí khôn để bảo tồn sinh mạng. Điều này cho thấy rõ trong binh thư gọi là "mưu kế". Thế nhưng, dưới một khía cạnh khác, quý vị có thể gọi đó là sự "lừa đảo". Trong tình thế hiện nay về chiến tranh xâm lăng của Nga vào Ukraine, thì "mưu lược/lừa đảo" của Nga và Ukraine đều nhắm vào một mục đích chiến thắng. Thế cho nên, tuỳ vị trí của người nhận xét thì chỉ có một bên là "mưu lược" và bên kia là "lừa đảo".
Trong câu truyện "Túi khôn của người" thì hiển nhiên con cọp là biểu tượng của kẻ "ác" và người nông dân là biểu tượng của người "hiền", có mưu trí.
Trong nhận xét đó, chúng tôi cho rằng câu chuyện kể trong dân gian mà chúng tôi kể lại bằng thơ rất đáng được đọc và suy ngẫm.
Rất trân trọng,
Bùi Phạm Thành